Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xơ Carrie

Chương III: Nghi ngờ số phận

Tác giả: Theodore Dreiser
Chọn tập

Khi qua sông rồi vào khu thương mại, cô đã liếc quanh tìm cánh cửa nào khả dĩ thích hợp. Lúc ngắm các cửa sổ rộng và các biển hiệu trang trọng, cô nhận ra mình đang bị nhìn chăm chú và hiểu cô là người đang tìm kiếm công ăn việc làm. Trước kia cô chưa bao giờ làm việc này và thiếu hẳn can đảm. Tránh nỗi ngượng ngùng có phần mơ hồ khi cảm thấy bị bắt gặp đang nhòm ngó tìm chỗ, cô rảo bước và ra bộ dửng dưng thông thường của một người đang bận việc vặt. Cô đã đi qua nhiều xưởng sản xuất và hãng buôn mà không hề liếc nhìn. Cuối cùng, sau khi đi qua vài khu nhà, cô cảm thấy như thế chẳng ăn thua gì, và lại bắt đầu nhìn quanh, tuy không chậm bước. Được một quãng ngắn, cô nhìn thấy một cánh cửa đồ sộ mà không hiểu vì sao khiến cô rất chú ý. Nó trang trí một huy hiệu nhỏ bằng đồng thau, hình như là lối vào một nơi náo nhiệt rộng lớn, gồm sáu hoặc bảy tầng. “Có lẽ họ cần một người nào đó”, cô nghĩ và tiến đến lối vào. Lúc đến cách mục tiêu khoảng vài mét, cô nhìn qua cửa sổ thấy một thanh niên mặc complê kẻ carô xám. Có thể nói anh ta có mọi việc để chăm chú, nhưng vì ngẫu nhiên nhìn về phía cô khiến trái tim nhút nhát của cô nghi ngại và vội đi qua, cô quá mất tự chủ vì ngượng nên không dám bước vào. Bên kia đường có một tòa nhà đồ sộ sáu tầng, đề biển Storm và King, cô ngắm nghía, hy vọng tăng lên. Đây là một hãng buôn bán đồ khô và thuê nhân công phụ nữ. Thỉnh thoảng cô lại nhìn thấy họ lên các tầng trên. Cô quyết định vào chỗ này. Cô băng qua đường và tiến thẳng đến cửa vào. Lúc cô đến, có hai người đàn ông bước ra và dừng lại ở cửa. Một nhân viên bưu điện mặc áo xanh lơ lao qua cô, leo mấy bậc dẫn đến lối vào và biến mất. Vài khách bộ hành tách khỏi đám đông vội vã trên vỉa hè, đi qua cô lúc cô dừng lại, ngập ngừng. Cô nhìn quanh, bơ vơ và thấy mình đang bị theo dõi, bèn rút lui. Đây là một việc quá khó khăn. Cô không thể đi qua họ.

Thất bại hiển nhiên ấy đã ảnh hưởng đáng buồn lên thần kinh của cô. Bàn chân cô đưa về phía trước một cách máy móc, mỗi bước tiến lên là một phần thỏa đáng của chuyến đi. Đi qua từng khối, từng khối nhà. Cô đọc các tên Madison, Monroe, La Salle, Clark, Dearborn, State trên những cột đèn ở các góc phố khác nhau, rồi cô vẫn đi, bàn chân cô bắt đầu mỏi trên mặt đường lát những phiến đá rộng. Cô phần nào vừa ý vì các phố đều sáng sủa và sạch sẽ. Mặt trời buổi sáng chiếu xuống làm sức nóng tăng dần, khiến bên phố có bóng râm mát mẻ rất dễ chịu. Cô ngước nhìn bầu trời xanh biếc, nhận thấy nó quyến rũ hơn bao giờ.

