Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chuyện Dài Bất Tận

Chương 1

Tác giả: Michael Ende

Chuyện dài bất tận, câu chuyện kể về cuộc phiêu lưu của hai đứa trẻ – thằng Bastian cô độc rụt rè ở thế giới thực và thằng Atréju Da xanh quả cảm ở Vương quốc Tưởng tượng – đã làm say mê hàng triệu độc giả trên toàn thế giới và được coi là một kiệt tác văn học. Tác giả của nó, nhà văn Đức Michael Ende, được sánh ngang với những tên tuổi như J.R.R Tolkien cùng C.W Lewis.Chuyện dài bất tận đã bán gần 8 triệu bản, được dịch ra 40 thứ tiếng, và được đạo diễn lừng danh Wolfgang Petersen dựng thành phim. Một cuốn sách dành cho tất cả trẻ con và cũng dành cho tất cả người lớn.

Nhận định

“Như câu chuyện của Peter Pan, Chuyện dài bất tận gợi ý cho ta rằng chẳng thà ta tin và chấp nhận bị gọi là thằng điên còn hơn là một kẻ chẳng tin vào điều gì và cứ thế mà già đi… Ende đã nhóm lại ngọn lửa tin tưởng trong ta… Ta có thể chạm được tới đứa trẻ con ở trong chính mình, đứa vẫn vỗ tay đón chào cô tiên Tinkerbell.”

– Glamour

“Một cuốn sách thiếu nhi dành cho người lớn. Và cũng là một cuốn sách người lớn dành cho trẻ em.”

– Berliner Morgenpost

“Chuyện dài bất tận thay thế một nửa thư viện.”

– Deutsches Allgemeines Sonntagsblatt

“Kỳ diệu, huyền ảo, ngụ ngôn… đã hiện ra như vậy trước chúng ta cuốn sách của Michael Ende – một kiệt tác mà cuối cùng cũng đã được dịch ra tiếng Pháp sau khi đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng khác.”

– SDM

“Trong dòng chảy của Tolkien và của Borges, một câu chuyện diệu kỳ cho tất cả những người trẻ tuổi từ 12 đến 92.”

– SDM

“Chuyện dài bất tận của Michael Ende là một anh hùng ca kỳ ảo với tất cả những yếu tố kinh điển của thể loại; những kỳ nhân quái thú, những cảnh sơn lâm xa ngái, những cái tên hoang dã, những bùa hộ mạng cùng là báu kiếm… Cuốn sách lại còn được in hẳn chữ xanh chữ đỏ… Tất cả khiến cho ta cảm thấy sung sướng như đi vào một ngày hội của trí tưởng tượng… Một tác phẩm kỳ tài kết hợp cùng lúc cả Tolkien và Peter Pan…”

– The New York Times

“Một cú nhảy đột ngột vào huyền diệu…”

– Washington Post

Những lời ca ngợi

“Trước hết, cuốn truyện là của trẻ con với những cuộc phiêu lưu kỳ thú; nhưng với kỹ năng của Michael Ende, câu chuyện đã trở thành một ngụ ngôn sâu sắc cho người lớn.”

San Diego Union

“Xuất sắc là một từ không đủ để ca ngợi Chuyện dài bất tận – cuốn sách ở vị tí best seller số một tại Đức suốt ba năm liền một cách xứng đáng: nó đặc sắc, hóm hỉnh và tôn vinh quyền lực của tưởng tượng… Giống như The Hobbit hay Lord of the Rings, Chuyện dài bất tận mô tả cuộc chiến giữa thiện và ác ở vương quốc Tưởng Tượng, trong khuôn khổ của một-câu-chuyện-trong-một-câu-chuyện. Chuyện dài bất tận thách thức trí tưởng tượng của ta… “

Des Moines Register

“Điều khiến cuốn sách trở nên kỳ lạ là ở giữa chừng Bastian đã trở thanh nhân vật chính trong cuốn sách mà nó đang đọc… Và truyện đã trở thành cuộc đời khi Bastian nhập vai một cách kỳ lạ trong đó, ở giữa ranh giới của tưởng tượng và hiện thực…”

Newsweek

“Bastian Balthazar Bux là một thằng bé chẳng bằng ai. Qua những trang của một cuốn sách cổ, nó khám phá ra một thế giới huyền bí mê hoặc – một thế giới đang tan rữa – và nhiệm vụ phải là vạn vật tốt đẹp trở lại bỗng nhiên rơi vào Bastian – vậy là bắt đầu một cuộc phiêu lưu kỳ diệu và không thể nào quên….”

