Khe Long Môn vốn dĩ cách thành Bắc Bình không xa, song ba người Lỗ Nhất Khí lại đi lòng vòng về hướng nam, sau đó còn mất cả xe ngựa, nên khi họ tới được đây, trời đã sẩm tối.
Địa thế của khe Long Môn vô cùng hiểm trở, vốn là chiến trường xưa nơi Vu Khiêm từng bảo vệ kinh sư. Tương truyền vào thời cổ đại, anh em Xuy Vưu đã từng kịch chiến tại nơi đây. Chốn này đỉnh núi chót vót, đá tảng gập ghềnh, suối biếc quanh co, song giờ đang lúc đầu đông, khắp nơi đã băng phong tuyết phủ. Đặc biêt là bên trong khe Quỷ Cốc, lại càng tịch mịch hoang lương, thâm u khó đoán, tuyền là một màn tuyết phủ mảng xanh mảng trắng, toát lên vẻ kỳ bí đến rợn người.
Cách khe Quỷ Cốc không xa có một Đạo quán, vốn do Doãn Chí Bình(*) phái Toàn Chân đốc công xây dựng, do năm tháng xa xôi, giờ đây đã sạt lở tiêu điều. Bên ngoài Đạo quán đứng lố nhố hơn chục người đàn ông mặc áo chẽn màu xanh sẫm, súng đeo đạn vác, tư thế cảnh giác sẵn sàng. Người chỉ huy mình mặc áo dài, đầu đội mũ phớt, chính là phó quan Ngô, người đã từng đưa Lỗ Nhất Khí đi săn cùng.
(*) Doãn Chí Binh là đạo sĩ nổi tiếng của phái Toàn Chân, sống vào đầu đời Nguyên. Nguyên quán ở Thương Châu, Hà Bắc, đến đời Tống di cư tới Lai Châu (nay là huyện Dịch, Sơn Đông), sinh vào năm Đại Định thứ 9 nhà Kim (năm 1169). Khi Khâu Xử Cơ qua đời, để lại di mệnh cho ông làm người kế nghiệp, trở thành vị chưởng giáo tông sư đời thứ 6 của đạo Toàn Chân.
Lỗ Nhất Khí đã chạm mặt nhóm người này ở trấn Môn Đầu. Sở dĩ chú Tư bảo cậu đi về phía tây, chính là vì ở đây đã có nhóm phó quan Ngô tiếp ứng. Lỗ gia hiện đang thế đơn lực mỏng, nếu muốn hoàn thành đại sự, nhất định phải cần đến người ngoài trợ giúp. Chú Tư sực nhớ tới phó quan Ngô, vốn say mê đồ cổ như điếu đổ, nên đã bảo với ông ta rằng, cậu cháu của mình đang dẫn người đi khai quật một kho tàng bí mật có niên đại hơn hai nghìn năm để tìm mấy món đồ quý giá, song đã có kẻ phát hiện được hành tung, muốn tới tranh cướp. Nếu phó quan Ngô có thể điều vài người tới bảo vệ, thì sau khi mở được kho báu, cậu cháu sẽ chỉ lấy một vài món đồ mình cần, còn lại giao hết cho ông ta xử lý.
Một kho báu có niên đại hơn hai nghìn năm! Khoan chưa nói tới những thứ cất giấu bên trong, mà ngay bản thân kho báu đã chính là một bảo bối vô giá! Chuyên béo bở như vậy phó quan Ngô sao có thể bỏ qua. Không những thế, ông ta còn cảm kích chú Tư vô vàn, hết vỗ ngực lại hứa hẹn, thề lên thề xuống sẽ bảo vệ Lỗ Nhất Khí hành trình thông thuận.
Những người mặc áo chẽn màu xanh đều thuộc đội cảnh vệ dưới quyền phó quan Ngô. Phó quan Ngô đã thực thà kể hết với họ, kết quả là cả bọn chẳng ai cầm lòng cho đặng trước một cơ hội làm giàu cho cả mấy đời, nên lũ lượt thay thường phục, mang súng đạn theo phó quan Ngô lặng lẽ lẻn khỏi phủ đại soái.
Trời đã tối mịt, mưa tuyết vừa ngưng, đường đất vô cùng khó đi. Trong hoàn cảnh này, rất dễ bị đối phương tập kích, bởi vậy Lỗ Nhất Khí quyết định tìm chỗ nghỉ ngơi, đợi trời sáng mới đi tiếp. Lỗ Nhất Khí không biết rằng ở đây có ngôi Đạo quán, là lão già mặt đỏ hồi nãy đuổi theo đồng hành với họ đã đưa họ tới nơi đây.
Khu vực này cả Lỗ Nhất Khí, lão mù và Quỷ Nhãn Tam đều không thông thạo, bởi vậy chỉ có thể đi theo lão mặt đỏ. Họ sẵn sàng đi theo lão ta còn vì một nguyên nhân khác, nếu suy đoán từ sự việc vừa mới xảy ra, hẳn là gã cao gầy bắn nỏ đã bị trấn áp trước khí thế của lão ta. Lão già này là cao thủ, một cao thủ công lực khó lường, nhìn vào làn khí tướng linh động ngời ngời toả ra quanh lão đã có thể đoán được, Lão muốn giết Lỗ Nhất Khí còn dễ dàng hơn trở bàn tay, việc gì phải mất công lừa họ đến nơi khác để dàn mưu bày kế cho nhọc sức?
Chính điện của Đạo quán trống trơn thông thống ngay đến một pho tượng cũng không có, chỉ có độc một chiếc bàn thờ kê sát tường, trên tường treo bức chân dung Tam Thanh(*).
(*) Tam Thanh tức là Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh, là ba vị thần tiên tối cao trong thiên giới của Đạo giáo; đồng thời, cũng chính là tên gọi chung của Đạo giáo đối với Nguyên Thuỷ Thái Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn, Đạo Đức Thiên Tôn trong Đạo giáo.
Lúc này, trên ba tấm đệm cói cũ kỹ rách nát trước bàn thờ, có ba người đang ngồi xếp bằng, đó là Lỗ Nhất Khí, lão già mặt đỏ và một vị đạo sĩ già. Vị đạo sĩ già chính là quán chủ ở đây, ông ta đang nhìn hai người một già một trẻ ngồi trước mặt mình với ánh mắt vô cùng kinh ngạc.
Lỗ Nhất Khí đang ngồi xếp bằng, tư thái còn đoan chính chuẩn mực hơn cả vị đạo trưởng một đời tu luyện kia, đích xác là ngũ tâm vấn thiên, tam mạch hội lưu. Nghe nói cậu thanh niên trẻ tuổi kia đến từ Ban môn họ Lỗ, điều đó khiến lão đạo trưởng hết sức tò mò. Nói tới Ban môn, ông ta có biết sơ qua, đó là hậu duệ của tổ sư nghề mộc. Song công pháp của họ dường như không liên quan gì tới Đạo giáo, tại sao lại có thể sinh ra một chàng trẻ tuổi có đạo cốt phi phàm đến vậy?
Tư thế ngồi của lão già mặt đỏ có phần tuỳ tiện, trong Phật môn, thế ngồi này được gọi là “La Hán tu”. Thế nhưng lão lại không phải là người trong Phật môn, cứ nhìn vào đám râu tóc bù xù và những vết dầu mỡ dính đầy trên y phục của lão ta là biết.
Lỗ Nhất Khí khẽ nhắm hờ đôi mắt. Tuy cậu ngồi trong tư thế đúng kiểu Đạo gia, song lại không hề mang tâm cảnh của Đạo gia, mà đang âm thầm đánh giá về hai kẻ đang ngồi trước mặt.
Vị đạo trưởng trông rất đỗi bình thường, không có gì khác so với những đạo trưởng mà cậu từng gặp ở núi Thiên Giám thuở nhỏ. Còn lão già mặt đỏ lại hoàn toàn không phải một lão già bình thường, trong cảm giác của Lỗ Nhất Khí, thanh kiếm phía sau lưng lão ta chẳng khác gì một vật sống, với hào quang xanh biếc lớp lớp lan toả. Làn khí màu xanh mà đám Lỗ Nhất Khí nhìn thấy trên cánh đồng tuyết phủ chính là ánh hào quang toả ra từ thanh kiếm. Thanh kiếm là một bảo bối, một bảo bối cổ xưa sắc bén dị thường. Bởi vậy, người chế ngự được nó chắc chắn không phải là một kẻ tầm thường, đó là một cao thủ mà gã bắn nỏ cao gầy không thể địch nổi. Lỗ Nhất Khí thực tâm hy vọng vị cao thủ này là bạn chứ không phải là thù.
