Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chuyện Dài Bất Tận

Chương 11

Tác giả: Michael Ende

Ống nhòm hướng vào cái cổng đá to và được chỉnh để thấy phần dưới của cây trụ bên phải. Giờ đây Atréju thấy một con nhân sư khổng lồ ngẩng cao đầu đứng cạnh cây cột im lìm dưới ánh trăng. Hai cẳng trước nó tì lên là cẳng sư tử, thân là thân bò mộng, trên lưng là đôi cánh đại bàng thật to, mặt là mặt người, ấy là nói theo hình dáng chứ không có vẻ người. Khó đoán nổi khuôn mặt kia đang mỉm cười hay vô cùng buồn rầu hay hoàn toàn thờ ơ. Nhìn một lúc Atréju cảm thấy khuôn mặt kia vô cùng thâm hiểm và tàn ác, nhưng ngay sau đó gã lại đổi ý, cho rằng nó rất hân hoan.

– Đừng bận tâm nữa! Atréju nghe tiếng ông lùn ngay sát bên tai. Cháu sẽ không đoán được đâu. Ai cũng thế cả. Ta đây cũng vậy. Ta đã quan sát nó cả đời mà chịu không đoán nổi. Bây giờ hãy nhìn con kia!

Rồi ông vặn một trong những con ốc, hình trong ống nhòm lướt qua cái cổng, phía sau cổng chỉ thấy một vùng đất bằng phẳng trống trơ rộng mênh mông, rồi cây trụ bên trái hiện ra trước mắt Atréju, ở đây một con nhân sư thứ hai cũng ngồi y như con trước. Lạ lùng sao thân hình đồ sộ của nó tái nhợt và lấp lánh như màu bạc lỏng dưới ánh trăng. Có vẻ nó đang đăm đăm nhìn con nhân sư kia, hệt như con kia đăm đăm nhìn nó.

– Có phải chúng là tượng không? Atréju khẽ hỏi, mắt vẫn dán vào ống nhòm.

– Không đâu, ông Engywuck cười khúc khích đáp, nhân sư sống thật đấy! Sinh động ghê! Tạm thời cháu nhìn thế đủ rồi. Đi, mình xuống dưới hang. Ta sẽ giải thích tường tận cho cháu.

Rồi ông lùn xòe tay che ống nhòm khiến Atréju không nhìn thấy gì nữa. Họ lặng lẽ đi xuống.

VI. Ba cái cổng thần

Engywick và Atréju quay xuống hang thì Fuchur vẫn còn đang thiêm thiếp. Bà Urgl, trong khi chờ đợi, đã khiêng chiếc bàn con ra ngoài trời, bày biện đủ loại bánh mứt làm từ dâu và các thứ thảo mộc.

Bà còn bày cả những ly con và một ấm nhỏ trà thảo mộc nóng hổi thơm phức. Hai cái đèn bão nhỏ xíu đốt dầu làm cảnh trí thêm hoàn hảo.

– Ngồi xuống! Bà lùn ra lệnh. Cháu Atréju phải ăn uống vào mới lại sức được. Chỉ thuốc thôi thì không đủ đâu.

– Cám ơn, Atréju nói, cháu thấy mình khỏe lắm rồi.

– Không được cãi! Bà Urgl thở phì phò. Hễ cháu còn ở đây thì phải làm những gì ta bảo, nghe chưa! Chất độc trong người cháu đã hết tác dụng rồi. Cháu không việc gì phải vội cả. Cháu còn nhiều thì giờ mà, muốn bao nhiêu chẳng được, thành ra cứ thư thả.

– Không phải chỉ vì cháu, Atréju nói, Nữ-thiếu-hoàng đang hấp hối. Có thể sinh mạng bà lúc này đã phải tính từng giờ rồi.

– Vớ vẩn! Bà lùn làu bàu. Vội vã chẳng đạt được gì cả. Ngồi xuống! Ăn đi! Uống đi! Nào, có nhanh lên không?

– Tốt nhất là theo ý bà ấy đi, ông Engywuck thì thào, ta có kinh nghiệm với bà ấy mà. Khi bà ấy đã muốn thì không làm không xong đâu. Vả lại hai ta, ta với cháu, còn nhiều chuyện cần nói với nhau.

Thế là Atréju ngồi xếp bằng trước cái bàn con hăng hái ăn. Cắn một miếng, uống một hớp gã đều thật sự cảm thấy như sự sống bằng vàng ấm áp chảy trong các huyết quản và bắp thịt. Bấy giờ gã mới nhận ra rằng mình đã mất sức nhiều.

Bastian thấy thèm nhỏ dãi. Nó như chợt ngửi thấy mùi món ăn thơm phức của hai ông bà lùn. Nó hỉnh mũi hít hít trong không khí, song dĩ nhiên chỉ bởi vì nó tưởng tượng thế thôi.

Bụng nó kêu nghe rõ mồn một. Nó không nhịn nổi nữa, phải lấy phần bánh và táo còn lại trong cặp ra ăn hết. Sau đó nó thấy đỡ hơn tuy còn lâu mới no.

Rồi nó chợt nhớ ra rằng đó là bữa cuối của nó. Nó hoảng quá, cố không dám nghĩ tới nữa.

– Ở đâu mà bà có những món ngon thế này, Atréju hỏi bà Urgl.

– Con ạ, bà nói, phải đi xa quanh đây mới tìm được đúng các thứ thảo mộc. Nhưng cái lão Engywuck cứng đầu lại chỉ muốn ở đây thôi, vì ba cái chuyện nghiên với cứu quan trọng của lão! Còn chuyện làm sao có thức ăn bày trên bàn thì lão mặc kệ.

– Này mụ, ông Engywuck long trọng đáp, mụ biết thế quái nào là quan trọng hay không. Đi đi để bọn ta nói chuyện!

Bà Urgl vừa đi vừa cằn nhằn; vào trong hang bà quăng chén quăng đĩa ầm ầm.

– Kệ mụ! Ông Engywuck thì thầm. Mụ là người tốt, chỉ thỉnh thoảng càu nhàu. Nghe này, Atréju! Ta sẽ giải thích cho cháu vài điều cháu cần biết về Đền Tiên tri miền Nam. Không dễ gặp được Uyulala đâu. Thậm chí hơi khó nữa đấy. Nhưng ta không thuyết trình khoa học cho cháu làm gì. Có lẽ cháu hỏi để ta trả lời thì tốt hơn, vì ta có tật dông dài chi tiết. Hỏi đi!

– Được, Atréju nói, vậy thì Uyulala là ai hoặc là cái gì?

– Quỷ quái thật! Ông Engywuck làu bàu, bực mình nhìn gã. Cháu hỏi thẳng thừng y như mụ vợ ta vậy. Không thể bắt đầu bằng gì khác được ư?

Atréju ngẫm nghĩ rồi hỏi:

– Cái cổng to với đôi nhân sư ông chỉ cháu xem đó có phải là cổng vào không?

– Hỏi thế mới được! Ông Engywuck đáp. Hỏi thế thì mình mới tiếp tục được, cổng đá đó là lối vào, nhưng sau đó còn hai cổng nữa. Uyulala ở sau cái cổng thứ ba – nếu như có thể dùng từ “ở” được.

– Thế ông đã từng đến chỗ Uyulala rồi à?

– Cháu nhầm rồi! Engywuck hơi phật ý đáp. Ta chỉ làm việc khoa học thôi. Ta đã thu thập hết mọi điều từ những người đã vào đấy, dĩ nhiên nếu họ trở ra được. Việc làm này quan trọng lắm! Ta đâu thể khinh suất mà tự vào đấy được. Nhỡ ảnh hưởng tới công việc của ta thì sao.

– Cháu hiểu, Atréju nói. Thế ba cái cổng này có gì lạ?

Engywuck đứng lên, chắp tay sau lưng, đi đi lại lại giải thích:

– Cổng đầu tiên tên là Cổng Vấn nạn lớn. Cổng thứ nhì là Cổng Gương Thần. Còn cổng thứ ba gọi là Cổng Không Chìa…

– Kỳ cục, Atréju ngắt lời ông, cháu nhìn rất xa mà chỉ thấy sau cổng đá không có gì khác ngoài một bình nguyên trống trơn. Thế hai cổng kia ở đâu?

– Im! Engywuck la át. Cháu cứ ngắt lời như thế thì ta không thể giải thích được. Mọi chuyện đều rất khó giải thích! Vấn đề là thế này: phải qua được cổng đầu tiên thì mới thấy cổng thứ hai. Rồi phải qua được cổng thứ hai thì mới thấy cổng thứ ba. Rồi phải qua cổng thứ ba thì mới thấy Uyulala. Trước đó chẳng thấy gì hết thảy, đơn giản vì không có, hiểu không?

Atréju gật nhưng im lặng để khỏi làm ông lùn bực mình lần nữa.

