Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hoàng Hậu Margot

Chương 36

Tác giả: Alexandre Dumas

Cách đảo chữ

Giữa phố Geoffroy-Lasnier có một đầu trổ ra của phố Garnier-sur- l Eau và đầu kia phố Garnier-sur- l Eau thông ra giữa phố Barres.

Từ đó, đi vài bước về phía phố Mortellerie, người ta thấy bên tay phải có một ngôi nhà nhỏ đơn độc nằm giữa một khu vườn kín cổng cao tường và chỉ có một cửa ra vào.

Charles rút trong túi ra một chiếc chìa khoá, mở cửa. Cửa chỉ được đóng bằng chốt khoá mở ra ngay lập tức. Sau khi để cho Henri và người hẩu cầm đuốc bước vào, Charles đóng ngay lại. Chỉ có mỗi một cánh cửa sổ con là được thắp sáng. Charles đưa tay chỉ cửa sổ và mỉm cười với Henri.

– Thưa bệ hạ, tôi không hiểu – Ông này nói.

– Chú sẽ hiểu, Henri ạ.

Vua Navarre ngạc nhiên nhìn Charles. Giọng nói, vẻ mặt Charles mang một vẻ dịu dàng khác xa với tính cách thường ngày của diện mạo ông đến nỗi Henri khó mà nhận ra.

– Henriot, ta đã nói với chú rằng khi ta ra khỏi Louvre, ta ra khỏi địa ngục. Khi ta vào đây là ta vào được thiên đường.

– Thưa bệ hạ, tôi vui mừng thấy được bệ hạ coi là xứng đáng để cho tôi cùng đi lên thiên đường với Người.

– Đường đi chật hẹp lắm – Nhà vua vừa nói vừa lách vào một cầu thang nhỏ bé – Thực tế đó để cho sự so sánh càng giống hơn.

– Và vị thiên thần nào canh giữ vườn Địa đàng của Người vậy, thưa bệ hạ?

– Chú sẽ thấy – Charles đáp.

Ông ra hiệu cho Henri nhẹ chân đi theo ông, rồi đẩy một cánh cửa, rồi cánh cửa thứ hai và dừng lại trên ngưỡng cửa.

– Chú nhìn xem – Ông nói.

Henri tiến lại gần và dừng mắt lại trên một trong những bức tranh dễ thương nhất mà ông đã từng được xem.

Một người đàn bà khoảng mười tám, mười chín tuổi đang ngủ đầu tựa lên chân giường của một đứa trẻ cũng đang ngủ, hai tay nàng nắm lấy đôi chân bé nhỏ kê lại gần môi mình trong khi mớ tóc dài gợn sóng của nàng xoã ra như một ngọn sóng óng vàng. Người ta tưởng chừng như đây là một bức tranh của Albane vẽ Đức mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng.

– Ồ thưa bệ hạ, cô gái dễ thương này là ai đây?

– Thiên thần của thiên đường ta đấy Henriot ạ, người duy nhất đã yêu ta chỉ vì bản thân ta thôi.

Henri mỉm cười.

– Đúng, chỉ vì ta, nàng đã yêu ta trước khi biết ta là vua.

– Và từ khi nàng biết rồi thì sao?

– Thế này, từ khi nàng biết – Charles vừa nói vừa thở dài chứng tỏ đôi khi cái cánh vương giả đẫm máu này cũng đè nặng lên ông – Từ khi nàng biết, nàng vẫn yêu, đây, chú cứ thế xét đoán xem.

Nhà vua nhẹ nhàng tiến lại đặt lên gò má đỏ hồng của thiếu phụ một cái hôn nhẹ như cái hôn của con ong với bông huệ. Vậy mà thiếu phụ vẫn tỉnh dậy.

– Charles! – Nàng thì thầm và mở mắt.

– Chú thấy chưa, nàng gọi ta là Charlss. Hoàng hậu cũng còn gọi là ta bệ hạ kia.

– Ô – Thiếu phụ thốt lên – Mình không đến một mình ư, ông vua của em.

– Không Marie ạ. Ta muốn dẫn đến bên em một ông vua còn sung sướng hơn ta, vì hắn không có ngai vàng, bất hạnh hơn ta, vì hắn không có một nàng Marie Touchet. Chúa bù đắp cho mọi sự mà.

– Tâu bệ hạ, có phải là đức vua Navarre chăng? – Marie hỏi.

– Chính hắn, em ạ. Lại gần đây, Henriot.

Vua Navarre tiến lại gần, Charles nắm lấy bàn tay phải của ông và nói:

– Nhìn bàn tay này. Marie, đây là tay một người anh em thân thiết và của một người bạn trung thực. Nếu không có bàn tay này, em có biết không…

– Thưa bệ hạ, sao cơ?

– Này nhé, không có bàn tay ấy thì hôm nay con chúng ta không còn cha nữa, Marie ạ.

Marie vụt kêu lên, nàng quỳ xuống, nắm lấy tay Henri và hôn lên đó.

– Được lắm, Marie, được lắm – Charles nói.

– Thưa bệ hạ, Người đã làm gì để trả ơn ông ta?

– Ta đã trả lại cho hắn bằng thế.

Henri ngạc nhiên nhìn Charles.

– Có ngày chú sẽ biết được điều ta muốn nói, Henriot ạ. Trong khi chờ đợi, đến đây xem.

Và ông lại gần giường nơi đứa trẻ đang ngủ:

– Ê này, nếu cái thằng cu béo núc này ngủ ở Louvre chứ không phải ở đây, trong căn nhà nhỏ phố Barres này, thì điều đó sẽ làm thay đổi biết bao sự việc trong hiện tại và có thể là cả trong tương lai nữa(1).

– Tâu bệ hạ – Marie đáp – Xin mạn phép thánh thượng chứ thiếp thấy con ngủ ở đây ngon hơn.

– Vậy chúng ta đừng phá giấc ngủ của nó – Charles nói – Ngủ mà không mơ màng gì mới tuyệt làm sao!

– Vậy thì, thưa bệ hạ – Marie vừa nói vừa chỉ tay về phía một trong số các cánh cửa thông với gian phòng này.

– Đúng đấy, em Marie, chúng ta ăn tối thôi.

– Charles thân yêu, mình sẽ nói với đức vua em mình tha lỗi cho em nhé.

– Về việc gì?

– Về việc em đã cho những người hầu về rồi. Tâu bệ hạ – Marie nói tiếp với vua Navarre – Người sẽ biết rằng Charles chỉ ưng được tôi phục vụ mà thôi.

– Hản là thế, tôi tin lắm chứ – Henri đáp.

Hai người đàn ông qua căn phòng ăn trong khi bà mẹ, vốn lo lắng và cẩn thận, đắp một mảnh chăn ấm lên cho thằng bé Charles. Nhờ giấc ngủ trẻ thơ mà cha nó thèm muốn, nó vẫn không thức dậy.

Marie tới chỗ hai người:

– Mới chỉ có hai bộ chén đĩa – Nhà vua nói.

– Xin phép cho em được hầu hai hoàng thượng – Marie đáp.

– Nào, chú lại đem đến cho ta những bất hạnh đây, Henriot – Charles nói.

– Sao vậy, thưa bệ hạ?

– Thế chú không nghe thấy đấy à?

– Charles, em xin lỗi.

– Ta tha lỗi cho em. Nhưng ngồi vào đây gần ta và giữa hai chúng ta.

– Xin vâng – Marie đáp.

Nàng mang tới thêm một bộ chén dĩa ngồi vào giữa hai vị vua và lấy thức ăn cho họ.

– Henriot, thật là tuyệt khi ở trên đời còn có nơi mà ta dám uống dám ăn chẳng cần phải có ai nếm thịt rượu của ta trước mắt ta, có phải thế không?

– Thưa bệ hạ, xin hãy tin rằng tôi thông cảm với niềm hạnh phúc của bệ hạ hơn bất kỳ ai khác – Henri mỉm cười và nụ cười của ông phản ánh nỗi lo sợ muôn thuở của tâm trí ông.

– Vậy chú nói với cô ta rằng để cho chúng ta được hạnh phúc mãi như thế này thì cô ta đừng dính líu tới chính trị. Và nhất là cô ấy với mẹ ta đừng có quen biết gì nhau.

Quả thật lệnh bà Catherine yêu quý bệ hạ đến nỗi bà có thể ghen tức với bất kỳ một tình yêu nào khác – Henri trả lời, bằng cách nói tránh trớ, ông tránh được cái niềm tin cậy đó của nhà vua.

– Marie, ta giới thiệu với em một trong những người thông minh khôn khéo nhất mà ta quen. Em có biết không, không phải nói quá chứ ở triều đình hắn đã lừa được tất cả mọi người, có lẽ chỉ có mỗi mình ta là nhìn thấu được, không phải là trong trái tim hắn đâu mà là trong đầu óc hắn.

– Thưa bệ hạ – Henri đáp – Tôi không được hài lòng vì khi bệ hạ phóng đại tầm cỡ của trí óc tôi như vậy thì bệ hạ lại nghi ngờ lòng tôi.

– Henriot, ta chẳng phóng đại cái gì cả. Vả lại rồi có ngày người ta sẽ hiểu rõ chú.

Rồi nhà vua quay về phía người thiếu phụ và bảo:

– Và nhất là hắn làm những câu cách ngôn đảo chữ(2) khéo lắm. Em cứ bảo hắn làm thử với tên em mà xem, ta đảm bảo rằng hắn làm được.

– Ôi, bệ hạ bảo người ta có thể tìm thấy được gì ở tên một người con gái nghèo khổ như em? Liệu có ý nghĩ dễ thương nào có thể rút ra được từ nhóm chữ cái mà số phận tình cờ đã viết nên Marie Touchet cơ chứ?

– Ồ, câu đảo chữ của tên này dễ quá. Thưa bệ hạ, tôi chẳng phải giỏi giang gì cũng tìm được nó.

– A ha! Xong rồi đấy, thấy chưa Marie?

Henri lôi từ trong túi áo chẽn ra tập giấy của ông, xé lấy một trang rồi ông viết vào bên dưới tên

“Marie Touchet”

dòng chữ sau đây:

“Je charme tout”(3)

và đưa tờ giấy cho thiếu phụ.

– Thật ư? – Marie thốt lên – Không thể như thế được!

– Hắn tìm ra chữ gì đấy? – Charless hỏi.

– Thưa bệ hạ, em không dám nhắc lại nữa.

– Thưa bệ hạ – Henri nói – Trong cái tên Marie Touchet nếu thay chữ i bằng chữ j theo lệ thường, thì ta sẽ có được nguyên câu: “Je charme tout”.

– Quả thật đúng từng chứ! – Charles kêu lên – ta muốn rằng đó là câu tiêu ngữ về em, nghe chưa Marie? Chưa bao giờ có câu tiêu ngữ nào lại xứng đáng hơn thế. Cám ơn Henriot. Marie sẽ ban cho em câu đó viết bằng kim cương.

Bữa ăn tối kết thúc, chuông đồng hồ tại Nhà thờ Đức Bà điểm hai giờ.

– Marie, bây giờ để thưởng cho lời khen ngợi của hắn em kiếm cho hắn một chiếc ghế phô-tơi để hắn ngủ cho đến sáng, tuy nhiên phải để cho thật xa chúng ta ra vì hắn ngáy khiếp lắm. Rồi nếu em dậy trước thì em sẽ đánh thức ta vì bọn ta phải ở Bastille vào sáu giờ sáng mai. Thôi chào nhé, Henriot, chú cứ tùy ý thu xếp nhé – Ông lại gần vua Navarre, đặt tay lên vai ông này và nói thêm – Nhưng vì tính mạng của chú, nghe rõ chưa, Henri? Vì tính mạng của chú, đừng có ra khỏi nơi đây không có ta, và nhất là đừng về Louvre.

Henri đã ngờ ngợ về quá nhiều điều trong những gì ông không hiểu nổi rồi không thể làm sai một lời chỉ dẫn như thế.

***

Charless IX về phòng mình, còn anh chàng Henri dân miền núi dạn dày lo xoay xở với chiếc ghế. Chắng mấy chốc, ông đã chứng thực cho việc ông anh vợ cẩn thận để mình nằm xa ông ta là đúng.

Tảng sáng ngày hôm sau, Charles đánh thức Henri dậy. Nhà vua sung sướng và tươi cười, người ta chưa bao giờ nhìn thấy ông như thế ở Louvre. Những giờ phút ông ở trong ngôi nhà nhỏ ở phố Barres này là những giờ phút ngập ánh mặt trời.

Cả hai đi qua phòng ngủ, thiếu phụ ngủ trên giường, còn đứa trẻ ngủ trong nôi. Hai mẹ con đều mỉm cười trong giấc ngủ.

Charles ngắm họ một lát với niềm âu yếm khôn cùng. Rồi ông quay về phía vua Navarre nói:

– Henriot, nếu có khi nào chú biết được đêm qua ta đã giúp chú việc gì và nếu khi nào ta gặp điều bất hạnh, chú hãy nhớ tới đứa trẻ đang ngủ trong nôi này.

Rồi ông hôn lên trán hai người, không để cho Henri kịp hỏi, ông nói:

– Tạm biệt, các thiên thần của ta.

Và ông bỏ ra, Henri trầm tư bước theo ông.

***

Những nhà quý tộc mà Charles đã hẹn, giữ ngựa trong tay, đợi họ lại Bastille, Charles ra hiệu cho Henri lên ngựa, ông cũng lên yên, đi ra theo lối vườn Arbalète và theo các đại lộ bên ngoài.

– Chúng ta đi đâu vậy? – Henri hỏi.

– Chúng ta hãy đi xem thử có phải quận công d Anjou về đây chỉ vì phu nhân Condé không thôi – Charles đáp – Và để xem trong trái tim ấy cũng có nhiều tham vọng bằng tình yêu không, ta nghi thế lắm.

Henri không hiểu gì trong lời giải thích, ông đi theo Charles mà chẳng nói năng gì.

Tới khu Marais, vì đứng sau lớp rào có thể nhìn thấy tất cả vùng mà khi đó người ta gọi là ngoại ô Saint-Laurent, Charles chỉ cho Henri qua lớp sương mù có những người quấn mình trong áo lông choàng dày và đội những chiếc mũ trùm lông đang đi ngựa trước một chiếc xe hòm chở nặng. Họ càng tiến lên thì nom họ càng rõ nét và người ta có thể thấy một người khác, mặc một chiếc áo choàng nâu và vầng trán rợp bóng một chiếc mũ kiểu Pháp cùng đi ngựa như họ và nói chuyện với họ.

– Ái chà! – Charles mỉm cười nói – Ta đã ngờ mà.

– Thưa bệ hạ, nếu tôi không nhầm – Henri nói – Kỵ sĩ mặc áo choàng nâu đúng là quận công d Anjou.

– Chính hắn đấy – Charless đáp – Hãy nép vào Henriot, ta muốn hắn không nhìn thấy chúng ta.

– Nhưng còn những người mặc áo choàng xám và mũ trùm lông, họ là ai vậy? Và trong chiếc xe kia có gì vậy?

– Những người đó – Charles đáp – Là các sứ thần Ba Lan, và trong chiếc xe kia có một vương miện – Ông nói tiếp và cho ngựa phi nước đại về phía cổng Temple – Bây giờ đi thôi Henri, ta đã biết được điều ta muốn biết.

Chú thích:

(1) Đứa con hoang đó chẳng phải ai khác ngoài quận công Đ Angoulème nổi tiếng, chết năm 1650. Quả thực, nếu ông ta là con chính thức, ông ta sẽ loại được cả Henri III, Henri IV, Lui XIII, Louis XV. Thay vào đó ông ta sẽ để lại cho chúng ta những ai? Trí óc con người bị lẫn lộn đi trong một câu hỏi như vậy.

(2) Đảo vị trí của các chữ cái trong tên và tạo thành một câu có nghĩa (N. D).

(3) Tôi quyến rũ tất thảy

Bình luận
× sticky