Bức thư từ Rome
Vài ngày trôi qua, kể từ khi có các sự kiện vừa kể trên đây, một buổi sớm, một chiếc kiệu được nhiều nhà quý tộc mang gia huy của ông de Guise tháp tùng, tiến vào Louvre và người ta tới báo cho hoàng hậu Navarre rằng quận chúa de Nervers xin được vinh hạnh vào chầu.
Lúc đó Marguerite đang tiếp phu nhân de Sauve. Từ trận ốm giả vờ của nàng, đây là lần đầu tiên nam tước phu nhân xinh đẹp ra khỏi phòng. Nàng được biết hoàng hậu đã bày tỏ lòng ái ngại với chồng về cơn cảm mạo đó được lan truyền trong triều trong gần một tuần do đó nàng tới để tạ ơn hoàng hậu.
Marguerite khen ngợi nam tước phu nhân về sự bình phục của nàng và đã may mắn thoát khỏi cơn kịch phát đột ngột của căn bệnh kỳ lạ mà với tư cách là công chúa Pháp, nàng không thể không đánh giá được hết tầm nghiêm trọng của nó.
– Ta mong phu nhân sẽ tới dự buổi đi săn lớn đã được hoãn một lần rồi đấy – Marguerite bảo – Cuộc săn ấy dứt khoát sẽ được tổ chức vào ngày mai. Trời mùa đông như thế này là ấm áp.
Ánh nắng làm đất mềm ra, tất cả các tay săn bắn của chúng ta đã đoán được rằng ngày mai sẽ là một ngày thuận lợi.
– Nhưng tâu lệnh bà – Nam tước phu nhân đáp – Tôi không rõ liệu mình đã khỏe hẳn chưa.
– Chậc, phu nhân hãy cố lên. Vả lại, vì ta khoẻ mạnh hơn, nên ta cho phép nhà vua chuẩn bị một con ngựa nhỏ xứ Bearn mà đáng lẽ ta cưỡi, nhưng để nó mang phu nhân thì tuyệt. Phu nhân còn chưa nghe nói tới sao?
– Thưa lệnh bà có chứ ạ. Nhưng tôi không được biết rằng con ngựa đó được dành để dâng lên lệnh bà, nếu biết thì tôi đã không dám nhận.
– Vì kiêu hãnh ư, nam tước phu nhân?
– Tâu lệnh bà, không, ngược lại ạ, đó là vì khiêm nhường.
– Vậy bà tới chứ?
– Lệnh bà thật đã ban cho tôi nhiều vinh hạnh quá. Tôi sẽ tuân lệnh của lệnh bà.
Chính vào lúc đó người ta báo danh quận chúa de Nervers. Nghe tên, Marguerite để lộ ngay ra một cử chỉ vui mừng đến nỗi nam tước phu nhân hiểu rằng hai người bạn đó có chuyện cần nói với nhau, nàng đứng dậy cáo lui.
– Vậy đến mai nhé – Marguerite nhắc.
– Vâng, thưa lệnh bà, đến mai.
– À mà này, nam tước phu nhân – Marguerite vừa đưa tay vẫy chào vừa nói tiếp – Bà nên biết rằng trước công chúng thì ta không ưa bà, chả là ta ghen kinh khủng mà.
– Nhưng ở chỗ riêng tư thì sao? – Phu nhân de Sauve hỏi lại.
– Ồ, ở chỗ riêng tư thì không những ta tha lỗi cho bà mà còn cám ơn bà là đằng khác.
– Vậy thì, xin lệnh bà cho phép…
Marguerite chìa tay cho nam tước phu nhân, phu nhân de Sauve kính cẩn hôn tay nàng, gập mình thi lễ và lui ra.
Trong lúc phu nhân de Sauve thoăn thoắt lên cầu thang như một chú dê non tuột dây thì quận chúa de Nervers cùng hoàng hậu chào nhau hết sức kiểu cách để những quý tộc hộ tống nàng tới đó kịp đủ thì giờ lui ra.
– Gillonne – Marguerite kêu lên khi cửa đóng lại sau lưng người quý tộc cuối cùng – Gillonne, em làm sao cho đừng có ai đến quấy rầy ta nhé.
– Đúng rồi – Quận chúa nói – Vì chúng ta có những việc rất quan trọng phải nói với nhau.
Nàng lấy một chiếc ghế và ngồi xuống không chút nề hà vì chắc rằng chẳng có ai tới để phá đám tình thân đã quy ước giữa nàng và hoàng hậu Navarre, nàng chọn chỗ tốt nhất gần lửa và có nắng.
– Thế nào – Marguerite mỉm cười hỏi – Cậu làm gì với anh chàng giết người lừng danh ấy rồi?
– Bà hoàng thân mến, thề có linh hồn mình, đây quả là một con người y như trong chuyện thần thoại. Không ai sánh được nổi chàng ta về mặt dí dỏm chẳng bao giờ cạn. Chàng ta có những lời đối đáp khiến thánh nằm trong hòm cũng phải cười ngặt nghẽo đến chết ngất. Nghĩ cho cùng thì chưa bao giờ có một anh chàng tà giáo điên cuồng đến thế lại được uọc trong cái vỏ Gia tô giáo lạ lùng như vậy! Mình phát cuồng lên vì chàng ta. Thế còn cậu đã làm gì với anh chàng Apollon(1) của cậu rồi?
– Than ôi! – Marguerite thở dài.
– Ô hô! Cậu than ôi làm mình hoảng đây, hoàng hậu thân mến! Cái anh chàng De Mole hiền lành ấy cung kính quá à? Hay đa cảm quá? Nếu vậy thì mình buộc phải nói chàng ta hoàn toàn trái ngược với ông bạn Coconnas.
– Không, thì cũng tùy lúc thôi, cái than ôi ấy chỉ liên quan tới mình.
– Thế có nghĩa là gì?
– Quận chúa thân mến ơi, nó có nghĩa rằng mình lo sợ quá, có lẻ mình sẽ yêu anh ta thật mất thôi.
– Thật à?
– Lời thề của Marguerite đấy! Ồ càng tốt! Vậy thì đời chúng mình mới vui chứ! – Henriette thốt lên – Mình thường mơ là yêu một ít, cậu mơ yêu thật nhiều.
– Bà hoàng uyên bác thân yêu ơi, thật dễ chịu được để cho đầu óc nghỉ ngơi nhờ trái tim, đúng không? Và sau cơn mê sảng lại đến nụ cười. A! Marguerite, mình có linh cảm chúng ta sẽ có được một năm tốt lành.
– Cậu tưởng thế à? Mình thì ngược lại, không hiểu tại sao mình nhìn việc gì cũng thấy nhuốm màu tang tóc. Cái trò chính trị này làm mình bận tâm ghê gớm. Nhân thể cậu tìm hiểu xem, anh chàng Anibal nhà cậu có vẻ tận tụy với ông em mình lắm, nhưng có thật thế không? Hỏi xem nhé, quan trọng đấy.
– Chàng ta mà lại tận tụy với ai hay với việc gì ấy à? Rõ là cậu chưa biết bằng mình. Nếu có tận tụy thì chàng chỉ tận tụy với tham vọng của mình, có thế thôi. Em cậu có thể hứa hẹn đủ thứ với chàng ta ư ồ, tốt lắm: chàng ta sẽ hết lòng với em cậu. Nhưng em cậu dù là hoàng tử nước Pháp thật đấy nhưng cũng phải cẩn thận, đừng có nuốt lời hứa với chàng, nếu không thì thề chứ, em cậu cứ liệu hồn!
– Thật à?
– Đúng như mình nói đấy. Marguerite này, có những lúc cái con sư tử mà mình thuần phục ấy khiến chính mình cũng phải sợ. Hôm nọ mình mới bảo anh chàng: “Anibal, liệu đấy, đừng có lừa dối tôi, vì nếu mình mà lừa tôi thì…”. Tuy mình nói thế nhưng mình vẫn liếc hắn với cặp mắt xanh ngọc bích mà Ronsard đã ca ngợi là:
“Ánh mắt xanh quận chúa
Dưới hàng mi óng vàng
Còn ngàn lần tàn phá
Hơn sấm sét Trời ban”.
– Rồi sao nữa?
– Mình cứ tường hắn sẽ trả lời mình là: “Tôi mà lừa mình ư, không đời nào!” vân vân. Thế cậu có biết hắn trả lời thế nào không?
– Không.
– Thế cậu nghe mà xét người xem nhé? “Còn mình – hắn bảo – Nếu mình lừa dối tôi thì mình cũng cứ liệu đấy, vì dù cho mình có là công chúa đi chăng nữa…”. Vừa nói thế hắn vừa doạ mình, không phải là bằng mắt thôi đâu, mà hắn gí gần như sát mũi mình cái nắm đấm cộc lốc và nhọn của hắn với một cái móng tay nhọn như mũi giáo ấy. Hoàng hậu ạ, lúc ấy vẻ mặt anh chàng trông thật đáng sợ đến nỗi mình phải rùng mình, ấy thế mà cậu vẫn biết đấy mình đâu có yếu bóng vía.
– Chàng ta dám doạ cậu cơ à, Henriette?
– Ê, mẹ kiếp! Mình cũng doạ chàng ta! Suy cho cùng thì chàng ta có lý. Thế nên cậu thấy Anibal chỉ tận tụy đến một mức nhất định hay nói đúng hơn thì chỉ đến một mức rất không nhất định nào đấy thôi.
– Thế thì để xem mình cũng sẽ nói với De Mole – Marguerite mơ màng – Cậu có chuyện gì khác nói với mình nữa không?
– Có chứ, một chuyện rất hay và vì nó mà mình đến đây. Nhưng biết làm thế nào được! Cậu lại đi nói với mình những chuyện còn hay hơn nữa. Mình đã nhận được tin.
– Từ Rome hả?
– Ừ, có người đưa tin của chồng mình.
– Thế chuyện Ba Lan thế nào rồi?
– Rất tuyệt. Chắc là cậu sắp thoát khỏi ông anh d Anjou của cậu nay mai.
– Vậy ra giáo hoàng đã phê chuẩn việc bầu ông ta à?
– Thưa cô, vâng ạ.
– Thế mà cậu lại không nói ngay cho – Marguerite thốt lên – Nào, chi tiết ra sao, kể đi, kể đi!
– Ôi thề chứ, mình chẳng có chi tiết nào khác ngoài những điều mà mình nói với cậu. Với lại chờ tí, mình sẽ đưa cho cậu lá thư của ông de Nervers. Này đây. À, không phải. Đây là thơ của Anibal. Thơ với thẩn đến phát khiếp lên được Marguerite ạ.
– Chàng ta chẳng làm được thứ gì hơn. Đây, lần này thì đúng nó.
– Không, vẫn không phải, đây là thư của mình, mình đem đến để cậu chuyển cho Anibal qua De Mole. A! Rốt cuộc thì lần này thì đúng là bức thư ấy.
Và phu nhân de Nervers trao thư cho hoàng hậu.
Marguerite hấp tấp mở ra đọc lướt qua. Nhưng quả thật lá thư không nói thêm được với nàng điều gì khác ngoài những điều bạn. nàng đã kể.
– Làm sao mà cậu có thể nhận được lá thư này? – Hoàng hậu hỏi tiếp.
– Qua một người đưa thư của chồng mình. Y được lệnh tới dinh de Guise trước khi đến Louvre và trao lhư này cho mình trước thư của đức vua. Mình biết bà hoàng của mình coi trọng cái tin này, thế là mình đã viết cho ông de Nervers bảo làm như thế. Cậu thấy chưa, ông ta còn nghe lời chứ không phải như cái tay hung thần Coconnas ấy. Bây giờ ở Paris chỉ có đức vua, cậu và mình biết tin này, trừ phi là cái thằng cha bám sau người đưa thư của chúng mình…
– Thằng cha nào?
– Ôi! Nghề nghiệp mới kinh khủng chứ! Cậu thử tưởng tượng xem, cái gã đưa tin về đến nơi thì mệt lử, kiệt sức, đầy bụi, y đã chạy liên tục bảy ngày đêm không nghỉ lúc nào.
– Nhưng còn cái thằng cha nào cậu vừa nói cơ mà?
– Chờ tí. Gã đưa thư tội nghiệp luôn luôn bị bám sát bởi một thằng cha mặt mũi gớm guốc cũng có ngựa trạm như y, chạy cũng nhanh như y chặng đường bốn trăm dặm đó. Y lúc nào cũng chỉ lo bị một phát đạn súng tay bắn vào hông. Cả hai cùng đến cổng Saint-Marcel cùng một lúc, cùng phi nước đại xuôi phố Mouffetard, cả hai cùng qua phố Cité. Nhưng đến đầu cầu Đức Bà ( Notre Dame), người đưa thư của ta rẽ phải, còn gã kia rẽ trái qua quảng trường Châtelet và phi dọc theo kè về phía Louvre như tên bắn.
– Cám ơn, Henriet tốt bụng – Marguerite thốt lên – Cậu nói đúng đấy, quả là những tin tức rất hay. Người đưa tin kia của ai nhỉ? Mình sẽ biết. Nhưng thôi, cứ để mặc mình. Tối nay đến phố Tizon nhé. Ngày mai thì đi săn. Nhất là cậu nhớ lấy một con ngựa thật dữ ấy, để cho nó lồng lên và chúng ta sẽ tách riêng ra. Tối nay mình sẽ nói với cậu những điều cậu cần phải hỏi Coconnas.
– Vậy cậu không quên thư của mình chứ? – Quận chúa cười hỏi.
– Không, không, cứ yên tâm, chàng ta sẽ nhận thư kịp.
Phu nhân de Nervers ra khỏi thì Marguerite cho mời Henri ngay lập tức Henri chạy tới và nàng trao cho ông bức thư của quận công de Nervers.
– Ô hô! – Ông thốt lên.
Rồi Marguerite kể cho ông nghe về chuyện hai người đưa thư.
– Thực tình là tôi có thấy y vào Louvre – Henri trả lời.
– Có thể y là người của Thái hậu chăng?
– Không phải đâu. Tôi tin chắc thế, vì tình cở tôi đứng trong hành lang và chẳng thấy ai qua cả.
– Vậy thì – Marguerite vừa nói vừa nhìn chồng – Chắc là của…
– Của ông em d Alençon của bà, có đúng thế không?
– Vâng, nhưng làm sao mà biết được điều đó?
– Liệu ta có thể – Henri lơ đễnh hỏi – Cho gọi một trong hai nhà quý tộc nọ và hỏi qua ông ta…
– Bệ hạ nói đúng quá! – Marguerite thoải mái hẳn vì lời đề nghị của chồng – Tôi sẽ cho tìm ông de Mole… Gillonne, Gillonne!
Cô gái xuất hiện.
– Ta có việc cần nói ngay với ông de Mole – Hoàng hậu truyền – Em cố tìm được ông ta và đưa ông tới đây.
Gillonne đi ra. Henri ngồi xuống trước một chiếc bàn trên đó có một quyển sách tiếng Đức có những tranh khắc của Albert Dyrer. Ông bắt đầu xem sách chăm chú đến nỗi khi De Mole tới ông không tỏ vẻ thấy chàng và thậm chí còn không ngẩng đầu lên.
Về phần mình, khi nhìn thấy nhà vua ở phòng Marguerite chàng đứng lại trên ngưỡng cửa gian phòng, nín lặng vì kinh ngạc và mặt tái đi vì lo âu.
Marguerite đi về phía chàng:
– Ông de Mole, liệu ông có thể nói cho tôi hay hôm nay ai trực ở nơi ông d Alençon được không?
– Thưa lệnh bà, Coconnas… – De Mole đáp.
– Ông hãy cố hỏi ông ta giúp tôi xem ông ta có đưa vào chỗ quận công một người mình mẩy đầy bụi và có vẻ như đã phi ngựa trên một đoạn đường dài không?
– A, thưa lệnh bà, tôi e rằng ông ta sẽ không nói cho tôi biết, mấy hôm nay ông ta có vẻ trầm ngâm lắm.
– Thật à! Nhưng nếu ông đưa cho ông cái thư này thì chắc ông ta sẽ phải đổi lại cho ông cái gì đấy.
– Thư của quận chúa!… Ồ, với lá thư này tôi sẽ cố xem.
– Hãy nói thêm rằng – Marguerite hạ giọng – Thư này sẽ thay giấy vào cửa để tối nay để vào ngôi nhà mà chàng biết đấy.
– Còn tôi, thưa lệnh bà – De Mole thì thầm – Tôi có giấy không?
– Chàng cứ xưng tên là đủ.
– Xin lệnh bà đưa cho tôi – De Mole hồi hộp vì tình yêu – Tôi xin đảm bảo tất cả.
Và chàng đi ra.
– Ngày mai chúng ta sẽ biết được quận công Alençon có biết chuyện về Ba Lan hay không – Marguerite quay về phía chồng thản nhiên nói.
– Cái ông de Mole này quả là một người phục vụ đáng mến – Anh chàng Bearnais nói với nụ cười chỉ ông mới có – Thề có… lễ Misa, tôi sẽ gây dựng sự nghiệp cho ông ta.
Chú thích:
(1) Thần bảo trợ văn chương và nghệ thuật trong thần thoạí Hy Lạp, rất đẹp trai. (ND)