Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hoàng Hậu Margot

Chương 15

Tác giả: Alexandre Dumas

Ý đàn bà là ý Chúa

Marguerite đã không nhầm: cơn giận Catherine chất chứa trong lòng khi thấy rõ mưu mô của mình trong tấn tuồng này không làm thay đổi được gì cho phần chung cuộc. Cơn giận đó cần phải được trút xuống đầu kẻ nào đó. Cho nên đáng lẽ đi về phòng mình thì Thái hậu lại đi thẳng lên phòng vị nữ quan trông coi trang phục của bà.

Phu nhân de Sauve đang chờ đợi hai cuộc viếng thăm: nàng mong đợi Henri và e ngại Thái hậu. Trong khi Dariole đang thức ở phòng ngoài, phu nhân de Sauve nằm trong giường, áo quần nửa kín nửa hở, nàng nghe có tiếng chìa khoá quay trong ổ, rồi những bước chân chậm rãi tiến lại gần. Những bước chân đó có lẽ sẽ nặng nề nếu như không có những tấm thảm dày làm nhẹ bớt. Phu nhân không hề nhận ra tiếng bước chân vội vàng và nhè nhẹ của Henri. Nàng ngờ rằng người ta không cho Dariole vào báo trước và nàng chờ đợi, đầu tỳ lên tay, tai mắt đều căng ra nghe ngóng.

Tấm rèm treo cửa được vén lên và người thiếu phụ rùng mình khi thấy Catherine de Médicis hiện ra.

Catherine có vẻ bình thản. Nhưng phu nhân de Sauve vốn đã quen nhận xét Thái hậu từ hai năm nay, hiểu ngay vẻ bình thản bề ngoài ấy che giấu những suy tính và có lẽ là cả sự trả thù tàn bạo nữa.

Nhìn thấy Catherine, phu nhân de Sauve toan nhảy xuống giường.

Nhưng Thái hậu giơ ngón tay ra hiệu cho nàng cứ nằm nguyên và Charlotte tội nghiệp cứ phải nằm ì tại chỗ. Nàng dồn tất cả sức lực của tâm hồn để chống chọi với cơn giông tố đang lặng lẽ ập tới.

– Cô đã đưa chìa khoá cho vua Navarre chưa? – Catherine hỏi mà không hề thay đổi giọng.

Tuy nhiên những lời đó được nói ra trên đôi môi mỗi lúc thêm một tái đi.

– Thưa lệnh bà, đã ạ… Charlotte trả lời với một giọng mà nàng cố tỏ ra bình thản như giọng Thái hậu.

– Cô đã gặp ông ta chưa?

– Thưa lệnh bà, ai ạ? – Phu nhân de Sauve hỏi lại.

– Vua Navarre.

– Thưa lệnh bà chưa, nhưng tôi đang chờ ông ấy, thậm chí khi nghe tiếng chìa khoá quay trong ổ, tôi đã tường là ông ấy tới.

Câu trả lời tỏ ra phu nhân de Sauve hoàn toàn tin tưởng, hoặc nàng che giấu mình cực giỏi. Nghe vậy Thái hậu không thể kìm được một tiếng rên khe khẽ. Bà nắm chặt bàn tay mập mạp ngắn ngủn của mình lại.

– Ấy thế mà mi đã biết thừa rằng đêm nay vua Navarre không tới đây Charlotte ạ! – Thái hậu vừa nói vừa mỉm cười độc ác.

– Thưa lệnh bà, làm sao tôi lại biết được điều đó? – Charlotte nói với nét ngạc nhiên như thật.

– Ừ, mi biết đấy.

– Nếu nhà vua không đến, thì ông ta chắc phải chết rồi – Thiếu phụ vừa nói vừa rùng mình khi nghĩ tới giả thiết này.

Charlotte đã dám cả gan nói dối như vậy vì nàng chắc rằng nếu sự phản bội nho nhỏ của nàng mà bị phát giác, nàng sẽ phải chịu trả thù khủng khiếp.

– Thế nhưng mi không viết cho vua Navarre chứ, Charlotte ạ. – Thái hậu vẫn tra hỏi với nụ cười câm lặng và tàn bạo.

– Thưa lệnh bà, không – Charlotte trả lời với vẻ ngây thơ đáng khâm phục – Hình như lệnh bà đâu có ra lệnh cho tôi làm thế!

Im lặng một lát. Trong khi đó Catherine nhìn phu nhân de Sauve như con rắn nhìn con chim mà nó muốn thôi miên.

– Mi tưởng mi đẹp, mi tưởng mi khôn khéo lắm phải không? – Catherine nói.

– Thưa lệnh bà, không – Charlotte đáp – Tuy vậy tôi biết rằng đôi khi lệnh bà thật là rộng lòng khi nói tới sự khôn khéo và sắc đẹp của tôi.

– Thế thì mi nhầm nếu mi tin như thế – Catherine hoạt bát hẳn lên – Và ta đã nói dối nếu ta nói với mi như thế, mi chỉ là một đứa đần độn và một con đàn bà xấu xí bên cạnh Margot con ta.

– Ôi thưa lệnh bà, đúng như vậy – Charlotte nói – Tôi không hề muốn phủ nhận điều đó, nhất là đối với lệnh bà.

