Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xơ Carrie

Chương XXXIX: Ánh sáng và bóng tối

Tác giả: Theodore Dreiser
Chọn tập

Thứ mà Hurstwood coi như kết quả của quyết tâm này không hơn sự tự tin mà mỗi ngày qua đi là mất một ngày. Cùng lúc đó, Carrie trải qua ba mươi ngày mệt mỏi về tinh thần.

Nhu cầu quần áo của cô – chưa kể đến nỗi thèm đồ trang sức – lớn nhanh vì cô những thứ đó cần cho nghề nghiệp. Sự thông cảm với Hurstwood lúc ông năn nỉ cô giúp ông vượt qua khó khăn đã biến mất cùng những thôi thúc mới hơn của cuộc sống cho hợp phép tắc. Ông không hay nhắc lại đề nghị của ông, nhưng tình yêu sân khấu cần vẻ ngoài đẹp đẽ. Nó khăng khăng đòi và Carrie mong muốn thỏa mãn nó, muốn nhiều hơn và nhiều hơn thứ Hurstwood không có.

Khi sắp tiêu đến mười đôla cuối cùng, Hurstwood lập luận rằng tốt hơn hết là ông giữ ít tiền lẻ trong túi và không bị lệ thuộc vào tiền xe, cạo râu, đại loại thế. Vì thế số tiền này vẫn còn trong tay, ông tự coi mình không một xu dính túi.

– Anh hết sạch tiền rồi, – một buổi chiều, ông nói với Carrie. – Sáng nay anh đã trả tiền than, tất cả là mười hoặc mười lăm xu.

– Trong ví em có tiền đấy.

Hurstwood đến lấy tiền và đi mua một hộp cà chua. Carrie không nhận thấy rằng đây là sự khởi đầu một nền nếp mới. Ông lấy mười lăm xu và mua một hộp cà chua. Sau đó là đủ thứ vặt vãnh loại này, cho đến một buổi sáng, Carrie chợt nhớ ra cô không về nhà trước bữa tối.

– Chúng ta hết bột mì rồi, – cô nói, – tốt hơn hết là chiều nay anh mua một ít. Chúng mình cũng hết thịt. Nếu còn gan và thịt xông khói liệu có làm được không?

– Anh thấy được, – Hurstwood nói.

– Mua hai hoặc ba lạng loại đó thì đủ.

– Hai lạng đủ rồi, – Hurstwood nhận.

Cô mở ví và để xuống nửa đôla. Ông giả vờ không để ý đến.

Hurstwood mua bột mì – cùng các thứ tạp phẩm bán trong các gói hai lạng – giá mười ba xu và trả mười lăm xu lấy hai lạng gan và thịt xông khói. Ông để các gói cùng bản thanh toán hai mươi hai xu lên bàn bếp để Carrie nhìn thấy. Cô không thoát được số tiền lẻ chính xác. Rốt cuộc, thật đáng buồn là ông chỉ muốn ở cô thứ gì đó để ăn. Cô cảm thấy những ý nghĩ khắt khe ấy là không công bằng. Có lẽ ông sẽ tìm được việc gì đó. Ông không phải là kẻ cư xử vô đạo đức.

Tuy nhiên chiều hôm đó, trên đường đến nhà hát, một cô gái trong dàn đồng ca đi qua cô, diện bộ trang phục lốm đốm rất đẹp, mới tinh và đập vào mắt Carrie. Cô gái cầm một bó hoa tím lộng lẫy và hình như đang phấn chấn. Cô niềm nở mỉm cười với Carrie lúc đi ngang qua, để lộ hàm răng đẹp, đều đặn, và Carrie mỉm cười đáp lại.

“Cô ấy có khả nâng ăn mặc đẹp, và mình cũng thế nếu mình giữ được tiền của mình. Mình chẳng có lấy một cái khăn tử tế để quàng”.

Cô giơ bàn chân và nhìn giày, nghĩ ngợi.

“Đằng nào đến thứ Bảy mình cũng phải mua một đôi giày, mặc kệ muốn ra sao thì ra”.

Một trong các cô gái dịu dàng nhất và dễ thông cảm nhất của dàn đồng ca kết bạn với Carrie vì thấy cô không có gì khiến cô ta phải hoảng sợ. Cô ta là một Manon[*] xinh xắn, phóng đãng, không ý thức được quan niệm ác liệt của xã hội về đạo đức, nhưng dù sao cũng là người tử tế và nhân từ với Carrie.

