Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chuyện Dài Bất Tận

Chương 21

Tác giả: Michael Ende

Cuối cùng, khi Nữ-thiếu-hoàng ngước lên thì vẻ mặt bà đã biến đổi. Atréju điếng hồn trước cặp mắt mở to và nghiêm khắc của bà. Gã đã thấy vẻ mặt như thế này rồi: ở đôi nhân-sư!

– Ta còn một cách nữa, bà nói, nhưng ta không muốn sử dụng tới. Ta mong rằng y không buộc ta sử dụng cách này.

– Cách nào cơ? Atréju thì thầm hỏi.

– Dù y có biết hay không thì y cũng thuộc về Chuyện dài bất tận rồi. Giờ đây y không thể và không được thối lui nữa rồi. Y đã hứa với ta và phải giữ lời. Nhưng một mình ta thì không ăn thua.

– Trên toàn vương quốc Tưởng Tượng này, Atréju kêu lên, còn ai làm nổi cái điều mà bà không làm được cơ chứ?

– Có một kẻ duy nhất, bà đáp, nếu lão ưng chịu. Đó là ông lão trên núi Di Sơn[2].

[2] Di Sơn: núi di chuyển

Atréju ngạc nhiên hết sức nhìn Nữ-thiếu-hoàng.

– Ông lão trên núi Di Sơn ư? Gã lặp lại và nhấn mạnh từng chữ một. Bà muốn nói rằng có ông lão đó thật à?

– Em không tin ư?

– Các bô lão trong khu lều trại của chúng tôi vẫn kể cho lũ trẻ nhỏ về lão, khi chúng cứng đầu, ngỗ nghịch. Họ bảo rằng lão ghi chép hết trong quyển sách của lão mọi chuyện người ta đã làm hay bỏ sót, thậm chí cả những điều người ta nghĩ hay cảm thấy, và sẽ được giữ hoài hoài trong quyển sách ấy như những câu chuyện hoặc hay hoặc dở. Hồi nhỏ tôi cũng tin như thế, nhưng sau này tôi cho rằng đó chỉ là chuyện của các bà vú dọa trẻ con.

– Ai nói được chuyện của các bà vú có ý nghĩa gì.

– Nghĩa là bà có biết lão, Atréju hỏi, bà đã gặp lão rồi à?

Nữ-thiếu-hoàng lắc đầu.

– Nếu ta tìm thấy lão thì đó sẽ là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau.

– Các bô lão của chúng tôi cũng kể rằng không ai biết ngọn núi của lão xuất hiện chỗ nào, rằng lão luôn xuất hiện rất thình lình, nay đây mai đó; người ta chỉ gặp lão do tình cờ hoặc do định mệnh xui khiến.

– Đúng, Nữ-thiếu-hoàng đáp; người ta không tìm Ông lão núi Di Sơn được. May thì gặp thôi.

– Cả bà cũng vậy sao? Atréju hỏi.

– Cả ta cũng thế, bà đáp.

– Nhưng nếu bà không gặp?

– Nếu có lão thì ta sẽ gặp thôi, bà đáp với nụ cười khó hiểu, và nếu ta gặp thì có lão.

Atréju không hiểu bà nói gì. Gã ngập ngừng hỏi:

– Lão… có như bà không?

– Như ta, bà đáp, vì lão tương phản với ta hoàn toàn.

Atréju thấy cứ thế này thì sẽ chẳng được biết gì thêm từ phía bà. Hơn nữa một chuyện khác khiến gã không yên tâm:

– Bà đang bệnh thập tử nhất sinh, thưa “Bà-chúa-mắt-vàng-ròng-của-ước-mơ”, gã nghiêm giọng nói, một mình Bà chắc không đi tới đâu. Theo như tôi thấy thì các thị tì và người thân tín của bà đã bỏ đi cả rồi. Fuchur và tôi sẵn sàng tháp tùng bà đi bất cứ đâu, nhưng – xin nói thật – tôi không rõ Fuchur còn đủ sức không. Còn chân tôi – không đỡ tôi đứng vững nổi.

