Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hoàng Hậu Margot

Chương 63

Tác giả: Alexandre Dumas

Trên Sân Thành Tháp Vincennnes

Trong lúc đó Henri de Navarre đang dạo chơi và mơ màng một mình trên sàn toà thành tháp, ông biết triều đình đang ở trong toà lâu đài cách mình có trăm bước chân. Con mắt tinh tường của ông nhìn qua những bức tường mà đoán rằng Charles đang hấp hối.

Bầu trời xanh thẳm như có những tia ánh vàng một tia nắng mặt trời tỏa rộng lấp lánh trên những vùng đồng bằng nơi xa và dát vàng lèn ngọn cây cối trong đám rừng bên đường như kiêu hãnh về lớp lá đầu của chúng. Ngay cả những viên đá xám của thành tháp cũng như được thấm đẫm hơi ấm ngọt ngào của đất trời và đám cây đinh hương do gió đông thổi qua kẽ tường cũng mở những cánh hoa tròn màu nhung vàng đỏ trong làn gió dìu dịu ấm áp.

Nhưng ánh mắt Henri không dừng lại ở những cánh đồng xanh mượt, những ngọn cây phủ tuyết ánh vàng đó. Ánh mắt ông vượt qua những khoảng không và nhìn đầy tham vọng về phía kinh đô nước Pháp là một ngày kia trở thành thủ đô của thế giới.

“Paris! – Vua Navarre lẩm bẩm – Kia là Paris, nghĩa là niềm vui, chiến thắng, vinh quang hạnh phúc! Paris nơi đó có cung Louvre, và ở cung Louvre có ngai vàng! Và chỉ có một điều ngăn cản không cho ta tới thành Paris đầy ao ước đó! Đó là những viên đá đang bò dưới chân ta và giam giữ cả kẻ thù của ta cùng với ta!”

Khi đưa mắt nhìn từ Paris trở lại Vincennnes, ông nhận thấy phía bên trái, trong một thung lung nhỏ có những cây hạnh đào đang trổ hoa, có một người mà mặt trời cứ dai dẳng rọi lên mảnh giáp che đầu gối một tia sáng khiến cho mỗi cử chỉ của người đó lại làm hắt lên một điểm lửa lung linh.

Người đó cưỡi một con ngựa sung sức và tay dắt theo một con ngựa khác cũng không kém phần dồi dào sức lực.

Vua Navarre dừng mắt lại trên người kỵ sĩ và thấy ông ta rút kiếm khỏi vỏ dùng mũi kiếm xiên vào một chiếc khăn tay và vẫy vẫy khăn tay ra hiệu.

Cùng lúc đó trên đồi đối diện, có một dấu hiệu khác được lặp lại và rồi quanh cả toà lâu đài dường như có một lớp vành đai bằng khăn tay trắng vẫy vẫy.

Đó là de Mouy và những người Tân giáo của chàng. Được biết đức vua đang hấp hối và e rằng người ta định hãm hại Henri, họ đã tụ họp lại và sẵn sàng bảo vệ hoặc tấn công.

Henri nhìn người kỵ mã mà ông thấy trước tiên, cúi mình qua vành tường thành, đưa tay che mắt ngăn những tia mặt trời làm loá mắt ông và nhận ra chàng trai Tân giáo trẻ tuổi.

“De Mouy!” – Ông kêu lên làm như de Mouy có thể nghe tiếng ông được.

Và trong nỗi vui mừng được thấy bạn bè vây quanh mình. Ông cũng tung mũ ra và vẫy khăn choàng.

Tất cả những mảnh khăn trắng kia lại vẫy mạnh hơn để chứng tỏ niềm vui của họ.

“Than ôi! Họ chào ta – Henri tự nhủ – Mà ta thì không thể tới chỗ họ được… Sao cái lúc còn đi được ta lại không đi đi nhỉ!… Giờ đây thì muộn quá rồi”.

Ông phác một cử chỉ tuyệt vọng và được de Mouy trả lời lại bằng một tín hiệu có nghĩa là: tôi sẽ đợi.

Vừa lúc đó, Henri nghe có tiếng bước chân vang lên trong cầu thang đá. Ông vội vàng lùi vào. Những người Tân giáo hiểu ngay nguyên nhân của việc rút lui đó. Gươm lại được tra vào vỏ và lớp khăn tay biến mất.

Ở đầu cầu thang xuất hiện một người đàn bà, hơi thở bà ta dồn dập chứng tỏ bà vừa đi vội vàng và Henri nhận ra đó là Catherine de Médicis với một nỗi e sợ bí ẩn trong lòng như mỗi khi ông đứng trước mặt bà ta.

Sau lưng bà là hai vệ binh đứng dừng lại ở đầu cầu thang.

“Ô hô! – Henri lẩm bẩm – Chắc có chuyện nghiêm trọng gì mới đây thì Thái hậu mới chịu lên tận sân thành tháp này để tìm mình”.

Catherine ngồi xuống một chiếc ghế dài bằng đá dựa vào những lỗ hổng trên tưởng thành để lấy lại hơi.

Henri tiến lại gần bà và nở một nụ cười duyên dáng nhất.

– Thưa mẹ, có phải mẹ tìm tôi không?

– Đúng vậy, thưa ông – Catherine đáp – Ta muốn cho ông thấy một bằng chứng cuối cùng về sự gắn bó của ta đối vớỉ ông. Chúng ta đang ở trong giờ phút tối hậu: đức vua đang hấp hối và Người muốn gặp ông.

– Gặp tôi ư? – Henri giật mình vì mừng rỡ hỏi.

– Đúng thế, gặp ông. Ta biết chắc rằng có người đã báo với đức vua, không những ông nuối tiếc ngai vàng Navarre mà lại còn nuôi tham vọng cả với ngai vàng nước Pháp nữa.

– Ôi!

– Điều đó là không đúng, ta biết thế, nhưng đức vua Người tin như thế và không nghi ngờ gì nữa, cuộc nói chuyện Người sắp đành cho anh đây là để bẫy anh.

– Tôi ấy à?

– Ừ. Charles trước lúc chết muốn biết rõ ông ta có thể hy vọng hay e ngại điều gì ở anh. Anh phải chú ý tới những câu trả lời của anh, nó sẽ quyết định những mệnh lệnh cuối cùng của đức vua đối với anh, đó có nghĩa là sự sống hoặc cái chết của anh.

– Nhưng Người sẽ đề nghị với tôi cái gì chứ?

– Ta làm sao biết được! Chắc là những chuyện không thể có được thôi.

– Thế thưa mẹ, mẹ cũng không đoán ra ư?

– Không, nhưng ta giả sử, chẳng hạn như là…

Catherine ngừng lại.

– Gì cơ?

– Ta đoán rằng khi thấy anh có những tham vọng như người ta nói, đức vua muốn nghe từ chính miệng anh nói ra cái tham vọng đó. Anh cứ coi như là người ta định đánh bẫy anh như ngày xưa người ta giương bẫy ra cho những kẻ có tội để có được lời khai mà không cần tới nhục hình – Catherine nói tiếp vừa chằm chằm nhìn Henri – Giả sừ là Người sẽ đề nghị đến anh việc cai trị, hay thậm chí cả quyền nhiếp chính chẳng hạn.

Một niềm vui khôn tả xiết trào dâng trong trái tim bị bóp nghẹt của Henri, nhưng ông đoán ra ngón đòn và cái đầu óc kiên cường nhưng mềm dẻo ấy lại bật lại ngay sau đó:

– Với tôi ấy ạ? Bẫy như thế thì thô thiển quá. Ai lại đi trao quyền nhiếp chính cho tôi, trong khi còn có lệnh bà, còn có người anh em d Alençon của tôi.

Catherine cắn môi để che giấu niềm vui sướng.

– Vậy là ông từ chối quyền nhiếp chính phải không? – Bà hấp tấp hỏi.

“Đức vua đã băng hà rồi ư “- Henri nghĩ thầm. Chính mụ ta giương bẫy lừa mình.”

Rồi ông nói lớn:

– Trước hết phải cho tôi được nghe ý nguyện của vua Pháp, vì như chính lệnh bà vừa nói đấy, tất cả những điều chúng ta nói ở đây chỉ là giả định.

– Đúng thế, nhưng ông có thể đảm bảo cho các ý định của ông.

– Kìa – Henri ngây thơ nói – Tôi không có tham vọng nên cũng chẳng có ý đồ gì.

– Trả lời như thế không được – Catherine cảm thấy thời gian đã gấp rút nên bị sự nóng giận cuốn đi – Dù sao thì ông cũng phải nói rõ ra.

– Tôi không thể nói rõ ý định của tôi về những giả thuyết, thưa lệnh bà. Một quyết định dứt khoát là chuyện khó khăn và nghiêm trọng, cần phải được thực tế trả lời.

– Ông nghe đây – Catherine nói – Không để mất thì giờ nữa, và chúng ta đã để mất thì giờ bằng cách tranh luận vô ích với những lời đối đáp tế nhị kiểu thế này. Hãy nói thẳng với nhau với tư cách là vua và là nữ hoàng. Nếu ông chấp nhận quyền nhiếp chính, ông sẽ chết.

“Nhà vua còn sống” – Henri nghĩ bụng. Rồi ông cao giọng cương quyết nói:

– Thưa lệnh bà, Chúa nắm giữ sinh mạng của con người và các bậc vua chúa trong tay: Người sẽ soi sáng cho tôi. Xin cho nói với thánh thượng tôi đã sẵn sàng trình diện trước mặt Người.

– Ông suy nghĩ đi.

– Từ hai năm nay tôi bị lưu đầy khỏi xứ sở, từ một tháng nay tôi là tù nhân ở đây – Henri nghiêm trang nói – Tôi có thời gian suy nghĩ và tôi đã suy nghĩ, thưa lệnh bà. Xin lệnh bà hãy vui lòng xuống trước chỗ đức vua và nói với Người rằng tôi đang đi theo bà. Hai anh chàng này – Henri vừa nói vừa trỏ hai người lính gác – Sẽ canh chừng không cho tôi trốn. Vả lại, đó cũng không phải là ý định của tôi.

Âm sắc cương quyết trong giọng nói của Henri lên đến mức Catherine thấy rằng mọi ý đồ của bà dù đã được ngụy trang đến đãu cũng không có ảnh hưởng gì tới ông ta. Bà vội vàng đi xuống.

Ngay sau khi Thái hậu vừa biến đi, Henri chạy tới chỗ lớp lũy trên tường thành và ra hiệu cho de Mouy ý nói rằng “Tới gần đây và sẵn sàng ứng phó”.

De Mouy lúc bấy giờ đã xuống ngựa, bèn lên yên và tay dắt con ngựa thứ hai, phi nước kiệu tới cách toà thành tháp hai tầm súng trường.

Henri vẫy tay ra hiệu cám ơn và bước xuống. Tới cầu thang ông gặp hai người lính đang chờ. Hai hàng lính Thụy sĩ và lính khinh kỵ gác lối vào các sân. Phải đi qua hai hàng rào lính canh đầy gươm đao rồi mới vào ra được lâu đài.

Catherine đã dừng lại ở đó và đang đợi ông. Bà ra hiệu cho hai người lính đi theo Henri lùi xa và đặt một tay lên cánh tay Henri:

– Chiếc sân này có hai cửa – Bà nói – Ở cửa mà ông thấy nằm phía sau các phòng của Hoàng thượng đây sẽ có một con ngựa tốt và tự do đang chờ đại ông nếu ông từ chối quyền nhiếp chính, và ở cửa kia, nơi ông vừa đi qua, nếu như ông nghe theo tham vọng của ông thì… Ông nghĩ sao?

– Thưa lệnh bà, tôi xin nói rằng nếu như đức vua phong tôi làm nhiếp chính, thì chính tôi sẽ ra lệnh cho binh lính chứ không phải lệnh bà. Nếu như tôi ra khỏi lâu đài vào ban đêm, tất cả những ngọn thương ngọn giáo, tất cả những khẩu súng này sẽ phải rạp xuống trước mặt tôi.

– Đồ điên rồ! – Catherine tức tối lẩm bẩm – Tin ta đi đừng có chơi với Catherine này cái trò chơi kinh khủng giữa cái sống và cái chết đó.

– Tại sao lại không nhỉ? – Henri đáp và nhìn thẳng vào Catherine – Với bà cũng như với người khác thôi, vì cho đến lúc này đây, tôi đã thắng.

– Thưa ông, vậy xin ông hãy lên phòng ngự với ông đã chẳng chịu tin chịu nghe gì hết – Catherine vừa nói vừa đưa tay chỉ cầu thang cho Henri, tay kia bà nghịch nghịch hai lưỡi dao tẩm thuốc độc mà bà vẫn mang theo trong chiếc túi bằng da lừa đen đã trở nên nổi tiếng.

– Thưa lệnh bà, xin lệnh bà đi trước – Henri nói – Chừng nào tôi còn chưa trở thành nhiếp chính vương, vinh dự đi trước vẫn thuộc về bà.

Catherine bị nhìn thấu ruột gan không cố thử đấu tranh nữa và đành đi trước.

Bình luận
× sticky