Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hoàng Hậu Margot

Chương 14

Tác giả: Alexandre Dumas

Đêm tân hôn lần thứ hai

Thái hậu đưa mắt nhanh như chớp nhìn quanh. Đôi hài nhung nằm dưới chân giường, quần áo của Marguerite vương vất trên các ghế, nàng đang dụi mắt để xua cơn buồn ngủ. Tất cả đều khiến Catherine tin rằng bà đã làm cho con gái thức giấc.

Bà mỉm cười cho rằng các ý đồ của mình đã thành công. Bà kéo ghế và nói:

– Ngồi xuống đây Marguerite, chúng ta nói chuyện một lát.

– Thưa lệnh bà, con xin nghe người nói.

– Con ạ, đã đến lúc con phải hiểu rằng anh con và ta mong muốn cho con hạnh phúc đến mức nào – Catherine vừa nói vừa nhắm mắt lại với vẻ chậm rãi riêng của những người đang suy nghĩ hoặc đang ẩn giấu tâm tư một cách sâu xa.

Lời mào đầu đó quả là đáng sợ đối với những người đã biết tính Catherine.

“Bà ta sắp nói chuyện gì đây?” – Marguerite tự hỏi.

– Chắc chắn là, trong khi tổ chức lễ cưới cho con – Người đàn bà xứ Florentine nói tiếp – Chúng ta đã thực hiện một trong những động tác chính trị thường có ở các bậc cầm quyền binh. Nhưng con gái tội nghiệp của ta, cũng cần phải thừa nhận rằng chúng ta không nghĩ mối kỵ hiềm của vua Navarre đối với con trẻ, đẹp, và mê hoặc lòng người đến thế, lại có thể dai dẳng đến mức độ này.

Marguerite đứng dậy, nàng khép tà váy ngủ, nhún mình kiểu cách thi lễ Thái hậu.

– Chỉ mới tối nay thôi – Thái hậu nói – Nếu không thì ta đã tới thăm con sớm hơn, ta mới được biết rằng chồng con không hề đối xử với con như người ta phải đối xử với một người đàn bà xinh đẹp, hơn nữa lại là công chúa nước Pháp.

Marguerite thở dài. Catherine được khuyến khích bởi sự tán đồng thầm lặng này, tiếp tục nói:

– Quả thật là việc vua xứ Navarre công khai quan hệ với một trong các quận chúa của ta, kẻ đã si mê hắn đến mức gây tai tiếng. Việc hắn coi khinh tình yêu của người đàn bà mà người ta đã hạ cố ban cho hắn, đó là một điều bất hạnh mà chúng ta, những kẻ đầy quyền thế tội nghiệp, không làm gì được. Nhưng nếu một việc tương tự vào tay một nhà quý tộc thấp kém nhất của vương quốc ta thì người đó cũng có thể trừng phạt y bằng cách cho gọi con rể mình hoặc bảo con trai mình cho gọi y tới.

Marguerite cúi đầu.

– Từ đã khá lâu rồi con ạ – Catherine tiếp – Qua đôi mắt đỏ hoe của con, qua những lời chua cay con nói nhằm vào mụ Sauve, ta thấy rằng mặc dù con cố gắng, vết thương trong trái tim con không thể chỉ chảy máu bên trong mà thôi.

Marguerite rùng mình: một cử động nhẹ đã làm cho các bức màn rung rinh. May thay! Catherine không nhận thấy điều đó và bà lại càng thêm âu yếm ngọt ngào.

– Con ạ, vết thương đó, chỉ có bàn tay người mẹ mới chữa lành được. Những người đã quyết định cuộc hôn nhân của con, những người mà vì quan tâm đến con đã nhận thấy rằng đêm đêm Henri de Navarre đã đi nhầm phòng, không thể cho phép một tên vua như y luôn luôn xúc phạm đến một người đàn bà có sắc đẹp, dòng dõi và giá trị như con bằng sự khinh thị bản thân con và thờ ơ đối với lớp con cháu đời sau của y. Tóm lại, người ta đã nhận thấy khi gặp được cơ hội đầu tiên mà y cho là thuận lợi thì cái đầu óc điên rồ láo xược ấy sẽ quay lại chống chúng ta và sẽ thẳng tay đẩy con ra khỏi gia đình y. Phải chăng những người đó không có quyền đảm bảo cho tương lai của con một cách xứng đáng với con và địa vi của con hơn, bằng cách tách rời tương lai của con ra khỏi tương lai của kẻ kia.

