Sau khi ăn trưa, tôi có thói quen ngủ trưa 20, 30 phút. Ngoài ra, những lúc thấy mệt mỏi, tôi cũng hay chợp mắt khoảng năm phút.
Điều quan trọng lúc ngủ trưa là phải nghỉ ngơi trong trạng thái thư giãn, thoải mái. Tôi thường hay nằm nghỉ trong trạng thái nằm sấp, đè lên bụng. Nhưng nếu bạn thấy thoải mái thì có thể nghỉ trên ghế hoặc gác chân lên đâu đó tùy thích.
Chỉ dành khoảng 20 phút ngủ trưa là có thể xóa tan mệt mỏi, nói theo cách khác, lúc này cơ chế cân bằng nội môi đã hoạt động rất tích cực. Để giúp các chức năng trong cơ thể như tuần hoàn máu, lưu thông bạch huyết, hệ thần kinh, nội tiết… hồi phục bình thường, chúng ta cần một giấc ngủ để nghỉ ngơi.
Vậy tại sao khi để cơ thể nghỉ ngơi, hoạt động của cơ chế cân bằng nội môi lại tăng cao đến vậy. Sau đây tôi xin trình bày về giả thuyết của mình.
Chúng ta thức dậy và hoạt động, đó là quá trình chúng ta sử dụng nhiều enzyme. Khi chúng ta nghỉ ngơi thoải mái, nhiều cơ quan trong cơ thể cũng tạm dừng hoạt động dù chỉ nghỉ ngơi trong khoảng 15 phút nhưng nó sẽ tránh được việc sử dụng cạn kiệt enzyme vốn đã tiêu hao rất nhiều cho các hoạt động trước đó. Và lượng enzyme này có thể dùng để kích hoạt cơ chế cân bằng nội môi giúp phục hồi cơ thể.
Thực tế, những lúc cảm thấy buồn ngủ hay mệt mỏi, nếu bạn có thể nghỉ ngơi năm, mười phút thì cơ thể sẽ phục hồi lại rất nhanh. Nếu bạn có cố chịu đựng sự mệt mỏi hay cơn buồn ngủ để làm việc tiếp thì chắc chắn hiệu suất làm việc không cao. Gần đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu công nhận tầm quan trọng của giấc ngủ trưa, thậm chí có nơi còn trang bị chỗ ngủ trưa trong công ty cho nhân viên.
Tại phòng khám của tôi, khoảng thời gian một tiếng từ 12 giờ trưa đến 1 giờ chiều là thời gian nghỉ ngơi. Vì là bệnh viện nên không thể để tất cả nhân viên nghỉ ngơi cùng một lúc, thế nên ở đây, mọi người thay phiên nhau ăn trưa và nghỉ ngơi. Trong khoảng thời gian này, những người đang nghỉ ngơi sẽ không nói chuyện trừ khi có điện thoại hay có trường hợp khẩn cấp. Do đó, trong phòng khám của tôi, vào buổi trưa trừ những người đang phải làm việc, còn lại các bác sĩ, y tá đều ngủ trưa theo cách riêng của mình.
Giấc ngủ là một phần rất quan trọng trong nhịp sinh học của con người. Bạn cũng có thể thấy vai trò của nó qua câu nói “ngủ sớm dậy sớm” mà người ta hay dùng để chỉ chế độ sinh hoạt điều độ. Mấy giờ đi ngủ, mấy giờ thức dậy, ngoài ra thời gian ăn cơm, ngủ trưa… nếu tất cả đều được cố định thì cơ chế nội môi trong cơ thể cũng không phải hoạt động quá nhiều, do đó bạn có thể tránh được việc tiêu hao các enzyme diệu kỳ.
Chính vì vậy vấn đề lớn nhất của tôi hiện nay chính là “chênh lệch múi giờ”. Hiện tại, về cơ bản tôi ở New York, nhưng mỗi năm sẽ có hai lần, mỗi lần hai tháng tôi về Nhật công tác, tuy nhiên, chênh lệch múi giờ giữa New York và Nhật Bản (13, 14 tiếng) luôn khiến tôi lo lắng. Nhịp điệu giữa ngày và đêm hoàn toàn bị thay đổi, do đó luôn cần ít nhất hai tháng để cơ thể quen với nhịp sinh hoạt mới. Tuy nhiên, từ những quan sát trên chính cơ thể mình, tôi nhận thấy để hoàn toàn điều chỉnh hoạt động của thận, gan, hệ tiêu hóa, cần thời gian dài hơn rất nhiều.
Như vậy, việc “buồn ngủ” xảy đến tự nhiên do nhịp sinh học của cơ thể và cũng giúp cơ thể có giấc ngủ tốt nhất. Có nhiều người phản ánh rằng do không ngủ được nên sử dụng các loại thuốc ngủ hay hỗ trợ giấc ngủ. Tuy nhiên những loại thuốc này lại có ảnh hưởng trực tiếp đến não nên cực kỳ nguy hiểm. Thuốc ngủ làm tiêu hao lượng lớn enzyme trong não nên khiến con người sớm bị mắc các bệnh như Alzheimer. Trong số những người đang dùng các loại thuốc ngủ, nếu có ai có tình trạng quên đồ nghiêm trọng trong thời gian gần đây thì đó là tín hiệu hết sức nguy hiểm. Bạn hãy dừng thuốc lại ngay để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Nếu bạn thực hiện các thói quen sinh hoạt điều độ, ban ngày nếu buồn ngủ thì chợp mắt một chút, kích thích cơ chế cân bằng nội môi hoạt động thì tự nhiên đến tối bạn có thể ngủ được, mà không cần đến các loại thuốc ngủ.