Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xơ Carrie

Chương XLV: Sự thăng trầm kỳ lạ của người nghèo

Tác giả: Theodore Dreiser
Chọn tập

Hustwood ủ rũ ngồi một mình trong khách sạn rẻ tiền, nơi ông nương náu với bảy chục đôla – tiền bán đồ đạc của ông – nhìn mùa hè nóng nực bên ngoài cái mát mẻ bao trùm bên trong, đọc báo. Ông không dửng dưng hẳn với thực tế là tiền nong của ông cứ đội nón ra đi. Hết năm mươi xu này đến năm mươi xu khác trả cho một ngày ăn ở, ông lo lắng và cuối cùng tìm một phòng rẻ hơn – ba mươi nhăm xu một ngày – để số tiền ấy kéo dài thêm. Ông hay đọc những bài về Carrie. Ảnh cô đăng tải trên tờ World một, hai lần, trên tờ Herald cũ, ông thấy thông báo cô xuất hiện với những người khác tại các sự kiện từ thiện, quyên góp cho cái này, cái kia. Ông đọc những tin ấy với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Mỗi tin dường như đẩy cô đi xa hơn và xa hơn nữa vào một địa hạt huy hoàng hơn và càng xa ông hơn. Ông cũng nhìn thấy một tờ áp phích dán trên các bảng tin, trưng ảnh cô trong vai Trinh nữ Quây – cơ e lệ và xinh xắn. Hơn một lần, ông dừng lại và nhìn những tờ quảng cáo đó, chăm chú và buồn thảm ngắm gương mặt xinh đẹp của cô. Quần áo ông tả tơi, ông là hình ảnh tương phản với mọi thứ là cô hiện giờ.

Bằng cách này hay cách khác, ông biết cô diễn ở Casino tuy ông không bao giờ có ý đến gần cô, song như một cảm giác phụ an ủi ông, rằng ông không hẳn cô đơn. Buổi diễn dường như cố định, sau một hoặc hai tháng, ông tin rằng nó vẫn diễn và coi là điều đương nhiên. Tháng Chín, đoàn kịch đi lưu diễn và ông không chú ý đến nữa.

Khi tiền nong của ông gần cạn, chỉ còn lại hai mươi đôla, ông dọn đến ở một nhà trọ mười lăm xu một ngày ở Bowery, chỉ có một phòng trơ trụi, đầy những bàn, ghế dài và vài cái ghế bành cũ. Tại đây, ông thích nhắm mắt lại và mơ về những ngày xưa, một thói quen ngày càng ngự trị ông. Lúc đầu không phải là ngủ, mà thầm lắng nghe trở lại những cảnh tượng và sự việc trong cuộc sống ở Chicago. Khi hiện tại trở nên đen tối hơn, quá khứ càng sáng rỡ hơn, chỉ vì nó làm con người khuây khỏa.

Ông không ý thức được thói quen này đã nhấn chìm ông, cho đến một hôm ông thấy môi mình nhắc đi nhắc lại một câu trả lời cũ, ông đã nói với một trong những người bạn. Họ là người của Fitzferald & Moy. Dường như ông đứng bên cửa văn phòng nhỏ, thanh lịch của ông, ăn vận sang trọng, nói chuyện với Sagar Morrison về giá cả bất động sản ở Nam Chicago mà ông ta định đầu tư.

– Anh có thích đầu tư ở đấy với tôi không? – Ông nghe thấy Morrison hỏi.

– Không, – ông trả lời, y như bao năm trước đây. – Tôi có đủ trong tay rồi.

Môi ông cử động khiến ông choàng tỉnh. Ông không biết mình có nói thành tiếng không. Lần sau, ông nhận thấy có nói điều gì thật.

– Sao anh không nhảy, hở đồ ngốc? – Ông nói. – Nhảy đi!

Ông đang kể chuyện vui của Anh cho một nhóm bạn nghệ sĩ.

Ngay giọng nói cũng làm ông nhớ lại, ông mỉm cười. Một cụ già lẩm cẩm, hay gắt gỏng ngồi gần đó dường như bị quấy rầy, rốt cuộc, ông lão nhìn trừng trừng theo kiểu khó chịu nhất. Hurstwood thẳng người dậy. Hồi ức dí dỏm biến mất ngay lập tức, ông cảm thấy xấu hổ. Muốn khuây khỏa, ông rời ghế và lang thang ra phố.

Một hôm, nhìn cột quảng cáo trên tờ Evening World, ông thấy một vở kịch mới ở Casino. Ngay lập tức, ông sững người. Carrie đã đi rồi! Ông nhớ lại mới hôm qua thôi, ông nhìn thấy một tấm áp phích về cô, nhưng chắc nó đã bị các tấm mới phủ lên. Sự tò mò khiến ông thức tỉnh. Ông gần như thừa nhận rằng dù sao ông vẫn tin cô ở trong thành phố. Nay cô đã đi rồi. Ông băn khoăn sao lại bỏ qua một sự kiện quan trọng nhường ấy. Có Trời mới biết bao giờ cô trở lại. Bị sự sợ hãi, lo lắng thúc ép, ông đứng dậy và ra phòng đợi dơ dáy, đếm số tiền còn lại, không để ai nhìn thấy. Tất cả chỉ còn vẻn vẹn mười đôla.

Ông không biết những người cùng trọ với ông làm thế nào mà xoay xỏa nổi. Dường như họ không làm gì. Có lẽ họ đi ăn xin, chắc chắn là thế. Thời còn huy hoàng, ông đã cho những người như thế này một hào. Ông đã nhìn thấy nhiều người xin tiền trên phố. Có lẽ ông cũng phải làm như thế. Ông kinh hoàng vì ý nghĩ này.

Ngồi trong phòng trọ, ông tiêu đến năm mươi xu cuối cùng. Ông đã chắt chiu và tính toán cho đến lúc sức khỏe bị ảnh hưởng. Thân hình chắc khỏe của ông đã rộc đi. Trong bộ quần áo, vẻ bề ngoài của ông cũng tiều tụy hơn. Giờ ông đã quyết phải làm gì, và đi lang thang, nhìn một ngày nữa trôi qua, ông sẽ tiêu nốt hai mươi xu cuối cùng, không đủ ăn cho ngày mai.

Thu hết can đảm, ông băng qua đường tới Broadway và đến khách sạn Broadway Central. Ông dừng lại cách đó một khối nhà, lưỡng lự. Một người gác cửa to lớn, mặt khó đăm đăm đứng một bên lối vào và nhìn ra. Hurstwood định đến xin ông ta. Đi thẳng tới, ông đến chỗ ông ta trước khi ông ta kịp ngoảnh đi.

– Ông bạn ơi, – Hurstwood nói, ngay trong tình cảnh khốn khó, ông vẫn nhận ra sự thấp kém hơn của người này, – trong khách sạn có việc gì cho tôi làm không?

Người gác cửa nhìn trừng trừng trong lúc ông vẫn nói tiếp:

– Tôi không có việc làm và hết nhẵn tiền nong, tôi đến xin làm việc gì cũng được. Tôi không cần nói tôi đã từng làm gì, song nếu ông bảo tôi cách kiếm được việc làm, tôi sẽ biết ơn ông rất nhiều. Có việc chỉ vài ngày thôi cũng không quan trọng. Tôi phải kiếm được việc gì đó.

Người gác cổng vẵn nhìn đăm đăm, cố ra vẻ lãnh đạm. Rồi khi thấy Hurstwood định bỏ đi, ông ta nói:

– Tôi chẳng có việc gì cho ông làm đâu. Ông phải hỏi ở trong kia kìa.

Lạ thay, câu này kích thích Hurstwood dấn thêm.

– Tôi ngỡ ông có thể bảo cho tôi biết.

Người gác cửa lắc đầu bực bội.

Ông cựu quản lý bước vào trong và tiến thẳng tới bàn người thư ký trong văn phòng. Tình cờ, một trong các quản lý của khách sạn đang ở đấy. Hurstwood nhìn thẳng vào mắt ông ta.

– Ông có việc gì cho tôi làm vài ngày được không ạ? – Ông nói. – Tôi đang ở một vị thế cần phải có việc làm ngay lập tức.

Viên quản lý bình thản nhìn Hurstwood, dường như muốn nói: “Phải, tôi cũng thấy thế”.

– Tôi đến đây, – Hurstwood giải thích, bồn chồn ra mặt, – vì trong thời của tôi, tôi đã từng là quản lý. Về mặt nào đó, tôi đã gặp rủi ro, nhưng tôi không đến đây để kể lể chuyện này. Tôi muốn có việc gì đó để làm, dù chỉ một tuần lễ.

Viên quản lý tưởng như nhìn thấy một ánh lấp lánh xúc động trong mắt người đàn ông xin việc.

– Ông làm quản lý ở khách sạn nào? – Ông ta hỏi.

– Đấy không phải là khách sạn, – Hurstwood nói. – Tôi là quản lý ở một nơi gọi là Fitzferald & Moy tại Chicago trong mười lăm năm.

– Vậy sao? – Viên quản lý nói. – Tại sao ông lại rời vị trí đó?

Hình dạng Hurstwood trái ngược với thực tế đó đến mức khá ngạc nhiên.

– Vì một hành động ngu ngốc của tôi. Đấy không phải là chuyện để kể trong lúc này. Ông có thể tìm hiểu nếu ông muốn. Hiện giờ tôi đang túng quẫn và nếu ông tin tôi, hôm nay tôi chưa có tí gì vào bụng.

Viên quản lý hơi quan tâm đến chuyện này. Ông chưa thể nói có việc gì cho người đàn ông này làm, song sự thành thật của Hurstwood khiến ông ta muốn làm một việc gì đấy.

– Gọi Olsen, – ông nói và quay sang người thư ký.