– Vì thế nên vua Navarre yêu thích con ta hơn mi nhiều – Catherine nói tiếp – Ta nghĩ rằng đó không phải là điều mi muốn, cũng không phải là điều mà chúng ta đã từng thỏa thuận.

– Khổ thay, thưa lệnh bà – Charlotte bật khóc, lần này thì nàng chẳng phải cố gắng gì – Nếu quả thật như vậy thì tôi rất đau lòng.

– Thật thế đấy – Catherine vừa nói vừa nhìn xoáy vào phu nhân de Sauve với một tia nhìn sắc nhọn như dao.

– Nhưng ai nói để lệnh bà tin như thế? – Charlotte hỏi.

– Đi xuống phòng hoàng hậu Navarre, pazza(1) và mi sẽ thấy người tình của mi ở đấy.

– Ôi! Phu nhân de Sauve thốt lên.

Catherine nhún vai và hỏi:

– Mi ghen chứ?

– Tôi ư? – Phu nhân de Sauve cố tập trung tất cả sức lực đang gần tan của nàng.

– Ừ, mi, ta tò mò muốn xem một cơn ghen của đàn bà Pháp.

– Nhưng lệnh bà muốn tôi ghen như thế nào nếu như không phải là vì tự ái? Tôi chỉ yêu vua Navarre với mức vừa đủ cho công cuộc của lệnh bà mà thôi.

Catherine nhìn nàng một lát với cặp mắt mơ màng.

– Dù sao thì những lời mi nói đó có thể cũng là thật. – Thái hậu lẩm bẩm.

– Lệnh bà thật đã thấu lòng tôi.

– Thế tấm lòng ấy có tận tụy với ta không?

– Xin lệnh bà cứ ra lệnh và Người sẽ tự thấy.

– Thế này, vì mi đã quyết hiến thân cho công việc của ta Charlotte ạ, thì mi phải si mê vua Navarre, nhất là phải ghen, ghen như một người đàn bà xứ Ý, điều đó vẫn là để phục vụ ta.

– Nhưng thưa lệnh bà – Charlotte hỏi – Một người đàn bà Ý phải ghen như thế nào?

– Ta sẽ nói với mi sau – Catherine đáp.

Bà gật gật đầu vài lần rồi lặng lẽ và chậm rãi bước ra hệt như khi bà đi vào.

Charlotte run rẩy trước cái nhìn trong veo của cặp mắt tròn như mắt mèo ấy, cặp mắt tuy thất thần nhưng cũng chứa đày ẩn dụ sâu sắc. Nàng để Thái hậu ra đi mà không thốt lên nổi một lời nào, thậm chí cũng không dám tự do thở thành tiếng. Nàng chỉ lấy lại hơi thở khi nghe tiếng cửa khép lại sau lưng Thái hậu và Dariole báo cho nàng biết sự hiện hồn khủng khiếp này đã hoàn toàn tan biến.

– Dariole – Nàng nói – Em kéo chiếc ghế phô-tơi lại gần giường ta và ngủ đêm ở đây với ta. Ta xin em đấy, vì ta chẳng dám ở một mình đâu.

Dariole tuân lời. Nhưng mặc dù có mặt cô hầu phòng ở gần bên, mặc dù nàng đã ra lệnh để đèn đốt sáng lên cho yên lòng hơn, phu nhân sợ và bà Sauve chỉ thiếp đi được vào lúc tảng sáng, vì bên tai nàng vẫn âm vang mãi giọng nói rin rít của Catherine.

Trong khi ấy, mặc dù mới được yến giấc đi được vào lúc rạng sáng, Marguerite cũng thức giấc dậy cùng với những tiếng kèn của đơàn đi săn và những tiếng chó sủa đầu tỉên. Nàng dậy ngay và cố ý mặc bộ y phục một cách chểnh mảng. Nàng gọi các thị nữ của mình, gọi vào phòng ngoài những nhà quý tộc vẫn thường phục vụ vua Navarre. Rồi nàng mở cánh cửa đã nhốt trong cùng một phòng cả Henri lẫn De Mole, nàng đưa mắt thân ái chào De Mole và nói với chồng:

– Nào, thưa bệ hạ, làm cho mẹ tôi tưởng thực về những điều không có thực vẫn là chưa xong đâu, bệ hạ còn phải thuyết phục cả triều đình của bệ hạ về sự ăn ý hoàn toàn giữa chúng ta với nhau cơ. Nhưng xin bệ hạ cứ yên lòng – Nàng vừa nói thêm vừa cười – Và bệ hạ nhớ kỹ lời tôi nói: đây là lần cuối cùng tôi bắt bệ hạ phải trải qua cuộc thử thách ghê gớm như thế này.

Vua Navarre mỉm cười và ra lệnh cho đưa các quý tộc hậu cần của ông vào. Trong khi họ thi iễ, ông giả tảng như bây giờ mới nhận thấy áo măng-tô của ông vẫn còn nằm trên giường của hoàng hậu. Henri xin lỗi các nhà quý tộc vì đã tiếp đón họ như vậy và cầm lấy áo từ tay Marguerite đang đỏ mặt và cài áo lên vai. Rồi ông quay về phía họ hỏi thăm tin tức trong thành phố và trong triều đình.