Lão già mặt đỏ bỗng cười khẽ một tiếng phá tan bầu không khí tĩnh lặng:
– Ba người chúng ta đều không thể nhập định, chi bằng nói chuyện là hơn. Huống chi mục đích chuyến đi lần này của tôi cũng chính là để nói ra sự việc. Tôi nói, ông cũng phải nói! – Lão nói rồi chỉ tay vào đạo trưởng.
– Còn tôi nghe!
Lỗ Nhất Khí cảm thấy mình chỉ có thể ngồi nghe mà thôi. Những điều cậu biết quá ít ỏi, có lẽ không có chuyện gì gợi được cảm hứng của hai người kia. Thứ duy nhất mà họ có hứng thú có lẽ chính là “Cơ xảo tập” ở trong ngực áo cậu, song cậu không thể nói ra.
Lão già mặt đỏ nghe cậu nói vậy, bèn gật gật đầu mà cười.
– Tôi phải nói ư? Tôi biết nói gì? – Đạo trưởng cũng cười. Căn miếu vắng vẻ của ông ta hiếm khi có người ghé đến, những nhân sĩ kỳ dị như hai người này lại càng hiếm hoi.
– Thì nói về chuyện phái Toàn Chân các ông khai quật Thổ bảo đi! – Lão già mặt đỏ vẫn giữ vẻ tươi cười, ngữ điệu không hề thay đối, song câu nói vừa rồi khác nào một tràng đạn nổ trong tai đạo trưởng và Lỗ Nhất Khí. Đôi mắt đang khép hờ của Lỗ Nhất Khí bỗng mở choàng, đôi môi đang mím chặt cũng hé ra, vẻ kinh ngạc lộ rõ trên nét mặt. Còn lão đạo trưởng, những nếp nhăn chằng chịt khắp mặt mày chốc lát đã xô nhau tụm về giữa mặt, vẻ khổ sở xen lẫn âu sầu.
Đạo trưởng ngồi đờ ra một hồi lâu, hết nhìn lão già mặt đỏ, lại liếc nhìn Lỗ Nhất Khí. Ông ta đã cảm nhận thấy làn khí tướng hồn hậu đoan chính rất mực phảng phất toả ra từ hai người họ. Đặc biệt là cậu trai trẻ, tư thái và khí thế của cậu ta thực khiến người khác phải ngưỡng mộ. Đương nhiên, những điều này phải là bậc đạo hạnh cao thâm như ông mới có thể cảm nhận thấy. Ông nghĩ thầm, cuối cùng thì mình cũng chờ được đến ngày để bộc bạch điều cơ mật. Thế nhưng hai người đang ngồi trước mặt ông kia rốt cục là thần thánh phương nào?
– Trong hai vị ai là chủ nhân thực sự của Thổ bảo? – Vị đạo trưởng không nén nổi tò mò hỏi.
– Là tôi! Thế nhưng cậu ta cần được biết hơn tôi, bởi vì từ hôm nay trở đi, tôi sẽ nhường lại tư cách chủ nhân cho cậu ta! – Lão mặt đỏ vừa cười vừa chỉ tay về phía Lỗ Nhất Khí.
Nghe đoạn đối thoại giữa lão mặt đỏ và đạo trưởng, Lỗ Nhất Khí ngơ ngác không hiểu, cậu chỉ muốn nhanh chóng đi thẳng vào chủ đề Thổ bảo. Bởi lẽ theo những ghi chép trong phần “Thiên cơ” của “Cơ xảo tập” thì Thổ bảo được chôn giấu ở phía chính bắc, là bảo bối cách đây gần nhất.
– Tôn giá đây là truyền nhân của Mặc môn ư? – Đạo trưởng dường như khó khăn lắm mới thoát ra khỏi cảm giác khổ sở và bất lực, hỏi khẽ một câu.
– Đúng vậy!
Lão mặt đỏ vừa đáp lời, Lỗ Nhất Khí lập tức giật mình kinh ngạc, bụng dưới thót căng, toàn thân vô thức vận kình, một luồng khí cuộn lên xoay vòng hai lượt quanh ngực bụng, rồi vọt ra ngoài qua bách khiếu trên tứ chi.