– Cảm ơn, Atréju, Nữ-thiếu-hoàng nói, cám ơn lời đề nghị dũng cảm và trung thành của em. Nhưng ta không có ý định đem theo em và Fuchur đâu. Chỉ đi một mình mới mong gặp Ông lão núi Di Sơn. Hơn nữa Fuchur không còn ở chỗ hồi nãy em chia tay nó. Giờ đây nó đang ở một nơi để chữa lành các vết thương, phục hồi sức lực. Cả em nữa, Atréju ạ, cũng sẽ đến đấy ngay thôi.

Mấy ngón tay bà mân mê AURYN.

– Đấy là đâu?

– Em chưa cần biết bây giờ. Em sẽ đến đó trong khi ngủ. Rồi sẽ tới cái ngày em nhận ra nơi đã từng ở.

– Làm sao tôi ngủ được, Atréju lo lắng kêu lên, quên cả giữ ý tứ, khi biết rằng bà có thể chết bất cứ lúc nào!

Nữ-thiếu-hoàng lại khẽ cười.

– Ta không đến bỗi bị bỏ rơi như em tưởng đâu. Ta đã nói rồi, rằng có những thứ vô hình đối với em. Ta còn bảy tay thị vệ, chúng gắn bó với ta như hồi ức hay sự can đảm hay ý nghĩ đối với em. Em không nhìn, không nghe thấy chúng, nhưng bọn chúng đều ở bên ta trong lúc này. Ta đem theo bốn để tháp tùng ta. Còn em, Atréju, cứ yên tâm ngủ đi.

Nghe Nữ-thiếu-hoàng nói những lời này tự dưng Atréju thấy mọi mỏi mệt trongh cuộc đại tìm kiếm chụp xuống gã như một tấm màn sẫm màu. Song không phải mệt rã rời vì kiệt sức mà là khao khát được ngủ một giấc yên bình. Gã có bao điều muốn hỏi Bà-chúa-mắt-vàng-ròng-của-ước-mơ, nhưng bây giờ thì như thể Bà đã ngăn lại mọi ước mơ trong tim gã qua lời Bà vừa nói, trừ một ước mơ mãnh liệt: được ngủ. Mắt trĩu xuống, gã trượt vào bóng tối trong khi còn đang ngồi chứ không cần phải nằm lăn ra.

Tháp chuông điểm mười một tiếng.

Atréju vẫn còn nghe, như từ xa xôi lắm, tiếng Nữ-thiếu-hoàng khẽ dịu dàng ra lệnh, rồi gã cảm thấy được những cánh tay mạnh mẽ thận trọng khiêng đi.

Gã thấy quanh mình ấm áp và tối một lúc lâu. Mãi sau gã mới nửa thức nửa ngủ khi một chất nước tuyệt ngon chạm vào đôi môi khô, nứt nẻ của gã rồi chảy vào họng. Gã mơ màng nhìn quanh thấy đó như là một cái hang lớn, vách bằng vàng ròng. Gã thấy cả con Phúc long trắng đang nằm bên cạnh. Rồi gã thấy, hay đúng hơn gã lờ mờ thấy chính giữa hang có một cái bể đang phun, hai con rắn nằm quanh bể, một trắng một đen, ngậm đuôi nhau…

Nhưng rồi một bàn tay vô hình vuốt mắt gã. Atréju thấy dễ chịu khôn xiết và lại chìm vào giấc ngủ sâu không mộng mị.

Cũng lúc ấy Nữ-thiếu-hoàng rời khỏi Tháp Ngà. Bà nằm trên một cái cáng bằng thủy tinh lót gối lụa mềm do bốn gia nhân vô hình khiêng, thành ra trông như cái cáng tự bềnh bồng chậm chạp lướt đi.

