Bạn có biết những con cá ở biển sau khi chết đi sẽ thế nào không? Dù chúng ta có tìm dưới đáy biển sâu cũng không thấy xác cá chết lắng xuống dưới đấy. Vậy những xác cá chết đấy đã đi đầu?
Câu trả lời là chúng đã bị “xóa sạch” rồi. Các vi sinh vật trong biển phân hủy xác cá từng chút một và nhanh chóng xử lý toàn bộ xác cá chết.
Trong thế giới này tràn ngập các vi sinh vật mà mắt thường chúng ta không nhìn thấy có nghiên cứu cho rằng ngay cả trong bầu không khí trong lành, cứ một centimet khối lại có khoảng một nghìn vi sinh vật. Thậm chí trên bầu trời cách mặt đất mười nghìn mét, hay trong thế giới sâu mười nghìn mét dưới lòng đất cũng có vi sinh vật. Ngay cả trong đường ruột của con người cũng có rất nhiều vi sinh vật hay còn gọi là “vi khuẩn đường ruột” sinh sống.
Nói tóm lại, con người chúng ta đang sống cùng các vi sinh vật.
Trong đường ruột của con người có khoảng 300 loại với hàng trăm nghìn vi sinh vật đang sống. Chúng không đơn giản chỉ là sống ở đấy mà còn giúp chúng ta rất nhiều việc. Trong đó, việc quan trọng nhất là tạo ra các enzyme, nguồn sống của chúng ta. Các vi khuẩn đường ruột này đang giúp chúng ta tạo ra khoảng ba nghìn loại enzyme khác nhau.
Các vi khuẩn đường ruột được chia làm “lợi khuẩn” và “hại khuẩn”. Thông thường, những vi khuẩn có lợi cho cơ thể con người như khuẩn lactic được gọi là “lợi khuẩn”, còn những vi khuẩn gây hoại tử, hư thối, tàn phá cơ thể con người được gọi là “hại khuẩn”. Nếu nói ngắn gọn, lợi khuẩn là những vi khuẩn có enzyme chống oxy hóa. Khi các gốc tự do phát sinh trong cơ thể, chúng sẽ tự chết đi, biến thành các enzyme chống oxy hóa trong cơ thể và giúp con người trung hòa các gốc tự do đó.
Bên trong ruột dày đặc những phần nhô lên hay còn được gọi là lớp lông nhung. Giữa các lông nhung này là các lợi khuẩn lactic. Bên trong các lông nhung có các tế bào bạch cầu và tế bào NK (tế bào diệt tự nhiên) có liên quan đến hệ thống miễn dịch. Khi các tế bào này chống chọi lại các dị vật như các protein, các vi khuẩn khác loại hay các vi rút, tế bào ung thư… sẽ tạo ra lượng lớn các gốc tự do. Và các vi khuẩn lactic sau đó sẽ xóa sạch các gốc tự do cần được giải quyết này.
Mặc dù đây chỉ là giả thuyết của tôi, nhưng có lẽ bệnh viêm loét đại tràng hay bệnh crohn1 chính là do các gốc tự do vì một lý do nào đấy, có thể là do thiếu các lợi khuẩn, đã không bị trung hòa hết, gây viêm lớp lông nhung vốn cực kỳ nhạy cảm, và phá hoại cơ thể tạo nên.
Mặt khác, các hại khuẩn do thường phá hủy thức ăn khó tiêu nên thường được cho là các vi khuẩn có hại. Điều này nghĩa là để các thức ăn khó tiêu được nhanh chóng bài tiết ra ngoài cơ thể, các vi khuẩn này khiến thức ăn lên men bất thường để sinh ra các loại khí ga độc hại, đồng thời kích thích ruột, thúc đẩy quá trình bài tiết khí ga và phân ra ngoài cơ thể.
Vì vậy, tôi cho rằng các vi khuẩn đường ruột không thể phân chia rạch ròi ra lợi khuẩn hay hại khuẩn. Bởi kể cả các hại khuẩn cũng rất cần thiết cho cơ thể nên mới có thể cư trú trong cơ thể chúng ta.
Ngoài hai loại là “lợi khuẩn” có lợi cho cơ thể và “hại khuẩn” tạo ra các chất độc trong cơ thể, người ta còn xếp thêm một loại nữa là “vi khuẩn trung gian”, không gây độc hại cũng không giúp ích cho cơ thể. Tuy nhiên, theo tôi đây là cách phân loại hết sức ích kỷ. Điều quan trọng là phải có sự cân bằng trong toàn bộ cơ thể. Bởi ngay đến chất dinh dưỡng quan trọng như protein, nếu hấp thu quá nhiều cũng có thể gây hại cho cơ thể. Tương tự như vậy, nếu hại khuẩn phát triển quá mức tất nhiên là không tốt cho cơ thể, nhưng đây cũng là loại khuẩn không thể thiếu để duy trì sức khỏe của chúng ta.
Sự cân bằng của các vi khuẩn trong đường ruột rất dễ bị phá vỡ, bởi các vi sinh vật là sinh vật hết sức mỏng manh. Chúng rất dễ bị chi phối bởi môi trường. Nếu gặp môi trường thích hợp để sinh sôi, chúng sẽ đồng loạt tăng lên đến vài nghìn, thậm chí vài trăm triệu con. Nhưng nếu môi trường sống xấu đi, chúng sẽ chết hàng loạt ngay tức khắc. Thêm vào đó, loại vi khuẩn trung gian lại có tính mập mờ, nếu xung quanh chúng đều là lợi khuẩn, chúng cũng sẽ sinh ra enzyme chống oxy hóa, nhưng nếu xung quanh chúng các hại khuẩn phát triển, thì bản thân chúng cũng sẽ biến đổi thành hại khuẩn, tạo ra các chất oxy hóa. Nói cách khác, loại vi khuẩn trung gian này sẽ đi theo số đông.
Con người rất ghét các hại khuẩn, nhưng người tạo ra môi trường đường ruột để các hại khuẩn có thể phát triển lại không phải ai khác mà chính là bản thân chúng ta. Với thói quen ăn uống lộn xộn, lối sống sinh hoạt bừa bãi… bạn không thể đổ lỗi cho các vi sinh vật được. Và các vi khuẩn trung gian sẽ biến đổi thành lợi khuẩn hay hại khuẩn, tất cả tùy thuộc vào chính bạn.
Chú thích: 1 Bệnh crohn là một bệnh viêm mãn tính của đường ruột.