Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

100 Mẩu Chuyện Cổ Đông Tây

3. Đức Độ Của Một Vị Anh Hùng

Tác giả: Nguyễn Lân.
Chọn tập

Một trong hai vị anh hùng mà Phuytáccơ coi là có đạo đức trong sáng nhất là Pôluýt Temililuýt (*).

Khi còn là thanh niên, Pôluýt đã vượt hẳn những người cùng tuổi bằng những đức tính công minh, thẳng thắn, tự tin, khi đã nhận công việc gì làm, thì tận tâm đạt đến mục đích cuối cùng.

Khi làm tướng cầm quân, ông yêu cầu quân lính phải giữ kỉ luật thật nghiêm và phải chịu khó rèn luyện. Bản thân ông luôn luôn là một gương sáng của họ.

Hồi đó, Tây Ban Nha thuộc quyền cai trị của La Mã. Vì có những cuộc nổi loạn, Pôluýt được cử sang bình định. Sau khi đã ổn định được tình hình của hai trăm năm mươi thành phố, ông trở về La Mã, không đem về một đồng xu nhỏ.

Ông cũng được cử sang bình định xứ Liguyri ở Tấy Bắc nước Y. Ông đem tám nghìn quân sang đánh nhau với một đạo quân gồm bốn mươi nghìn người. Nhưng nhờ tài thao lược của ông. Ông đã đánh tan đạo quân đó, hiểu được nhân dân Liguyri và chinh phục được lòng tin của họ.

Vào thế kỉ thứ II trước Công nguyên, xứ Maxêđoan hùng cường trước kia trong thời Alếchxăng Đại Đế, đã có một tên vua gian tham và keo kiệt là Pécxê.

Pécxê đánh cướp một bộ phận thuỷ quân La Mã rồi câu kết với người Gôloa và một số dân tộc khác định tiến quân vào nước Ý.

Lúc đó Pôluýt đã gần sáu mươi tuổi. Dân chúng yêu cầu ông giữ quyền chấp chính. Ông từ chối vì cho rằng mình đã già. Nhưng dân chúng đến tận nhà nài ông ra cầm quyền để chống lại Pécxê. Ông đành phải nhận.

Ông đem quân sang xứ Maxêđoan.

Tên vua hèn hạ Pécxê lại có một đạo quân rất lớn gồm bốn nghìn kị binh và gần bốn mươi nghìn lục quân. Cuộc chiến đấu cũng gian khổ, nhưng nhờ tài thao lược của Pôluýt, ông đã thắng hoàn toàn và làm chủ được thành Maxêđoan.

Pécxê hèn hạ, sợ chết, xin được vào yết kiến Pôluýt. Pécxê quỳ xuống đất và hôn đầu gối Pôluýt. Ông đã nói với Pécxê rằng:

– Anh đã làm giảm giá trị thắng lợi của người La Mã, vì đã chiến thắng một kẻ địch hèn hạ, đáng khinh.

Nói rồi, ông cho Pécxê đứng dậy và giao người đưa Pécxê đến sống ở một nơi yên ổn với gia đình.

Ông cho gọi đến dưới trướng của ông những sĩ quan trẻ, trong đó có con trai và con rể của ông. Họ vào, thấy ông ngồi yên lặng, vẻ mặt trầm tư. Một lúc lâu sau, ông nói với họ rằng chỉ trong một thời gian ngắn, quân đội La Mã đã đánh bại được đạo quân hùng hậu của Pécxê và làm chủ cả cơ nghiệp huy hoàng xưa kia của Alếchxăng đại đế, thí có nên kiêu căng không? Cần phải rút kinh nghiệm mà nghĩ đến những gì còn chờ đón mình ở tương lai, không nên quá vội tự hào.

Đó là một bài học khiêm tốn ông đã dạy cho con cái ông và những bạn trẻ của họ.

Sau chiến thắng, ông đi thăm các vùng ở Hi lạp. Đi đến đâu ông cũng phủ dụ dân chúng, lấy của kho phát cho dân nghèo và yêu cầu các quan chức phải giữ gìn trật tự và an ninh.

Người dân Hi Lạp đều ca tụng tinh thần bao dung rộng lượng, nhất là tính liêm khiết của ông. Ông chỉ cho phép mấy người con của ông trong quân đội lấy một số sách trong thư viện của nhà vua, và không đụng đến những châu báu trong các kho tàng đầy ắp của Maxêđoan.

Ông trả lại cho người Hi lạp đất đai của họ, tuyên bố là các thành phố của họ được hoàn toàn tự do và cai trị theo pháp luật của họ.

Khi trở về La Mã, ông được đồng bào đón tiếp trọng thể và được giao chức Ngự sử. Ông luôn luôn làm tròn nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm rất cao.

Song vì tuổi cao, lại mang bệnh, ông đã từ chức và theo lời khuyên của các thầy thuốc, ông về sống ở Êlê một thành phố ở bờ biển nước Ý. Nhân dân rất tôn kính ông, mỗi lần có hội hè đều mời ông tham dự.

Năm 160 trước Công nguyên, ông đã từ trần. Nhân dân La Mã và Maxêđoan thương tiếc ông vô cùng. Ông mất đi, nhưng tiếng thơm của vị anh hùng có đức độ cao siêu còn sáng ngời mãi mãi trong lịch sử.

Chọn tập
Bình luận