Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hoàng Hậu Margot

Chương 39

Tác giả: Alexandre Dumas

Dự định trả thù

Henri tranh thủ phút rảnh rỗi sau buổi hỏi cung mà ông đã chống đỡ một cách tài tình để tạt qua nhà phu nhân de Sauve.

Ông gặp Orthon đã hoàn toàn hồi tỉnh lại sau cơn choáng, nhưng Orthon cũng chẳng thể kể thêm gì được cho ông ngoài việc có những người đã đột nhập vào nhà ông và viên chỉ huy toán người đã giáng cho cậu bé một đòn bằng đốc kiếm khiến cậu ngã lăn bất tỉnh. Người ta cũng chẳng quan tâm gì lắm tới Orthon vì khi Catherine thấy cậu nằm ngất tưởng cậu đã chết rồi.

Cậu bé tỉnh lại vào lúc Thái hậu vừa rời đi và viên chỉ huy vệ binh chịu trách nhiệm dọn dẹp khu phòng còn chưa đến nên cậu đã trốn được tới nhà phu nhân de Sauve. Henri nhờ Charlotte trông nom cậu bé cho tới khi ông nhận được tin tức về de Mouy. Từ nơi ẩn náu của mình, chàng trai này chắc sẽ nhắn tin cho ông nay mai. Tới lúc đó ông sẽ sai Orthon đưa tin cho de Mouy và thay vì có một người hầu tin cẩn, ông sẽ có những hai người.

Định xong kế hoạch, ông quay về cung mình và trầm tư bước ngang bước dọc trong phòng. Đột nhiên cửa mở ra và nhà vua xuất hiện.

– Hoàng thượng! – Henri thốt lên và tiến tới đón nhà vua.

– Chính ta… Này Henriot, chú quả là một chàng trai tuyệt vời càng ngày ta càng quý chú hơn.

– Tâu bệ hạ – Henri đáp – Người ban cho tôi nhiều vinh hạnh quá.

– Chú chỉ có mỗi một sai lầm thôi, Henriot.

– Sai lầm nào ạ? Có phải là điều mà bệ hạ đã nhiều lần phê phán tôi, đó là thích săn đuổi hơn săn bằng chim muôn không?

– Không, không, ta không nói tới chuyện ấy, Henriot, ta nói chuyện khác cơ.

– Xin bệ hạ hãy giải thích, tôi xin cố gắng sửa mình – Henriot thấy thái độ vui vẻ của nhà vua qua nụ cười bèn nói.

– Đó là mắt chú tinh như thế mà chú không nhìn rõ cái gì cả.

– Chậc! Hay tôi vô tình bị cận mà không biết chăng?

– Còn tệ hơn thế, Henriot ạ, còn tệ hơn thế, chú mù thì có.

– Thật à – Anh chàng Bearnais hỏi – Hay là lúc tôi nhắm mắt lại thì tôi bị cái bệnh không may đó chăng?

– Vâng ạ, chú có thể bị thế lắm. Dẫu sao thì ta cũng sẽ mở mắt cho chú.

– Chúa đã dạy: “Ánh sáng hiện ra đi” tức thì ánh sáng xuất hiện. Bệ hạ là người thay mặt Chúa trên cõi đời này, bệ hạ có thể làm được nơi trần thế những điều Chúa tạo nên ở thiên đường: tôi xin nghe thánh ý.

– Hôm qua, khi Guise nói rằng vợ chú vừa được một tay công tử bột tháp tùng đi qua, chú chẳng chịu tin hắn!

– Tâu bệ hạ! – Henri đáp – Làm sao có thể tin được công chúa em Người có thể phạm một điều bất cẩn đến thế.

– Thế khi hắn bảo vợ chú đến phố Cloche Percée, chú cũng chẳng chịu tin hắn nữa!

– Tâu bệ hạ, làm sao có thể tưởng tượng được một công chúa Pháp lại dám đánh liều tai tiếng của mình như vậy được?

– Thế khi chúng ta bao vây ngôi nhà phố Cloche Percée, ta bị một bình nước bạc rơi vào đầu, d Anjou lãnh đủ một bình mứt cam và de Guise một khoanh giò đùi lợn vào giữa mặt thì chú hẳn đã thấy có hai người đàn ông và hai người đàn bà chứ?

– Tôi không nhìn thấy gì hết, tâu bệ hạ. Chắc bệ hạ nhớ là lúc đó tôi đang hỏi cung tên gác cổng.

– Nhưng mà khỉ ạ! Ta có nhìn thấy!

– À nếu như bệ hạ đã nhìn thấy thì lại khác.