– Tuy nhiên, thưa lệnh bà – Marguerite nói – Mặc dù những lời nhận xét như vậy chan chứa tình mẫu tử, khiến con tràn ngập niềm vui và vinh dự, con vẫn mạo muội xin phép trình với lệnh bà rằng vua Navarre là chồng con.

Catherine tức tối cựa quậy, bà xích lại gần con và nói tiếp:

– Y mà là chồng cô? Đâu phải cứ nhà thờ làm lễ ban phúc rồi thì thành vợ thành chồng? Đâu phải là hôn nhân được thực hiện chỉ do lời của linh mục? Y mà là chồng cô! Này con ạ, nếu cô là phu nhân de Sauve, cô có thể trả lời ta như thế. Thế nhưng ngược hẳn lại với những điều mà chúng ta chờ đợi ở y, từ khi cô ban cho Henri cái vinh hạnh được gọi cô là vợ, thì hắn lại trao quyền làm vợ cho một đứa khác, và ngay lúc này đây – Catherine cao giọng nói – Cô đi với ta, chìa khóa này mở được cửa phòng phu nhân de Sauve, rồi cô sẽ thấy.

– Khẽ chứ, con xin lệnh bà, khẽ thôi – Marguerite nói – Vì không những lệnh bà nhầm, mà còn…

– Sao?

– Lệnh bà sẽ đánh thức chồng con dậy mất.

Nói tới đó, Marguerite đứng dậy với một vẻ duyên dáng đầy quyến rũ lạc thú, nàng để cho tà áo ngủ phất phơ nửa kín nửa hở, tay áo ngắn để lộ cánh tay đẹp nõn nà của nàng và bàn tay kiều diễm của một bậc vua chúa. Nàng cầm một ngọn nến hồng tới bên giường và vén một bức màn lên, nàng mỉm cười đưa ngón tay trỏ cho Thái hậu thấy nét mặt trông nghiêng kiêu hãnh, mái tóc đen và cái miệng mở hé của vua Navarre. Nằm trên đống chăn đệm ngổn ngang, ông này có vẻ như đang đánh một giấc ngon lành bình yên.

Mặt mày nhợt nhạt, đôi mắt thất thần, Catherine đứng ưỡn người về phía sau tựa như vực thẳm đang mở ra dưới chân bà, bà thốt ra không phải một tiếng kêu mà là một tiếng gầm gừ khàn khàn.

– Thưa lệnh bà, Người thấy đấy – Marguerite nói – người ta đã thông báo sai cho Người.

Catherine nhìn Marguerite, rồi lại nhìn Henri. Đầu óc linh hoạt của bà kết hợp hình ảnh của cái vầng trán xanh xao, của đôi mắt điểm một quầng thâm nhè nhẹ này với nụ cười của Marguerite. Và bà âm thầm tức giận cắn chặt đôi môi mỏng dính của mình.

Marguerite còn để cho mẹ ngắm một lúc cái bức tranh đã gây cho bà tác dụng như đầu quỷ Meduse(1). Rồi nàng thả màn xuống, nhón chân bước lại gần Catherine và ngồi xuống ghế.

– Thưa lệnh bà, Người đang nói gì ấy nhỉ?

Trong vài giây, người đàn bà xứ Florence tìm cách thăm dò sự ngây thơ của con gái mình rồi dường như ánh mắt tinh tường của bà bị nhụt đi trước thái độ bình thản của Marguerite, bà nói:

– Không có gì cả.

Rồi bà rảo bước ra khỏi phòng.

Ngay khi tiếng chân Thái hậu vừa chìm đi trong hành lang sâu thẳm, rèm treo giường lại mở ra và Henri, mắt sáng rực, hơi thở dồn dập, tay run rẩy tới quỳ trước Marguerite. Ông chỉ mặc độc có chiếc quần phồng và chiếc áo giáp sắt. Khi nhìn thấy ông ăn vận như thế, Marguerite vừa hồ hởi nắm tay ông vừa không nhịn được, cười phá lên.

– Ôi, thưa bà! Ôi Marguerite! Biết khi nào tôi mới đền ơn được cho bà?

Và ông hôn như mưa lên tay vợ. Những cái hôn ấy cứ vô tình lên cao dần trên cánh tay Marguerite.

– Thưa bệ hạ – Nàng vừa nói vừa nhẹ nhàng lùi lại – Phải chăng bệ hạ quên rằng vào lúc này đây người đàn bà đã cứu thoát bệ hạ đang đau đớn và than thở vì bệ hạ? – Nàng khẽ nói thêm – Phu nhân de Sauve đã hy sinh lòng ghen tuông của mình khi để cho bệ hạ đến chỗ tôi, và có lẽ sau khi đã hy sinh lòng ghen tuông của mình cho bệ hạ, bà ấy cũng hy sinh đời mình cho Người, vì bệ hạ biết hơn ai hết rằng cơn giận của mẹ tôi rất khủng khiếp.

Henri rùng mình đứng dậy, ông muốn bước đi.

– À, nhưng tôi suy nghĩ lại và thấy yên lòng – Marguerite nói với điệu bộ mê ly – Chìa khoá được trao cho bệ hạ mà không có chỉ dẫn gì, và điều đó được coi như bệ hạ thích ban vinh hạnh đêm nay cho tôi hơn.

– Và tôi chấp thuận điều đó, Marguerite ạ, chỉ xin bà hãy vui lòng quên đi…

– Khẽ chứ, xin bệ hạ nói khẽ thôi – Hoàng hậu nhai lại những lời nàng nói với mẹ mươi phút trước đây – Ở trong buồng người ta nghe được bệ hạ nói đấy. Vì tôi còn chưa được hoàn toàn tự do, nên tôi cúi xin bệ hạ đừng nói to quá.

– Ô hô! – Henri nữa tươi cười, nửa bực mình nói – Quả có thế, tôi quên mất là chắc hẳn chẳng phải tôi sẽ được dự vào màn kết của cái cảnh hay ho này. Buồng này…

– Chúng ta hãy vào đây, thưa bệ hạ – Marguerite nói – vì tôi muốn hân hạnh giới thiệu với bệ hạ một quý tộc dũng cảm đã bị thương trong cuộc tàn sát trong khi ông ta chạy tới tận Louvre để báo cho bệ hạ biết về mối nguy hiểm đang đe doạ người.

Hoàng hậu tiến về phía cửa buồng, theo sau là Henri.

Cừa mở và Henri ngẩn người ra khi nhìn thấy một người đàn ông trong căn buồng vốn đã đầy những sự bất ngờ.

Nhưng De Mole còn ngạc nhiên hơn khi đột ngột thấy vua Navarre ở trước mặt mình. Về phía Henri, ông đưa mắt nhìn một cách châm biếm sang Marguerite, còn nàng cứ tỉnh bơ như không.

– Thưa bệ hạ – Marguerite nói – Tôi đã tới mức phải e ngại rằng người ta giết vị quý tộc này, người đã tận tụy phục vụ bệ hạ ngay trong nhà tôi và nay tôi đặt ông ta dưới sự che chở của bệ hạ.

– Tâu bệ hạ – Chàng trai nói tiếp – Tôi là bá tước Lerac de Mole mà bệ hạ đã chờ đợi. Tôi được ông de Téligny tiến cử với bệ hạ, ông ta đã bị giết ở ngay bên cạnh tôi.

– À, đúng vậy, hoàng hậu đã đưa thư của de Téligny cho ta, thế nhưng hình như ông cũng có một bưc thư của ông tổng trấn Languedoc ?

– Tâu bệ hạ, và tôi được chỉ thị là phải trao nó cho bệ hạ ngay khi tôi vừa tới.

– Vậy tại sao ông không làm thế?

– Tâu bệ hạ, tối qua tôi đã tới Louvre nhưng bệ hạ quá bận nên không thể tiếp tôi được.

– Đúng thế – Nhà vua nói – Nhưng ta thấy hình như ông cũng có thể trao cho ai chuyển thư cho ta được chứ?

– Tôi được lệnh của ông d Auriac chỉ trao thư cho đích thân bệ hạ mà thôi, vì ông ta đã đoán chắc với tôi là lá thư đó có mang một thông báo rất quan trọng nên ông ta không dám trao nó cho một người đưa tin thông thường.

– Quả vậy, ông ta báo cho ta là phải rời triều đình và lui về Bearn – Nhà vua vừa cầm thư vừa đọc – Mặc dù là người Giatô giáo, ông d Auriac là một trong số các bạn tốt của ta và chắc hẳn là với tư cách tổng trấn, ông ta đã phong phanh biết trước được những gì sắp xảy ra. Quái quỷ! Thưa ông, tại sao ông lại đưa thư cho ta vào hôm nay, đáng lẽ ông phải đưa từ ba hôm trước thì hơn?

– Vì tôi đã có hân hạnh trình với bệ hạ, dù tôi đã đi rất nhanh, tôi chỉ mới tới được đây vào hôm qua.

– Bực mình thật – Nhà vua lẩm bẩm – Vì nếu không, thì vào giờ này chúng ta đã ở nơi an toàn, hoặc ở La Rochelle, hoặc ở một đồng bằng tốt tươi nào đó với vài ba ngàn kỵ mã quanh ta.

– Thưa bệ hạ, đó là chuyện đã rồi – Marguerite khẽ nói – Xin Người hãy tìm cách lợi dụng một cách tốt nhất tương lai chứ không nên mất thì giờ vào việc trách móc những gì xảy ra trong quá khứ.

– Ở địa vị tôi, bà vẫn còn thấy có chút hy vọng nào ư? Henri nhìn vợ với vẻ dò hỏi.

– Vâng, chắc thế, tôi sẽ coi đây như một ván bài ba nước mà tôi mới chỉ mất nước đầu.

– Thưa lệnh bà – Henri hạ giọng – Nếu tôi tin chắc rằng bà dự phần nửa vào ván bài của tôi…

– Nếu như tôi muốn đi với các địch thủ của bệ hạ – Marguerite trả lời – Thì hình như tôi không để muộn như thế này đâu.

– Đúng vậy – Henri nói – Tôi quả là một người vô ơn, và như bà nói thì cho đến hôm nay mọi việc vẫn còn có thể sừa chữa được.

– Khốn thay, thưa bệ hạ, tôi rất mong muốn mọi điều tốt lành cho Người nhưng giờ đây chúng ta không còn đô đốc nữa – De Mole nói.

Henri mỉm cười theo kiểu một anh nông dân láu cá mà ở triều đình người ta chỉ hiểu được nụ cười đó vào lúc ông ta lên làm vua nước Pháp sau này.

– Nhưng thưa bà – Ông vừa nói vừa chăm chú nhìn De Mole – Vị quý tộc này không thể ở đây được. Ông ta sẽ khiến cho bà thấy phiền vô cùng và ông ta cũng sẽ phải hứng những nỗi bất ngờ khó chịu. Bà định giải quyết thế nào với ông ta đây?

– Thưa bệ hạ – Marguerite nói – Chúng ta không thể đưa ông ta ra khỏi Louvre được sao, vì tôi cũng hoàn toàn đồng ý với bệ hạ về điều này.

– Khó đấy.

– Thưa bệ hạ, ông De Mole không thể tìm được một chỗ nào ở nơi bệ hạ được hay sao?

– Khổ quá, thưa bà, bà cứ làm như tôi vẫn là vua của những người Tân giáo và vẫn còn có thần dân không bằng. Bà biết rằng tôi đã cải tạo được một nửa rồi và chẳng còn thần dân nào cả.

Nếu là người nào khác chứ không phải là Marguerite chắc sẽ vội vàng trả lời ngay rằng “Ông ta là người Giatô giáo rồi”. Nhưng hoàng hậu muốn Henri phải yêu cầu nàng cái điều mà nàng muốn ông ta làm cho nàng. Còn De Mole khi thấy người bảo trợ cho mình có vẻ giữ ý khiến chàng không biết phải đặt chân vào đâu trên cái mảnh đất triều đình trơn trượt và đầy hiểm nguy như cái triều đình Pháp này, vậy nên chàng đành làm thinh.

– Nhưng này, ông tổng trấn Provençal nói gì với ta thế này – Henri vừa nói tiếp vừa đọc lại lá thư do De Mole mang tới.

– Có phải mẹ ông là người Giatô giáo và nhờ thế nên ông ta có tình thân hữu với ông phải không?

– Bá tước, ông chẳng đã nói với tôi về một lời nguyền cải đạo là gì? – Marguerite nói – Về điểm này đầu óc tôi lộn xộn lắm, ông de Mole ạ, ông hãy giúp tôi nhé. Phải chăng đấy không phải là điều giông giống với điều mà hoàng thượng mong muốn hay sao?

– Khốn thay đúng vậy, nhưng lệnh bà đã quá lạnh nhạt với những lời giải thích của tôi về điểm này nên tôi không dám…

– Thưa ông, đó là vì những chuyện đó không có liên quan chút gì với tôi. Xin ông hãy giải thích cho hoàng thượng nghe.

– Thế cái lời nguyền ấy là thế nào? – Nhà vua hỏi.

– Tâu bệ hạ – De Mole nói – Số là trong lúc tôi bị truy đuổi bởi những kẻ sát nhân, tay tôi không vũ khí và dở sống dở chết vì hai vết thương trên mình, dường như tôi thấy hình bóng mẹ tôi tay cầm thánh giá dẫn dắt tôi đi về phía Louvre. Khi ấy tôi phát nguyện là nếu tôi thoát chết, tôi sẽ thuận theo tôn giáo của mẹ tôi. Người mà Chúa đã cho phép ra khỏi mồ để dẫn dắt tôi trong cái đêm khủng khiếp ấy. Tâu bệ hạ Chúa đã đưa tôi tới đây ở đây tôi đã được sự bảo trợ hai lần của một công chúa Pháp và của vua Navarre. Như một phép mầu, mạng sống của tôi được cứu thoát, tôi chỉ có việc hoàn tất lời nguyền của mình. Tâu bệ hạ, tôi sẵn lòng trở thành người Giatô giáo.

Henri nhíu mày. Kẻ hoài nghi như ông thừa hiểu được sự cải đạo vì quyền lợi, nhưng rất ngờ vực sự cải đạo vì tín ngưỡng.

“Nhà vua không muốn gánh lấy người được ta bảo trợ rồi” – Marguerite nghĩ thầm.

Trong lúc ấy De Mole vẫn rụt rè và lúng túng giữa hai ý muốn trái ngược nhau. Chẳng cần tự lý giải thì chàng cũng thừa cảm thấy sự lố bịch của tình thế mình. Rốt cuộc thì cũng vẫn lại là Marguerite, với sự tế nhị của phụ nữ, gỡ cho chàng thế bí này.

– Thưa bệ hạ – Nàng nói – Chúng ta quên mất rằng người bị thương tội nghiệp này cần được nghỉ ngơi. Và này, tôi cũng buồn ngủ rũ ra rồi đấy.

Quả thực là De Mole có tái mặt đi, nhưng đó là do những lời nói sau này của Marguerite mà chàng nghe và hiểu theo ý mình.

– Chẳng có gì đơn giản hơn, thưa bà – Henri nói – Chúng ta cứ để cho ông de Mole nghỉ thôi.

Chàng trai đưa mắt cầu khẩn nhìn Marguerite, và mặc dù có mặt hai vị vương giả, chàng bỏ đi tới một chiếc ghế, lòng tan nát vì đau đớn và mệt mỏi.

Marguerite hiểu rõ tất cả tình yêu chứa đựng trong cái nhìn ấy và nỗi tuyệt vọng ẩn trong sự yếu mềm ấy.

– Thưa bệ hạ – Nàng nói – Bệ hạ nên ban cho nhà quý tộc trẻ tuổi này một vinh hạnh mà ông ta sẽ nhớ ơn suốt đời, vì ông ta là người đã dám mạo hiểm cả mạng sống của mình vì bệ hạ, tuy bị thương nhưng ông ta đã chạy tới đây để báo cho bệ hạ về cái chết của đô đốc và của Téligny.

– Vinh hạnh nào đây thưa bà? – Henri nói – Xin bà cứ ra lệnh, tôi sẵn lòng theo.

– Đêm nay ông de Mole sẽ ngủ dưới chân bệ hạ, còn bệ hạ sẽ ngủ ở chiếc giường này. Còn tôi, được đức phu quân tôn kính cho phép, tôi sẽ gọi Gillonne đưa tôi đi nghỉ – Marguerite vừa nói vừa mỉm cười – Vì, thưa bệ hạ, tôi không phải là người ít cần nghỉ ngơi nhất trong ba chúng ta đâu.

Henri là người có trí lực, có lẽ lại còn hơi nhiều quá nữa như các bạn bè và kẻ thù của ông sau này thường lên án ông. Nhưng ông hiểu rằng người từ chối không cho ông chung chăn gối đã giành được quyền làm thế nhờ vào chính sự thờ ơ ông đã tỏ ra đối với nàng. Vả chăng, Marguerite vừa mới trả thù cho sự thờ ơ đó bằng cách cứu sống ông. Vậy nên ông không để cho lòng tự ái chen vào trong câu trả lời của mình:

– Thưa bà, nếu ông de Mole có thể đến được phòng của tôi thì tôi sẽ dành cho ông ta giường của chính mình.

– Thưa vâng – Marguerite đáp – Nhưng phòng của bệ hạ vào lúc này chẳng thể che chở cho cả bệ hạ lẫn ông ta, và bệ hạ nên cẩn trọng mà ở lại đây cho tới mai.

Và không chờ nhà vua trả lời, nàng gọi Gillonne, sai sửa soạn gối đệm cho nhà vua và đặt một chiếc giường phía chân vua cho De Mole. Chàng trai tỏ ra sung sướng mãn nguyện với vinh dự đó đến nỗi có thể đoán chắc rằng cnàng ta không hề cảm thấy nỗi đau đớn ở các vết thương của mình.

Marguerite sau khi cầu kỳ cúi mình thi lễ với nhà vua, liền quay trở vào phòng ngủ của mình, khoá chốt lại kỹ càng và nằm duỗi mình trên giường.

“Bây giờ phải làm sao để ngày mai ông de Mole có được một người bảo trợ ở Louvre mới được – Marguerite tự nhủ – Kẻ nào tối nay làm ngơ thì ngày mai sẽ phải hối”.

Rồi nàng ra hiệu cho Gillonne đang đứng chờ những mệnh lệnh cuối cùng của nàng tới bên cạnh.

Gillone tiến lại gần.

– Gillone – Nàng thì thầm nói – Em phải tạo ra cho quận công d Alençon em ta, với một cớ nào đó để ông ta muốn tới đây trước tám giờ sáng mai.

Chuông đồng hồ tại Louvre điểm hai giờ.

De Mole tiếp tục bàn chuyện chính trị một lát với nhà vua. Dần dần Henri ngủ thiếp đi và chẳng mấy chốc ngáy khò khò tựa như thể ông đang nằm trên chiếc giường da Bearn của ông vậy.

De Mole lẽ ra đã ngủ được như nhà vua. Nhưng Marguerite không ngủ được, cứ trằn trọc hoài trên giường và tiếng trăn trở của nàng làm khuấy động ý nghĩ và giấc ngủ của chàng trai.

“Chúng ta còn trẻ quá – Marguerite thầm thì trong cơn mất ngủ – Chàng ta quá rụt rè, thậm chí đôi khi lại lố bịch nữa, ta phải xem… Tuy nhiên mắt đẹp, dáng người cân đổi, rất duyên dáng, thế nhưng nếu chàng ta lại không can đảm thì sao… Trốn này, cải đạo này… bực thật, giấc mơ bắt đầu hay đấy, thôi… kệ đời mọi việc, ta cứ quay về với ông thần tam vị của cái con bé Henriet điên rồ ấy thôi”.

Tới tang tảng sáng, Marguerite cuối cùng cũng vừa ngủ thiếp đi vừa lẩm bẩm: Eros – Cupido – Amor.

Chú thích:

(1) Thần thoại Hy lạp: ai nhìn phải đầu quỷ Meduse sẽ hoá thành đá (ND)

Bình luận