Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xơ Carrie

Chương V: Bông hoa đêm rực rỡ

Tác giả: Theodore Dreiser
Chọn tập

Tối hôm đó, Drouet không đến. Sau khi nhận thư, Drouet tạm gác mọi ý nghĩ về Carrie sang một bên và lao vào thứ mà anh ta coi là thời gian vui vẻ. Trong buổi tối đặc biệt này, Drouet ăn tối tại Rector, một nhà hàng danh tiếng của địa phương, chiếm trọn tầng hầm ở phố Clark và Monroe. Sau đó anh đến thăm khu khách sạn Fitzferald & Moy trên phố Adams, đối diện với Federal Building. Ở đó, anh ngả người trên quầy rượu tráng lệ, uống một cốc whiskey không pha và mua hai điếu xì gà, rồi châm ngay một điếu. Với Drouet, đây là biểu tượng cho nếp sống xa hoa, một hình mẫu mà tất cả phải theo.

Drouet không phải là tay bợm rượu. Anh không phải là người giàu có. Drouet chỉ thèm những thứ hạng nhất theo tưởng tượng của mình, và làm những hành động mà anh cho là một phần của sự thượng hạng. Với Drouet, Rector chính là điểm đến cho một người thành đạt, với những bức tường và sàn cẩm thạch bóng lộn tràn ngập ánh sáng, trưng những bộ đồ sứ và bạc, và hơn hết thảy, có tiếng là khách sạn dành cho các nghệ sĩ và những người giỏi giang. Lúc ăn tối, anh ta thấm thía mãn nguyện khi biết rằng Joseph Jefferson[6] có thói quen đến nơi này, hoặc Henry E. Dixie[7], một diễn viên nổi tiếng thời đó đã vài lần đặt bàn ở đây. Ở Rector, anh ta dễ thỏa mãn vì có thể bắt gặp các chính khách, những người môi giới chứng khoán, các nghệ sĩ, đám thanh niên giàu có “lượn lờ” khắp thành phố, tất cả ăn và uống giữa tiếng huyên náo trong cuộc đàm luận cũ rích của những người danh giá.

– Đằng kia có ông này ông nọ, – là nhận xét phổ biến của các quý ông với nhau, nhất là trong số đó có người còn chưa với tới, nhưng hy vọng sẽ vươn tới tầm cao chói lọi mà khoản tiền ăn ở đây là hiện thân một cách phung phí.

– Anh đừng nói thế, – sẽ là câu trả lời.

– Ồ vâng, anh không biết điều đó sao? Kia, ông ta là quản lý Nhà hát Lớn đấy.

Khi những câu này lọt vào tai Drouet, anh ta thẳng người lên, kiểu cách hơn một chút và ăn với vẻ nhàn nhã. Nếu Drouet có phù phiếm, chỉ tăng thêm và nếu anh có tham vọng, nó chỉ khuấy động lên mà thôi. Một ngày nào đó, anh sẽ có khả năng khoe một tập tiền. Và khi đó, anh có thể ngồi ăn ở nơi họ ăn.

Drouet ưa thích Fitzferald & Moy trên phố Adams hơn vì nó cùng một loại trên. Thực ra, nơi này là một quán rượu lộng lẫy theo quan niệm của Chicago. Giống Rector, nó cũng trang trí bằng ánh sáng chói chang của những ngọn đèn sáng rực, gắn trên các ngọn chúc đài mỹ lệ. Sàn lát đá màu sắc rực rỡ, các bức tường là một tác phẩm bằng gỗ phong phú, sẫm màu và tinh tế, tương ứng với ánh sáng và những hình đắp nổi tươi sáng bằng vữa tuxcô, tạo cho nơi này một diện mạo lộng lẫy. Quầy rượu dài là một dải ánh sáng chói, một tác phẩm bằng gỗ tao nhã, màu sắc và kính khắc hoa văn, có nhiều loại chai khác thường. Đây thực sự là một quán rượu đặc sắc, nhiều bình phong quý giá, các loại đồ uống ngon tuyệt và các đồ dùng của quầy rượu không thể vượt trội hơn.

Ở Rector, Drouet đã gặp ông G.W. Hurstwood, quản lý của Fitzferald & Moy. Ông ta được coi là người rất thành đạt và nổi tiếng trong thành phố. Tuy đã xấp xỉ bốn mươi, thể chất Hurstwood cường tráng, chắc khỏe, cử chỉ nhanh nhẹn, dáng vẻ phong lưu, đáng tin cậy, tạo nên một tổng thể gồm phục trang tinh tế, đồ trang sức bằng đá quý, và hơn hết thảy là ý thức về sự quan trọng của chính mình. Ngay lập tức, Drouet hình thành trong đầu ý nghĩ Hurstwood là người đáng để làm quen, và không chỉ mừng vì được gặp ông, mà từ đó trở đi, mỗi khi muốn uống một cốc hoặc hút điếu xì gà là anh lại đến thăm quán rượu trên phố Adams.

Hurstwood là người có tính cách thú vị nhờ bản chất. Ông khôn ngoan và khéo léo trong nhiều việc nhỏ, và có khả năng gây ấn tượng tốt. Cương vị quản lý của ông rõ là quan trọng, hầu như ông được đặt vào vị trí đó, nhưng thiếu sự kiểm soát về tài chính. Nhờ sự bền gan và chăm chỉ, qua nhiều năm dài phục vụ, ông thăng tiến từ vị trí chủ quầy trong một quán rượu thường thường đến địa vị ngày nay. Ông có một phòng làm việc xinh xắn, nổi bật vì màu anh đào tinh tế và khung lưới, tại đó, ông giữ trong một cái bàn có nắp cuộn những sổ sách kế toán khá đơn giản – các đơn đặt hàng và phiếu cung cấp. Ông là người điều hành chủ chốt và chịu trách nhiệm tài chính với các chủ nhân – các ông Fitzferald & Moy – và với một thủ quỹ theo dõi tiền thu vào.

Phần lớn thời gian ông đi thơ thẩn, mặc những bộ complê bằng hàng nhập khẩu, cắt may tuyệt khéo, đeo chiếc nhẫn độc nhất vô nhị, một viên kim cương xanh tao nhã cài cà-vạt, gi-lê kiểu mới nổi bật, dây đeo đồng hồ bằng vàng ròng, hấp dẫn vì chế tác hoàn mỹ, chiếc đóng hồ sản xuất mới nhất và khắc chạm khéo léo. Ông được nhiều người biết tên, và có thể đích thân chào hỏi: “Kìa, chào ông bạn” với hàng trăm nghệ sĩ, thương nhân, chính khách và nói chung là tầng lớp thành đạt trong thành phố, làm nên một phần thành công của ông. Ông có một hệ thống tinh tế chia mức độ thân mật và tình bạn bè, thay đổi từ “Khỏe không?” với các thư ký và nhân viên văn phòng thu nhập mười lăm đôla một tuần, quen thuộc nơi này từ lâu, đến: “Chào ông bạn, ông khỏe chứ?” với những nhân vật danh tiếng hoặc những người giàu có biết ông và có xu hướng thân thiện. Tuy nhiên, với tầng lớp quá giàu, quá nổi tiếng hoặc quá thành đạt, ông không thể suồng sã, với những người này ông giữ thái độ khéo léo rất nhà nghề, từ tốn và đàng hoàng, thể hiện sự tôn kính, giành được cảm tình tốt đẹp nhất của họ mà không cần thỏa hiệp những suy nghĩ và quan điểm của riêng mình dù ở mức độ nhỏ nhất. Cuối cùng, là vài bông hoa đẹp cho những người không giàu cũng không nghèo, không nổi tiếng, không thành công nổi bật mà ông thân thiện trên cơ sở là tình bạn tốt. Đây là những người ông chuyện trò lâu nhất và nghiêm túc nhất. Thỉnh thoảng ông thích ra ngoài, vui chơi thoải mái, đến các cuộc đua ngựa, nhà hát, các cuộc giải trí thể thao tại một số câu lạc bộ. Ông nuôi một con ngựa và chó săn thỏ, có vợ và hai con, một ngôi nhà đẹp, trang nhã tại North Side gần Công viên Lincoln, nói chung ông là người rất đáng hoan nghênh trong tầng lớp thượng lưu của nước Mỹ, ở mức đầu tiên dưới những người giàu có xa hoa.

Hurstwood mến Drouet. Tính tình vui vẻ và bề ngoài chưng diện của anh ta khiến ông ưng ý. Ông biết Drouet chỉ là một người chào hàng lưu động, nhưng hãng Bardett, Caryoe & Company là một hãng lớn và phát đạt, và Drouet đứng vững ở đó không chỉ một mà nhiều năm. Hurstwood biết rõ Caryoe, thỉnh thoảng lại uống một cốc với ông ta cùng vài người khác khi cuộc trò chuyện trở thành chung chung. Drouet có ích cho công việc của ông, hóm hỉnh vừa phải, có thể kể một câu chuyện vui khi tình huống đòi hỏi. Drouet có thể nói chuyện đua ngựa với Hurstwood, kể những tình tiết thú vị liên quan đến bản thân và kinh nghiệm với phụ nữ, tường thuật tình hình buôn bán ở các thành phố anh ta đến, và luôn cố gắng để hầu như lúc nào cũng tỏ ra dễ thương. Tối nay, anh ta đặc biệt được việc vì báo cáo của anh lên công ty được khen ngợi, những mẫu hàng mới anh chọn rất vừa ý, và chuyến đi của anh đã định sẵn trong sáu tuần liền.

– Kìa, Charlie, chào anh bạn, – Hurstwood nói lúc Drouet bước vào khoảng tám giờ tối hôm đó. – Công việc ra sao rồi? – Căn phòng đã chật ních.

Drouet bắt tay, tươi tỉnh và tiến thẳng đến quầy rượu.

– Ồ, ổn cả.

– Tôi không nhìn thấy cậu suốt sáu tuần. Cậu về khi nào?

– Hôm thứ Sáu, – Drouet nói. – Tôi có một chuyến đi tốt đẹp.

– Mừng cho cậu, – Hurstwood nói, cặp mắt đen của ông sáng lên ấm áp, phần nào thay thế cho sự lạnh lùng giả vờ thường trú ngụ trong đó. – Cậu uống gì? – Ông nói thêm lúc người phụ trách quầy, áo và cà vạt trắng như tuyết, từ sau quầy nhô về phía họ.

– Old Pepper, – Drouet nói.

– Tôi cũng thế, – Hurstwood thêm vào.

– Lần này cậu định ở đây bao lâu? – Hurstwood hỏi.

– Chỉ đến thứ Tư thôi. Tôi sắp đi St. Paul.

– Hôm thứ Bảy, George Evans ở đây và kể đã gặp cậu ở Milwaukee tuần trước.

– Vâng, tôi có gặp George, – Drouet đáp lại. – Một anh chàng thật tuyệt, nhỉ? Chúng tôi đã ở đấy cùng nhau một thời gian.

Người chủ quầy đặt cốc và một chai trước mặt họ, và họ rót rượu trong lúc nói chuyện, Drouet rót cho mình một phần ba cốc, được coi là đúng cách nhất, còn Hurstwood nhận một lượng whiskey ít nhất và pha thêm nước khoáng xuxe.

– Caryoe ra sao rồi? – Hurstwood quan tâm. – Hai tuần nay tôi không nhìn thấy ông ấy đâu.

– Người ta bảo là nằm liệt giường, – Drouet kêu lên, – họ nói ông già bị gút.

– Song trong thời của mình, ông ấy đã kiếm được nhiều tiền, nhỉ?

– Vâng, cả đống, – Drouet đáp lại. – Ông ấy không sống được quá lâu nữa. Hiện giờ chỉ đi được đến văn phòng.

– Ông ấy chỉ có một cậu con trai phải không? – Hurstwood hỏi.

– Và là một tay chơi có hạng, – Drouet cười to.

– Tôi đoán cậu ta không thể làm hại quá nhiều đến công việc kinh doanh, và với mọi người ở đấy.

– Không, cậu ấy không thể làm hại bất cứ ai, tôi nghĩ thế.

Hurstwood đứng, áo khoác mở phanh, thọc hai ngón tay cái vào trong túi, ánh lấp lánh của đồ trang sức và nhẫn khiến họ nhẹ nhõm vì sự riêng biệt dễ chịu. Ông ta là hình ảnh của sự phong lưu, kén chọn.

Với một người không thích uống rượu, và bẩm sinh có chiều hướng suy nghĩ nghiêm túc hơn, thì một căn phòng sôi sùng sục, chuyện phiếm, chói sáng như thế ắt phải là một bài bình luận dị thường, kỳ lạ về bản chất cuộc sống. Từng đoàn bướm đêm không ngừng đến đây, tắm mình trong ánh sáng rực rỡ. Những câu chuyện người ta có thể nghe thấy chẳng có gì bảo đảm là một lời khen cho cảnh tượng có nền tảng trí tuệ. Dường như những kẻ âm mưu chọn nơi khuất nẻo hơn để bàn bạc kế hoạch, còn các chính khách sẽ không tụ tập ở đây để thảo luận bất cứ thứ gì dành cho các nghi thức, là nơi người thính tai có thể nghe lỏm, và hầu như không có lý do chính đáng để thắng cơn khát, vì phần lớn bọn họ thường đến những nơi tráng lệ hơn không phải vì thèm rượu. Ấy thế mà, trên thực tế đàn ông tụ tập ở đây, tán gẫu ở đây, thích huơ tay và xoa nắn khuỷu tay ở đây, ắt phải có một số lý do chứ. Hẳn đây là những say mê kỳ lạ và khao khát mơ hồ đem lại sự thăng tiến cho một thể chế xã hội lạ lùng như thế hoặc sẽ không là như thế.

Một người như Drouet, bị cám dỗ vì thèm khát khoái lạc cũng như ao ước được tỏa sáng giữa những thứ thượng hạng. Nhiều người bạn mà anh ta gặp ở đây ghé đến vì họ thèm bầu bạn, ánh sáng, không khí mà họ thấy, song có lẽ họ thiếu hẳn sự phân tích có ý thức điều đó. Rốt cuộc, người ta có thể hiểu nó như điềm báo trước cho một trật tự xã hội tốt đẹp hơn, vì những thứ họ thỏa mãn ở đây tuy nhạy cảm song không phải là xấu xa. Không tai họa nào xuất phát từ ý định của một căn phòng trang hoàng đắt tiền. Tác dụng xấu nhất của nó có lẽ là khuấy động trong con người thèm vật chất tham vọng thu xếp cuộc sống của họ được huy hoàng tương tự. Trong những phân tích mới nhất, hầu như những thứ trang hoàng không thể gọi là có lỗi, mà đúng hơn là xu hướng bẩm sinh của trí tuệ. Vì một quang cảnh như thế có thể kích động người ăn mặc xuềnh xoàng hơn cạnh tranh với những người ăn vận đắt tiền hơn, hầu như không thể quy cho bất cứ thứ gì bảo lưu tham vọng giả dối của những người bị ảnh hưởng. Gạt bỏ triệt để yếu tố đó và lời than phiền duy nhất là rượu, người ta không thể phủ nhận cái đẹp và nhiệt tình còn lại. Với cách nhìn hài lòng, những khách sạn hiện đại, hợp thời của chúng ta được coi là bằng chứng của sự khẳng định này.

Trên thực tế nơi đây là một không gian sáng sủa, khách khứa thích chưng diện và đầy ham muốn, những lời phỉnh phờ ti tiện, tư lợi, đại diện cho ảnh hưởng tinh thần lan man, vu vơ, chệch hướng, sự mê thích ánh sáng, phô trương và quần áo lộng lẫy, với người bên ngoài, dưới ánh sáng thanh thản của những ngôi sao bất diệt, hình như là một thứ lạ lùng và sáng chói. Dưới các ngôi sao và ngọn gió đêm, hoa đêm ắt phải bừng nở, một bông hoa đêm kỳ lạ, lấp lánh, hương thơm phảng phất, lôi kéo côn trùng, sâu bọ tàn phá bông hồng của niềm vui.

– Cậu có thấy người đàn ông ở đằng kia không? – Hurstwood nói, liếc nhìn một quý ông vừa vào, diện mũ cao và áo choàng của hoàng thân Albert, cặp má béo tốt của ông ta phùng lên và đỏ hây như đang ăn ngon miệng.

– Không, ở đâu ạ? – Drouet hỏi.

– Kia kìa, – Hurstwood nói, đưa mắt chỉ về một hướng, – người đội mũ lụa kia kìa.

– Ồ có, – Drouet nói, giả vờ không nhận ra. – Ông ta là ai vậy?

– Đấy là Jules Wallace[8], nhà duy linh.

Drouet nhìn theo mắt ông ta, rất thích thú.

– Trông ông ta chẳng giống một người nhìn thấy các linh hồn, nhỉ? – Drouet nói.

– Ồ, tôi cũng không biết nữa, – Hurstwood đáp lại. – Ông ta kiếm tiền bẫm lắm, – một tia lấp lánh thoáng qua mắt ông.

– Tôi không biết những thứ này nhiều, phải không ạ? – Drouet hỏi.

– Cậu không bao giờ có thể nói được, – Hurstwood đáp. – Có lẽ có một cái gì đó thật. Tuy vậy chính tôi không để ý lắm. Mà này, – ông nói thêm, – tối nay cậu định đi đâu?

– Xem Lỗ thủng trên mặt đất[9]. – Drouet nói, nhắc tới vở hài kịch được nhiều người mến mộ thời đó.

– Ờ, tốt hơn hết là cậu nên đi đi. Bây giờ là tám rưỡi rồi, – ông ta rút đồng hồ ra.

Đám đông đã thưa đi nhiều, một số đến nhà hát, một số đến các câu lạc bộ, một số đến những nơi hấp dẫn nhất của mọi khoái lạc trên đời, vì loại người tiêu biểu ở đó, chí ít là các cô nàng.

– Vâng, tôi sẽ đi, – Drouet nói.

– Sau buổi diễn, quay về đây nhé. Tôi có một thứ muốn cho cậu xem, – Hurstwood nói.

– Nhất định rồi, – Drouet nói, hoan hỉ.

– Tối nay cậu không có gì trong tay, hả? – Hurstwood nói thêm.

– Chẳng có gì hết.

– Vậy, nhớ quay lại nhé.

– Trên tàu hôm thứ Sáu, tôi đã vớ được một quả đào tơ mơn mởn, – Drouet bình phẩm lúc chia tay. – Trời ạ, tôi phải ghé đến cô ta trước khi đi xa.

– Ồ, đừng bận tâm về cô ta, – Hurstwood bình luận.

– Tôi phải nói với ông rằng, cô ấy xinh nhất hạng đấy, – Drouet tiếp tục bộc bạch, và cố gây ấn tượng cho ông bạn.

– Mười hai giờ nhé, – Hurstwood dặn.

– Nhất định, – Drouet nói và đi ra.

Cái tên Carrie đã thành đầu đề bàn tán ở những nơi phù phiếm và phóng đãng như thế đó, và cũng như thế khi cô gái làm công bé nhỏ đang tiếc khoản tiền còm, song gần như không thể rời khỏi những cuộc biểu diễn sớm của nơi này, và số phận cô đang nảy nở.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky