Oreste và Pylade (1)
Sau khi Henri d Anjou ra đi, người ta có thể nói rằng bình yên và hạnh phúc lại trở lại trong cung Louvre nơi ở của cái gia đình Atrides (2) này.
Quên đi những thói ưu tư thường ngày, Charles dần dần khỏe lại, rắn rỏi trở lại. Ông đi săn với Henri và nói chuyện săn bắn với ông hôm nay để bù lại trong những ngày ông không thể đi săn được. Ông chỉ phê phán Henri mỗi một tội, đó là sự dừng dưng của ông này với việc săn bằng chim, và nói rằng Henri sẽ là một ông hoàng hoàn hảo nếu ông ta biết luyện các loài chim ưng cũng tài như ông luyện các loại chó săn nòi vậy.
Catherine lại trở thành hiền mẫu như trước: bà ngọt ngào với Charles và d Alençon, ve vuốt Henri và Marguerite, dịu dàng với quận chúa de Nervers và phu nhân de Sauve. Viện cớ rằng Maurevel bị thương trong khi thừa hành một mệnh lệnh của bà, bà có lòng tử tế đến độ đã hạ cố tới thăm y đang bình phục tại nhà y ở phố Cerisaie.
Marguerite tiếp tục những cuộc yêu đương kiểu Tây Ban Nha của nàng(3).
Tối nào nàng cũng mở cửa sổ và trao đổi với De Mole bằng cử chỉ và thư từ. Trong mỗi bức thư, chàng trai lại nhắc bà Hoàng xinh đẹp nhớ rằng nàng đã hứa thưởng cho sự lưu đày của chàng bằng vài giây phút ở ngôi nhà phố Cloche Percée.
Chỉ có một người là cô độc và lạc lõng trong cung Louvre giờ đây đã trở nên lặng lẽ thanh bình đến thế. Người đó là ông bạn của chúng ta, bá tước Anibal de Coconnas.
Quả thực, biết De Mole còn sống đã là điều đáng kể rồi và may hơn nữa là vẫn được yêu dấu bởi phu nhân de Nervers, người đàn bà vui tươi và ngông cuồng nhất trong những người đàn bà trong cung. Nhưng niềm hạnh phúc được ở bên nhau mà quận chúa ban cho chàng, sự thanh thản mà Marguerite đã đem lại cho chàng khi cho chàng biết về số phận người bạn chung của họ, những điều đó dưới mắt Coconnas cũng chẳng đáng giá bằng một giờ cùng De Mole kể cả ở quán ông bạn La Hurière bên một hũ rượu vang ngon, hoặc cùng nhau tiến hành những cuộc dạo chơi rồ dại trong các xó xỉnh của thành Paris, nơi mà một quý tộc lương thiện có thể vớ được vài vết sứt sẹo trên da thịt, trong túi tiền hay trên y phục của mình.
Dù có xấu hổ thay cho loài người thì cũng phải thú nhận rằng phu nhân de Nervers rất tức mình khi phải chịu đựng sự cạnh tranh này của De Mole. Không phải nàng ghét anh chàng xứ Provençal. Ngược lại, do bản năng không cưỡng lại được khiến cho mọi người đàn bà đều làm duyên làm dáng với người tình của một người đàn bà khác, nhất là khi người đàn bà khác kia lại là bạn mình, nàng cũng không ngớt nhìn De Mole bằng đôi mắt xanh màu ngọc bích của nàng. Và trong những ngày nàng nổi cơn ngông như thế, sao chiếu mệnh của Coconnas có phần lu mờ đi trong bầu trời của cô tình nhân xinh đẹp. Và Coconnas cũng có thể ghen tị với những cái siết tay và cả lô những trò dễ thương của quận chúa với bạn chàng. Tuy có thể cắt cổ mười lăm người chỉ vì một cái liếc của người yêu, nhưng Coconnas lại ít ghen với De Mole đến nỗi đôi khi sau những trò dấm dớ của quận chúa, chàng lại thì thầm vào tai bạn vài lời đề nghị khiến anh chàng Provençal phải đỏ mặt.