– Cổng đầu tiên, Cổng Vấn nạn lớn, thì cháu đã nhìn thấy qua ống nhòm rồi. Cả đôi nhân sư nữa. Cổng này luôn luôn mở, dĩ nhiên, vì nó không có cánh cổng. Ấy thế mà không ai qua nổi, trừ khi…, đến đây Engywuck giơ một ngón tay trỏ nhỏ xíu lên trời, … trừ khi đôi nhân sư nhắm mắt. Cháu biết tại sao không? Con nhân sư nhìn hoàn toàn khác hẳn những sinh vật khác. Chúng ta nhìn thấy ngoại vật. Nhưng con nhân sư không thấy gì hết, trong một nghĩa nào đấy nó mù. Ngược lại mắt nó chiếu ra thứ khác. Cái mà mắt nó chiếu ra đó là gì? Là mọi vấn nạn trên đời. Chính vì thế mà đôi nhân sư liên tục nhìn nhau, vì chỉ con nhân sư này mới chịu nổi cái nhìn của con nhân sư kia. Cháu thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra ột kẻ liều lĩnh chạy vào tầm mắt của đôi nhân sư? Y sẽ cứng đờ cả người như hóa đá ngay tại chỗ và chỉ cử động lại được sau khi đã giải hết mọi vấn nạn trên đời này. Khi nào cháu tới đó sẽ thấy vết tích của những gã đáng thương kia.

– Nhưng ông chẳng nói rằng thỉnh thoảng đôi nhân sư kia nhắm mắt là gì? Atréju ngắt lời. Đôi khi chúng cũng phải ngủ chứ nhỉ?

– Ngủ à? Engywuck cười rung cả người. Trời đất ơi, nhân sư mà ngủ. Không, thật sự không. Cháu đúng là ngây thơ. Nhưng câu hỏi của cháu không hoàn toàn sai. Đấy chính là điểm mấu chốt mà ta nghiên cứu. Ở một số người đôi nhân sư nhắm mắt để họ qua. Câu hỏi đến nay chưa ai giải đáp được là: tại sao chúng để người này qua mà người khác lại không? Vì rõ ràng không phải chúng chỉ cho bậc hiền nhân, kẻ dũng cảm, người lương thiện qua còn kẻ ngu đần, phường hèn nhát, quân gian ác thì không. Ngược lại! Chính mắt ta đã quan sát, nhiều lần nhé, thấy chúng ột tay ngu ngốc dở hơi hoặc một gã lưu manh đểu cáng qua, trong khi những người đàng hoàng rất mực, biết điều rất mực thường phải chờ uổng công cả tháng, cuối cùng thất bại bỏ về. Dù họ tìm đến Đền Tiên tri vì nguy khốn hay do bức bách hay chỉ vì đùa nghịch đều như nhau tất.

– Thế còn các nghiên cứu của ông, Atréju hỏi, không cho được tí cơ sở nào hay sao?

Tức thì đôi mắt Engywuck lại bừng giận dữ.

– Cháu có nghe ta nói không đấy? Ta vừa mới bảo rằng cho đến nay chưa ai trả lời được điều này mà. Dĩ nhiên trong nhiều năm ta cũng có được vài lý thuyết. Mới đầu ta cho rằng điểm mấu chốt để lũ nhân sư quyết định có lẽ là những đặc điểm của cơ thể, như chiều cao, sắc đẹp, sức khỏe hay sao đó. Nhưng chẳng bao lâu sau ta phải bỏ cái lý thuyết này. Rồi ta thử xác định một tương quan về con số như thế nào đấy, chẳng hạn trong năm người thì luôn luôn có ba người không qua lọt, hay chỉ những ai với số thứ tự là số nguyên tố[1] mới vào được. Lý thuyết này rất đúng với những gì đã xảy ra, nhưng khi dự đoán lại sai bét. Cho đến bây giờ ta lại nghĩ rằng quyết định của đôi nhân sư hoàn toàn ngẫu nhiên chứ không theo quy luật nào. Nhưng mụ vợ ta lại quả quyết rằng nghĩ như thế là phạm thượng, hơn nữa chẳng hay ho gì và chẳng còn liên quan gì đến khoa học nữa.

[1] Số nguyên tố: số nguyên lớn hơn 1 và chỉ chia chẵn được cho 1 và chính nó (thí dụ: 3, 5, 7,…)

– Lão lại kể lể lăng nhăng chứ gì? Tiếng bà vợ lùn la lối trong hang. Thật xấu hổ! Chỉ vì bộ óc hạt đậu trong đầu lão khô kiệt nên lão tưởng có thể đơn giản phủ nhận những điều bí ẩn lớn lao ấy được à, hở lão già ngu ngốc?

– Cháu nghe đấy! Engywuck thở dài. Khổ nỗi mụ nói đúng.

– Thế còn tấm bùa của Nữ-thiếu-hoàng thì sao? Atréju hỏi. Ông có nghĩ rằng đôi nhân sư sẽ tuân phục nó không? Dẫu sao thì chúng cũng là những sinh vật của vương quốc Tưởng Tượng?

– Thì vẫn, Engywuck lắc lư cái đầu nhỏ như quả táo đáp, nhưng muốn thế thì chúng phải thấy được tấm bùa cái đã. Mà chúng lại chẳng nhìn thấy gì cả. Trong khi đó thì tia mắt của chúng sẽ chạm vào cháu. Ta cũng không chắc là lũ nhân sư phục tùng Nữ-thiếu-hoàng. Có khi địa vị của chúng còn cao hơn Nữ-thiếu-hoàng chưa biết chừng. Ta không biết, không biết. Dẫu sao cũng đáng lo ngại lắm.

– Thế ông khuyên cháu nên làm gì? Atréju hỏi.

– Cháu sẽ phải làm như mọi người thôi, ông lùn đáp. Đó là chờ xem đôi nhân sư quyết định thế nào – mà không biết lý do tại sao chúng lại quyết định như thế.

Atréju trầm ngâm gật đầu.

Bà Urgl bước ra khỏi hang, kéo theo một chậu con đựng một thứ chất lỏng bốc hơi nghi ngút, tay kia kẹp mấy bó thảo mộc khô. Bà lẩm bẩm một mình, lại chỗ con Phúc long vẫn còn đang ngủ như chết. Bà leo lên mình nó, thay những miếng thuốc dán. Bệnh nhân khổng lồ của bà chỉ thở một hơi dài khoan khoái, duỗi thẳng mình chứ có vẻ không biết tí gì rằng nó đang được điều trị.

– Lão có thể làm chút gì ích lợi hơn được không, bà nói với ông Engywuck khi quay trở vào trong bếp, thay vì ngồi loanh quanh ở đây tán chuyện vớ vẩn.

– Tôi làm chuyện rất có ích, ông nói chõ theo bà vợ, có khi còn ích lợi hơn mụ đấy, nhưng chẳng đời nào mụ hiểu nổi đâu, mụ già thiển cận ạ!

Rồi ông quay qua Atréju nói tiếp:

– Mụ chỉ biết nghĩ chuyện thực tiễn thôi. Những chuyện bao quát lớn lao thì mụ không thích.

Tháp đồng hồ điểm ba tiếng.

Nếu thật sự bố lưu tâm đến nó thì bây giờ là trễ nhất bố phải nhận thấy Bastian chưa về nhà. Bố có thấy lo không? Biết đâu bố sẽ chẳng chạy đi tìm nó. Có thể bố đã báo cảnh sát rồi ấy chứ. Và cuối cùng thì thông báo tìm nó đã được truyền đi trên đài phát thanh rồi. Bastian thấy đau nhói chỗ xương mỏ ác.

Nếu thế thật thì họ sẽ tìm nó ở đâu? Trong trường chăng? Có khi trên kho chứa đồ này chưa biết chừng?

Sau khi từ nhà vệ sinh về nó đã khóa cửa chưa? Không nhớ nữa. Nó đứng dậy kiểm tra lại. Có, cửa đã khóa và gài rồi.

Ngoài trời đã bắt đầu nhá nhem. Ánh sáng rọi qua cửa tò vò cũng đã yếu dần tuy khó nhận thấy.

Bastian chạy quanh trong kho một lúc để hết lo. Trong lúc chạy nó khám phá ra một mớ đồ đúng ra chẳng liên quan gì đến các học cụ trong kho này cả. Chẳng hạn một máy quay đĩa có loa đã cũ, móp méo. Ai mà biết khi nào và người nào đã mang cái máy này lên đây? Ở một góc phòng có dựng nhiều bức họa với những khung mạ vàng được bào soi rất cầu kỳ. Hầu như không còn nhận ra nổi tranh vẽ gì, trừ chỗ này chỗ kia có một gương mặt nhợt nhạt, nghiêm nghị hiện ra mờ mờ phía sau. Có cả một giá cắm nến bảy nhánh[2] đầy gỉ sét, trên mỗi nhánh vẫn còn cắm một mẩu nến to dính sáp chảy dài ngoằng.

[2] Có lẽ tác giả muốn nói giá cắm nến 7 nhánh thẳng hàng như của đạo Do Thái, tượng trưng cho 7 ngày Chúa Trời “sáng thế”.

Chợt Bastian hốt hoảng vì thấy trong một xó tối có bóng người đi lại. Nhìn lần nữa Bastian mới nhận ra một tấm gương lớn đã mờ dựng ở đó và hình người không rõ nét kia là của chính nó. Nó xích lại gần, ngắm nghía một lúc. Quả thật nó không đẹp với thân hình mập ú, chân vòng kiềng và khuôn mặt nhợt nhạt. Nó chậm chạp lắc đầu kêu lớn:

“Không!”

Rồi Bastian quay lại đống nệm. Bây giờ nó phải kề quyển sách sát vào mắt mới đọc tiếp được.

– Mình nói đến đâu rồi? Ông Engywuck hỏi.

– Tới cái Cổng Vấn nạn lớn, Atréju nhắc.

– Phải rồi! Giả thử rằng cháu qua được cổng này. Sau đó – chỉ sau đó thôi – cổng thứ hai sẽ hiện ra với cháu. Đó là cổng Gương Thần. Điều ta nói đây không phải từ những gì chính ta quan sát được, mà chỉ từ những báo cáo ta đã thu thập, cổng thứ hai này vừa mở lại vừa đóng. Nghe thật điên khùng, nhỉ? Có lẽ nói thế này đúng hơn: nó không đóng cũng không mở, tuy rằng nói như thế cũng điên khùng không kém. Nói ngắn gọn: đây là một tấm gương lớn hay sao đó, tuy không phải bằng thủy tinh hay kim loại. Nó làm bằng chất gì, không ai nói được cho ta biết. Dẫu sao khi đứng trước nó thì nhìn thấy mình, nhưng không phải như trong một tấm gương bình thường, dĩ nhiên rồi. Người ta thấy không phải hình dáng bề ngoài, mà thấy được chân tướng. Ai muốn đi qua cổng này thì phải – tạm diễn đạt là – đi vào trong chính mình.

– Dù sao, Atréju nói, cháu thấy đi qua cổng Gương Thần dễ hơn qua cổng đầu tiên.

– Nhầm! Engywuck kêu lên và lại bồn chồn chạy tới chạy lui. Nhầm to, bạn ạ! Ta đã từng thấy chính những kẻ tự cho là rất mực đàng hoàng không thể chê được đã vừa bỏ chạy vừa la rầm trời trước con quái vật nhe răng múa vuốt gầm gừ nhìn họ trong gương. Thậm chí có những kẻ bọn ta đã phải chữa trị hàng tuần lễ mới tạm đủ sức trở về.

– Bọn ta! Bà Urgl làu bàu. Bà đang xách một chậu nước mới đi ngang qua. Tôi cứ nghe lão nói “bọn ta”. Lão đã chữa trị cho ai nào?

Ông Engywuck chỉ phẩy tay chứ không trả lời.

– Có những kẻ khác, ông kể tiếp, hẳn là còn thấy nhiều thứ kinh hoàng hơn, nhưng vẫn can đảm đi qua. Cũng có những kẻ ít bị kinh hoàng hơn nhưng ai cũng đều phải cố kiềm chế hết. Thật khó nói việc này ảnh hưởng thế nào đến họ. Mỗi người một khác.

– Vâng, Atréju nói, tuy nhiên người ta có thể đi qua tấm gương thần chứ gì?

– Có thể, ông lùn đáp, dĩ nhiên là có thể rồi, nếu không thì nó đâu phải là cổng nữa. Hợp lý không nào?

– Người ta cũng có thể đi vòng cổng này được chứ? Atréju hỏỉ.

– Được, ông Engywuck lặp lại, được tất! Nhưng rồi sau cổng này sẽ chẳng gặp gì hết thảy, cổng thứ ba chỉ có đó khi người ta đã đi qua cổng thứ hai. Ta còn phải nhắc cháu bao nhiêu lần điều này nữa!

– Còn cổng thứ ba có gì đặc biệt?

– Cái cổng này mới thật gay go đây! Cái Cổng Không Chìa vốn khóa kín. Khóa kín. Xong! Không có nắm đấm hay ổ khóa, tuyệt đối không! Theo thuyết của ta thì cái cánh cửa duy nhất khóa kín không một kẽ hở này phải làm bằng chất Sélen-độc-đáo[3]. Có lẽ cháu biết rằng không có gì hủy hoại, làm cong hay hòa tan chất Sélen-độc-đáo này được. Nó tuyệt đối không hủy hoại nổi.

[3] Đây không phải chất Selen (một bán-kim loại) có trong tự nhiên.

– Nghĩa là hoàn toàn không đi qua nổi cổng này?

– Từ từ, từ từ, cậu bé! Đã có người đi vào được và trò chuyện với Uyulala, đúng không? Nghĩa là người ta có thể mở được cổng này chứ.

– Nhưng bằng cách nào?

Bình luận
× sticky