ĐỂ KỲ TÍCH U23 VIỆT NAM KHÔNG “SỚM NỞ TỐI TÀN”
– Vũ Song Toàn –
Cùng với niềm vui và những con số tăng trưởng GDP, thị trường chứng khoán…, kỳ tích của đội tuyển U23 tại Trung Quốc như khiến toàn thể người dân Việt Nam đón một năm mới tưng bừng chưa từng có. Nhưng trong men say của niềm hân hoan chiến thắng và sự thăng hoa cảm xúc, vẫn cần phải lắng lại. Để chiến thắng không thể biện minh cho tất cả. Kỳ tích cần phải bền vững chứ không chỉ “sớm nở tối tàn”…
ĐÚNG LÀ KỲ TÍCH
Trong số 8 cái tên lọt vào tứ kết giải U23 châu Á năm nay, U23 Việt Nam có lẽ là đội bóng được đánh giá thấp nhất. Không những “nghèo”về thành tích, Việt Nam còn nghèo gần nhất về thu nhập bình quân trên đầu người. Mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 2.500 đô la Mỹ/năm, thua xa các anh nhà giàu Qatar 33 lần, Nhật Bản 18 lần, Hàn Quốc 13 lần. Với nước láng giềng Malaysia, Việt Nam vẫn kém đến 5 lần. So với Iraq (gần 7 nghìn đô), ta vẫn đuối hơn một chút, chỉ tương đương với Uzbekistan và Palestine – một vùng lãnh thổ quanh năm nội chiến – không ai có thể yên tâm phát triển kinh tế.
Và ngay cả so với 8 đội bóng đã bị loại sau vòng bảng, U23 Việt Nam vẫn cứ là một trong số đội bóng “nghèo toàn diện”. Kể từ ngày bóng đá Việt Nam trở lại hội nhập khu vực (năm 1991), chúng ta mới chỉ có duy nhất 1 AFF Cup (2008) cùng 1 lần về nhì. Trong khi đó, “ông kẹ” của khu vực – Thái Lan – đã có đến 5 cúp và Singapore, một quốc đảo dân số chỉ bằng 1 quận của Hà Nội vô địch tới 4 lần. Đấu trường SEA Games càng hẩm hiu, toàn là “giấc mơ dang dở”. Riêng sân chơi châu Á thì luôn được xem là quá tầm, mỗi lần xuất ngoại mục tiêu đặt ra chỉ là “cơ hội cọ xát học hỏi kinh nghiệm”.
Bởi vậy, nếu đứng ở bình diện khu vực mà nhìn vào sân chơi U23 năm nay, người ta sẽ phải đặt kỳ vọng vào đương kim vô địch và á quân SEA Games 2017, Thái Lan và Malaysia, thay vì Việt Nam – đội đã bị loại từ vòng bảng. Ngay cả với người hâm mộ nhiều mộng mơ nhất cũng không ai dám nghĩ đến, đội bóng chơi trận cuối cùng của AFC U23 Cup 2018 lại là Việt Nam. Điều đó chỉ có thể gọi là KỲ TÍCH – một kỳ tích khiến những trái tim yêu bóng đá nước nhà nổ tung, còn ban tổ chức giải đấu cũng có một kịch bản hấp dẫn ngoài dự tính.
ĐIỀU GÌ LÀM NÊN KỲ TÍCH?
Không cần do dự, cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ đều thống nhất câu trả lời: Hạt nhân tạo nên kỳ tích đó chính là ông thầy người Hàn Quốc Park Hang Seo.
Chính thức ra mắt ngày 11/10/2017, chỉ trong vòng 100 ngày, ông đã biến những chàng trai vừa thất bại ê chề ở SEA Games 5 tháng trước lột xác hoàn toàn. Cơ bản vẫn là những con người đó, mà sao họ chạy như “không phổi”? Vẫn thành phần lực lượng đó, mà sao cả cầu thủ chính thức và dự bị khi được vào sân đều phát huy trên 100% năng lực? Vẫn những gương mặt đó, mà sao không hề biết sợ sệt, nao núng trước bất cứ đối thủ nào?
Thế mới càng thấm câu thành ngữ “Ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”? Hãy xem cách Park Hang Seo sử dụng nhân sự: Ông dành ưu tiên lớn nhất củng cố hàng thủ mà tử huyệt là vị trí thủ môn. Chắc hẳn HLV này đã xem lại rất kỹ băng hình cả một quá trình trước đó của đội tuyển Việt Nam cũng như đội tuyển U23 và phát hiện ra rằng những “cái chết” đau đớn của bóng đá Việt Nam phần lớn do thủ môn. Gần nhất là SEA Games 29, người hâm mộ Việt Nam đã không hiểu Phí Minh Long diễn trò gì trong trận quyết định với Thái Lan. Bùi Tiến Dũng hồi đó cũng nằm trong danh sách, đã có một giải U19 châu Á và U20 thế giới đầy ấn tượng trước đó nhưng không được trọng dụng.
