Năm 1977, tôi rất quan tâm đến một báo cáo liên quan giữa thực phẩm và sức khỏe được công bố tại Mỹ.
Theo báo cáo này tóm tắt, thời điểm đó nước Mỹ đang gặp phải vấn đề chi phí khám chữa bệnh tăng đến mức tạo thành gánh nặng cho nền tài chính quốc gia. Dù Y học phát triển không ngừng nhưng số bệnh nhân bị ung thư hay tim mạch lại tăng lên theo từng năm. Theo đó, chi phí khám chữa bệnh mà nhà nước phải trả cũng tăng lên theo và tăng đến mức đe dọa nền tài chính quốc gia. Nếu người dân không hiểu được nguyên nhân gây nên các căn bệnh này và không có phương pháp giải quyết tận gốc thì nước Mỹ sẽ bị khủng hoảng vì bệnh tật. Nhận thấy nguy cơ đó, Thượng viện Mỹ đã cho thành lập “ủy ban đặc biệt của Thượng viện Mỹ về vấn đề dinh dưỡng quốc gia”, và McGovern là chủ tịch của ủy ban này.
Các thành viên của ủy ban này đã tập hợp số liệu liên quan đến ăn uống và sức khỏe từ nhiều nơi trên thế giới, nghiên cứu và điều tra về “nguyên nhân khiến bệnh tật gia tăng” cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia về Y học và dinh dưỡng hàng đầu thời bấy giờ. Kết quả đã được tóm tắt trong 5.000 trang “báo cáo McGovern”.
Sau khi báo cáo này dược công bố, người dân Mỹ buộc phải đứng trước một lựa chọn. Lý do là báo cáo đã kết luận nguyên nhân gây nên nhiều căn bệnh nằm ở “thói quen ăn uống sai lầm” từ trước đến nay. Báo cáo này cũng khẳng định nếu không cải thiện thói quen ăn uống hiện tại thì không có cách nào để người dân Mỹ khỏe mạnh hơn.
Tại thời điểm đó, các món ăn chính của người Mỹ thường là các món giàu protein và chất béo như bít tết. Protein là chất cơ bản để cấu tạo nên các bộ phận trong cơ thể nên có thể nói đây là loại dinh dưỡng cực kỳ cần thiết cho con người. Chính vì vậy, việc ăn các loại thịt chứa nhiều protein được cho là có lợi với các vận động viên thể thao, người trẻ tuổi đang trong giai đoạn trưởng thành, người có cơ thể suy nhược hay người già. Quan niệm “thịt chính là nguồn sức sống” của người Nhật là ảnh hưởng từ quan niệm dinh dưỡng của người Mỹ lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, “báo cáo McGovern” đã phủ nhận hoàn toàn những quan niệm ăn uống lúc bấy giờ. Báo cáo còn đưa ra định nghĩa về chế độ ăn uống lý tưởng chính là chế độ ăn của người Nhật trước thời kì Genroku (1688 -1704). chế độ ăn này có món ăn chính là ngũ cốc nhưng không xay xát hoàn toàn, đồ ăn kèm là các loại rau, tảo biển theo mùa, cùng các loại cá nhỏ cung cấp protein.
Đây cũng là lý do vì sao những năm gần đây chế độ ăn uống của người Nhật được thế giới coi là chế độ ăn uống lành mạnh.
Tất nhiên, mấy lời quảng bá như không ăn thịt thì cơ bắp không phát triển được đều là nói dối. Các bạn cứ nhìn vào thế giới tự nhiên sẽ thấy. Sư tử, đại diện cho động vật ăn thịt, chắc chắn mọi người sẽ thấy nó có cơ bắp cực kỳ săn chắc. Nhưng thực ra, cơ bắp của các loài ăn cỏ như ngựa còn phát triển vượt trội hơn cả sư tử. Minh chứng rõ ràng chính là hổ hay sư tử khi đuổi bắt con mồi đều không đuổi bắt trong thời gian dài. Thế mạnh của chúng chính là giành chiến thắng nhờ phát huy sức mạnh, tốc độ nhất thời. Bởi chúng biết nếu so về độ bền thì không thể nào bằng các loại động vật ăn cỏ vốn có cơ bắp rất phát triển.
Không ăn thịt thì không lớn lên được, câu nói này cũng là nói dối. Voi hay hươu cao cổ đều to hơn hổ, sư tử đến mấy lần, nhưng chúng đều là động vật ăn cỏ.
Hơn nữa, có một sự thật là khi ăn nhiều thịt động vật có chứa nhiều protein, tốc độ trưởng thành của con người được đẩy nhanh hơn. Có lẽ, tình trạng trẻ em lớn nhanh trong những năm gần đây là do lượng protein hấp thu vào cơ thể đã tăng lên. Tuy nhiên, trẻ em lớn nhanh cũng đồng nghĩa với việc chúng đang rơi vào nguy hiểm. Đó là “quá trình trưởng thành” khi đến độ tuổi nào đó sẽ chuyển sang trạng thái “lão hóa”. Tóm lại, lối ăn uống lấy thịt động vật làm thức ăn chủ yếu sẽ đẩy nhanh tốc độ trưởng thành, hay nói cách khác chính là lối ăn uống đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Với những ai thích ăn thịt, hãy nhớ rằng ăn nhiều thịt sẽ phá hoại sức khỏe của bạn và đẩy nhanh quá trình lão hóa.