Rừng Vincennnes
Theo lệnh của Charles ngay tối hôm đó Henri được dẫn tới rừng Vincennnes. Thời đó người ta gọi toà lâu đài nổi tiếng đó như vậy. Ngày nay chỉ còn lại một đống hoang tàn, một tàn tích khổng lồ đủ cho ta hình ảnh về tầm cỡ vĩ đại xa xưa của nó.
Cuộc di chuyển được tiến hành bằng kiệu. Mỗi bên kiệu có bốn vệ binh đi kèm. Ông de Nancey đi đầu mang theo lệnh để mở cho Henri cánh cửa của nhà tù bảo trợ.
Tới đường ngầm ở bờ thành, đoàn người dừng lại. Ông de Nancey xuống ngựa, mở cánh cửa kiệu khóa kín và cung kính mời vua Navarre xuống.
Henri tuân lời, không phản kháng gì. Ở đâu đối với ông cũng an toàn hơn ở Louvre và mười cánh cửa khép lại sau lưng ông cũng là mười cánh cửa ngăn cách giữa ông và Catherine de Médicis.
Ông vua tù đi qua cầu treo giữa hai người lính, vượt qua ba cửa từng dưới của tháp và cửa tầng dưới của cầu thang rồi vẫn luôn luôn theo sau ông de Nancey, ông lên một tầng gác.
Tới đó, thấy ông vẫn định lên tiếp, viên chỉ huy vệ binh ngăn ông lại:
– Thưa đức ông, xin Người dừng lại.
– Ái chà! – Henri dừng lại nói – Hình như ta được ban cho vinh dự ở tầng một thì phải.
– Thưa bệ hạ, người ta đối xử với Người như đối xử với một vị vua.
– Thôi thôi! Vài ba tầng gác nữa cũng chẳng làm ta thấy nhục tí nào. Chỗ này tốt quá, người ta sinh nghi mất.
– Xin bệ hạ vui lòng theo tôi. – Ông de Nancey nói.
– Trời đất! Ở đây làm gì có chuyện ta vui lòng hay không vui lòng. Đây là việc ta phải làm theo lệnh anh Charles của ta. Ông ta có ra lệnh cho ta đi theo ông không?
– Thưa bệ hạ, có.
– Nếu vậy thì thưa ông, ta xin theo ông.
Họ đi vào một hành lang, ở đầu kia hành lang là một căn phòng tương đối rộng với những bức tường tối tăm và có vẻ hết sức ảm đạm.
Henri nhìn quanh trong lòng không phải là không lo lắng.
– Chúng ta đang ở đâu vậy? – Ông hỏi.
– Thưa đức ông, chúng ta đang đi qua phòng tội hình.
– À ra thế!
Và Henri để ý nhìn kỹ hơn.
Trong phòng có đủ thứ: bình đựng nước và giá gỗ để cho hình phạt tra bằng nước, nêm và vồ để cho hình phạt bẻ chân. Ngoài ra, những ghế ngồi bằng đá dành cho những kẻ bất hạnh chờ đến lượt tra tấn được đặt gần như vòng quanh khắp phòng, và ở trên, ở dưới, ở ngay trên các ghế đó là những vòng sắt gắn thẳng vào tường không tuân theo tính đối xứng nào khác ngoài tính đối xứng của nghệ thuật hành tội. Nhưng chúng ở gần các ghế nên người ta dễ đoán ngay là chúng được dành cho những kẻ ngồi trên ghế.
Henri đi tiếp mà không nói nửa lời, nhưng ông không để lọt một chi tiết nào đến cả cái bộ máy ghê tởm có thể nói là đã viết nên lịch sử của nỗi đau đớn trên các bức tường.
Mải nhìn quanh nên Henri không nhìn xuống chân và bị vấp:
– Này, cái gì đây? – Ông hỏi.
Và chỉ vào một thứ giốnh như rãnh sâu được đào xuống nền đá ẩm ướt làm sàn nhà.
– Thưa bệ hạ, đó là máng nước.
– Ở đây có mưa à?
– Thưa bệ hạ, vâng, mưa máu.
– Ái chà! Tốt lắm – Henri thốt lên – Thế chúng ta sắp tới phòng ta chưa?
– Thưa đã, thưa bệ hạ, ở đây đây.
Có một bóng người lờ mờ trong tối, người ta càng tới gần thì bóng đó càng rõ hơn và thực hơn
Henri nghe giọng quen quen, bước lên vài bước và nhận ra một mặt người.
