Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hoàng Hậu Margot

Chương 61

Tác giả: Alexandre Dumas

Đài Tội Hình

Đêm vừa xuống trên thành phố vẫn đang còn run lên trước những tin về cực hình vừa xảy ra, mọi chi tiết được truyền từ người này sang người khác khiến giờ ăn tối vui vẻ ở mọi gia đình đều trở nên u ám.

Tuy nhiên, ngược hẳn lại với thành phố im lìm và thê lương, cung Louvre ồn ào, vui tươi rực sáng. Đó là vì trong lâu đài hôm nay có lễ hội lớn. Một buổi hội do Charles mở. Ông đã truyền tổ chức buổi hội vào buổi tối cùng lúc với vệc truyền tổ chức buổi cực hình vào ban sáng.

Ngay tối hôm trước, hoàng hậu Navarre đã nhận được lệnh phải dự hội. Nàng hy vọng Coconnas và De Mole sẽ trốn thoát được trong đêm, nàng tin chắc mọi biện pháp được tiến hành để đảm bảo mạng sống của họ nên đã trả lời anh rằng nàng sẽ tuân theo ý muốn của anh. Nhưng sau khi ở giáo đường về, nàng mất hết mọi hy vọng.

Do một cử chỉ cuối cùng của lòng thương cảm đối với mối tình này, mối tình lớn nhất và sâu sắc nhất trong đời nàng, nàng đã dự xem buổi hành hình. Từ sau lúc đó, nàng tự hứa với mình rằng không một lời cầu xin nào, không một lời đe doạ nào, có thể khiến nàng tham dự vào buổi lễ hội vui vẻ ở Louvre cùng trong cái ngày mà nàng đã chứng kiến một buổi lễ thê lương đến thế ở quảng trường Grève.

Ngày hôm đó, vua Charles đã đưa ra một bằng chứng mới về cái ý chí mà có lẽ không ai đạt được mức độ đó như ông. Vốn nằm liệt giường từ mười lăm hôm nay, gầy gò như người sắp chết, nhợt nhạt như một thây ma, ông vẫn ngồi dậy vào lúc năm giờ và bận những bộ y phục đẹp nhất của ông. Thực tình là trong lúc mặc quần áo ông bị ngất đi ba lần.

Khoảng tám giờ, ông cho người hỏi thăm tin tức em gái, xem có thấy nàng ở đâu và đang làm gì không. Không ai trả lời ông được: vì hoàng hậu đã về cung vào lúc khoảng mười một giờ, nàng ở trong đó và ra lệnh cấm không tiếp một ai.

Nhưng đối với Charles thì làm gì có cửa nào khép kín được.

– Ông tựa lên tay de Nancey đi tới cung hoàng hậu Navarre và đột ngột bước vào bằng lối cửa ở hành lang bí mật.

Dù ông đoán sẽ thấy một cảnh tượng buồn thảm và trong lòng đã chuẩn bị trước, điều ông được trông thấy còn buồn thảm hơn cả ông tưởng tượng.

Marguerite gần như người chết dở, nằm thượt trên một chiếc ghế dài đầu vùi trong đống gối. Nàng không khóc, không cầu nguyện, nhưng từ lúc quay về nàng cứ thở hắt ra như người đang hấp hối.

Ở góc phòng đầu kia Henriette de Nervers, người đàn bà can trường đó, cũng nằm bất tỉnh nhân sự trên thảm rải sàn. Từ lúc ở quảng trường Grève về, nàng cũng kiệt sức như Marguerite và cô thị nữ Gillonne tội nghiệp hết đi từ người này tới người kia mà chẳng dám nói với họ đôi lời an ủi.

Trong cơn khủng hoảng sau những tai họa lớn, người ta thường dè sẻn nỗi đau của mình như một kho báu và coi như kẻ thù những ai có ý định cướp đi của họ một phần nhỏ nhoi nhất. Charles IX đẩy cửa, để Nancey ở lại bên ngoài và bước vào phòng, người nhợt nhạt và run rẩy.