– Vậy là ta đã thấy có hai người đàn ông và hai người đàn bà. Này, bây giờ ta biết chắc chắn không nghi ngờ gì nữa, một trong hai người đàn bà đó là Margot, còn một trong hai gã đàn ông là de Mole.

– Ấy thế nhưng nếu ông de Mole có mặt ở phố Cloche Percée thì ông ta lại đã không có mặt ở đây.

– Không, ông ta không có mặt ở đây. Bây giờ không bàn tới cái người đã ở đây nữa, khi nào cái thằng ngu Maurevel nói được hay viết được thì chúng ta sẽ biết. Vấn đề là Margot lừa dối chú.

– Chậc, xin bệ hạ chớ tin những lời đồn nhảm.

– Ta đã bảo chú còn hơn là cận, chú mày mù mà lại, khỉ ạ! Có chịu nghe ta nói không, đồ ương ngạnh? Ta bảo là Margot lừa chú và đêm nay chúng ta sẽ vặn cổ cái thằng cha mà con bé yêu thương.

Henri kinh ngạc lùi lại ngẩn người nhìn ông anh vợ.

– Nói cho cùng thì chú cũng chẳng phật lòng chứ hả, thú nhận đi. Margot sắp sửa kêu gào như con mẹ dại nhưng kệ. Ta không muốn chú bị đau khổ. Quận công d Anjou cắm sừng lên đầu Condé à? Ta mặc xác, Condé là kẻ thù của ta. Nhưng chú, chú là em ta, còn hơn thế ấy chứ, chú là bạn ta.

– Nhưng… tâu…

– Ta không muốn người ta làm hại chú, ta không muốn người ta lừa chú. Chú là cái bung xung cho bọn ăn diện tỉnh lẻ đến để nhặt nhạnh miếng cơm manh áo nhà chúng ta và chim chuột vợ chúng ta cũng đã khá lâu rồi đấy. Ma quỷ, chúng cứ lại đến thử xem! Người ta đã lừa chú, Henriot ạ, điều đó có thể xảy đối với tất cả mọi người. Nhưng ta thề rằng chú sẽ được hài lòng một cách rạng rỡ và ngày mai thiên hạ sẽ bảo rằng: “Chết chửa, hình như đức vua Charles rất yêu ông em rể Henriot của Người vì đêm qua Người đã xử ông de Mole rất khéo!”

– Thưa tâu, phải chăng đó là chuyện được bàn định dứt khoát rồi?

– Dứt khoát, quyết định, nhất định, thằng công tử bột chẳng có gì phải phàn nàn. Chúng ta sẽ hành sự có ta này, d Anjou này, d Alençon này, Guise nữa này. Một ông vua, hai hoàng tử Pháp, lại một ông hoàng cầm quyền chưa kể chú.

– Sao? Chưa kể tôi à?

– Ừ chú cũng ở đấy chứ còn gì.

– Tôi ấy à?

– Ừ chú đâm cho hắn mấy phát thật vương giả vào. Còn chúng ta sẽ thắt cổ hắn.

– Tâu bệ hạ, ân sủng của bệ hạ khiến lòng tôi chan chứa biết ơn, nhưng làm sao bệ hạ biết được chuyện ấy?

– Này, rõ khỉ, hình như thằng cha có huênh hoang. Khi thì hắn tới cung hoàng hậu ở Louvre, khi thì đến phố Cloche Percée. Chúng làm thơ với nhau, chà ta thích xem thơ của thằng công tử bột ấy làm sao. Chúng bàn về Bion với Moschus, chúng hết nêu Daphnis lại đến Corydon.

– Tâu bệ hạ – Henri giãi bày -Nghĩ cho cùng thì…

– Sao?

– Xin bệ hạ hiểu cho tôi không thể có mặt trong buổi hành sự như thế. Tôi thấy nếu đích thân mình dự vào việc đó thật bất tiện. Vì tôi có liên quan quá mật thiết đến sự việc nên việc tham gia của tôi sẽ bị lên án là tàn bạo. Công chúa trả thù cho danh dự của em gái mình bị một thằng cha khoác lác bôi nhọ bằng cách vu cáo vợ tôi. Chẳng có gì giản dị hơn và Marguerite, mà tôi vẫn coi là vô tội, không hề bị mất danh dự về điều đó. Nhưng nếu tôi tham gia việc trừng phạt đó lại là chuyện khác. Việc tham gia của tôi khiến một hành động công lý trở thành hành động trả thù. Đó sẽ không còn là việc thi hành án quyết nữa mà là một cuộc ám sát. Vợ tôi không chỉ bị vu cáo nữa mà thôi, hoàng hậu có tội thực sự.

– Chúa ơi, Henri, thật là lời vàng ý ngọc, mới lúc nãy ta còn nói với Thái hậu đấy, chú khôn như quỷ sứ.

Charles khoái chí nhìn ông em rể đang nghiêng mình thi lễ trước lời ban khen.

– Thế dù sao thì chú cũng hài lòng khi bọn chúng ta trừ khừ cái gã công tử bột ấy cho chú chứ?

– Mọi việc bệ hạ làm đều là việc tốt – Vua Navarre trả lời.

– Tốt lắm, tốt lắm, cứ để ta làm giúp chú. Yên tâm nhé, công việc sẽ chẳng kém chu đáo hơn đâu.

– Trăm sự xin nhờ cậy bệ hạ – Henri tâu.

– Tuy nhiên hắn thường đến chỗ vợ chú vào mấy giờ nhỉ?

– Ồ khoảng chín giờ tối.

– Thế mấy giờ hắn ra?

– Trước khi tôi tới, vì tôi không gặp y ở đó bao giờ.

– Tức là khoảng mấy giờ?

– Khoảng mười một giờ.

– Được, tối nay nửa đêm hẵng xuống, mọi việc sẽ chu toàn.

Charless thân ái siết tay Henri và nhắc lại những lời hứa hẹn thân tình rồi vừa bước ra vừa thổi điệu nhạc săn ưa thích của ông.

“Trời đất quỷ thần ơi – Anh chàng Bearnais vừa nói vừa dõi nhìn theo Charles – Mình thật nhầm lẩn nếu tất cả các trò ma này lại không do Thái hậu bày đặt ra. Thật bà ta chỉ tìm cách gieo rắc bất hoà giữa hai vợ chồng nhà mình mà thôi, đôi lứa đẹp đến thế mà lại”.

Và ông cười theo kiểu ông vẫn thường cười khi không có ai nhìn hoặc nghe thấy ông.

***

Vào khoảng bảy giờ tối của cái ngày đầy những sự kiện đó trong một căn phòng ở Louvre có một chàng thanh niên đẹp trai vừa mới tắm gội xong, đang vào nhổ râu vừa lượn lờ trước gương với vẻ dung dị và miệng lẩm bẩm hát.

Cạnh chàng có một chàng trai khác đang ngủ hay nói đúng hơn là nằm thườn thượt trên một chiếc giường.

Một người là anh bạn de Mole của chúng ta, con người đã rất được quan tâm tới trong ngày hôm đó và có lẽ sẽ vẫn còn được quan tâm hơn nữa tuy chàng không hề hay biết. Người kia là Coconnas bạn chàng.

Quả thật là cơn giông tố đã lướt qua chàng mà chàng không hề nghe thấy sấm gầm hay nhìn thấy chớp lóe. Về nhà lúc ba giờ sáng, chàng nằm đến tận ba giờ chiều, nửa ngủ nửa mơ màng, mơ tưởng xây những lâu đài trên thứ cát ướt mà người ta gọi là tương lai. Rồi chàng dậy, ghé qua chỗ nhà tắm thuê khoảng một tiếng đồng hồ, đi ăn ở quán bác La Hurière và trở lại Louvre, chàng hoàn chỉnh việc điểm tô để tới thăm hoàng hậu như thường lệ.

– Thế cậu bảo là cậu đã ăn trưa rồi đấy hở? – Coconnas vừa hỏi bạn vừa ngáp dài.

– Ừ mà ngon miệng lắm là đằng khác.

– Thế sao cậu không rủ mình đi với, đồ ích kỷ?

– Cậu ngủ ngon đến nỗi mình không muốn đánh thức cậu dậy. Nhưng này, cậu sẽ ăn tối thay cho ăn trưa. Nhất là đừng có quên hỏi bác La Hurière món rượu vang Anjou mà bác ta đã nhận được ấy nhé.

– Ngon lắm à?

– Cứ gọi rượu ấy đi, mình chỉ nói trước với cậu thế thôi.

– Thế cậu đi đâu đấy?

– Mình đi đâu ấy à? – De Mole ngạc nhiên vì bạn lại hỏi mình như thế – Mình đến thăm hoàng hậu.

– Này, hay là mình đi ăn ở nhà của chúng mình ở phố Cloche Percée nhỉ? Mình sẽ xơi các món thừa hôm qua, ở đó có thứ vang Alicante khá lắm.

– Sau những việc xảy ra tối qua thì như thế có hơi bất cẩn đấy, Anibal ạ. Với lại, người ta chẳng đã bắt chúng mình thề không được quay trở lại đấy một mình là gì? Đưa cho mình cái áo măng-tô nào.