Tình trạng này dẫn đến chỗ là do vắng mặt De Mole nên Henriette bị mất đi tất cả những điều thích thú mà Coconnas đem lại cho nàng, tức là sự vui vẻ bất tận và những trò ngông không biết chán của chàng. Có lần nàng tới cầu khẩn Marguerite trả lại cho nàng cái kẻ thứ ba bắt buộc phải có ấy, nếu không thì đầu óc và trái tim Coconnas ngày một tan biến dần đi.
Vốn thông cảm và cũng do bị những lời nài nỉ của De Mole và những mong muốn của chính trái tim nàng thúc giục nữa nên Marguerite hẹn với Henriette tới ngôi nhà có hai cửa vào ngày hôm sau, để bàn kỹ về những việc đó trong một cuộc mạn đàm mà không ai có thể ngắt quãng.
Coconnas chẳng hớn hở gì khi nhận được thư của Henriette triệu chàng đến phố Tizon vào hồi chín giờ rưỡi. Nhưng chàng vẫn tới chỗ hẹn và gặp lưôn Henriette đã bắt đầu nổi cáu vì đến trước giờ và phải chờ.
– Xì thưa ông – Nàng nói – Thật bất lịch sự khi bắt một phụ nữ, chưa nói là một công chúa đâu nhé, phải chờ đợi thế này.
– Ôi! Chờ với đợi, đúng là từ ngữ của mình – Coconnas đáp – Tôi xin đánh cuộc ngược lại là chúng mình còn đến trước là đằng khác.
– Tôi đến trước thì đúng rồi.
– Chậc, tôi cũng thế. Tôi đánh cuộc với mình bây giờ cùng lắm chỉ mới mười giờ.
– Này, thư của tôi ghi là chín rưỡi đấy nhé.
– Chính vì thế mà tôi đi từ Louvre lúc chín giờ vì tôi phải trực chỗ ông quận công d Alençon, nhân thể cũng xin nói thêm như vậy. Thế nên khoảng một tiếng đồng hồ nữa thì tôi buộc phải chia tay với mình.
– Mình sướng lắm đấy?
– Không,tôi xin thề đấy! Ông d Alençon là một ông hoàng hay càu nhàu gắt gỏng, thà bị đôi môi xinh đẹp của mình gây sự còn hơn là bị cái mồm méo mó của ông ta cà khịa.
– Nào, khá hơn rồi đấy… mình bảo là mình rời Louvre lúc chín giờ à?
– Ồ, lạy Chúa, đúng thế, tôi định đến thẳng đây, nhưng khi tới góc phố Grenelle, tôi thấy có người trông hình dạng giống De Mole quá.
– Đấy! Lại De Mole!
– Vẫn thế, có cho phép hay không cũng vậy.
– Thô lỗ!
– Đấy chúng mình lại giở trò mỹ miều với nhau rồi đấy.
– Không, nhưng mình nói cho hết chuyện đi vậy.
– Không phải tôi đòi kể chuyện mà là mình cứ hỏi tại sao tôi đến muộn.
– Đã hẳn rồi, chẳng lẽ tôi lại phải đến trước để đợi à? – Mình quá đáng lắm, nhưng thôi tiếp đi. Đến góc phố Grenelle mình thấy một người giống De Mole… Nhưng áo mình có cái gì thế kia? Máu à?
– Lại thêm một thằng vừa ngã xuống vừa làm bắn cả lên người tôi đấy.
– Mình đánh nhau đấy à?
– Tôi tin là thế.
– Vì ông De Mole nhà mình ấy à?
– Thế mình bảo tôi đánh nhau vì ai mới được? Chẳng lẽ một người đàn bà à?
– Cám ơn!
– Ấy thế là tôi mới đi theo nó, cái thằng láo lếu dám giống ông bạn tôi ấy. Đến phố Coquillière thì đuổi kịp nó, tôi vượt lên, rồi nhìn vào tận mắt hắn nhờ ánh sáng ở một cửa hiệu. Thế mà không phải hắn.
– Được lắm, đáng đời.
– Ừ nhưng hắn thật chẳng may. Tôi mới bảo hắn: “Thưa ông, ông thật là hợm dám tự cho phép mình nhìn xa giống với ông bạn de Mole của tôi, ông ấy mới đúng là một hiệp sĩ hoàn hảo, còn nhìn gần thì người ta thấy ngay ông chỉ là một gã tiện dân”. Nói đến đây thì hắn tuốt kiếm ra còn tôi cũng thế.