Cả hai người đàn bà đều không nhìn thấy ông. Chỉ có Gillonne lúc đó đang chăm sóc cho Henriette là quỳ nhổm dậy trên một chân và kinh hãi nhìn đức vua.

Nhà vua phẩy tay ra hiệu, cô đứng dậy, cúi chào và lui ra ngoài.

Charles đi tới Marguerite, im lặng nhìn nàng chốc lát rồi gọi nàng với giọng mà người ta những tưởng ông không thể nào có được:

– Margot, em ta!

Thiếu phụ giật mình gượng dậy:

– Kìa thánh thượng!

– Thôi nào, em gái, can đảm lên.

Marguerite đưa mắt nhìn lên trời.

– Ta biết – Charles đáp – Nhưng hãy nghe ta nói đây.

Hoàng hậu Navarre ra hiệu rằng nàng vẫn nghe.

– Em đã hứa là sẽ đi dự vũ hội – Charles nói.

– Tôi ư? – Marguerite thốt lên.

– Ừ, và vì em đã hứa nên người ta chờ em. Và nếu em không đến người ta sẽ ngạc nhiên nếu không thấy em.

– Xin anh tha tội, anh thấy đấy, em ốm lắm.

– Em hãy cố gắng lên xem nào.

Trong giây lát, dường như Marguerite cố gắng thu thập lòng can đảm của mình, nhưng rồi nàng lại buông mình và để gục đầu xuống đống gối.

– Không, tôi không đi được – Nàng nói.

Charles cầm tay em, ngồi xuống chiếc ghế dài và nói:

– Margot, ta biết em vừa mất một người bạn. Nhưng hãy nhìn ta đây, ta đã mất tất cả bạn bè thì sao? Hơn thế mất cả mẹ nữa. Em vẫn có thể khóc cho thoả thích như em đang khóc lúc này, còn ta, vào những lúc ta đau khổ nhất, ta vẫn buộc phải mỉm cười. Em đau đớn – Nhìn ta đây này, ta đang chết. Nào Margot, can đảm lên! Nhân danh vinh quang của chúng ta, ta yêu cầu em điều đó. Chúng ta cùng mang danh tiếng của dòng họ như một gánh nặng đầy lo âu và khắc khoải. Hãy mang nó như Chúa mang cây thánh giá lên đồi Calvaire, và nếu dọc đường chúng ta bị vấp ngã như Người thì hãy can đảm và kiên nhẫn chịu mà đứng dậy như Người.

– Ôi, lạy Chúa – Marguerite thốt lên.

– Ừ – Charles vẫn tiếp tục trả lời cho ý nghĩ của mình – Hy sinh nặng nề đấy em ạ. Nhưng ai mà chẳng hy sinh, người thì hy sinh danh dự, kẻ thì hy sinh tính mạng mình. Em tưởng rằng mới hai lăm tuổi đầu và với ngai vàng đẹp nhất trên thế giới này, ta phải chết mà không tiếc gì ư? Hãy nhìn ta, mắt ta, da ta, môi ta đều như của người sắp chết. Đúng vậy, nhưng còn nụ cười của ta… nụ cười đó khiến người ta phải tưởng rằng ta vẫn còn hy vọng không? ấy thế mà, chỉ tám ngày nữa, cùng lắm là một tháng nữa em sẽ phải khóc ta như khóc kẻ đã chết ngày hôm nay.

– Kìa anh! – Margot kêu lên và ôm choàng lấy cổ anh trai.

– Thôi nào! Thay đồ đi, Marguerite thân yêu – Nhà vua phán – Cố giấu cái vẻ xanh xao của cô đi và tới vũ hội. Ta vừa ra lệnh đem tới cho cô những đồ châu báu mới và những thứ trang điểm xứng với sắc đẹp của cô.

– Ôi, kim cương, áo đẹp! – Marguerite kêu lên – Còn có nghĩa gì đâu đối với tôi lúc này!

– Đời còn dài, Marguerite ạ – Charles mỉm cười – Hay ít ra đối với cô thì là như thế.

– Không bao giờ!

– Em ạ, hãy nhớ lấy một điều: đôi khi người ta tôn vinh những người đã chết bằng cách tốt nhất là bóp nghẹt hoặc cho giấu đi nỗi đau khổ của mình.