– Ừ nhỉ, mình quên mất đấy – Coconnas đáp – Nhưng cậu để áo ở đâu? À đây rồi.

– Không, cái này màu đen, mình bảo cậu đưa cái áo đỏ cơ mà. Mặc áo đấy hoàng hậu yêu mình hơn.

– Ấy này, thề chứ – Coconnas nhìn quanh rồi bảo – Cậu cứ tự tìm lấy mà xem, mình chẳng thấy nó đâu cả.

– Sao? Không thấy à? Thế thì nó ở đâu?

– Hay cậu bán nó rồi?

– Để làm gì? Mình vẫn còn sáu écus.

– Hay mặc áo mình vậy.

– Thôi đi, măng-tô vàng mặc với áo chẽn xanh lá cây, để trông như vẹt ấy à?

– Cậu khó tính thật đấy. Vậy cậu đi mà lo liệu lấy.

Sau khi đã lật tung mọi thứ lên. La Mole bắt đầu tuôn ra hàng tràng lời nguyền rủa bọn trộm cắp dám vào tới tận cung Louvre để ăn cắp. Giữa lúc đó một người hầu của quận công d Alençon bước vào với chiếc áo măng-tô quý hoá.

– A, đây rồi! – De Mole kêu lên.

– Thưa, ông tìm áo măng-tô ạ? – Người hầu hỏi – Đức ông cho lấy áo ở chỗ ông vì đức ông có đánh cuộc với một người về màu áo.

– Ồ, tôi tìm áo chỉ vì tôi đang định ra phố, nhưng nếu điện hạ có cần giữ nó thì…

– Không, thưa bá tước, xong rồi ạ.

Người hầu lui ra, de Mole cài áo.

– Thế nào – De Mole hỏi – Cậu định làm gì bây giờ đấy?

– Mình cũng chẳng biết.

– Liệu tối nay mình có gặp cậu ở đây không?

– Làm sao mà mình có thể nói cho cậu biết trước được?

– Thế cậu không biết trong hai tiếng nữa cậu làm gì à?

– Mình biết mình sẽ làm gì, những mình không biết được người ta sẽ bắt mình làm gì.

– Quận chúa de Nervers ấy à?

– Không, quận công d Alençon kia.

– Quả thật ít lâu nay ông ta có vẻ thân thiện với cậu lắm.

– Vậy là tiền đồ cậu ổn rồi – De Mole vừa nói vừa cười.

– Xì, con út ấy mà!

– Ối, ông ta thèm được trở thành con cá đến nỗi chắc Chúa sẽ ban một phép mầu cho ông ta thôi. Vậy là cậu chưa biết tối nay sẽ ở đâu?

– Không.

– Cút đi với quỷ sứ đi!… À thôi, tạm biệt cậu.

Cái gã La Mole này mới khiếp chứ, lúc nào cũng muốn người ta nói cho hắn biết người ta sẽ ở đâu! Làm sao mà mình biết được? Vả lại, hình như mình cũng còn buồn ngủ lắm.

Và chàng lại nằm xuống. Còn De Mole đi nhanh như gió tới khu phòng của hoàng hậu. Tới chỗ hành lang mà chúng ta đều biết, chàng gặp quận công d Alençon.

– A, ông đấy à, ông de La Mole – Quận công hỏi.

– Thưa điện hạ vâng – De Mole kính cẩn cúi chào.

– Đêm nay ông ra khỏi Louvre à?

– Thưa điện hạ, không. Tôi xin đến chầu lệnh bà Hoàng hậu Navarre.

– Vậy mấy giờ ông rời khỏi cung hoàng hậu, ông de La Mole?

– Điện hạ có lệnh gì ban truyền cho tôi chăng?

– Bây giờ thì không, nhưng tối nay ta cần nói chuyện với ông.

– Vào khoảng mấy giờ ạ?

– Khoảng từ chín đến mười giờ.

– Vậy vào giờ đó tôi sẽ có vinh dự được trình diện trước điện hạ.

– Được, ta chờ ông đấy.

De Mole cúi chào và đi tiếp. Chàng tự bảo: “Ông quận công này có những lúc nom như người chết rồi. Lạ thật”.

Chàng gõ cửa khu phòng hoàng hậu. Dường như Gillonne đang chờ để đón chàng bèn dẫn chàng tới bên Marguerite.

Hoàng hậu đang bận bịu với một việc khiến nàng mệt ghê gớm. Một tờ giấy đầy vết gạch xoá và một tập luận văn của Isocrate được bày trước mặt nàng. Nàng ra hiệu cho De Mole chờ nàng viết xong một đoạn. Rồi khi viết xong, mà cũng không lâu lắm, nàng ném bút đi và mời chàng ngồi xuống bên mình.

De Mole nom rạng rỡ. Chưa bao giờ chàng đẹp trai và vui tươi đến như thế.

– Tiếng Hy Lạp à! – Chàng thốt lên khi nhìn lướt qua quyển sách – Một lời hiệu triệu của Isocrate! Lệnh bà định làm gì vậy? Ờ hô! Lại còn tiếng La tinh trên mảnh giấy này nữa này. Nàng sẽ hô hào bọn dân man di ấy bằng tiếng latinh?

– Phải thế, vì họ không nói tiếng Pháp.

– Nhưng chưa biết bài diễn văn lệnh bà làm sao viết được câu trả lời?

– Nếu dí dỏm hơn thì tôi sẽ bảo với mình là tôi ứng khẩu. Nhưng đối với mình, Hyacinthe ạ, tôi không có những trò lừa dối đó. Người ta đưa bài diễn văn cho tôi trước, tôi chỉ việc trả lời thôi.

– Vậy các sứ thần đã sắp đến chưa?

– Còn hơn thế nữa ấy chứ, họ đã đến sáng nay rồi.

– Nhưng sao không ai biết?

– Họ vi hành. Lễ đón trọng thể được hoãn đến ngày kia thì phải. – Marguerite nói với vẻ hài lòng pha chút kiêu hãnh – Với lại mình sẽ thấy, bài tôi viết tối nay theo phong cách khá là cicéronien. Thôi không nói những chuyện phù phiếm ấy nữa, hãy kể những chuyện xảy ra với mình đi.

– Với tôi ư?

– Vâng.

– Có chuyện gì xảy đến với tôi vậy?

– A, cho mình làm bộ tha hồ can đảm, em vẫn thấy mình hơi tái.

– Vậy chắc là do ngủ nhiều quá, tôi xin tự lên án như vậy.

– Thôi, thôi, đừng khuếch khoác nữa, em biết hết rồi.

– Hoàng hậu của tôi, xin nàng hãy hạ cố nói cho tôi hay, vì tôi chẳng biết gì cả.

– Thôi nào, mình cứ nói thẳng ra đi. Thái hậu nói gì với mình thế?

– Thái hậu à? Người có việc cần nói với tôi hay sao?

– Sao? Thế mình chưa gặp Thái hậu à?

– Không.

– Thế đức vua Charles?

– Không.

– Thế đức vua Navarre?

– Cũng không nốt.

– Thế còn quận công d Alençon? Mình đã gặp ông ta chưa?

– Có vừa mới đây tôi gặp ông ta trong hành lang.

– Ông ta bảo gì mình?

– Ông ta nói rằng ông ta có lệnh truyền cho tôi vào khoảng từ chín đến mười giờ.

– Không có gì khác nữa à?

– Không.

– Lạ nhỉ.

– Nhưng có gì lạ mới được cơ chứ, xin lệnh bà hãy nói cho tôi được biết.

– Lạ ở chỗ là mình không hay biết gì hết.

– Có chuyện gì vậy?

– Có chuyện là suốt cả ngày nay tính mạng mình như ngàn cân treo sợi tóc đấy mình ạ.

– Tôi đấy à?

– Mình chứ còn ai.

– Về việc gì kia?

– Thế này này: đêm qua de Mouy bị bắt chợt ở trong phòng vua Navarre, chả là người ta định bắt ông này mà, de Mouy đã giết chết ba người và trốn thoát, người ta chỉ kịp nhận ra chiếc áo măng-tô đỏ của ông ta thôi.

– Thế thì sao?

– Cái áo măng-tô đỏ ấy đã khiến tôi nhầm một lần rồi, nay lại khiến cả những người khác nhầm nữa. Mình đã bị nghi ngờ, thậm chí còn bị tố cáo là đã phạm tội giết ba người ấy nữa. Sáng nay, người ta đã định bắt mình, đưa mình ra xét xử, có khi lại còn kết tội mình nữa ấy chứ, vì chắc mình chẳng chịu nói đêm qua mình ở đâu để tự cứu mình, đúng không?

– Tôi mà lại nói ra đêm qua tôi ở đâu? – De Mole thốt lên – Để mang tai tiếng cho mình ấy ư? Ôi lệnh bà xinh đẹp của tôi! Nàng nói đúng quá! Tôi thà vui lòng chịu chết còn hơn để cho đôi mắt đẹp của mình phải rơi một giọt lệ.

– Than ôi, người tình tội nghiệp của em! Nếu thế thì chắc chắn em vẫn phải khóc ròng.

