Do được khám nhiều bệnh khác nhau nên tôi đã học được nhiều điều.
Ví dụ, dù là kiểm tra ung thư vú, tôi cũng hỏi về thói quen, lịch sử ăn uống của bệnh nhân và tôi nhận ra mối quan hệ nhân quả giữa ăn uống và bệnh tật. Những người bị ung thư vú thường thích cà phê, thường xuyên uống sữa, phô mai, sữa chua… và ăn thịt là chính. Hay phần lớn những người có chế độ ăn như vậy, dù chưa phát bệnh ung thư vú nhưng cũng có những “bệnh trạng tuyến vú” như ngực cảm thấy cứng. Nói cách khác, tôi nhận thấy một điều là chế độ ăn uống cà phê, sữa, thịt sẽ dẫn đến các bệnh trạng tuyến vú, và nếu không cải thiện thì người bệnh có khả năng cao sẽ bị ung thư vú.
Sau khi nhận thấy điều đó, tôi đã hướng dẫn các bệnh nhân bị bệnh tuyến vú, cần phải cải thiện thói quen ăn uống. Khi tôi hỏi những người bị bệnh tuyến vú: “chắc cô thích dùng cà phê, sữa và ăn các món thịt nhỉ”, mọi người sẽ ngạc nhiên đến tròn mắt “tại sao bác sĩ lại biết”. Sau đó tôi sẽ đưa các số liệu lâm sàng thu thập được cho bệnh nhân xem, và khi họ bị thuyết phục, họ sẽ nghiêm túc cải thiện thói quen ăn uống theo hướng dẫn của tôi.
Như vậy, cách điều trị của tôi dựa trên những điều mà tôi biết được từ cơ thể bệnh nhân. Việc hướng dẫn bệnh nhân cải thiện thói quen sinh hoạt về cơ bản cũng giống như vậy. Để phòng tránh bệnh ung thư vú, cùng với việc cải thiện ăn uống, bạn nên thực hiện năm phút mát xa ngực mỗi ngày. Đây cũng là điều tôi học được từ các nghiên cứu lâm sàng. Trong số liệu lâm sàng thu thập được qua hơn 30 năm, tôi nhận thấy những người thường xuyên mát xa ngực, là nơi lưu thông máu, lưu thông bạch huyết dễ bị ngưng trệ, một hai lần mỗi ngày, không có ai bị ung thư vú cả.
Tôi không biết các bác sĩ chuyên khoa về ung thư vú có đưa ra lời khuyên về cách phòng tránh như vậy không. Thật vui khi tôi gặp lại bệnh nhân đã làm theo lời khuyên của tôi sau một năm, người đó không phát bệnh ung thư vú, hơn nữa, mô tuyến vú rất mềm, thậm chí các triệu chứng về bệnh tuyến vú cũng được chữa khỏi.
Điều khiến một bác sĩ như tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc không phải là chữa bệnh, cũng không phải là danh tiếng mà là có thể đưa ra lời khuyên cho những người vô bệnh có khả năng phát bệnh cao và giúp họ trở nên khỏe mạnh.
Qua những năm tháng tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, mỗi ngày tôi lại càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của “thực phẩm”. Tuy nhiên, hiện nay ở Nhật Bản, nhiều loại thực phẩm có hại cho sức khỏe lại được lưu thông dưới nhãn mác “thực phẩm tốt”.
Trong 30 năm gần đây, cứ mỗi lần có cơ hội là tôi lại đề cập đến vấn đề “quan hệ giữa thực phẩm và sức khỏe” và “các loại thực phẩm nguy hiểm”, nhưng tiếc là những cố gắng của tôi chưa đạt đến hiệu quả tạo ra cuộc cải cách về quan niệm thực phẩm trong xã hội. Hơn nữa, nếu nền y học chuyên biệt hóa hiện nay cứ tiếp tục phát triển như thế này thì các bác sĩ trẻ sau này sẽ rất khó để có thể học được từ các kiến thức lâm sàng như tôi.
Điều cần thiết cho nền Y học trong tương lai đó là y tế dự phòng. Và để xây dựng được một nền y tế dự phòng đúng nghĩa, không thể thiếu các kiến thức đúng đắn về thực phẩm.
Việc thay đổi nhận thức của con người vốn đã hằn sâu trong tâm trí những quan niệm sai lầm về ăn uống nhưng lại tưởng rằng đúng đắn, là rất khó khăn. Nếu bản thân người đó bị bệnh sẽ lại là chuyện khác, nhưng nếu người đó đang trong giai đoạn vô bệnh thì phần lớn mọi người sẽ chọn “bữa thịt nướng tối nay” thay cho “sức khỏe 10 năm sau”. Với những độc giả đã đọc đến đây, tôi hi vọng các bạn, nhất định phải chọn “sức khỏe 10 năm sau” thay vì chỉ có “bữa thịt nướng” mà thôi.
Điều tôi đang kỳ vọng hiện nay là giáo dục cho các thế hệ tiếp theo. Tôi nghe nói nền giáo dục sau này sẽ lấy ba trọng tâm là: “trí dục”, “thể dục”, “đức dục”. Nhưng tôi luôn hi vọng, người ta sẽ cho thêm vào một yếu tố nữa đó là “giáo dục thực phẩm”, để tạo nên một nền giáo dục hay một nền y học giúp nhiều người nhận thức đúng đắn hơn về thực phẩm.
Những bữa ăn trong trường học hiện nay được dựa trên tính toán lượng calo và các lý thuyết sai lầm đều rất nguy hiểm. Bởi vậy nên tôi cho rằng việc giáo dục thực phẩm với đối tượng là trẻ em và cải cách suất cơm trong trường là nhu cầu cấp thiết hiện nay.