Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nhân Tố Enzyme – Phương Thức Sống Lành Mạnh

Tại Sao Con Người Lại Có 32 Chiếc Răng?

Tác giả: Hiromi Shinya
Thể loại: Y Học - Sức Khỏe
Chọn tập

Ở phần trước tôi có đề cập bữa ăn lý tưởng gồm có 85% là món ăn thực vật, còn lại 15% là món ăn động vật. Tôi có thể đưa ra con số này chính là dựa vào “số răng” của con người. Răng phản ánh thói quen ăn uống của động vật. Ví dụ răng của động vật ăn thịt đều nhọn phần đầu, giống như “răng nanh” của người. Loại răng này thích hợp cho việc cắn, xé thịt động vật. Trong khi đó, các loài ăn cỏ có răng vuông, mỏng giống như “răng cửa” ở người, thích hợp cho việc nhai cỏ và “răng hàm” để nghiền cỏ.

Tôi cho rằng nếu kết hợp quy luật tự nhiên này với số răng của động vật sẽ biết được chế độ ăn thích hợp nhất cho loài đó. Có lẽ các bạn sẽ cho rằng đây quả là ý tưởng điên rồ, nhưng thực ra đã có rất nhiều người trước tôi đề cập đến mối quan hệ sâu sắc giữa cơ cấu răng và chế độ ăn uống giống như vậy.

Con người có tổng cộng 32 chiếc răng (bao gồm cả răng khôn), trong đó có hai cặp răng cửa (mỗi hàm), một cặp răng nanh (mỗi hàm) và năm cặp răng hàm (mỗi hàm). Như vậy, ở người chỉ có “một” răng nanh để ăn thịt (thức ăn động vật), trong khi có đến “hai” răng cửa và “năm” răng hàm, tức là “bảy” răng để ăn thực vật. Tỷ lệ răng “7 – 2” này nếu đưa vào tỉ lệ các món ăn sẽ được “85% món ăn thực vật, 15% món ăn động vật” mà tôi đã đề cập ở trên.

Nói tóm lại, chế độ ăn cân đối, hợp lý nhất với người như sau:

• Tỉ lệ giữa món ăn thực vật với món ăn động vật là: 85% (~90%) và (10%~) 15%.

• Tổng thể toàn bữa ăn, ngũ cốc chiếm 50%; rau, củ, quả chiếm 35% ~ 40%, thịt động vật chiếm 10% – 15%.

• Trong các loại ngũ cốc chiếm đến 50% bữa ăn này, nên chọn ngũ cốc chưa được tinh chế.

Có lẽ bạn sẽ thấy chế độ ăn như vậy phần lớn là các món thực vật, nhưng hãy nhìn vào bữa ăn của tinh tinh, loài linh trưởng có gen di truyền gần với con người nhất (giống đến 98,7%), bạn sẽ thấy khẩu phần ăn thực vật của nó chiếm 95,6%. Trong đó, hoa quả chiếm 50%, các loại hạt, khoai chiếm 45,6%. còn lại 4% ~ 5% chính là thịt động vật như kiến hay côn trùng. Chúng không hề ăn cá.

Tôi đã từng kiểm tra nội soi hệ tiêu hóa của tinh tinh, chỉ nhìn vào dạ dày thôi bạn sẽ thấy dạ dày của tinh tinh giống người đến mức không phân biệt được. Và điều đáng kinh ngạc hơn hết chính là chúng có dạ dày, đường ruột rất đẹp.

Khác với loài người, các loài động vật hoang dã một khi nhiễm bệnh sẽ bị chết. Theo bản năng chúng biết rằng thức ăn giúp duy trì sinh mệnh và thức ăn nào quan trọng để duy trì sức khỏe. Tôi nghĩ rằng con người chúng ta nên học hỏi tự nhiên, quay về với “bữa ăn” cơ bản bằng thái độ khiêm tốn.

Lý do khiến thói quen “nhai kỹ”, “ăn no tám phần” tốt cho cơ thể

Trong chương một tôi có đề cập đến việc các thức ăn thông thường được nhai kỹ sẽ tiêu hóa tốt hơn so với món cháo không được nhai. Tuy nhiên, lợi ích của việc nhai kỹ với cơ thể không chỉ dừng lại ở đấy. Lợi ích lớn nhất của thói quen này chính là giúp cơ thể tiết kiệm được enzyme diệu kỳ. Khi ăn, mỗi lần tôi đều nhai 30 đến 50 lần. Như vậy, các loại thức ăn thông thường sẽ được nghiền nát hoàn toàn và sẽ tự trôi xuống cuống họng. Với các loại thức ăn cứng hay đồ khó tiêu, tôi sẽ nhai 70 đến 75 lần. Nguyên nhân là cơ thể con người hoạt động theo cơ chế càng nhai kỹ càng kích thích tiết nước bọt, đồng thời giúp thức ăn được trộn đều với dịch dạ dày và dịch mật, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Kích thước thức ăn mà thành ruột có thể hấp thu được là 15 micron (tương đương 0,015 millimeter). Với những thức ăn lớn hơn kích thước này sẽ không được hấp thu mà bị đào thải ra ngoài. Chính vì vậy, nếu không nhai kỹ, dù bạn có ăn no mười phần thì cơ thể cũng chỉ hấp thu được ba phần mà thôi.

Khi nghe đến chuyện này, nhiều cô gái trẻ cho rằng: “nếu không hấp thu được thì không bị béo, thế chẳng phải tốt hơn sao”. Tuy nhiên, vấn đề lại không đơn giản như vậy. Bởi những thức ăn không được tiêu hóa, hấp thu sẽ bị thối và lên men bất thường trong ruột giống như trường hợp hấp thu quá nhiều ở phần trước.

Khi thức ăn bị thối sẽ sinh ra các chất độc hại, và các chất độc này khiến cơ thể phải tiêu một lượng lớn enzyme để giải độc. Hơn nữa, các loại thức ăn dễ tiêu cũng sẽ biến thành khó tiêu, làm thay đổi tỷ lệ hấp thu của cơ thể. Do đó, dù bạn có thực hiện chế độ ăn cân đối thì cũng có khả năng bị thiếu chất. Đặc biệt, với các chất vi lượng, nguy cơ bị thiếu chất là rất cao.

Trong những năm gần đây, số lượng người bị béo phì do thừa calo song vẫn bị thiếu chất ngày càng tăng. Nguyên nhân chính là do chế độ ăn không hợp lý và thói quen không nhai kỹ dẫn đến tiêu hóa kém.

Thực tế, việc nhai kỹ lại có hiệu quả trong việc giảm cân. Bởi nhai kỹ sẽ tốn thời gian nhiều hơn, khiến lượng đường huyết trong máu tăng lên trong khi ăn, gây ức chế cảm giác thèm ăn và tránh việc ăn quá nhiều. Bạn không cần phải ép bản thân giảm lượng ăn, chỉ cần nhai kỹ là bạn sẽ cảm thấy no bụng với một lượng thức ăn cần thiết cho bản thân.

Một lợi ích nữa của việc nhai kỹ là có thể tiêu diệt các ký sinh trùng. Gần đây, người ta không còn phát hiện rau củ bị nhiễm khuẩn, nhưng trong các loại cá như cá ngừ, mực, cá sông vẫn chứa rất nhiều kí sinh trùng. Những loại ký sinh trùng này rất nhỏ, chỉ khoảng 4 – 5mm, vậy nên nếu không nhai kỹ mà nuốt thẳng sẽ có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng trong nội tạng. Tuy nhiên, nếu bạn nhai 50 đến 70 lần, các ký sinh trùng này có thể bị giết chết ngay trong khoang miệng.

Khi biết lựa chọn thực phẩm tốt, bạn sẽ thấy cá tự nhiên sẽ tốt hơn cá nuôi, và sẽ chọn loại rau không thuốc bảo vệ hay rau hữu cơ. Các loại thực phẩm tự nhiên này chắc chắn sẽ có nhiều sâu trùng bám trên đấy. Tuy nhiên, nếu bạn biết có thể ngăn chặn các tổn hại này bằng cách nhai kỹ, bạn sẽ không cần phải lo sợ về ký sinh trùng hay các loại sâu khác.

Có thể các bạn sẽ cho rằng khi nhai kỹ sẽ tiết nhiều nước bọt, đồng thời cũng tăng lượng enzyme được tiết ra dẫn đến việc sử dụng cạn kiệt enzyme trong cơ thể. Tuy nhiên sự thực lại không phải như vậy. Bởi nhai kỹ thức ăn giúp lượng enzyme tiêu tốn trong toàn bộ cơ thể sẽ ít hơn hẳn so với khi thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn đã bị tống vào dạ dày. Thêm vào đó, việc nhai kỹ sẽ gây ức chế cảm giác thèm ăn một cách tự nhiên, dẫn đến giảm lượng thức ăn do đó sẽ giảm lượng enzyme dùng cho tiêu hóa, hấp thu. Như vậy, nhìn về mặt tổng thể, chúng ta còn tiết kiệm được enzyme cho cơ thể.

Giảm lượng enzyme dùng cho tiêu hóa cũng đồng nghĩa với việc không làm tiêu hao lượng enzyme diệu kỳ trong cơ thể, và tăng lượng enzyme dùng để duy trì sự cân bằng nội môi trong cơ thể, ví dụ như giải độc, phục hồi sức khỏe, cung cấp năng lượng cho cơ thể… Kết quả là sức đề kháng, khả năng miễn dịch của cơ thể được tăng lên, giúp kéo dài tuổi thọ.

Ngoài ra, khi lượng ăn của bạn ít hơn, các thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn sẽ không phát sinh các chất độc do thức ăn thừa chưa tiêu hóa hết trong đường ruột gây ra. Chính vì vậy, cơ thể có thể tiết kiệm được một lượng enzyme dùng trong giải độc.

Trong thực tế, những người theo phương pháp ăn uống Shinya, trong khoảng nửa năm, dạ dày, đường ruột của họ đều được cải thiện đáng kể, họ cũng giảm hẳn các triệu chứng xì hơi hay phân có mùi khó chịu.

Từ xưa, con người đã lưu truyền những kinh nghiệm như “nhai kỹ khi ăn” hay “ăn no tám phần tốt cho cơ thể”. Lợi ích lớn nhất của những phương pháp này chính là “ngăn ngừa việc tiêu hao enzyme trong cơ thể”.

Dù thực phẩm có tốt đến đâu, có nhiều dinh dưỡng thiết yếu đến mức nào, nhưng nếu hấp thu quá nhiều cũng sẽ gây ra những tổn hại cho sức khỏe. Điều quan trọng là phải biết “cân đối tốt” các loại “thực phẩm tốt” và “nhai kỹ” khi ăn. Nếu bạn có thể chú ý đến ba điều “tốt” này trong ăn uống, bạn có thể tiết kiệm các enzyme diệu kỳ trong cơ thể một cách đáng kể và có thể sống lâu hơn, vui vẻ hơn, khỏe mạnh hơn.

Chọn tập
Bình luận
2880
× sticky