Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hoàng Hậu Margot

Chương 5

Tác giả: Alexandre Dumas

Bàn về cung Louvre nói riêng và về đạo đức nói chung

Hai nhà quý tộc được người đầu tiên họ gặp chỉ đường, rẽ sang phố d Averon, qua phổ Saint-Germain l Auxerrois, chẳng mấy chốc đã tới trước cung Louvre với những ngọn tháp đã bắt đầu chìm vào bóng đêm.

– Ông làm sao vậy? – Coconas hỏi De Mole khi thấy chàng này dừng lại trước toà lâu đài cổ kính và nhìn với vẻ kính cấn những cầu treo, những vòm cửa hẹp, những tháp chuông nhỏ nhọn hoắt đang hiện lên trước mắt chàng

– Xin thề là chính tôi cũng chẳng biết nữa – De Mole nói – Tim tôi đập dữ quá. Tuy tôi chẳng phải là kẻ nhút nhát nhưng không hiểu tại sao tôi cảm thấy toà nhà lâu đài này có vẻ thâm u thậm chí có vẻ gì khủng khiếp nữa.

– Tôi thì tôi cũng không biết được tôi ra làm sao, nhưng tôi thấy hiếm khi lại vui vẻ như bây giờ – Coconas nói. Và chàng vừa nói tiếp, vừa nhìn lại y phục đi đường của mình – Quần áo thì có hơi cẩu thả đấy. Nhưng thôi! Càng có vẻ kỵ mã. Các mệnh lệnh giao cho tôi buộc tôi phải vội vã. Chắc tôi sẽ được tiếp đón tử tế vì tôi đã tuân thủ đúng giờ giấc.

Hai chàng trai lại tiếp tục đi, mỗi người đều xao xuyến bởi những tình cảm mà họ vừa thổ lộ.

Cung Louvre được canh gác rất cẩn mật. Hình như mỗi trạm gác đều được tăng cường gấp đôi. Do vậy mà thoạt tiên hai nhà lữ hành của chúng ta khá bối rối. Coconas đã nhận thấy rằng tên của quận công de Guise là một bùa chú đối với dân Paris, chàng tới gần một tên lính canh và vừa nêu cái tên đầy uy lực ấy vừa hỏi y xem nhờ nó mà chàng có thể vào Louvre được không.

Rõ ràng cái tên ấy đã gây hiệu quả đối với tên lính, nhưng y vẫn gặng hỏi Coconas xem chàng có biết mật khẩu không.

Coconas buộc phải thú nhận rằng chàng không biết.

– Vậy thì xin mời ngài ra thôi – Tên lính đáp.

Trong lúc đó, có một người đang nói chuyện với viên chỉ huy trạm gác. Trong lúc nói chuyện ông ta vẫn nghe được lời Coconas yêu cầu xin vào Louvre. Ông ta liền ngừng cuộc chuyện trò và đến gần chàng:

– Ông muốn gặp ông de Guise có chuyện gì- Ông ta hỏi.

– Tôi muốn nói chuyện với ông ta –

Coconas vừa mỉm cười vừa trả lời.

– Không thể được, quận công đang ở nơi nhà vua.

– Nhưng tôi có thư thông báo để tới Paris.

– A! Ông có một thư thông báo?

– Vâng, và tôi từ rất xa tới.

– A, ông từ rất xa tới?

– Tôi từ Piémontais tới.

– Được, được. Thế thì lại khác. Ông tên là…

– Bá tước Anibal de Coconas.

– Tốt lắm. Thư đưa đây, ông Anibal, đưa đây.

“Đây quả là một người tử tế – De Mole tự nhủ – Làm sao mình có thể tìm được một người như thế để dẫn mình tới chỗ vua Navarre được nhỉ?”

– Nào ông đưa thư đây chứ – Người này vừa nói với giọng nói của người Đức,vừa chìa tay về phía Coconas đang ngập ngừng.

– Mẹ kiếp – Anh chàng Piémontais vốn đa nghi như Tào Tháo trả lời – Tôi không biết liệu có thể… Thưa ông, tôi chưa có vinh hạnh quen biết ông.

– Tôi là Pesme. Tôi thuộc về quận công de Guise.

– Pesme – Coconas lẩm bẩm – Mình không hề biết cái tên này.

– Thưa ngài quý tộc, đó là ông de Besme; Chỉ mỗi tội phát âm sai làm ngài nhầm thôi. Ngài cứ đưa thư cho ông de Besme đi, tôi đảm bảo.

– A! Ngài de Besme – Coconas kêu lên – Tôi mà lại không biết tên tuổi ngài ư!… Sao lại thế được! Rất hân hạnh. Thư của tôi đây Xin thứ lỗi cho sự ngần ngại của tôi. Nhưng ta cần phải ngần ngại khi ta muốn trung thành.

– Được, được, không cần phải xin lỗi – de Besme nói.

– Phải thế chứ, thưa ông – Đến lượt De Mole vừa nói, vừa tiến lại gấn

– Vì thấy ông có lòng như vậy, liệu ông có thể chuyển đạt lá thư của tôi như ông vừa làm đối với lá thư của ông bạn tôi hay không?

– Ông tên là gì?

– Bá tước Lerac de Mole.

– Bá tước Lerac de Mole?

– Vâng.

– Tôi không biết.

– Đơn giản chỉ là vì tôi không có hân hạnh được ông biết tới đó thôi, thưa ông. Tôi là người lạ ở đây và giống như bá tước de Coconas, tôi từ rất xa tới.

– Từ đâu?

– Từ Provençal.

– Với một cái thư?

– Vâng, với một bức thư.

– Gửi cho ông de Guise?

– Không, gửi cho hoàng thượng xứ Navarre.

– Tôi không thuộc về phía xứ Navarre, thưa ông – de Besme trả lời với vẻ lạnh lùng đột ngột – Vậy tôi không thể chuyển đạt lá thư của ông được.

Besme quay gót rời De Mole, tiến vào cung Louvre vừa ra hiệu cho Coconas đi theo.

De Mole đứng lại một mình.

Cùng lúc đó, qua cánh cửa cung Louvre song song với cửa mà Besme và Coconas vừa vào, có một toán kỵ sĩ chừng trăm người đi ra.

– Ái chà – Tên lính gác nói với bạn y – de Mouy với lũ Tân giáo nhà y đấy. Chúng vui sướng nhỉ. Hình như đức vua đã hứa cho giết kẻ ám sát đô đốc, hắn ta chính là người đã giết cha của hắn là de Mouy de Saint Phale.đúng là một cú chọi hai chim. Độc thật

Xin lỗi – De Mole nói với người lính – Phải chăng ông vừa nói rằng viên chỉ huy oai hùng kia là ông de Mouy de Saint Phale?

– Thưa vâng, ông quý tộc ạ.

– Và những người đi cùng ông ta là…

– Là những đồ vô đạo… tôi vừa nói đến đó .

– Cám ơn – De Mole nói, không tỏ vẻ để ý đến từ ngữ miệt thị của gã lính – Tôi chỉ cần biết có thế.

Ngay lập tức, chàng đi về phía người thủ lĩnh của đoàn kỵ sĩ và nói với ông ta:

– Thưa ông, tôi được biết ông là ông… de Mouy de Saint Phale.

– Thưa ông vâng – Viên chỉ huy lịch sự đáp.

– Tên tuổi ông được biết rõ giữa những người theo đạo mới, khiến tôi đánh bạo hỏi và nhờ ông một việc.

– Việc gì vậy, thưa ông?… Nhưng trước hết tôi đang vinh hạnh hầu chuyện với ai đây?

– Tôi là bá tước Lerac de Mole.

Hai chàng trai cúi chào nhau.

– Thưa ông, tôi xin nghe ông nói đây – de Mouy nói.

– Thưa ông, tôi từ d Aix tới, mang theo một lá thư của ông d Auriac, tỉnh trưởng tỉnh Provence.

Thư này được gửi lên đức vua Navarre và mang nhiều tin quan trọng khẩn cấp. Làm sao tôi có thể trình được thư lên đức vua? Làm sao tôi có thể vào được Louvre?

– Thưa ông, chẳng có gì dễ hơn là vào cung Louvre – de Mouy trả lời – Tuy nhiên, tôi e rằng lúc này đây đức vua Navarre đang bận nên không thể tiếp ông được. Nhưng dẫu sao thì xin ông hãy cứ vui lòng theo tôi, tôi sẽ dẫn ông tới khu phòng ở của nhà vua, phần còn lại xin ông tự lo lấy.

– Xin cám ơn ông!

– Xin ông theo tôi – de Mouy de Saint Phale nói.

.De Mouy xuống ngựa, ném dây cương cho người hầu, đi về phía cửa ra vào cho lính gác nhận mặt rồi dẫn De Mole vào lâu đài ông vừa mở cửa dẫn tới phòng ở của vua Navarre vừa nói:

– Xin ông vào đi và hỏi thăm xem.

Và vừa chào De Mole, ông vừa lui ra.

De Mole còn lại một mình, chàng nhìn xung quanh.

Phòng ngoài chẳng có một ai, một trong số các cửa thông vào trong bỏ ngỏ. Chàng đi vài bước và thấy mình ở trong một hành lang. Chàng gõ cửa và gọi mà chẳng có ai trả lời. Sự yên lặng thăm thẳm bao trùm lên khu vực này của Louvre.

“Ai đã nói với mình về các nghi thức nghiêm ngặt đến thế ấy nhỉ? – Chàng nghĩ – Chứ mình thấy người ta có thể đi qua đi lại trong lâu đài này cứ như trên khu công cộng vậy”.

Chàng lại gọi tiếp nhưng cũng chẳng ăn thua gì hơn lần trước.

“Thôi ta cứ đi thẳng vậy – Chàng nghĩ – Rốt cuộc thì cũng phải gặp một người nào chứ”.

Chàng tiến theo hành lang, càng vào sâu càng thấy tò mò.

Đột nhiên cánh cửa phía đối diện với cửa mà chàng đi vào mở ra, hai người hầu cầm hai giá đèn sáp xuất hiện. Họ soi đường cho một người đàn bà tầm vóc cao lớn, dáng đường bệ và có một vẻ đẹp chim sa cá lặn.

Ánh sáng chiếu rọi làm De Mole đứng lặng. Người đàn bà cũng dừng lại nhìn De Mole.

– Thưa ông, ông cần gì vậy? – Nàng hỏi chàng trai bằng một giọng thánh thót như một điệu nhạc bên tai chàng.

– Ô thưa bà – De Mole vừa nói vừa nhìn xuống – Xin bà thứ lỗi, tôi vừa mới rời khỏi ông de Mouy de Saint Phale, người đã có lòng dẫn tôi tới tận đây, để tìm đức vua Navarre.

– Hoàng thượng không có ở đây, thưa ông. Tôi tin là ông ta đang ở chỗ ông anh vợ. Thế nhưng vì ông ta đi vắng nên liệu ông có thể nói với hoàng hậu được không…

– Vâng, chắc là được, thưa bà – De Mole nói tiếp – Nếu như có ai rộng lòng dẫn tôi tới chỗ Người.

– Thưa ông, ông đã gặp rồi đấy!

– Sao cơ! – De Mole kêu lên.

– Tôi là hoàng hậu Navarre – Marguerite trả lời.

De Mole có một cử chỉ quá bất ngờ vì kinh ngạc và sợ hãi khiến hoàng hậu mỉm cười.

– Thưa ông, xin ông nói nhanh – Nàng nói

– Vì người ta đang chờ tôi ở chỗ Hoàng thái hậu.

– Ôi thưa lệnh bà, nếu Người đang rất vội thì xin cho phép tôi được lui, vì tôi không thể nói với Người trong lúc này được.

Tôi không thể tập trung ý nghĩ của mình, tôi hoa mắt khi nhìn thấy lệnh bà. Tôi không còn nghĩ được nữa, tôi chỉ chiêm ngưỡng thôi.

Marguerite duyên dáng tiến về phía chàng thanh niên trong lúc chàng không hề biết rằng mình vừa mới xử sự như một đình thần tao nhã.

– Xin ông tĩnh trí lại – Nàng nói – Tôi sẽ chờ ông và để cho người ta chờ tôi.

– Ôi xin lệnh bà tha tội, nếu như lúc đầu tôi đã không chào Người với tất cả lòng tôn kính mà Người có quyền đòi hỏi ở một kẻ tôi tớ hèn kém nhất của Người, nhưng…

– Nhưng – Marguerite tiếp

– Ông chẳng đã nhầm tôi với một người nào trong số các thị nữ của tôi đấy thôi.

– Không, thưa lệnh bà, tôi cứ tưởng là hình bóng của nàng Diane de Poitiers xinh đẹp. Người ta kể với tôi rằng nàng còn hiện về ở cung Louvre.

– Thôi nào, thưa ông – Marguerite nói – Tôi không phải lo ngại gì cho ông nữa đâu, ông sẽ gây dựng được sự nghiệp cho mình ở triều đình đấy. Có phải là ông vừa nói là ông có một bức thư cho nhà vua không? Thật vô ích, nhưng thôi kệ, thư đâu? Tôi sẽ trao thư cho hoàng thượng. Tuy nhiên, xin ông nhanh lên cho.

Trong nháy mắt, De Mole vạch các tua đeo ở áo ngắn và rút trong ngực ra một lá thư đề trong một cái túi lụa.

Marguerite cầm thư và nhìn chữ viết:

– Có phải ông là de Mole?

– Vâng, thưa lệnh bà. Lạy Chúa, phải chăng tôi có diễm phúc là tên mình được lệnh bà biết tới?

– Tôi đã nghe chồng tôi và quận công d Alençon, em tôi, nhắc tới. Tôi biết rằng ông đang được người ta chờ đợi.

Và nàng nhét vào trong chiếc áo chẽn cứng đờ vì châu ngọc và những đường thêu của mình bức thư vừa mới rời khỏi chiếc áo ngắn của chàng trai còn ấm hơi ngực chàng. De Mole khao khát nhìn theo từng cử chỉ của Marguerite.

– Bây giờ thì, thưa ông – Marguerite nói

– Ông hãy xuống tầng sảnh dưới nhà và chờ tới khi có người hầu do đức vua Navarre hoặc quận công d Alençon sai tới. Bây giờ một người hầu của tôi sẽ dẫn ông đi.

Nói xong, Marguerite tiếp tục bước. De Mole đứng dẹp vào sát tường, nhưng lối đi chật quá và khung lồng váy dài của hoàng hậu quá rộng đến nỗi váy bằng lụa của nàng chạm lưới qua quần áo chàng trai để lại mùi hương ngọt ngào toả ra trên lối nàng qua.

De Mole run lên toàn thân. Cảm thấy mình sắp ngã, chàng phải tựa vào tường.

Marguerite biến đi như một ảo ảnh.

– Thưa ông, ta đi thôi chứ ạ,? – Người hầu có nhiệm vụ dẫn De Mole tới tầng sảnh dưới nhà.

– À, vâng, vâng – De Mole đang say đắm trong lòng, thốt lên.

Chàng thấy người hầu trẻ chỉ vào lối mà Marguerite vừa đi qua và hy vọng rằng nếu nhanh chân, chàng có thể lại nhìn thấy nàng.

Quả thật tới đầu cầu thang chàng nhìn thấy nàng ở tầng dưới và vì hoặc tình cờ hoặc vì tiếng chân chàng vọng tới tận chỗ nàng, Marguerite ngẩng đầu lên, thế là chàng được nhìn nàng thêm một lần nữa.

– Ôi! – Chàng vừa đi theo người hầu vừa nói – Nàng chẳng phải là người trần tục mà là một nữ thần, đến cả thần Vệ Nữ cũng chưa chắc sánh kịp nàng.

– Gì vậy, thưa ông? – Người hầu không rõ chàng lẩm bẩm điều gì, bèn hỏi.

– Tôi đây! – De Mole vội vã đáp – Xin lối, không có gì cả, tôi đây.

Họ cùng xuống tầng dưới, qua một cửa rồi đến một cửa tiếp theo. Đến đó họ dừng lại trên ngưỡng cửa. Người hầu nói:

– Đây là nơi ông phải ngồi chờ.

De Mole bước vào gian phòng lớn và cánh cửa khép lại sau lưng chàng.

Trong gian phòng, chỉ có duy nhất một nhà quý tộc đang đi đi lại lại có vẻ sốt ruột chờ đợi ai.

Những mảng tối đổ dài từ những vòm trần xuống khiến cho hai người chỉ cách nhau vài chục bước chân cũng không nhìn rõ nhau. De Mole xích lại gần:

– Chúa tha tội cho con – Chàng lẩm bẩm khi chỉ còn cách nhà quý tộc kia có vài bước – Mình lại gặp bá tước de Coconas ở đây rồi.

Nghe tiếng bước chân, anh chàng Piémontais quay lại và cũng sững sờ nhìn De Mole:

– Mẹ kiếp! – Chàng kêu lên – Ông de Mole đây mà, nếu không thì quỷ bắt mình đi! Ái chà! Ta làm gì thế này! Lại chửi thề ở cung vua kia đấy! Nhưng thôi, hình như nhà vua còn chửi thề khá hơn ta, mà cả ở trong nhà thờ nữa kia. Ơ này, vậy là chúng ta đã ở trong cung Louvre đấy nhỉ?

– Như ông thấy đấy, ông de Besme quả là một tay người Đức dễ thương. Còn ông, ai dẫn đưởng cho ông thế?

– Ông de Mouy de Saint Phale… Tôi đã chả nói với ông là những người Tân giáo cũng không đến nỗi kém cạnh lắm trong triều đình là gì… Vậy ông đã gặp ông de Guise chưa?

– Chưa… Thế còn ông đã được tiếp kiến đức vua Navarre chưa?

– Chưa, nhưng chắc cũng sắp thôi. Người ta đã dẫn tôi đến đây và bảo tôi chờ.

– Ông sẽ thấy đây là một bữa tiệc lớn và chúng ta sẽ ngồi cạnh nhau dự tiệc. Quả là một sự tình cờ kỳ dị! Từ hai tiếng đồng hồ nay, số phận đã gắn bó chúng ta với nhau. Nhưng ông làm sao vậy? Ông có vẻ tư lự thế nào ấy!

– Tôi ư? – De Mole giật mình vội vã đáp, vì quả thực chàng vẫn còn như bị loá mắt bởi cái ảo ảnh đã hiện ra với chàng – Không đâu, nhưng cái nơi chúng ta đứng khiến trong trí tôi nảy sinh một mớ suy nghĩ.

– Triết học, có phải không? Thế thì cũng giống tôi. Chính lúc ông vào đây, những lời căn dặn của ông gia sư của tôi lại hiện ra trong trí tôi. Bá tước, ông có biết Plustarque(1) không?

– Sao cơ! – De Mole vừa nói vừa mỉm cười – Đó là một trong những tác giả ưa thích của tôi đấy.

– Thế thì – Coconas nói tiếp một cách nghiêm trang

– Tôi thấy con người vĩ đại ấy đã không quá khi ông ta so sánh những ưu vật của thiên nhiên như những bông hoa rực rỡ nhưng sớm nở tối tàn. Trong khi đó ông ta coi đạo đức như một cái cây thơm tho có mùi hương vĩnh cừu và có hiệu lực tuyệt vời để chữa lành các vết thương.

– Ông có biết tiếng Hylạp không, thưa ông de Coconas? – De Mole vừa hỏi vừa dán mắt vào người đối thoại với mình.

– Không, nhưng ông gia sư của tôi biết và ông ta đã dặn kỹ tôi rằng khi tới triều đình cần phải nói nhiều về đạo đức.

Ông ta bảo rằng thế là hợp gu lắm. Vì thế, tôi báo trước với ông rằng về mặt này tôi được trang bị đầy đủ lắm. À mà này, ông có thấy đói không?

– Không.

– Thế mà hình như ban nãy tôi thấy ông có vẻ thiết tha đến con gà xiên nướng ở quán Tinh tú lắm. Tôi đang chết đói lả người ra đây.

– Này ông de Coconas, đây là dịp tốt để sử dụng các luận cứ của ông về đạo đức và chứng minh lòng khâm phục của ông đối với Plustarque vì nhà văn vĩ đại ấy đã nói ở một đoạn nào đó rằng:

“Rèn luyện tâm hồn trong thương đau và dạ dày trong can đói là điều tốt”.

– Ái chà! Ông biết tiếng Hylạp đấy à?- Coconas kinh ngạc kêu lên.

– Vâng – De Mole trả lời – Ông gia sư của tôi đã dạy cho tôi.

– Mẹ kiếp! Bá tước ạ. Cơ đồ của ông được đảm bảo rồi đầy. Ông sẽ làm thơ với đức vua Charle, và nói tiếng Hylạp với hoàng hậu Marguerite.

– Không kể là – De Mole vừa cưởi vừa nói – Tôi có thể nói tiếng Gascon với đức vua Navarre.

Lúc đó, lối đi ăn thông ra khu phòng của nhà vua mở ra, có tiếng bước chân và người ta nhìn thấy trong bóng tối có một bóng người đang tiến lại. Bóng người đó dần dần rõ nét. Đó là ông de Besme. Ông ta ví mũi vào nhìn hai người để nhận ra người của mình và ra hiệu cho Coconas đi theo ông ta.

Coconas đưa tay chào De Mole.

De Besme dẫn Coconas tới đầu kia gian phòng mở một cánh cửa và đứng cùng với chàng trên bậc đầu tiên của một cầu thang.

Tới đó, ông ta dừng lại, nhìn khắp xung quanh, trên dưới rồi nói:

– Ông de Coconas, ông trọ ở đâu?

– Ở quán Tinh tú, phố Arbre sec.

– Được, được, gần đây lắm… Ông về ngay đi nhé và đêm nay… Ông ta lại nhìn quanh.

– Thế nào, đêm nay thì sao? Coconas hỏi.

– Thế này, đêm nay, ông quay trở lại đây với một chữ thập trắng trên mũ. Khẩu lệnh là Guise. Suỵt, kín miệng đấy.

– Nhưng tôi phải quay lại đây vào mấy giờ?

– Khi nào ông nghe thấy chuông nhà thờ báo động.

– Cái gì, chuông báo động à? – Coconas hỏi.

– Vâng, chuông báo động: bum! bum…

– À, chuông báo động!

– Đúng thế, tôi nói thế đấy.

– Được rồi, tôi sẽ tới – Coconas nói.

Vừa chào de Besme, chàng vừa đi vừa tự hỏi thầm:

– Thằng cha muốn nói cái quỷ gì thế nhỉ, và vì cớ gì mà người ta lại đánh chuông báo động cơ chứ. Dù sao thì mình vẫn giữ ý kiến của mình: ông de Besme dễ thương thật. Hay là mình đợi bá tước de Mole nhỉ? À mà thôi, chắc hẳn ông ta sẽ ăn tối với vua xứ Navarre.

Và Coconas đi về phía phố Arbre sec, nơi biển hiệu quán Tinh tú đang thu hút chàng như một thỏi nam châm.

Trong lúc đó, một cánh cửa của gian phòng lớn thông với những phòng ở của vua xứ Navarre mở ra, một người hầu tiến về phía De Mole và hỏi:

– Có phải ông là bá tước de Mole

– Chính tôi.

– Ông trọ ở đâu?

– Phố Arbre sec, quán Tinh tú.

– Được, gần ngay cửa Louvre. Xin ông hãy nghe… Hoàng thượng cho nói với ông rằng Người không thể tiếp ông trong lúc này. Có thể là đêm nay Người sẽ cho gọi ông. Dầu sao thì nếu sáng mai mà ông chưa nhận được tin tức gì thì ông hãy tới Louvre.

– Nếu lính gác không cho tôi vào thì sao?

– À ừ nhỉ… Khẩu lệnh là Navarre, ông cứ nói lên và mọi cửa đều thông.

– Xin cảm ơn.

– Xin ông chờ cho một chút. Tôi được lệnh dẫn ông ra tận cổng, sợ ông lạc trong Louvre mất.

“Thế còn Coconas? – De Mole tự hỏi khi chàng ra khỏi lâu đài – Ôi chắc y đang chén bữa tối với quận công de Guise”.

Nhưng khi về đến quán của Hurière, người đầu tiên chàng trông thấy chính là Coconas đang an toạ trước một dĩa trứng chiên mỡ kếch sù.

– Ố, ồ – Coconas vừa nói vừa phá lên cười – Hình như ông cũng chẳng ăn tối ở chỗ đức vua Navarre nhiều gì hơn tôi dùng bữa ăn ở nơi ông de Guise nhỉ.

– Xin thề là không.

– Thế ông đã thấy đói chưa?

– Tôi tin là có.

– Còn Plustarque thì sao?

– Bá tước ạ – De Mole vừa nói vừa cưới – Trong một đoạn khác của Plustarque đã nói “kẻ có phải chia xẻ cho người không” Vì lòng ngưỡng mộ Plustarque, ông có vui lòng chia sẻ đã trứng chiên với tôi không, chúng ta sẽ bàn về đạo đức trong khi ăn?

– Ôi thôi thôi! – Coconas nói – Bàn về đạo đức chỉ tốt khi chúng ta ở Louvre, chúng ta sợ bị nghe trộm và chúng ta đói mềm. Thôi ông ngồi xuống đi và xin mời!

– Này tôi thấy là hình như số mệnh cứ nhất định gắn bó chúng ta lại. Ông ngủ đây đêm nay chứ?

– Tôi cũng chẳng biết.

– Tôi cũng thế.

– Dẫu vậy, tôi vẫn biết là đêm nay tôi ở đâu?

– Đâu vậy?

– Ông ở đâu thì tôi ở đấy. Chẳng trượt đi đâu được.

Cả hai cùng cười và đánh chén thật cẩn thận món trứng chiên của bác chủ quán La Hurière.

Chú thích:

(1) Plustarque là nhà văn Hylạp.

Bình luận