Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Bão Lửa U23 – Thường Châu Tuyết Trắng

Sau Chiến Công Của U23 Việt Nam

Tác giả: Nhiều Tác Giả
Chọn tập

SAU CHIẾN CÔNG CỦA U23 VIỆT NAM, RỒI SAO?

– Hồng Ngọc –

Chúng ta đang say sưa tận hưởng thành tích của đội tuyển U23 nước nhà tại giải U23 châu Á. Nhưng bóng đá Việt Nam phải làm gì để thành công đó không phải là bất chợt?

Câu nói kinh điển của huấn luyện viên Alfred Rield được những người làm bóng đá Việt Nam thường xuyên nhắc tới: bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc.

Đó là khi cả nền bóng đá, từ người hâm mộ đến các quan chức, tập trung vào xây dựng đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, chưa có ai hỏi thêm Rield rằng phải xây ngôi nhà bóng đá Việt Nam như thế nào mới là đúng.

KHÔNG CÒN XÂY NHÀ TỪ NÓC,
NHƯNG CHƯA ĐỦ

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cho rằng phải xây nhà theo cách khác, bằng cách tổ chức lại giải vô địch quốc gia theo hướng chuyên nghiệp hoá, và V-League ra đời. Nhưng nếu gọi đội tuyển là nóc, V-League chỉ như tường nhà. Gần 2 thập kỷ “chuyên nghiệp hoá” cũng không giúp giải vô địch quốc gia hấp dẫn khán giả hơn, dù đời sống cầu thủ có khá hơn, và từng bước loại bỏ dần sự can thiệp của các quan chức thể thao, nạn móc ngoặc và bán độ.

Hầu hết người hâm mộ bóng đá và làm bóng đá chân chính đều cho rằng phải chú trọng vào đào tạo bóng đá trẻ. Sau nửa thập kỷ làm bóng đá chuyên nghiệp, bầu Đức cũng hiểu vai trò quan trọng của đào tạo trẻ, có đủ động lực và kiên trì để thực hiện nó, và Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG ra đời.

Sau 7 năm đào tạo, lứa thứ nhất mới giới thiệu được “sản phẩm” dưới dạng đội U19. Hơn 1 năm sau đó, họ mới bắt đầu tham dự bóng đá đỉnh cao, khi đồng loạt được đưa lên đội một dự V-League.

Bầu Hiển nhìn xa sớm hơn tính từ lúc bắt đầu làm bóng đá. Khi thành lập đội T&T Hà Nội (nay là Hà Nội FC), ông xây dựng từ một tập hợp cầu thủ trẻ, bắt đầu từ hạng đấu thấp nhất (hạng ba). Lứa cầu thủ gồm những Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Đức Huy, Văn Hậu cũng chính là thế hệ mà bầu Hiển đầu tư đào tạo bài bản, bắt đầu ngay từ lúc T&T Hà Nội mới lên V-League.

Nhưng tất cả trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hướng tới đỉnh cao đều không thực hiện việc dạy bóng đá từ lớp vỡ lòng. Các cầu thủ trẻ trở thành “đầu vào” cho các trung tâm đào tạo trẻ chuyên nghiệp đều đã bộc lộ rất rõ tài năng bóng đá ở tuổi 10-12.

Tất nhiên, chẳng có chuyên gia săn tài năng nào nhìn hình dáng một đứa trẻ mà thấy được họ là tài năng bóng đá tìm ẩn cả, dù trong bơi lội có thể thấy được điều đó. Chỉ có xem đứa trẻ chơi bóng, thi đấu thì mới thấy được. Nhưng để lọt được vào mắt xanh của các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp, trước đó là hành trình dài mà đứa trẻ và có thể cả cha mẹ chúng đã trải qua.

Các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ chuyên nghiệp vẫn chưa phải là cái móng của ngôi nhà bóng đá. nó có thể chỉ được xem như cái nền nhà mà thôi.

TÀI NĂNG TRẺ TỪ ĐÂU TỚI?

Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG đang được chúng ta tôn vinh là hình mẫu, nhờ cả mô hình nhập khẩu, đầu tư bài bản, giáo dục toàn diện, và triết lý bóng đá. Nó cũng đã cho ra lò những sản phẩm tốt, đóng góp quan trọng vào đội tuyển U23 ở giải đấu vừa qua.

Không nhập khẩu mô hình, cũng không rõ về mức độ giáo dục toàn diện hay triết lý bóng đá, nhưng lò đào tạo của T&T Hà Nội cũng cho ra những sản phẩm rất tốt, mà số lượng ( toàn bộ danh sách lẫn số cầu thủ thường xuyên đá chính) và vai trò của họ trong đội tuyển U23 còn nhỉnh hơn cả Học viện HAGL.

