Khi được dẫn tới chỗ dành riêng, con dơi không ăn cũng chẳng uống mà cuộn ngay thân lại, bám liền vào móc treo lộn đầu xuống, ngủ li bì vì mệt mỏi. Gã Quỷ đêm đã bắt nó bay hơi nhiều. Đám giữ thú vật rón rén đi ra, để nó được yên.
Trong chuồng này còn nhiều loài thú để cưỡi khác: một con voi hồng, một con voi xanh, một con chim khổng lồ nửa trên như đại bàng nửa dưới giống sư tử, một con ngựa trắng có cánh mà xưa kia tên gọi của nó vượt ra khỏi cương vực vương quốc Tưởng Tượng, nay đã bị lãng quên, vài con dơi quạ[11], dăm ba con dơi khác, thậm chí cả chuồn chuồn và bướm cho những người cưỡi tí hon. Trong những chuồng khác có loài thú để cưỡi khác, chúng không bay mà chạy, bò, nhảy hay bơi. Mỗi con đều có người chăm nuôi đặc biệt.
[11] Dơi quạ (tiếng Đức: Flughund – “chó bay”): loài dơi lớn, đầu giống đầu chó ngủ trên cây, khác loài dơi thường ngủ trong hang.
Đúng ra thì bình thường người ta phải nghe thấy ở đây một sự hỗn độn tiếng nói đáng kể: tiếng la, tiếng rít, tiếng hót, tiếng thì thào, tiếng ộp oạp, tiếng quang quác. Thế nhưng lại hoàn toàn yên ắng.
Gã Quỷ đêm vẫn đứng nguyên tại chỗ sau khi đám chăm giữ thú vật bỏ đi. Gã chợt cảm thấy nản chí và chán ngán mà không rõ tại sao. Chính gã cũng kiệt sức sau chuyến đi diệu vợi. Thành ra gã chẳng phấn khởi gì được là kẻ đến đầu tiên.
– Chào anh, gã chợt nghe có tiếng thì thào, chẳng phải anh bạn Wuschwusul đấy ư? Anh cũng đến rồi thì hay quá.
Quỷ đêm nhìn quanh, đôi mắt tròn như mặt trăng của gã sáng lên sửng sốt khi thấy gã Tí hon Uckuck đang đứng thờ ơ trên một bao lơn, tựa vào một chậu hoa bằng ngà, vẫy vẫy cái mũ đỏ hình trụ.
– Ô ô! Quỷ đêm chưng hửng nói, rồi lại “ô ô!” lần nữa. Gã không nghĩ ra được gì khôn ngoan hơn.
– Hai anh kia, Tí hon nói, đến giờ vẫn chưa tới. Tôi đến đây từ sáng hôm qua rồi.
– Nhưng… Ô ô!… Anh làm cách nào? Quỷ đêm hỏi.
– Ấy, Tí hon mỉm cười pha chút kiêu ngạo, thì tôi đã nói với anh rồi, rằng tôi có con ốc đua mà.
Quỷ đêm đưa bàn tay hồng hồng nhỏ xíu gãi gãi chùm lông đen trên đầu.
– Tôi phải đến gặp Nữ-thiếu-hoàng ngay, gã nghẹn ngào nói.
Tí hon trầm ngâm nhìn gã.
– Hừm, Tí hon nói, tôi đã đăng ký từ hôm qua rồi.
– Đăng ký à? Quỷ đêm hỏi. Không gặp bà ngay được sao?
– Không đâu, Tí hon thì thào, tôi e phải chờ lâu lắm. Vì – biết nói thế nào nhỉ – có cả một đám rõ đông người đưa tin chen chúc ở đây.
– Ô ô…, Quỷ đêm rên rỉ, sao thế?
– Tốt nhất, Tí hon nói lảnh lảnh, anh hãy tự đến mà xem. Nào, mời anh Wuschwusul!
Rồi hai gã sóng vai đi với nhau.
Trên con đường chính hình xoắn ốc quanh Tháp Ngà lên trên cao, càng lên cao vòng xoắn càng hẹp lại, chen chúc một đám sinh linh hình thù kỳ dị. Những thần sa mạc[12] khổng lồ quấn khăn như khăn xếp, những thần lùn giữ nhà nhỏ xíu, những con tinh[13] ba đầu, những chú lùn râu ria rậm rạp, những nàng tiên tỏa ánh sáng, những con công có chân dê, những nữ dã nhân có bộ lông xoắn bằng vàng, những thần tuyết sáng long lanh và biết bao sinh linh khác đang đi lên đi xuống, hoặc tụm lại thành nhóm đứng cạnh nhau chuyện trò khe khẽ hay lặng lẽ ngồi dưới đất buồn bã nhìn đâu đâu.
[12] Dschinn: thần trong truyền thuyết của người Ả Rập.
[13] Troll: những yêu ma có thể biến hóa thành khổng lồ hay nhỏ xíu (theo truyền thuyết các dân tộc Bắc Âu)
Thấy đám đông này Wuschwusul liền khựng lại.
– Ô ô! Gã nói. Ở đây có chuyện gì thế? Họ đến cả đây làm gì?
Tất cả bọn họ là những người đưa tin, Uckuck khẽ giải thích, người đưa tin từ mọi vùng của vương quốc Tưởng Tượng. Và họ đều mang cái tin y hệt như của chúng ta. Tôi đã trò chuyện với nhiều người trong bọn họ. Có vẻ như khắp nơi đều xảy ra chuyện nguy khốn này.
Quỷ đêm thở thật to một hơi dài ảo não.
– Thế người ta có biết đó là chuyện gì và do đâu không? Gã hỏi.
– Tôi sợ rằng không. Không ai có thể giải thích được.
– Thế còn Nữ-thiếu-hoàng thì sao?
– Nữ-thiếu-hoàng…, gã Tí hon khẽ nói, đang lâm bệnh rất nặng. Có thể đó là nguyên do khiến cái tai ương không hiểu nổi kia đã giáng xuống vương quốc Tưởng Tượng. Song đến nay chưa một ai trong biết bao thầy thuốc hiện đang tụ tập trên Mộc lan đình tìm ra được Nữ-thiếu-hoàng bị bệnh gì và chữa trị cách nào. Không ai biết thuốc chữa.
– Ô ô! Thật là một tai họa, Quỷ đêm trầm giọng nói.
– Phải, Tí hon đáp, chính thế.
Trong hoàn cảnh như thế này thì Wuschwusul tạm thời không đăng ký xin yết kiến Nữ-thiếu-hoàng.
Hai ngày sau gã Ma trơi Blubb cũng tới nơi. Vì nhầm hướng nên gã đã phải chạy vòng rất xa.
Cuối cùng, ba ngày sau nữa, gã Ăn đá Pjornrachzack cũng lò dò tới. Gã cuốc bộ, vì trong một cơn đói bất chợt thắt ruột gan gã đã ăn sạch cái xe đạp đá – như lương thực để ăn dọc đường.
Trong thời gian dài chờ đợi, bốn gã đưa tin khác hẳn nhau này đã kết mối thâm tình và mãi sau này vẫn tiếp tục gắn bó.
Nhưng đó là một chuyện khác sẽ được kể vào một dịp sau.
II. Chọn Atréju
Bình thường những buổi hội họp liên quan đến sự hưng thịnh của vương quốc Tưởng Tượng đều diễn ra tại triều đình, nơi đặt ngai vàng. Nội điện nằm trong Tháp Ngà, phía dưới Mộc lan đình chỉ vài tầng.
Nhưng giờ đây căn phòng tròn rộng này đầy tiếng thì thào. Bốn trăm chín mươi chín thầy thuốc giỏi nhất toàn vương quốc Tưởng Tượng tụ về đây. Họ họp thành những nhóm to, nhóm nhỏ thì thầm bàn tán. Người từ mấy ngày trước, người mới đây – vị nào cũng đều đã chẩn bệnh cho Nữ-thiếu-hoàng – và vị nào cũng cố đem hết tài sức chữa cho bà. Nhưng không ai chữa khỏi, không ai biết bà bị bệnh gì và vì nguyên do nào, phải chữa ra sao. Vị thứ năm trăm – người thầy thuốc nổi tiếng nhất vương quốc Tưởng Tượng, người được truyền tụng rằng không cây thuốc nào, không bùa phép nào, không bí mật nào của thiên nhiên mà ông không biết – hiện đang thăm bệnh Nữ-thiếu-hoàng được mấy tiếng đồng hồ rồi và mọi người căng thẳng chờ kết quả chẩn bệnh của ông.
Nhưng đương nhiên ta không nên hình dung sự tụ họp này giống như một đại hội y sĩ nơi thế giới con người. Dĩ nhiên trong vương quốc Tưởng Tượng có nhiều sinh linh mang hình thù ít nhiều giống con người, đồng thời cũng có nhiều sinh linh giống thú vật hay những sinh thể với cấu trúc hoàn toàn khác hẳn. Những kẻ đưa tin đang hối hả nhốn nháo ngoài kia thuộc bao nhiêu chủng loại thì giới y sĩ trong này cũng như thế. Có những thầy thuốc lùn râu bạc gù lưng, lại có những bà lang tiên nữ trong y phục óng ánh màu xanh bạc, sao trời lấp lánh trên mái tóc, có thủy thần bụng bự mà tay chân có màng bơi (bồn tắm ngồi được bầy riêng cho họ), thì cũng có những thầy thuốc rắn trắng nằm cuộn tròn trên cái bàn dài kê giữa phòng, có những nàng tiên ong, thậm chí có cả phù thủy, dơi hút máu và những bóng ma, những thứ nói chung bị coi là không mấy lợi cho sức khỏe.
Để hiểu về sự hiện diện của những người vừa kể thì nhất thiết phải biết như sau:
Nữ-thiếu-hoàng – như danh hiệu cho thấy – tuy là bà chúa của biết bao đất nước trong vương quốc Tưởng Tượng mênh mông, nhưng trên thực tế bà khác một bà chúa bình thường rất nhiều, hay nói đúng hơn: khác hẳn.
Bà không cai trị, cũng chưa hề dùng bạo lực hay sử dụng quyền lực của mình, bà không ra lệnh, không xử tội ai, bà không can thiệp vào chuyện gì và không hề phải chống lại kẻ thù nào, vì chẳng ai nghĩ đến chuyện nổi loạn hay làm phương hại đến bà. Với bà thì ai cũng bình đẳng như ai.
Bà chỉ hiện diện thế thôi, nhưng hiện diện theo cách đặc biệt: bà là trung tâm của mọi đời sống trong vương quốc Tưởng Tượng.
Mỗi sinh linh ở đó, dù hiền hay ác, dù đẹp hay xấu, dù vui tính hay nghiêm nghị, dù khờ dại hay sáng suốt, tất cả, tất cả đều chỉ hiện hữu nhờ có sự hiện hữu của bà. Không có bà thì họ không thể tồn tại, y như cơ thể con người không thể tồn tại nếu thiếu trái tim.
Không ai hiểu thấu hết điều bí mật này của bà, nhưng mọi người đều biết như thế. Cho nên mọi sinh linh trong vương quốc Tưởng Tượng đều kính trọng và quan tâm đến sinh mạng của bà. Vì cái chết của bà sẽ đồng thời là cái chết của mọi người, là sự suy tàn của vương quốc Tưởng Tượng mênh mông.
Bastian nghĩ sang chuyện khác.
Nó lại chợt thấy hiện ra trong hồi ức cái hành lang dài trong nhà thương, nơi người ta giải phẫu mẹ nó. Nó cùng với bố ngồi chờ nhiều giờ trước phòng giải phẫu. Các bác sĩ và y tá đi qua đi lại. Khi bố hỏi về tình trạng của mẹ thì chỉ nghe họ đánh trống lảng. Có vẻ không người nào biết rõ về tình trạng của mẹ. Sau cùng có một ông đầu hói, áo choàng trắng, vẻ mệt mỏi và u uất. Ông bảo bố con nó rằng ông lấy làm tiếc vì mọi cố gắng đều đã vô ích. Ông bắt tay hai bố con, lẩm bẩm “thành thật chia buồn”.