Một mặt, tính nhút nhát bắt đầu làm phiền cô. Cô quay lại, quyết tìm Công ty Storm và King để vào. Dọc đường, cô gặp một hãng lớn bán buôn giày, qua những ô kính bày hàng rộng, cô nhìn thấy khu hành chính chắn bàng kính mờ. Ở ngoài khu rào chắn này, sát ngay lối ra phố, một ông tóc hoa râm ngồi bên cái bàn nhỏ, cuốn sổ mở rộng trước mặt. Cô đi qua nơi này vài lần, do dự, nhưng thấy mình không bị để ý, cô lúng túng bước qua lớp cửa có màn che và khiêm nhường đứng đợi.

– Này, cô gái, – ông già nhận thấy và nhìn cô có phần ân cần, – cô muốn gì vậy?

– Tôi muốn, đó là, thưa ông… ý tôi là ông có cần người giúp việc không ạ? – Cô ấp úng.

– Hiện nay thì không, – ông ta mỉm cười trả lời. – Nhưng chỉ là hiện tại thôi. Tuần sau cô đến nhé. Thỉnh thoảng chúng tôi cần người đấy.

Cô lẳng lặng nhận câu trả lời và ngượng nghịu quay ra. Cách tiếp đón thân mật khiến cô khá sửng sốt. Cô đã ngỡ sẽ khó khăn hơn thế, lời nói sẽ lạnh lùng và khó nghe, song cô thấy không phải thế. Cô không bị xấu hổ và cảm thấy thân phận rủi ro của mình, dường như là một sự khác thường.

Dù sao cũng được cổ vũ, cô đánh liều bước vào một tòa nhà rộng lớn khác. Đây là một hãng may mặc, dễ nhận ra có nhiều người hơn, những người đàn ông ăn vận lịch sự trạc bốn mươi và ngoài bốn mươi, có chấn song bằng đồng thau bao quanh.

Một cậu chạy giấy đến gần cô.

– Cô muốn gặp ai? – Cậu ta hỏi.

– Tôi muốn gặp ông quản đốc, – cô nói.

Cậu ta chạy đi và nói với một người trong nhóm ba người đang bàn bạc. Người đó tiến đến chỗ cô.

– Gì vậy? – Ông ta nói lạnh lùng. Lời chào hỏi xua tan mọi dũng khí của cô ngay lập tức.

– Ông có cần người giúp việc không ạ? – Cô lắp bắp.

– Không, – ông ta đáp sẵng và quay gót.

Cô đi vội ra ngoài, cậu chạy giấy kính cẩn xoay cánh cửa cho cô, và cô sung sướng chìm nghỉm vào đám đông vô danh. Đây là một bước lùi nghiêm trọng cho tình trạng tinh thần vui vẻ vừa qua của cô.

Cô đi một lúc nữa, hoàn toàn vu vơ, rẽ đây rẽ đó, nhìn hết công ty lớn này đến hãng khác, nhưng không đủ can đảm hỏi thêm câu nào nữa. Đã giữa trưa, cô thấy đói. Cô tìm một nhà hàng khiêm tốn và bước vào, nhưng bối rối thấy giá cả ở đây cao chót vót so với túi tiền của cô. Cô chỉ có thể mua một bát súp và ăn vội vàng rồi lại ra ngoài. Dù sao nó cũng làm cô hồi lại và đủ gan theo đuổi cuộc tìm kiếm.

Đi vài khối nhà nữa để chọn một chỗ nhất định, cô lại gặp hãng Storm và King, và cô quyết định bước vào. Có vài ông đang hội ý gần đó, nhưng không hề chú ý đến cô. Cô cứ đứng đó, lo lắng nhìn chăm chăm xuống sàn. Mấp mé đến lúc kiệt sức, cô được một người đàn ông ngồi bên cái bàn phía trong rào chắn gần đó vẫy tay ra hiệu.

– Cô muốn gặp ai? – Anh ta hỏi.

– Xin anh cho gặp ai cũng được, – cô trả lời. – Tôi đang tìm việc làm.

– Ồ, vậy cô cần gặp ông McManus, – anh ta đáp. – Cô ngồi xuống kia, – anh ta chỉ một cái ghế dựa vào bức tường gần đó. Anh ta tiếp tục viết, thong thả và lát sau, một người đàn ông mập mạp từ ngoài phố vào.

