Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nhân Tố Enzyme – Phương Thức Sống Lành Mạnh

Phần 2: Phương Pháp Ăn Uống Để Sống “bùng Nổ” Và Lâu Dài

Tác giả: Hiromi Shinya
Thể loại: Y Học - Sức Khỏe
Chọn tập

Bạn sẽ trở thành những gì bạn ăn

Về cơ bản, mỗi ngày bạn chọn ăn món gì?

Cơ thể chúng ta được nuôi dưỡng bằng những món ăn hàng ngày. Nói cách khác, khỏe mạnh hay ốm đau đều là kết quả tích lũy của thói quen ăn uống mỗi ngày.

Năm 1996 tại Nhật Bản, Bộ Y tế và phúc lợi (nay là Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi) đã quyết định đổi tên các căn bệnh vốn được gọi là “bệnh người lớn” như: ung thư, tim mạch, gan, tiểu đường, bệnh mạch máu não, cao huyết áp, mỡ máu… thành “bệnh liên quan đến lối sống sinh hoạt”. Nguyên nhân là nhờ có việc xem xét lại mối quan hệ giữa ăn uống và bệnh tật mà đi đầu là “báo cáo McGovern”, mọi người đã nhận ra rằng các bệnh này không bắt nguồn từ “tuổi tác” mà bắt nguồn từ “lối sống sinh hoạt”.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong vô vàn các loại thực phẩm đa dạng, phong phú. Và tình trạng sức khỏe của bạn sẽ được quyết định dựa vào việc bạn chọn gì để ăn mỗi ngày từ vô vàn các loại thực phẩm đó. Chắc các bạn cũng hiểu được, nếu muốn sống lâu và khỏe mạnh thì không được chọn đồ ăn chỉ vì ngon hay thích…

Tuy nhiên, trong y học phương Tây hiện đại ngày nay, các bác sĩ hầu như không tìm hiểu “thói quen, quá trình ăn uống” của bệnh nhân. Theo tôi đây cũng là nguyên nhân hiện nay thế giới xếp các bệnh như: bệnh viêm loét đại tràng, bệnh crohn, bệnh mô liên kết, bệnh máu trắng… vào nhóm “bệnh nan y không rõ nguyên nhân”. Nếu các nghiên cứu về mối quan hệ giữa quá trình ăn uống với bệnh tật được đẩy mạnh hơn nữa, chắc chắn số bệnh “không rõ nguyên nhân” này sẽ giảm xuống.

Bất cứ ai, nếu lúc trẻ hút thuốc lá, uống rượu mỗi ngày, chỉ ăn thịt, hầu như không ăn rau củ quả, thường uống sữa hay ăn các sản phẩm từ sữa như sữa chua, bơ… chắc chắn đến khoảng 60 tuổi, người đó sẽ mắc các bệnh liên quan đến lối sống sinh hoạt. Xét về mặt di truyền, những người có hệ thống động mạch yếu dễ mắc các bệnh như cao huyết áp, xơ cứng động mạch, bệnh tim… những người có tuyến tụy yếu có khả năng mắc bệnh tiểu đường. Ở phụ nữ, từ các bệnh u xơ tử cung, u nang buồng trứng, các bệnh tuyến vú có thể phát triển thành ung thư. Ở nam giới cũng có nguy cơ mắc phải các bệnh như tăng sinh tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư gan, ung thư đại tràng, viêm xương khớp. Bản thân bị mắc bệnh nào còn tùy thuộc vào các yếu tố di truyền, yếu tố môi trường xung quanh người đó nên không thể nói chắc chắn được, Tuy nhiên, nếu có các thói quen kể trên, người đó chắc chắn sẽ bị mắc một số loại bệnh.

Tôi bắt đầu hỏi bệnh nhân về thói quen ăn uống vào khoảng hai năm sau khi có thể sử dụng kính nội soi để trực tiếp khám dạ dày, đường ruột cho bệnh nhân. Và lần đầu tiên tôi hỏi han, tìm hiểu kỹ càng về thói quen ăn uống của bệnh nhân là với một bệnh nhân ung thư. Thông thường, trong những lần khám sức khỏe hay khám bệnh ở bệnh viện, các bệnh nhân cũng được hỏi về thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp, các bác sĩ chỉ chú ý đến thời điểm “hiện tại”, mà việc này lại chẳng có ý nghĩa gì cả. Để biết được tại sao bệnh nhân lại mắc bệnh, cần phải biết được thói quen ăn uống của người đó, tức là người đó ăn thức ăn gì vào lúc nào, ăn với tần suất bao nhiêu… Tất nhiên, trong số các bệnh nhân, có không ít người không nhớ rõ các vấn đề này hoặc thêm bớt vào câu trả lời của mình, nhưng nếu bạn kiên nhẫn lắng nghe, bạn sẽ nghe ra được khá nhiều vấn đề. Ví dụ, kể cả những người có thói quen mỗi ngày uống một cốc sữa, tùy thuộc vào việc ngay từ khi sinh ra họ đã bắt đầu uống sữa bột, hay lớn lên mới bắt đầu thói quen này mà cho ra kết quả khác nhau.

Khi tìm hiểu thói quen ăn uống của bệnh nhân ung thư, tôi nhận ra rằng họ phần lớn là theo chế độ ăn thịt (thịt, cá, trứng sữa…). Ngoài ra, người bệnh càng trẻ tuổi thì họ càng bắt đầu ăn chế độ ăn này càng sớm (đặc biệt là thịt và các sản phẩm từ sữa). Mặc dù có nhiều loại bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi… nhưng xu hướng phát bệnh này lại giống nhau.

Dù bị mắc bệnh ung thư nào thì đường ruột của người bệnh cũng đều rất xấu. Vì vậy, tôi hay nói với các bệnh nhân bị ung thư ở một bộ phận nào đó trong cơ thể là họ có khả năng cao sẽ bị bệnh polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng, nên cần phải kiểm tra nội soi đại tràng nữa. Có rất nhiều bệnh nhân ung thư đến chỗ tôi đồng ý kiểm tra đại tràng và kết quả đúng như tôi dự đoán. Trong số họ, nếu là nữ thì có người bị ung thư vú, nếu là nam thì có người bị ung thư tuyến tiền liệt. Kết quả lâm sàng cho thấy, tỉ lệ phát hiện bất thường trong đại tràng của những người này rất cao. Sau khi nhận thấy các kết quả này, hiện nay ở Mỹ, phần lớn những người bị ung thư vú hay ung thư tuyến tiền liệt đều đi kiểm tra đại tràng.

Nếu trong số bạn đọc, bạn nào bị các bệnh ung thư kể trên, các bạn hãy nhanh chóng đi kiểm tra đại tràng càng sớm càng tốt. Với các bệnh có nguyên nhân từ ăn uống, không phải cứ ăn vào là sẽ phát bệnh ngay. Tuy nhiên, thói quen ăn uống từ trước đến nay đang tích lũy dần trong cơ thể bạn. Dù hiện tại chúng không biểu hiện thành bệnh cũng không có nghĩa là bạn có thể yên tâm.

Chọn tập
Bình luận
2880
× sticky