Quán trọ tinh tú
Hai giờ sau sự kiện chúng tôi vừa kể, nó đã chẳng còn để lại dấu tích gì ngay cả trên gương mặt Catherine. Phu nhân de Sauve làm xong việc ở cung Thái hậu, quay về nhà mình. Theo sau bà là Henri. Khi ông biết Orthon tới theo lời Dariole, ông đi tới chỗ chiếc gương và lấy bức thư ra.
Như chúng ta đã biết, bức thư nội dung như sau:
“Tối nay, đến quán Tinh tú phố Arbresec vào lúc mười giờ. Nếu đến, xin đừng trả lời, nếu không đến, hãy bảo người cầm thư là KHÔNG”.
Ngoài ra chẳng có ghi chú gì hết.
“Henri chắc sẽ đến chỗ hẹn – Catherine tự nhủ – Vì dù hắn có muốn không đi chăng nữa thì bây giờ cũng chẳng tìm ra người đưa thư để bảo không”.
Về điểm này Catherine không nhầm. Henri hỏi thăm Orthon, d Alençon đáp rằng cậu bé đi ra cùng Thái hậu. Vì Henri thấy bức thư nằm nguyên chỗ và ông biết cậu bé không thể phản bội ông được nên ông không hề lo lắng.
Theo thường lệ, ông ăn tối với đức vua. Ông này ra sức chế giễu Henri vì những vụng về trong cuộc săn bắn chim ưng buổi sáng. Henri tạ lại rằng ông ta là người vùng núi chứ không phải người đồng bằng và hứa với Charles sẽ học thuật săn chim.
Catherine thật dễ thương, khi rời bàn ăn, bà yêu cầu Marguerite tới chơi với bà cả buổi tối.
Tới tám giờ, Henri chọn hai quý tộc đi cùng họ ra cửa ô Saint-Honoré, vòng vèo hồi lâu, quay trở về Tháp Gỗ, qua sông Seine tới nhà Nesle, lên tới tận phố Saint-Jacques rồi ông cho họ lui tựa như thể ông đang có chuyện tình duyên gì ở đâu đây.
Tới góc phố Mathurins, gặp một người đi ngựa quấn mình trong áo choàng ông bèn tiến lại gần người đó.
– Nantes – Người đó nói.
– Pau – Nhà vua đáp.
Tức thì người đàn ông xuống ngựa, Henri quấn chiếc áo choàng bùn đất bám lên người và trèo lên con ngựa vẫn còn bốc hơi mồ hôi rồi quay lại phố L Harpe. Anh qua cầu Saint-Michel, qua phố Barthélémy, lại qua sông lần nữa bằng lối Pont-Aux-Meuniers, ông đi dọc theo ven bờ sông, đến phố Arbre sec và gõ cửa nhà bác quán La Hurière.
De Mole đang ở trong căn phòng mà chúng ta đã biết và đang viết một bức thư tình dài cho người mà chắc các bạn cũng đoán ra.
Coconnas đang ở trong bếp với La Hurière ngắm sáu con chim đa đa đang quay trên lò và bàn cãi với ông bạn chủ quán về độ chín thích hợp của lũ chim để lôi chúng ra lò.
Chính lúc đó Henri gõ cửa. Grégoire ra mở và dẫn ngựa vào tàu, còn người khách lữ hành vừa bước vào vừa nện ủng lộp bộp xuống sàn nhà tựa như muốn giãn gân giãn cốt.
– Này, bác La Hurière – De Mole vừa viết thư vừa nói – Có nhà quý tộc đang hỏi bác đây.
La Hurière tiến ra, xoi mói nhìn Henri từ đầu tới chân, rồi chừng như chiếc áo choàng bằng da thô của khách không khiến bác chẳng vị nể mấy, bác hỏi:
– Ông là ai?
– Này, mẹ kiếp! – Henri vừa nói vừa trỏ tay vào De Mole – Ông đây chẳng vừa nói với anh là gì, ta là một nhà quý tộc xứ Gasconge, ta đến Paris để tham gia việc triều đình.
– Ông muốn gì?
– Một phòng trọ và một bữa ăn.
– Hừm – La Hurière dợm giọng – Ông có đầy tớ không?
Chúng ta đã biết đây là câu hỏi quen thuộc của các chủ quán.
– Không – Henri đáp – Nhưng ta sẽ lấy người hầu ngay khi nào ta gặp vận.
– Tôi không cho thuê phòng chủ không kèm phòng đầy tớ.
– Thế nếu ta đồng ý trả anh một đồng tiền vàng cho bữa ăn tối thì sao? Ngày mai chúng ta sẽ thanh toán lại với nhau.
– Ô hô! Ông rộng rãi quá đấy, ông quý tộc ạ! – La Hurière nghi ngờ nhìn Henri.
– Không đâu. Nhưng vì ta định là sẽ nghỉ tối và đêm nay ở quán trọ nhà anh, do có vị lãnh chúa xứ ta đang ở đây đã hết lòng giới thiệu, nên ta đã có hẹn một người bạn tới ăn tối cùng ta. Anh có rượu Arbois ngon không?
– Tôi có loại mà chính gã vua người xứ Bearn cũng chẳng được uống ngon hơn thế.
– Được lắm, ta xin trả riêng món đó. A, hay quá, bạn ta đây rồi!
Quả thực, cửa vừa mở ra, một nhà quý tộc nom già dặn hơn người trước độ vài ba tuổi bước vào, bên hông kéo lê một thanh kiếm nhọn dài ngoằng.
– A ha! – Ông ta nói – Ông đúng giờ nhỉ, ông bạn trẻ. Đối với người vừa phi hai trăm dặm xong, đến đúng từng phút một quả là tốt.
– Khách quen của ông đấy à? – Chủ quán hỏi.
– Ừ – Người quý tộc thứ nhất vừa nói vừa bắt tay người đeo kiếm mới tới – Dọn cho bọn ta ăn tối đi.
– Dọn ở đây hay ở trong phòng ông?
– Đâu cũng được.
– Chủ quán – De Mole gọi – Dẹp cho bọn ta mấy cái mặt Tân giáo ấy đi, trước mặt họ Coconnas và ta không thể bàn chuyện riêng được.
– Dọn bữa rồi trong phòng số 2, tầng ba – La Hurière gọi – Xin mới các ngài lên.
Hai lữ hành đi theo Grégoire, gã này đi trước và soi đường cho họ.
De Mole nhìn theo cho tới khi họ khuất bóng. Khi quay lại chàng thấy Coconnas đang thò đầu ra khỏi nhà bếp. Mắt mũi chàng mở tròn khiến chàng có vẻ kinh ngạc vô cùng.
De Mole tiến lại gần bạn.
– Mẹ kiếp, cậu có thấy không đấy? – Coconnas hỏi.
– Thấy gì?
– Hai gã quý tộc ấy?
– Thì sao?
– Mình dám thề rằng đó là…
– Ai cơ?
– Đức vua Navarre và cái gã mặc áo măng-tô màu đỏ chứ còn gì nữa.
– Ừ thì thế cũng được, nhưng đừng nói to quá.
– Vậy cậu cũng nhận ra họ à?
– Đã hẳn rồi.
– Họ đến đây làm gì?
– Chắc lại chuyện yêu đương gì đó.
– Cậu tưởng thế à?
– Mình tin chắc đấy.
– De Mole này, mình thích những nhát kiếm đâm còn hơn những chuyện yêu đương kiểu này. Ban nãy mình định thế, nhưng bây giờ thì mình xin đánh cuộc đấy.
– Cậu cuộc chuyện gì chứ?
– Đây hẳn là một vụ âm mưu.
– Ồ cậu điên rồi.
– Mình xin bảo với cậu rằng…
– Mình cũng xin bảo cho cậu rằng họ định âm mưu gì thì đấy là việc của họ.
– À ừ nhỉ – Coconnas nói – Mình không còn là người của ông d Alençon nữa, mặc kệ họ xoay xở với nhau.
Và bỡi vì lũ chim đa đa có vẻ đến đúng cái độ chín mà Coconnas ưa thích, chàng gọi chủ quán để lôi chúng ra khỏi lò vì chàng định dành chúng làm phần ngon nhất cho bữa tối của chàng.
Trong khi đó, Henri và de Mouy yên vị trong phòng.
– Sao, thưa bệ hạ – De Mouy nói sau khi Grégoire đã dọn bàn xong – Người đã gặp Orthon chưa?
– Chưa, nhưng ta đã lấy bức thư thằng bé để ở chỗ gương. Ta đoán Orthon sợ vì lúc nó đang ở đấy thì Thái hậu đến và nó phải bỏ đi không chờ ta được. Có lúc ta cũng hơi lo vì d Alençon bảo rằng Thái hậu nói chuyện với nó lâu lắm.
– Ồ, không có gì nguy hiểm đâu, thằng bé khôn lắm. Dù Thái hậu có biết nó làm việc gì, tôi tin chắc bà ta sẽ rối tính rối mù lên với nó thôi.
– Thế anh có gặp lại nó không de Mouy? – Henri hỏi.
– Không, nhưng tối nay tôi sẽ gặp nó. Tới nửa đêm, nó phải đến đây đón tôi với một khẩu súng miệng loe. Nó sẽ kể chuyện lại trong lúc chúng tôi đi đường.
– Thế còn cái người đứng ở góc đường Mathurins thì sao?
– Người nào ạ?
– Người mà ta đã lấy áo choàng và ngựa ấy, người có tin chắc vào hắn không?
– Đó là một trong những người tận tụy nhất của chúng ta đấy Vả lại hắn không biết hoàng thượng, hắn cũng chẳng biết hắn giao áo, giao ngựa cho ai nữa kia.
– Vậy chúng ta giờ có thể yên ổn bàn việc chứ?
– Tất nhiên là thế, thưa bệ hạ. Còn có cả De Mole canh chừng nữa mà.
– Càng tốt.
– Thưa bệ hạ, vậy ý ông d Alençon thế nào?
– De Mouy ạ, ông d Alençon không muốn ra đi nữa. Ông ta đã giải thích rõ ràng về việc này rồi. Việc bầu quận công d Anjou lên ngai vàng Ba Lan và cơn khó ở của đức vua khiến mọi ý đồ của ông ta đều thay đổi.
– Vậy ra chính ông ta đã làm hỏng cả kế hoạch của chúng ta.
– Chính vậy.
– Thế là ông ta phản lại chúng ta ư?
– Chưa đâu. Nhưng ông ta sẽ phản bội chúng ta ngay khi có dịp.
– Đồ hèn hạ! Thâm hiểm thật! Tại sao y không trả lời những thư tôi viết cho y?
– Để có bằng chứng và không phải trao bằng chứng cho kẻ khác. Vậy là hỏng hết rồi sao de Mouy?
– Tâu bệ hạ, ngược lại, mọi việc đều tốt đẹp. Bệ hạ hẳn biết rằng toàn bộ phe ta, trừ nhóm ông hoàng Condé ra, đều ủng hộ bệ hạ và làm ra vẻ như có liên lạc với quận công chỉ để sử dụng ông ta làm bia đỡ mà thôỉ. Thế này, từ hôm có lễ triều kiến đến giờ, tôi đã móc nối lại tất cả về cho bệ hạ. Nếu trước đây chỉ cần trăm người là bệ hạ và quận công d Alençon có thể trốn đi được thì nay tôi đã chiêu tập được ngàn rưởi người.
Trong vòng tám ngày nữa họ sẽ sẵn sàng và được rải đều ra trên đường từ đây đi Pau. Đây không phải là một cuộc đi trốn nữa mà là một cuộc rút lui. Tâu bệ hạ, ngàn rưởi người bệ hạ thấy có đủ không? Bệ hạ thấy với một đội quân như vậy đã an toàn chưa?
Henri mỉm cười vỗ vai de Mouy:
– Người biết đấy, de Mouy và người là kẻ duy nhất biết điều đó, vua Navarre bản chất không phải để run sợ như người ta tưởng đâu.
– Ồ, lạy Chúa, tôi biết lắm chứ, tâu bệ hạ! Và tôi hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa cả nước Pháp sẽ biết điều đó.
– Nhưng khi ta bàn định mưu kế thì cần phải thành công.
Điều kiện đầu tiên của thành công là tính quyết định, và để quyết định được nhanh chóng, dứt khoát, có hiệu quả, cần phải tin chắc rằng ta sẽ thành công.
– Thế này, tâu bệ hạ, những ngày nào thì có các cuộc săn?
– Cứ tám hay mười ngày lại có một cuộc, hoặc săn đuổi hoặc săn bằng chim ưng.
– Lần cuối cùng là vào bao giờ?
