Atréju để ý thấy tiếng hát kia khi to khi nhỏ, chứ không bao giờ im bặt hẳn. Ngay cả khi không hát hay lúc Atréju nói thì vẫn luôn có một âm thanh bồng bềnh liên tục quanh gã.
Vì tiếng ngân từ từ lùi xa nên Atréju chạy theo hỏi:
– “Nói đi, Uyulala, người còn nghe tôi nói không?
Tôi không nhìn thấy người, nhưng rất muốn.”
Tiếng kia thoảng qua bên tai gã như một làn gió nhẹ:
– “Chưa từng có ai
nhìn thấy ta.
Bạn không thấy ta,
nhưng ta vẫn ở đây.”
– Nghĩa là người vô hình chứ gì? Atréju hỏi. Rồi khi không nghe trả lời gã mới nhớ phải hỏi theo thể thơ:
– “Người chỉ vô hình ?
hay vô thể nữa?”
Một tiếng ngân khẽ không rõ cười hay nấc, rồi tiếng hát lại cất lên:
– “Đúng và sai; cả hai
không như bạn nghĩ.
Ta không hiện hình trong ánh sáng,
như bạn hiện hình.
Vì thân thể ta là tiếng ngắn cung bậc,
nên chỉ nghe được thôi,
bản thân tiếng nói này
là tất cả hiện hữu của ta rồi.”
Atréju sửng sốt đi theo tiếng ngân kia quanh kháp khu rừng cột. Một lúc sau gã nghĩ xong một câu hỏi:
– “Tôi có hiểu người đúng không?
Hình hài của người chỉ là tiếng ngân này ư?
Thế một khi người ngừng không hát nữa,
thì người không còn hiện hữu nữa sao?”
Rồi gã lại nghe tiếng trả lời thật gần:
– “Khi bài hát chấm dứt,
thì ta cũng sẽ héo tàn
như mọi sinh linh khác thôi.
Đó là quy luật của vạn vật.
Ta sống, khi nào ta còn ngân.
Nhưng chẳng còn bao lâu nữa.”
Lại nghe có tiếng nấc, Atréju không hiểu vì sao Uyulala khóc nên vội hỏi:
– “Vì sao người buồn, cho biết ngay đi!
Người còn trẻ quá mà, tiếng người như tiếng trẻ con.”
Lại nghe như có tiếng vọng:
– “Chẳng bao lâu nữa gió sẽ cuốn ta đi.
Ta chỉ là một bài hát bi ai.
Nhưng nghe đây: thời gian trôi,
vậy bạn hãy hỏi đi, hỏi đi!
Bạn muốn ta cho bạn biết điều gì?”
Tiếng kia vang lên đâu đó giữa những hàng cột, còn Atréju không nghe thấy nữa nên quay đầu tứ phía lắng nghe. Im ắng một lúc rồi tiếng hát từ xa lại tới gần thật nhanh, nghe gấp gáp như mất kiên nhẫn:
– “Uyulala là câu trả lời. Bạn phải hỏi Uyulala đi!
Nếu bạn không hỏi thì Uyulala không thể nói gì được!”
Atréju gọi với theo:
– “Uyulala, hãy giúp tôi, tơi muốn biết:
Tại sao người lại sắp héo tàn?”
Tiếng kia hát:
– “Nữ-thiếu-hoàng héo hon dần
và cả vương quốc Tưởng Tượng héo mòn theo.
Hư Không sẽ nuốt mất nơi ta ở,
và chẳng bao lâu ta cũng chung số phận.
Chúng ta sẽ biến mất vào cõi Không Đâu và chẳng Bao Giờ,
như thể chúng ta chưa hề hiện hữu.
Cần một tên mới cho Nữ-thiếu-hoàng,
thì bà mới bình phục được.”
Atréju lại hỏi:
– “Uyulala, hãy cho biết ai cứu được bà!
Ai có thể cho bà tên mới?”
Tiếng kia đáp:
– “Hãy nghe lời ta nói,
dù bạn chưa hiểu lúc này,
thì cứ khắc sâu vào tâm khảm,
trước khi bạn đi khỏi nơi đây,
để sau này, khi gặp dịp,
chúng sẽ trong tiềm thức sâu thẳm
trồi lên ánh sáng ban ngày,
trọn vẹn, như đang ngân vang lúc này.
Tất cả tùy thuộc bạn có làm được hay không.”
Tiếng ngân ai oán không lời vang lên một lúc lâu, rồi đột nhiên Atréju nghe như tiếng ai đó ghé sát tai gã:
– “Ai có thể cho Nữ-thiếu-hoàng một tên mới?
Không phải bạn, chẳng phải ta, không phải nàng tiên, hay thần sa mạc;
không ai trong chúng ta cứu được Nữ-thiếu-hoàng,
không ai giải thoát tất cả chúng ta khỏi tai họa,
không ai làm Nữ-thiếu-hoàng khỏe lại được.
Chúng ta chỉ là những nhân vật trong một quyển sách,
để làm những gì được tạo cho chúng ta.
Chỉ là những giấc mơ và những hình ảnh trong một câu chuyện,
thì chúng ta phải như thế thôi,
tạo ra cái mới thì dù là ông vua, bậc hiền giả hay đứa trẻ
cũng đều không làm được.
Nhưng ở thế giới bên kia của vương quốc Tưởng Tượng,
có một vương quốc gọi là Ngoại Giới,
và những người sống ở đó thật giàu trí tưởng tượng,
họ ở trong một hoàn cảnh khác hẳn!
Người ta gọi – rất đúng – những người sống trên trái đất
là con cháu Adam, con cháu Eva,[2]
và loài người là anh em ruột thịt của Lời Thật[3].
Ngay từ thuở tạo thiên lập địa
họ đã có năng khiếu đặt tên.
Bất cứ lúc nào họ cũng đem đến
cho Nữ-thiếu-hoàng đời sống.
Họ tặng bà tên mới, mỹ miều,
nhưng đã lâu lắm rồi;
con người không đến vương quốc Tưởng Tượng nữa.
Họ không còn nhớ đường.
Họ đã quên mất rằng chúng ta có thật
nên họ không còn tin điều ấy nữa.
Ôi, chỉ cần một đứa trẻ đến với chúng ta thôi,
là mọi chuyện được giải quyết ổn thỏa!
Ôi, ví dầu chỉ một người sẵn sàng tin
và nghe thấu lời chúng ta kêu gọi!
Họ đến với chúng ta thì gần,
còn chúng ta đến với họ thì xa, quá xa.
Vì thế giới của họ ở phía bên kia vương quốc Tưởng Tượng,
mà chúng ta lại không thể đến đó được,
còn bạn, người anh hùng trẻ tuổi,
có ghi nhớ được những điều Uyulala đã nói hay không?”
[2] Theo “Kinh Thánh” của đạo Cơ đốc thì Adam và Eva là “thủy tổ” của loài người (“Cựu ước”).
[3] Lời Thật: “Kinh Thánh” (đầu tiên là Lời).