Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nhân Tố Enzyme – Phương Thức Sống Lành Mạnh

Hãy Uống Nước Trước Khi Ăn Một Tiếng

Tác giả: Hiromi Shinya
Thể loại: Y Học - Sức Khỏe
Chọn tập

Một trong những “thói quen tốt” tôi đang thực hiện mỗi ngày đó là uống khoảng 500 ml nước một tiếng trước khi ăn.

Người ta hay khuyến cáo rằng uống các loại “nước tốt” mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe. Nếu như trong ăn uống có “cách ăn tốt” thì với nước cũng có “cách uống tốt”. Có lẽ những người làm vườn hay chăm sóc cây cảnh sẽ hiểu điều này dễ hơn, nếu cứ tưới nước vô tội vạ, cây sẽ bị thối rễ và héo úa. Luôn có “khoảng thời gian” và “lượng nước” thích hợp để cung cấp nước cho cây. Điều này cũng giống với con người.

Phần lớn cơ thể con người là nước. Ở trẻ nhỏ, nước chiếm khoảng 80% cơ thể, người lớn là 60 – 70% và người cao tuổi là 50 – 60%. Làn da em bé luôn mềm, mịn và “căng mọng” là do lượng nước trong các tế bào cao. Vì vậy, việc uống các loại nước tốt rất quan trọng với cơ thể con người.

Nước từ miệng đi xuống dạ dày, được dạ dày hấp thu, nhờ các mạch máu mà được vận chuyển đến các cơ quan trong cơ thể. Khi đó, nước giúp quá trình lưu thông máu tốt hơn, trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn. Các loại nước tốt còn có khả năng làm giảm cholesterol và các chất béo trung tính trong máu. Với người trưởng thành, một ngày nên uống ít nhất 1.500 ml – 2.000 ml, người cao tuổi nên uống 1.000 ml.

Tuy nhiên, không phải chỉ có nước mới từ miệng đi vào cơ thể. Và nên uống nước lúc nào mới tốt. Nếu uống quá nhiều nước ngay trước khi ăn cơm, dạ dày của bạn sẽ đầy nước khiến bạn không ăn được, thêm vào đó, trong và sau bữa ăn, enzyme tiêu hóa bị loãng gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu. Nếu uống nước trong bữa ăn, chỉ nên uống một cốc 200 ml là vừa.

Ngoài ra, cũng có bác sĩ đưa ra lời khuyên nên uống nước trước khi đi ngủ vào buổi tối hoặc khi tỉnh dậy lúc nửa đêm dù bạn không khát để tránh lưu thông máu bị trì trệ. Tuy nhiên, tôi lại hoàn toàn phản đối ý kiến này. Chúng ta phải tránh việc hấp thu nước trước khi đi ngủ vào ban đêm để ngăn ngừa quá trình “trào ngược” như tôi đã đề cập ở trên. Ví dụ, dù bạn chỉ uống nước thôi, nhưng nước sẽ trộn lẫn cùng axit dạ dày. Khi quá trình trào ngược diễn ra, hỗn hợp này tiến vào khí quản, nếu nó tiến vào phổi có nguy cơ dẫn đến viêm phổi.

Như vậy, để phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể, việc bổ sung nước nên tiến hành vào ban ngày, sau khi thức dậy và một tiếng trước khi đi ngủ là lý tưởng nhất. Nếu bạn chỉ uống nước không thì chỉ mất khoảng ba mươi phút để nước đi đến ruột, với cách bổ sung nước như thế này, bạn sẽ không lo gây ảnh hưởng đến bữa ăn hay quá trình tiêu hóa.

Thói quen uống nước mà tôi đang thực hiện hàng ngày như sau:

• Buổi sáng sau khi ngủ dậy: 500 ml – 750 ml

• Một tiếng trước khi ăn bữa trưa: 500 ml

• Một tiếng trước khi ăn bữa tối: 500 ml

Tất nhiên, đây chỉ là một phương án cho các bạn tham khảo. Vào mùa hè hay với những người thường xuyên vận động dễ ra mồ hôi cần phải bổ sung nước nhiều hơn nữa. Tuy nhiên những người có hệ tiêu hóa kém, có thể bị tiêu chảy nếu uống nước quá nhiều. Tùy vào kích thước, hình thể mỗi người mà lượng nước cần thiết cũng khác nhau. Vì vậy, tự bản thân mỗi người phải phán đoán lượng nước cần hấp thu trong một ngày cho phù hợp với cơ thể. Nếu bạn uống 1.500 ml nước một ngày mà bị tiêu chảy, bạn có thể giảm lượng nước uống trong một lần xuống còn 300 ml và tăng dần từng chút một.

Ngoài ra, vào mùa đông nếu uống nước lạnh sẽ làm cơ thể bị lạnh theo nên bạn cần uống nước ấm và nên uống từng chút một. Các enzyme trong cơ thể người hoạt động hiệu quả nhất khi thân nhiệt ở mức 36 độ – 40 độ. Thêm vào đó, trong phạm vi này, thân nhiệt cứ tăng 0.5 độ thì khả năng miễn dịch cũng tăng lên 35%. Việc chúng ta phát sốt khi bị bệnh là để các enzyme trong cơ thể hoạt động mạnh hơn bằng cách tăng thân nhiệt. “Lạnh” chính là kẻ thù lớn nhất trong việc giữ gìn sức khỏe.

Chọn tập
Bình luận
2880
× sticky