Họ băng qua Mê cung trong vườn, hay nói đúng hơn là những gì còn sót lại của khu vườn. Họ cứ phải đi vòng luôn, vì nhiều con đường nhỏ đã đổ vào Hư Không rồi.

Cuối cùng khi đã rời khỏi Mê cung, tới được rìa ngoài cùng của khu đất bằng thì những kẻ khiêng cáng vô hình kia tạm dừng, như chờ lệnh.

Nữ-thiếu-hoàng nhỏm dậy trên gối, quay nhìn Tháp Ngà.

Rồi bà vừa nằm xuống nệm vừa nói:

– Đi tiếp! Cứ đi tiếp… đi bất kỳ đâu!

Một làn gió thổi vào mái tóc trắng như tuyết của bà khiến nó bay phất phới ra sau cáng thủy tinh như một là cờ dài và nặng.

XII. Ông lão núi Di Sơn

Một lô lốc những khối tuyết lở đổ ầm ầm như sấm dậy trên những vách núi nứt nẻ, những cơn bão tuyết ào ào giữa những khối đá cao ngất ngưởng của những chóp núi phủ băng dày cộp để rồi bị chặn lại, gào rú trong các hang động và thung lũng, rồi tiếp tục quét qua những băng hà mênh mông. Đối với vùng này thì đây không phải là thời tiết thất thường gì cả, vì rặng núi Định Mệnh này – đó là tên của nó – to và cao nhất trong toàn vương quốc Tưởng Tượng với đỉnh núi khổng lồ chạm mây xanh.

Trong cái vùng băng giá vĩnh cữu này thì ngay những kẻ leo núi liều lĩnh nhất cũng không dám bén mảng tới. Hay nói đúng hơn; có kẻ đã leo nổi, nhưng vào cái thời xa xưa nào đó lâu lắm rồi nên chẳng còn ai biết nữa. Vì đây là một trong nhiều điều luật không hiểu nổi của vương quốc Tưởng Tượng: chỉ được phép chinh phục rặng núi Định Mệnh sau khi người chinh phục trước đã bị lãng quên hoàn toàn và không còn một tấm bia đá hay sắt nào về người đó nữa. Thành ra bất cứ ai chinh phục nổi ngọn núi này đều là kẻ đầu tiên.

Trên núi này không sinh vật nào sống nổi, ngoại trừ một ít con Kỳ Băng[1] khổng lồ – nếu người ta chịu xếp chúng vào loài sinh vật. Chúng cử động chậm chạp không tưởng tượng nổi, đến mức chúng cần cả năm ột bước đi duy nhất và hàng thế kỷ ột chuyến đi dạo ngắn. Thành ra hiển nhiên là chúng chỉ có thể quan hệ với đồng loại, chứ chẳng biết tý gì về sự hiện hữu của vương quốc Tưởng Tượng còn lại. Chúng tưởng mình là những sinh vật duy nhất trong vũ trụ.

[1] Eisbold: một con thú “tưởng tượng” của tác giả. (Eis có nghĩa là băng tuyết, còn bold được ghép vào cuối từ để chỉ người hay làm những chuyện mà người bình thường ít làm). Thí dụ Trunkenbold: kẻ nghiện rượu be bét (der Trunk: sự uống/ sự nghiện rượu).

Cho nên chúng càng sững sờ trố mắt nhìn cái chấm nhỏ li ti phía dưới đang di chuyển trên những rìa đá không đặt chân lên nổi ở những sườn núi dựng đứng đóng băng trơn như mỡ, trên những mép đá sắc như dao và qua những lũng sâu, những khe núi; cái chấm nhỏ kia càng lúc càng tiến gần tới đỉnh.

Đó chính là cái cáng bằng thủy tinh chở Nữ-thiếu-hoàng do bốn thị vệ vô hình khiêng. Nó như lẫn vào khung cảnh chung quanh vì thủy tinh không khác một tảng băng trong, còn áo trắng và mái tóc của Nữ-thiếu-hoàng thật chẳng khác gì màu tuyết.

Bà đi từ đó đến nay đã lâu rồi. Đã nhiều ngày đêm bốn thị vệ của bà khiêng cáng, đội nắng dầm mưa, dù trong đêm tối âm u hay dưới ánh trăng, đi mãi bất cứ đâu, như bà đã ra lệnh. Bà không phân biệt giữa điều dễ chịu đựng hay khó chịu đựng, như bà vẫn coi mọi sự trong vương quốc của bà, tối hay sáng, đẹp hay xấu như nhau hết. Bà sẵn sàng chịu đựng mọi hiểm nguy, vì Ông lão núi Di Sơn có thể ở bất cứ nơi nào mà cũng có thể không ở đâu cả.

Tuy vậy đường đi mà bốn thị vệ vô hình của bà chọn không phải chỉ hoàn toàn ngẫu nhiên. Hư Không đã nuốt gọn nhiều vùng đất lắm rồi nên càng về sau họ càng chỉ còn ít lối thoát mong manh. Đôi khi là một cây cầu, một hang động hay một cái cổng mà họ chỉ kịp thoát qua, đôi khi là sóng biển mà các thị vệ khiêng chiếc cáng chở Bà Chúa đang ốm nặng vượt qua. Các thị vệ này đi trên nước không khác gì đi trên đất bằng.

Vì thế nên cuối cùng họ leo lên đỉnh núi băng giá của rặng Định Mệnh, leo hoài, leo mãi, không mệt mỏi. Nữ-thiếu-hoàng còn chưa ra lệnh thì họ sẽ còn tiếp tục khiêng bà lên cao nữa. Còn bà nằm trên nệm, mắt nhắm nghiền, không nhúc nhích. Bà nằm như thế lâu rồi. Lời cuối cùng mà bà ra lệnh cho họ là “đi bất cứ đâu” khi tạm biệt Tháp Ngà.

Lúc này cái cáng chuyển dịch qua một khe núi sâu nằm giữa hai vách đá cách nhau không hơn bề ngang cáng mấy tí. Nền đất phủ đầy tuyết xốp dày cả mét, nhưng những người khiêng cáng vô hình không bị lún mà cũng không hề để lại một vết chân. Dưới đáy khe rất tối, vì chỉ có một vạt nhỏ ánh sáng mãi tận trên cao. Đường lên dốc thoai thoải, càng lên cao thì càng gần vạt sáng kia. Rồi, thật bất ngờ, hai vách núi lùi lại phía sau, mở ra trước mắt họ một vùng trắng lóng lánh mênh mông. Đây là nơi cao nhất, vì đỉnh núi Định Mệnh không nhọn như phần lớn núi khác mà chính là cao nguyên này. Nó rộng bằng cả một đất nước.

Ngạc nhiên sao, ngay chính giữa mặt phẳng kia nhô lên một trái núi nhỏ hình thù khác thường. Nó cao, tương tự Tháp Ngà nhưng xanh rực rỡ, gồm nhiều chóp nhọn hình thù kì quái, trông như những nhũ băng khổng lồ đâm ngược lên trời. Ở lưng chừng ngọn núi này có một quả trứng – to bằng cái nhà – tựa trên ba chóp nhọn kia.

Sau lưng quả trứng, theo nửa vòng tròn, nhô lên những nhũ băng ngược lớn hơn màu xanh, trông như những ống của một cây đại phong cầm khổng lồ; đây mới thực sự là đỉnh rặng núi. Quả trứng to kia có một lỗ hổng tròn trông như cửa hay cửa sổ. Một khuôn mặt hiện ra ở đấy nhìn xuống cái cáng đang đi lên.

Nữ-thiếu-hoàng như cảm thấy có người nhìn, bà mở mắt ngó khuôn mặt kia.

– Ngừng lại! Bà nói khẽ.

Những thị vệ vô hình dừng lại.

Nữ-thiếu-hoàng ngồi dậy.

– Ông lão đấy, bà nói tiếp. Nhất thiết ta phải đi một mình đoạn đường cuối cùng này đến với lão. Chờ ta ở đây, dù xảy ra bất cứ chuyện gì.

Khuôn mặt nơi lỗ hổng của quả trứng vụt biến mất.

Nữ-thiếu-hoàng bước xuống cáng, đi qua vùng tuyết mênh mông. Đi mệt lắm, vì bà chân trần mà tuyết lại đông cứng. Cứ mỗi bước đi lại đạp vỡ lớp đá, tuyết cứng như thủy tinh cứa vào đôi chân mảnh dẻ của bà. Gió lạnh buốt xương thốc vào mái tóc trắng và áo bà.

Cuối cùng bà tới chân ngọn núi xanh, đứng trước những nhũ băng trơn láng như thủy tinh.

Từ lỗ hổng tròn tối của quả trứng to kia thòng xuống một cái thang dài – rất dài, dài hơn là quả trứng có đủ chỗ chứa – thang thòng tới chân ngọn núi xanh. Nữ-thiếu-hoàng nắm lấy thang, thấy nó được bện toàn bằng những chữ cái nối vào nhau; mỗi bậc thang là một hàng chữ. Nữ-thiếu-hoàng bắt đầu leo từng bậc thang một, vừa leo vừa đọc:

VỀ ĐI THÔI VỀ ĐI THÔI

KHÔNG BAO GIỜ VÀ KHÔNG Ở ĐÂU

BÀ ĐƯỢC GẶP LÃO THÔI ĐI MÀ

LÃO PHẢI CỰ TUYỆT

BÀ VÀ CHỈ RIÊNG BÀ THÔI

QUAY VỀ ĐI VÀ HÃY NGHE LÃO KHUYÊN NHỦ

BÀ MÀ GẶP LÃO GIÀ NÀY

THÌ SẼ XẢY RA CHUYỆN KHÔNG THỂ XẢY RA

KHÚC ĐẦU TÌM KHÚC CUỐI

QUAY VỀ ĐI ĐỪNG LEO LÊN NỮA

BẰNG KHÔNG BÀ SẼ CHỈ

HOANG MANG KHÔN XIẾT MÀ THÔI[2]

[2] Cũng theo thể thơ có vần điệu

Bà tạm ngừng leo để lấy sức và ngước nhìn lên. Còn cao lắm. Cho tới giờ bà chưa leo được một nửa.

– Lão trượng núi Di Sơn ơi, bà gọi to, nếu quả thực lão không muốn chúng ta gặp nhau thì lão đã chẳng cần phải viết cái thang này cho ta làm gì. Chính vì lão cấm mà ta đã tới đây gặp lão đấy.

Và bà lại tiếp tục leo.

NHỮNG CHUYỆN BÀ TẠO RA VÀ BÀ LÀ GÌ

LÃO, NGƯỜI CHÉP SỬ BIÊN NIÊN, ĐỀU GHI ĐỦ HẾT

MỌI CHUYỆN SỐNG ĐỀU SẼ BIẾN THÀNH

NHỮNG CHỮ CHẾT BẤT DI BẤT DỊCH

NẾU BÀ CỨ CỐ LÊN GẶP LÃO

NHẤT ĐỊNH SẼ SINH ĐẠI HỌA

CÂU CHUYỆN BÀ KHƠI MÀO SẼ KẾT THÚC NƠI ĐÂY

NỮ-THIẾU-HOÀNG SẼ KHÔNG BAO GIỜ GIÀ

CHƯA BAO GIỜ LÃO TRẺ NHƯ BÀ

CHUYỆN BÀ KHUẤY ĐỘNG LÃO PHẢI THU XẾP CHO ÊM

SỰ SỐNG KHÔNG ĐƯỢC PHÉP

TỰ THẤY MÌNH TRONG SỰ CHẾT[3]

[3] Sự sống: chuyện sẽ xảy ra: sự chết: chuyện đã xảy ra.

Bà lại phải tạm ngừng để nghỉ.

Bình luận