Trong quá trình thu thập các kết quả điều tra và số liệu lâm sàng, tôi đã lờ mờ nhận ra được mấu chốt quan trọng. Đó chính là “enzyme“.
Enzyme, nếu nói theo khoa học, đó là “tên gọi chung cho các protein xúc tác được tạo ra trong tế bào sinh vật”. Nói một cách đơn giản, enzyme là chất cho phép tất cả các hoạt động được diễn ra để duy trì hoạt động sống của sinh vật. Dù là động vật hay thực vật, chỉ cần là nơi có sự sống nhất định sẽ tồn tại enzyme. Ví dụ, một hạt cây có thể nảy mầm được là nhờ có enzyme tác động. Trong quá trình mầm cây ra lá, phát triển thành cành to cũng có sự tham gia của enzyme. cũng như vậy các hoạt động sống của con người được duy trì bằng rất nhiều loại enzyme khác nhau. Không kể đến quá trình hấp thụ, tiêu hóa, ngay cả quá trình trao đổi chất, tạo tế bào mới hay đào thải độc tố trong cơ thể cũng có sự tham gia của các enzyme. Chính vì vậy, số lượng và độ hoạt tính của enzyme ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khỏe của chúng ta. Các enzyme đang hoạt động trong cơ thể có hơn 5.000 chủng loại, nhưng không phải tất cả đều được tổng hợp bên trong cơ thể con người. Có hai kiểu enzyme, một kiểu được tổng hợp trong chính cơ thể con người, một kiểu khác được hấp thu từ bên ngoài thông qua thức ăn. Người ta cũng cho rằng trong số các enzyme được tạo ra từ bên trong cơ thể, có khoảng 3.000 loại là do các khuẩn đường ruột tạo ra.
Đặc điểm chung của những người có dạ dày, đường ruột tốt là họ ăn rất nhiều thức ăn tươi có chứa nhiều enzyme. Điều này không đơn giản chỉ là hấp thu các enzyme từ bên ngoài cơ thể mà nó còn giúp tạo môi trường thuận lợi để các vi khuẩn đường ruột, các vi khuẩn tạo ra enzyme, có thể hoạt động tốt.
Ngược lại, điểm chung của những người có dạ dày, đường ruột xấu là họ luôn có thói quen sử dụng hết các enzyme. Thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, ăn uống không điều độ, ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất phụ gia, môi trường sống căng thẳng, sử dụng các loại thuốc… đây chính là các thói quen tiêu tốn lượng lớn enzyme. Ngoài ra, họ còn phải tiêu tốn enzyme để giải các độc tố trong dạ dày do chế độ ăn uống không đảm bảo hay để trung hòa các gốc tự do (gốc tự do oxy hóa là một trong số đó) khi cơ thể tiếp xúc nhiều với tia cực tím, tia X và sóng điện từ.
Từ các kết quả trên ta có thể thấy, để duy trì sức khỏe tốt, ta cần thực hiện chế độ sinh hoạt ăn uống để tăng lượng enzyme trong cơ thể, đồng thời phải cải thiện các thói quen xấu làm tiêu tốn các enzyme này. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản trong “phương pháp ăn uống Shinya” mà tôi đề xướng.
Hiện tại, enzyme đang được coi là chìa khóa đảm bảo sức khỏe, các nghiền cứu về enzyme càng ngày càng được tiến hành rộng rãi. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta còn rất nhiều điều chưa hiểu hết về enzyme. Trong số các nghiên cứu đó phải kể đến Tiến sỹ Edward Howell, nhà nghiên cứu enzyme hàng đầu của Mỹ, ông đã đưa ra giả thuyết sinh vật trong suốt thời gian sống chỉ có thể tạo ra một lượng enzyme nhất định. Ông cũng gọi enzyme trong cơ thể vốn có số lượng nhất định này là “enzyme tiềm năng”. Và khi sinh vật dùng hết các enzyme tiềm năng này, đó cũng là lúc sinh vật kết thúc sinh mệnh của mình.
Giả thuyết này có thực sự đúng hay không, chúng ta còn phải chờ vào các kết quả nghiên cứu sau này. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là lượng enzyme trong cơ thể là chìa khóa nắm giữ “vận mệnh” của sinh vật. Nếu trong cơ thể có nhiều enzyme/ đồng nghĩa với năng lượng sống, khả năng miễn dịch của cơ thể cao. Hay nói cách khác, nếu chúng ta kiềm chế được việc tiêu thụ enzyme, luôn duy trì một số lượng enzyme ổn định cũng có nghĩa là chúng ta duy trì được trạng thái sức khỏe tốt cho bản thân.
Chỉ duy nhất cơ thể sinh vật là có thể tạo ra enzyme. Mặc dù chúng ta có thể tạo ra các món ăn chứa nhiều enzyme như đồ chua, nhưng thực tế thứ tạo ra những enzyme trong đó lại là các vi sinh vật như vi khuẩn… Nói tóm lại, mặc dù chúng ta có thể tạo ra môi trường giúp vi sinh vật dễ dàng sản sinh ra enzyme, nhưng chúng ta lại không thể tạo ra chính enzyme một cách nhân tạo được. Đây cũng chính là lý do mà phương pháp ăn uống Shinya rất coi trọng vấn đề “ăn”. Bởi như tôi đã nói ở trên, việc hấp thu các loại thức ăn có chứa nhiều enzyme sẽ giúp củng cố môi trường đường ruột, hỗ trợ cho các vi sinh vật trong ruột sản sinh ra enzyme. Nếu thực sự lượng enzyme được tạo ra trong cơ thể sinh vật là có hạn như Tiến sỹ Edward Howell đã nói thì với con người chúng ta, đang sống trong xã hội hiện đại với vô số căng thẳng và ô nhiễm môi trường khiến enzyme bị suy kiệt, thì việc hấp thu và sử dụng các enzyme do các sinh vật khác tạo ra lại càng quan trọng.