Khi sa vào quỷ khảm trong tứ hợp viện Bắc Bình, Lỗ Nhất Khí đã biết, kỹ nghệ của phe đối thủ xuất phát từ bậc “luận quỷ đệ nhất” Mặc Địch, bởi lẽ áng văn “Minh quỷ” của Mặc Tử chính là trước tác đầu tiên hệ thống nhất bàn về ma quỷ còn được bảo tồn tới ngày nay. Hơn nữa, trong giấc mộng khi ở trong căn nhà tổ, cậu cũng nhìn thấy Mặc Địch và tổ sư Lỗ Ban của gia tộc mình, giữa hai dòng họ chắc chắn có mối quan hệ vô cùng mật thiết, song không hiểu vì sao lại trở thành thù địch. Giờ đây, cậu đang ngồi đối diện với cao thủ truyền nhân của kẻ thù, tại sao lại không căng thẳng cho được?
Lão mặt đỏ và đạo trưởng đều kinh ngạc ngoảnh nhìn Lỗ Nhất Khí, bởi lẽ trong lúc căng thẳng và phòng bị một cách vô thức, xung quanh cơ thể cậu bỗng nhiên khí toả như mây, hào quang rực rỡ, trông chẳng khác gì tiên nhân hạ phàm.
Lão mặt đỏ nhìn dáng điệu của Lỗ Nhất Khí, có vẻ như đã nhận ra điều gì nên vội hỏi:
– Các trưởng bối trong nhà cậu vẫn chưa nói cho cậu biết địch thủ của cậu là ai ư?
Lỗ Nhất Khí lắc đầu. Lão mặt đỏ liền thở ra một hơi, vẻ mặt lại tươi cười như cũ:
– Vậy thì hãy để bọn ta nói cho cậu nghe, bọn ta sẽ cho cậu biết những điều mà các trưởng bối của cậu vẫn chưa kịp kể. Đạo trưởng, xin hãy tiếp tục! – Giọng nói của lão mặt đỏ lại trở nên ung dung thong thả.
– Thảo nào còn trẻ tuổi như vậy đã đảm đương được vị trí chủ nhân. Xem ra hôm nay ta thực sự đã tìm được đúng người để thuật lại sự tình. Nhưng ông là Nam Mặc hay Bắc Mặc? – Trong lời lẽ của vị đạo trưởng vẫn không giấu nổi vẻ kinh ngạc.
– Ha ha! Đáng lẽ ông nên hỏi tôi là người họ Mặc hay họ Chu mới phải chứ! – Lão mặt đỏ cười thành tiếng mà nói – Đạo phái Toàn Chân các ông đọc “Nam hoa kinh” mà biết được Mặc gia phân thành hai phái Bắc và Nam, nhưng kỳ thực chính là từ trong Mặc gia phân ra một chi nhánh là Chu môn. Người đời thường nói “gần Chu thì đỏ, gần Mặc thì đen”(*), ý nghĩa thực sự của câu này có nghĩa là Chu môn dựa vào bảo bối để sát phạt, những mong thống trị thiên hạ; còn Mặc gia lại yêu cầu đệ tử phải dưỡng tâm tĩnh khí, ẩn thân nơi sơn dã ruộng đồng.
(*) “Chu” nguyên nghĩa là son, “Mặc” nguyên nghĩa là mực, câu thành ngữ này cùng tương tự với câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
– Ồ, hoá ra là thế! Những hiểu biết của chúng tôi về Mặc gia đa phần là nghe giang hồ đồn đại, thất thiệt khó tránh. Còn chuyện Mặc môn phân Nam Bắc, đúng là chúng tôi đã phán đoán dựa vào “Nam hoa kinh“, trong sách quả thực có viết phân thành hai phái! – Xem chừng những lời giải thích của lão mặt đỏ vẫn chưa đủ để xoá tan nỗi hoài nghi trong lòng đạo trưởng. Âu cũng là đương nhiên, chỉ qua vài câu nói, bảo một người gần hết cuộc đời tu đạo như ông ta phủ định kinh điển chí thánh trong Đạo giáo là điều không thể.
– Chuyện này tôi sẽ giải thích sau. Giờ đạo trưởng hãy thuật lại chuyện Đạo gia của các vị trước đã. Đạo gia trước dây hai phái Bắc Nam cùng hưng vượng, chỉ có điều sự hưng vượng của phái Bắc Toàn Chân có mối quan hệ mật thiết với Thổ bảo, chúng tôi đang rất muốn được biết chuyện này.
Vị đạo trưởng nhăn tít đôi mày, nói:
– Ồ, biết nói thế nào đây? Đạo giáo từ thời Tống Nguyên đã bắt đầu hưng vượng, phái Nam là phái Long Hổ Thiên Sư, phái Bắc là phái Toàn Chân chúng tôi. Vào lúc phái Bắc hưng thịnh nhất, đã xuất hiện tổ sư Khâu Xử Cơ, ông từng dẫn theo mười tám đệ tử ngược lên phương bắc truyền đạo, được Thành Cát Tư Hãn trọng dụng phong làm Quốc sư. Sau đó Thành Cát Tư Hãn càn quét Trung Nguyên, công chiếm vô số lãnh thổ trên khắp đại lục Âu Á, tất cả những sự kiện này đều có mối liên quan mật thiết với mục đích bắc tiến của Khâu tổ sư. Trong môn phái của tôi, bí mật này chỉ được phép khẩu truyền qua các đời chưởng giáo, nên ít nhiều cũng có rò rỉ và thất thoát. Đến đời của tôi, còn sót lại chẳng là bao, song vẫn không thể tuỳ tiện nói cho người ngoài biết.
Năm xưa khi Doãn tổ sư xây đạo quán này đã để lại lời dặn rằng, phải đời đời kế tục, chờ đợi ở đây, đợi đến khi chủ nhân của Thổ bảo xuất hiện, hãy kể lại với người đó nguyên uỷ của sự việc. Hôm nay các vị đã tìm đến được đây, tôi cũng không giấu nữa. Năm xưa khi sư phụ truyền lại bí mật cho tôi, có nói rằng Khâu tổ sư từng dày công nghiên cứu “Nam hoa kinh“, cảm thấy hết sức tò mò với một nhân vật được nhắc tới trong kinh điển, nên đã tìm khắp trong điển tịch văn chương, những muốn tìm ra chân tướng, cuối cùng đã tìm ra hậu duệ của người đó mà kết giao bằng hữu. May sao, sau khi tìm tòi nghiền ngẫm trong gia huấn mà hậu duệ của người đó vẫn bảo tồn, mới phát giác được nơi cất giấu Thổ bảo. Bởi vậy mới dẫn theo đệ tử ngược lên phương bắc, mục đích là đi tìm Thổ bảo.
Thế nhưng hơn chục người bọn họ đã không thể đủ sức để phá giải công trình kiến trúc cất giấu bảo bối của tiền bối cao nhân, may được Thành Cát Tư Hãn phái người trợ giúp. Để phá được các luỹ đất được bố cục theo sáu mươi tư đường tinh đạo có các hào ngầm nối liền, đã tử thương hơn ba nghìn dũng sĩ Mông cổ, cuối cùng cũng đã tìm ra điểm thực, khai quật được bảo bối. Nghe nói sau này huyệt mộ của Thành Cát Tư Hãn cũng được xây dựng phỏng theo kiểu luỹ đất với bố cục sáu mươi tư đường tinh đạo như vậy. Sau khi lấy được bảo bối, Thành Cát Tư Hãn đã xây đài thờ cúng Thổ bảo, nhờ vào phúc trạch của Thổ bảo mà động đao binh tung hoành thiên hạ, cướp đoạt lãnh thổ vạn ức.
– Vậy sau đó Thổ bảo đã đi đâu? – Tuy Lỗ Nhất Khí đang rất nóng lòng muốn biết sự thực, song giọng nói của cậu vẫn rất mực điềm nhiên, tựa như tiếng rủ rỉ trong giấc ngủ.
Nghe cậu hỏi, lão đạo trưởng đã lập tức đáp lời:
– Sau đó, dị tộc Nguyên Mông quá đỗi ngang ngược bạo tàn, khiến Khâu tổ sư trong lòng hối hận, nhưng lại không thể trực tiếp đối đầu với Thành Cát Tư Hãn, bởi vậy đã âm thầm ra đi, trở về phái Toàn Chân, sau đó phái đệ tử tìm cơ hội trộm lại Thổ bảo. Để bảo vệ cho sự bình yên của Trung Nguyên, họ đã chôn báu vật này ở vị trí trung tâm của lãnh thổ Trung Nguyên, nghe nói là trong một địa cung ở phía bắc Hàm Dương thời cổ.
– Trời! Di chuyển vị trí Thổ bảo? Hậu quả sẽ rất khó lường! – Lỗ Nhất Khí kinh hãi kêu lên, nỗi kinh sợ trong lòng càng khiến luồng khí quanh người cậu bừng bừng như sóng. Có lẽ là do khí tướng của Lỗ Nhất Khí, cũng có lẽ là do câu nói vừa rồi của cậu, đã khiến vị đạo trưởng kinh ngạc đến há hốc miệng, còn lão mặt đỏ lại càng cười híp cả mắt.
Sở dĩ Lỗ Nhất Khí quả quyết như vậy, là vì trong “Cơ xảo tập” đã đặc biệt nhấn mạnh đến điều này.
– Quả đúng là như vậy! Làm trái ý trời, tất gặp tai ương. Thổ bảo dịch chuyển chưa lâu, Trung Nguyên đã sông nước cạn khô, thổ nhưỡng suy sụp, cây cối úa tàn, đất vàng tích tụ tầng tầng lớp lớp. Trong “Thủy kinh chú“(*) thời Bắc Ngụy có miêu tả về cảnh tượng Trung Nguyên trước đây: “Cây cối um tùm, sương khói liền mây, tùng biếc non xanh, sông trong tưới mát”. Nhưng giờ đây cảnh tượng đó đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại một vùng cao nguyên hoàng thổ mênh mông. Địa cung cất giữ bảo vật cũng bị chôn vùi dưới lớp lớp đất vàng, không còn tông tích, còn nói gì tới dấu vết của Thổ bảo nữa! – Nói tới đây, vị đạo trưởng thở ra một hơi dài, khuôn mặt đang nhăn nhó bắt đầu giãn ra.
(*) “Thuỷ kinh chú” là trước tác của Lệ Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy, tức thế kỷ 6, đây là một bộ trước tác về địa lý mang tính tổng hợp tương đối hoàn chỉnh thời cổ đại của Trung Quốc, chủ yếu ghi chép về hệ thống sông ngòi.
– Thổ bảo mất dấu? Kết cục này khiến Lỗ Nhất Khí vô cùng bất ngờ, song nhìn vào thần thái của vị đạo trưởng lại không hề giống như đang nói dối.
– Đúng Vậy, phái Toàn Chân đã động đến Thổ bảo! Mặc gia chúng tôi cũng đã cố gắng tìm cách ngăn chặn, song nhân lực quá ít ỏi. Người theo học kỹ thuật của Mặc gia vốn dĩ không nhiều, hơn nữa trong đó cũng không thiếu kẻ mong nhờ kỹ nghệ để kiếm chác vinh hoa phú quý, nên những bí mật về Bát bảo mà Mặc gia nắm giữ tuyệt không thể lộ cho loại người này biết, bởi vậy lũ môn nhân đệ tử đó có cũng như không. Còn những người hiền tài trong Mặc môn đều sống ẩn dật, phần lớn đều tuân theo di huấn của tổ tông, dạy dỗ tài bồi những môn đồ ưu tú để đảm bảo có thể hoàn thành trọng trách sau khi số Bát cực mãn vòng, nên đầu óc đã trở nên cứng nhắc. Cuối cùng, chỉ tập hợp được mười bốn người, đi lên phía bắc, thu nạp thêm các hậu duệ của Mặc môn đảm đương nhiệm vụ bảo vệ bảo vật ở phương bắc, tổng cộng vẫn chưa tới hai mươi người, về cơ bản không thể địch nổi quân thiết kỵ nghìn người của Mông Cổ, đành phải giương mắt đứng nhìn Thổ bảo bị khai quật.
Song để Lỗ Nhất Khí tin vào những lời này, vẫn phải cần thêm một vài bằng chứng khác. Dẫu rằng khu vực phía bắc Hàm Dương ngày nay quả thực là vùng cao nguyên hoàng thổ, đất vàng mênh mông, song không có bât cứ cuốn sách nào có thể chứng thực rằng, tình trạng này chỉ xuất hiện sau khi Thổ bảo chuyển dời vị trí. Vô số sự việc còn khó bề xác định rõ ràng, những lời kẻ xướng người hoạ của hai con người trước mặt kia, cùng lắm cũng chỉ khiến Lỗ Nhất Khí cảm thấy bất ngờ kinh ngạc, mà không thể hoàn toàn tin tưởng.