Synopis

“Một tác phẩm đáng kể và một nhãn quang đáng nể về những gì cuộc đời vẫn lưu giữ cho những kẻ dám ngắm nhìn…”

The Economist

“Một câu chuyện kỳ diệu về cuộc phiêu lưu, truy tầm và trì hoãn, nguy hiểm, đợi chờ và chiến thắng…”

The Times Literary Supplement

“Thật mê đắm, thật dũng cảm, một lời tuyên bố tuyệt vời về quyền sống của trí tưởng tượng: trong văn học và trong cuộc sống của chính chúng ta.”

Frankfufer Allgeimeint Zetung.

“Chuyện dài bất tận giàu có cả tình yêu lẫn tưởng tượng, được kể bằng một ngôn ngữ giản dị và cổ xưa như là ngụ ngôn.”

Oggi magazine

“Một tác phẩm cắt dán lỗi lạc từ những bức tranh thần thoại.”

Die Zeit

“Một hồi kèn trumpet vang dội đón chào trí tưởng tượng.”

Sunday Times

“Đây là môt kiệt tác… Tôi bị lôi cuốn vào và không thể nào bỏ sách xuống được… Một sự sáng tạo tuyệt diệu”

Sotsman

“Thành danh nhờ Momo, nhưng Michael Ende đạt tới địa vị đứng đầu trong văn học thiếu nhi Đức chính là nhờChuyện dài bất tận.”

Viện nghiên cứu Văn học thiếu nhi Trung Quốc

Tác giả

Michael Ende

(1929-1995) là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của Đức, đồng thời cũng là một trong những tác gia toàn tài nhất. Ngoài sách dành cho thiếu niên, nhi đồng, ông còn viết thơ thuyết minh cho truyện tranh, sách cho người lớn, sáng tác nhiều vở kịch và thơ. Rất nhiều sách của ông đã được dựng phim và sử dụng cho sân khấu, truyền thanh, truyền hình.

Với Chuyện dài bất tận, Michael Ende đã nhận được vô số giải thưởng văn học Đức và quốc tế như Buxtehuder Bulle, Cây bút bạc Rotterdam, Giải thưởng sách thiếu nhi Châu Âu. Cuốn sách đã được đạo diễn lừng danh Wolfgang Petersen dựng thành phim.

“Chuyện dài bất tận ở Đức cũng giống như Tây du kí ở Trung Quốc…”

– Giang Tây nhật báo

Michael Ende sinh ngày 12.11.1929 tại Garmisch-Partenkirchen (bang Bayern, Nam Đức), mất ngày 28.8.1955 tại Stuttgart (bang Baden-Wrttemberg, NamĐức). Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương từ năm 1960, chủ yếu viết truyện cho thiếu nhi. Trong hàng chục tác phẩm của ông, ngoài Chuyện dài bất tận còn có Momo (xuất bản năm 1973) – truyện thần thoại về những tên ăn cắp thời gian và về một bé gái đem lại cho con người thời gian bị mất cũng rất thành công và đã được dựng thành phim.

Michael Ende từng được trao các giải thưởng:

* Đức

Giải thưởng “Con bò của thành phố Buxtehude”

Giải thưởng sách dành cho thanh thiếu niên Đức

Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Đức dành cho văn học thiếu niên, nhi đồng

Giải thưởng độc giả yêu chuộng

Giải thưởng Wilhelm-Hauff

* Ý

Giải thưởng hàn lâm dành cho tác phẩm nghệ thuật xuất sắc Florence,

Giải “Lorenzo il Magnifico 82”

Giải “Bronzi di Riace 82”

Giải thưởng Văn học Kiwanis

* Hà Lan

Giải cây bút bạc Rotterdam 83

* Châu Âu

Giải thưởng sách thiếu nhi châu Âu

Michael Ende còn được giải Janusz-Korczak của Ba Lan cho sự nghiệp văn học của ông.

Chuyện dài bất tận đã được dịch ra các thứ tiếng sau:

Albania, Ả Rập, Basque, Bulgaria, Catalan, Trung Croatia, Đan Mạch, Hà Lan, Anh (Vương quốc Anh và Mỹ), Quốc tế ngữ, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Do Thái, Hungary, Iceland, Ý, Nhật, Hàn, Latvia, Lithuania, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Nga, Serbia, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Việt.

