Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xơ Carrie

Chương XI: Sự thuyết phục của thời trang

Tác giả: Theodore Dreiser
Chọn tập

Carrie là một học trò nhanh trí về chiều hướng và những hời hợt của số phận. Nhìn thấy một vật, cô sẽ lập tức quan sát nó chăm chú và thuật lại nó rất chính xác. Người ta biết rằng đây không phải là sự nhạy cảm tinh tế, cũng không phải là khôn ngoan. Những trí tuệ vĩ đại nhất không buồn làm thế, và ngược lại, những kẻ đầu óc tối tăm nhất cũng không hề bận tâm. Với cô, quần áo đẹp là sự thuyết phục vô bờ, chúng nói về bản thân một cách âu yếm và mập mờ nước đôi. Sự thèm khát trong cô nghiêng một tai sẵn sàng khi bước vào trong tầm nghe những lời nài nỉ của chúng. Tiếng nói ấy mới thiếu sinh động làm sao! Ai sẽ dịch cho chúng ta ngôn ngữ của những hòn đá?

– Bạn thân mến ơi, – cái có áo ren ở Partridge nói, – tôi rất hợp với bạn đấy, đừng bỏ tôi.

– Chà, đôi bàn chân bạn xinh quá, – đôi giày da mới, mềm mại nói, – tôi bao bọc chúng mới tuyệt làm sao. Thật đáng thương, chúng đang thiếu sự che chở của tôi đấy.

Chỉ khi nào những thứ này đã ở trong tay cô, trên người cô, cô mới có thể mơ đến việc nhân nhượng chúng; cái cách chúng ép buộc cô mạnh mẽ đến mức cô rất khó không nghĩ đến chúng, nhưng sẽ nhân nhượng. “Hãy mặc bộ quần áo cũ, đi đôi giày cũ kia”, lương tâm cô kêu gọi song vô hiệu, cô có thể chế ngự được nỗi sợ đói và trở về, cứ nghĩ đến công việc vất vả và phạm vi chật hẹp phải chịu đựng, bị lương tâm thúc ép phải nhân nhượng, nhưng làm hỏng diện mạo của cô ư? Mặc những thứ cũ nát và xuất hiện nghèo khổ ư? Không đời nào!

Drouet thúc đẩy suy nghĩ này của cô và ủng hộ với thái độ làm cho ý muốn cưỡng lại của cô yếu hẳn. Làm việc này thật dễ khi các thứ nằm trong tầm chúng ta thèm muốn. Rất sốt sắng, Drouet khăng khăng đòi vẻ ngoài của cô phải thật đẹp. Anh thán phục ngắm nghía cô, và cô tiếp nhận đầy đủ giá trị của nó. Dù sao đi nữa, cô không cần xử sự như những người đàn bà đẹp thường làm. Cô chọn lọc kiến thức cho bản thân đủ nhanh. Drouet có thói quen tiêu biểu của loại người như anh, nhìn theo những phụ nữ ăn mặc hợp thời trang hoặc xinh đẹp trên phố và bình phẩm về họ. Anh đủ ưa thích trang phục phụ nữ để đánh giá chính xác, không phải về trí tuệ của họ, mà về quần áo. Anh quan sát cách họ đặt bàn chân xinh xắn, hếch cằm lên, uốn éo thân hình duyên dáng ra sao. Một người phụ nữ có ý thức đung đưa bộ hông một cách khéo léo cám dỗ Drouet chẳng khác ánh lấp lánh của thứ vang quý hiếm với một kẻ nghiện ngập. Anh sẽ quay nhìn đến hút tầm mắt. Anh sẽ hồi hộp như một đứa trẻ, say mê không cần che giấu. Drouet mê mẩn sự duyên dáng, thứ mà đàn bà yêu quý trong con người họ. Anh quỳ gối trước họ như một kẻ sùng đạo mãnh liệt trong điện thờ.

– Em có thấy người phụ nữ vừa đi qua không? – Ngay hôm đầu tiên đi dạo cùng nhau, Drouet đã nói với Carrie. – Dáng đi của cô ta đẹp quá chừng.

Carrie nhìn và ngắm nghía vẻ duyên dáng được ca ngợi.

– Vâng, đúng thế thật, – cô đáp lại vui vẻ, trong đầu cô chợt nghĩ có lẽ cô hơi kém cạnh điều này. Nếu nó dễ thương đến thế, cô phải ngắm kỹ hơn. Theo bản năng, cô cảm thấy muốn bắt chước. Chắc chắn là cô có thể làm được.

Khi đã chuyên tâm quan sát những thứ nổi bật và được ngưỡng mộ, cô nắm được nguyên lý của nó và áp dụng cho phù hợp. Drouet không đủ sắc sảo để thấy đây không phải là khéo xử. Anh không thấy rằng để cô cảm thấy đang ganh đua với bản thân sẽ tốt hơn, chứ không phải những người khác giỏi giang hơn cô. Anh sẽ không làm thế với một phụ nữ già dặn hơn, thông minh hơn, nhưng anh chỉ nhìn thấy một người non nớt trong Carrie. Không thông minh bằng cô, lẽ đương nhiên Drouet không thể hiểu sự nhạy cảm của cô. Anh tiếp tục dạy dỗ và làm tổn thương cô, một việc khá ngu ngốc trong con người mà sự ngưỡng mộ cô học trò và nạn nhân của anh đang trưởng thành nhanh chóng.

Carrie niềm nở tiếp nhận những lời chỉ dẫn. Cô hiểu thứ Drouet thích, cô lờ mờ nhận ra điểm yếu của anh. Đàn bà sẽ bớt cảm kích với người đàn ông, khi hiểu rằng sự ngưỡng mộ của anh ta được ban phát rộng rãi và sắc sảo đến thế. Cô chỉ thấy một đối tượng đáng khen ngợi nhất trên đời này, đó là chính cô. Nếu một người đàn ông thành công với nhiều phụ nữ, anh ta ắt phải là tất cả với từng người.

Trong các căn hộ cùng nhà, Carrie nhìn ra nhiều thứ là bài học trong cùng ngôi trường.

Trong ngôi nhà cô ở, có một công chức của nhà hát là ông Frank A. Hale, quản lý của Standard[14], và vợ ông ta, một phụ nữ ba mươi nhăm tuổi, da ngăm ngăm, mắt đen rất ưa nhìn. Họ thuộc loại người rất phổ biến ở Mỹ thời đó, kiếm đủ ăn một cách đàng hoàng. Hale nhận lương bốn mươi nhăm đôla một tuần. Vợ ông ta rất hấp dẫn, thích ra vẻ trẻ trung, một phụ nữ của cuộc sống gia đình, với ý nghĩa chăm sóc một ngôi nhà và trông nom một gia đình. Giống Drouet và Carrie, họ cũng ở căn hộ ba phòng tầng ba.

Sau khi cô đến ít lâu, bà Hale làm quen với cô và họ cùng nhau đi khắp nơi. Suốt một thời gian dài, đây là mối quan hệ duy nhất của cô, cô nhìn cuộc đời qua những chuyện phiếm của vợ ông quản lý. Những câu chuyện tầm phào, những lời ca ngợi sự giàu có, những biểu hiện đạo đức theo thông lệ lọc qua đầu óc của người đàn bà thụ động này, tác động đến Carrie và làm cô xáo trộn một thời gian.

Mặt khác, những tình cảm riêng của cô có tác dụng điều chỉnh. Sự lôi cuốn không ngừng đến thứ tốt đẹp hơn không hề bị phủ nhận. Những thứ đó nhằm vào điểm chủ yếu mà cô luôn nhớ lại. Trong căn hộ ở bên kia tiền sảnh có một cô gái sống với mẹ. Họ từ Evansville, Indiana tới, là vợ và con gái một thủ quỹ đường sắt. Cô con gái đến đây học nhạc, còn người mẹ đi cùng để bầu bạn.

Carrie không làm quen với họ, nhưng cô nhìn thấy cô gái ra, vào. Nhiều lần, cô nhìn thấy cô gái bên cây dương cầm trong phòng khách và thường xuyên nghe cô ta chơi đàn. Nhờ hoàn cảnh, cô gái này ăn mặc đặc biệt sang trọng, đeo một hoặc hai chiếc nhẫn ngọc quý, chúng lóe lên lúc những ngón tay trắng muốt của cô lướt trên phím đàn.

Âm nhạc ảnh hưởng đến Carrie. Dây thần kinh của cô như những sợi dây đàn hạc rung lên, hưởng ứng các giai điệu mỗi khi một phím dương cầm nhấn xuống. Cô tinh tế trong cảm xúc, và nhạy cảm với những trầm ngâm mơ hồ của các hợp âm bâng khuâng. Chúng đánh thức sự thèm khát những thứ cô không có. Chúng xui cô bám lấy những thứ cô sở hữu. Cô gái chơi một bản nhạc ngắn trong tâm trạng buồn sâu lắng và dịu dàng nhất. Carrie nghe thấy qua cửa sổ mở rộng của phòng khách bên dưới. Lúc đó là giữa chiều và đêm, khoảng thời gian dành cho kẻ lang thang, nhàn rỗi, những thứ khoác vẻ đăm chiêu. Tâm trí lạc đến những cuộc hành trình xa xôi rồi trở lại với những niềm vui khô héo và tàn lụi. Carrie ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Drouet đã ra đi lúc mười giờ sáng. Cô giải khuây bằng cuộc tản bộ, đọc cuốn sách của Bertha M. Clay[15] mà Drouet để quên, tuy cô không hẳn thích, rồi thay quần áo buổi tối. Cô ngồi nhìn ra công viên, nuối tiếc và buồn bã như thiên nhiên thèm được muôn màu muôn vẻ và sống động trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lúc cô ngẫm nghĩ về tình trạng mới của mình, một giai điệu từ phòng khách bên dưới vọng lên. Nó khiến suy nghĩ của cô trở nên đầy màu sắc và vướng víu. Cô nhớ lại những sự việc tốt đẹp nhất và buồn bã nhất đã trải qua trong giới hạn nhỏ hẹp của cô. Trong chốc lát, cô cảm thấy ân hận.

Lúc cô đang trong tâm trạng đó thì Drouet vào, mang theo một không khí khác hẳn. Lúc đó trời đã chạng vạng tối và Carrie quên bẵng thắp đèn. Lửa trong lò sưởi cũng lom đom.

– Em ở đâu thế, Cad? – Anh ta nói, dùng tên nựng nịu đã đặt cho cô.

– Ở đây ạ, – cô trả lời.

Giọng cô có vẻ mỏng manh và lẻ loi, nhưng Drouet không nghe ra. Trong con người anh không có chất thơ để săn đón phụ nữ trong những tình huống như thế và an ủi cô ta vì bi kịch của đời. Thay vào đó, anh bật diêm và châm ngọn đèn hơi.

– Chào em, – Drouet kêu lên, – em đang khóc kìa.

Mắt cô vẫn còn ướt vì những giọt nước mờ.

– Xì, – Drouet nói, – em không muốn làm thế chứ.

Anh cầm tay cô, và vốn là người duy ngã tốt bụng, anh ngỡ mình vắng mặt khiến cô cảm thấy lẻ loi.

– Thôi, thôi nào, – anh ta nói tiếp, – rồi sẽ ổn thôi, chúng ta khiêu vũ một chút theo nhạc nhé.

Thật không thể có lời đề nghị nào phi lý hơn. Nó khiến Carrie hiểu rằng anh không hề thông cảm gì với cô. Cô không thể có những ý nghĩ buộc anh phải từ bỏ hoặc xóa sạch sự khác biệt giữa họ, nhưng cô cảm thấy. Đây là sai lầm to lớn đầu tiên của Drouet.

Drouet đã nói những gì về sự duyên dáng của thiếu nữ, khi tối tối cô cởi quần áo cùng với mẹ, làm Carrie hiểu được bản chất và giá trị của các phương pháp đúng mốt mà phụ nữ thực hiện khi họ dám làm việc gì đó. Cô soi gương và bĩu môi, kèm một cái khẽ hất đầu, như cô đã nhìn thấy con gái của viên thủ quỹ đường sắt làm. Cô ta có thói quen hất váy bằng một cái nhún người lẳng lơ, và không chỉ Drouet nhận xét về cô và một vài người khác, lẽ đương nhiên là Carrie bắt chước ngay. Cô bắt đầu hiểu rõ những động tác nho nhỏ mà một phụ nữ đẹp, đỏm dáng phải thực hiện luôn. Tóm lại, hiểu biết về vẻ duyên dáng của cô tăng gấp đôi, khiến diện mạo của cô thay đổi. Cô trở thành một thiếu nữ có thị hiếu đáng nể.

Drouet nhận ra điều này. Một buổi sáng, anh ta nhìn thấy cái nơ mới trên tóc cô và cách chải tóc mới của cô.

– Thế này trông em xinh lắm, Cad ạ, – anh nói.

– Thế ư, anh? – Cô ngọt ngào đáp. Nó khiến cô cố gây nhiều ấn tượng khác trong ngày hôm đó.

Cô đặt bàn chân nhẹ hơn, nhờ bắt chước dáng đi yểu điệu của con gái ông thủ quỹ. Khó mà nói hết ảnh hưởng của cô gái ở cùng nhà đến Carrie nhiều biết chừng nào. Chính vì mọi thứ này mà khi Hurstwood đến thăm, ông thấy một phụ nữ trẻ có nhiều thứ hơn hẳn cô Carrie mà Drouet nhắc đến. Những nhược điểm ban đầu trong trang phục và cung cách đã chấm dứt. Cô xinh đẹp, duyên dáng, thú vị vì tính bẽn lẽn bẩm sinh trong tình trạng không rõ ràng, cặp mắt to của cô có một vẻ trẻ thơ, thu hút người đàn ông cứng nhắc và đúng nghi thức này. Đây là sức hấp dẫn cổ xưa của sự tươi mới với sự mòn chán. Nếu có một chút cảm động còn lại trong ông vì sự rực rỡ và tự nhiên, chính là sức hấp dẫn của tuổi trẻ lúc này nhen nhóm lại. Ông nhìn gương mặt xinh đẹp của cô và cảm thấy những gợn sóng tinh tế của tuổi trẻ tỏa ra từ đó. Trong cặp mắt to trong sáng ấy, ông chẳng thấy gì ngoài sự chán ngán tự nhiên của ông, có thể hiểu là một mưu mẹo. Hơi phù phiếm, nếu ông có thể nắm bắt được, khiến ông xúc động như một điều thú vị.

– Mình lấy làm lạ, – ông nói lúc đã ở trong xe, – làm sao Drouet thu phục được cô ấy.

Ngay từ cái liếc nhìn đầu tiên, ông đã thấy cô trội hơn hẳn Drouet.

Chiếc xe ngựa chạy giữa các làn đường xa hút, hai bên có những ngọn đèn hơi. Ông chắp hai bàn tay đi găng và chỉ nhìn thấy căn phòng sáng đèn cùng gương mặt của Carrie. Ông trầm ngâm, vui thích vì vẻ đẹp trẻ trung của cô.

– Mình sẽ mua một bó hoa tặng cô ấy, – ông nghĩ. – Drouet không phiền gì đâu.

Chưa bao giờ ông có một khoảnh khắc che giấu sự thật là cô rất thu hút ông. Ông không hề lo về ưu thế của Drouet. Anh chỉ loáng thoáng những suy nghĩ mỏng như tơ nhện, hy vọng sẽ được giữ lại ở đâu đó. Anh không biết, cũng không thể đoán ra kết quả sẽ ra sao.

Vài tuần sau, khi trở về từ chuyến đi ngắn tới Omaha, Drouet chạm trán một trong các quý bà ăn diện đỏm dáng, quen biết ở Chicago. Anh đã định sẽ vội vã tới Ogden Place làm Carrie ngạc nhiên, nhưng lúc này rơi vào cuộc trò chuyện thú vị và chẳng mấy chốc đã thay đổi ý định ban đầu.

– Chúng ta đi ăn đi, – Drouet nói, hơi lo mọi cuộc gặp khác có thể ngáng trở ý định của anh ta.

– Được thôi, – bạn đồng hành của anh nói.

Họ đến một trong những hiệu ăn ngon nhất và chuyện phiếm thân mật. Họ gặp nhau lúc năm giờ chiều, và bây giờ là bảy rưỡi, trước khi gỡ xong cái xương cuối cùng.

Drouet vừa giải quyết xong một chuyện rắc rối liên quan, mặt mũi anh tươi tỉnh thì bắt gặp cái nhìn của Hurstwood. Ông vào với vài người bạn, nhìn thấy Drouet với người đàn bà kia chứ không phải Carrie, bèn rút ngay ra kết luận.

– Chà, thằng ranh con, – ông nghĩ, với một chút thông cảm chính đáng, – như thế là khá ác với cô bé kia.

Drouet nhảy từ ý nghĩ khờ khạo này sang ý khác khi bắt gặp cái nhìn của Hurstwood. Anh ta hơi ngại, cho đến lúc thấy Hurstwood thận trọng già vờ không nhìn thấy. Sau đó, ấn tượng của Hurstwood cứ đè nặng lên Drouet. Anh nghĩ tới Carrie và cuộc gặp gần đây nhất của họ. Trời đất ơi, anh ta phải giải thích việc này với Hurstwood. Nửa giờ tình cờ với một người bạn cũ ắt không phải là thứ gì gắn bó nhiều lắm.

Lần đầu tiên Drouet thấy phiền hà. Đây là một rắc rối về đạo đức mà anh không có khả năng đi đến tận cùng. Hurstwood cười nhạo anh là người không chung thủy. Anh ta sẽ cười với ông. Carrie sẽ không bao giờ nghe được chuyện này, người ngồi cùng bàn với anh sẽ không bao giờ biết, còn anh không khỏi cảm thấy mình sắp dính vào chuyện xấu xa nhất, một cuộc gắn bó hơi nhơ nhuốc, mà anh chẳng có gì sai trái. Drouet kết thúc bữa ăn khá tẻ nhạt và tiễn cô bạn ra xe. Sau đó, anh về nhà.

“Cậu ta không kể với mình về bất cứ người tình nào mới nhất, – Hurstwood tự nhủ. – Cậu ta tưởng mình cho rằng cậu ta đang chăm sóc cô gái ở đằng kia”.

“Ông ấy không nên nghĩ là mình lạm dụng, vì mình vừa giới thiệu ông ấy ở đằng kia”, – Drouet nghĩ.

– Tôi đã nhìn thấy cậu, – Hurstwood thân ái nói, khi Drouet tạt vào khách sạn sang trọng của ông lần sau, vì ông không thể nén được. Ông dứ dứ ngón tay trỏ như bố mẹ đe con cái.

– Tôi bất chợt gặp một người quen cũ lúc tôi vừa rời ga, – Drouet giải thích. – Cô ấy đã từng là một người đẹp.

– Giờ vẫn hấp dẫn chút ít chứ? – Hurstwood nói, giả bộ đùa giỡn.

– Ồ không, – Drouet nói, – lần này chỉ vì không thể thoát khỏi cô ấy mà thôi.

– Cậu ở đây bao lâu? – Hurstwood hỏi.

– Chỉ vài ngày thôi.

– Cậu phải đưa cô gái kia đi cùng và ăn tối với cô ấy – ông nói. – Tôi e rằng cậu giữ cô ấy như nhốt ở đằng kia vậy. Tôi sẽ kiếm một lô xem Joe Jefferson[16].

– Tôi không thể, – anh chàng chào hàng trả lời. – Nhất định tôi sẽ đến.

Câu này khiến Hurstwood rất hài lòng. Ông không tin bất cứ tình cảm nào của Drouet với Carrie. Ông ghen tị với anh ta, và lúc này, nhìn người chào hàng ăn mặc bảnh bao, tươi hơn hớn mà ông chẳng ưa gì lắm, ánh đối địch lấp lánh trong mắt ông. Ông bắt đầu “ước lượng” Drouet ở góc độ thông minh và quyến rũ. Ông bắt đầu soi mói xem anh ta thiếu sót ở chỗ nào. Chẳng cần lý sự dài dòng, dù ông nghĩ anh ta là người tốt như thế nào đi nữa, ông cảm thấy khinh rẻ anh ta về mặt là một người tình. Ông có thể bịt mắt anh ta hoàn toàn. Nếu ông cho Carrie biết một tình tiết nhỏ như hôm thứ Năm là xong. Ông suy nghĩ mãi, gần như đắc chí, trong lúc ông cười và chuyện phiếm, còn Drouet chẳng hay biết gì. Anh không có khả năng phân tích cái liếc nhìn và tâm trạng của một người như Hurstwood. Drouet đứng, mỉm cười và nhận lời mời trong lúc ông bạn khảo sát anh bằng cặp mắt diều hâu.

Đối tượng của vở hài kịch đặc biệt rắc rối này chẳng nghĩ đến ai. Cô mải điều chỉnh suy nghĩ và tình cảm cho hợp những hoàn cảnh mái mẻ hơn, và không có cơ nguy phải chịu những day dứt phiền nhiễu của bất cứ người nào.

Một buổi tối, Drouet thấy cô đang trau chuốt trước gương.

– Cad này, – anh ta nói và nắm lấy cô, – anh tin là em sẽ kiêu lắm đấy.

– Không phải đâu, – cô đáp lại và mỉm cười.

– Em rất xinh đẹp, – anh ta nói tiếp và vòng tay quanh người cô. – Mặc bộ màu xanh nước biển vào, anh đưa em đi xem hát.

– Ồ, tối nay em đã hứa đi với bà Hale đến Exposition[17] rồi, – cô đáp, vẻ xin lỗi.

– Em hứa rồi ư? – Drouet nói, lơ đãng cân nhắc tình hình. – Anh không muốn đến đấy một mình.

– Thế ạ, em không biết, – Carrie bối rối trả lời, nhưng không có ý thất hứa để anh vui lòng.

Đúng lúc đó có tiếng gõ cửa và cô hầu đưa vào một bức thư.

– Ông ấy nói đợi trả lời, – cô ta giải thích.

– Thư của Hurstwood, – Drouet nói, nhận ra địa chỉ lúc xé phong bì.

– “Các vị hãy xuống và đi xem Joe Jefferson với tôi tối nay”, – thư viết. “Đến lượt tôi, như chúng ta đã thỏa thuận hôm trước. Hủy mọi dự định khác đi nhé”.

– Em nói gì về việc này? – Drouet hỏi, ngây thơ, trong lúc tâm trí Carrie ráo riết nghĩ cách đáp lại thiện chí.

– Anh quyết định thì hay hơn, Charlie ạ, – cô nói, giữ gìn.

– Anh cho là chúng ta phải đi thôi, nếu em có thể hủy lời hẹn với người trên kia, – Drouet nói.

– Vâng, được mà, – Carrie đáp lại, không nghĩ ngợi.

Drouet chọn giấy viết thư trong lúc Carrie thay quần áo. Cô không thể giải thích được vì sao lời mời sau lại cám dỗ đến thế.

– Em sẽ chải tóc như hôm qua nhé? – Cô hỏi, lúc bước ra với vài món đồ trang sức.

– Ừ, – Drouet vui vẻ đáp.

Cô nhẹ người khi thấy Drouet chẳng nhận biết gì. Cô không tin rằng sự sốt sắng của cô dính dáng đến sức quyến rũ của Hurstwood với cô. Hình như sự phối hợp giữa Hurstwood, Drouet và chính cô dễ chịu hơn mọi thứ đã đề xuất. Cô trang điểm hết sức cẩn thận và họ ra đi, gửi lời xin lỗi lên gác.

– Tôi đã nói mà, – Hurstwood nói lúc họ bước lên hành lang nhà hát, – tối nay chúng tôi bị mê hoặc khác thường.

Carrie đỏ mặt dưới cái liếc nhìn tán thưởng của ông.

– Ta đi nào, – ông nói và dẫn đường đến phòng giải lao trong rạp hát.

Nếu có nơi nào sang trọng thì chính là đây. Nó là hiện thân của thuật ngữ có “ngăn nắp và sạch sẽ”.

– Cô đã xem Jefferson diễn bao giờ chưa? – Ông hỏi và nghiêng người về phía Carrie trong lô.

– Chưa bao giờ ạ, – cô đáp lại.

– Ông ta diễn hay, rất hay, – ông tiếp tục, tán thưởng chung chung về diễn xuất, theo kiểu những người như ông biết. Ông đưa tờ chương trình cho Drouet, rồi giảng cho Carrie những điều nghe được về Jefferson. Carrie vui quá sức, cô thực sự mê mẩn vì môi trường, vì những thứ trang trí trong lô và sự tao nhã của Hurstwood. Vài lần mắt họ bất ngờ gặp nhau, rót vào cô dòng cảm xúc cô chưa từng ném trải. Cô không có lúc nào để giải thích, vì cái liếc nhìn tiếp theo hoặc cử động tiếp theo của bàn tay dường như thờ ơ, chỉ trộn lẫn với sự chăm sóc ân cần.

Drouet tham gia câu chuyện, nhưng so sánh thì thấy anh gần như chậm hiểu. Hurstwood giải trí cho cả hai, và lúc này hướng cho Carrie nghĩ rằng một người tài giỏi hơn đang ở đây. Theo bản năng, cô cảm nhận ông mạnh mẽ hơn, cao thượng hơn, song thật giản dị. Đến cuối màn ba, cô đã tin chắc rằng Drouet chỉ là một người tốt bụng, còn những mặt khác thì yếu kém. Theo đánh giá của cô, lúc nào anh cũng chìm nghỉm khi đem so sánh.

– Tôi đã có một khoảng thời gian rất dễ chịu, – Carrie nói khi buổi diễn kết thúc và họ ra ngoài.

– Vâng, đúng thế, – Drouet nói thêm, không mảy may hiểu rằng cuộc chiến đã nổ ra và thế phòng thủ của anh yếu hẳn. Anh như vị hoàng đế Trung Hoa, dương dương tự đắc trong thời kỳ vinh hiển mà không nhận thức được rằng các địa phương thịnh vượng nhất đang cố tách khỏi tầm của mình.

– Cô đã cứu tôi thoát khỏi một buổi tối ảm đạm, – Hurstwood đáp. – Chúc ngủ ngon.

Ông cầm bàn tay nhỏ nhắn của Carrie, một luồng xúc cảm lướt từ người này đến người kia.

– Em mệt quá, – Carrie nói, ngả người trong xe lúc Drouet bắt đầu nói chuyện.

– Vậy em nghỉ ngơi một chút trong lúc anh hút thuốc nhé, – anh nói và đứng dậy, rồi ngớ ngẩn bước tới phía trước xe, để mục tiêu nguy hiểm lại tại chỗ.

Chọn tập
Bình luận