Phil Chartrukian hậm hực đứng trong phòng An ninh hệ thống. Những lời nói của Strathmore vẫn còn vang vang trong đầu anh ta: “Về ngay! Đây là lệnh của tôi!”. Anh ta đá cái thùng rác và chửi thề trong phòng thí nghiệm vắng lặng”.
– Chẩn đoán cơ đấy, lũ đần độn! Không biết là phó giám đốc tắt bộ lọc Gauntlet từ khi nào nhỉ!?
Những nhân viên an ninh hệ thống được trả lương hậu để bảo vệ hệ thống máy vi tính ở NSA, và Chartrukian biết rằng công việc này chỉ có hai yêu cầu đối với những người thực hiện nó: cực kỳ giỏi và cực kỳ hoang tưởng.
– Quỷ tha ma bắt! – anh càu nhàu – Đây không phải là điều hoang tưởng! Cái máy chủ khốn kiếp đã đọc đến 18 tiếng rồi!
Chắc chắn là có virus. Chartrukian có thể cảm thấy điều đó.
Anh đã hơi nghi ngờ những gì đang diễn ra: có thể Strathmore đã phạm phải sai lầm khi bỏ qua Gauntlet, và bây giờ ông ta đang cố gắng che đậy sai lầm bằng cách bịa ra một câu chuyện chết tiệt về một cuộc chẩn đoán nào đó.
TRANSLTR không phải là mối bận tâm duy nhất của Chartrukian khiến anh có thể nổi đoá như vậy. Bởi vì cỗ máy giải mã này không tồn tại một mình… Dù các chuyên gia giải mật mã tin rằng Gauntlet được thiết kể ra chỉ để bảo vệ những sản phẩm đã được giải mã thì các nhân viên an ninh hệ thống vẫn biết rõ được một sự thật là những máy quét Gauntlet còn phục vụ cho một thế lực khác cao hơn, đó là ngân hàng dữ liệu chính của NSA.
Lịch sử đằng sau việc xây dựng ngân hàng dữ liệu này luôn cuốn hút Chartrukian. Vào cuối năm 1970, mặc dù Bộ Quốc phòng đã có nhiều nỗ lực nhằm giữ riêng mạng Internet trong tay mình, nhưng vì mạng này quá hữu dụng cho nên người ngoài bắt đầu dòm ngó. Đầu tiên là các trường đại học. Không lâu sau đó, các doanh nghiệp kinh doanh cũng vào cuộc. Khi những cổng mạng được mở ra, người dân lao vào khai thác mạng này. Vào đầu những năm 90, mạng “Internet” một thời được chính phủ bảo vệ đã trở thành một bãi rác thải ngồn ngộn những thư rác và tranh ảnh khiêu dâm.
Sau nhiều vụ thâm nhập máy tính ở Cục tình báo Hải quân gây thiệt hại lớn, dù không được công bố, người ta ngày càng thấy rõ rằng các bí mật của chính phủ không còn được an toàn ở những máy vi tính kết nối với mạng Internet nữa. Tổng thống cùng với Bộ Quốc Phòng đã thông qua một sắc lệnh thành lập một mạng mới, hoàn toàn bảo mật để làm đường dây liên lạc giữa chính phủ với các cơ quan tình báo Mỹ nhằm thay thế cho mạng Internet đã không còn đảm bảo. Tất cả những dữ liệu nhạy cảm được lưu giữ tại một nơi có tính an toàn cao – một ngân hàng dữ liệu mới được thiết lập của NSA – pháo đài bảo vệ dữ liệu Fort Knox của tình báo Mỹ nhằm ngăn ngừa các vụ trộm cắp các bí mật của chính phủ từ máy vi tính.
Hàng triệu hình ảnh, băng ghi âm, tài liệu và băng hình vào loại tối mật đã được số hoá và được chuyển đến những kho khổng lồ, còn bản gốc thì bị xoá. Ngân hàng dữ liệu được bảo vệ bằng một rơ-le điện ba tầng và một hệ thống dự phòng kỹ thuật số nhiều lớp.
Ngân hàng cũng được đặt sâu dưới đất 65 mét nhẳm tránh từ trường và các vụ nổ có thể xảy ra. Tại ngân hàng dữ liệu, mọi hoạt động diễn ra trong phòng điều khiển đều được coi là tối mật và được bảo vệ ở mức cao nhất. Chưa bao giờ các bí mật quốc gia lại được bảo vệ an toàn như thế. Ngân hàng dữ liệu bất khả xâm phạm này giờ đây là nơi lưu giữ những bản thiết kể các loại vũ khí tối tân, các danh sách bảo vệ nhân chứng, mật danh của các trinh thám trên chiến trường, những bản phân tích và kế hoạch chi tiết cho các hoạt động bí mật. Danh sách này dài vô kể. Dường như không một hoạt động ăn cắp nào có thể làm phương hại đến ngành tình báo Mỹ.
Tất nhiên, những quan chức của NSA cũng nhận ra rằng những dữ liệu được cất giữ sẽ chỉ có giá trị nếu như chúng có thể sử dụng được. Nhiệm vụ thực sự của ngân hàng dữ liệu không phải là giấu biến những dữ liệu mật đi mà là cho phép những người thích hợp được sử dụng chúng. Tất cả các thông tin lưu trữ đều có một mức độ bảo mật riêng. Tuỳ vào mức độ cần bảo mật của dữ liệu mà các quan chức chính phủ được sử dụng theo nhiệm vụ của họ. Một sĩ quan chỉ huy tàu ngầm có thể quay số đăng nhập và kiểm tra những hình ảnh gần đây nhất chụp từ vệ tinh về các hải cảng ở Nga, nhưng ông ta sẽ không thể tiếp cận được với các kế hoạch về nhiệm vụ chống ma tuý ở Nam Mỹ. Các phân tích viên của CIA có thể tiếp cận và sử dụng những thông tin về lai lịch của những tên sát nhân nổi tiếng nhưng họ không tiếp cận với các mật mã được lưu về tổng thống.
Tất nhiên, các nhân viên an ninh hệ thống không có quyền sử dụng thông tin trong ngân hàng dữ liệu, nhưng họ phải chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn cho chúng. Cũng giống như tất cả các ngân hàng dữ liệu lớn khác – từ các công ty bảo hiểm cho đến các trường đại học – ngân hàng dữ liệu của NSA thường xuyên đứng trước nguy cơ bị các tin tặc tấn công nhằm đánh cắp những bí mật bên trong. Nhưng các lập trình viên bảo mật của NSA thuộc vào hàng giỏi nhất thế giới và chưa từng có ai có thể thâm nhập vào ngân hàng của NSA – và bản thân NSA cũng chẳng có lý do gì để nghĩ đến khả năng có ai đó sẽ có thể làm được việc này.
Trong phòng An ninh hệ thống, Chartrukian đang vã mồ hôi xem xét xem có nên bỏ đi hay không. Rắc rối với máy TRANSLTR cũng có nghĩa là đã có rắc rối xảy ra với ngán hàng dữ liệu. Sự bất cẩn của Strathmore đã gây nên sự hoang mang lớn.
Mọi người đều biết rằng TRANSLTR và ngân hàng dữ liệu chính của NSA có sự gắn kết chặt chẽ. Mỗi lần có một mật mã mới được giải ra, Crypto sẽ gửi mật mã đó qua 450 thước cáp quang đến ngân hàng dữ liệu của NSA để bảo mật. Kho dữ liệu chắc chắn này của NSA có một vài cổng vào giới hạn – và TRANSLTR nằm trong số ít các điểm ấy. Máy quét Gauntlet có nhiệm vụ là pháo đài bảo vệ bất khả xâm phạm. Và Strathmore lại phớt lờ nỏ đi.
Chartrukian có thể nghe rõ tim mình đang đập thình thịch. TRANSLTR đã bị nghẽn 18 tiếng đồng hồ rồi! Việc TRANSLTR bị nhiễm virus và hoạt động không theo chương trình trong hệ thống của NSA đã trở nên quá rõ ràng.
– Mình phải báo cáo việc này ngay! – anh thốt lên thành lời. ‘
Trong tình huống như thế này, Chartrukian biết rằng chỉ có một người mình nên gọi: đó là quan chức an ninh hệ thống cao cấp của NSA, một chuyên viên máy tính, người nặng 400 pound và dễ nổi nóng, và là người đã thiết kế Gauntlet. Biệt hiệu của ông ta là Jabba. Ông ta là một á thần ở NSA – thét lác dọc hành lang, dập tắt các tường lửa ảo, chửi rủa những người kém thông minh, không đủ sức thực hiện nhiệm vụ và cả những người thiếu hiểu biết.
Chartrukian hiểu ngay khi Jabba biết được rằng Strathmore đã phớt lờ máy quét Gauntlet, ông ta sẽ phát điên lên mất. Tệ thật, anh nghĩ, có việc để làm rồi đây. Anh vồ lấy điện thoại và quay số máy cầm tay của Jabba.