ŨƆ HƆÁS ∩ỆIH

ɹǝpuɐǝɹoʞ pɹɐunoʞ lɹɐʞ:uâɥu ủɥƆ

Dòng chữ này viết trên cửa kính một cửa hiệu nhỏ, nhưng người ta chỉ có thể đọc được như bình thường khi đứng trong căn phòng sáng nhập nhoạng nhìn ra ngoài đường, qua lớp kính.

Hôm ấy vào một buổi sáng tháng Mười một u ám và lạnh lẽo, trời mưa như trút. Nước mưa chảy ròng ròng trên những chữ cái loằng ngoằng. Tất cả những gì người ta có thể thấy được qua cửa kính là một bức tường loang lổ ướt bên kia đường.

Thình lình cánh cửa bị giật mạnh đến nỗi chùm chuông[1] nhỏ bằng đồng thau treo trên cửa bật rung inh ỏi, mãi một lúc mới dứt.

[1] Ở Âu Mỹ, treo chuông nơi cửa ra vào là một trong những cách để người bán hàng trong các cửa hiệu nhỏ biết mỗi khi có khách vào. (Mọi chú thích trong sách là của người dịch – Lê Chu Cầu)

Kẻ gây ra tiếng chuông om sòm này là một thằng nhỏ mập ú độ mười hay mười một tuổi. Mái tóc nâu thẫm bết nước lòa xòa trên mặt nó, nước nhỏ giọt từ chiếc áo măng-tô ướt nhẹp, nó khoác một cái cặp trên vai. Mặt nó hơi tái và nó thở hổn hển, nhưng ngược hẳn với vẻ hối hả vừa mới rồi, nó đứng như trời trồng nơi cánh cửa đang mở ngỏ.

Trước mặt nó là một căn phòng hẹp, dài hun hút ra tuốt phía sau trong ánh sáng mờ mờ. Trên tường gắn kệ tới tận sát trần nhà, chất đầy sách to nhỏ đủ loại. Dưới sàn nhà chất hàng chồng sách khổ to, trên mấy cái bàn là hàng núi sách nhỏ hơn, gáy da, nhìn nghiêng thấy lấp lánh như dát vàng. Sau một bức tường sách cao bằng đầu người sừng sững ở cuối căn phòng có ánh đèn sáng. Trong cái vầng sáng đó thỉnh thoảng lại bay lên một vòng khói, nó tỏa lớn ra rồi tan vào bóng tối trên cao. Trông cứ như những tín hiệu người da đỏ vẫn dùng để truyền tin từ núi này qua núi khác. Hẳn là có người ngồi ở đó và quả vậy, thằng bé nghe một giọng nói khá cộc lốc từ phía sau bức tường sách:

– Xin vào trong này hoặc đứng ngoài kia mà trầm trồ, nhưng hãy khép cửa lại, kẻo gió lùa.

Thằng bé nghe lời, khẽ khép cửa lại. Rồi nó lại gần bức tường sách, thận trọng ngó quanh “góc tường”. Ở đó có một ông mập lùn ngồi trên cái ghế bành bằng da cao tới tai đã sờn. Ông mặc bộ đồ đen nhăn nhúm, trông có vẻ sờn cũ và bám bụi. Bụng ông bó trong một cái áo chẽn hoa. Đầu ông hói bóng, trên mỗi bên tai chỉ còn một dúm tóc bạc trắng dựng ngược. Mặt ông đỏ gay khiến người ta liên tưởng tới mặt một con chó dữ. Một cặp kính gọng vàng ngự trên cái mũi trông như củ khoai. Ngoài ra ông còn hút một cái tẩu cong vòng, ngậm bên khóe miệng khiến méo cả mồm. Ông giữ trên đầu gối một quyển sách rõ ràng là đang đọc, vì khi gập sách lại ông để nguyên ngón trỏ to bè của bàn tay trái giữa những trang sách như để làm dấu.

Rồi ông đưa tay phải gỡ kính, chăm chú nhìn thằng bé mập đang đứng trước mặt, áo quần nhểu nước; mắt ông nheo lại khiến càng thêm vẻ dữ tợn nhưng ông chỉ lầm bẩm: “Trời đất ơi!” rồi lại mở sách ra đọc tiếp.

Thằng bé không biết phải làm gì nên đành đứng ì trố mắt nhìn ông ta. Cuối cùng ông ta gập sách lại – vẫn để ngón tay giữa các trang sách như hồi nãy – rồi làu bàu:

– Nghe này nhỏ, tao không ưa con nít. Thời buổi này thiên hạ đua đòi theo mốt làm chuyện này chuyện kia với tụi bay, nhưng tao thì không! Tao hoàn toàn không phải là bạn của lũ trẻ con. Với tao thì con nít chẳng là gì khác hơn một lũ hay nhè, một lũ chuyên làm tình làm tội ngu xuẩn cái gì cũng phá, bôi đầy mứt lên sách và xé sách, một lũ chẳng thèm đếm xỉa xem người lớn có chuyện âu lo gì không. Sở dĩ tao nói thế là để mày biết ngay mà đừng mơ tưởng hão. Hơn nữa tao không có sách cho con nít, còn những sách loại khác thì tao không bán ày đâu. Thế, tao hy vọng rằng mình hiểu nhau rồi!

Ông ta nói bấy nhiêu đó mà không nhả tẩu thuốc ra khỏi miệng. Rồi ông lại mở sách tiếp tục đọc.

Thằng bé lặng lẽ gật đầu rồi quay đi, nhưng xem ra nó không chịu chấp nhận những lời này mà không cãi lại, nên nó quay lại khẽ nói:

– Không phải hết thảy đều thế cả đâu.

Ông ta từ từ nhìn lên và gỡ kính ra.

– Mày vẫn còn đứng đó ư? Phải làm gì để tống khứ một đứa như mày, làm ơn chỉ giúp tao với? Mày vừa nói điều gì cực kì quan trọng thế?

– Chẳng có gì quan trọng cả, thằng bé đáp khẽ hơn nữa. Cháu chỉ muốn… không phải mọi đứa trẻ đều như ông nói đâu.

– Ra thế! Ông ta nhướng mày lên ra vẻ sửng sốt. Vậy hẳn mày là ngoại lệ lớn lao chứ gì?

Thằng bé mập không biết trả lời sao. Nó chỉ khẽ nhún vai rồi quay người định đi.

– Tư cách nữa, nó nghe tiếng càu nhàu sau lưng, tư cách mày không đáng năm xu, nếu không thì ít ra mày cũng biết tự giới thiệu rồi.

– Cháu tên là Bastian, thằng bé nói, Bastian Balthasar Bux.

– Tên gì mà kỳ cục, ông ta làu bàu, những ba chữ B. Ấy, nhưng không phải lỗi tại mày, mày có tự đặt tên đâu. Tao tên là Karl Konard Koreander.

– Ba chữ K, thằng bé nghiêm trang nói.

– Hừm, ông lão lầm bầm, đúng thế!

Ông nhả một bụm khói.

– Này, tao với mày tên gì thì cũng thế thôi, vì mình đâu gặp lại nhau nữa. Bây giờ tao chỉ muốn biết một điều nữa thôi, đó là tại sao hồi nãy mày ào vào cửa hiệu của tao như thế. Tao nghĩ là mày chạy trốn. Đúng không?

Bastian gật. Khuôn mặt tròn của nó chợt tái hơn trước đây một chút và mắt nó lớn hơn.

– Chắc là mày giựt tiền của một cửa hàng nào, ông Koreander đoán, hay đánh ngã một bà lão nào hoặc làm chuyện gì mà lũ chúng bay thời nay vẫn làm rồi. Cảnh sát đuổi theo mày chứ gì, nhóc con?

Bastian lắc đầu.

– Khai ra đi, ông Koreander nói, mày chạy trốn ai?

– Trốn những đứa khác.

– Những đứa nào?

– Những đứa ở lớp cháu.

– Tại sao?

– Chúng nó… chúng nó không khi nào để cháu yên.

– Chúng làm gì?

– Chúng rình rập cháu trước cổng trường.

– Rồi sao nữa?

– Rồi chúng la ông ổng những chuyện vớ vẩn. Chúng xô đẩy và cười nhạo cháu.

– Còn mày chịu lép một bề à?

Ông Koreander nhìn thằng bé một lúc với vẻ không đồng tình rồi hỏi:

– Sao mày không ũi chúng nó ăn đấm?

Bastian tròn mắt nhìn ông.

– Không… cháu không thích. Với lại… cháu đánh bốc kém lắm.

– Thế còn vật thì sao? ông Koreander muốn biết. Chạy, bơi, đá bóng, thể dục? Mày không biết gì cả sao?

Thằng bé lắc đầu.

– Nói khác đi, ông Koreander nói, mày là thằng hèn yếu, chứ gì?

Bastian nhún vai.

– Nhưng mày vẫn mở mồm mở miệng được chứ, ông Koreander nói. Sao mày không trả miếng khi chúng nhạo báng mày.

– Cháu đã có lần làm rồi…

– Rồi sao?

Bình luận
× sticky