Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bão Lửa U23 – Thường Châu Tuyết Trắng

U23 Việt Nam – Đã Quá Quả Cảm Rồi – Phần 2

Tác giả: Nhiều Tác Giả
Chọn tập

U23 VIỆT NAM – ĐÃ QUÁ QUẢ CẢM RỒI, VỀ NHÀ THÔI! CẢ VIỆT NAM ĐANG CHỜ!  

…Tiếp theo

NGÀY MAI BẮT ĐẦU TỪ HÔM NAY

Bạn đã bao giờ nghe về trận khúc côn cầu trên băng huyền thoại “Miracle on Ice” (Điều kỳ diệu trên băng)? Năm 1980, đội tuyển chủ nhà Mỹ đương đầu với các nhà đương kim vô địch Liên Xô trong trận đấu tranh huy chương vàng tại Thế vận hội mùa đông. Đội tuyển Mỹ khi đó là tuyển trẻ nhất giải đấu và bao gồm đa phần những cầu thủ nghiệp dư. Trong khi đó, tuyển Liên Xô là những nhà vô địch thực thụ đã ăn tập cùng nhau suốt bao năm trời. Họ giành huy chương Vàng môn hockey năm trong sáu kỳ Thế vận hội gần nhất. Để cho đễ liên hệ, hãy tưởng tượng một đội bóng đá trẻ vô danh đương đầu với một tập thể những nhà vô địch gồm những Messi, Ronaldo hay Neymar…

Ấy thế mà chàng tí hon David lại quật ngã gã khổng lồ Goliath. Những giây cuối cùng của trận đấu, bình luận viên Al Michaels có phần bình luận nổi tiếng: “Các bạn có tin vào điều kỳ diệu không? Vâng, hết giờ rồi!”. Những tuyển thủ trẻ đã chiến thắng những nhà vô địch được đánh giá cao hơn gấp nhiều lần. Chiến thắng ấy vĩ đại tới mức vào năm 1999, tạp chí thể thao Sports Illustrated đã chọn đó là “Khoảnh khắc thể thao vĩ đại nhât thế kỷ 20”.

Tầm vóc của trận khúc côn cầu trên băng ấy không chỉ được gói gọn trong một tấm huy chương. Đó là bước ngoặt trong lịch sử khúc côn cầu Mỹ, giúp môn thể thao này trở nên phổ biến và được ưa thích trên toàn xứ cờ hoa. Thay vì chỉ được chơi ở các bang phía Bắc, môn hockey được nhiều thiếu nhi và thiếu niên tìm tới nhờ được truyền cảm hứng từ đội tuyển Olympic Mỹ năm 1980.

Các con số thống kê cho thấy trong 10 năm kể từ sau trận “Miracle on Ice”, số lượng trẻ em đăng ký tập chơi hockey ở Mỹ đạt 200 nghìn người. 15 năm sau, con số trên chạm mốc nửa triệu người. Ngày nay, hầu hết các thành viên tuyển quốc gia môn khúc côn cầu trên băng của Mỹ đều là những đứa trẻ được truyền cảm hứng từ trận đấu lịch sử trên, dù khi đó họ thậm chí còn chưa được ra đời. Như cầu thủ J. P Kascak khẳng định: “Nếu bạn là người Mỹ, đó chắc chắn là câu chuyện về đội cửa dưới vĩ đại nhất. Đó là một phép lạ, đủ để khiến bất cứ ai nghe cũng được truyền cảm hứng”.

Nhìn lại hành trình của U23 tại giải U23 châu Á 2018, có khác gì một phép nhiệm màu dù không vô địch? Chúng ta bước vào giải chỉ với kỳ vọng có được bàn thắng hoặc một trận hòa đã là thành công, để rồi đường hoàng bước vào trận chung kết sau khi quật ngã những đội bóng tầm cỡ của châu lục. Trước Uzbekistan, U23 Việt Nam cũng trụ vững một cách quật cường cho tới những giây phút cuối cùng và khiến không chỉ khán giả Việt Nam mà cả Đông Nam Á cũng tự hào! Người hâm mộ Việt Nam được trải qua biết bao cung bậc cảm xúc, khóc cười, hy vọng trào dâng và bùng nổ hạnh phúc… đều đủ cả. Những người không quen biết cũng có thể đưa tay “highfive” ôm chầm lấy nhau nhảy nhót trong hạnh phúc, ấy là những giá trị tinh thần kỳ diệu, là sự kết nối tinh thần không thể đong đếm.

Vậy sau giải đấu này là tương lai nào? Chiến quả của U23 Việt Nam sẽ chỉ như một ánh sao băng lóe lên rồi vụt tắt, hay trở thành ngôi sao sáng soi đường cho những thế hệ sau? Mong rằng là trường hợp thứ hai. HLV Park Hang Seo và các học trò đã khơi dậy ngọn lửa cảm hứng trong hàng chục triệu người Việt Nam. Đã có những đứa trẻ ra đời trong những ngày này được đặt tên Hải, tên Dũng… theo tên những người hùng của đội tuyển. Vậy chúng ta có quyền hy vọng một ngày nào đó, sẽ có một lứa những cầu thủ trẻ được truyền cảm hứng và tình yêu với trái bóng tròn từ giải đấu này mang về vinh quang cho bóng đá nước nhà chứ?

Giải đấu trên đất Trung Quốc đã mang đến không chỉ nhiều cảm xúc mà cả những bài học đắt giá. Các nhà hoạch định bóng đá, các quan chức của Liên đoàn… đã nhìn thấy chúng ta có thể đi xa thế nào khi tập luyện, áp dụng tốt những kỹ năng cơ bản của bóng đá; đã tìm thấy lối chơi phù hợp với thể trạng người Việt Nam. Các cầu thủ đã thấy rằng nếu chiến đấu hết mình vì lá cờ in tức ngực, đằng sau lưng họ sẽ là một biển người hâm mộ dù họ có thất bại. Người xem bóng đá thì nhận ra bóng đá Việt Nam vẫn đẹp lắm, vẫn đáng xem lắm, vẫn đáng để gào khản giọng, để cháy hết mình lắm!

Vẫn còn phía trước cả một chặng đường dài, nhưng điều quan trọng là chúng ta đang đi đúng hướng. Những người hùng ngày hôm nay như Quang Hải hay Xuân Trường… đều là những sản phẩm của các lò đào tạo bóng đá trẻ và trưởng thành nhờ được ăn, ngủ cùng bóng đá từ nhỏ. Trước khi biết chạy, hãy học cách đi thật vững đã. Các trung tâm đào tạo bóng đá từ lứa tuổi nhi đồng cần tiếp tục được quan tâm đầu tư, để tương lai cho ra lò thêm những người hùng bóng đá mới. Có cơ sở để hy vọng vào điều này, khi những ngôi sao bóng đá tầm cỡ thế giới như Ryan Giggs hay Paul Scholes đã tới Việt Nam làm việc. Bản thân người hâm mộ cũng cần học cách cổ vũ văn minh, thắng không kiêu bại không nản thay vì quá khích như một số thành phần thể hiện trên mạng xã hội sau thất bại.

Thay vì xây nhà từ nóc như bao năm nay, bóng đá Việt Nam cần tiếp tục được xây dựng một nền móng vững chắc. Hãy để chiếc Huy chương Bạc năm nay làm nền tảng của niềm tin và hy vọng, để những thế hệ mới tài năng tiếp tục được trình làng. Để một ngày nào đó, chiến thắng ở tầm châu lục không còn là điều bất ngờ, là một phép màu nữa mà là đẳng cấp, là thành quả đơm hoa kết trái của sự bài bản. Để một ngày nào đó, chúng ta có thể hô vang “Việt Nam vô địch” bởi chúng ta đã là những nhà vô địch thực sự!

Đó là câu chuyện của tương lai sau này, còn ngày hôm nay, hãy cứ vui và tự hào vì đội tuyển U23 Việt Nam đi đã. Hãy về đây đi, để được chào đón như những anh hùng. Ở Việt Nam không có tuyết trắng đâu, chỉ có tình yêu và sự cổ vũ của người hâm mộ chúng tôi mà thôi, những người hùng ạ!

Chọn tập
Bình luận