– Chính hôm nay đây.
– Vậy là trong tám hoặc mười ngày nữa, lại có cuộc săn khác phải không?
– Chắc thế đấy, có khi lại còn sớm hơn thế là đằng khác.
– Xin bệ hạ hãy nghe tôi: hiện nay tôi thấy hình như có vẻ hoàn toàn yên tĩnh. Quận công d Anjou đi rồi, người ta không nghĩ tới ông ta nữa. Đức vua ngày càng bình phục dần sau cơn khó ở. Việc săn lùng truy bắt chúng ta gần như là đã chấm dứt. Xin bệ hạ hãy tỏ ra ân cần với Thái hậu, với quận công d Alençon. Bệ hạ hãy nói với ông ta rằng Người không thể ra đi không có ông ta. Hãy cố làm cho ông ta tin, đó là điều khó nhất.
– Người cứ yên lòng, hắn sẽ tin.
– Bệ hạ nghĩ ông ta tin bệ hạ đến thế kia ư?
– Không đâu, Chúa tha tội cho ta! Nhưng y tin tất cả những điều hoàng hậu nói với y.
– Thế hoàng hậu theo ta thật lòng chứ ạ?
– Ồ, ta có bằng chứng đây. Vả lại, bà ta nhiều tham vọng, và cái vòng vương miện Navarre còn thiếu trên vầng trán ấy làm bà ta cứ sôi lên.
– Thế thì ba ngày trước cuộc săn tới đây, xin hãy thông báo cho tôi biết nơi săn: ở Bondy, ở Saint-Germain hay ở Rambouilliet.
Xin hãy nói thêm xem bệ hạ đã sẵn sàng hay chưa, và khi bệ hạ thấy ông de Mole thúc ngựa chạy qua trước bệ hạ thì xin bệ hạ hãy thúc ngựa thật hăng mà theo ông ta. Khi nào ra khỏi rừng rồi, nếu Thái hậu muốn tóm được bệ hạ thì chắc bà ta phải đuổi theo sau bệ hạ, tuy vậy, tôi mong là những con ngựa xứ Normandie của bà ta sẽ không bén gót được lũ ngựa chiến xứ Barbari và đàn ngựa nhỏ xứ Tây Ban Nha của chúng ta.
– Được rồi, de Mouy.
– Bệ hạ có tiền không?
Henri nhăn mặt như ông vẫn nhăn suốt đời mỗi khi người ta đặt câu hỏi đó ra với ông.
– Không nhiều lắm đâu, nhưng ta tin Margot có đấy.
– Dù là tiền của bệ hạ hay hoàng hậu, xin hãy đem theo càng nhiều càng tốt.
– Trong khi chờ đợi thì người định làm gì?
– Sau khi tôi đã lo công việc của bệ hạ một cách khá tích cực như bệ hạ thấy đấy, liệu bệ hạ có rộng lòng cho phép tôi lo một chút đến công việc của tôi được không?
– Cứ làm đi de Mouy ạ, nhưng việc của người là việc gì?
– Xin bệ hạ hãy nghe tôi, Orthon có nói với tôi, mà thằng bé thông minh lắm, tôi xin bệ hạ lưu tâm đến nó. Hôm qua nó có nói với tôi là nó gặp cái thằng ăn cướp Maurevel ở gần Arsenal. Nhờ công chăm sóc của René, hắn đã khỏi rồi và đang sưởi nắng như cái đồ rắn rết vậy.
– À ừ, ta hiểu rồi.
– Bệ hạ đã hiểu rồi, tốt lắm. Có ngày bệ hạ sẽ là vua trị vì, và nếu bệ hạ có một vài vụ trả thù như kiểu của tôi, bệ hạ sẽ trả thù theo kiểu vua chúa. Tôi là lính, tôi phải trả thù theo kiểu lính. Khi nào những việc lặt vặt của chúng ta được thu xếp xong xuôi, trong lúc đó cái tên kẻ cướp ấy còn được nghỉ ngơi năm sáu ngảy nữa, khi ấy tôi mới đi một vòng qua phía Axcơnan, tôi sẽ dùng bốn nhát kiếm đóng đinh hắn xuống bờ cỏ rồi tôi mới yên lòng rời khỏi Paris.
– Cứ làm việc riêng đi, anh bạn ạ – Henri đáp – À mà này người bằng lòng về De Mole chứ?
– A, tâu bệ hạ, thật là một chàng trai dễ thương hết lòng tận tụy với bệ hạ, can đảm nữa… Bệ hạ có thể tin cậy vào ông ta như tin cậy vào chính tôi.
Và nhất là ông ta lại kín miệng nữa, de Mouy ạ. Vì vậy ông ta sẽ theo chúng ta về Navarre. Khi nào tới nơi chúng ta sẽ kiếm cách để thưởng cho ông ta.
Henri đang vừa nói những lời đó vừa mỉm một nụ cười láu lỉnh thì chợt cửa bật mở tung, người đang được ngợi khen hiện ra, mặt tái mét đầy kích động.
– Tâu bệ hạ, có biến – De Mole kêu lên – Nhà bị vây rồi!
– Bị vây rồt! – Henri thốt lên – Ai vậy?
– Vệ binh của nhà vua.
– Ô hô! – De Mouy vừa nói vừa rút súng ra – Hình như đánh nhau thì phải.
– À không – De Mole nói – Súng đạn với nhau mà làm gì? Ông làm sao có thể chống lại được năm mươi người?
– Ông ta nói đúng đấy – Henri bàn – Nếu có cách nào rút lui được…
– Có một cách mà tôi biết, nếu bệ hạ sẵn lòng theo tôi thì…
– Còn de Mouy thì sao?
– Nếu ông de Mouy muốn thì theo tôi cũng được nhưng chỉ xin cả hai vị gấp gấp lên cho.
Người ta nghe thấy tiếng bước chân trên cầu thang.
– Muộn mất rồi – Henri kêu.
– Ôi giá mà giữ chân chúng lại được chừng dăm phút – De Mole thốt lên – Tôi xin đảm bảo cứu được hoàng thượng.
– Vậy xin ông hãy đảm bảo cho hoàng thượng – De Mouy đáp – Tôi xin lo việc giữ chân chúng lại. Xin bệ hạ hãy đi đi.
– Nhưng người định làm thế nào?
– Xin bệ hạ đừng lo ngại, hãy đi đi.
Và de Mouy bắt đầu cất bớt cốc, khăn ăn, chén để khiến người ta có thể tưởng rằng chàng ngồi ăn một mình.
– Xin bệ hạ theo tôi – De Mole vừa kêu lên vừa kéo tay nhà vua lôi tới cầu thang.
– Ôi de Mouy, de Mouy can đảm của ta! – Henri vừa thốt lên vừa chìa tay cho chàng trai.
De Mouy cúi hôn bàn tay ấy, đẩy Henri ra khỏi phòng và cài chốt cửa lại sau lưng Henri.
– Thôi ta hiểu rồi – Henri than – Hắn sẽ để cho bị bắt trong khi chúng ta chạy trốn. Nhưng kẻ nào có thể phản chúng ta thế nhỉ?
– Xin bệ hạ đi thôi, chúng lên đấy.
Quả thực ánh đuốc bắt đầu leo lên dọc chiếc cầu thang nhỏ hẹp, còn dưới chân cầu thang người ta nghe như có tiếng binh khí chạm nhau.
– Nhanh lên, thưa bệ hạ! – De Mole giục.
Trong bóng tối, chàng dẫn vua Navarre lên hai tầng gác nữa, đẩy cửa một căn phòng để cả hai người vào rồi cài chốt lại, rồi chàng tới mở cửa sổ một căn buồng nhỏ và hỏi:
– Thưa bệ hạ, người có ngại những cuộc đi dạo trên mái nhà lắm không?
– Ta ấy à? Thợ săn hươu núi ai lại sợ chuyện đó!
– Vậy xin bệ hạ theo tôi. Tôi biết đường và xin dẫn Người đi.
– Đi thôi, ta theo ông đây.
De Mole trèo qua trước tiên. Chàng đi theo một cái bờ gạch trải rộng dùng làm máng nước, cuối máng nước là một cái rãnh hẻm do hai mái nhà châu vào nhau tạo thành. Phía trên rãnh là một khung cửa tầng áp mái không có cửa dẫn vào một buồng kho không người ở.
– Tâu bệ hạ, chúng ta đến nơi rồi đấy.
– A ha! Càng tốt – Henri đáp.
Và ông đưa tay chùi vầng trán tái nhợt lấm tấm mồ hôi.
– Bây giờ mọi việc dễ dàng thôi. Buồng kho này có lối đi ra cầu thang. Cầu thang lại thông với một lối đi, lối đi dẫn ra phố. Thưa bệ hạ, tôi đã đi cũng con đường này vào một đêm còn khủng khiếp hơn thế này nhiều.
– Nảo, đi tiếp thôi – Henri đáp.
De Mole là người đầu tiên trườn qua cánh cửa toang hoác, tới mở cánh cửa ra vào khép hờ và thế là chàng đã đứng phía trên một chiếc cầu thang xoáy. Chàng đặt tay nhà vua vào sợi dây dùng làm tay vịn và nói:
– Xin bệ hạ theo tôi.
Tới lưng chừng cầu thang Henri dừng lại. Ông đi ngang qua một cánh cửa sổ trông xuống sân quán Tinh tú. Trên cầu thang đối diện, người ta thấy có binh lính đang chạy, kẻ cầm kiếm, người cầm đuốc.
Đột nhiên vua Navarre thấy de Mouy xuất hiện giữa một nhóm người. Chàng đã nộp kiếm và thản nhiên đi xuống.
– Tội nghiệp Mouy! – Henri nói – Thật là một tấm lòng can đảm và tận tụy!
– Thế chứ, tâu bệ hạ, không biết thánh thượng có nhận thấy ông ta có vẻ rất bình tĩnh không? Đấy, thậm chí ông ta lại còn cười nữa! Chắc ông ta đang rắp tâm giở một ngón gì vì như bệ hạ biết đấy, ông ta ít khi cười lắm.
– Thế còn chàng trai lúc nãy đứng với ông thì ra sao rồi?
– Ông de Coconnas ấy ạ?
– Ừ, ông de Coconnas, ông ta đi đâu rồi?
– Ồ, tâu bệ hạ, tôi không lo ngại gì cho ông ta. Thấy lính đến, ông ta chỉ hỏi tôi độc có một câu:- Ta có liều cái gì không đây?
– Mạng mình chứ còn gì – Tôi có trả lời lại ông ta như thế.
– Thế cậu có thoát thân được không?
– Mình mong rằng thế.
– Thế thì mình cũng vậy.
– Tôi xin thề với bệ hạ rằng ông ta sẽ thoát. Người ta mà bắt được de Coconnas thì đó chẳng qua chính là ông ta muốn tự để cho bị bắt thôi, tôi xin đảm bảo như thế.
– Vậy thì càng tốt – Henri đáp – Ta hãy cố về đến Louvre xem sao.
– A, lạy Chúa, dễ quá, thưa bệ hạ. Ta cứ việc quấn mình trong áo choàng mà ra thôi. Phố xá đầy người, nghe có động chạy tới, người ta sẽ tưởng chúng ta là những anh chàng tò mò thôi.
Đúng vậy, Henri và De Mole thấy cửa mở toang ra ngoài và chẳng khó khăn gì trừ việc lách qua đám người đang đứng đầy phố.
Cả hai yên ổn vượt qua phố Averon, nhưng tới phố Poulies, họ thấy de Mouy và đoàn áp giải do ông de Nancey, chỉ huy vệ binh dẫn đầu đang đi qua quảng trường Saint-Germain l Auxerrois.
– Ái chà! – Henri thốt lên – Hình như họ dẫn anh ta về Louvre thì phải. Mẹ kiếp, chúng sắp đóng cửa ghi-sê đây… Rồi sẽ ghi tên tất cả những kẻ vào sau và nếu chúng thấy ta về sau de Mouy thì chúng lại có cớ để ngờ ta ở chỗ anh ta cho mà coi.
– Vậy tâu bệ hạ, xin Ngài hãy vào Louvre bằng lối khác – De Mole nói.
– Thế người định bảo ta về bằng lối nào đấy?
– Bệ hạ chẳng có lối cửa sổ của hoàng hậu là gì?
– Khỉ thật, ông de Mole, ông nói đúng quá. Ta thật không nghĩ ra đấy! Nhưng làm sao báo cho hoàng hậu biết được?
– Ồ! De Mole vừa đáp vừa nghiêng mình cung kính tỏ lòng biết ơn – Bệ hạ ném đá tài lắm kia mà!