Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nhân Tố Enzyme – Phương Thức Sống Lành Mạnh

Nước Là Đối Tác Tốt Của Các Enzyme Diệu Kỳ

Tác giả: Hiromi Shinya
Thể loại: Y Học - Sức Khỏe
Chọn tập

Nước đảm nhiệm rất nhiều chức năng trong cơ thể con người. Trong đó, chức năng quan trọng nhất là cải thiện lưu thông máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Nước còn giúp đào thải các độc tố, các chất cặn bã trong cơ thể, thúc đẩy hoạt động của các vi khuẩn đường ruột và enzyme. Thậm chí cả dioxin hay các chất ô nhiễm từ môi trường, phụ gia thực phẩm, các chất gây ung thư… nước đều đào thải ra ngoài cơ thể. Chính vì vậy, người không hay uống nước sẽ dễ mắc bệnh hơn.

Tôi có thể đưa một ví dụ hết sức đơn giản thế này, nếu bạn thường xuyên uống nước, bạn sẽ khó bị cảm cúm hơn. Nguyên nhân là do các bộ phận dễ bị vi trùng, vi rút tấn công như niêm mạc phế quản, niêm mạc dạ dày sẽ được nước làm ẩm, kích thích hoạt động của các tế bào miễn dịch và biến chúng thành những nơi vi rút khó có thể xâm nhập. Ngược lại, nếu không bổ sung đủ nước cho cơ thể, niêm mạc phế quản và niêm mạc dạ dày sẽ bị khô do mất nước. Mặc dù phế quản sẽ tiết ra đờm hay chất nhầy, nhưng nếu không có đủ nước thì chúng sẽ bám chặt vào phế quản và trở thành nơi sinh sản lý tưởng cho vi rút.

Nước không chỉ có trong huyết quản mà còn hoạt động trong hệ bạch huyết để bảo vệ sức khỏe của con người. Nếu coi huyết quản là một dòng sông thì hệ bạch huyết chính là hệ thống cống của dòng sông đó. Vì tuyến này đóng vai trò thanh lọc nước, protein, chất cặn bã dư thừa dưới da và sau khi thanh lọc lại, loại bỏ dị vật sẽ trả lại các chất vào tuần hoàn máu. Trong hệ này cũng có cả kháng thể gamma globulin có khả năng miễn dịch và enzyme lysozyme có khả năng kháng khuẩn. Để hệ thống miễn dịch này được hoạt động tốt, cần thiết phải có sự hỗ trợ của nước.

Nước có quan hệ tới tất cả các bộ phận trong cơ thể. Cơ thể không có nước thì không thể duy trì sự sống. Nó cũng giống như khi trồng cây trên sa mạc vậy. Người ta thường nói các yếu tố quan trọng trong việc trồng cây chính là mặt trời, đất và nước. Nếu chỉ có mặt trời và đất, cây không thể hấp thu các chất dinh dưỡng và dẫn đến khô héo. Chính vì có nước, cây mới có thể hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.

Các tế bào trong cơ thể con người cũng vậy, nếu không có nước sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề như không hấp thu được các chất dinh dưỡng, không đào thải được các độc tố, các chất cặn bã ra ngoài cơ thể. Và trong trường hợp xấu nhất, các độc tố tích tụ trong cơ thể sẽ phá hủy cấu trúc di truyền của tế bào, phát triển thành ung thư.

Nhờ có hoạt động vĩ mô của nước mà các hoạt động trong hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ bạch huyết diễn ra thuận lợi.

Còn quá trình thâm nhập vào từng tế bào trong số 60 nghìn tỉ tế bào trong cơ thể, cung cấp chất dinh dưỡng, tiếp nhận và xử lý chất thải lại là những hoạt động vi mô khác. Thậm chí nước còn ảnh hưởng đến rất nhiều enzyme khác nhau trong quá trình sinh năng lượng hay trung hòa các gốc tự do được hình thành.

Nói cách khác, nếu không có nước được vận chuyển đến 60 nghìn tỉ tế bào thì các enzyme không thể thực hiện được vai trò của mình. Để các enzyme có thể hoạt động hiệu quả cần có rất nhiều vi chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất… và phương tiện giúp vận chuyển các vi chất quan trọng đó chính là nước.

Hơn nữa, lượng nước con người bài tiết ra ngoài một ngày, tính cả lượng mồ hồi toát ra, lên đến khoảng 2.500 ml. Tất nhiên là trong thực phẩm cũng có chứa một lượng nước nhất định, như vậy ít nhất, một ngày chúng ta phải bổ sung 1.500 ml nước cho cơ thể.

Khi được yêu cầu bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể, có nhiều người nói rằng: “tôi không uống nhiều nước nhưng tôi rất tích cực uống trà và cà phê”. Tuy nhiên, với cơ thể con người, việc hấp thụ nước thông qua “nước” là rất quan trọng. Bởi nếu uống nhiều loại đồ uống không phải “nước” như trà, cà phê, đồ uống có ga, bia… thay vì bổ sung nước, ngược lại lại khiến cho cơ thể mất nước nhiều hơn. Các chất có trong các loại đồ uống kể trên như đường, cafein, cồn, chất phụ gia… sẽ hấp thụ nước trong các tế bào và máu, khiến lưu thông máu khó khăn.

Vào mùa hè nắng nóng hay sau khi tắm hơi xong, có người tu luôn một cốc bia đầy. Kích thích của bia có thể làm bạn hết ngay cảm giác khát. Tuy nhiên với những người cao tuổi, những người mỡ máu cao, cao huyết áp hay mắc bệnh tiểu đường, uống như vậy rất dễ gây nhồi máu cơ tim và nhồi máu não. Bạn hãy tập cho mình thói quen không uống bia, trà khi khát nước mà thay vào đó là uống các loại “nước tốt” để bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể.

Chọn tập
Bình luận