Một tiếng chuông đáp lại, người chạy việc biến mất và Olsen, người trưởng nhóm bảo vệ xuất hiện.

– Olsen, – viên quản lý nói, – anh có thể tìm được việc gì đó ở tầng dưới cho người này làm không? Tôi muốn cho ông ta làm.

– Tôi không rõ, thưa ông, – Olsen nói. – Chúng tôi có đủ người giúp việc cần thiết rồi. Song nếu ông muốn, tôi nghĩ là có thể tìm ra việc gì đó, thưa ông.

– Tìm đi. Đưa ông ta vào bếp và bảo Wilson cho ông ấy ăn.

– Vâng, thưa ông, – Olsen nói.

Hurstwood đi theo. Nhờ viên quản lý, thái độ của trưởng nhóm bảo vệ thay đổi hẳn.

– Tôi không biết ở đây có việc quái gì mà làm không, – ông ta nhận xét.

Hurstwood lặng thinh. Với ông, những công việc ăn no vác nặng là chủ đề tầm thường của đám lính trán.

– Ông cho người này cái gì đó để ăn, – ông ta bảo người đầu bếp.

Người đầu bếp nhìn Hurstwood từ đầu xuống chân, nhận ra vẻ sắc sảo và trí tuệ trong mắt ông, bèn nói:

– Ngồi xuống kia.

Hurstwood được nhận vào Broadway Central như thế đó, nhưng không được lâu. Ông không có sức khỏe và tâm trạng để làm những việc cọ rửa vốn có sẵn ở các khách sạn. Không còn việc gì tốt hơn, ông được phân công phụ việc cho người đốt lò, làm việc vặt ở tầng hầm, làm bất cứ việc gì có thể. Gác cửa, nấu bếp, đốt lò, thư ký, tất tật đều là cấp trên của ông. Vẻ bề ngoài của ông không làm họ ưng – tính ông quá cô độc – khiến họ không thích.

Tuy vậy, ông chịu đựng mọi thứ với thái độ lầm lì và tuyệt vọng dửng dưng, ngủ ở tầng áp mái, ăn những thứ đầu bếp cho, nhận vài đôla một tuần và cố dành dụm. Thể tạng của ông không phải loại có thể kéo dài.

Một ngày tháng Hai, ông được phái đi làm việc vặt cho văn phòng của một công ty than lớn. Tuyết vừa rơi vừa tan, làm các đường phố lõng bõng nhiều vũng bùn loãng. Giày ông ướt sũng trong lúc làm và khi trở về, ông thấy uể oải và kiệt sức. Ngày hôm sau, ông thấy suy nhược khác thường và ngồi bất cứ lúc nào có thể, khiến những người khác – vốn thích sức lực cơ bắp – bực bội.

Đến chiều, cần dọn dẹp một số thùng, lấy chỗ để những thứ đồ xào nấu mới. Ông được lệnh kéo một cái xe cút kít. Gặp một cái thùng to, ông không thể nhấc nổi.

– Có việc gì ở đây thế? – Người trưởng nhóm khuân vác hỏi. – Ông không làm được à?

Hurstwood ra sức nhấc nó lên, nhưng đành phải chịu.

– Không, – ông nói, yếu ớt.

Người kia nhìn ông và thấy ông nhợt nhạt như người chết.

– Ông không ốm đấy chứ? – Ông ta hỏi.

– Tôi nghĩ là có, – Hurstwood trả lời.

Ông ốm thật, và mỗi lúc một nặng hơn. Hình như ông chỉ có thể bò về phòng, và ông ở đấy suốt ngày.

– Nhà ông Wheeler ấy bị ốm, – một trong những người hầu báo cáo với nhân viên trực đêm.

– Ông ta bị sao?

– Tôi không biết. Ông ấy sốt cao.

Bác sĩ của khách sạn đến khám cho ông.

– Tốt hơn hết là chuyên ông ấy đến Bellevue[52] – bác sĩ khuyên. – Ông ấy bị viêm phổi.

Ông được chở đi bằng xe ngựa.

Trong ba tuần, tình trạng nguy kịch chấm dứt nhưng đến đầu tháng Năm, ông mới đủ khỏe để trở dậy. Sau đó, người ta cho ông ra viện.

Không gì ốm yếu hơn con người lê bước dưới nắng xuân, trước kia từng là viên quản lý tráng kiện, đầy sức sống. Bao nhiêu cái khỏe khoắn, béo tốt của ông đã tiêu tan. Mặt ông gầy guộc và xanh xao, bàn tay nhợt nhạt, thân hình nhẽo nhèo. Cả người ông với quần áo mới nặng xấp xỉ sáu chục ký. Người ta cho ông một số quần áo cũ: một áo khoác màu nâu rẻ tiền, một cái quần không vừa người. Cả một ít tiền lẻ và lời khuyên. Người ta bảo ông nên đến các tổ chức từ thiện.

Ông lại phải đến nhà trọ Bowery, ủ ê nghiền ngẫm. Tới nơi này đến cảnh ăn mày ăn xin chỉ còn một bước.

– Con người có thể làm được gì? – Ông nói. – Mình không thể chết đói.

Lần đầu tiên ông đi xin ở đại lộ Hai đầy nắng. Một người đàn ông ăn vận bảnh bao từ công viên Stuyvesant lững thững tản bộ tới thẳng chỗ ông. Hurstwood thu hết can đảm và rụt rè đến gần.

– Ông có thể cho tôi mười xu được không? – Hurstwood nói thẳng thắn. – Tôi đang lâm vào cảnh phải hỏi xin ai đó.

Người đó không nhìn ông, nhưng lục túi áo vét và rút ra một hào.

– Đây, – ông ta nói.

– Cảm ơn ông, – Hurstwood nói mềm mỏng, nhưng người kia chẳng chú ý gì đến ông nữa.

Hài lòng vì thành công và vẫn còn ngượng vì tình trạng của mình, ông quyết định sẽ chỉ xin thêm hai mươi nhăm xu nữa là đủ. Ông đi loanh quanh và thăm dò mọi người, nhưng mãi chưa gặp được gương mặt và trạng thái nào thích hợp. Khi ông xin, đều bị từ chối. Sửng sốt, ông mất đến một giờ mới hoàn hồn rồi sau đó xin tiếp. Lần này ông bị ném một mảnh kền. Cố gắng đề phòng nhất, ông kiếm thêm được hai mươi xu nữa, nhưng thật vất vả.

Ngày hôm sau, ông phải cậy đến sự cố gắng ấy, bị từ chối hàng loạt và một, hai lần được ban phát hậu hĩ. Cuối cùng, ông chợt nhớ ra có một khoa nghiên cứu về gương mặt, nếu ông cố, chắc sẽ chọn được một bộ mặt hào phóng.

Song lẽ, ông thấy việc ngăn người qua lại chẳng sung sướng gì. Ông đã nhìn thấy có người bị bắt vì ăn xin, nên lúc này ông lo bị bắt giữ. Dù sao đi nữa, ông vẫn đi, mơ hồ lường trước một cái gì đó không rõ ràng song luôn tốt hơn.

Một buổi sáng, ông hài lòng nhìn thấy thông báo đoàn kịch Casino đã trở về “cùng cô Carrie Madenda”. Trong những ngày qua, ông nghĩ đến cô thường xuyên. Cô thành công biết chừng nào, ắt là cô phải có nhiều tiền lắm! Giờ đây, vận rủi đến dồn dập khiến ông quyết định tìm cô xin giúp. Đói quá, ông nói:

– Mình sẽ hỏi xin cô ấy. Cô ấy sẽ không từ chối mình vài đôla.

Thế là, một buổi chiều ông đến Casino, đi qua đi lại vài lần tìm lối vào sân khấu. Rồi ngồi trong công viên Bryant, cách đó một khu nhà, ông đợi. “Cô ấy không thể từ chối giúp đỡ mình chút ít”, – ông tự nhủ.

Tới sáu giờ rưỡi, ông lảng vảng như một cái bóng gần lối vào trên phố Ba mươi chín, giả vờ như một khách bộ hành vội vã và sợ mất hút đối tượng. Ông hơi lo lắng lúc thời khắc quan trọng ấy đến; nhưng ốm yếu và đói khát, khả năng chịu đựng của ông đã giảm.

Cuối cùng, ông nhìn thấy các diễn viên bắt đầu tới, ông càng căng thẳng hơn, cho đến lúc ông cảm thấy như không thể chịu nổi nữa.

Có lần, ông ngỡ nhìn thấy Carrie và lao tới, chỉ để thấy ông đã nhầm.

“Cô ấy không thể chậm được”, ông tự nhủ, vừa sợ chạm trán cô vừa thất vọng nghĩ nhỡ cô đi lối khác. Bụng ông trống rỗng và quặn thắt.

Hết người này đến người khác đi qua ông, hầu hết đều ăn vận đẹp đẽ và gần như tất cả đều lãnh đạm. Ông nhìn thấy nhiều xe ngựa chạy qua, các quý ông đi cùng các quý bà, quý cô – cuộc vui buổi tối ở khu vực này bắt đầu ở các nhà hát và khách sạn.

Bỗng một xe ngựa chạy tới và xà-ích nhảy xuống mở cửa. Hurstwood chưa kịp làm gì, hai người phụ nữ đã hối hả băng qua lối đi rộng rãi và biến mất vào cửa sân khấu. Ông ngỡ đã nhìn thấy Carrie, nhưng bất ngờ quá, thanh lịch và xa vời quá khiến ông không nói được lời nào. Ông đợi thêm lúc nữa, mỗi lúc một bồn chồn nóng ruột, thấy cửa sân khấu không còn mở nữa, rồi khán giả vui vẻ tới, ông kết luận chắc hẳn người đó chính là Carrie và quay đi.

– Trời ơi, – ông nói, hấp tấp rời đường phố đến nơi may mắn hơn, – lẽ ra mình đã được chút gì đó.

Vào giờ ấy, khi Broadway có thói quen phô trương những khía cạnh thú vị nhất, một con người kỳ dị luôn giữ chỗ ở góc phố Hai mươi sáu và Broadway, cũng là điểm giao cắt với đại lộ Năm. Đây là giờ các nhà hát bắt đầu nhận khách quen. Biển hiệu[53] quảng cáo các cuộc vui ban đêm sáng rực khắp mọi phía. Xe ngựa lộp cộp phóng qua, đèn lấp lánh như những con mắt màu vàng. Từng đôi và nhiều nhóm ba hoặc bốn người thoải mái hòa lẫn vào đám đông, hòa vào dòng người đông đúc, cười nói và đùa giỡn. Trên đại lộ Năm có nhiều người đi thơ thẩn, vài người giàu có tản bộ, một quý ông mặc dạ phục khoác tay quý bà, một số hội viên các câu lạc bộ đi từ phòng hút thuốc này đến phòng khác. Bên kia đường là các khách sạn lớn phô hàng trăm cửa sổ sáng lấp lánh, các hiệu cà phê và phòng chơi bi-a đầy những người phong lưu, nhàn nhã, ăn vận sang trọng và ham vui. Khắp nơi là đêm, rộn ràng bao ý muốn vui vẻ và hồ hởi, sự náo nhiệt đến lạ lùng của thành phố một mực tìm khoái lạc bằng hàng ngàn cách khác nhau.

Chỉ một người duy nhất không hơn gì cựu chiến binh biến thành kẻ cuồng tín, người từng chịu nhiều đòn roi và thiếu thốn thuộc hệ thống xã hội kỳ lạ của chúng ta, mới cho rằng bổn phận của mình với Chúa là giúp đỡ đồng bào. Hình thức giúp đỡ ông ta chọn là tự làm lấy toàn bộ. Nó gồm việc bảo đảm một cái giường cho những người vô gia cư lang thang đến tìm ông ta ở vị trí đặc biệt này, tuy chính ông ta không có tiền cung cấp cho bản thân một nơi trú ngụ ra trò.

Chiếm một chỗ giữa không khí vui vẻ, ông ta đứng, thân hình chắc nịch giấu trong tấm áo khoác không tay, đầu đội mũ mềm vành rộng, đợi những người đến xin xỏ theo nhiều cách khác nhau, vì đã biết bản chất việc làm từ thiện của ông. Ông ta đứng một mình một lát, nhìn chăm chăm y hệt mọi kẻ ăn không ngồi rồi ngắm quang cảnh đầy hấp dẫn. Trong buổi tối đó, một cảnh sát đi qua chào ông ta là “đội trưởng”, rất thân hữu. Một thằng nhãi trước kia đã nhìn thấy ông nhiều lần, dừng lại nhìn chăm chú. Những người khác coi ông ta là người lập dị, ngay trong cách ăn mặc, và cho ông là người kỳ quặc, huýt sáo và nhàn rỗi vì trò vui riêng của mình.

Trong nửa giờ đầu tiên uể oải, chắc chắn có nhiều người xuất hiện. Người ta có thể thấy trong đám đông đi qua, thỉnh thoảng, đâu đó có một người thơ thẩn thích thú mon men đến gần. Một thân hình dài thườn thượt băng qua góc phố đối diện, liếc trộm về phía ông ta. Người khác từ đại lộ Năm xuống góc phố Hai mươi sáu, quan sát chung chung và tập tễnh đi khỏi. Hai hoặc ba người ở Bowery dễ nhận ra men theo đại lộ Năm, phía quảng trường Madison, nhưng không dám thử. Người lính trong chiếc áo choàng không tay đi tới đi lui một quãng ngắn khoảng ba mét, huýt sáo một cách thờ ơ.

Gần chín giờ, sự huyên náo của giờ trước đã qua. Không khí của các khách sạn không quá trẻ trung. Không gian cũng lạnh lẽo hơn. Mọi phía, nhiều người tò mò đang di chuyển – những người quan sát và nhìn trộm, không phải là một vòng tròn ảo, song hình như họ ngại bước vào, – tất cả khoảng một tá. Ngay sau đó, một người tiến tới, nhạy bén hơn với cảm giác lạnh lẽo. Người đó từ phố Hai mươi sáu, băng qua Broadway tới gần người đang đợi với vẻ ngập ngừng, loanh quanh. Trong động tác có một vẻ thẹn thùng, rụt rè, dường như che giấu ý tưởng dừng lại, cho đến động tác cuối cùng. Rồi bỗng nhiên, người đó đến chỗ dừng, gần người lính.

Viên “đội trưởng” nhận ra ngay, nhưng không chào hỏi đặc biệt. Người mới đến khẽ gật đầu và lẩm bẩm gì đó giống như một người đang đợi quà. Người kia chỉ ra hiệu về phía mép đường.

– Đứng ở chỗ kia, – ông ta nói.

Câu thần chú này bị phá vỡ. Ngay trong lúc người lính tiếp tục quãng đường ngắn, trang trọng của mình, nhiều người khác lê bước tới. Họ không được chào hỏi nhiều như người cầm đầu, nhưng dồn lại thình một, khụt khịt, lê và cọ xát bàn chân.

– Rét quá nhỉ!

– Tôi mừng là mùa đông sắp qua.

– Nom cứ như trời sắp mưa.

Cả đám pha tạp này tăng lên đến mười người. Một, hai người biết nhau và chuyện trò. Những người khác đứng cách ra một chút, không muốn trò chuyện và bị tính gộp vào. Họ hay dằn dỗi, cộc cằn, lặng lẽ, mắt chẳng nhìn vào đâu đặc biệt và ngọ nguậy bàn chân.

Chẳng mấy chốc họ đã chuyện trò, nhưng người lính không cho họ cơ hội. Đếm đủ để bắt đầu, ông ta tiến lên trước.

– Tất cả cần giường ngủ chứ gì?

Tiếng lê chân và lẩm bẩm tán thành.

– Xếp hàng ở đây. Tôi sẽ xem tôi có thể làm gì. Bản thân tôi không có lấy một xu.

Họ thành một hàng ốm yếu, tả tơi. Lúc này, có thể thấy vài đặc điểm tương phản. Trong hàng có một cái chân gỗ. Mũ kéo sụp xuống, cả nhóm ốm yếu tạo thành bộ sưu tập đồ cũ của tầng hầm phố Hester[54]. Quần xốc xếch, mòn xơ ở mông, áo khoác sờn cũ và bạc màu. Trong ánh sáng rực rỡ của các cửa hiệu, một số bộ mặt nom khô quắt và trắng bệch như vôi. Những bộ mặt khác đỏ vì bị sưng tấy, phồng lên ở má và dưới mắt. Một, hai người gầy giơ xương và nhắc ta nhớ tới nhân viên đường sắt. Vài khán giả đến gần, dường như bị nhóm này thu hút, rồi mỗi lúc một đông hơn, và nhanh chóng thành một đám đông chen lấn, mở to mắt mà nhìn. Có ai đó trong hàng bắt đầu nói chuyện.

– Trật tự! – Viên đội trưởng quát. – Thưa các quý ông, những người này không có lấy một cái giường. Họ phải có một chỗ nào đấy để ngủ qua đêm chứ. Họ không thể nằm trên đường phố. Tôi cần mười hai xu cho mỗi người trong bọn họ thuê được một cái giường. Ai sẵn lòng cho tôi nào?

Không có trả lời.

– Thôi được, chúng ta đợi một lát vậy, các bạn, cho đến khi có người cho. Mười hai xu không phải là quá nhiều cho một con người.

– Mười lăm xu đây, – một thanh niên kêu to và ngó tới trước, cái nhìn miễn cưỡng. – Đây là tất cả những gì tôi có thể cho.

– Tốt rồi. Bây giờ tôi có mười lăm xu. Bước ra khỏi hàng, – và nắm lấy vai một người, viên đội trưởng dẫn anh ta cách ra một chút và để anh ta đứng một mình.

Trở lại, ông ta đứng vào chỗ cũ và lại bắt đầu:

– Tôi còn lại ba xu. Những người này phải có giường nằm ở đâu đó. Xem nào, một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, mười một, mười hai người. Chín xu nữa sẽ cho người tiếp theo có giường, hãy cho anh ta một cái giường tử tế, thoải mái qua đêm. Tôi sẽ đi cùng và tự trông nom. Ai sẽ cho tôi chín xu đây?

Một trong những người đứng xem, lần này là một ông trung niên, đưa cho ông ta năm xu.

– Giờ tôi đã có tám xu. Thêm bốn xu nữa là người này được một cái giường. Xin hãy rộng lòng, thưa các quý ông. Tối nay, chúng ta tiến hành quá chậm. Tất cả các ông đều có giường nằm thoải mái. Còn những người này thì sao?

– Đây, – một người xem nói và đặt đồng tiền vào bàn tay ông ta.

Người đội trưởng nhìn đồng tiền và nói:

– Thế là trả được hai cái giường cho hai người, còn lại năm xu cho người sau. Ai sẽ cho tôi thêm bảy xu nữa nào?

– Tôi, – có tiếng nói.

Tối hôm ấy, xuôi xuống đại lộ Sáu, Hurstwood có dịp băng qua phía Đông, qua phố Hai mươi sáu tới đại lộ Ba. Ông vô cùng chán nản, đói khát, tưởng như sắp chết, kiệt sức và tuyệt vọng. Bây giờ, ông biết tìm Carrie bằng cách nào đây? Mười một giờ buổi diễn mới kết thúc. Nếu cô ấy đến bằng xe, chắc về cũng phải đi xe. Ông cần án ngữ cô, dù tình hình có nguy ngập nhất đi nữa. Tệ hơn cả, ông đói và mệt lử, suốt một ngày cố hết sức, tối nay ông không còn bụng dạ nào cố thêm lần nữa. Ông không có đồ ăn và cũng chẳng có giường nằm.

Lúc đến gần Broadway, ông để ý đến việc tập hợp đám người lang thang của đội trưởng, nhưng tưởng là một cuộc thuyết giáo trên phố hoặc giới thiệu thuốc của một thầy tu khổ hạnh nào đó, và ông định đi qua. Song lúc tắt qua phố tới Công viên Madison Square, ông nhận ra hàng người có giường đã sẵn sàng, chạy dài từ nhóm chính của đám đông. Trong ánh sáng chói chang của ngọn đèn điện gần đó, ông nhận ra loại người như ông – những người ông đã gặp trên phố hoặc trong các nhà trọ, phó mặc cả thể xác lẫn tinh thần y như ông. Ông tự hỏi như thế là gì và quay lưng.

Người đội trưởng vẫn đang nài xin cộc lốc như trước. Ông sửng sốt và nhẹ người khi nghe thấy những lời này được nhắc đi nhắc lại: “Những người này phải có một cái giường”. Trước mặt ông là một hàng người bất hạnh chưa có giường nằm, và thấy một người mới đến lặng lẽ đứng vào cuối hàng, ông quyết định làm theo. Đấu tranh thì có ích gì? Tối nay ông mệt quá rồi. Chí ít thì đây là cách đơn giản để thoát khỏi khó khăn. Có lẽ ngày mai, ông sẽ làm tốt hơn.

Sau lưng ông, có vài người nữa được bảo đàm có giường, một không khí thư giãn thật hiển nhiên. Sự căng thẳng của tình trạng bấp bênh đã tan, ông nghe thấy họ trò chuyện với vẻ xuề xòa vừa phải và có người ngã về trước, thân mật. Chính trị, tôn giáo, tuyên bố của chính phủ, tin giật gân trên báo chí và những sự kiện nóng bỏng trên khắp thế giới, đều tìm thấy ở đây những cái loa và người nghe. Những giọng nói oang oang và khàn khàn thông báo một cách mạnh mẽ những vấn đề kỳ quặc. Đáp lại là những nhận xét mơ hồ và dông dài.

Những cái nhìn xéo, những cái liếc đểu cáng, những cái nhìn chằm chằm như bò của những con người quá đần độn hoặc quá mệt mỏi đang trò chuyện.

Thế đứng cũng nói lên nhiều thứ. Hurstwood đợi chờ và càng mệt mỏi thêm. Ông nghĩ chắc phải bỏ sớm thôi, và không ngừng đổi hết chân nọ đến chân kia. Cuối cùng cũng đến lượt ông. Người đứng trước đã được thanh toán và đi đến hàng người may mắn. Giờ ông là người đầu tiên, và người đội trưởng đang nói hộ ông.

– Mười hai xu thôi, thưa các quý ông, mười hai xu sẽ đặt người đàn ông này lên giường. Ông ấy sẽ không phải đứng đây trong tiết trời giá lạnh nếu có nơi nào để đến.

Hurstwood nuốt một thứ dâng lên cổ ông. Đói khát và ốm yếu đã làm ông thành kẻ hèn nhát.

– Đây, – một người lạ nói và đưa tiền cho người đội trưởng.

Lúc này, ông ta đặt bàn tay ân cần lên vai ông cựu quản lý.

– Ông sang hàng kìa, – ông ta nói.

Đến đó, ông thở dễ hơn. Ông cảm thấy cuộc đời không bao giờ hoàn toàn tệ bạc với người tốt. Hình như những người khác cũng cảm thấy như ông về việc này.

– Đội trưởng là người đốn cây cừ khôi, nhỉ? – Người đàn ông phía trước nói, ông ta là loại người nhỏ bé, thiểu não, bơ vơ, nom cứ như ông ta từng bị số phận chế nhạo và đùn đẩy.

– Phải, – Hurstwood nói, hờ hững.

– Hừm, đằng sau còn khối người kìa, – một người ở mãi phía trên ngả người và nhìn lại đám người đến xin xỏ.

– Ừ. Tối nay chắc đến hơn một trăm, – người khác nói.

– Nhìn người trong xe kìa, – người thứ ba nhận xét.

Một chiếc xe ngựa đỗ lại. Một quý ông mặc dạ phục chìa một tờ bạc ra cho đội trưởng, ông ta cầm lấy, cảm ơn và quay về hàng. Tất cả đều nghểnh cổ khi món trang sức gắn đá quý trên ngực áo sơmi trắng muốt lấp lánh và chiếc xe chuyển bánh. Đám đông mở to mắt kính sợ.

– Tối nay bố trí được cho chín người, – đội trưởng nói và đếm xem còn bao nhiêu trong hàng gần ông ta. – Xếp hàng đằng kia. Giờ chỉ còn bảy. Tôi cần mười hai xu.

Tiền đến rất chậm. Mỗi lúc đám đông một vơi, còn một dúm lơ thơ. Đại lộ Năm an toàn cho xe chở khách hoặc khách bộ hành đặc biệt, nay vắng hoe. Broadway vốn ít người đi bộ. Thỉnh thoảng một người lạ đi qua, chú ý đến một nhóm nhỏ, đưa ra một đồng tiền rồi đi, không để ý đến nữa.

Người đội trưởng vẫn thản nhiên và quyết tâm. Ông nói rất chậm rãi, thốt ra những từ ít ỏi nhất, với vẻ đoan chắc dường như ông không thể thất bại.

– Nào, tôi không thể ở đây suốt đêm. Những người này mỗi lúc một mệt và rét hơn. Có ai cho tôi bốn xu nào.

Có lúc ông không nói gì hết. Với số tiền trong tay, cứ mười hai xu ông lại chọn ra một người và tách ra hàng khác. Rồi ông lại đi tới đi lui như trước, nhìn xuống đất.

Các nhà hát đã hết khách. Các biển hiệu đã tắt. Đồng hồ điểm mười một giờ. Nửa giờ nữa, ông ta sẽ đến hai người cuối cùng.

– Bây giờ, – ông ta nói với vài người tò mò đứng xem, – mười tám xu sẽ giải quyết xong cho tất cả mọi người. Mười tám xu. Tôi có sáu xu. Ai đó hãy cho tôi tiền. Xin hãy nhớ rằng tối nay tôi còn phải về Brooklyn. Trước lúc đó, tôi phải thu xếp xong cho những người này và đặt họ vào giường. Mười tám xu thôi.

Không người nào đáp lại. Ông ta đi tới đi lui, nhìn xuống vài phút, thỉnh thoảng nói nhẹ nhàng: “Mười tám xu”. Dường như số tiền nhỏ mọn ấy sẽ trì hoãn cực điểm khao khát lâu hơn mọi thứ những người khác có. Hurstwood hơi phấn khởi vì hàng người của ông dài, cố nén tiếng rên vì ông quá mệt.

Cuối cùng, một quý bà khoác áo choàng đi xem hát, váy áo sột soạt xuống đại lộ Năm, có người đi kèm. Hurstwood mệt mỏi nhìn chằm chằm, nhớ lại ông và Carrie trong cuộc đời mới và cái thời ông tháp tùng vợ y như thế.

Trong lúc ông đăm đăm nhìn, cô ta quay lại nhìn nhóm người khác thường và bảo người đi cùng. Anh ta bước tới, cầm một tờ giấy bạc trong tay, thanh lịch và duyên dáng.

– Của ông đây, – anh ta nói.

– Cảm ơn, – đội trưởng nói và quay sang hai người cuối cùng.

– Giờ chúng ta có chút ít cho đêm mai, – ông nói thêm.

Ông ta xếp hai người cuối cùng vào hàng rồi tiến lên đầu, vừa đi vừa đếm.

– Một trăm ba mươi bảy, – ông thông báo. – Bây giờ, xếp hàng vào, các bạn. Thẳng hàng vào. Chúng ta sẽ không còn cảnh này lâu nữa đâu. Hãy bình tĩnh.

Ông ta đứng đầu hàng và hô: “Tiến lên”. Hurstwood đi theo hàng. Cả đoàn dài, uốn khúc, băng qua đại lộ Năm, xuyên qua quảng trường Madison theo những con đường ngoằn ngoèo, rẽ về hướng đông đến phố Hai mươi ba, xuống đại lộ Ba. Nửa đêm, các khách bộ hành và những người đi chơi rông đều dừng lại, chăm chú nhìn đoàn người đi qua. Họ đi đều bước trên đại lộ Ba, quãng đường có vẻ buồn chán, đến phố Tám có nhiều nhà trọ, rõ ràng là đã đóng cửa, để nghỉ đêm. Tuy vậy, họ được đón chờ.

Họ đứng trong bóng tối bên ngoài, trong lúc người cầm đầu thương lượng bên trong. Rồi các cánh cửa bật mở và họ được mời vào: “Cứ bình tĩnh, đừng vội”.

Các phòng đầu đều có người, vì thế phải lấy chìa khóa không chậm trễ. Mệt nhọc leo lên các bậc thang kêu cót két, Hurstwood ngoảnh lại và thấy người đội trưởng đang theo dõi; người cuối cùng trong hàng được hưởng sự quan tâm rộng rãi của ông. Rồi ông khoác chiếc áo choàng không tay quanh người và biến vào màn đêm.

– Mình không thể chịu đựng cảnh này hơn nữa, – Hurstwood nói, chân ông đau nhức lúc ông ngồi lên cái giường khốn khổ trong căn buồng nhỏ, không đèn đóm dành cho ông. – Mình phải kiếm cái ăn, hoặc sẽ chết.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky