Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chuyện Dài Bất Tận

Chương 30

Tác giả: Michael Ende

Những câu chuyện, bài thơ và khúc hát họ trình diễn hoặc gay cấn hoặc vui buồn; nếu kể hết ra đây sẽ tốn quá nhiều chỗ, đành để một dịp khác vậy. Nói chung chỉ độ một trăm bài khác nhau thôi. Còn toàn lặp đi lặp lại. Những người sau không trình diễn được gì khác những người trước.

Tuy vậy Bastian vẫn cứ hồi hộp, chờ đến lượt mình. Điều nó mơ tối hôm qua đã được thỏa ứng không trật một li. Nó hết sức nôn nóng được thấy mọi điều mong muốn khác cũng sẽ được thỏa ứng hết. Nó liếc nhìn Atréju đang ngồi nghe, mặt không chút biểu cảm nào.

Cuối cùng Ông lão bạc Quérquobad ra hiệu cho con dân của ông ngừng lại, rồi thở dài quay qua nói với Bastian:

– Thưa cậu Bastian Balthasar Bux, như đã thưa với cậu, tiếc thay vốn liếng của chúng tôi ít ỏi lắm. Không có được nhiều câu chuyện hơn thì đó không phải lỗi tại chúng tôi. Cậu thấy đấy, chúng tôi chỉ có thể làm hết sức mình thôi. Bây giờ cậu tặng chúng tôi một câu chuyện của cậu chứ?

– Tôi sẽ tặng mọi người hết thảy câu chuyện tôi đã tưởng tượng ra, Bastian hào hiệp nói, vì tôi lại có thể nghĩ ra cả đống chuyện mới. Nhiều chuyện tôi đã kể ột cô bé tên là Kris Ta[1] nghe rồi, nhưng phần lớn tôi tự kể cho tôi. Thành ra chưa có ai khác được biết. Nhưng nếu kể hết thì sẽ mất hàng tuần, hàng tháng, mà chúng tôi đâu thể ở đây với các bạn lâu thế được. Cho nên tôi muốn kể hầu các bạn một câu chuyện chứa đựng hết mọi chuyện kia. Câu chuyện này có tựa là “Câu chuyện về thư viện ở Amargánth” và rất ngắn.

[1] Đúng ra là Christa (xem Chương IX), nghĩa là Bastian đã “quên”.

Nó ngẫm nghĩ một lúc rồi kể bừa, sau đó hẵng hay:

– “Ngày xửa ngày xưa có một bà lão bạc tên là Quana cai trị Amargánth. Vào những ngày xa xôi ấy chưa có hồ Nước mắt và Amargánth cũng không phải bằng thứ bạc đặc biệt chịu nổi nước. Amargánth còn là một thành phố bình thường với nhà cửa bằng đá và gỗ, nằm trong một thung lũng giữa những ngọn đồi có cây rừng bao phủ.

Quana có một con trai tên là Quyn; y là một thợ săn vĩ đại. Một ngày nọ Quyn trông thấy trong rừng một con kỳ lân mang trên chóp sừng một viên đá ngời sáng. Y giết kỳ lân, mang viên đá về nhà. Nhưng hành động này của y đã đem tai họa đến với Amargánth: vì từ đó cư dân thành phố này càng ngày càng ít sinh con đẻ cái. Nếu không tìm được cứu giúp thì họ sẽ bị tuyệt chủng. Mà đâu thể nào khiến con kỳ lân sống lại được. Không ai biết phải làm gì.

Bà lão bạc Quana liền phái sứ giả tới Đền Tiên tri phía Nam – hồi đó vẫn còn – để được nghe Uyulala chỉ bảo cho phải làm gì. Nhưng Đền Tiên tri phía Nam quá xa. Ngày đi sứ giả còn là một thanh niên mà khi trở về đã thành già lắm. Bấy giờ bà lão bạc Quana đã từ trần từ lâu, người con trai Quyn nối ngôi. Dĩ nhiên y cũng đã rất già, mọi người Amargánth khác cũng vậy. Chỉ còn một đôi trai gái duy nhất; cậu bé tên Aquyl và cô bé tên Muqua.

Sứ giả mới truyền lại những gì tiếng nói của Uyulala đã khải thị: Amargánth chỉ có thể tiếp tục tồn tại nếu nó trở thành thành phố đẹp nhất vương quốc Tưởng Tượng. Chỉ bằng cách này mới bù được tội mạo phạm của Quyn. Nhưng người Amargánth chỉ thực hiện được việc này với sự trợ giúp của người Acharai – những sinh linh xấu xí nhất vương quốc Tưởng Tượng. Người Acharai còn được gọi là dân ‘hay nhè’, vì họ không ngớt phiền muộn khóc than về sự xấu xí của mình. Nhưng chính những suối nước mắt này đã làm đất trôi đi, lộ ra dưới sâu thứ bạc đặc biệt nọ mà họ đã biết cách tết thành những sợi bạc tuyệt đẹp.

Thế là mọi người Amargánth đổ xô đi tìm người Acharai, nhưng không ai tìm được vì người Acharai ở tuốt sâu dưới đất. Cuối cùng người Amargánth chết hết trên đường tìm kiếm, chỉ còn lại Aquyl và Muqua lúc này đã trưởng thành. Đôi trai gái này đã cùng nhau tìm ra người Acharai và thuyết phục được họ làm cho Amargánth trở thành thành phố đẹp nhất vương quốc Tưởng Tượng.

Trước tiên người Acharai làm ra một chiếc sà lan bạc, trên đó là một lâu đài nhỏ bằng sợi bạc tết lại đem đặt ở bãi chợ của thành phố chết này. Rồi họ dẫn suối nước mắt của họ ngầm dưới đất, cho chảy vào thung lũng giữa những ngọn đồi có cây rừng bao phủ. Thung lũng này liền đầy thứ nước đắng, biến thành hồ Nước mắt Murhu, trên đó bềnh bồng tòa lâu đài bạc đầu tiên. Aquyl và Muqua ở trong tòa lâu đài này.

Người Acharai đã đặt điều kiện là đôi vợ chồng này và con cháu phải hiến thân cho việc ca hát và kể chuyện. Chừng nào người Amargánth còn hiến thân cho ca hát và kể chuyện thì người Acharai sẽ còn giúp họ, vì như thế thì người Acharai, dù xấu xí, cũng có dự phần tạo nên chút gì đẹp đẽ.

Thế là Aquyl và Muqua lập ra một thư viện – chính là cái thư viện nổi tiếng của Amargánth – sưu tập hết mọi câu chuyện của tôi. Họ bắt đầu với câu chuyện các bạn vừa nghe xong, rồi cứ thêm dần, thêm dần những chuyện khác tôi đã từng kể. Cuối cùng nhiều đến nỗi hai người đó lẫn con đàn cháu đống của họ, những người đang sống tại thành phố bạc này, không thể nào biết hết nổi.

Sở dĩ Amargánth, thành phố đẹp nhất vương quốc Tưởng Tượng, ngày nay vẫn tồn tại là do người Acharai và Amargánth đều đã giữ lời hứa với nhau – tuy bây giờ họ chẳng còn biết gì về nhau nữa. Chỉ riêng tên hồ Nước mắt Murhu là còn gợi lại sự kiện này của thời xa xưa.”

Khi Bastian chấm dứt, Ông lão bạc Quérquobad từ từ đứng lên, mặt nở một nụ cười rạng rỡ.

– Thưa cậu Bastian Balthasar Bux, lão nói, cậu đã tặng cho chúng tôi hơn cả một câu chuyện và hơn cả mọi câu chuyện. Cậu đã tặng cho chúng tôi nguồn gốc của chính chúng tôi. Nay chúng tôi biết từ đâu có hồ Murhu với những thuyền và lâu đài bạc trên hồ. Nay chúng tôi biết vì sao từ xa xưa mình đã là một dân tộc xướng ca và kể chuyện. Nhất là bây giờ chúng tôi biết được tòa nhà tròn to trong thành phố chúng tôi chứa đựng gì; cho đến nay thật chưa từng có ai đặt chân vào đấy, bởi nó khóa im ỉm từ thời nảo thời nào. Nó chứa đựng bộ sưu tập của Amargánth, kho tàng quý báu nhất của chúng tôi mà cho đến nay chúng tôi không biết.

Chính Bastian cũng ngỡ ngàng khi những điều nó vừa kể đã trở thành thực tế (hay vốn đã luôn luôn như thế rồi? hẳn Graógramán sẽ nói: cả hai!) Dẫu sao nó vẫn muốn được thấy tận mắt.

– Tòa nhà ấy ở đâu? Bastian hỏi.

– Tôi sẽ chỉ cho cậu, Quérquobad nói rồi quay ra kêu gọi đám đông: Mọi người theo ta! Biết đâu hôm nay chúng ta còn được ban cho nhiều chuyện thần kỳ nữa!

Một đoàn dài, dẫn đầu là Ông lão bạc Quérquobad với Atréju và Bastian, đi qua những cây cầu nối các thuyền, để rồi cuối cùng dừng lại trước một tòa nhà rất to trông giống một cái lon khổng lồ, nằm trên một chiếc thuyền hình tròn. Mặt ngoài tòa nhà trơn nhẵn, giản dị và không có cửa sổ. Chỉ có một cửa to duy nhất đóng kín.

Giữa cánh cửa bằng bạc nhẵn láng là một viên đá trông như một cục thủy tinh trong vắt gắn vào một cái khung hình chiếc nhẫn. Trên đó khắc mấy hàng chữ:

“Bị gỡ đi từ sừng con kỳ lân, ta ngưng cháy.

Ta giữ cửa này khóa cho đến khi có kẻ gọi đúng tên ta

đánh thức ánh sáng trong ta.

Ta sẽ soi sáng cho kẻ ấy suốt trăm năm

và sẽ dẫn đường cho y trong những hầm sâu tăm tối

ở Minroud của Yor.

Còn khi y gọi tên ta lần thứ hai

Từ cuối ngược về đầu

ta sẽ tỏa hết trăm năm ánh sáng

trong một khoảnh khắc.”

– Không một người nào trong chúng tôi, Quérquobad nói, đoán được ý nghĩa những câu này. Không ai trong chúng tôi biết mấy chữ Minroud của Yor nghĩa là gì. Cho đến nay không ai tìm ra được tên viên đá này, dù chúng tôi đã cố thử mãi. Chúng tôi chỉ có thể thử những cái tên sẵn có ở vương quốc Tưởng Tượng thôi. Vì hết thảy đều không đúng nên viên đá không chịu sáng và mở cửa. Cậu Bastian Balthasar Bux tìm được không?

Mọi người, dù Amargánth hay không phải Amargánth, đều nín thở, yên phăng phắc đầy chờ đợi.

– Al’ Tsahir! Bastian gọi.

Tức thì viên đá bừng sáng, bật khỏi khung rơi thẳng vào tay Bastian. Cánh cửa bật mở.

Cả nghìn cổ họng cùng bật ra một tiếng kêu kinh ngạc.

Bastian cầm viên đá sáng bước qua cửa, theo sau là Atréju và Quérquobad. Đám đông chen chúc vào theo.

Căn phòng tròn lớn tối om. Bastian giơ viên đá lên cao. Nó sáng hơn một ngọn nến nhưng không đủ rọi cả căn phòng. Người ta chỉ thấy dọc theo tường đầy sách là sách, xếp thành nhiều tầng.

Nhiều ngọn đèn được mang tới và căn phòng lớn sáng trưng. Bấy giờ mới thấy bức tường sách chung quanh chia thành nhiều nhóm có gắn biển hướng dẫn, chẳng hạn “Chuyện vui”, “Chuyện căng thẳng”, “Chuyện nghiêm trang” hay “Chuyện ngắn”.

Ngay giữa căn phòng tròn có khắc trên nền mấy hàng chữ to ai cũng phải thấy:

THƯ VIỆN

NHỮNG TÁC PHẨM SƯU TẬP

CỦA BASTIAN BALTHASAR BUX

Atréju đứng đó, tròn mắt nhìn quanh, nét cực kỳ kinh ngạc và thán phục lộ rõ trên khuôn mặt. Bastian lấy làm khoái chí.

– Tất cả, Atréju đưa tay chỉ khắp chung quanh hỏi, tất cả đây là các câu chuyện bạn đã nghĩ ra à?

– Phải, Bastian đáp rồi đút viên Al’ Tsahir vào túi.

Atréju sững sờ nhìn nó.

– Thật vượt quá sự hiểu biết của mình, Atréju thú nhận.

Còn người dân thành phố Amargánth dĩ nhiên đã cầm đèn chạy tới đống sách từ lâu; họ lật sách, đọc cho nhau nghe, có người ngồi bệt luôn xuống nền, học thuộc lòng ngay một số đoạn.

Tin về sự kiện lớn lao này dĩ nhiên đã lan truyền cực nhanh khắp thành phố bạc này, trong người dân sở tại cũng như khách khứa.

Bastian và Atréju vừa mới từ thư viện đi ra thì gặp Hýkrion, Hýsbald và Hýdorn kịp chạy tới.

– Thưa cậu Bastian, anh chàng tóc đỏ Hýsbald – rõ ràng không chỉ thạo cầm kiếm mà còn nhanh nhảu nhất – nói, chúng tôi được nghe cậu đã đột nhiên hiển lộng tài ba có một không hai. Thành ra chúng tôi khẩn cầu được phục vụ cậu, được đi theo cậu. Cả ba chúng tôi đều tha thiết mong sẽ có được một câu chuyện riêng. Cho dù cậu chắc chắn không cần đến sự bảo vệ của chúng tôi, nhưng được ba tay hiệp sĩ tháo vát và có năng lực như chúng tôi phục vụ thì chỉ có lợi thôi. Cậu chấp nhận chứ?

– Rất sẵn lòng, Bastian đáp, được các vị tháp tùng thì ai mà không hãnh diện.

Tức thì ba người muốn quỳ xuống ngay tại chỗ tuyên thệ trung thành, để được Bastian vỗ kiếm lên vai[2], nhưng nó cản họ lại.

[2] Thời Trung cổ ở châu Âu các hiệp sĩ quỳ trước chủ tuyên thệ trung thành, để được chủ – thuộc giới quý tộc – vỗ ngang lưỡi kiếm đã rút khỏi vỏ lên hai vai, tỏ sự ưng thuận.

– Sikánda, Bastian giải thích, là một cây kiếm thần. Không người nào chưa từng ăn uống và tắm lửa của “Cái chết sặc sỡ” đụng tới nó mà thoát khỏi nguy hiểm cho thân thể và tính mạng.

Cho nên họ đành hài lòng với một cái bắt tay giữa bạn hữu.

– Thế còn Held Hynreck thì sao? Bastian hỏi thăm.

– Y hoàn toàn suy sụp rồi, Hýkrion nói.

– Vì một cô gái, Hýdorn nói thêm.

– Cậu nên chiếu cố đến y, Hýsbald kết luận.

Thế là họ – bây giờ năm người – đi tới khách sạn, nơi cả nhóm tạm dừng chân khi mới tới đây và Bastian gửi con la cái già Jicha vào giữ trong tàu.

Khi họ bước vào quán trọ thì chỉ còn một người đàn ông duy nhất đang ngồi ở đấy. Y gục đầu trên bàn, hai bàn tay vùi sâu trong mái tóc vàng. Chính là Held Hynreck.

Hẳn là y có mang theo một bộ giáp trụ phòng hờ trong hành lý, vì lúc này y mặc một bộ giản dị hơn bộ đã bị cắt vụn thành từng mảnh khi giao đấu với Bastian hôm qua.

Khi Bastian cất tiếng chào thì y nổi giận, ngó chằm chằm hai gã thiếu niên. Mắt y đỏ sọc.

Bastian hỏi có được phép ngồi với y không thì y nhún vai, gật đầu buông người xuống ghế. Trước mặt y là một tờ giấy trông như đã bị vò nát nhiều lần rồi lại vuốt cho phẳng phiu.

– Tôi muốn hỏi thăm về tình trạng sức khỏe của anh, Bastian nói. Tôi rất tiếc nếu đã làm anh bị tổn thương.

Held Hynreck lắc đầu.

– Đời tôi như thế là hết, y khàn khàn nói. Đây này, cậu đọc đi!

Y đẩy mảnh giấy về phía Bastian.

– “Tôi chỉ lấy người vô địch thôi – trên đó viết – mà anh không được như thế, thì ta phải vĩnh biệt!”

– Của công chúa Oglamár à? Bastian hỏi.

Held Hynreck gật.

“Ngay sau trận đấu giữa hai ta, nàng đã bảo người ta chở lên bờ cùng với con ngựa của nàng. Ai biết được giờ này nàng ở đâu? Tôi sẽ không bao giờ còn được gặp nàng nữa. Tôi sống trên đời này nữa làm gì!”

– Anh không thể bắt kịp nàng sao?

– Để làm gì?

– Để thuyết phục nàng đổi ý, biết đâu đấy.

Held Hynreck bật lên một tiếng cười chua chát.

– Vậy là cậu không biết công chúa Oglamár rồi. Tôi đã tập luyện hơn mười năm để có được chút tài. Tôi đã từ bỏ mọi thứ không có lợi cho sức khỏe của tôi. Với kỷ luật sắt đá, tôi đã học đánh kiếm với những bậc đại sư kiếm thuật, học mọi kiểu vật với các đô vật tài ba nhất, cho tới khi tôi thắng hết họ. Tôi chạy nhanh hơn ngựa, nhảy cao hơn nai, môn nào tôi cũng tuyệt hảo, hay nói đúng hơn: tuyệt hảo, cho tới hôm qua. Trước đây nàng đâu có đoái hoài gì đến tôi, nhưng dần dần nàng chú ý nhiều hơn khi thấy tôi có năng lực. Tôi đã hy vọng sẽ được nàng chọn. Nhưng bây giờ thì tất cả mãi mãi hoài công. Không còn hy vọng thì làm sao tôi có thể sống nổi?

– Có lẽ, Bastian nói, anh đừng nên quá say mê công chúa Oglamár đến thế. Chắc chắn còn nhiều người khác mà anh cũng sẽ thích không kém.

– Không, Held Hynreck đáp, tôi yêu công chúa Oglamár chính bởi vì nàng chỉ ưng bậc vô địch thôi.

– Ra thế, Bastian chưng hửng nói, thế thì khó đấy. Làm gì được bây giờ? Hay là anh thử chinh phục nàng bằng cách khác, làm ca sĩ hay thi sĩ chẳng hạn?

– Tôi là một anh hùng[3], Hynreck trả lời có vẻ hơi bực bội, tôi không thể và không muốn làm nghề gì khác. Tôi không thể đổi khác được.

[3] Held (trong tên “Held Hynreck”) nghĩa là “người anh hùng”.

– Vâng, Bastian nói, tôi hiểu.

Mọi người đều im lặng. Ba chàng hiệp sĩ Hýkrion, Hýsbald và Hýdorn ái ngại nhìn Held Hynreck. Họ có thể hiểu được chuyện gì đang diễn ra trong lòng y. Sau rốt Hýsbald hắng giọng quay qua nói khẽ với Bastian:

– Thưa cậu Bastian, đúng ra thì cậu giúp y có khó gì lắm đâu.

Bastian ngó Atréju thấy vẻ mặt gã lầm lỳ.

– Cho một người như Held Hynreck, Hýdorn nói vào, thì quả là xui xẻo nếu không tìm đâu ra quái vật. Cậu hiểu chứ?

Bastian vẫn chưa hiểu..

Bình luận