– Nhưng làm sao cơn giông tố đó qua đi?

– Mình đoán xem.

– Làm sao tôi biết được?

– Chỉ có một cách để chứng minh rằng mình không ở trong phòng vua Navarre đêm qua.

– Cách gì vậy?

– Đó là nói thật ra đêm qua mình ở đâu.

– Thế rồi sao?

– Thế đấy, em đã nói ra điều ấy.

– Nói với ai?

– Nói với mẹ em.

– Với Thái hậu Catherine…

– Thái hậu Catherine biết rằng mình là người tình của em.

– Ôi! Lệnh bà, sau tất cả những điều nàng đã làm cho tôi như thế, người có thể đòi hỏi tất cả ở kẻ tôi tớ của nàng. Ôi! Marguerite, điều nàng làm thật cao quý và tuyệt vời! Sinh mạng của tôi nằm trong tay nàng và do nàng định đoạt!

– Em cũng mong thế, vì em đã giành lấy mạng sống của mình từ tay những kẻ muốn giật lấy nó của em. Nhưng bây giờ mình đã được cứu thoát.

– Và được cứu bởi tay ai ca chứ? – Chàng trai thốt lên – Bởi tay hoàng hậu yêu dấu của tôi!

Giữa lúc đó một tiếng động chói tai khiến họ giật mình, de Mole lòng đầy hốt hoảng mơ hồ bật ngửa người ra sau, Marguerite buộc kêu lên, mắt đăm đăm nhìn vào khuôn cửa kính bị vỡ. Qua mảnh kính vỡ, một viên sỏi to bằng quả trứng vừa rơi vào nhà, nó vẫn còn lăn trên sàn.

De Mole cũng nhận ra khung cửa kính bị vỡ và nguyên nhân của tiếng động.

– Kẻ nào dám láo xược… – Chàng kêu lên, và toan lao ra cửa sổ.

– Đợi đã mình – Marguerite nói – Hình như có cái gì buộc vào hòn sỏi này thì phải.

– Ừ nhỉ, hình như là một tờ giấy.

Marguerite chộp lấy viên đạn kỳ dị và bóc ra một tờ giấy mỏng được cuốn lại như một dải băng, bọc lấy viên sỏi ở giữa. Tờ giấy được buộc vào một sợi dây, sợi dây lại giòng qua lỗ cửa kính vỡ.

Marguerite mở thư ra và đọc.

– Thôi chết rồi! – Nàng thốt lên.

Nàng trao tờ thư cho De Mole dang đứng xanh xao bất động như một pho tượng thần Kinh hoàng.

De Mole lòng nghẹn ngào đầy mối linh cảm đau đớn, đọc được những dòng sau đây:

“Có người mang những thanh kiếm dài đang đợi ông de Mole trên hành lang dẫn tới phòng ông d Alençon. Có lẽ ông de La Mole thích ra bằng lối cửa sổ này và tới chỗ ông de Mouy ở Nantes hơn…”

– Nào, kiếm của chúng dài hơn kiếm của ta ư? – De Mole thốt lên sau khi đọc xong.

– Không, nhưng có thể họ có mười chọi một.

– Người bạn nào đã gửi thư cho chúng ta đây?

Marguerite lấy lại thư trên tay chàng trai và chăm chú xem lại.

– Chính tự dạng của vua Navarre – Nàng kêu lên – Nếu ông ta báo thì chắc mối nguy hiểm là thật rồi. Mình trốn đi, em xin mình đấy.

– Tôi trốn bằng cách nào?

– Nhưng người ta đã chẳng bảo qua cửa sổ này là gì?

– Xin nàng hãy ra lệnh, và tôi sẽ nhảy từ cửa sổ xuống, dù cho có tan xương nát thịt cũng cam.

– Khoan đã, hình như sợi dây này có treo vật gì.

– Xem nào.

Và cả hai người cùng kéo cái vật treo ở đầu dây ấy lên.

Họ vui mừng khôn xiết khi thấy ở đầu dây kia có một chiếc thang tết bằng lụa và lông bờm ngựa.

– Ôi, thế là mình thoát rồi – Marguerite bảo.

– Thật đúng là phép mầu của Chúa.

– Không, đây là việc thiện của vua Navarre.

– Thế nhỡ ngược lại đây lại là một cái bẫy thì sao? – De Mole hỏi – Nhỡ cái thang này đứt dưới chân tôi thì sao? Thưa lệnh bà, hôm nay nàng chẳng đã thú nhận lòng ưu ái của nàng đối với tôi là gì?

Sắc mặt Marguerite đã hồng hào trở lại vì mừng, lại tái nhợt đi như người chết.

– Mình nói đúng, có thể thế lắm.

Và nàng lao về phía cửa.

– Mình đi đâu? – De Mole kêu lên.

– Em sẽ tự đi xem có đúng là có kẻ rình mình trong hành lang không.

– Không đời nào! Để rồi cơn điên giận của chúng lại đổ lên đầu mình đấy.

– Mình bảo ai dám làm gì một công chúa Pháp kia chứ? Vừa là công chúa, vừa là vợ vua, em là người có tới hai tầng bảo vệ.

Hoàng hậu nói những lời đó với vẻ đường hoàng đĩnh đạc đến nỗi De Mole hiểu rằng nàng sẽ không gặp một hiểm nguy nào hết và chàng đành để mặc nàng làm theo ý muốn.

Marguerite để De Mole lại cho Gillonne coi sóc và mặc cho trí sáng suốt của chàng định liệu xem nên trốn đi hay chờ nàng trở lại tuỳ theo tình huống. Nàng đi vào hành lang. Qua một chỗ phân tỏa, hành lang này vừa dẫn tới thư viện, vừa dẫn tới nhiều phòng khánh tiết. Ở tận cùng đầu kia của hành lang là cung vua và Thái hậu có cả chiếc cầu thang bí mật dẫn tới phòng quận công d Alençon và Henri. Dù bây giờ mới chỉ gần chín giờ tối, đèn đóm đã tắt hết và ngoài một thứ ánh sáng lờ mờ rọi hắt ra từ chỗ ngã tư, hành lang hoàn toàn chìm trong bóng tối. Hoàng hậu Navarre mạnh dạn tiến bước, nhưng khi nàng đi tới khoảng gần được phần ba hành lang, nàng nghe như có tiếng thì thầm của những giọng nói trầm trầm. Người nói cẩn thận hạ thấp giọng khiến cho những người nói đó có một vẻ bí ẩn đáng sợ. Nhưng gần như ngay tức thì tiếng thì thào ngừng bặt tựa có lệnh trên ban truyên khiến nó tắt ngấm. Mọi vật lại trở lại hoàn toàn tăm tối, vì cái ánh sáng tỏa ra từ chỗ ngã tư, dù đã rất lù mù, nay dường như lại càng tối đi.

Marguerite vẫn tiếp tục đi thẳng tới mối nguy hiểm, nếu như nó có thực thì chắc đang đợi nàng ở chỗ này đây. Bề ngoài nàng có vẻ bình tĩnh mặc dù bàn tay nàng co quắp chứng tỏ một sự căng thẳng thần kinh tột độ. Nàng càng tới gần, sự yên lặng đáng ghê sợ đó lại càng thêm tĩnh mịch, một hình bóng giống như bóng một bàn tay che đi cái thứ ánh sáng lung linh và tù mù đó.

Đột nhiên, khi nàng tới chỗ ngã tư hành lang, một người đàn ông tiến ra hai bước, để lộ ra một cây nến bằng bạc mạ vàng, và y kêu lên:

– Hắn đây rồi!

Marguerite thấy mình đối diện với ông anh Charles. Sau lưng nhà vua là quận công d Alençon với một dải dây lục trong tay. Trong bóng tối phía sau, có hai bóng người đứng cạnh nhau, chỉ có những thanh kiếm tuốt trần của họ là phản chiếu lại ánh sáng.

Marguerite nhìn thoáng qua toàn cảnh, nàng lấy hết sức cố gắng mỉm cười trả lời Charles:

– Chắc hoàng thượng định nói là: Cô ta đây rồi phải không?

Charles lui lại một bước, tất cả những người khác đứng nguyên tại chỗ.

– Cô đấy à Margot? Cô đi đâu vào giờ này?

– Vào giờ này ư? – Marguerite hỏi – Muộn đến thế rồi cơ à?

– Ta hỏi cô đi đâu?

– Tôi đi tìm một quyển sách về các bài diễn văn của cicéronien hình như tôi để quên chỗ lệnh bà Thái hậu thì phải.

– Đi thế này mà không đèn đuốc gì cả à?

– Tôi tưởng hành lang có đèn.

– Cô đi thẳng từ nhà cô ra đây à?

– Thưa vâng.

– Vậy tối nay cô làm gì?

– Tôi chuẩn bị bài diễn văn cho các sứ thần Ba Lan. Ngày mai chẳng có họp mà mỗi người chúng tôi phải trình diễn văn của mình lên hoàng thượng duyệt là gì?

– Thế có ai giúp cô làm việc đó không?

Marguerite thu hết sức lực nói:

– Thưa vương huynh, có ông de Mole. Ông ta lả người rất thông thái.

– Thưa chị, – Quận công d Alençon nói – Ông ta thông thái tới mức tôi phải đề nghị với ông ta khi nào xong việc với chị thì đến tìm tôi để giúp tôi vài lời khuyên. Tôi không được giỏi như chị mà.

– Vậy ra ông chờ ông ta à? – Marguerite hỏi với giọng rất tự nhiên.

– Vâng – Quận công d Alençon sốt ruột đáp.

– Nếu vậy thì tôi sẽ trả ông ta lại cho ông vì chúng tôi cũng đã xong rồi.

– Còn sách của cô thì sao – Charles hỏi.

– Tôi sẽ cho Gillonne đi lấy.

Hai anh em trai ra hiệu cho nhau.

– Thôi cô đi đi – Charles ra lệnh – Còn chúng ta tiếp tục đi tuần.

– Bệ hạ đi tuần à? – Marguerite hỏi – Bệ hạ tìm gì vậy?

– Một gã người nhỏ bé mặc áo đỏ – Charles đáp – Cô không biết là có một thằng cha người nhỏ bé mặc áo đỏ hiện về ở Louvre hay sao? Hoàng đệ d Alençon nói là có trông thấy y, và chúng ta đang đi tìm y.

– Xin có lời chúc cuộc săn tìm may mắn – Marguerite nói.

Và nàng vừa lui về vừa đưa mắt liếc về phía sau. Nàng thấy trên tường hành lang bốn người tụ lại với nhau và có vẻ như đang bàn luận. Chỉ trong giây lát nàng đã về tới cửa phòng mình:

– Gillonne, mở cửa ra – Marguerite gọi.

Gillonne tuân lời.

Marguerite lao vào trong phòng, nàng thấy De Mole đang đợi, chàng vẫn bình tĩnh và đầy quả quyết, nhưng cầm lăm lăm thanh kiếm trong tay.

– Mình trốn ngay đi, đừng để phí một giây nào nữa. Họ đang chờ mình trong hành lang để ám sát mình đấy.

– Hoàng hậu ban lệnh như vậy – De Mole hỏi.

– Em muốn thế, chúng ta hãy chia tay để rồi lại gặp nhau.

Trong lúc Marguerite ra ngoài, de Mole đã buộc chắc thang dây vào thanh ngang cửa sổ. Chàng bèn trèo qua thanh ngang đó nhưng trước khi đặt chân lên bậc thang đầu tiên, chàng âu yếm hôn lên tay hoàng hậu.

– Marguerite, nếu chiếc thang này là một cái bẫy và tôi chết vì em, xin em hãy nhớ lại lời hứa của em.

– De Mole, đó không phải là một lời hứa, đó là một lời thề. Xin mình đừng e ngại. Tạm biệt.

Cùng lúc đó có người gõ cửa.

Marguerite đưa mắt nhìn theo de Mole trong lúc chàng leo trèo nguy hiểm như vậy và chỉ quay vào khi nàng đã thật tin chắc rằng chàng đã chạm chân tới đất.

– Tâu lệnh bà! – Gillonne gọi.

– Có chuyện gì vậy? – Marguerite hỏi.

– Đức hoàng thượng gõ cửa.

– Em mở ra.

Chắc vì chờ lâu sốt ruột quá, bốn ông hoàng đã tiến đến trên bậc cửa. Charles bước vào. Marguerite mỉm cười tiến tới trước mặt ông anh. Đức vua nhìn thoáng qua xung quanh.

– Thưa, vương huynh tìm gì? – Marguerite hỏi.

– Ta tìm… ta tìm… Ê! Mẹ kiếp! Ta tìm ông de Mole!

– Ông de La Mole?

– Ừ, hắn đâu rồi?

Marguerite nắm lấy tay anh và dẫn ông tới bên cửa sổ.

Lúc đó có hai người đang phóng ngựa nước đại đi xa dần về phía tháp gỗ. Một trong hai người tháo khăn choàng, và phơ phất vẫy mảnh satanh trắng trong đêm thay cho lời chào từ biệt.

Hai người đó là De Mole và Orthon.

Marguerite đưa tay chỉ cho Charles thấy hai người đó.

– Thế là nghĩa lý gì? – Nhà vua hỏi.

– Thế có nghĩa là – Marguerite đáp – Ông quận công d Alençon có thể nhét lại sợi dây của ông ta vào túi, các ông d Anjou và de Guise có thể tra lại kiếm vào vỏ, vì đêm nay ông de Mole sẽ không đi qua cái hành lang kia.

Bình luận
× sticky