– Vậy tâu bệ hạ, tôi sẽ đi – Marguerite rùng mình nói.

Một giọt lệ làm ướt ánh mắt Charles, nhưng rồi lại khô cạn ngay bên bờ mi mắt khô khan. Ông nghiêng mình trước em gái, hôn lên trán nàng, dừng lại một lát trước Henriette trong lúc quận chúa vẫn không hề nhìn hoặc nghe thấy ông vào. Ông nói:

– Người đàn bà tội nghiệp!

Và ông im lặng bước ra.

Sau nhà vua là tới nhiều đầy tớ tiến vào mang theo hòm và hộp.

Marguerite ra hiệu cho để tất cả những thứ đó xuống sàn nhà.

Những người hầu lui ra chỉ còn lại Gillonne.

– Em chuẩn bị những thứ cần thiết cho ta thay đồ, Gillonne – Marguerite ra lệnh.

Cô gái ngạc nhiên nhìn chủ.

– Ừ, – Marguerite nói với giọng đầy vẻ chua chát – Ừm ta thay đồ để đi vũ hội, người ta chờ ta ở đó. Em nhanh tay lên chứ!

Ngày hôm nay thật là toàn vẹn: sáng thì hội ở quảng trường Grève, tối thì hội ở cung Louvre.

– Còn phu nhân quận chúa? – Gillonne hỏi.

– Ồ bà ta thật hạnh phúc, bà ta có thể ở lại đây. Bà ta có thể khóc, có thể đau khổ mặc sức. Bà ta không phải là con gái vua, không phải là vợ vua, không phải là em vua. Bà ta không là hoàng hậu. Giúp ta mặc đồ đi nào, Gillonne.

Cô gái vâng lời. Đồ trang sức thật lộng lẫy, váy áo thật rực rỡ. Chưa bao giờ Marguerite đẹp như hôm nay.

Nàng ngắm mình trong một chiếc gương rồi tự nhủ: “Anh ta có lý, con người quả là một sinh vật khốn khổ”.

Vừa lúc đó Gillonne quay vào thưa:

– Tâu lệnh bà, có một người đang xin gặp lệnh bà.

– Gặp ta ấy à?

– Tâu lệnh bà, vâng.

– Ai vậy?

Em cũng không biết nhưng ông ta có vẻ khủng khiếp lắm. Chỉ nhìn thấy ông ta em đã phát rợn người lên rồi.

– Em ra hỏi tên ông ta là gì – Marguerite tái mặt đi nói.

Gillonne lui ra và ít phút sau lại quay trở vào:

– Tâu lệnh bà, ông ta không chịu nói tên nhưng đề nghị em mang vào trình lệnh bà vật này.

Gillonne trao cho Marguerite chiếc hộp đựng thánh tích mà nàng đưa cho De Mole hôm trước.

– Ôi cho vào đi em – Hoàng hậu hấp tấp nói và nàng lại trở nên tái nhợt và giá lạnh hơn trước.

Có tiếng chân nặng nề làm rung chuyển cả sàn nhà. Tiếng vang như một sự giận dữ rên lên trong bức vách, một người đàn ông xuất hiện trên ngưỡng cửa.

– Ông là… – Hoàng hậu hỏi.

– Tâu lệnh bà, tôi là kẻ mà lệnh bà đã có lần gặp ở gần Montfaucon và đã đưa hai nhà quý tộc về trên chiếc xe thùng của tôi.

– Vâng, tôi đã nhận ra ông rồi, ông là thầy Caboche.

– Là đao phủ thành Paris, thưa lệnh bà.

Đó là những lời duy nhất mà Henriette nghe thấy được trong tất cả những lời lẽ vang lên quanh nàng từ một tiếng đồng hồ nay. Nàng buông tay che gương mặt nhợt nhạt và nhìn viên đao phủ với đôi mắt xanh ngọc bích dường như tóe lửa.

– Và ông đến để… – Marguerite run rẩy hỏi.

