Những người coi cuộc mạo hiểm đến Brooklyn của Hurstwood như một sự đánh giá sai lầm sẽ không hiểu được tác động tiêu cực của nó đến ông về sự việc ông đã trải nghiệm và thất bại. Carrie cũng hiểu lầm việc đó. Ông ít nói đến mức cô hình dung ông chẳng gặp gì hơn sự thô bạo thông thường, bỏ việc sớm như thế như một chuyện vặt. Chẳng qua ông không muốn làm việc.
Hiện giờ trong màn hai của một vở nhạc kịch vui, cô là một trong các mỹ nhân phương Đông do tể tướng chọn, diễu qua trước mặt kẻ thống trị mới như một kho báu hậu cung của ông ta. Không có lời phân công cho bất cứ ai trong số họ, nhưng trong buổi tối Hurstwood ở lại gác xếp của bãi để xe điện, diễn viên hài hàng đầu và là một ngôi sao trong lúc bông lơn quá mức, đã nói bằng giọng thâm thúy, gây nên một trận cười:
– Vậy cô là ai?
Câu này nói ra đúng lúc Carrie nhún gối cúi chào trước ông. Nó có thế nhằm vào bất cứ người nào khác, miễn là ông ta quan tâm. Ông ta không chờ trả lời và một người chậm hiểu sẽ ngỡ đó là trách mắng. Nhưng nhờ kinh nghiệm và tự tin đã đem lại cho Carrie sự táo bạo, cô trả lời, nhã nhặn một cách duyên dáng:
– Em là kẻ đầy tớ trung thành của ngài.
Đây là một câu nói tầm thường, nhưng cách nói của cô đã lôi cuốn khán giả, khiến họ cười nghiêng ngả vì nhại sự hung tợn của kẻ chuyên quyền trước người phụ nữ trẻ. Người nghệ sĩ hài thích chí khi nghe thấy tiếng cười.
– Ta ngỡ tên cô là Smith, – ông ta đáp lại, cố giành tiếng cười cuối cùng.
Carrie gần như run rẩy vì sự liều lĩnh của mình sau khi nói câu này. Cả đoàn kịch đã được căn dặn không được tự ý thêm vào lời nào hoặc ngụ ý “diễn” hay hoặc dở. Cô không biết nghĩ gì.
Lúc cô đứng đúng chỗ trong cánh gà, đợi ra sân khấu lần nữa, nhà nghệ sĩ vĩ đại đi ra, qua chỗ cô và dừng lại khi nhận ra.
– Từ nay trở đi, cô có thể rời bỏ chỗ này, – ông nhận xét khi nhận thấy cô có vẻ rất thông minh. – Tuy nhiên, đừng thêm gì nữa nhé.
– Cảm ơn ngài, – Carrie nói, khiêm nhường. Lúc ông đi rồi, cô run bần bật.
– Cô gặp may đấy, – một cô trong dàn đồng ca nhận xét. – Chưa từng có ai trong chúng tôi được thêm một lời.
Song không thể bác bỏ giá trị của câu này. Mọi người trong đoàn đều nhận thấy cô đã có lợi thế. Carrie thích thú khi tới hôm sau, những lời này được vỗ tay khen ngợi y như thế. Cô hoan hỉ về nhà, biết rằng chẳng mấy chốc việc này sẽ dẫn đến việc khác. Sự có mặt của Hurstwood làm những ý nghĩ vui vẻ của cô tan biến và thay bằng những khao khát mạnh mẽ, kết thúc cảnh khốn cùng.
Ngày hôm sau, cô hỏi thăm ông về cuộc mạo hiểm.
– Người ta không thử chạy bất cứ chuyến tàu nào trừ khi có cảnh sát đi kèm. Hiện giờ họ không muốn tuyển ai nữa, cho đến tuần sau.
Tuần sau đã đến, nhưng Carrie chẳng thấy thay đổi gì. Hình như Hurstwood còn hờ hững hơn bao giờ hết. Sáng sáng, ông hoàn toàn bình thản nhìn cô đi tập. Ông chỉ đọc và đọc. Vài lần, ông nhìn chằm chặp vào một mục nhưng nghĩ tận đâu đâu. Lần đầu tiên trong những lần nhãng trí, ông nhận ra liên quan đến một bữa tiệc vui vẻ ông từng tham dự ở câu lạc bộ lái xe mà ông là thành viên. Ông ngồi, đăm đăm nhìn xuống, dần dần tưởng tượng nghe thấy những giọng nói cũ và tiếng chạm cốc lanh canh.
– Anh là nhất hạng, Hurstwood ạ, – ông bạn Walker nói. – Ông lại đứng lên, ăn vận bảnh bao, mỉm cười, hiền hậu, nhận những lời tung hô, đòi kể lại một chuyện thú vị.
Tất cả tan biến khi ông ngước nhìn. Căn phòng im lìm như một bóng ma. Ông nghe thấy tiếng đồng hồ tích tắc rõ rành rành và ngờ rằng ông đã ngủ gật. Tuy nhiên, tờ báo gọn gàng trong tay ông và những mục ông đang đọc ở ngay trước mắt, đến mức ông gạt ngay ý nghĩ đó đi. Hình như nó vẫn là chuyện khác thường. Khi xảy ra lần thứ hai, hình như nó không còn lạ lùng lắm nữa.
Người bán thịt và bán tạp phẩm, người bán bánh và bán than ghé đến – ông không phải giải quyết với cả nhóm, nhưng họ đã tin ông đến hết mức rồi. Ông gặp tất cả bọn họ, nại cớ rất khéo léo. Cuối cùng ông trở nên trơ tráo, giả vờ có việc ra ngoài hoặc xua họ đi.
– Họ không thể vắt máu từ củ cải đỏ được, – ông nói. – Nếu anh có tiền, anh đã trả họ rồi.
Lola Osborne, cô lính xinh xắn bạn Carrie đã nhìn thấy thành công và triển vọng của Carrie, bèn biến luôn thành một người tùy tùng. Cô Osborne tầm thường thừa biết bản thân mình chẳng bao giờ thành đạt. Hình như cô ta nhận biết điều đó theo kiểu của loài mèo và theo bản năng, quyết định bám chặt lấy Carrie bằng những móng vuốt xinh xắn, mềm mại của cô ta.
– Chao ôi, nhất định cô sẽ thành đạt, – cô ta hay nói với Carrie, vẻ ngưỡng mộ. – Cô diễn hay thế kia mà.
Carrie bản tính bẽn lén song rõ là có năng lực. Sự tin cậy của người khác khiến cô thấy dường như cô phải thành công, và khi bắt buộc phải thế, cô đủ can dàm đương đầu. Kinh nghiệm của cuộc đời và cảnh túng thiếu trở nên có lợi cho cô. Lời lẽ phù phiếm của cánh mày râu không còn làm đầu óc cô ngây ngất nữa. Cô hiểu rằng đàn ông có thể thay đổi và thất bại. Với cô, sự tâng bốc dù dưới dạng khôn khéo nhất đã mất hẳn sức mạnh. Nó đòi hỏi sự tốt đẹp hơn – sự tốt đẹp chân thành của một anh tài như Ames mới làm cô cảm động.
– Tôi không thích các diễn viên trong đoàn, – một hôm, Carrie nói với Lola. – Họ chỉ nghĩ đến bản thân thôi.
– Cô không tính đến sự dễ thương của ngài Bacclay đấy chứ? – Lola hỏi, cô đã nhận được một hoặc hai nụ cười hạ cố của ông ta.
– Ồ, ông ấy đủ dễ thương, nhưng không chân thành. – Carrie nói. – Ông ta chỉ ra bộ thế thôi.
Lola tìm cách đầu tiên nắm giữ Carrie như sau:
– Cô đang trả tiền thuê nhà nơi cô ở chứ?
– Nhất định rồi, – Carrie đáp. – Thì sao?
– Tôi biết có thể thuê được một chỗ đẹp nhất, có cả buồng tắm. lại rẻ. Nó quá rộng với tôi, nhưng rất vừa cho hai người, mà tiền nhà cho cả hai chỉ tốn sáu đôla một tuần thôi.
– Ở đâu vậy? – Carrie hỏi.
– Trên phố Mười bảy.
– Tốt quá, nhưng không biết liệu tôi có muốn đổi chỗ không, – Carrie nói, cô đang cân nhắc đến khoản ba đôla trong đầu. Cô nghĩ nếu chỉ có một mình, cô sẽ còn lại mười bảy đôla cho bản thân.
Sẽ không xảy ra chuyện gì nếu không có cuộc mạo hiểm ở Brooklyn của Hurstwood và thành công nói trên của cô. Cô bắt đầu cảm thấy cô phải được tự do. Cô nghĩ đến việc rồi Hurstwood và như thế, ông phải tự xoay xỏa lấy, nhưng ông đã bộc lộ những đặc điểm riêng khiến cô e rằng ông có thế cưỡng lại việc bỏ rơi ông. Ông có thể tìm cô ở nơi biểu diễn và săn lùng cô ráo riết theo cách đó. Cô không tin hẳn ông sẽ làm thế, nhưng có thể lắm. Cô hiểu sẽ rất khó xử nếu ông làm cho người ta chú ý đến mình theo bất cứ kiểu nào. Nó sẽ gây rất nhiều phiền toái cho cô.
Sự việc được đẩy tới vì lời mời đóng một vai hay hơn. Một trong các nữ diễn viên đóng vai người tình thùy mị thông báo bỏ đoàn và Carrie được chọn thế vai.
– Cậu sẽ được trả bao nhiêu? – Cô Osbome hỏi khi nghe tin vui này.
– Mình không hỏi ông ấy, – Carrie đáp.
– Phải tìm hiểu chứ. Trời ạ, cậu sẽ không bao giờ được gì nếu không đòi hỏi. Hãy bảo họ cậu phải được bốn chục đôla.
– Ôi, không, – Carrie nói.
– Phải thế chứ! – Lola kêu lên. – Dù thế nào cũng phải yêu cầu họ.
Carrie không cưỡng nổi lời gợi ý này, song cô đợi cho đến khi ông bầu nhắc cô phải có trang phục phù hợp với vai.
– Vậy tôi sẽ được bao nhiêu? – Cô hỏi.
– Ba mươi nhăm đôla, – ông ta đáp.
Carrie quá đỗi sửng sốt và hài lòng nghĩ đến việc yêu cầu bốn chục đôla. Cô gần như mừng quýnh và suýt ôm ghì Lola, cô ta bám chặt lấy cô vì tin này.
– Như thế chưa phải là nhiều lắm đâu, – Lola nói, – nhất là cậu phải mua quần áo.
Carrie giật mình nhớ ra việc này. Kiếm đâu ra tiền bây giờ? Cô chẳng dành dụm được gì phòng khi khẩn cấp. Ngày thu tiền nhà sắp đến.
“Mình sẽ không trả nữa, – cô nói khi nhớ đến cảnh túng bần của mình. – Mình sẽ không thuê căn hộ đó nữa. Lần này mình sẽ không bỏ tiền của mình. Mình sẽ dọn đi.”
Khớp với việc này là Lola Osborne lại khẩn khoản đề nghị, thúc bách hơn bao giờ hết.
– Cậu đến ở với mình chứ? – Cô ta năn nỉ. – Chúng ta có thể có một chỗ ở đáng yêu nhất. Mà như thế cậu chẳng tốn kém gì.
– Mình cũng muốn thế, – Carrie thật thà nói.
– Ồ, thì làm đi, – Lola nói. – chúng ta sẽ chung sống thoải mái.
Carrie suy nghĩ một lát.
– Mình cũng tin thế, – cô nói, rồi nói thêm. – Song mình muốn xem trước đã.
Thế là ý tưởng đó đến, ngày trả tiền nhà đến gần, quần áo thì phải mua ngay, ngay sau đó cô nại cớ vì sự uể oải của Hurstwood. Ông ít nói và ủ rũ hơn bao giờ.
Khi ngày thu tiền nhà đến, một ý tưởng lớn lên trong ông. Nó càng mạnh thêm vì các chủ nợ đòi và không thể chống đỡ được mãi. Hai mươi tám đôla là khoản tiền nhà quá nhiều. “Thật vất vả cho cô ấy, – ông nghĩ. – Chúng ta có thề kiếm một chỗ rẻ hơn”.
Náo nức vì ý tưởng ấy, ông nói bên bàn ăn sáng.
– Em có thấy chúng mình ở phải trả tiền nhà quá nhiều không? – Ông hỏi.
– Thực ra là có, – Carrie nói, không hiểu mục đích của ông.
– Anh nghĩ chúng ta có thể tìm một chỗ nhỏ hơn, – ông gợi ý. – Chúng ta không cần đến bốn phòng.
Sắc mặt của cô – mà ông từng nghiên cứu kỹ lưỡng – lộ rõ vẻ lo âu vì cảm thấy rõ ràng ông quyết ở với cô. Ông chẳng thấy gì khác thường khi đề nghị cô hạ thấp mức sống.
– Ồ, mà em không biết nữa, – cô trả lời, trở nên cảnh giác.
– Chắc quanh đây phải có nhiều chỗ, chúng ta có thể thuê độ hai phòng, như thế cũng tốt chán.
Lòng cô chán ngán. “Không đời nào!” Cô nghĩ. Ai sẽ chi tiền dọn nhà? Nghĩ đến phải ở hai phòng với ông ư! Cô quyết chi ngay tiền mua quần áo, trước khi có sự khủng khiếp xảy ra. Ngày hôm ấy, cô đã làm việc đó. Làm xong, nhưng còn việc nữa phải làm.
– Lola này, – cô nói lúc đến thăm bạn, – mình nghĩ là sẽ đến ở với cậu.
– Ồ, vui quá! – Lola kêu lên.
– Chúng mình có thể đến đó xem ngay không? – Cô hỏi, ám chỉ căn phòng.
– Nhất định rồi, – Lola reo.
Họ đến xem phòng. Carrie để dành được mười đôla tiền chi tiêu, đủ để thuê nhà và tiền ăn. Còn mười ngày nữa cô mới được tăng lương, cô không còn lĩnh mười bảy đôla nữa. Cô trả luôn ba đôla tiền nhà với bạn.
– Hiện giờ mình chỉ còn đủ tiền đến cuối tuần, – cô giãi bày.
– Ồ, mình còn một ít, – Lola nói. – Mình còn hai mươi nhăm đôla, nếu cậu cần tiêu.
– Không, – Carrie nói. – Mình nghĩ là mình sẽ xoay xỏa được thôi.
Họ quyết định thứ Sáu sẽ chuyển đến, chỉ còn hai ngày nữa. Lúc này mọi việc đã quyết, lòng Carrie thấy buồn. Cô cảm thấy trong việc này cô giống như một kẻ tội đồ. Hàng ngày nhìn Hurstwood, cô nhận ra rằng tuy khó chịu vì thái độ của ông, cô vẫn có phần thông cảm.
Tối hôm quyết định ra đi, cô nhìn ông và lúc này ông không có vẻ ươn hèn và vô dụng, nhưng suy sụp vì tình cờ bị đánh đập. Mắt ông không còn tinh, mặt ông đầy nếp nhăn, bàn tay ông nhẽo nhèo. Cô nghĩ tóc ông đã hoa râm. Tất cả vô tình nói lên sự bạc phận của ông, ông đu đưa và đọc báo trong lúc cô liếc nhìn ông.
Biết rằng kết cục đã đến gần, cô trở nên khá quan tâm và lo lắng.
– Anh đi mua ít đào đóng hộp nhé? – Cô hỏi Hurstwood và để tờ hai đôla xuống.
– Được, – ông nói và nhìn số tiền, ngạc nhiên.
– Anh có thể mua ít măng tây ngon, cô nói thêm. – Em sẽ nấu bữa tối.
Hurstwood đứng dậy và cầm tiền, mặc vội áo khoác và đội mũ. Carrie nhận thấy cả hai món đồ này đều cũ và nom tiều tụy. Trước kia nó đã đủ xấu rồi, nhưng lúc này nó gây ấn tượng rất mạnh. Rốt cuộc, có lẽ ông không thể làm gì hơn. Ở Chicago, ông đã làm ăn giỏi. Cô nhớ lại phong thái đường bệ của ông, những ngày ông gặp cô trong công viên. Hồi đó ông đầy sức sống, sạch sẽ tinh tươm. Mọi thứ này có phải là lỗi của ông không?
Ông trở về và để tiền lẻ xuống cùng thức ăn.
– Anh cứ cầm thì hơn, – cô nói. – Chúng ta còn cần nhiều thứ khác.
– Không, – ông nói, có phần kiêu hãnh, em giữ lấy.
– Thôi đi, anh cứ giữ lấy, – cô đáp lại, hơi bực mình. – Sẽ còn những thứ khác nữa.
Ông ngạc nhiên vì câu đó, không hiểu rằng trong mắt cô, ông là một hình ảnh thảm bại. Cô phải khó khăn lắm mới kiềm chế khỏi lộ ra giọng cô run run.
Thật ra, đây là thái độ của Carrie trong mọi trường hợp. Nhiều lần nhớ lại cảnh chia tay với Drouet, cô ân hận đã đối xử với anh tệ như thế. Cô hy vọng sẽ không bao giờ gặp lại anh, nhưng cô xấu hổ vì hành vi của mình. Không phải vì cô đã có lựa chọn khác trong lần chia tay cuối cùng. Cô đã tự nguyện đi tìm Drouet, lòng đầy thương cảm khi Hurstwood báo tin anh bị ốm. Có một cái gì tàn nhẫn ở đâu đó, và không thể truy lùng đến tận hang ổ hợp lý của nó, cô kết thúc với cảm giác rằng anh sẽ không bao giờ hiểu việc Hurstwood đã làm và sẽ coi hành động quyết định của cô là tàn nhẫn, và cô xấu hổ vì thế. Cũng không phải cô cần đến anh. Cô không muốn làm bất kỳ ai đã từng đối xử tốt với cô nghĩ xấu đi.
Cô không nhận thấy việc cô đang làm vì nó cho phép những cảm nghĩ này chiếm hữu cô. Hurstwood nhận ra sự tử tế, nên nghĩ về cô tốt hơn. “Dù sao mặc lòng, Carrie cũng là người từ tâm”, ông nghĩ.
Chiều hôm ấy lúc đến nhà Lola Osborne, Carrie nhận ra cô bạn bé nhỏ đang vừa gói ghém hành lý vừa hát.
– Sao cậu không đến đằng ấy với mình hôm nay? – Cô ta hỏi.
– Ồ, mình không thể, – Carrie nói. – Thứ Sáu mình sẽ đến đó. Cậu có thể cho mình vay hai nhăm đôla như cậu nói không?
– Sao lại không? – Lola nói và đi lấy ví.
– Mình muốn làm một số việc khác, – Carrie nói.
– Ồ, không sao mà, – cô gái bé nhỏ trả lời, vui vẻ, lấy làm mừng vì trở nên có ích.
Những ngày đó Hurstwood làm nhiều việc hơn là đến hiệu tạp phẩm hoặc đến quầy báo. Tình trạng buồn chán vì ở trong nhà choán lấy ông – đã hai ngày liền – nhưng thời tiết giá lạnh và xám xịt giữ chân ông. Ngày thứ Sáu, trời đỡ rét và ấm hẳn. Đây là một trong những tín hiệu đáng yêu báo xuân về, như một biểu hiện trong mùa đông thê lương rằng trái đất không từ bỏ hơi ấm và vẻ đẹp. Bầu trời xanh biếc bao quanh quả địa cầu vàng rực, rót xuống ánh sáng ấm áp trong veo như pha lê. Tiếng hót ríu rít của bầy chim sẻ cho thấy mọi thứ bên ngoài thật mộc mạc và thanh bình. Carrie nâng các cửa sổ đằng trước lên và cảm thấy ngọn gió Nam đang thổi.
– Hôm nay trời đẹp quá, – cô nhận xét.
– Thế ư? – Hurstwood nói.
Ăn sáng xong, ông thay quần áo khác ngay lập tức.
– Anh sẽ về ăn trưa chứ? – Carrie hỏi, bồn chồn.
– Không, – ông nói.
Ông ra phố và đi lang thang về phía Bắc, dọc theo đại lộ Bảy, lười biếng chọn sông Harlem là mục tiêu. Ông ngắm những con tàu trên sông, thời gian khiến ông nhớ tới những nhà máy rượu bia. Ông tự hỏi lĩnh vực đó phát triển ra sao rồi.
Đi qua phố Năm mươi chín, ông đến phía tây của Công viên Trung tâm rồi theo đó tới phố Bảy mươi tám. Lúc đó ông nhớ ra vùng này và đắn đo ngắm vô số tòa nhà thẳng đứng. Nó đã phát triển rất nhiều. Những khoảng không gian mở rộng đã bị lấp đầy. Trở về, ông qua Công viên đến phố 110 rồi rẽ sang đại lộ Bảy lần nữa, tới dòng sông xinh đẹp lúc một giờ.
Dòng sông uốn khúc trước cái nhìn chăm chú của ông, bừng sáng trong ánh trời trong trẻo, chảy giữa bờ bên phải nhấp nhô và bờ trái phủ đầy cây cao chót vót. Mùa xuân cũng như không khí đánh thức cảm giác về vẻ yêu kiều của nó, và ông đứng ngây ra ngắm hồi lâu, tay chắp sau lưng. Rồi ông quay người, đi men dòng sông về phía Đông, vu vơ tìm những con tàu ông đã nhìn thấy. Bốn giờ trước lúc ngày tàn, nhắc ông một buổi tối lạnh lẽo hơn, giục ông trở về. Ông đói và sẽ rất sung sướng ăn tối trong căn phòng ấm ấp.
Lúc về đến nhà đã năm giờ rưỡi, nhà vẫn tối om. Ông biết Carrie không ở nhà, không chỉ vì không có ánh đèn lọt qua ô cửa sổ nhỏ, mà vì những tờ báo buổi chiều vẫn mắc giữa quả đấm bên ngoài và cánh cửa. Ông tra chìa khóa, mở cửa rồi bước vào. Mọi vật vẫn tối tăm. Thắp ngọn đèn khí, ông ngồi xuống, đợi một lát. Dù Carrie về lúc này, bữa ăn cũng đã muộn. Ông đọc báo đến sáu giờ, rồi đứng dậy sửa soạn bữa cho mình.
Lúc làm, ông nhận ra căn phòng có vẻ lạ lùng. Cái gì thế nhỉ? Ông nhìn quanh, như thể ông bỏ quên thứ gì và thấy một cái phong bì gần nơi ông thường ngồi. Nó đã nói lên tất cả, hầu như không cần ông làm gì thêm.
Ông với tay cầm lấy, một cảm giác ớn lạnh bao trùm lấy ông ngay cả trong lúc với. Tiếng sột soạt của chiếc phong bì trong tay ông sao mà to thế. Trong bức thư kẹp tờ giấy bạc màu xanh mịn màng.
George thân yêu, – ông đọc, tờ tiền lạo xạo trong bàn tay ông. – Em đi đây. Em sẽ không về nữa đâu. Thật vô ích khi cố giữ căn hộ này. Em không thể cáng đáng được nữa. Em sẽ không ngại đỡ đần anh nếu có thể, nhưng em không thể chu cấp cho cả hai chúng ta và trả tiền nhà. Em cần giữ lại một chút để trả tiền quần áo cho em. Em để lại hai chục đôla. Hiện giờ em chỉ còn có thế. Anh có thể tùy ý sử dụng đồ đạc. Em không muốn thứ gì hết. CARRIE.
Ông buông rơi bức thư và lặng lẽ nhìn quanh. Giờ ông đã biết mình thiếu những gì. Đó là chiếc đồng hồ trang sức xinh xắn từng là của cô. Nó đã không còn trên nóc lò sưởi. Ông vào phòng đằng trước, phòng ngủ của ông, phòng khách, thắp đèn lúc đi qua. Trong tủ đựng đồ, thiếu nhiều thứ đồ lặt vặt và bát đĩa bằng bạc. Mặt bàn không trải khăn đăng ten. Ông mở tủ áo, không có quần áo của cô. Va li của cô đã biến khỏi chỗ để quen thuộc. Bộ quần áo cũ của ông đã treo lại trong phòng ông, vì ông để quên. Không thiếu thứ gì nữa.
Ông vào phòng khách và đứng mãi, đờ đẫn nhìn xuống sàn. Sự im lặng tăng lên nặng trĩu. Căn hộ nhỏ dường như cực kỳ hoang vắng.
Ông quên bẵng đang đói, rằng lúc này là giờ ăn tối. Dường như nó chết hẳn trong đêm.
Ông bỗng nhận thấy tờ tiền vẫn nằm trong bàn tay ông. Hai mươi đôla tất cả, như cô đã nói. Lúc này ông trở lại, để mặc những ngọn đèn sáng chói và cảm thấy căn hộ dường như trống rỗng.
– Mình sẽ thoát khỏi cảnh này, – ông nói một mình.
Lúc đó, tình trạng cô đơn hoàn toàn ào đến, bao phủ ông trọn vẹn.
– Cô ấy đã bỏ mình! – Ông lẩm bẩm và nhắc lại. – Đã bỏ mình!
Căn nhà đã từng thoải mái như thế, nơi ông trải qua nhiều ngày ấm áp, nay chỉ còn là hồi ức. Một thứ lạnh lẽo hơn và giá buốt hơn đe dọa ông. Ông lún sâu vào trong ghế, tựa cằm lên bàn tay, chỉ còn cảm giác choán lấy ông, thiếu hẳn suy nghĩ.
Lúc đó, cảm giác như nhà có tang và thương thân tràn ngập lòng ông.
– Cô ấy không cần bỏ đi, – ông nói. – Mình phải tìm được việc gì đó.
Ông ngồi một lúc lâu không hề đu đưa, và nói to thêm, rất rõ ràng:
– Mình đã cố gắng rồi kia mà!?
Đến nửa đêm, ông vẫn đu đưa và nhìn đăm đăm xuống sàn.