– Đến đường thứ ba thì mình đã biết thế nào là vô học chưa?
– Hắn ngã mà lại làm bắn máu vào cả người tôi.
– Thế ít ra thì mình cũng giúp đỡ ông ta chứ?
– Tôi đang định giúp thì lại có một kỵ mã phóng qua. Ô, quận chúa ạ, lần này thì tôi tin chắc là De Mole. Không may là ngựa lại phóng nước đại. Tôi chạy theo ngựa còn những kẻ tụ tập để xem tôi đánh nhau thì lại chạy đuổi theo tôi. Vì sợ người ta có thể tưởng tôi là một kẻ cướp đang bị cả đám cùng đinh ấy cứ hét lên sát gót nên tôi buộc phải quay lại để đuổi lũ chúng đi, thế nên bị mất thì giờ. Trong lúc đó thì anh chàng kỵ mã biến mất. Tôi đuổi theo hắn, tôi hỏi thăm, tôi tìm kiếm, tả cả màu ngựa hắn, thế mà mẹ kiếp, chẳng ai để ý đến hắn cả. Cuối cùng chán quá tôi mới về đây.
– Chán quá mới về! – Quận chúa nhiếc – Tử tế quá nhỉ!
– Nghe đây này, bà bạn thân mến – Coconnas vừa nói vừa uể oải ngả mình trong chiếc ghế phô-tơi – Mình lại sắp sửa hành hạ tôi về chuyện cái anh chàng De Mole tội nghiệp ấy đấy. Này, mình nhầm rồi, vì tình bạn ấy mà… Mình hiểu không… ước gì tôi có cái đầu óc khôn ngoan thông thái của ông bạn tội nghiệp ấy nhỉ, được thế thì tôi đã tìm ra vài ví dụ cho mình hiểu rõ ý tôi.Tình bạn, mình biết không… giống như một ngôi sao, còn tình yêu… tình yêu thì… thôi, tôi tìm được ví dụ rồi… tình yêu chỉ là một ngọn nến. Chắc mình sẽ bảo tôi là có nhiều loại lắm chứ gì…
– Loại tình yêu ấy à?
– Không! Loại nến cơ, trong số đó có những loại được ưa chuộng: hồng lạp chẳng hạn, loại tốt nhất rồi đấy, thế nhưng dù có hồng lạp chăng nữa, nến vẫn cứ mòn lụi dần, còn ngôi sao thì sáng mãi mãi. Rồi chắc mình lại sẽ bảo tôi rằng khi nến tàn thì ta lại thay ngọn khác vào giá cắm…
– Ông de Coconnas, ông là đồ huênh hoang.
– Đấy!
– Ông de Coconnas, ông là đồ lếu láo.
– Đấy lại thế!
– Ông de Coconnas, ông thật kỳ cục!
– Thưa phu nhân, tôi xin báo trước là bà sắp làm tôi càng thêm thương tiếc De Mole đấy.
– Mình không yêu tôi nữa.
– Ngược lại thì có quận chúa ạ, mình không hiểu gì cả, tôi tôn thờ mình. Tôi có thể yêu mình, chiều mình, tôn thờ mình nhưng những lúc rãnh rổi, nhàn hạ và cảm thấy mình bơ vơ tôi cũng có thể ca ngợi bạn tôi được chứ.
– Minh bảo những lúc ở bên tôi là lúc mình cảm thấy bơ vơ à?
– Chớ mình bảo tôi làm gì nào? Không hiểu tại sao được cái anh chàng De Mole tội nghiệp ấy lúc nào cũng lởn vởn trong trí óc tôi.
– Mình yêu ông ta hơn tôi, quá thể lắm! Này Anibal, tôi ghét mình lắm! Cứ nói thẳng ra là mình thích ông ta hơn tôi đi xem nào! Anibal, tôi báo trước cho mình biết, nếu mình thích ai trên đời này hơn tôi thì…
– Ôi Henriette mình là người xinh đẹp nhất trong những nàng quận chúa! Hãy tin tôi, muốn được yên tâm thì đừng có hỏi tôi những câu khó khăn đó nữa nhé. Trong những người đàn bà thì tôi yêu mình nhất, nhưng tôi cũng quý De Mole hơn hết thảy những người đàn ông.
– Trả lời khá lắm! – Đột nhiên một giọng nói lạ vang lên.
Tấm thảm gấm Damas được vén lên trước một mảnh vách gỗ lớn trượt trong bề dày bức tường để lộ ra một lối đi thông giữa hai khu phòng, de Mole đứng giữa cửa đó nom tựa như một bức hoạ tuyệt vời của Titien lồng trong khung mạ vàng.
– De Mole! – Coconnas kêu lên, không để ý gì đến Marguerite và cũng chẳng bận tâm tới việc cảm ơn nàng đã dành cho chàng sự bất ngờ này -Bằng một sự vui mừng – Ôi! De Mole, ông bạn thân yêu ơi!
Và chàng lao vào vòng tay bạn, lật đổ cả chiếc ghế phô-tơi chàng đang ngồi và chiếc bàn ngăn giữa chàng và bạn.
De Mole cũng hào hứng ôm lấy bạn, nhưng vừa siết chặt tay bạn chàng vừa nói với phu nhân de Nervers:
– Xin phu nhân tha lỗi cho nếu như tên tôi được nhắc tới đôi khi lại làm xáo động cái tổ uyên ương dễ thương của các bạn, chắc chắn là – Chàng vừa nói vừa đưa mắt nhìn Marguerite âu yếm khôn xiết tả – Chẳng phải chỉ có tôi mà quyết định được việc tôi gặp lại các bạn sớm hơn.
– Cậu thấy chưa, Henriette? – Marguerite nói với phu nhân de Nervers – Mình đã giữ lời đấy nhé.
– Có phải chỉ do phu nhân quận chúa cầu xin mà tôi có được niềm hạnh phúc này không? – De Mole hỏi.
– Chỉ do phu nhân van nài tôi mà thôi – Marguerite đáp.
Rồi nàng quay về phía De Mole tiếp:
– Tôi cho phép mình không phải tin một lời nào trong những bí mật vừa nói.
Trong khi đó, Coconnas đã ôm hôn bạn có tới mươi bận, lượn quanh De Mole tới hai chục lần và mang hẳn một cây đèn nến tới tận gương mặt bạn để nhìn cho thoả, rồi chàng quỳ trước Marguerite và cúi hôn gấu áo nàng.
– À may mắn thật đấy – Quận chúa de Nervers nói – Bây giờ mình sắp sửa thấy tôi dễ chịu hơn đấy.
– Quái chưa – Coconnas thốt lên – Vẫn như mọi khi tôi vẫn thấy mình là đáng tôn thờ. Tuy nhiên, giờ thì tôi sẵn lòng nói ra điều đó với mình hơn, ước gì có đô ba chục thằng Ba Lan Sarmate và những đồ mọi rợ phương Bắc khác để tôi bắt chúng phải thừa nhận mình là bà hoàng của mọi người đẹp.
– Này, từ từ chứ, Coconnas, thế còn lệnh bà Marguerite thì sao? – De Mole hỏi.
– Ồ, mình có chối đâu – Coconnas thốt lên với giọng nói bông đùa chỉ chàng mới có – Phu nhân Henriette là bà hoàng của mọi người đẹp, còn lệnh bà Marguerite là người đẹp nhất trong mọi bà hoàng.
Dù nói hoặc làm gì đi nữa Coconnas vẫn hết sức vui mừng vì tìm thấy bạn, chàng chỉ nhìn có De Mole.
– Thôi thôi, đi nào bà hoàng xinh đẹp – Phu nhân de Nervers nói – Để mặc cho đôi keo sơn này trò chuyện với nhau một tiếng xem nào. Họ có vô số chuyện kể cho nhau nghe rồi lại làm ngắt lời bọn mình mất thôi. Đối với chúng mình thì khó chịu thật đấy, nhưng mình xin báo cho cậu biết là chỉ có thế mới làm cho ông Anibal ăn ngon ngủ yên được thôi. Giúp mình việc này nhé, hoàng hậu ơi, mình thật ngớ ngẩn mới đi yêu cái gương mặt xấu xí đó, như ông bạn de Mole của anh chàng vẫn nói.
Marguerite khẽ rỉ tai vài lời với De Mole, còn De Mole thì dù có thiết tha gặp lại bạn đến mức nào đi chăng nữa, cũng ước gì cho tình cảm của Coconnas bởi phần đòi hỏi hơn… Trong khi đó Coconnas ra sức phản kháng để cố làm cho Henriette mỉm cười thực sự và nói một lời ngọt ngào với chàng. Chàng đạt được kết quả không khó khăn gì.
Hai phu nhân qua phòng bên, nơi bữa tối đang chờ đợi họ.
Hai người bạn chỉ còn lại một mình.
Dễ hiểu được là những chi tiết đầu tiên Coconnas hỏi bạn về buổi tối định mệnh đã khiến bạn suýt bỏ mạng. De Mole càng kể thì anh chàng Piémontais lại càng rùng mình sởn gáy, mặc dù ta đã biết chàng không phải là người dễ bị xúc động.
– Thế tại sao cậu không đến trốn ở chỗ quận công của chúng ta, có hơn là chạy rông ngoài đồng mà lại khiến mình lo lắng không? Quận công đã bảo vệ cậu thì cũng có thể che giấu cậu được lắm chữ. Và thế là mình lẽ ra đã có thể ở gần cậu, nỗi buộn dù là giả hiệu của mình cũng sẽ lừa được lũ ngu ở triều đình.
– Chúa của chúng ta, quận công d Alençon ấy à? – De Mole hạ giọng hỏi.
– Ừ. Theo những điều ông ta nói với mình thì mình tưởng rằng chính ông ta đã cứu cậu.
– Vua Navarre đã cứu mình – De Mole đáp.
– Ô hô! Cậu có chắc không?
– Như đinh đóng cột.
– A, thật là một ông vua hiền, vua tốt! Thế còn quận công d Alençon, ông ta dính líu gì vào đấy?
– Ông ta cầm một sợi dây để thắt cổ mình.
– Mẹ kiếp! Cậu có chắc những điều cậu vừa nói không đấy, de Mole? Sao cái gã hoàng tử xanh xao, đồ chó rách cù rù ấy mà dám vặn cổ bạn mình cơ à? A, mẹ kiếp! Ngày mai mình sẽ nói cho hắn biết mình nghĩ gì về hành động ấy của hắn.
– Cậu điên à?
– Ừ nhỉ, hắn sẽ lại tái diễn cái trò ấy… Những mặc kệ không thể để như thế được!
– Thôi thôi nào, Coconnas, bình tĩnh lại đi! Cậu đừng quên là chuông mười một giờ rưỡi vừa điểm rồi đấy và tối nay cậu phải trực.
– Mình chẳng muốn thèm lo đến việc trực nữa ! A, được, cho hắn chờ mình trực. Mình trực! Mình lại đi phục vụ cái thằng cha cầm dây thòng lọng ấy à? Cậu đùa ấy hẳn? Không! Số mệnh đã định là mình gặp lại cậu và chẳng rời cậu nữa. Mình ở lại đây.
– Này khỉ ạ, nghĩ kỹ đi, cậu không say đấy chứ?
– May quá là không. Nếu mình say mình chắc sẽ châm lửa đốt cả cung Louvre cho coi.
– Thôi nào Anibal, biết điều đi chứ. Quay lại đấy đi, việc trực là việc nghiêm túc.
– Thế cậu có quay lại đấy với mình không?
– Không thể được.
– Thế họ còn định giết cậu nữa không?
– Mình nghĩ là không. Chức phận mình nhỏ nhoi quá nên người ta chẳng thể có được một mưu đồ liên tục và dứt khoát chống lại mình được. Nhân lúc nổi ý ngông, người ta định giết mình, có thế thôi. Chả là mấy ông hoàng tối hôm ấy đang hứng chí mà.
– Thế cậu định làm gì?
– Mình ấy à, chẳng làm gì cả, mình lượn lờ, mình dạo chơi.
– Thế thì mình cũng đi dạo như cậu, mình lang thang cùng với cậu. Cảnh ấy mới dễ chịu. Với lại nếu người ta định đánh cậu thì chúng mình những hai thằng sẽ gây khó dễ cho chúng.
– Ái chà cho hắn cứ đến đây, cái thằng quận công dòi bọ nhà cậu! Mình sẽ đính hắn vào tường như bướm cho coi!
– Nhưng ít ra thì cậu cũng xin phép ông ta đi.
– Ừ xin phép nghỉ mãi mãi.
– Nếu vậy thì báo cho ông ta biết là cậu rời bỏ ông ta chứ.
– Chính thế. Mình nhất trí, mình sẽ viết thư cho hắn.
– Viết thư cho ông ta, nhanh thế à, ai lại viết thư cho một ông hoàng huyết thống bao giờ.
– Huyết thống! Máu à? Có mà máu của bạn mình ấy thì có!
– Này cậu coi chừng đấy – Coconnas vừa thốt lên vừa đảo đôi mắt tròn đầy vẻ bi ai của chàng – Cẩn thận không có rồi mình lại đùa với những cái trò nghi thức ấy cho coi!
“Quả thực là vài ngày nữa hắn chẳng cần ông hoàng lẫn ai khác nữa – De Mole tự nhủ – Nếu hắn định đi với chúng mình, thì mình sẽ đưa hắn đi”.
Thấy bạn chẳng phản đối nữa, Coconnas vơ lấy bút và lưu loát thảo ngay bức thư hùng hồn mà chúng ta sắp đọc dưới đây:
“Thưa điện hạ, Vốn giỏi về các tác giaảcổ đại, đức điện hạ chẳng thể không biết câu chuyện cảm động về d Oreste và Pilade, hai nhân vật nổi tiếng vì những điều bất hạnh và vì tình bạn của họ. Ông bạn De Mole của tôi cũng không kém phần bất hạnh hơn Oreste còn tôi cũng chẳng phải không có lòng với bạn họn Pilade. Lúc này đây, ông ta đang có những mối bận rộn lớn lao đòi hỏi tôi phải giúp đỡ. Vậy nên tôi không thể rời ông ta được. Điều đó khiến cho, tuy không có sự đồng ý của điện hạ, tôi vẫn xin nghỉ một thời gian, vì tôi đã quyết gắn bó mình với số phận của bạn tôi dù cho số phận đó dẫn dắt tôi tới đâu chăng nữa. Vậy xin trình bày để điện hạ hiểu cho điều đã lôi kéo tôi ra khỏi hàng thuộc hạ của Người có sức mạnh tới mức độ nào, và vì thế tôi hy vọng được điện hạ lượng thứ và xin vẫn được cung kính xưng rằng tôi là kẻ tôi tớ rất khiêm nhường và dễ bảo của đức ông điện hạ.
Anibal, bá tước de Coconnas, bạn chí thân của ông de Mole”.
Hoàn thành xong tuyệt tác. Coconnas bèn đọc to lên. De Mole nghe chỉ nhún vai.
– Thế nào, cậu bảo sao? – Coconnas không nhìn thấy hoặc giả vờ không nhìn thấy động tác đó hỏi.
– Mình bảo rằng ông d Alençon sẽ giễu chúng ta.
– Giễu chúng mình ấy à?
– Cả hai đứa.
– Mình thấy thế còn hơn là hắn vặn cổ từng đứa một.
– Chậc – De Mole cười đáp – Việc này cũng chẳng cản việc kia lắm đâu.
– Này, mặc kệ, cái gì phải đến rồi sẽ đến. Sớm mai mình gửi thư đi.
– Ra khỏi đây thì bọn mình đi đâu?
– Đến nhà bác La Hurière. Trong cái phòng nhỏ mà cậu biết đấy, cái hồi chúng mình còn chưa là d Oreste và Pilade, cậu đã định đâm mình ở đấy đấy.
– Được thế thì mình sẽ bắt tay chủ quán đem thư đi.
Lúc đó tấm vách tường mở ra.
– Thế nào, d Orestevà Pilade đâu rồi? – Cả hai quận chúa đồng thanh hỏi.
– Trời đất ơi, thưa lệnh bà – Coconnas đáp – d Orestevà Pilade đang chết mòn mỏi, vì đói và vì tình yêu đấy.
Và sáng hôm sau, vào khoảng chín giờ quả đúng là bác cả La Hurière mang bức thư đầy lễ độ của thầy Anibal de Coconnas tới Louvre.
Chú thích:
(1) Hai nhân vật trong thần thoại Hy Lạp nổi tiếng về tình bạn (N.D).
(2) Theo thần thoại Hy Lạp đó là họ nhà vua Agamemtông, đã từng xảy ra nhiều vụ chém giết lẫn nhau (N.D)
(3) Ý nói “bên ban công”.