Xét về thái độ của thế gian với phụ nữ và bổn phận của phụ nữ, bản chất tình trạng tinh thần của Carrie đáng bị xem xét. Hành động của cô bị đánh giá bằng một thước đo rất độc đoán. Xã hội có tiêu chuẩn quy ước để xét đoán mọi thứ. Tất cả đàn ông phải là người tốt, đàn bà phải tiết hạnh. Vậy thì, hỡi kẻ bất lương, mi đã thất bại chưa?
Với mọi phân tích hào phóng của Spencer và các triết gia theo chủ nghĩa tự nhiên hiện đại, chúng ta nhận thức vẻ đạo đức rất ấu trĩ. Nó chẳng gì hơn là phù hợp với quy luật tiến hóa. Nó còn tuân theo sâu sắc hơn các thứ trên trái đất. Nó tiến hóa hơn chúng ta nhận biết. Trước hết, nó giải đáp vì sao trái tim hồi hộp, vì sao giai điệu buồn lại lang thang khắp thế giới và bất tử, làm rõ sự chuyển hóa tinh tế của màu hồng làm ngọn đèn hoe đỏ trong ánh sáng và mưa.
Bản chất của các sự việc này nằm trong các nguyên tắc đầu tiên của đạo đức.
– Ồ, – Drouet nghĩ, – cuộc chinh phục của mình mới ngon lành làm sao.
– Chà, – Carrie nghĩ, lòng đầy nghi ngại ảm đạm, – mình phải mất những gì đây?
Chúng ta đứng trước vấn đế cũ kỹ này, đáng sợ, vụ lợi, lộn xộn, cố gắng rút ra nguyên lý đích thực về đạo đức, tìm lời giải đích thực cho nó.
Với cách nhìn của một tầng lớp nhất định trong xã hội, Carrie thật sung sướng – theo suy nghĩ của người đang đói rách cơ cực, bị gió dập mưa vùi, thì cô đã an toàn tại một nơi trú ẩn bình yên. Drouet thuê một căn hộ ba phòng, có sẵn đồ đạc ở Ogden Place, đối diện với công viên Union ở West Side. Đây là nơi xinh xắn, sinh động, xanh tươi. Hồi đó ở Chicago, chẳng có nơi nào đẹp hơn. Nó tạo nên một khung cảnh dễ chịu để thưởng ngoạn. Căn phòng đẹp nhất nhìn ra bãi cỏ của công viên, hiện giờ khô héo và sạm nâu, có một cái hồ nhỏ nằm hẻo lánh. Tháp chuông của nhà thờ giáo đoàn Công viên Union nổi bật trên các cành cây trơ trụi, đu đưa trong gió đông, và xa xa là các tháp chuông của vài nhà thờ khác.
Các phòng có đồ đạc đủ thoải mái. Sàn trải thảm Brussel đẹp đẽ, vui mắt với các sắc độ đỏ thắm và vàng chanh, miêu tả những khu vườn đầy những bông hoa vô cùng tươi thắm. Giữa hai cửa sổ là một tấm gương đồ sộ. Một đi-văng lớn, mềm mại, phủ nhung tuyết màu xanh chiếm một góc phòng, vài chiếc ghế bập bênh ở đây đó. Một vài bức tranh, vài tấm thảm, ít đồ cổ.
Trong phòng ngủ, cách xa phòng đằng trước là cái vali của Carrie do Drouet mua, và trong tủ tường là một dãy quần áo, nhiều hơn cô từng có trước kia, kiểu dáng rất xứng hợp. Phòng thứ ba có thể dùng làm bếp, Drouet đã đặt sẵn cho Carrie một bếp gas xách tay nhỏ để nấu bữa trưa, sò, phomat nóng chảy, đại loại thế, vì anh ta vốn thích ăn; thứ cuối cùng là một buồng tắm. Toàn bộ nơi này thật ấm cúng, thắp sáng bằng khí, sưởi ấm bằng lò điều tiết, có cả một lò sưởi nhỏ, lưng lò bằng amiăng, một phương pháp sưởi ấm tùy ý hồi đó mới đưa vào sử dụng. Carrie vốn siêng năng và thích ngăn nắp, nay tính này càng phát triển, nên căn hộ giữ được dáng vẻ vô cùng dễ chịu.
Tại đây, Carrie được ăn mặc hợp mốt, thoát khỏi những khó khăn nhất định đang đe dọa cô một cách đáng ngại, chất đầy nhiều thứ mới mẻ về tinh thần, tất cả xoay tròn trong những quan hệ trần tục, biến cô thành một con người mới và khác hẳn. Soi gương, cô thấy một Carrie xinh đẹp hơn trước; song khi soi xét tâm hồn, tấm gương cho thấy chính cô và những quan niệm về cuộc đời, và thấy xấu hơn. Cô dao động giữa hai hình ảnh này, lưỡng lự không biết nên tin cái nào.
– Chao ôi, em xinh quá, – theo thói quen, Drouet kêu lên với cô.
Cô nhìn anh ta bằng cặp mắt to, hài lòng.
– Em có biết thế không, hở bé? – Anh tiếp tục.
– Ồ, em không biết, – cô đáp, mãn nguyện vì lẽ ra cô nên nghĩ như thế song vẫn do dự, dù thực lòng cô biết rằng cô đủ tự kiêu để nghĩ về mình như thế.
Tuy vậy, không chỉ mình Drouet, mà lương tâm cô thích được tán dương. Cô nghe thấy một tiếng nói khác, cô tranh cãi, bào chữa, tha thứ cho nó. Nó không phải là cố vấn khôn ngoan trong những phân tích cuối cùng. Nó chỉ là một lương tâm nhỏ bé, trung bình, một thứ đại diện cho thế giới, môi trường trước kia của cô, thói quen, tục lệ theo kiểu lộn xộn. Với nó, tiếng nói của dân chúng mới thực sự là tiếng nói của Chúa.
– Ồ, mi là đồ bỏ đi! – Giọng đó nói.
– Vì sao? – Cô hỏi.
– Mi hãy nhìn quanh xem. – Câu trả lời thì thào. – Nhìn những người tử tế kia kia. Họ sẽ khinh rẻ việc mi đã làm biết chừng nào. Hãy nhìn những cô gái đức hạnh kia, họ sẽ rời xa một kẻ như mi khi biết mi tệ hại ra sao. Mi đã không chịu cố gắng trước khi gục ngã.
Đấy là khi Carrie chỉ có một mình, nhìn ra ngoài công viên, cô mới lắng nghe thấy tiếng đó. Nó đến không thường xuyên, khi không có gì cản trở, khi khía cạnh vui thú không quá rõ ràng, khi Drouet không ở đấy. Ban đầu, nó nói khá rõ ràng, nhưng chưa bao giờ thuyết phục trọn vẹn. Luôn có một câu trả lời, luôn là những ngày tháng Chạp đầy đe dọa. Cô đơn độc, cô đầy thèm muốn, cô sợ tiếng gió rú rít. Tiếng nói của sự khao khát tạo thành câu trả lời cho cô.
Khi những ngày hè rực rỡ đã qua, thành phố khoác bộ áo xám xịt ảm đạm, mải miết bắt tay vào những công việc của nó trong mùa đông dài dặc. Những tòa nhà vô tận trong thành phố trông buồn tẻ, bầu trời và phố xá khoác màu u ám, cây cối lưa thưa, rụng hết lá, gió cuốn tung bụi và giấy càng tăng thêm sự trang nghiêm chung của màu sắc. Hình như trong những cơn gió lạnh buốt chạy suốt các đường phố dài và hẹp có một cái gì đó dẫn đến những ý nghĩ buồn bã. Không chỉ riêng các nhà thơ, các nghệ sĩ, hoặc những đầu óc tối thượng thường nhận vơ mọi ý nghĩ tao nhã, mà cả lũ chó và mọi con người đều cảm thấy điều này. Tất cả đều cảm nhận được như nhà thơ, tuy họ không có khả năng thể hiện. Lũ chim sẻ đậu trên dây thép, mèo trên ngưỡng cửa, ngựa gò lưng kéo hàng, tất thảy đều cảm thấy hơi thở dài, buốt nhói, thấm thía của mùa đông. Nó đập mạnh vào con tim mọi sinh vật, sôi nổi hay buồn tẻ. Nếu không có sự sôi nổi, vui vẻ giả tạo, việc buôn bán kiếm lời và những trò giải trí mua vui; nếu các thương nhân đủ loại không có các cuộc trưng bày thông thường bên trong hoặc ngoài cơ ngơi của họ; nếu đường phố không trương các biển hiệu màu sắc rực rỡ và tấp nập người mua hàng, chúng ta sẽ nhanh chóng phát hiện ra bàn tay buốt giá, khắc nghiệt của mùa đông đè nặng lên trái tim, những ngày dài mặt trời không cho chút ánh sáng và hơi ấm sẽ đáng nản biết chừng nào. Chúng ta phụ thuộc vào những thứ này nhiều hơn thường nghĩ. Chúng ta là lũ sâu bọ sinh ra nhờ sức nóng và chết nếu thiếu nó.
Trong một ngày u ám, dài lê thê, một giọng nói bí mật lại lên tiếng, yếu ớt và ngày càng yếu ớt.
Sự xung đột tinh thần ấy không phải lúc nào cũng ở hàng đầu. Carrie không phải là người u sầu vì bất cứ sự tầm thường nào. Hơn nữa, cô không có ý định khư khư giữ một sự thật hiển nhiên. Khi không thể tìm ra lối thoát khỏi mê cung những lập luận ốm yếu để suy nghĩ về một vấn đề mới nảy sinh, cô quyết ngoảnh mặt làm ngơ.
Drouet luôn cư xử đúng kiểu người như anh. Anh chu cấp cho cô, chi tiền cho cô, và mỗi khi đi xa, anh đưa cô theo. Có nhiều lần, cô ở một mình hai hoặc ngày, trong khi Drouet đi có việc ngắn hơn, nhưng như một quy luật, cô đã nhìn thấy nhiều điều trong con người anh.
– Carrie này, – một buổi sáng, Drouet nói, sau khi họ ổn định cuộc sống ít lâu, – một hôm nào đó anh sẽ mời ông bạn Hurstwood đến chơi và ăn tối với chúng ta.
– Ông ấy là ai vậy? – Carrie nghi ngại hỏi.
– Ông ấy là người tế nhị. Ông ấy là quản lý của Fitzferald & Moy.
– Là gì vậy? – Carrie hỏi.
– Khách sạn sang trọng nhất thành phố. Đấy là một nơi rất oách.
Carrie lúng túng giây lát. Cô không biết Drouet đã kể với ông ta những gì, và nên cư xử ra sao.
– Không sao đâu, – Drouet nói, cảm nhận được suy nghĩ của cô. – Ông ấy không biết gì đâu. Bây giờ, em là bà Drouet.
Câu này khiến Carrie giật mình vì hơi thiếu thận trọng. Cô thấy Drouet không có sự nhạy cảm sắc sảo.
– Tại sao chúng ta không kết hôn? – Cô hỏi, nghĩ đến những lời hứa hẹn trơn tru của anh ta.
– Ờ, chúng ta sẽ kết hôn, – anh ta nói, – ngay sau khi công việc nho nhỏ anh đang làm kết thúc.
Drouet ám chỉ một cơ ngơi anh ta đã có, đòi hỏi nhiều sự quan tâm, sửa sang nhiều thứ và không được quấy rầy các việc cá nhân, sự tự do của anh ta.
– Ngay sau khi anh đi Denver về vào tháng Giêng, chúng ta sẽ cưới.
Carrie tiếp nhận câu này như một nền tàng để hy vọng, nó gần như là điều an ủi lương tâm cô, một lối thoát dễ chịu. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự việc cũng phải thích hợp. Hành động của cô sẽ được bào chữa.
Thực lòng, cô không say mê Drouet. Cô thông minh hơn anh nhiều. Cô bắt đầu lờ mờ nhìn thấy những thiếu hụt của anh. Nếu cô không có khả năng đánh giá vì xét đoán anh ta theo cách nào đó, cô sẽ còn tệ hơn trước. Cô sẽ tôn sùng Drouet. Cô sẽ rất khốn khổ vì sợ không chiếm được sự thương yêu của anh, hoặc không được anh quan tâm, bị bỏ rơi không nơi nương tựa. Và thế là, lúc đầu cô hơi nao núng, hơi lo giành lấy anh trọn vẹn, nhưng cảm giác gần hơn là chờ đợi thoải mái. Cô chưa biết chắc mình nghĩ về anh ra sao, cô muốn làm gì.
Khi Hurstwood đến, cô gặp một người đàn ông thông minh hơn Drouet gấp trăm lần. Ông tỏ ra đặc biệt tôn trọng phụ nữ, khiến ai cũng cảm kích. Ông không quá kính nể, không quá táo bạo. Sự hấp dẫn và thái độ ân cần của ông thật thú vị. Được rèn luyện để lôi kéo những nhân vật tiếng tăm cùng giới với ông, các thương nhân và những người giỏi giang trong nghề đến khách sạn, ông còn biết vận dụng tài khéo xử nhiều hơn, cố gắng chứng tỏ sự dễ thương khiến người ta quý mến ông. Với một phụ nữ xinh đẹp có mọi thứ tế nhị trong tình cảm, ông thấy mình được khích lệ nhiều nhất. Ông hòa nhã, bình thản, tự tin, gây cho người đó ấn tượng ông mong muốn chỉ phục vụ một người, làm bất cứ việc gì chỉ để người đó đẹp lòng hơn.
Drouet khéo léo ngang với ông khi làm một việc bõ công, nhưng anh ta quá tự cao tự đại nên không có được sự tinh tế như Hurstwood. Anh quá nổi trên bề mặt, sống quá phô trương, quá tự tin. Drouet thành công với nhiều người, song hoàn toàn không được dạy dỗ về nghệ thuật yêu đương. Anh thất bại thảm hại với người phụ nữ ít từng trải và tao nhã bẩm sinh. Với Carrie, anh tìm thấy một phụ nữ đầy đủ tao nhã nhưng thiếu hẳn từng trải. Anh gặp may vì thời cơ như từ trên trời rơi xuống. Vài năm sau, cô có kinh nghiệm hơn, đã thành công chút ít, anh sẽ không thể với tới Carrie được nữa.
– Cậu nên có một chiếc dương cầm ở đây, Drouet ạ, để vợ cậu chơi chứ. – Tối hôm đó, Hurstwood nói và mỉm cười với Carrie.
Drouet không nghĩ đến việc đó.
– Chúng tôi nhất định sẽ có, – anh sốt sắng nói.
– Nhưng tôi không biết chơi, – Carrie đánh bạo.
– Việc ấy không khó khăn gì, – Hurstwood đáp. – Chỉ vài tuần lễ là cô chơi thạo thôi mà.
Tối hôm đó, Hurstwood rất vui vẻ, thư giãn. Trang phục của ông mới tinh và vẻ ngoài đẹp đẽ. Ve áo choàng của ông nổi bật, có độ cứng vừa phải của loại vải đắt tiền. Áo gi-lê của ông bằng hàng len carô Scotch, đính hai hàng khuy xà cừ tròn. Cà vạt của ông là sự kết hợp tuyệt vời các sợi tơ óng, không sặc sỡ, không lộ. Ông ăn vận không đập vào mắt người ta như Drouet, nhưng Carrie có thể thấy sự thanh lịch của chất liệu. Giày của Hurstwood bằng da bê mềm màu đen, chỉ đánh đến mức sáng mờ. Drouet đi giày da sơn, nhưng Carrie không thể không cảm thấy loại da mềm thật độc đáo, và mọi thứ khác đều sang trọng, đắt tiền. Cô chú ý đến những thứ này gần như vô tình, chúng là những thứ bắt nguồn từ địa vị một cách tự nhiên. Cô đã quen với vẻ bề ngoài của Drouet.
– Chúng ta chơi một ván ucơ được không? – Trò chuyện một lát, Hurstwood gợi ý.
Ông rất khéo tránh tỏ ra ông biết quá khứ của Carrie. Ông tránh xa mọi thứ riêng tư, và đóng khung những việc không dính dáng đến bất cứ ai. Thái độ này của ông làm Carrie thoải mái, sự tôn trọng và những lời nhận xét lịch sự của ông khiến cô vui thích. Ông giả vờ quan tâm đến mọi điều cô nói.
– Tôi không biết chơi bài, – Carrie nói.
– Charlie, anh lơ là một phần bổn phận của anh rồi đấy nhé, – ông niềm nở nhận xét với Drouet. Rồi ông tiếp, – song nói riêng nhé, chúng tôi có thể chỉ cho cô.
Sự khéo xử của ông làm Drouet cảm thấy ông thán phục sự lựa chọn của anh. Thái độ của Hurstwood chứng tỏ ông hài lòng. Drouet thực sự thấy gần gũi với ông hơn trước. Anh được tôn trọng hơn nhờ Carrie. Sự đánh giá của Hurstwood làm cô trở nên mới mẻ. Tình hình phấn chấn hơn hẳn.
– Để tôi xem nào, – Hurstwood nói và rất trân trọng, nhìn qua vai Carrie. – Cô có những gì? – Ông ngẫm nghĩ một lát. – Thế là khá tốt, – ông nói. – Cô may đấy. Bây giờ tôi sẽ chỉ cho cô cách thắng chồng cô thật đậm nhé. Hãy nghe theo lời khuyên của tôi.
– Này, nếu hai người về hùa với nhau, tôi sẽ không chịu nổi đâu. Hurstwood là tay khôn ngoan có hạng đấy.
– Không, đây là vợ anh. Cô ấy đem lại vận may cho tôi. Tại sao cô ấy không thắng kia chứ?
Carrie cảm kích nhìn Hurstwood và mỉm cười với Drouet. Ông ta giữ thái độ như một người bạn. Ông ở đây chỉ vì vui. Carrie làm bất cứ việc gì ông cũng hài lòng, chỉ thế mà thôi.
– Đây, – ông giữ lại một trong các quân ngon ăn của mình, tạo cơ hội cho Carrie thắng. – Tôi thấy cô là một người mới chơi rất thông minh.
Cô cười hân hoan khi nhìn thấy phần thắng sắp ngã về cô. Dường như có Hurstwood giúp, cô là người bất khả chiến bại.
Ông không nhìn cô nhiều lần. Mỗi lần ông nhìn, mắt ông sáng lên ấm áp. Chẳng gì hơn ngoài sự tử tế và ân cần. Ông giấu kín tia quỷ quyệt, khôn ngoan và thay vào đó là vẻ vô tội. Carrie không thể dò đoán nhưng thấy thích ông ngay lập tức. Cô cảm thấy ông coi việc cô đang làm là rất ý nghĩa.
– Chơi mà không kiếm được gì là không công bằng, – lát sau ông nói, thò ngón tay vào túi đựng tiền trong áo khoác. – Chúng ta hãy chơi ăn tiền nhé.
– Đồng ý, – Drouet nói và lấy tiền.
Hurstwood nhanh hơn. Các ngón tay ông đầy những đồng mười xu mới tinh.
– Đây rồi, – ông nói và đưa cho mỗi người một vốc nhỏ.
– Ồ, đây là trò cờ bạc ăn tiền, – Carrie mỉm cười. – Xấu lắm.
– Không, – Drouet nói, – chỉ chơi cho vui thôi. Nếu em không bao giờ chơi trò này, em sẽ lên Thiên đường.
– Cô đừng lên lớp, – Hurstwood dịu dàng nói với Carrie, – cho đến khi cô thấy tiền làm nên những gì.
Drouet mỉm cười.
– Nếu chồng cô kiếm được tiền, anh ấy sẽ bảo cô tiền xấu xa ra sao.
Drouet cười vang.
Giọng Hurstwood có vẻ lấy lòng và bóng gió đến mức ngay Carrie cũng nắm bắt được vẻ hài hước của nó.
– Bao giờ cậu đi? – Hurstwood nói với Drouet.
– Thứ Tư này, – anh đáp.
– Có chồng chạy ngược chạy xuôi như thế khá là vất vả, nhỉ? – Hurstwood nói với Carrie.
– Lần này cô ấy đi cùng tôi, – Drouet nói.
– Trước khi cậu đi, hai cô cậu phải đi xem hát với tôi nhé.
– Nhất định rồi, – Drouet nói. – Phải không, Carrie?
– Em rất thích, – Carrie đáp lại.
Hurstwood làm mọi cách để Carrie ăn tiền. Ông hoan hỉ vì thành công của cô, đếm số tiền cô thắng và cuối cùng, thu gọn lại rồi đặt vào bàn tay mở rộng của cô. Họ dọn bữa ăn nhẹ, ông mời rượu vang và sau đó trổ tài ứng biến.
– Bây giờ, – ông nhìn Carrie trước rồi nhìn Drouet, – các vị phải sẵn sàng vào lúc bảy giờ rưỡi. Tôi sẽ đến đón các vị.
Họ tiễn ông đến cửa, xe ngựa của ông đã đợi sẵn, những ngọn đèn màu đỏ trên xe lập lòe vui tươi trong bóng tối.
– Bây giờ, – ông nói với Drouet, giọng thân tình, – khi nào cậu để vợ cậu lại một mình, phải cho tôi chỉ dẫn cho cô ấy một chút. Nó sẽ xua tan sự lẻ loi của cô ấy.
– Chắc chắn rồi, – Drouet nói, rất hài lòng vì sự quan tâm.
– Ông thật tốt bụng, – Carrie nói.
– Không dám, – Hurstwood nói. – Tôi chỉ muốn chồng cô làm được nhiều việc cho tôi mà thôi.
Ông ta mỉm cười và nhẹ nhàng cất bước. Carrie vô cùng cảm kích. Chưa bao giờ cô tiếp xúc với người phong nhã như thế. Drouet cũng hài lòng.
– Một người dễ chịu, – anh ta nhận xét với Carrie lúc họ trở về phòng ngủ ấm cúng. – Và cũng là một người bạn tốt của anh.
– Ông ấy có vẻ như thế, – Carrie nói.