Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nhân Tố Enzyme – Phương Thức Sống Lành Mạnh

Đường Ruột Của Người Mỹ Và Người Nhật Có Gì Khác Nhau?

Tác giả: Hiromi Shinya
Thể loại: Y Học - Sức Khỏe
Chọn tập

Lần đầu tôi sang New York với tư cách là bác sĩ thực tập là năm 1963. Thời điểm đấy, ở Mỹ chủ yếu kiểm tra đại tràng bằng cách “chụp hình quang tuyến” (Barium enema), tức là bơm chất huỳnh quang vào đại tràng và kiểm tra bằng tia X-quang. Cách này tuy kiểm tra được các polyp có lớn hay không nhưng không thể kiểm tra chi tiết tình trạng đường ruột bệnh nhân. Hơn nữa, để cắt bỏ polyp cần phải tiến hành phẫu thuật mở ổ bụng bệnh nhân. Tuy nhiên, phẫu thuật mở ổ bụng gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tinh thần người bệnh. chưa kể, dù có phẫu thuật và kiểm tra bên trong ổ bụng cũng không thể phân biệt được đó là khối u lành hay sẽ phát triển thành ung thư.

Thời điểm đó mặc dù đã có ống soi ruột thẳng (Proctoscope), nhưng đây là ống kim loại thẳng nên dù cố gắng thế nào bác sĩ cũng chỉ xem được 20 cm bên trong tính từ hậu môn. Năm 1967, tôi bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng kính soi thực quản làm bằng sợi thủy tinh vốn được Mỹ nhập từ Nhật về để kiểm tra thực quản – vào việc kiểm tra đại tràng, và đó chính là “kính nội soi đại tràng” đầu tiên của tôi.

Sau đó, khi loại kính chuyên dùng kiểm tra đại tràng (185 cm) được sản xuất, tôi đã mua về để kiểm tra cho bệnh nhân. Lần đầu tiên nhìn thấy đại tràng của người Mỹ, tôi rất kinh ngạc vì thấy quá xấu. Đường ruột của người Mỹ, vốn có thói quen ăn thịt, cứng và ngắn hơn hẳn so với đường ruột của người Nhật. Hơn nữa, ngoài tình trạng lòng ruột hẹp lại, còn có nhiều chỗ lồi lõm như vòng cao su xoắn lại. Trong ruột có nhiều túi thừa và phân đóng cục cũng không ít.

Nhiều người Mỹ gặp rắc rối về đường ruột. Đương thời, cứ khoảng 10 người thì có 1 người có khối u trong đường ruột, và thực tế, khi tôi còn là bác sĩ thực tập, số ca phẫu thuật cắt bỏ polyp chiếm một phần ba tổng số ca phẫu thuật của khoa ngoại.

Hầu như ngày nào tôi cũng thực hiện phẫu thuật mở ổ bụng chỉ để cắt khối u nhỏ khoảng 1 — 2 cm, và tôi đã trăn trở trong thời gian dài “liệu có cách nào cắt bỏ khối u mà không phải để bệnh nhân chịu nhiều thương tổn không nhỉ”. Và cũng chính trong thời gian đó, ở Nhật đã bắt đầu ứng dụng “kính nội soi sợi quang học”, loại kính nội soi có gắn sợi cáp quang vào camera quan sát.

Tháng 6/1968, tôi đã đưa ra một yêu cầu mang tính quyết định với công ty sản xuất Nhật Bản. Đó là nhờ họ sản xuất ra dụng cụ có gắn dây kim loại vào kính nội soi, và không cần mở ổ bụng cũng có thể cắt khối u bằng những sợi dây này. Sau nhiều lần cố vấn với văn phòng tại New York và qua nhiều lần thử nghiệm thất bại, năm 1969, tôi đã là người đầu tiên trên thế giới thành công trong phẫu thuật cắt bỏ polyp bằng phương pháp nội soi mà không cần mở ổ bụng người bệnh. Sau khi cải tiến kỹ thuật, tôi cũng đưa phương pháp này vào phẫu thuật cắt bỏ polyp ở dạ dày, thực quản, ruột non… Sau báo cáo trường hợp của tôi về phẫu thuật cắt polyp bằng kính nội soi hội thảo phẫu thuật New York năm 1970 và tại hội thảo nội soi tiêu hóa Mỹ năm 1971, khoa phẫu thuật nội soi – một lĩnh vực mới của khoa ngoại đã được hình thành.

Từ đó đến nay đã 34 năm. Trong quãng thời gian này, hai phần ba thời gian tôi hoạt động ở Mỹ và một phần ba thời gian tôi làm việc tại Nhật Bản. Do đó, tôi có cơ hội quan sát sự thay đổi dạ dày, đường ruột của người dân hai nước.

Những năm 1960, Nhật Bản bước vào thời kỳ phát triển kinh tế cao độ, với mục tiêu đuổi kịp và vượt qua Mỹ, Nhật Bản đã học tập Mỹ mọi mặt. Từ năm 1961, sữa bò được đưa vào trong khẩu phần ăn của trường học, các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua được xem là món ăn bình thường hàng ngày. Trước đây bữa ăn của người Nhật chủ yếu là rau và cá thì nay trên bàn ăn lại xuất hiện các món giàu protein, giàu chất béo mà chủ yếu là protein động vật như: hamburger, bít tết, gà rán… Thậm chí cho đến ngày nay, thói quen ăn uống này hầu như không thay đổi. Ngược lại, sau “báo cáo McGovern” năm 1977, nước Mỹ đã đẩy mạnh cải thiện bữa ăn cho toàn dân. Kết quả của những thay đổi này thể hiện rõ trong đường ruột của người dân hai nước.

Trước đây, đường ruột của người Nhật vốn rất đẹp, nay do thay đổi thói quen ăn uống mà trở nền xấu đi theo từng năm, và hiện nay, đường ruột của người Nhật không khác gì đường ruột của những người Mỹ giữ thói quen ăn thịt thường xuyên. Trong khi đó, ở Mỹ có rất nhiều người đã ý thức được sức khỏe của bản thân, cải thiện chế độ ăn nhiều protein nhiều chất béo nên đường ruột của họ được cải thiện một cách thần kỳ. Kết quả là từ sau năm 1990, tỉ lệ tái phát bệnh u đại tràng hay bệnh ung thư ở Mỹ đã giảm xuống đáng kể. Đây có thể coi là minh chứng cho việc cải thiện thói quen ăn uống sinh hoạt giúp cải thiện tình trạng đường ruột.

Chọn tập
Bình luận