Cả hai đều tuyển cầu thủ vào hệ thống đào tạo của mình sớm nhất là từ 11 tuổi, khi các cầu thủ trẻ đã bộc lộ mạnh mẽ tài năng bóng đá.

Học viện HAGL được truyền thông rầm rộ hơn, xuất phát trước, đã tuyển được một loạt tinh hoa bóng đá mầm non trên toàn quốc ở khóa đầu tiên. Đó là lứa của những Xuân Trường (Tuyên Quang), Công Phượng (Nghệ An), Tuấn Anh (Thái Bình), Hồng Duy (Bình Phước), Đông Triều (Quảng Nam)… từng bùng nổ khi mới “xuống núi” năm 2014. Không có cầu thủ nào của khóa 1 sinh ra ở Gia Lai.

Nhưng câu chuyện đã khác đi từ khóa 2 của học viện HAGL. Vẫn tuyển sinh trên toàn quốc (chỉ có một cầu thủ địa phương là Ksor Úc), nhưng nguồn lực đầu vào đã bị hạn chế đi nhiều, do bị cạnh tranh bởi các trung tâm đào tạo khác. Cả khóa 2 và 3, Học viện HAGL Arsenal JMG không tuyển được cầu thủ Nghệ An, Hà Nội và Thái Bình nào. Ở Nghệ An, trung tâm đào tạo của SLNA đã biết giữ chân các tài năng địa phương hơn trước. Còn trung tâm đào tạo của T&T Hà Nội đã giữ chân các cầu thủ sinh trưởng tại Hà Nội và Thái Bình.

Đó là lý do khóa 2 chỉ giới thiệu được hai gương mặt đáng kể là Văn Toàn và Văn Thanh (thật ra đều từ khóa 1 chuyển xuống). “Con cá” mà HAGL câu hụt đáng tiếc nhất chính là Quang Hải, khi cầu thủ ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội chọn vào trung tâm đào tạo của T&T Hà Nội mà từ chối HAGL dù được tuyển vào khóa 2.

Cùng lứa tuổi, trong khi khóa 2 của HAGL chỉ giới thiệu thành công hai cầu thủ nói trên, thì trung tâm của T&T Hà Nội giới thiệu thành công hàng loạt cầu thủ: Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Đức Huy, thậm chí cả cầu thủ tương ứng với khóa 3 của HAGL là Đoàn Văn Hậu, người cùng với Quang Hải có thể đạt đẳng cấp châu Á.

Cùng lúc, SLNA cũng giới thiệu thành công Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh. Ở mức độ thành công khiêm tốn hơn, Viettel và PVF cũng giới thiệu mỗi trung tâm hai cầu thủ cho đội tuyển U23, dù chỉ có một người được thường xuyên ra sân.

Sơ kết đến đây, chúng ta chợt nhận ra rằng chẳng phải là Học viện HAGL đã tạo ra các tài năng, mà chỉ là phát triển các tài năng mà họ tuyển được từ đầu vào. Khi tuyển được thì họ phát triển được, như với khóa 1 (và 2 cầu thủ đưa từ khóa 1 xuống khóa 2), còn khi bị các trung tâm đào tạo khác nẫng mất thì thua!

AI ƯƠM MẦM CHO CÁC TÀI NĂNG?

Để chơi bóng đá giỏi, cầu thủ không chỉ tập luyện chuyên cần, đúng phương pháp, có môi trường phát triển tốt, mà trước hết là họ phải có năng khiếu.

Năng khiếu đó là một loại trí thông minh. Trong 7 loại hình thông minh mà Thomas Armstrong phân loại, có thể bóng đá cần đến ít nhất 2 loại hình trí thông minh, là trí thông minh về không gian và trí thông minh về cơ thể. Trong khi để giỏi toán và khoa học tự nhiên, có thể bạn chỉ cần đến một loại trí thông minh về logic toán.

Bạn chẳng thể test được trí thông minh đó của đứa trẻ, mà chỉ nhận ra được khi chúng chơi bóng. Nhưng giống như với tất cả các kỹ năng khác, con người cần phải được tập luyện nhiều mới trở nên thuần thục. Chẳng hạn năng khiếu tốt thì tập 100 lần có thể thuần thục và chính xác một động tác đơn giản, năng khiếu thấp hơn có thể phải mất 1.000 lần, còn kém năng khiếu thì có thể tập luyện đến… cuối đời vẫn không thể hoàn thiện.

Nhưng để chơi bóng tốt thì cần vô số các kỹ năng, mà chẳng có kỹ năng nào đơn giản, nên cần có năng khiếu và cũng phải tập luyện và chơi bóng đủ nhiều mới có thể lọt được vào mắt những nhà tuyển trạch tài năng trẻ.

Ai giúp trẻ nhỏ làm việc đó? Chẳng có trung tâm đào tạo chuyên nghiệp nào làm cả, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Cho trẻ em dưới 11 tuổi tập luyện và chơi bóng đá là vấn đề của phong trào: bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng.

ĐIỀU KIỆN CẦN CHO TRẺ NHỎ CHƠI BÓNG LÀ GÌ?

Quan trọng nhất và khó nhất là ý thức của cha mẹ hướng trẻ nhỏ vào tập luyện thể thao, thay vì ném cho chúng một thiết bị công nghệ hay cho chúng ngồi trước màn hình vô tuyến. Khó nhất, bởi từ sâu trong tiềm thức của chúng ta, sự đói ăn ám ảnh nên dành thời gian và năng lượng cho chơi thể thao là điều xa xỉ.

Khó nhất, bởi nó ngốn thời gian bố mẹ chơi với chúng, hoặc đưa đón chúng đến các trung tâm, tốn cả thời gian và tiền bạc. Để thay đổi nhận thức của cha mẹ hiện tại thì cần chương trình vận động quốc gia, còn thay đổi nhận thức của cha mẹ tương lai thì dễ hơn: đề cao giáo dục thể chất ở trường học.

Điều kiện quan trọng thứ hai là thời gian của trẻ. Nếu chúng phải “học văn hóa” tối ngày thì làm sao có thời gian để tập luyện bóng đá hay các môn thể thao, nghệ thuật khác? Đó lại không phải là việc mà ngành thể thao tự quyết được, mà quyết định nằm ở chiến lược giáo dục quốc gia. Thay cho việc bòn rút thời gian bắt trẻ phải giải toán hay làm văn theo mẫu thật điêu luyện, trẻ cần được giải phóng thời gian để học tập những thứ khác như thể thao, nghệ thuật trong chiến lược giáo dục toàn diện.

Sân chơi là điều kiện tiếp theo, hiện là vấn đề với các khu đô thị, khi mọi khoảng trống đều được chiếm lĩnh để xây nhà. Mặt bằng không phải là vấn đề lớn với vùng nông thôn, nhưng tình trạng quản lý kém đã biến các sân cỏ thường có ở các xã trước đây thành bãi cỏ thả trâu. Để thay đổi thực trạng này thì cần đến tư duy về quy hoạch, không chỉ ở thành thị mà cả ở nông thôn.

Nếu các khu dân cư từ cấp thôn ấp, các trường học từ bậc tiểu học trở lên đều có sân có thể chơi bóng đá (bậc nhỏ thì sân 5-7, bậc lớn thì sân 9-11 người) mới thay đổi bộ mặt phong trào bóng đá. Để học sinh, sinh viên có thể chơi bóng trong giờ rỗi ở trường, và về nhà thì chúng cùng người lớn có thể chơi bóng đá ngoài giờ.

“Phong trào” là một khái niệm tuy mơ hồ nhưng rất quan trọng. Cần có những người yêu thể thao, nhiệt tình xây dựng mới có thể gây dựng và phát triển phong trào ở mọi nơi, vì họ giúp kết nối người chơi, kết nối các nguồn lực, và khai thông các trở ngại. Điều lý tưởng là bóng đá đỉnh cao dẫn dắt các phong trào đó theo mô hình CLB như tại châu Âu, để tạo ra cộng đồng người chơi, người hâm mộ cho đội bóng bền vững, chứ không phải chỉ khi vui mới vỗ tay vào.

Nó cũng giúp các CLB chuyên nghiệp định hướng chương trình tập luyện và tạo sân chơi thi đấu cho bóng đá trường học, như SLNA đã gây dựng từ khi ông Nguyễn Hồng Thanh làm trưởng đoàn bóng đá. Đó là lý do Nghệ An luôn là nơi cung cấp tài năng trẻ số 1 cho bóng đá Việt Nam, dù mức độ đầu tư bài bản và thứ bóng đá được dạy ở lò đào tạo SLNA còn xa mới là chuẩn mực cho đào tạo.

Nếu làm tốt những điều này, bất chấp hạn chế thể hình và kinh tế, đẳng cấp châu Á là trong tầm tay với bóng đá Việt Nam, chứ đâu phải chỉ là thành công bất chợt với đội tuyển U23!

Hết

Chọn tập
Bình luận