– Ơ này! Ông đấy à, Beaulieu. Ông làm cái quái quỷ gì ở đây vậy?
– Thưa bệ hạ, tôi vừa nhận được sắc phong làm quan chủ pháo đài Vincennnes.
– Ồ ông bạn thân mến, – ông mở đầu thật hách – Có một ông vua làm tù nhân, khá quá còn gì.
– Xin lỗi bệ hạ – Beaulieu đáp – Nhưng trước Người tôi đã tiếp nhận hai nhà quý tộc rồi.
– Ai vậy? À xin lỗi, có lẽ ta hơi tò mò. Nếu vậy cứ coi như ta chưa nói gì cả nhé.
– Thưa bệ hạ, người ta không dặn tôi phải giữ bí mật, đó là các ông de Mole và de Coconnas.
– À. Ừ nhỉ, ta đã được thấy người ta bắt các vị quý tộc không may ấy. Thế họ chịu cơn bĩ cực này như thế nào?
– Một cách hoàn toàn khác nhau, người vui, kẻ buồn, người thì hát, kẻ thì than thở.
– Thế ai than thở?
– Ông de Mole.
– Nói thật chứ, ta thông cảm với anh rên rỉ hơn là với anh ca hát đấy. Theo những gì ta thấy thì nhà tù chẳng phải là vui vẻ lắm đâu. Thế họ ở tầng mấy?
– Tít trên cao kia. Tận tầng tư.
Henri thở dài, ông cũng muốn được ở đây hơn.
– Nào, ông de Beaulieu, hãy vui lòng chỉ cho ta phòng của ta, ta nóng lòng muốn được tới đấy lắm vì ngày hôm nay ta mệt quá.
– Thưa bệ hạ đây – Beaulieu chỉ cho Henri một căn phòng cửa mở toang.
– Phòng số 2 – Henri nhận xét – Tại sao không phải là phòng số 1 nhỉ?
– Vì thưa bệ hạ, phòng số 1 có người đặt giữ chỗ rồi.
– Ái chà! Chắc ông định chờ đón một người tù dòng dõi cao quý hơn ta chắc?
– Thưa bệ hạ, tôi đâu có nói là để cho một tù nhân.
– Thế thì để cho ai?
– Cúi xin bệ hạ đừng hỏi thêm vì tôi sẽ buộc phải im lặng và làm thế là bất tuân lời bệ hạ.
– À nếu vậy thì khác – Henri đáp.
Và ông trở nên trầm tư hơn nữa, cái phòng số 1 này khiến ông tò mò ra mặt. về phần còn lại, viên chủ pháo đài cũng vẫn không từ bỏ thái độ lịch sự ban đầu. Với hàng ngàn những lời hoa mỹ cẩn thận ông sắp xếp cho Henri trong phòng, ra sức xin lỗi về những tiện nghi mà nhà vua có thể thấy còn thiếu, đặt hai lính gác ở cửa và đi ra.
– Bây giờ đến những người kia – Beaulieu nói với viên giữ cửa xếp nhà ngục.
Viên giữ cửa đi trước. Họ lại quay ngược lại đường cũ, qua phòng tội hình, hành lang, tới cầu thang, và theo người dẫn đường, ông de Beaulieu leo thêm ba tầng gác nữa.
Lên tới tầng thứ ba, gộp cả với tầng thứ nhất nữa là bốn tầng, người giữ cửa lần lượt mở ba cánh cửa được trang trí mỗi cửa bằng hai ổ khoá và ba ổ chốt to tướng.
Ông ta vừa chạm vào cánh cửa thứ ba thì có giọng nói vui vẻ kêu lên:
– Ê này! Mẹ kiếp! Mở cửa ra, dù chỉ để cho không khí chui vào thôi cũng được. Lò nhà các anh nóng đến chết ngạt được.
Nghe câu rủa quen thuộc chắc bạn đọc đã nhận ra Coconnas, chàng chỉ nhảy một bước là đã tới bên cửa.
– Chờ tí đã, thưa ông quý tộc – Viên giữ cửa nói – Tôi đến không phải để thả ông ra mà là để vào và có ngài chủ pháo đài theo tôi.
– Quan chủ pháo đài! – Coconnas thốt lên – Thế ông ta đến làm gì?
– Đến để thăm ông.
– Thật vinh dự quá, xin hoan nghênh ông chủ pháo đài.
Ông Beaulieu bước vào thật và dẹp ngay nụ cười thân mật của Coconnas bằng một trò lịch sự lạnh lùng của riêng các viên chủ thành, các viên coi ngục và đao phủ.
– Thưa ông, ông có tiền không? – Ông ta hỏi tù nhân.
– Tôi ấy à? – Coconnas đáp – Không có một xu.
– Ông có đồ trang sức không?
– Tôi có một cái nhẫn.
– Xin ông vui lòng cho tôi được khám người.
– Mẹ kiếp! – Coconnas đỏ mặt lên vì tức – Ông thật may là đang ở trong tù và tôi cũng đang trong tù.
– Cần phải biết chịu đựng để phục vụ đức vua.
– Hoá ra là những người lương thiện cướp của trên Cầu Mới cũng là phục vụ đức vua như ông đấy? Mẹ kiếp? Tôi bất công thật, thưa ông, vì cho tới nay tôi vẫn cứ tưởng họ là đồ kẻ cướp.
– Thưa ông, xin chào ông – Beaulieu nói – Lính! Nhốt ông đây lại.
Viên chủ thành bỏ đi mang theo chiếc nhẫn của Coconnas.
Đó là một chiếc nhẫn khảm ngọc bích tuyệt đẹp của phu nhân de Nervers tặng chàng để nhắc chàng nhớ tới màu mắt nàng.
– Tới người kia! – Chủ pháo đài phán.
Họ đi qua buồng trong và cái trò ba cánh cửa, sáu ổ khoá với chín ổ chốt lại tái diễn.
Cánh cửa cuối cùng mở ra và một tiếng thở dài là tiếng động đầu tiên vọng tới những người khách.
Căn phòng nom còn ảm đạm hơn cả phòng ông Beaulieu vừa ra khỏi. Bốn lỗ châu mai và hẹp trong to ngoài nhỏ soi sáng lờ mờ cho cái nơi ở đáng buồn này. Hơn nữa, những song sắt được lồng chéo một cách khá nghệ thuật để tầm nhìn luôn bị ngăn chặn bởi một đường mờ đục, và tù nhân thậm chí còn không thể nhìn thấy trời qua lô châu mai.
Những đường xây kiến trúc vòng cung xuất phát từ mỗi góc phòng, tụ lại giữa trần và uốn ra thành hình hoa thị. – De Mole ngồi trong góc, mặc dù có khách nhưng chàng vẫn ngồi yên tựa như không nghe thấy gì.
Viên chủ thành đứng dừng trên ngưỡng cửa và nhìn người tù một lúc. Chàng vẫn ngồi gục đầu vào tay, bất động.
– Chào ông, ông De Mole – Beaulieu cất tiếng.
Chàng trai từ từ ngẩng đầu lên.
– Chào ông – Chàng đáp.
– Thưa ông, tôi đến để khám xét ông – Viên chủ pháo đài thông báo.
– Ích gì – De Mole đáp – Tôi sẽ giao tất cả những gì tôi có cho ông.
– Ông có những gì?
– Khoảng ba trăm écus, đồ trang sức và nhẫn.
– Xin ông đưa đây.
– Đây! – De Mole lục túi, tháo hết nhẫn ở ngón tay và gỡ chiếc ghim cài trên mũ.
– Ông không còn gì nữa à?
– Tôi nghĩ là không.
– Thế cái sợi dây lụa ở cổ ông kia đeo cái gì vậy?
– Thưa ông, đây không phải là đồ vàng bạc mà là một thành tích.
– Đưa đây.
– Sao? Ông đòi như vậy à?
– Tôi được lệnh chỉ để lại quần áo cho ông thôi. Thành tích không phải là quần áo.
De Mole phác một cử chỉ tức giận. Ở một sự bình tĩnh tuy đau đớn mà đàng hoàng khiến chàng nổi bật lên, nỗi tức giận đó dường như còn đáng sợ hơn đối với những người vẫn quen với những tình cảm mạnh. Nhưng chàng lại bình tĩnh ngay và nói:
– Thôi được, thưa ông, ông sẽ được nhìn thấy cái mà ông yêu cầu. Chàng quay mặt đi như để tiến lại gần phía ánh sáng và rút cái thành tích giả mạo đó ra. Thành tích đó chẳng phải là cái gì khác ngoài một chiếc mề đay trong có một bức chân dung mà chàng rút ra và đưa lên môi. Sau khi đã hôn bức chân dung nhiều lần, chàng giả vờ đánh rơi xuống đất và dằn mạnh gót giày lên trên khiến nó vỡ tan thành ngàn mảnh.
– Kìa ông!… – Viên chủ pháo đài thốt lên.
Và y cúi xuống xem có thể vớt vát lại được cái vật bí ẩn mà De Mole đã muốn giấu y ấy. Nhưng bức hình nhỏ đã bị nghiền ra như cám.
– Nhà vua muốn có vật trang sức này – De Mole nói – Nhưng Người không có quyền gì đối với bức chân dung mà tấm mề đay chứa đựng. Giờ thì mể đay đây, ông có thể cầm lấy.
– Thưa ông – Beaulieu đáp – Tôi sẽ khiếu nại tới đức vua.
Và không chào từ biệt người tù lấy một lời, y bước ra cáu kỉnh đến nỗi để mặc cho viên giữ cửa đóng các cửa lại mà không cần có ý chứng kiến.
Người coi ngục bước mấy bước như định đi rồi khi thấy ông de Beaulieu đã bước xuống những bậc thang đầu tiên, anh ta quay lại nói:
– Thưa ông thật may là tôi đã đề nghị ông trao ngay cho tôi trăm écus nhờ đó tôi cho phép ông được nói chuyện với bạn ông. Nếu ông không trao cho tôi thì quan chủ thành đã lấy đi mất cùng ba trăm écus kia rồi và lương tâm tôi sẽ không cho phép tôi giúp các ông việc gì nữa cả. Nhưng vì tôi đã được trả tiền trước, tôi đã hứa là cho ông gặp bạn ông… đi nào… người tử tế chỉ có lời hứa là quý… Tuy nhiên nếu có thể được thì xin các ông đừng nói chuyện chính trị, thế là tốt cho cả hai đằng.
De Mole ra khỏi phòng và thấy trước mình là Coconnas đang xoạc cẳng bước trên những tấm lát sàn của căn phòng giữa.
Hai người bạn ôm chầm lấy nhau.
Viên giữ cửa làm bộ chùi khóe mắt và đi ra để canh cho hai người tù hay đúng hơn cũng là để canh cho chính y.
– A! Cậu đây rồi! – Coconnas kêu – Thế nào, cái thằng cha chủ pháo đài ghê tởm ấy đã tới thăm cậu rồi đấy à?
– Mình đoán hắn cũng thăm cậu rồi.
– Thế hắn lấy hết của cậu à?
– Cậu thì chắc cũng thế chứ gì.
– Ôi, mình thì chẳng có gì, mỗi một cái nhẫn của Henriette.
– Thế còn tiền mặt thì sao?
– Có gì thì mình đã cho hết cái lão giữ cửa tốt bụng kia để hắn cho chúng mình gặp nhau.
– Á à! Hình như hắn xơi cả hai đằng thì phải.
– Cậu cũng trả cho lão à?
– Mình cho hắn một trăm écus.
– Người giữ cho chúng mình là đồ khốn kiếp thì càng tốt chứ sao.
– Đúng thế, với tiền ta muốn làm gì cũng được, và cũng phải hy vọng là tiền thì chúng mình không thiếu.
– Bây giờ cậu đã hiểu ra chuyện gì xảy đến với chúng mình chưa?
– Rõ quá… Chúng ta đã bị phản.
– Chính bởi cái thằng quận công đáng ghét ấy. Mình muốn vặn cổ hắn là có lý lắm.
– Cậu nghĩ chuyện chúng mình có nghiêm trọng lắm không?
– Mình sợ rằng có đấy.
– Vậy thì, phải sợ… nhục hình.
– Mình không giấu cậu là mình đã nghĩ tới điều đó.
– Nếu đến nước ấy thì cậu bảo sao?
– Thế còn cậu?
– Mình sẽ im lặng – De Mole đỏ bừng mặt lên nói.
– Cậu định im à? – Coconnas la lên.
– Ừ nếu mình có đủ sức.
– Còn mình, nếu người ta giở cái trò đồi bại ấy ra với mình, mình sẽ nói nhiều chuyện.
– Nhưng chuyện gì mới được chứ? – La Mole vội vàng hỏi.
– Ôi! Cứ yên trí! Những chuyện có thể khiến ông d Alençon mất ăn mất ngủ một thời gian.
De Mole sắp sửa đổi lại người thì người coi ngục chắc nghe thấy tiếng động gì đó, chạy vào đẩy hai người bạn mỗi người về một phòng và đóng sập cửa lại sau lưng họ.