Bạn có khỏe không?
Có lẽ không nhiều người có thể trả lời “có” một cách đúng nghĩa cho câu hỏi này. Ngay cả những người nói “thông thường tôi chẳng có bệnh gì cả” cũng là những người không khỏe mạnh. Trong Y học phương Đông có một từ là “vô bệnh”. Từ này thể hiện trạng thái “chưa bị bệnh” theo đúng nghĩa mặt chữ. Hay nói cách khác, đó là tình trạng “ngay trước khi bị bệnh”, dù không khỏe mạnh nhưng cũng chưa bị bệnh, Hiện nay, rất nhiều người Nhật đang ở trong tình trạng này.
Ngay cả trong số những người luôn cho rằng mình khỏe mạnh, chắc chắn cũng có không ít người đang gặp phiền toái với các vấn đề như táo bón, tiêu chảy, mất ngủ hay đau vai gáy… Những dấu hiệu đó có thể coi là các tín hiệu khẩn cấp SOS gửi đến cho chính thân chủ đang trong tình trạng “vô bệnh”. Nếu xem nhẹ các dấu hiệu này vì cho rằng đó là “chuyện thường ngày ở huyện” thì nó có nguy cơ tiến triển thành các căn bệnh nặng khác.
Từ sau chiến tranh, tuổi thọ bình quân của người Nhật tăng lên đáng kể và Nhật Bản hiện đã trở thành nước có tuổi thọ cao nhất thế giới, sống thọ chính là nguyện vọng của toàn nhân loại nên sự thật này quả thật rất đáng mừng cho chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta không thể vui mừng quá sớm khi chỉ đơn thuần nhìn vào con số tuổi thọ bình quân. Lý do là những con số này không phản ánh được “tình trạng sức khỏe” của người dân. Dù là người 100 tuổi sống khỏe mạnh mỗi ngày hay người 100 tuổi bệnh tật triền miên, thì cũng đều được tính là “người 100 tuổi”. Thế nhưng ta không thể nói cả hai đều có cuộc sống mãn nguyện như nhau được. Dù bạn có sống lâu đến đâu đi chăng nữa nhưng nếu không khỏe mạnh thì bạn cũng không thể sống một cách có ý nghĩa được. Và chắc hẳn không ai muốn sống lâu nhưng phần lớn thời gian lại nằm trên giường hay bị bệnh tật đau ốm, mà đó phải là cuộc sống khỏe mạnh.
Hãy nghĩ đến một người lớn tuổi ở gần bạn và hãy tưởng tượng, khi đến tuổi đó, bạn cũng sẽ có tình trạng sức khỏe tương tự như vậy. Liệu bạn có thể hài lòng với tình trạng đó hay không? Thật đáng tiếc khi phần lớn mọi người đều đưa ra câu trả lời là “Không”.
Khi bạn già đi, dù cơ thể còn khỏe mạnh thì các chức năng trong cơ thể cũng bị suy giảm. Tuy nhiên, việc các chức năng trong cơ thể suy giảm hoàn toàn khác với việc bị bệnh. Vậy lý do gì khiến phần đông người cao tuổi hiện nay càng chi nhiều tiền cho khám chữa bệnh lại càng có sức khỏe giảm sút.
Sự khác nhau giữa người 100 tuổi sống khỏe mạnh và người 100 tuổi ngủ li bì suốt ngày không nằm ở tuổi tác. Sự khác nhau giữa hai người là do những gì hai người đã tích lũy lại được trong suốt 100 năm này nói ngắn gọn thì con người có khỏe mạnh hay không phụ thuộc vào chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hàng ngày. Những gì một người tích lũy trong cuộc sống hàng ngày như: ăn uống, bổ sung nước, rượu bia thuốc lá, vận động, giấc ngủ, công việc, căng thẳng… chính là yếu tố quyết định đến tình trạng sức khỏe của người đó.
Vậy câu hỏi đặt ra là thói quen sinh hoạt như thế nào để có thể sống thọ và khỏe mạnh?
Hiện tại, thị trường sức khỏe đang là thị trường lớn, phát triển. Khắp các đường phố, ngõ hẻm đều tràn ngập các phương pháp nâng cao sức khỏe, các loại thuốc bổ trợ hay thực phẩm chức năng được bày bán tràn lan với lời quảng cáo về hiệu quả nâng cao sức khỏe: “chỉ cần uống sản phẩm này là đủ”. Thậm chí chỉ cần được giới thiệu trên ti vi, báo chí là “sản phẩm tốt cho cơ thể” là hôm sau sẽ trở thành sản phẩm bán chạy nhất trong cửa hàng. Có thể nói phần lớn mọi người không hiểu cái gì mới thực sự tốt cho sức khỏe bản thân. Nếu không có những kiến thức đúng đắn, bạn sẽ bị xoay quanh bởi các công ty truyền thông quảng cáo mà thôi.