– Tôi đến để nhắc lệnh bà nhớ tới lời Người đã hứa với vị quý tộc trẻ tuổi hơn trong số hai người, vị mà đã nhờ tôi trả lại chiếc hộp thánh tích này cho lệnh bà. Lệnh bà còn nhớ lời hứa đó không?

– À, vâng! – Hoàng hậu kêu lên – Không một linh hồn nào quảng đại hơn lại có được một niềm an ủi cao quý. Nhưng nó ở đâu?

– Nó ở tại nhà tôi cùng thi hài.

– Ở nhà ông à? Tại sao ông không đem tới đây?

– Tôi sợ có thể bị giữ lại ở ghi-sê cửa Louvre, người ta có thể bắt tôi bỏ áo choàng. Nếu thế thì không biết họ sẽ nói sao nếu thấy dưới áo choàng lại có một cái đầu.

– Thôi được, cứ giữ nó ở nhà ông, ngày mai ta sẽ đến lấy.

– Tâu lệnh bà, ngày mai có thể sẽ là quá muộn.

– Sao vậy?

– Vì Thái hậu đã dặn tôi giữ cho bà hai đầu tử tù mà tôi chặt để làm thí nghiệm về yêu thuật.

– Ôi! Thật là quá đáng! Lấy đầu những chàng trai yêu quý của chúng ta ư? Henriette! – Nàng chạy lại phía bạn đã đứng bật dậy như bị ong châm – Cậu có nghe thấy người này vừa nói gì không?

– Có thế phải làm gì đây?

– Phải đi cùng ông ta.

Rồi nàng thốt lên một tiếng kêu đau đớn là dấu hiệu bắt đầu hoà nhập với cuộc đời của những người bất hạnh lớn lao:

– Ôi vừa rồi mình thật là hạnh phúc, mình đã gần như chết rồi.

Trong lúc đó Marguerite khoác lên đôi vai trần của nàng một chiếc áo choàng nhung.

– Đi nào – Nàng gọi – Chúng mình sẽ được gặp họ một lần nữa.

Marguerite sai đóng tất cả các cửa, cho đưa chiếc kiệu của nàng tới chỗ cánh cửa nhỏ bí mật rồi nàng khoác tay Henriette đi qua hành lang bí mật đi vừa ra hiệu cho Gillonne theo nàng.

Kiệu đã chờ sẵn ở dưới cửa, còn người hầu của Caboche đã cầm một chiếc đèn lồng chờ ở ghi-sê.

Phu khiêng kiệu của Marguerite là những người tin cậy, vừa như câm vừa như đìếc, đáng tin hơn cả những con vật câm lặng.

Kiệu đi chừng mười phút theo Caboche và tên hầu cầm đèn rồi dừng lại.

Viên đao phủ mở kiệu, còn gã hầu chạy vào trước.

Marguerite xuống kiệu, đỡ cho quận chúa de Nervers cùng xuống.

Trong nỗi đau vô vàn đang bóp nghẹt lấy cả hai người, sự quy củ nghiêm ngặt nơi đây căng thẳng đã tỏ ra mạnh hơn tất thảy.

Đài tội hình đứng sừng sừng trước mặt hai người đàn bà như một người khổng lồ tối tăm và dị dạng với hai vầng ánh sáng đỏ nhờ lọt ra từ hai khe cửa hẹp trên đỉnh.

Người hầu lại xuất hiện trên cửa.

– Thưa lệnh bà và phu nhân có thể vào – Caboche nói – Trong nhà mọi người đã đi ngủ cả.

Vừa lúc đó, ánh sáng trên hai lỗ châu mai vụt tắt.

Hai thiếu phụ ôm nhau cùng đi qua cánh cửa nhỏ hình vòm cung và giẫm lên đá lát nền nhà xù xì ẩm ướt. Họ thấy có ánh sáng ở chỗ rẽ của hành lang và đi theo người chủ nhà dáng ghê sợ về phía đó. Cửa đóng lại sau lưng họ.

Caboche tay cầm đèn sáp dẫn họ vào trong một căn phòng thấp ám khói. Giữa phòng có một chiếc bàn trải khăn ăn với những thức ăn bữa tối còn thừa và ba bộ đồ ăn. Chắc những bộ đồ ăn đó là của viên đao phủ, vợ y và người giúp việc chính của y.