Sau đó quan hệ giữa bố và Bastian trở nên khác hẳn.
Không phải chỉ bề ngoài, vì Bastian có đủ mọi thứ nó muốn. Nó có cái xe đạp ba số[1], một xe lửa chạy điện, nhiều viên thuốc bổ, năm mươi ba quyển sách, một con chuột lông vàng[2], một hồ nuôi cá nước ấm, một máy ảnh nhỏ, sáu con dao bỏ túi và đủ thứ linh tinh. Nhưng nói chung nó không ưa tất cả những thứ ấy.
[1] Có nhiều xe đạp được gắn cần số để thay đổi vận tốc. Ít nhất là 3 số, có những xe tới hơn 20 số.
[2] Có nơi gọi là con “bọ”.
?Bastian nhớ lại rằng trước đây bố thường thích đùa với nó. Thỉnh thoảng bố còn kể hay đọc truyện cho nó nghe nữa cơ. Nhưng từ dạo ấy là hết. Nó không trò chuyện được với bố. Như có một bức tường vô hình quanh bố, không ai xuyên qua nổi. Bố không hề rầy la, cũng chẳng ngợi khen. Kể cả khi Bastian phải ở lại lớp bố cũng chẳng nói năng gì. Bố chỉ lơ đãng rầu rĩ nhìn nó và Bastian cảm thấy như bố không có ở đó. Nó thường cảm thấy như thế khi ở gần bố. Tối tối, khi hai bố con ngồi trước máy truyền hình thì Bastian để ý thấy bố không hề xem mà nghĩ ngợi tận nơi đâu xa lắm mà nó không thể tới nổi. Hay đôi khi hai bố con cùng xem một quyển sách thì Bastian thấy bố chẳng đọc gì cả mà cứ nhìn cả giờ đồng hồ vào cùng một trang, chứ không lật tiếp.
Bastian biết bố buồn. Chính nó hồi đó cũng đã khóc nhiều đêm dài, khóc đến nôn ọe, nhưng dần dần cũng qua. Với lại nó còn đây cơ mà. Sao bố không bao giờ trò chuyện với nó về mẹ, về những chuyện quan trọng, mà chỉ toàn nói về những chuyện cần thiết nhất thôi?
– Phải chi ta biết được, một ông thần lửa cao nhòng, gầy nhom có bộ râu bằng lửa đỏ nói, bệnh của bà do đâu mà ra. Bà không sốt, không sưng chỗ nào cả, không nổi ban, không bị viêm. Cứ như bà đang kiệt quệ vậy. Không biết tại sao.
Sau mỗi câu nói miệng ông lại phun ra một bụm khói, rồi nó biến thành những hình thù. Lần này là hình một dấu chấm hỏi.
Một con quạ già rụng lông, trông như một củ khoai to mà ai đó đã cắm ngang dọc lên đó vài cọng lông đen, quác quác trả lời (y là chuyên gia về bệnh cảm lạnh):
– Bà không ho, không sổ mũi, thật hoàn toàn không phải là bệnh tật theo nghĩa y học.
Y đẩy cái kính to xù trên mỏ nhìn những người đứng chung quanh vẻ thách thức.
– Có một điều theo tôi là rõ ràng, tiếng một con bọ hung kêu vo vo (bọ hung đôi khi còn được gọi là “người vo viên thuốc tễ”), giữa bệnh của bà và những chuyện đáng sợ mà những kẻ đưa tin từ khắp vương quốc Tưởng Tượng báo cho chúng ta biết có mối liên quan đầy bí ẩn.
– Thôi đi ông, một con mực đực giễu cợt phản đối, ông thì lúc nào và chỗ nào cũng thấy liên quan đầy bí ẩn cả.
– Còn ông chẳng đời nào nhìn qua nổi vành lọ mực của ông! Con bọ hung nổi cáu kêu vo vo.
– Thôi mà các đồng nghiệp! Một bóng ma má hóp mặc áo choàng trắng dài khóc thút thít xen vào. Chúng ta không muốn lâm vào những tranh cãi cá nhân, không khách quan. Và nhất là xin các vị làm ơn nói nhỏ lại cho!
Những cuộc trò chuyện tương tự như thế diễn ra trong khắp đại sảnh đặt ngai vàng. Có thể ai đó ngạc nhiên sao các sinh linh khác nhau đến thế lại hiểu nhau được. Nhưng vì ở vương quốc Tưởng Tượng hầu hết mọi sinh linh, kể cả thú vật, đều thông thạo ít nhất hai thứ tiếng: một là tiếng của riêng họ, chỉ nói với kẻ cùng chủng loại mà người ngoài không ai hiểu cả, hai là tiếng phổ thông, người ta gọi là tiếng Tưởng Tượng chuẩn, hay Ngôn ngữ lớn. Ai cũng biết thứ tiếng này, tuy vẫn có kẻ sử dụng một cách hơi khác thường.
Chợt căn phòng trở nên yên ắng hẳn, mọi cặp mắt đổ dồn về cái cửa ra vào lớn có hai cánh vừa mở ra. Cairon, bậc thầy nổi tiếng với nhiều huyền thoại được thêu dệt về nghề thuốc, bước vào.
Lão là một sinh linh mà xưa kia người ta gọi là Người-ngựa[3]. Lão mang hình thù con người cho tới hông, phần còn lại là của cơ thể ngựa. Cairon là một Người-ngựa-đen, quê lão ở xa lắm, tuốt dưới miềnNam. Vì thế mà phần giống người của lão đen như gỗ mun, chỉ có tóc và râu là trắng và xoăn, phần ngựa lại có sọc như ngựa vằn. Lão đội một cái mũ kỳ dị đan bằng cói. Lão đeo quanh cổ một sợi dây chuyền gắn một tấm bùa lớn bằng vàng có hình hai con rắn, một trắng một đen, ngậm đuôi nhau thành một hình bầu dục.
[3] Nguyên văn “Zentaur”: sinh linh nửa người nửa ngựa theo thần thoại Hy Lạp.
Bastian sửng sốt nín thở. Nó gấp sách lại – song vẫn cẩn thận để ngón tay làm dấu – nhìn kỹ lần nữa cái bìa. Đúng là hai con rắn ngậm đuôi nhau thành hình bầu dục! Dấu hiệu lạ lùng này có nghĩa gì nhỉ?
Ở vương quốc Tưởng Tượng ai cũng biết tấm mề đay này mang ý nghĩa: đây là người được Nữ-thiếu-hoàng giao sứ mạng và có quyền nhân danh bà hành động, như thể chính bà hiện diện.
Ai cũng biết tên nó là AURYN. Người ta đồn rằng nó ban cho kẻ đeo nó những sức mạnh huyền bí, tuy không rõ thật hư.
Nhưng có nhiều người kiêng cái tên này, chỉ gọi nó là “Bảo vật” hay “Biểu trưng” hay Pantakel[4] hoặc đơn giản là “Hào quang”.
[4] Do M. Ende tự đặt ra, không có trong từ vựng Đức, nghĩa chắc cũng tương tự như “Bảo vật”.
Hóa ra quyển sách này cũng mang “Biểu trưng” của Nữ-thiếu-hoàng!
Tiếng rì rầm lan khắp căn phòng, có cả dăm ba tiếng kêu sửng sốt. Đã từ lâu lắm rồi không ai được giao phó “Bảo vật” này.
Cairon giậm chân ngựa vài cái cho đến lúc lắng tiếng huyên náo, rồi trầm giọng nói:
– Xin các bạn đừng quá ngạc nhiên, tôi chỉ đeo AURYN một thời gian ngắn thôi. Tôi chỉ là người chuyển giao. Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ trao “Hào quang” này ột kẻ xứng đáng.
Căn phòng im lặng đến căng thẳng.