Bằng khóe mắt, Marguerite nhận ra vẻ kinh ngạc khá lộ liễu trên nét mặt các nhà quý tộc về mối thân tình giữa vua và hoàng hậu Navarre. Một người môn lại bước vào theo sau là ba bốn nhà quý tộc khác, báo danh quận công d Alençon.

Để lôi kéo ông này tới, Gillonne chỉ cần báo với ông ta rằng nhà vua đã ngự đêm ở nơi hoàng hậu.

François bước vào nhanh đến nỗi khi gạt những người đến trước ra ông ta suýt xô họ ngã. Ánh mắt dầu tiên của ông ta dành cho Henri, rồi mới đến Marguerite.

Henri chào ông ta một cách lịch sự. Marguerite tạo cho mình một vẻ mặt hoàn toàn thanh thản.

Bằng một cái nhìn mơ hồ và xoi mói khác thường, quận công nhìn lướt qua căn phòng. Ông ta thấy thảm phủ giường xộc xệch, chiếc gối đôi lõm ở đầu giường, mũ của Henri vứt trên một chiếc ghế. François tái mặt nhưng rồi kịp tĩnh trí lại ngay.

– Henri, sáng nay anh có tới chơi cầu với nhà vua không? – François hỏi.

– Tôi có hân hạnh được hoàng thượng chọn hay đó chỉ là nhã ý của anh đối với tôi thôi, François?

– Không, hoàng thượng không nhắc gì đến chuyện ấy – Quận công hơi lúng túng – Nhưng chẳng phải là anh vẫn chơi cùng hoàng thượng đó sao?

Henri mỉm cười. Biết bao điều nghiêm trọng đã xảy ra kể từ khi ông chơi ván cầu trước với nhà vua đến nỗi bây giờ ông chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu Charless IX thay những người cùng chơi thường lệ của mình.

– Tôi đi với, François! – Henri mỉm cười nói.

Đi thôi – Quận công đáp.

– Cậu đi đấy ư, François? – Marguerite hỏi.

– Thưa chị, vâng.

– Cậu vội lắm à?

– Rất vội.

– Nếu tôi muốn đề nghị anh ở lại vài phút thì sao.

Marguerite hiếm khi có những yêu cầu như vậy, nên ông em nàng nhìn nàng, mặt hết đỏ lại tái.

“Cô ta sắp nói gì với hắn nhỉ?” – Henri cũng ngạc nhiên như quận công, nghĩ thầm.

Tựa như đoán được ý nghĩ của chồng, Marguerite quay về phía – Henri.

– Thưa bệ hạ, Người có thể tới chỗ hoàng thượng trước nếu Người thích, vì Người đã biết cái điều bí mật mà tôi muốn nói với quận công rồi. Vì lời yêu cầu của tôi với bệ hạ hôm qua đã gần như bị bệ hạ từ chối – Marguerite nói với một nụ cười duyên dáng – Vậy nên tôi không muốn phiền lòng bệ hạ khi nói trước mặt Người một nguyện vọng mà Người sẽ không thấy thích thú.

– Chuyện gì vậy kia? – François ngạc nhiên nhìn cả hai người hỏi.

– À, tôi biết bà muốn nói tới việc gì rồi – Henri nói, mặt đỏ lên vì bực bội – Quả thực tôỉ rất lấy làm tiếc đã không được tự do hơn thế này. Thế nhưng, nếu như tôi không thể đón nhận ông de Mole với một sự đảm bảo chắc chắn nào, thì chí ít tôi cũng có thể tiếp lời với bà tiến cử cho ông d Alençon cái người mà bà quan tâm tới – Rồi ông nói thêm để nhấn mạnh – Thậm chí có thể là François sẽ tìm được cách nào đó để giữ ông de Mole cho bà… tại đây… Ở gần nơi bà… Điều đó sẽ là tốt hơn có phải không, thưa bà?

“Nào, cả hai người sẽ làrn được điều mà nếu để riêng rẽ ra thì chẳng ai chịu làm” – Marguerite nghỉ thầm.

Nàng mở cửa buồng cho chàng trai bị thương ra, sau khi đã nói với Henri:

– Thưa bệ hạ, xin Người giải thích cho em tôi hiểu tại sao chúng ta lại quan tâm tới ông de Mole.

Henri mắc bẫy đã phải vắn tắt kể lại cho François – Ông này nửa phần theo Tân giáo vì xu hướng muốn đối lập cũng như Henri nửa phần theo Giatô giáo vì thận trọng – việc De Mole tới Paris và chàng đã bị thương như thế nào trong khi đem tới cho Henri bức thư của ông d Auriac.

Khi quận công quay lại thì De Mole ra khỏi buồng và đứng trước mặt ông ta.

Chàng nom đẹp trai và nhợt nhạt do vậy lại càng quyến rũ hơn. Chính vì vẻ đẹp và nét xanh xao của chàng khiến François khi nhìn thấy chàng đã thấy trong lòng nảy sinh một mối kinh hoàng mới. Marguerite nắm giữ được ông ta vừa bằng sự ghen tuông vừa bằng lòng tự ái.

– François ạ – Nàng nói – Tôi xin đảm bảo là vị quý tộc trẻ tuổi này sẽ có ích cho người nào biết dùng ông ta. Nếu anh nhận ông ta là người của mình thì ông ta sẽ có được một chủ soái có thế lực còn anh sẽ có một người bề tôi tận tuỵ. Ở thời buổi này, cần phải biết thu dùng người, nhất là… – Nàng hạ giọng nói thêm khiến cho chỉ có quận công nghe được – Nhất là khi người ta có tham vọng mà chẳng may lại chỉ mới là hoàng tử thứ ba của nước Pháp mà thôi.

Nàng đặt một ngón tay lên miệng để tỏ cho François thấy rằng mặc dù đã nói thẳng ra như vậy nàng vẫn giữ kín một phần quan trọng những suy nghĩ của nàng.

– Với lại – Nàng thêm – Có lẽ ngược lại với Henri, cậu sẽ thấy thật không tiện nếu người thanh niên này ở gần phòng tôi đến thế.

– Chị ạ – François hấp tấp nói – Nếu ông De Mole thấy tiện thì trong vòng nửa giờ nữa ông ta sẽ tới ở chỗ tôi. Tôi nghĩ là ở đó ông ta không có gì phải e ngại đâu. Chỉ cần ông ta yêu quý tôi là tôi cũng sẽ yêu quý ông ta.

François đã nói dối vì từ giờ phút này trong thâm tâm ông ta đã thấy thù ghét De Mole rồi.

“Được lắm, được lắm…, mình thật chẳng nhầm! – Marguerite lẩm bẩm khi thấy vua Navarre nhíu mày lại – Để dẫn dụ cả hai người thì phải dùng người này để khích người kia”.

Rồi nàng nghĩ tiếp: “Nào, Marguerite, được lắm, chắc là Henri sẽ nói vậy đấy”.

Quả thật, nửa giờ sau, De Mole, sau khi được Marguerite lên lớp cho một bài, cúi hôn gấu áo nàng rồi leo lên cầu thang dẫn tới khu phòng của d Alençon với dáng đi tỏ ra hơi quá nhanh nhẹn đối với một người bị thương.

Hai ba ngày trôi qua. Trong lúc đó sự hoà hợp tốt đẹp tỏ ra ngày càng thêm vững chắc giữa Henri và vợ, Henri đã đạt được việc không phải làm lễ cải đạo công khai, nhưng đã tử bỏ đạo cũ với linh mục rửa tội của nhà vua và sáng nào cũng đi lễ ở Louvre. Tối nào ông cũng đi một cách rất lộ liễu tới phòng của vợ, vào bằng cửa lớn, chuyện trò một lát với Marguerite rồi qua cánh cửa nhỏ bí mật để tới phòng phu nhân de Sauve. Bà này đã báo ngay cho Henri về cuộc viếng thăm của Thái hậu và về mối nguy hiểm đe dọa ông. Henri được cả hai phía thông báo tình hình nên càng thêm cảnh giác với Thái hậu. Điều đó càng có ý nghĩa khi nét mặt Thái hậu cứ dần dần dãn ra. Thậm chí, một sớm Henri còn thấy nở trên đôi môi xanh xao của bà một nụ cười khoan dung. Ngày hôm ấy ông đã hết sức tránh không ăn thứ gì khác ngoài trững do chính ông sai luộc và không uống thứ gì khác ngoài nước múc ở dưới sông Seine lên, dưới chính mắt ông.

Các cuộc tàn sát vẫn tiếp diễn nhưng dù sao thì cũng thưa thớt dần. Người ta đã giết nhiều người Tân giáo đến nỗi số lượng người Tin lành giảm hẳn đi. Phần lớn đã chết, nhiều người trốn thoát chỉ còn một vài người còn đang ẩn náu. Thỉnh thoảng lại có tiếng la hét inh ỏi trong khu này, khu khác. Đó là khi người ta phát hiện ra một trong số những kẻ còn ẩn náu. Cuộc hành hình khi đó được tiến hành hoặc là theo kiểu cá nhân hoặc là theo lối công cộng tuỳ theo kẻ bất hạnh bị dồn vào một nơi không lối thoát hay có thể chạy trốn. Trong trường hợp thứ hai thì đó là một niềm vui lớn đối với khu phố còn sự việc xảy ra. Đáng ra phải tĩnh tâm lại khi kẻ thù phần lớn đã bị tiêu diệt thì những người Giatô giáo ngày lại càng trở nên hung bạo. Còn càng ít kẻ thù thì họ lại càng tỏ ra tàn khốc đối với những kẻ lẩn trốn bất hạnh ấy.

Charles IX rất vui thú khi săn đuổi những người Tân giáo. Và khi nhà vua không thể tự mình tiếp tục được cuộc săn đuổi nữa, thì ông lại rất ham nghe người ta kể chuyện săn người của những kẻ khác.

Một hôm, sau khi chơi đánh cầu trở về, – đó là trò chơi ưa thích nhất của mình – nhà vua bước vào cung Thái hậu, mặt mày hớn hở, cùng các quần thần quen thuộc theo hầu.

– Mẹ ơi – Ông vừa nói vừa ôm hôn người đàn bà xứ Florence, Thái hậu nhận thấy niềm vui ấy, đang cố đoán xem nguyên nhân từ đâu.

– Có tin vui mẹ ạ. Mẹ kiếp, mẹ có biết không? Hài cốt trứ danh của ông đô đốc mà người ta cứ tưởng đã mất, lại được tìm thấy rồi.

– A, thế hả?

– Ồ! Lạy Chúa, thật chứ. Chắc mẹ cũng như tôi tưởng rằng lũ chó đã xơi cỗ no nê rồi chăng? Nhưng không, thần dân của tôi, thần dân yêu quý và tốt bụng của tôi, đã nảy ra sáng kiến là treo ông đô đốc lên đầu móc ở Montfaucon rồi.

Ta ném Gaspard từ trên xuống dưới,

Rối lại treo y từ dưới lên trên.

– Thế thì sao? – Catherine hỏi.

– Thế này mẹ nhé – Charles IX đáp – Tôi vẫn muốn gặp lại y từ khi tôi biết rằng y đã chết, cái lão quý hoá ấy. Trời đẹp lắm: Tôi cảm thấy vạn vật nở hoa, không khí đầy hương thơm và sức sống, tôi khỏe hơn bao giờ hết. Nếu mẹ muốn, chúng ta sẽ lên ngựa và đi tới Montfaucon.

– Ta sẵn lòng thôi con ạ – Catherine nói – Nếu như ta đã không trót hẹn mà ta không muốn thất hứa. Vả lại, thăm viếng một người tầm cỡ như ông đô đốc – Thái hậu nói thêm – Cần phải mời cả triều đình. Sẽ là dịp cho những người quan sát có những nhận xét thú vị. Chúng ta sẽ biết ai đi và ai ở.

– Quả là mẹ có lý đấy! Để ngày mai hơn. Vậy mẹ cứ mời đi nhé, tôi sẽ mời phía tôi, hay là ta chẳng mời ai cả thì hơn. Chúng ta sẽ chỉ nói là ta tới đó, mọi người vẫn tự do. Chào mẹ, tôi đi thổi tù và đây.

– Charles, anh làm hao mòn sức lực của anh, Ambroise Paré đã nói mãi rồi và ông ta nói đúng đấy. Tập luyện như thế vất vả quá đối với anh.

– Chậc! – Charles nói – Tôi chỉ muốn tin chắc là sẽ được chết chỉ vì điều đó. Tôi còn chôn được tất cả những người ở đây, kể cả Henriot là kẻ mà có ngày sẽ kế tục cả lũ chúng ta như Nostradamus (2) đã nói.

Catherine cau mày, nói:

– Con ạ, con đừng tin những điều tỏ ra là không thể xảy tới, trong lúc đó thì phải giữ gìn sức khỏe.

– Chỉ vài ba hồi tù và thôi để cho lũ chó của tôi thích. Chúng đang buồn chán đến chết mất, những con vật tội nghiệp! Lẽ ra tôi phải suỵt chúng săn bọn Tân giáo mới phải, chắc chúng thích lắm.

Và Charles rời khỏi phòng Thái hậu về phòng vũ khí gỡ lấy một chiếc tù và thổi lên một hồi khiến cho chính Roland(3) cũng lấy làm ghen tị. Người la không thể hiểu tại sao từ cái thân hình ốm yếu và bệnh hoạn ấy, từ cái đôi môi nhợt nhạt ấy lại có thể thổi ra một luồng hơi mạnh mẽ đến thế.

Quả thực là, như Catherine đã nói với con, bà ta đang đợi một người nào đó. Một lát sau, khi nhà vua ra khỏi, một thị nữ của Thái hậu đến nói thầm với bà.

Thái hậu mỉm cười đứng dậy, chào những người đang chầu bên mình và đi theo người báo tin.

Đó là gã Florentin René, người mà ngay trong buổi tối ngày lễ Saint-Barthélémy đã được Henri đón tiếp một cách rất xã giao, vừa mới vào tới phòng cầu nguyện của Thái hậu.

– À ông đấy à, René? – Catherine nói – Ta cứ sốt ruột chờ ông mãi.

René cúi mình thi lễ.

– Ông đã nhận được mấy chữ ta viết cho ông chưa?

– Tôi đã nhận được hân hạnh đó.

– Ông đã làm như ta bảo, thử nghiệm lại cái lá số từ vi do Ruggieri lấy rất phù hợp với lời tiên tri của Nostradamus nói rằng cả ba con trai ta đều sẽ trị vì trên ngôi vua?… Mọi việc thay đổi nhiều từ mấy ngày nay René ạ, và ta nghĩ rằng có thể số mệnh đã trở nên ít đe dọa hơn.

– Thưa lệnh bà – René lắc đầu nói – Lệnh bà biết rằng các sự việc không làm biến đổi số phận, ngược lại chính số phận làm thay đổi các sự việc.

– Nhưng ông vẫn đã làm lại lễ hy sinh chứ?

– Thưa lệnh bà vâng, vì tuân lời lệnh bà là bổn phận đầu tiên của tôi.

– Thế kết quả ra sao?

– Thưa lệnh bà, vẫn thế.

– Sao? Con cừu đen vẫn kêu lên ba tiếng?

– Vẫn kêu ba tiếng, thưa lệnh bà.

Đó là dấu hiệu của ba cái chết thảm khốc trong gia đình ta! – Catherine lẩm bẩm.

– Khổ thay! – René nói.

– Còn phần tiếp theo thì sao?

– Thưa lệnh bà, trong bụng nó vẫn có sự đổi chỗ kỳ lạ của lá gan mà chúng ta đã nhận thấy ở hai con trước, lá gan đó nghiêng theo chiều ngược lại.

– Đổi thay triều đại. Vẫn thế, vẫn thế! – Catherine lẩm bẩm – Tuy vậy vẫn phải đấu tranh chống lại điều đó René à – Thái hậu nói tiếp.

René lắc đầu nói:

– Tâu Thái hậu, như tôi đã nói với Người, số phận sẽ chi phối tất cả.

– Ý mi là thế phỏng? – Catherine hỏi.

– Tâu lệnh bà, vâng.

– Mi có nhớ số tử vi của Jeanne d Albert không?

– Tâu lệnh bà, có.

– Nhắc lại một chút xem, ta đã quên mất rồi.

– Vies honorata – René nói – moneries reformidatal regina amplificabere.

– Ta nghĩ điều đó có nghĩa là: Người sẽ sống vinh hiển, và con mụ tội nghiệp ấy thiếu cả những thức thường nhật nhất.

Người sẽ chết đi trong niềm kinh sợ, ấy vậy mà chúng ta đã chế giễu mụ ta. Người sẽ vĩ đại hơn là khi làm hoàng hậu, thế mà bây giờ mụ đã chết rồi và sự vĩ đại ấy nằm trong một nấm mồ mà chúng ta thậm chí còn quên cả ghi tên mụ.

– Tâu lệnh bà, người dịch nhầm câu vives honorata. Quả thực là cố hoàng thái hậu Navarre đã sống trong niềm vinh hiển khi bà còn sống, bà ta được các con và triều thần yêu mến và kính trọng. Bà ta càng nghèo bao nhiêu thì lòng thương yêu và sự kính trọng ấy càng chân thành bấy nhiêu.

– Được – Catherine nói – Ta cho ông qua cái câu “Người sống trong vinh hiển”. Nhưng xem nào, còn morieris reformidata, ông sẽ giải thích thế nào đây?

– Tôi giải thích như thế nào ạ? Dễ quá: người chết đi trong niềm kính sợ.

– Thế mụ ta có chết trong niềm kính sợ không?

– Tâu lệnh bà, bà ta được kính sợ đến nỗi bà ta có lẽ đã không chết nếu lệnh bà không e ngại bà ta. Cuối cùng thì là hoàng hậu người sẽ vĩ đại hoặc người sẽ vĩ đại hơn là khi làm hoàng hậu, điều này cũng lại đúng, thưa lệnh bà, vì để đổi cho vòng vương miện không bền vững, có lẽ lúc này đây bà ta đã nhận được vòng vương miện của trời với tư cách là hoàng hậu và là người tử vì đạo. Ngoài ra nào ai biết được tương lai dòng giống của bà ta trên trái đất này là như thế nào?

Catherine mê tín đến cùng cực. Bà ta có lẽ kinh sợ vẻ thản nhiên của René hơn là sự ngoan cố khăng khăng của các điềm triệu. Đối với bà, một bước hiểm nghèo là dịp để thoát khỏi tình huống một cách táo bạo. Chẳng cần chuyển tiếp nào ngoài cái đà thầm lặng trong óc bà, bà đột ngột hỏi René:

– Đã có hương, mỹ phẩm Ý đến chưa?

– Thưa lệnh bà đã có.

– Ông sẽ gửi cho ta một hộp đủ bộ nhé.

– Những loại nào ạ?

– Những loại mới đây này, những loại mà…

Catherine ngưng bặt.

– Những loại mà cố hoàng hậu Navarre đặc biệt ưa thích có phải không ạ? – René tiếp lời.

– Chính thế.

– Thưa lệnh bà, có cần phải pha chế chúng không? Vì bây giờ lệnh bà cũng thông thạo chẳng kém gì tôi.

– Mi tưởng thế à? – Catherine nói – Miễn là chúng được việc thôi.

– Lệnh bà còn có gì cần truyền cho tôi nữa không? – Gã bán đồ mỹ phẩm hỏi.

– Không, không, ít ra là ta nghĩ như thế – Catherine trầm tư nói – Nếu có gì mới trong các lễ hy sinh, ông hãy cho ta biết.

– À, này bỏ lũ cừu đấy, thử với gà xem sao.

– Khốn thay, thưa lệnh bà, tôi e rằng dù thay đồi vật hy sinh, chúng ta cũng chẳng thay đổi được các điềm triệu.

– Mi cứ làm theo lời ta.

René cúi chào và lui ra.

Catherine ngồi trầm ngâm thêm một lát nữa rồi quay trở về phòng ngủ của mình, nơi các thị nữ đang đợi bà và bà thông báo cuộc hành hương tới Montfaucon vào ngày hôm sau.

Suốt buổi tối, tin về cuộc du hí đó lan truyền trong lâu đài và trong thành phố. Các bậc mệnh phụ cho chuẩn bị những bộ trang phục tao nhã nhất, các nhà quý tộc thì cho soạn sửa vũ khí và tuấn mã. Các nhà buôn đóng cửa hàng và xưởng thợ. Đó đây, những kẻ lang thang của đám cùng đinh giết một vài người Tân giáo để có được thêm một đám tuỳ tùng thích hợp với xác ông đô đốc. Tiếng ồn ào huyên náo kéo dài suốt tối cho tới tận đầu hôm.

De Mole đã phải trải qua một ngày buồn bã nhất đời, ba bốn ngày trước đó cũng không kém phần buồn chán. Để chiều theo ý thích của Marguerite, d Alençon đã đưa chàng vào nhà ông ta. Nhưng từ lúc đó, quận công không hề quay lại gặp chàng. De Mole tự nhiên cảm thấy mình như một đứa trẻ bị bỏ rơi, thiếu những sự chăm sóc ân cần, tế nhị và đầy duyên dáng của hai người đàn bà mà kỷ niệm về một trong hai người đó không ngừng vò xé tâm can chàng. Quả là chàng vẫn biết tin nàng luôn qua nhà phẫu thuật Ambroise Paré là người mà nàng sai đến. Nhưng những tin này không toàn vẹn và không đủ cho chàng khi được truyền qua miệng một người đàn ông đã trạc ngũ tuần và không hề biết hoặc giả đò knông hề biết gì tới sự quan tâm mà De Mole dành cho những sự việc nhỏ nhặt nhất có liên quan đến Marguerite. Quả tình là Gillonne có đến hỏi thăm sức khỏe của chàng một lần, cố nhiên là nhân danh cá nhân cô ta. Cuộc viếng thăm này có tác dụng như một tia sáng mặt trời chiếu rọi vào trong ngục tối, và De Mole dường như bị chóa mắt, chờ mong một cuộc viếng thăm thứ hai. Mặc dù đã hai ngày trôi qua, kể từ lần tới thăm trước, Gillonne vẫn chưa thấy đến lại.

Vì vậy, khi con bệnh đang bình phục nghe tin về cuộc tụ hội rực rỡ của cả triều đình vào ngày hôm sau, chàng đã hỏi xin ông d Alençon cho phép chàng được tháp tùng ông ta.

Quận công thậm chí cũng chẳng buồn hỏi xem La Mole liệu có đủ sức chịu đựng một cuộc đi mệt nhọc như vậy không, ông chỉ trả lời: “Càng hay! Cho ông một con trong số ngựa của ta!”

Đó là tất cả những gì mà De Mole mong muốn. Thầy Ambroise Paré tới băng bó cho chàng như thường lệ. De Mole trình bày với ông về việc chàng cần phải lên ngựa. Cả hai vết thương ở ngực và ở vai đều đã khép miệng, chỉ còn vết ở vai là làm chàng đau đớn nữa mà thôi. Cả hai vết đều đỏ hồng màu da thịt đang lành. Thầy Ambroise Paré dán lên đó những miếng vải taffetas có phết hồ, rất thịnh hành ở thời đó cho những vết thương này: ông đảm bảo với De Mole là nếu chàng không cử động nhiều quá trong cuộc du ngoạn sắp tới thì mọi việc đều ổn thoả cả.

De Mole hết sức vui mừng. Nếu không kể tới việc chàng hơi yếu và hơi choáng váng đầu óc do bị mất máu thì chàng vẫn cảm thấy khỏe khoắn. Hơn nữa, Marguerite chắc thế nào cũng có mặt trong chuyến đi này, chàng sẽ được gặp lại nàng. Khi nghĩ rằng chỉ nhìn thấy Gillonne, chàng đã khá hơn nhiều rồi, chàng không nghi ngờ gì rằng nếu được nhìn thấy người mình yêu chàng lại càng khỏe hơn nữa.

Vậy nên De Mole dùng một phần số tiền mà chàng nhận được lúc rời gia đình để mua chiếc áo chẽn đẹp nhất và chiếc măng-tô thêu cầu kỳ nhất mà bác thợ may thông thạo thời trang nhất may cho chàng. Bác ta còn cung cấp cho chàng một đôi ủng bằng da thơm mà thời đó người ta hay mang. Tất cả được đem đến cho chàng vào buổi sáng, nữa giờ trước lúc chàng cần, điều đó khiến chàng chẳng có gì phải phàn nàn. Chàng nhanh chóng mặc quần áo, soi mình trong gương và thấy cách ăn vận, đầu tóc và cách xức hương của mình cũng khá tươm tất để có thể tự hài lòng. Cuối cùng, chàng lượn nhanh vài vòng trong phòng và lấy làm yên lòng khi thấy rằng trừ vài lần nhức nhối ra thì hạnh phúc tinh thần sẽ lấn át được những sự khiếm khuyết về thể chất. Chiếc áo choàng ngoài màu anh đào do chàng đặt kiểu, may hơi dài hơn một chút so với kiểu áo choàng mà người ta thường mặc lúc đó, rất hợp với chàng.

Cùng lúc đó, ở dinh de Guise cũng diễn ra một cảnh tương tự. Một nhà quý tộc cao lớn râu tóc hung đỏ đứng trước gương ngắm nghía một vết sẹo đỏ lừ rạch ngang mặt một cách rất chướng. Chàng chải râu và xức dầu thơm, vừa xức vừa bôi lên cái vạch đáng ghét ấy từng lớp từng lớp phấn trắng phấn đỏ mà nó vẫn ường ngạnh hiện ra, mặc dù tất cả các thứ đồ mỹ phẩm thịnh hành của thời ấy đều được đem ra dùng. Xét việc bôi phấn cũng không ăn thua, chàng nảy ra một ý: nắng tháng tám cháy bỏng đang tràn ngập trong sân, chàng bèn xuống sân, mũ cầm tay, mũi hếch lên trời, mắt nhắm tít, chàng lượn lờ khoảng mười phút, cố tình ngửa mặt đón ánh nắng như đổ lửa từ trên trời xuống. sau mười phút, nhờ vào thứ ánh nắng thượng hảo hạng ấy, chàng quý tộc có bộ mặt đỏ dừ đến nỗi cái vết đỏ nay lại không ăn nhập với màu da mặt còn lại và có vẻ như hơi vàng vàng so với nó. Chàng quý tộc chẳng vì thế mà kém hài lòng về cái màu cầu vồng ấy, và cố sức làm cho nó hài hoà với gương mặt bằng cách bôi lên đó một ít son. Sau đó chàng xỏ một bộ y phục tuyệt đẹp mà một bác phó may đã đưa vào buồng chàng trước cả khi chàng cho gọi bác ta.

Trang điểm, xức hương như thế, lại vũ trang từ đầu tới chân, chàng lại xuống sân lần nữa và vuốt ve một con ngựa ô cao lớn. Vẻ đẹp của con tuấn mã có lẽ là không con ngựa nào sánh kịp, nếu như, cũng như chủ, nó không bị một vết gươm của kỵ binh Đức chém cho trong những cuộc nội chiến gần đây.

Dù sao, chàng quý tộc của chúng ta, mà bạn đọc chắc đã nhận ra không khó khăn gì, rất vui mừng về con ngựa của mình cũng như về bản thân. Chàng lên ngựa một khắc đồng hồ trước tất cả mọi người và khiến con vật hí vang cả sân de Guise.

Chàng phải dùng những câu mà thường ngày để khắc phục con tuấn mã thuần phục mình hơn.

Một lát sau, con ngựa được hoàn toàn thuần phục và bằng bước đi uyển chuyển ngoan ngoãn, đã tỏ ra thừa nhận cho chàng kỵ mã chế ngự chính đáng bản thân nó. Nhưng chiến thắng giành được không phải là không ồn ào (có lẽ đấy là điều mà chàng quý tộc của chúng ta mong muốn), tiếng ồn ào đó đưa tới bên cửa kính một vị công nương mà chàng quý tộc của chúng ta cúi chào thật thấp và nàng mỉm cười với chàng một cách thật dễ thương.

Năm phút sau, phu nhân de Nervers cho gọi viên quản gia, nàng hỏi:

– Ông quản gia, đã dọn cho bá tước Anibal de Coconnas dùng bữa đàng hoàng chưa?

– Thưa phu nhân đã – Viên quản gia đáp – Thậm chí hôm nay ngài còn thấy ngon miệng hơn thường lệ.

– Được – Quận chúa nói vẻ bằng lòng.

Rồi quay về phía nhà quý tộc thị vệ thứ nhất của nàng, nàng nói:

– Chúng ta tới Louvre thôi, ông d Arguzon tôi xin ông lưu ý tới bá tước Anibal de Coconnas vì ông ấy bị thương và còn yếu, và gì thì gì tôi cũng không muốn có chuyện không hay xảy ra với ông ấy. Chuyện đó sẽ khiến cho bọn Tân giáo chế nhạo, chúng vẫn còn thù ghét ông ta kể từ cái buổi tối ngày Saint-Barthélémy đầy ơn phước đó.

Và phu nhân de Nervers lên ngựa, hớn hở tiến về phía Louvre nơi tất cả mọi người đang tụ hội lại để chuẩn bị xuất hành.

Vào lúc hai giờ chiều, một đoàn kỵ mã vàng bạc châu báu lấp lánh đầy người, nhung y rực rỡ, hiện ra ở phố Saint-Denis, đổ ra góc nghĩa địa Innocents và lướt qua trong ánh nắng giữa hai dãy nhà tăm tối tựa như một con rắn khổng lồ với những chiếc vẩy óng ánh.

Chú thích:

(1) Đi đi!

(2) Một nhà tiên tri thế kỷ 15 (ND)

(3) Hiệp sĩ Pháp cháu của Saclơmanhơ Đại đế (742-814) trở thành nhân vật anh hùng ca (Anh hùng ca Roland). Bị quân địch phục kích, Roland thổi kèn kêu gọi Saclơmanhơ cứu. (ND)

Bình luận