Tiếp đến là hàng hậu vệ, Park luôn sử dụng 5 hậu vệ, trong đó 1 người có thiên hướng “thòng” là Đình Trọng. Ông kéo hẳn Duy Mạnh ( trước đó chơi giao thoa trung vệ – tiền vệ trụ) dứt điểm về chơi bên cạnh Tiến Dũng với nhiệm vụ trung vệ “dập”. Đình Trọng là một trong số 5 cầu thủ chơi trọn vẹn cả 5 trận đấu vừa qua, trong khi “chuyên gia kèm Tây” này chỉ được sử dụng vài chục phút ở SEA Games, khiến không ít HLV V-League tỏ ra tiếc nuối. Ở khu trung tuyến, ông cũng di Đức Huy vào giữa, bên cạnh Xuân Trường làm một cặp tiền vệ trung tâm, so với vị trí sở trường của Huy là chạy cánh trước đây. “Siêu dị” Quang Hải thì khỏi phải nói, đương nhiên phải là ngòi nổ, phải là hy vọng lớn nhất – điều mà 5 tháng trước Hải không có được.
Ba thay đổi quan trọng về nhân sự là thủ môn Tiến Dũng, trung vệ Đình Trọng, tiền vệ sáng tạo Quang Hải chính là những nhân tố đã mang đến sự khác biệt vượt trội.
Nhưng thay đổi nhân sự chỉ là yếu tố cần, để giành chiến thắng trước những đối thủ như Australia, Iraq, Qatar còn phải là sự vượt ngưỡng về chuyên môn. Hãy xem cái cách đội quân của Park di chuyển và giữ cự ly đội hình. Các vị trí luôn giữ khoảng cách tối đa 5-6m để bọc lót và hỗ trợ khi phòng ngự. Mỗi khi có bóng tấn công hoặc phản công, nhân sự luôn được lấp đầy nhanh chóng trên phần sân đối phương chỉ trong vòng 2-3 giây. Điều này đã khiến cả Australia, Iraq, Qatar cực khó để thi triển lối chơi sở trường như mong muốn.
Để đạt được trạng thái thể lực như thế, ngay cả các chuyên gia gạo cội và đội ngũ HLV V.League cũng phải thốt lên: “Không hiểu ông ấy huấn luyện thể lực kiểu gì mà cầu thủ có thể chạy “như điên” được thế!”. Chúng ta chưa từng thấy một đội tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia có một nền thể lực sung mãn như U23 Việt Nam tại giải lần này. Thậm chí ban tổ chức giải cũng hoài nghi và kiểm tra doping sau mỗi trận đấu. OK, kiểm tra thì kiểm tra. Kết quả: No doping. Thật kinh ngạc!
Tuy nhiên, dù thể lực của các cầu thủ Việt Nam có được cải thiện đến đâu thì so với các đối thủ chúng ta cũng vẫn thua thiệt không ít. Vậy mà trong 5 trận đấu, trong đó 2 trận chơi đến 120 phút, chỉ duy nhất Đức Huy bị “vọp bẻ” lúc gần cuối hiệp phụ thứ 2 trận bán kết với Qatar. Đôi chân các cầu thủ luôn ở trạng thái sung mãn, mà bàn thắng của Quang Hải ở phút 89 là minh chứng cho sự thăng hoa toàn diện. Bí quyết ở đâu nữa?
Trong cuốn sách best seller Nhân tố enzym của Ts. Hiromi Shinya, ông khẳng định tinh thần luôn là một trụ cột quan trọng nhất trong việc trị liệu và chiến thắng bệnh tật. Khi ta được trút bỏ hoàn toàn gánh nặng tâm lý và hạnh phúc với những việc mình làm, cơ thể sẽ tiết ra những enzym diệu kỳ giúp ta đạt được những điều không tưởng trong cuộc sống. Rất nhiều người đã chiến thắng được cả căn bệnh ung thư nhờ tinh thần lạc quan. U23 của Park Hang Seo cũng vậy, các cầu thủ và cả đội ngũ trợ tá kể rằng, ông và đội quân của ông là một gia đình. Ông như một người cha, luôn quan tâm và thấu hiểu, ông luôn biết cho đi mà không vụ lợi. Điều gì phát đi từ trái tim thì sẽ nhận lại được từ trái tim. Đó là quy luật!
ĐỂ KỲ TÍCH KHÔNG “SỚM NỞ TỐI TÀN”
Trước mắt đội tuyển U23 vẫn còn một trận chung kết trước Uzbekistan – một đối thủ đã vượt qua cả đương kim vô địch và đương kim á quân Nhật, Hàn “dễ như đi dạo”. Lẽ đương nhiên, chúng ta luôn mơ về một giấc mơ đẹp nhất, nhưng kỳ tích lọt vào trận chung kết của thầy trò HLV Park Hang Seo cũng đã ghi dấu lịch sử.
Cuộc vui nào rồi cũng phải kết thúc. Dư âm của nó chính là tư liệu vô cùng quý báu, một điểm tựa để những nhà quản lý và chuyên môn có sự mổ xẻ sâu sắc, nhằm hoạch định đúng đắn tiềm năng phát triển của bóng đá nước nhà. Nếu hàm số để xác định thành quả trong kinh tế học bao gồm các yếu tố đầu vào là nhân lực, tiền vốn và công nghệ, chúng ta cũng có thể đi tìm một hàm số để xác định thành quả cho bóng đá, Nhưng thay cho yếu tố công nghệ là trình độ tổ chức và niềm đam mê.
Rõ ràng, về nhân lực bóng đá Việt Nam không hề thiếu nhân tài. Nếu so với chủ nhà Trung Quốc hơn 1 tỷ dân, thành công của bóng đá Việt Nam khiến người bạn láng giềng không khỏi hổ thẹn. Về niềm đam mê, chúng ta không thua kém bất cứ một quốc gia nào trên thế giới. Có lẽ không một quốc gia nào trong châu lục này ăn mừng chiến thắng của một đội bóng đá chẳng khác gì ngày giải phóng dân tộc. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau trận thắng nức lòng trước Qatar, số tiền thưởng của U23 đã lên tới 20 tỷ đồng và danh sách vẫn tiếp tục dài ra… Đó là một yếu tố hậu thuẫn cực kỳ lớn lao!
Vậy, vấn đề còn lại chỉ là trình độ tổ chức, trong đó nhân sự lãnh đạo và sự chuyên nghiệp là 2 thành tố then chốt?
Chúng ta cần đặt câu hỏi, tại sao bóng đá Việt Nam chỉ thành công với các HLV ngoại? Phải chăng bên cạnh năng lực chuyên môn vượt trội, HLV ngoại đã giải tỏa hoàn toàn tâm lý cho các cầu thủ về sự công tâm trong lựa chọn lực lượng, luôn đặt yếu tố chuyên môn lên trên hết? Họ cũng là những bậc thầy về tâm lý, biết úy lạo tinh thần học trò đúng lúc, giúp họ luôn phát huy trên 100% năng lực của mình?
Đội tuyển quốc gia và giải Vô địch quốc gia chính là bộ mặt của cả một nền bóng đá. Nhưng giải Vô địch quốc gia kể từ khi mang tên chuyên nghiệp đã qua 17 năm mà không mùa giải nào không ngập chìm trong bê bối, khiến uy tín của VFF chiếm tỷ lệ cược nhỏ trong chỉ số niềm tin của giới chuyên môn và người hâm mộ. Cuộc hội thảo bóng đá Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 13/1 vừa qua đã phơi bày hàng loạt bất cập, yếu kém của VFF mà cốt tử vẫn là nhân sự và trình độ tổ chức. Các luật sư có mặt đã chỉ ra VFF đang vi phạm quy định nhà nước ở các vị trí nhân sự cấp cao. Bên cạnh đó, một loạt CLB chuyên nghiệp được “gật đầu” cho hoạt động khi chưa đáp ứng được tiêu chí mà chính VFF đặt ra…
Bởi vậy, nếu không muốn kỳ tích của U23 Việt Nam tại Trung Quốc chỉ là bất ngờ lịch sử “một lần rồi thôi”, các nhà lãnh đạo VFF cần phải ngồi lại với nhau trong một tinh thần cầu thị, kỹ lưỡng và một trái tim trọn vẹn hướng về sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Chúng ta phải khẳng định một điều: Đội tuyển U23 đã tạo nên kỳ tích, song đó là sự bất ngờ được tạo nên bởi Park Hang Seo. Đó phải được xem là một điểm tựa, một nguồn cảm hứng để VFF tìm được một vị Chủ tịch như Park Hang Seo của Đội tuyển U23 – một vị chủ tịch có đủ tâm và tầm để giải được trọn vẹn các hàm số hướng đến những kỳ tích bền vững trong tương lai…
(Bài viết đăng trên VietNamNet ngày 24/01/2018)
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com