Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nhân Tố Enzyme – Phương Thức Sống Lành Mạnh

Tất Cả Đều Có Thể Giải Thích Bằng “enzyme Diệu Kỳ”

Tác giả: Hiromi Shinya
Chọn tập

Mặc dù chỉ gọi chung là enzyme nhưng thực tế có hơn 5.000 loại enzyme cần thiết cho sự sống của con người. Có nhiều loại enzyme như vậy là do mỗi loại enzyme chỉ thực hiện một chức năng duy nhất.

Ví dụ, cùng là enzyme tiêu hóa, nhưng enzyme amylase có trong nước bọt chỉ phản ứng với tinh bột còn enzyme pepsin trong dịch dạ dày chỉ phản ứng với protein.

Đến đây, tôi bỗng thấy có một vấn đề là: dù chúng ta có bổ sung bao nhiêu đồ ăn hay bổ sung thêm enzyme cho các vi khuẩn đường ruột thì liệu cơ thể có hấp thu được hết các enzyme cần thiết hay không?

Thực tế, dù chúng ta có ăn bao nhiêu thức ăn giàu enzyme thì các enzyme đấy cũng không được hấp thu dưới hình thức vốn có của nó, cũng không tham gia vào các hoạt động sống trong cơ thể con người. Ví dụ các enzyme có trong củ cải và khoai lang, mặc dù cũng có enzyme được hấp thu vào cơ thể, tham gia vào hoạt động của cơ quan tiêu hóa là miệng và dạ dày, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ enzyme được hấp thu mà thôi. Phần lớn các enzyme trong thức ăn đều được phân giải trong quá trình tiêu hóa, biến đổi thành axit peptit hoặc axit amino và được ruột hấp thu. Nếu vậy, có thể các bạn sẽ cho rằng nếu không hấp thu được enzyme thì còn có ý nghĩa gì nữa. Nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Các số liệu lâm sàng tôi thu thập được đã chỉ rõ rằng, trong cơ thể những người ăn các thức ăn giàu enzyme có chứa rất nhiều enzyme.

Vậy trong cơ thể họ đã xảy ra điều gì? Sau đây tôi xin được trình bày về giả thuyết của mình. Từ những số liệu lâm sàng, tôi cho rằng dựa vào việc ăn các thức ăn giàu enzyme sẽ giúp cơ thể tổng hợp được “enzyme nguyên mẫu”. Trong cuốn sách này tôi gọi đó là “enzyme diệu kỳ”.

Tôi đặt giả thuyết có một “enzyme nguyên mẫu” cho các loại enzyme là do tôi nhận thấy khi enzyme bị tiêu tốn một lượng lớn tại một bộ phận nhất định thì các bộ phận khác sẽ thiếu các enzyme cần thiết. chúng ta có thể xét một ví dụ dễ hiểu sau: khi uống nhiều rượu, trong gan sẽ tiêu tốn một lượng lớn enzyme dể phân giải cồn (giải độc), lúc này, trong dạ dày và đường ruột bị thiếu các enzyme cần thiết cho tiêu hóa. Từ đó, tôi cho rằng enzyme có hàng nghìn loại khác nhau, nhưng không phải mỗi loại được tạo ra với số lượng nhất định mà trước hết cơ thể sẽ tổng hợp enzyme nguyên mẫu, sau đó enzyme này sẽ biến đổi thành các loại enzyme cho phù hợp với nhu cầu và được sử dụng tại các bộ phận trong cơ thể. Enzyme tham gia vào tất cả hoạt động sống của con người. Chúng ta có thể sử dụng đầu óc để suy nghĩ, cử động ngón tay, hít thở, tim đập… tất cả đều nhờ có enzyme. Nếu ngay từ đầu, tất cả các enzyme đều được tạo ra một cách chuyên biệt thì ngược lại sẽ tạo thành hậu quả rất xấu. Cơ thể con người chúng ta hoạt động một cách rất hợp lý và tuyệt đối không lãng phí như vậy. Chính vì vậy, nếu giả thuyết của tôi là đúng thì việc tiêu tốn bao nhiêu enzyme cho một bộ phận cũng đồng nghĩa với việc thiếu bấy nhiêu enzyme để duy trì cân bằng nội môi trong cơ thể, hay enzyme để đảm bảo hoạt động bình thường của tế bào, hệ thần kinh, hệ thống nội tiết, hệ thống miễn dịch…

Còn một lý do nữa khiến tôi tin vào sự tồn tại của enzyme diệu kỳ đó là khi con người thường xuyên dùng rượu bia, thuốc lá, thuốc men… cơ thể sẽ sinh ra “đề kháng” với các chất này.

Ví dụ, khi bạn uống rượu, chất cồn được dạ dày và ruột hấp thu sẽ được tập trung ở gan, sau đó được phân giải nhờ các enzyme phân giải cồn. Lúc này, ở gan sẽ sử dụng vài loại enzyme cùng lúc. Tùy mỗi người mà tốc độ phân giải cồn khác nhau. Người có tốc độ phân giải chất cồn nhanh là người có nhiều enzyme chuyên phân giải cồn trong gan. Những người này được gọi là “uống rượu giỏi”. Ngược lại, “người uống rượu kém” là người có ít enzyme phân giải chất cồn.

Tuy nhiên, ngay cả người uống rượu kém, nếu luyện uống trong thời gian dài cũng có thể uống được kha khá rượu. Đó là do cơ thể đã quen với tình trạng các enzyme phân giải trong gan bị sử dụng với tần suất lớn, đồng thời thay đổi để có thể sử dụng nhiều enzyme phân giải tại gan. Hiện tượng này là do enzyme đã thay đổi một lượng lớn để phù hợp với nhu cầu cần thiết của cơ thể.

Hiện tượng này xảy ra phải chăng là do cơ thể đã sử dụng “enzyme diệu kỳ”, loại enzyme có thể chuyển hóa thành bất kỳ enzyme nào khác trong cơ thể.

Nếu đúng như vậy thì trong cơ thể con người có khả năng tích trữ thêm “enzyme diệu kỳ” nhờ ăn các món chứa nhiều enzyme, và các enzyme diệu kỳ này sẽ được sử dụng tùy theo nhu cầu của cơ thể.

Sự tồn tại của “enzyme diệu kỳ” cho đến thời điểm này vẫn chỉ là giả thuyết, nhưng các số liệu lâm sàng tôi thu thập được từ việc quan sát hệ tiêu hóa của 300.000 người như đã đề cập chính là minh chứng tuyệt vời cho giả thuyết này.

Chọn tập
Bình luận
× sticky