Dàn đồng ca cho phép phóng túng đôi chút trong vấn đề quan hệ, song có một số người khá mải mê.

– Tối nay trời ấm nhỉ? – Cô gái này nói, cô mặc bộ quần áo bó sát màu da, đội mũ sắt giả màu vàng. Cô cũng khoác cái khiên sáng ngời.

– Đúng thế, – Carrie nói, vui mừng vì có người trò chuyện với cô.

– Tôi suýt bị nướng chín, – cô gái nói.

Carrie nhìn bộ mặt xinh xắn, cặp mắt to xanh biếc của cô ta và thấy những giọt mồ hôi nhỏ xíu.

– Ở nhà hát này, tôi phải đi nhiều hơn trước kia nhiều, – cô gái nói thêm.

– Cô đã từng ở các nhà hát khác ư? – Carrie hỏi, ngạc nhiên vì sự từng trải của cô ta.

– Nhiều lắm, – cô gái nói, – còn cô thì sao?

– Đây là trải nghiệm đầu tiên của tôi.

– Ồ, thế ư? Tôi tưởng có thời cô đã diễn Nữ hoàng Mate[*] ở đây.

– Không, – Carrie lắc đầu, – không phải tôi đâu.

Cuộc nói chuyện này bị cắt ngang vì tiếng om sòm của dàn hợp xướng và những ngọn đèn khí xèo xèo trong cánh gà lúc dàn đồng ca bị gọi vào theo lối mới. Không còn dịp để nói chuyện tiếp, nhưng tôi hôm sau, lúc sâp lên sân khấu, cô gái này lại đến cạnh Carrie.

– Người ta bảo tháng sau chương trình này sẽ đi lưu diễn.

– Thế à? – Carrie nói.

– Phải, liệu cô có đi không?

– Tôi không biết. Tôi chắc là có, nếu người ta đưa tôi đi.

– Ồ, họ sẽ đưa cô đi thôi, tôi không đi đâu. Họ sẽ không cho cô thêm gì, và cô sẽ phải trả mọi thứ để kiếm sống. Tôi sẽ không bao giờ rời New York. Ở đây có quá nhiều chương trình.

– Cô dễ nhận được các chương trình khác sao?

– Lúc nào cũng thế. Tháng này sẽ tiếp tục diễn ở Broadway. Tôi sẽ có tham gia nếu chương trình này diễn thật.

Nghe tin này, đầu óc Carrie xáo động. Rõ ràng là không quá khó để sống. Có lẽ cô cũng sẽ kiếm được một chỗ nếu chương trình này đi diễn xa.

– Người ta có trả lương tương đương không? – Cô hỏi.

– Có. Đôi khi nhiều hơn một chút. Chương trình này không trả cao lắm đâu.

– Tôi được mười hai đôla, – Carrie nói.

– Thế ư? – Cô gái nói. – Người ta trả tôi mười lăm, mà cô diễn còn nhiều hơn tôi. Nếu tôi là cô, tôi sẽ không chịu. Họ trả cô ít vì tưởng cô không biết. Lẽ ra cô phải được mười lăm đôla.

– Tôi không biết thật, – Carrie nói.

– Cô sẽ được nhiều hơn ở chỗ sau nếu cô muốn, – cô gái nói tiếp, cô rất ngưỡng mộ Carrie. – Cô diễn khá, và ông bầu thừa biết điều đó.

Nói thật, Carrie không có ý thức đi đi lại lại với điệu bộ bắt mắt và đặc biệt. Mọi thứ là nhờ dáng vẻ tự nhiên của cô và cô không ý thức được về bản thân mình.

– Cô cho là tôi có thể kiếm được nhiều hơn ở Broadway sao?

– Lẽ tất nhiên rồi, – cô gái trả lời. – Bao giờ tôi đi, cô hãy đi cùng tôi. Tôi sẽ nói hộ cho.

Nghe câu này, mặt Carrie ửng hồng vì cảm kích. Cô thích vẻ sôi nói của cô lính xinh xắn này. Cái mũ kim tuyến và bộ quần áo lính khiến cô ta có vẻ từng trải và tự lực.

“Tương lai của mình chắc là được bảo đảm nếu mình có thể luôn luôn tìm được việc làm kiếu này”, – Carrie nghĩ.

Buổi sáng vẫn thế, cô phải lo việc nhà còn Hurstwood ngồi đó, một gánh nặng hoàn toàn để thưởng ngoạn, số phận cô hình như ảm đạm và tẻ nhạt. Tiền ăn của họ không tốn quá nhiều vì Hurstwood mua bán rất dè sẻn, và có thể đủ cả tiền thuê nhà, nhưng thế thì chẳng còn lại tí gì. Carrie mua giày và vài thứ khác, nên tiền nhà trở thành vấn đề rất nghiêm trọng. Một tuần sau cái ngày định mệnh đó, Carrie chợt hiểu rằng họ sẽ không tồn tại được lâu.

– Em không tin, – lúc ăn sáng, cô kêu lên và nhìn vào ví, – rằng em còn đủ tiền thuê nhà.

– Em có bao nhiêu? – Hurstwood hỏi.

– Em lĩnh hai mươi hai đôla, nhưng còn phải chi mọi thứ cho tuần này, và nếu em dùng hết số tiền lĩnh hôm thứ Bảy thì sẽ chẳng còn gì cho tuần sau. Anh có nghĩ đến người sẽ mở khách sạn trong tháng này không?

Lát sau, Hurstwood nói:

– Đừng lo. Người bán tạp phẩm có thể cho chịu. Ông ta có thể làm thế mà. Chúng ta đã mua ở đấy đủ lâu để ông ta tin cậy khoảng một hoặc hai tuần.

– Anh cho là ông ta sẽ cho chịu ư? – Cô hỏi.

– Anh nghĩ thế.

Ngày hôm ấy, Hurstwood đã tính toán kỹ, ông nhìn thẳng vào mắt ông chủ hiệu tạp phẩm lúc gọi nửa ký cà phê và nói:

– Ông có thể ghi vào tài khoản của tôi cho đến cuối mỗi tuần không?

– Không, không sao, ông Wheeler, – ông Oeslogge nói. – Được thôi.

Hurstwood vẫn khéo xử trong cảnh khốn cùng, không nói gì thêm. Hình như việc này thật dễ dàng. Ông nhìn ra cửa rồi cầm gói cà phê và đi thẳng. Trò chơi của một người liều lĩnh đã bắt đầu.

Tiền thuê nhà trả xong, giờ đến ông bán tạp phẩm. Hurstwood xoay xỏa bằng cách trả trong số mười đôla của ông và đến cuối tuần lấy tiền của Carrie. Rồi ông hoãn một ngày của thời hạn sau đã thỏa thuận với ông bán tạp phẩm, nhanh chóng bù vào mười đôla của mình, còn ông Oeslogge được ông trả vào thứ Năm hoặc thứ Sáu cho hóa đơn ngày thứ Bảy tuần trước.

Tình cảnh khó khăn lúng túng này khiến Carrie lo lắng tìm sự thay đổi. Hình như Hurstwood không ý thức được rằng cô có quyền với mọi việc. Ông mưu mô để cô phải trang trải mọi chi tiêu, nhưng bản thân ông không muốn thêm thắt vào chút nào.

“Anh ta nói về việc lo nghĩ, – Carrie nghĩ. – Nếu anh ấy lo thật thì đã chẳng ngồi đó và đợi mình. Phải tìm việc mà làm đi chứ. Không người nào suốt bảy tháng ròng mà không tìm được gì nếu cố gắng”.

Cảnh tượng lúc nào Hurstwood cũng quanh quẩn, lôi thôi lếch thếch và vẻ mặt rầu rĩ khiến Carrie phải tìm sự khuây khỏa ở những nơi khác. Ở nhà hát mỗi tuần có hai suất diễn chiều, còn Hurstwood ăn qua loa đồ nguội tự làm. Hai ngày khác diễn tập bắt đầu từ mười giờ sáng, thường kéo dài đến một giờ chiều. Carrie còn thêm vào vài cuộc thăm viếng một hoặc hai cô gái trong dàn đồng ca, trong đó có cô lính mắt xanh biếc, đội mũ màu vàng. Cô làm thế vì vui thích và khuây khỏa, thoát khỏi sự tẻ ngắt của căn nhà mà chồng cô ngồi đó, ủ ê suy ngẫm.

Tên cô lính mắt xanh là Osbome, Lola Osborne. Cô ở một khu nhà trên phố Mười chín gần đại lộ Bốn, nay nhượng lại hoàn toàn làm công thự. Cô ta có một căn phòng dễ chịu ở đằng sau, nhìn xuống các sân sau có nhiều cây tỏa bóng đẹp mắt.

– Cô không có nhà ở New York sao? – Một hôm, Carrie hỏi Lola.

– Có, nhưng tôi không hòa thuận với mọi người trong nhà. Lúc nào họ cũng muốn tôi làm điều họ muốn. Cô sống ở đây ư?

– Vâng, – Carrie nói.

– Với gia đình sao?

Carrie xấu hổ không dám nói cô đã có chồng. Cô đã nói chuyện nhiều về việc được hưởng thêm lương và thú nhận những băn khoăn về tương lai, vậy mà hiện giờ, khi câu hỏi nhằm vào thực tế, cô không thể kể lể với cô gái này.

– Với vài người họ hàng, – cô trả lời.

Cô Osborne cho rằng, thời gian của Carrie là của riêng cũng như với cô vậy, và đó là điều đương nhiên. Lola lúc nào cũng đề nghị Carrie ở lại, đề xuất những cuộc vui chơi nho nhỏ và nhiều thứ giải trí khác cho đến lúc Carrie bắt đầu sao nhãng giờ ăn tối. Hurstwood nhận thấy điều đó, nhưng cảm thấy không còn thế để tranh cãi với cô. Vài lần Carrie về muộn vì không có lấy một giờ đồng hồ để làm bữa tạm bợ và đến ngay nhà hát.

– Chiều nào em cũng tập à? – Có lần Hurstwood hỏi, gần như che giấu hoàn toàn sự phản đối, hoài nghi và ân hận đã xúi ông hỏi câu đó.

– Không, em đi loanh quanh đến chỗ khác, – Carrie nói.

Cô nói thật, nhưng về mặt nào đó đấy chỉ thêm vào cái cớ. Cô Osborne và cô đến văn phòng của ông bầu đang chuẩn bị trình diễn một vở nhạc kịch mới ở Broadway và về thẳng phòng Osborne, rồi họ ở đó từ ba giờ.

Carrie cảm thấy câu hỏi này đã xâm phạm tự do của cô. Cô không nghĩ cô cần tự do làm gì. Chỉ đến bước gần nhất, cái tự do mới mẻ nhất là không được căn vặn.

Hurstwood nhìn nhận sự việc đủ rõ ràng. Ông khôn ngoan theo bản tính, và vẫn còn đủ sự tao nhã của người đàn ông để tự ngăn mình khỏi bất cứ lời phản đối nào gay gắt. Ông gần như hờ hững không giải thích nổi, buông xuôi không hành động trong lúc Carrie tuột khỏi đời ông, chỉ vì ông sẵn sàng uể oải nhìn cơ hội trôi ra ngoài tầm kiểm soát. Ông không thể không bám lấy và phản đối theo kiểu ôn hòa, bực bội và bất lực, song cách đó chỉ dần dần làm cho mối bất hòa mỗi ngày một sâu sắc thêm.

Sự ngăn cách giữa họ càng rộng thêm khi ông bầu nhìn qua cánh gà lên sân khấu sáng rực, nơi dàn đồng ca quay lượn tưng bừng, nói với người đứng đầu tốp múa balê:

– Cô gái thứ tư bên phải, đi cuối hàng kia là ai?

– Ồ, – nhóm trưởng balê nói, – đấy là cô Madenda.

– Xinh quá. Sao anh không để cô ta đứng đầu?

– Tôi sẽ làm thế, – người đó nói.

– Cứ làm thế đi. Cô ta đẹp hơn mọi người phụ nữ anh có.

– Đúng thế. Tôi sẽ làm ngay ạ, – tốp trưởng nói.

Tối hôm sau Carrie bị gọi, như thể cô phạm lỗi.

– Tối nay cô dẫn đầu nhóm, – người chỉ đạo nói.

– Vâng, – Carrie nói.

– Hăng hái lên, – ông ta nói thêm. – Chúng ta phải có lúc xuất thần.

– Vâng, thưa ông, – Carrie đáp.

Sửng sốt vì sự thay đổi này, Carrie ngỡ nhóm trưởng bị ốm, nhưng khi nhìn thấy cô ta trong hàng, vẻ không thiện chí rõ ràng trong mắt, cô nghĩ có lẽ đây là một sự tưởng thưởng công lao.

Carrie đã biết cách hất đầu sang một bên rất hợp thời và thanh lịch, và giơ cánh tay như thể hành động, không hề bơ phờ. Trước hàng ngũ, động tác này càng thêm hiệu quả.

– