Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nhân Tố Enzyme – Phương Thức Sống Lành Mạnh

Lý Do Tôi Nghi Ngờ Các Loại “sữa Chua Huyền Thoại” Chính Là Đây

Tác giả: Hiromi Shinya
Thể loại: Y Học - Sức Khỏe
Chọn tập

Gần đây, mọi người bắt đầu tán dương các loại sữa chua như: “sữa chua biển caspi”, “sữa chua nha đam”… là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, tôi cho rằng quan niệm ăn sữa chua hằng ngày tốt cho đường ruột hoàn toàn là “nói dối”.

Khi tôi hỏi những người hay ăn sữa chua, họ thường nói: “dạ dày, đường ruột của tôi tốt hơn trước”, “tôi đã hết bị táo bón”, “bụng thoải mái hơn”. . . và nhiều người tin rằng sữa chua có công hiệu như vậy là nhờ có “khuẩn lactic”. Tuy nhiên, chính “nhờ có khuẩn lactic” này mới là điều đáng nghi ngờ nhất. Trong đường ruột của người đã có sẵn vi khuẩn lactic. Tôi gọi đó là những “vi khuẩn thường trú trong đường ruột”. Cơ thể con người có một hệ thống an ninh đối kháng lại tất cả các vi khuẩn hay vi rút từ ngoài xâm nhập vào cơ thể. Thế nên dù đó là vi khuẩn lactic có lợi cho sức khỏe, nếu không phải là vi khuẩn thường trú trong đường ruột thì cũng bị hệ thống an ninh trong cơ thể tiêu diệt.

Tầng an ninh đầu tiên chính là “axit dạ dày”. Khuẩn lactic có trong sữa chua, ngay khi vào đến dạ dày, hầu hết đã bị tiêu diệt bằng axit dạ dày. Vì vậy, thời gian gần đây, trên thị trường bắt đầu xuất hiện các sản phẩm sữa chua được xử lý đặc biệt để “khuẩn lactic” có thể đi đến đường ruột. Tuy nhiên, dù các khuẩn lactic này có đến được đường ruột đi chăng nữa thì chúng liệu có khả năng hỗ trợ cho các vi khuẩn thường trú trong cơ thể, cải thiện cân bằng đường ruột hay không. Tất nhiên, trong môi trường nuôi cấy, các nhà khoa học đã chứng minh được khuẩn lactic có thể sống sót đi đến đường ruột. Tuy nhiên, trong thực tế môi trường trong dạ dày, đường ruột lại khác với trong phòng thí nghiệm. Tôi nghi ngờ các loại “sữa chua huyền thoại” này là do trong các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, những người thường xuyên ăn sữa chua không hẳn đã có đường ruột tốt. Vì vậy, tôi cho rằng dù khuẩn Lactic trong sữa chua có thể sống sót đi đến đường ruột cũng không thể hoạt động giúp cân bằng đường ruột.

Vậy tại sao lại có nhiều người cảm thấy sữa chua “công hiệu” đến vậy. Một trong các nguyên nhân có thể là do sự thiếu hụt enzyme phân giải lactose trong cơ thể. Lactose là thành phần đường có trong các sản phẩm từ sữa, và enzyme phân giải lactose là lactase. Theo thời gian, tuổi tác, lượng lactase trong cơ thể sẽ giảm dần. Tuy nhiên, đây lại là điều hết sức bình thường. Bởi “sữa” là đồ uống cho em bé, không phải là thức uống người trưởng thành nên uống. Nói cách khác, vốn dĩ lactase không phải là enzyme cần thiết cho cơ thể người trưởng thành. Trong khi đó, trong sữa chua lại có chứa rất nhiều lactose, thế nên khi ăn sữa chua, do thiếu enzyme phân giải nên lactose không được tiêu hóa, dẫn đến tình trạng tiêu hóa kém. Nói một cách dễ hiểu, khi ăn sữa chua nhiều người sẽ xuất hiện bệnh trạng tiêu chảy nhẹ. Và tất nhiên, mọi người sẽ nhầm việc phân đóng khối từ lâu trong đường ruột bị đào thải ra ngoài do tiêu chảy nhẹ thành “bệnh táo bón được chữa khỏi nhờ công dụng của khuẩn lactose”.

Thường xuyên ăn sữa chua sẽ khiến đường ruột xấu đi. Tôi có thể tự tin kết luận như vậy là dựa vào kết quả lâm sàng của 300.000 trường hợp. Nếu bạn thường xuyên ăn sữa chua, chắc chắn phân và trung tiện (xì hơi) của bạn sẽ rất nặng mùi. Nếu có các dấu hiệu này, bạn hãy xem đó là dấu hiệu cho tình trạng môi trường đường ruột đang xấu đi. Mùi hôi là do các chất độc đang sản sinh bên trong đường ruột.

Như vậy, trong số các sản phẩm mà mọi người thường ca ngợi là tốt cho sức khỏe hay các công ty quảng cáo là sản phẩm tuyệt vời, thực tế có rất nhiều thứ có hại với cơ thể con người.

Như tôi đã đề cập trong phần đầu, chính chúng ta phải là người bảo vệ sức khỏe của bản thân, không chỉ đơn thuần là tin tưởng mù quáng vào những thông tin người khác đưa ra, mà chúng ta cần phải tìm kiếm, kiểm tra sự thật bằng chính cơ thể mình. Kiểm tra bằng chính cơ thể mình không đơn giản chi là ăn thử, làm thử… Bởi có nhiều trường hợp mọi người bị nhầm lẫn như ví dụ sữa chua ở trên, nhầm lẫn sữa chua “có lợi cho điều trị táo bón”.

Kiểm tra bằng chính cơ thể mình là phải nỗ lực để đánh giá kết quả một cách khách quan như chọn lựa phương pháp kỹ càng, thực hiện nghiêm túc và kiểm tra dạ dày định kỳ với các bác sĩ uy tín… Nếu các bạn thực hiện theo phương pháp ăn uống Shinya tôi giới thiệu trong cuốn sách này, bạn nhất định phải đi kiểm tra nội soi trước và sau khi thực hiện, không nhất thiết phải đến chỗ tôi để khám. Tôi chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được thay đổi rõ rệt của đường ruột và dạ dày.

Để có thể sống lâu dài và khỏe mạnh, bạn cần phải lắng nghe những ý kiến từ chính cơ thể của mình chứ đừng bị ảnh hưởng từ ý kiến bên ngoài.

Chọn tập
Bình luận