– Ông McManus, – người bên bàn gọi, – cô này muốn gặp ông.

– Tôi có thể giúp gì cô? – Ông ta hỏi và tò mò quan sát cô.

– Tôi muốn biết liệu tôi có thể tìm được một việc gì không ạ? – Cô hỏi.

– Việc như thế nào? – Ông ta hỏi.

– Bất cứ việc gì ạ, – cô ấp úng.

-Cô đã có kinh nghiệm gì trong việc kinh doanh đồ khô chưa? – Ông ta chất vấn.

– Chưa ạ, thưa ông, – cô đáp.

– Cô có biết viết tốc ký hoặc đánh máy chữ không?

– Không, thưa ông.

– Vậy thì ở đây chúng tôi không cần gì hết, – ông ta đáp. – Chúng tôi chỉ thuê người đã có kinh nghiệm.

Cô bắt đầu lùi bước ra cửa, thì vẻ mặt ai oán của cô khiến ông ta chú ý.

– Trước đây cô đã đi làm bao giờ chưa? – Ông ta hỏi.

– Chưa ạ, thưa ông, – cô nói.

– Ra vậy, hiện giờ cô hầu như không thể tìm được việc làm trong một hãng buôn bán loại này. Cô đã thử đến các cửa hàng bách hóa chưa?

Cô thú nhận rằng chưa.

– Nếu tôi là cô, – ông ta nói và nhìn cô khá ân cần, – tôi sẽ thử đến các cửa hàng bách hóa. Họ hay cần các cô gái trẻ làm nhân viên bán hàng.

– Cảm ơn ông, – cô nói, nhẹ cả người vì một chút xíu quan tâm thân ái.

– Vậy cô thử đến những nơi đó nhé, – ông ta nói lúc tiễn cô ra cửa, rồi ông ta đi mất.

Vào thời đó, cửa hàng bách hóa là loại hình hoạt động thành công mới mẻ nhất và chưa có nhiều. Đến năm 1884, ở Chicago đã khai trương ba cửa hàng đầu tiên của Mỹ[4]. Carrie đã quen vài cái tên qua các quảng cáo của tờ Daily News, và lúc này cô bắt đầu tìm. Lời nói của ông McManus dù sao cũng phục hồi chí khí đã giảm sút của cô, và cô dám hy vọng rằng tình thế mới mẻ này sẽ cho cô một cái gì đó. Cô lang thang ngược xuôi mất một lúc, tưởng ràng sẽ tình cờ bắt gặp các tòa nhà, cô thầm nghĩ phải sẵn sàng theo đuổi một việc vặt khó nhọc nhưng cần thiết, dễ dàng tự dối mình vì bề ngoài cuộc tìm kiếm không hiện thực. Cuối cùng, cô hỏi thăm một cảnh sát và được hướng dẫn đi tiếp “qua hai khối nhà nữa, cô sẽ thấy The Fair”.

Về bản chất, cửa hàng bách hóa kết hợp bán lẻ rất nhiều mặt hàng, làm sao có thể mất hẳn, và sẽ tạo thành một chương thú vị trong lịch sử thương mại của đất nước ta. Nó ra hoa kết trái từ một nguyên tắc buôn bán giản dị nhất đời mà hồi đó chưa bao giờ được đối chứng. Chúng là tổ chức bán lẻ hiệu quả nhất, kết hợp hàng trăm cửa hàng thành một và đặt ở vị trí gây ấn tượng mạnh nhất, đường bệ nhất và kinh tế nhất, chúng là những cơ sở buôn bán đẹp đẽ, tấp nập và thành công, có nhiều nhân viên và rất nhiều khách quen. Carrie đi dọc những gian hàng đông đúc, rất thích thú vì vô số hàng trưng bày: các đồ rẻ tiền, quần áo, đồ văn phòng và nữ trang. Riêng mỗi quầy là một nơi trưng bày thú vị và hấp dẫn đến hoa mắt. Cô không khỏi cảm thấy thèm thuồng từng món nữ trang và châu báu, và vẫn không dừng lại. Cô chưa từng được dùng thứ gì, và thứ gì cô cũng ao ước. Những đôi dép và bít tất xinh xắn, những chiếc váy, váy lót có diềm đăng ten tinh tế, hàng ren, ruybăng, lược chải tóc, ví, mọi thứ đều khuấy động sự thèm muốn của cô và thấm thía rằng mọi món hàng đều không nằm trong phạm vi túi tiền của cô. Cô là người đang đi xin việc, bơ vơ không công ăn việc làm, một người làm công bình thường chỉ liếc qua cũng có thể nói cô là người nghèo khổ và đang rất cần một chỗ làm.

Chẳng cần phải nói rằng bất cứ ai cũng không thể nhầm bản tính của cô là hay lo lắng, nhạy cảm, dễ xúc động, bị ném không đúng lúc vào một thế giới lạnh lùng, tính toán và không nên thơ. Chắc chắn cô không phải là người như vậy. Nhưng phụ nữ thường đặc biệt nhạy cảm với những món đồ trang điểm.

Carrie không những cảm thấy bị lôi kéo vì thèm khát mọi thứ mới mẻ và thích thú các loại y phục phụ nữ, mà trong thâm tâm còn chú ý đến các quý bà kiều diễm huých và phớt lờ cô, lướt qua mà hoàn toàn không đếm xỉa gì đến sự có mặt của cô, hăm hở giành lấy bằng được các thứ bày trong cửa hàng. Carrie còn chưa hiểu rõ phong thái của những người phụ nữ may mắn hơn cô ở thành phố. Trước kia cô chưa hiểu cả bản chất lẫn diện mạo của các cô gái bán hàng, để lúc này cô bị so sánh một cách tội nghiệp. Họ phần lớn là xinh xắn, thậm chí một số còn rất xinh đẹp, thái độ độc lập, dửng dưng và nếu được chú ý hơn, lại thêm một chút khêu gợi ngầm. Quần áo của họ giản dị và trang nhã, nhiều người ân vận rất tinh tế, và bắt gặp cái nhìn của ai đó ở bất cứ đâu, cô cũng nhận ra sự phân tích sắc sảo thân phận của cô, sự khiếm khuyết của cô về quần áo và bóng dáng của tập quán mà cô nghĩ ắt phải quanh quất bên cô, khiến tất cả đều biết cô là ai và cần gì. Ngọn lửa đố kỵ nhen nhóm trong tim cô. Cô mơ hồ nhận ra rằng thành phố nắm giữ biết bao thứ – sự giàu có, thời trang, sự thoải mái – tất cả đều trang điểm cho người phụ nữ, làm cô nóng lòng thèm muốn quần áo và nhan sắc.

Tầng hai là văn phòng của ban quản lý, sau vài lần hỏi thăm, lúc này cô đến thẳng đó. Cô thấy nhiều cô gái khác đến trước cô, họ cũng đi xin việc như cô nhưng thái độ tự mãn và độc lập hơn vì đã nếm mùi thành phố phần nào; các cô khác săm soi Carrie kỹ lưỡng với thái độ coi thường. Sau khi đợi khoảng bốn mươi nhăm phút, đến lượt cô được gọi.

– Nào, – một người Do Thái thái độ sắc sảo, lanh lợi, ngồi bên cái bàn có nắp cuộn gần cửa sổ nói, – cô đã từng làm việc ở cửa hàng nào chưa?

– Chưa ạ, thưa ông, – Carrie nói.

– Ồ, chưa ư, – ông ta nói và nhìn cô chăm chú.

– Chưa ạ, thưa ông, – cô đáp lại.

– Ờ, hiện nay chúng tôi thích các cô gái có chút ít kinh nghiệm hơn. Tôi cho rằng chúng tôi không thể sử dụng cô.

Carrie đứng đợi một lát, không biết cuộc phỏng vấn đã kết thúc hay chưa.

– Đừng đợi! – Ông ta kêu to. – Hãy nhớ rằng ở đây chúng tôi rất bận.

Carrie bắt đầu tiến nhanh ra cửa.

– Gượm đã, – ông ta gọi giật cô lại. – Hãy cho tôi biết tên và địa chỉ của cô. Thỉnh thoảng chúng tôi cần các cô.

Lúc đã ra phố yên ổn, cô hầu như không kìm nỗi những giọt nước mắt. Cô vừa trải qua không nhiều những lời cự tuyệt, nhưng cả ngày hôm nay khiến cô bối rối. Cô mệt mỏi và căng thẳng. Cô từ bỏ ý nghĩ đi van lơn các cửa hàng bách hóa khác và lúc này cô đi vơ vẩn, cảm thấy an toàn và nhẹ nhõm được lẫn vào đám đông.

Trong lúc đang lang thang, cô trở lại phố Jackson, cách dòng sông không xa, và đi về hướng Nam, dọc theo con phố lớn đường bệ, thì một tờ giấy gói viết bằng mực dấu, gắn lên cánh cửa khiến cô chú ý. Tờ giấy viết: “Cần tuyển các cô gái đóng gói và thợ may”. Do dự một lát, rồi cô bước vào.

Hãng Speigelheim & Company sản xuất mũ nam giới, chiếm một tầng của tòa nhà, chiều rộng mười lăm mét và chiều sâu hai mươi lăm mét. Đó là một nơi khá ảm đạm, nhiều ngọn đèn nóng chiếu sáng những chỗ tối tăm nhất, đầy máy móc và bàn làm việc. Tại đó, một nhóm các cô gái và vài người đàn ông đang làm việc bên bàn. Chỗ kia là những người nom nhếch nhác, mặt nhem nhuốc dầu và bụi bặm, mặc quần áo bằng vải bông mỏng, không ra hình thù gì và đi những đôi giày mòn vẹt ít nhiều. Nhiều người xắn cao tay áo để lộ cánh tay trần, có người còn mở phanh áo đến tận cổ vì nóng. Họ gần như là loại thấp kém nhất so với các cô gái bán hàng, họ cẩu thả, vai thõng xuống và ít nhiều xanh xao vì tù túng. Tuy vậy, họ không hề nhút nhát, rất tò mò, nói năng bặm trợn và đầy tiếng lóng.

Carrie nhìn quanh, rất lúng túng và tin chắc mình không muốn làm việc ở nơi này. Cô rất khó chịu vì ngoài những cái liếc xéo, chẳng ai chú ý đến cô mảy may. Cô đợi đến lúc toàn xưởng nhận ra sự có mặt của cô. Lúc đó, tiếng xì xào lan nhanh và người đốc công mặc tạp dề, đeo ống tay, còn tay áo xắn đến tận vai, đi tới.

– Cô muốn gặp tôi à? – Ông ta hỏi.

– Ông có cần người giúp không ạ? – Carrie nói, cô đã học được cách nói thẳng.

– Cô có biết may mũ không? – Ông ta hỏi lại.

– Không, thưa ông, – cô đáp.

– Cô đã có kinh nghiệm gì về công việc này chưa? – Ông ta chất vấn.

Cô trả lời rằng chưa.

– Vậy à, – viên đốc công gãi tai, ngẫm nghĩ, – chúng tôi đang cần một thợ may. Song, chúng tôi muốn người có kinh nghiệm. Chúng tôi không có thời gian để dạy dỗ. – Ông ta ngừng lại và ngoảnh nhìn ra cửa sổ. – Tuy vậy, chúng tôi có thể xếp cho cô việc sửa sang lần cuối, – ông ta trầm ngấm kết luận.

– Ông trả bao nhiêu một tuần? – Được thái độ khá mềm mỏng và cách nói giản dị của ông ta khuyến khích, Carrie đánh liều hỏi.

– Ba đôla rưỡi, – ông ta trả lời.

– Ồ, – cô suýt kêu lên, nhưng kìm lại và bắt ý nghĩ của mình tắt ngấm, không lộ ra.

– Chúng tôi không hẳn cần người, – ông ta lơ đãng nói tiếp và nhìn cô như một gói hàng. – Tuy vậy, sáng thứ Hai cô có thể đến và tôi sẽ xếp việc cho cô.

– Cảm ơn ông, – Carrie nói yếu ớt.

– Nếu cô đến, nhớ mang theo tạp dề, – ông ta nói thêm.

Ông ta bỏ đi và để cô đứng cạnh cái máy nâng, không buồn hỏi tên cô.

Trong khi bề ngoài của cửa hàng và lời tuyên bố tiền công mỗi tuần như một cú choáng váng đánh vào trí tưởng tượng của Carrie, thực tế bất cứ công việc loại nào sau một vòng những trải nghiệm thô bạo đều đáng phấn khởi. Cô không thể tin sẽ nhận được chỗ làm, khiêm tốn như mong muốn của cô vậy. Cô phải làm quen tốt hơn với điều đó. Kinh nghiệm nhỏ nhoi của cô và cuộc sống phóng khoáng ngoài trời ở thôn quê khiến cô chán ghét một nơi giam cầm như thế này. Cô chẳng bao giờ muốn chia sẻ với thứ dơ bẩn. Căn hộ của chị gái cô sạch sẽ. Nơi này đầy bụi bẩn và tầm thường, các cô gái cẩu thả và dày dạn. Cô hình dung chắc họ là những người trí tuệ kém cỏi và bạo dạn. Vẫn còn một chỗ cho cô. Chắc rằng Chicago không đến nỗi tệ nếu chỉ trong một ngày cô đã tìm được chỗ làm. Cô có thể tìm ra chỗ khác tốt hơn.

Tuy vậy, những việc tiếp theo chẳng làm cô yên lòng. Ở những chỗ vừa ý hơn hoặc oai nghiêm, cô đột nhiên bị xua đi theo kiểu sởn da gà nhất. Ở các nơi khác cô xin việc, người ta chỉ cần người đã có kinh nghiệm. Cô vấp phải những lời từ chối gay gắt, khó chịu nhất là ở một hãng sản xuất áo khoác, nơi cô đã lên tận tầng tư để hỏi thăm.

– Không, không, – viên đốc công nói, ông ta vóc vác nặng nề, thô lỗ, cai quản một phân xưởng sáng chói, – chúng tôi không cần ai hết. Đừng đến đây nữa.

Hy vọng, can đảm và sức khỏe của cô giảm dần theo buổi chiều. Cô đã kiên trì đáng ngạc nhiên. Sự cố gắng hết sức như thế xứng đáng một phần thưởng hậu hĩ hơn. Mặt khác, với cảm giác mệt mỏi của cô, các công việc tử tế càng lớn hơn, gay gắt hơn, chậm chạp hơn và dửng dưng hơn. Dường như tất cả đã khép chặt lại với cô, cuộc đấu tranh này quá dữ dội, cô khó hy vọng làm được chút gì. Đàn ông và đàn bà vội vã trong các hàng dài, luân phiên. Cô cảm nhận được dòng thủy triều của sự nỗ lực và quan tâm, cảm nhận được tình trạng bơ vơ của mình mà chưa nhận thức được cô là nắm bọt trên lớp thủy triều. Cô đã xoay xở một cách vô ích, tìm vài nơi khả dĩ để xin việc, nhưng không tìm ra cánh cửa nào để có can đảm bước vào. Hình như mọi sự tương tự đã chấm dứt. Cô nhịn nhục cầu xin, và bị đáp lại bằng lời từ chối cộc lốc. Lòng dạ đau khổ và thân xác mệt mỏi, cô rẽ về hướng Tây, hướng nhà Minnie mà lúc này cô đã định sẵn trong tâm trí, bắt đầu cuộc rút lui chán ngắt, đổi hướng mà người tìm việc thường làm lúc sẩm tối. Đang qua đại lộ Năm, phía Nam thẳng tới phố Van Buren, cô định bắt xe và qua cửa một hãng lớn bán buôn giày, nhìn qua cửa sổ gắn kính dày cô thấy một ông đứng tuổi ngồi bên cái bàn nhỏ. Một trong những cơn bốc đồng tuyệt vọng choán lấy cô, nảy sinh từ cuộc thất bại gần nhất và sự hình thành các ý tưởng lung lay. Cô thong thả bước qua cửa và tiến đến bên bàn, ông ta nhìn bộ mặt mệt mỏi của cô, có phần động lòng.

– Có việc gì thế? – Ông ta nói.

– Ông có việc gì cho tôi làm được không? – Carrie nói.

– Không, tôi thực sự không biết, – ông ta nói chân thành. – Cô muốn làm việc gì vậy, cô không phải là người đánh máy chữ đấy chứ?

– Ồ, không ạ, – Carrie trả lời.

– Ở đây chúng tôi chỉ thuê kế toán và nhân viên đánh máy. Cô có thể đi vòng phía này và hỏi thăm lên tầng trên. Mấy hôm trước, họ cần người giúp đấy. Hỏi ông Brown nhé.

Cô hấp tấp vòng sang lối vào bên và đi thang máy lên tầng tư.

– Gọi ông Brown, Willie, – người gác thang máy nói với cậu bé gần đó.

Willie đi và ngay sau đó trở lại, mang tin ông Brown nhắn cô ngồi đợi, tí nữa ông ấy sẽ đến.

Đây là một phần của phòng kho, chẳng cho ý tưởng gì về danh tiếng chung của nơi này, và Carrie không thể nghĩ ra tính chất của công việc.

– Cô muốn có việc gì đó để làm, – ông Brown nói sau khi hỏi mục đích của cô. – Trước kia cô đã làm cho xưởng giày nào chưa?

– Chưa ạ, thưa ông, – Carrie nói.

– Cô tên gì? – Ông ta hỏi. – Tốt, tôi không biết liệu có việc gì cho cô không. Cô có đồng ý làm việc với bốn đôla rưỡi một tuần không?

Carrie đã quá mòn mỏi vì thất bại nên không cảm thấy đó là một sự đáng kể. Cô không ngờ ông trả cô ít hơn sáu đô. Song cô bằng lòng và ông ta ghi tên cùng địa chỉ của cô.

– Tám giờ sáng thứ Hai, cô đến đây trình diện, – cuối cùng, ông ta nói. – Tôi nghĩ có thể tìm ra việc gì đó cho cô.

Ông ta khiến cô như sống lại vì nhiều triển vọng, tin chắc rằng rốt cuộc, cô đã tìm thấy cái gì đó. Ngay lập tức, máu ấm lan khắp người cô. Sự căng thẳng, lo âu của cô dịu lại. Bước ra đường phố tấp nập, cô phát hiện ra một không khí mới mẻ. Cô thấy đám đông đang di chuyển bằng bước chân nhẹ nhõm. Cô nhận ra nhiều người đàn ông và đàn bà đang cười. Những mẩu chuyện và tiếng cười thoảng đến tai cô. Bầu không khí thật thư thái. Dân chúng ào ra từ các tòa nhà, ngày làm việc của họ đã kết thúc. Cô nhận thấy họ hài lòng, rồi nghĩ đến căn nhà của người chị và bữa ăn đang đợi khiến cô rảo bước. Cô vội vã, có lẽ mệt mỏi, nhưng chân cô không còn rã rời nữa. Minnie sẽ không nói gì! Chà, mùa đông dài dặc ở Chicago – những ngọn đèn, đám đông, những trò giải trí! Rốt cuộc thì đây là một thủ phủ lớn và dễ chịu. Công ty mới của cô là một cơ sở đáng kể. Các cửa sổ của nó đều gắn những tấm kính mờ đồ sộ. Cô có thể làm việc yên ổn ở đấy. Cô chợt nghĩ đến Drouet, đến những điều anh ta đã kể với cô. Lúc này cô cảm thấy đời tươi hơn, sinh động hơn, sôi nổi hơn. Cô lên xe với trạng thái tinh thần phấn chấn nhất, cảm thấy máu lưu thông thoải mái trong người. Cô sẽ sống ở Chicago, tâm trí cô vẫn thường nói thế. Cô sẽ có một thời gian thoải mái hơn trước đây, và cô sẽ hạnh phúc.

Chọn tập
Bình luận