Ở chỗ dễ nhìn thấy nhất có đóng đinh vào tường một bằng sắc có mang dấu ấn của nhà vua. Đó là văn bằng hành nghề đao phủ. Trong góc khác có một thanh kiếm lớn chuôi dài. Đó là thanh gươm rực lửa công lý. Đây đó người ta bắt gặp vài bức tranh thô thiển về các thánh tử vì đạo đang chịu những khổ hình.

Tới đó, Caboche nghiêng mình xuống thật thấp.

– Cúi xin lệnh bà tha lỗi cho tôi vì đã dám vào tận Louvre và dẫn lệnh bà tới nơi đây. Nhưng đó là ý nguyện khẩn thiết cuối cùng của vị quý tộc, vì vậy nên tôi phải…

– Thầy làm vậy là đúng lắm, đao phủ, và đây là để thưởng công khó nhọc của thầy – Marguerite đáp.

Caboche buồn rầu nhìn chiếc túi đầy vàng mà Marguerite vừa đặt lên bàn và lẩm bẩm.

– Vâng! Lại vàng! Than ôi, thưa lệnh bà, ước gì tôi có thể đem vàng đổi lấy máu mà tôi đã làm đổ ra ngày hôm nay!

– Đao phủ – Marguerite ngập ngừng đau đớn nhìn quanh – Này đao phủ, chúng ta còn phải đi đâu nữa không? Ta không thấy…

– Tâu lệnh bà, không. Họ ở đây. Nhưng nhìn cảnh đó buồn lắm, tôi có thể làm nhẹ bớt nỗi đau lòng của lệnh bà và phu nhân bằng cách cho họ vào áo choàng và đem tới đây những thứ mà lệnh bà và phu nhân tới tìm.

Marguerite và Henriette cùng nhìn nhau.

– Không – Marguerite nhận thấy trong ánh mắt bạn cùng một ý quyết tâm như nàng – Chỉ đường cho chúng ta, chúng ta sẽ đi theo ông.

Caboche cầm đèn, mở cánh cửa gỗ sồi đưa xuống một chiếc cầu thang có vài bực dẫn sâu vào lòng đất. Cùng lúc đó, một luồng gió tạt qua khiến ngọn đuốc bắn ra vài tia lửa và phà vào mặt hai công chúa một mùi máu và ẩm mốc đến phát buồn nôn.

Henriette mặt nhợt ra như một pho tượng cẩm thạch tỳ vào tay bạn vốn dĩ vững vàng hơn mình, nhưng tới bậc thang đầu tiên thì nàng lảo đảo.

– Ôi mình không thể… – Nàng thốt lên.

– Henriette, khi yêu thì phải yêu nhau đến tận trong cái chết hoàng hậu nói.

Thật là một cảnh tượng vừa khủng khiếp vừa thương tâm. Hai thiếu phụ tràn đầy tuổi thanh xuân và sắc đẹp, rực rỡ đồ trang sức cúi đầu dưới vòm trần đen đúa ghê rợn, người yếu đuối hơn dựa vào người khỏe hơn, người khỏe hơn lại dựa vào đao phủ.

Họ đi hết bậc thang cuối cùng.

Dưới đáy tầng hầm có hai hình người nằm, mình được phủ bằng một tấm vải xẹc lớn màu đen.

Caboche đưa đèn lại gần, nhấc lên một góc tấm khăn và nói.

– Xin hoàng hậu hãy nhìn.

Trong bộ y phục đen, hai chàng trai nằm cạnh nhau với sự cân đối đáng sợ của cái chết. Đầu họ được để nghiêng ráp lại gần thân dường như chỉ ngăn cách với cổ bằng một vòng tròn đỏ thẫm. Cái chết đã không làm tách rời tay họ hoặc do vô tình hoặc do một ý đồ sùng kính nào đó của người đao phủ, tay phải của De Mole được đặt trong bàn tay trái của Coconnas.

Dưới vầng mi mắt của De Mole còn lưu lại một ánh mắt đầy yêu thương, còn ở Coconnas, người ta thấy còn vương lại một nét cười ngạo nghễ.

Marguerite quỳ xuống bên người yêu, bàn tay đầy châu báu ngọc ngà rực rỡ của nàng nhẹ nhàng nâng mái đầu mà nàng đã từng biết bao yêu dấu.

Quận chúa de Nervers đứng tựa vào tường và không thể rời mắt khỏi gương mặt nhợt nhạt nơi nàng đã bao lần tìm kiếm tình yêu và sự vui tươi.

– Ôi, de Mole – Marguerite lẩm bẩm.

– Anibal! Anibal – Quận chúa thốt lên – Anh kiêu hãnh, can đảm biết bao! Giờ đây đã không còn trả lời em nữa!…

Và nước mắt nàng lã chã tuôn rơi.

Người đàn bà ấy đã ngạo nghễ, can đảm, xấc xược biết bao trong hạnh phúc. Chủ nghĩa hoài nghi ở nàng bị đẩy tới thành sự nghi ngờ tuyệt đối, niềm say đắm tới tận sự độc ác, nàng chưa bao giờ nghĩ đến cái chết.

Marguerite chỉ cho nàng một ví dụ về cái chết.

Nàng đặt cái đầu của De Mole vào trong một chiếc túi thêu đính ngọc trai và ướp những thứ hương quý nhất. Mái đầu càng trở nên đẹp hơn khi được đặt gần nhung lụa vàng ngọc. Một thứ thuốc ướp đặc biệt dùng trong việc ướp xác các vua chúa sẽ giữ gìn vẻ đẹp của nó.

Henriette cũng tới gần và đưa vạt áo choàng lên bọc lấy đầu Coconnas.

Cả hai người như rạp mình xuống trước nỗi đau khổ của họ chứ không phải vì những vật họ đang mang. Họ lên cầu thang sau khi đã đưa mắt nhìn lần cuối những thi thể họ để lại cho người đao phủ lo liệu ở chốn tối tăm chuyên nhốt những tên tội phạm thông thường.

– Xin lệnh bà đừng e ngại gì – Caboche hiểu rõ cái nhìn đó – Các vị đây sẽ được khâm liệm và chôn cất nơi đất thánh, tôi xin thề với lệnh bà như vậy.

– Người sẽ lấy tiền đây mà đặt lễ cầu hồn cho họ – Henriette nói và rút khỏi cổ một chiếc vòng hồng ngọc tuyệt đẹp trao cho người đao phủ.

Họ trở về Louvre cũng như lúc ra đi. Tới cửa ghi-sê, Hoàng hậu tự nêu tên để vào cổng. Tới đầu cầu thang riêng của mình, nàng xuống kiệu vào cung. Nàng để di vật đáng buồn đó trong phòng nhỏ cạnh phòng ngủ, chiếc phòng con đó từ nay trở đi sẽ được nàng dựng thành một tiểu giáo đường. Nàng để Henriette ở lại giữ phòng, rồi xanh xao và lộng lẫy hơn bao giờ hết, nàng tiến vào phòng vũ hội lớn lúc khoảng mười giờ. Chính tại nơi đây gần hai năm rưỡi về trước, chúng ta đã thấy mở ra chương đầu tiên của truyện này.

Mọi ánh mắt đổ dồn vào hoàng hậu và nàng chịu đựng cái nhìn toàn thể đó với kiêu hãnh gần như vui sướng. Đó là vì nàng đã thực hiện lời ước nguyện cuối cùng của người yêu một cách đầy thành kính.

Nhìn thấy em, Charles lảo đảo đi qua làn sóng vàng son đang bao bọc lấy ông:

– Em ạ – Ông cao giọng nói – Ta cám ơn em gái thân yêu của ta.

Rồi ông hạ giọng:

– Cẩn thận đấy, ở tay em hình như có vết máu kìa.

– Có sao đâu, thưa bệ hạ – Marguerite đáp – Miễn là tôi vẫn giữ được nụ cười trên môi.

Bình luận
× sticky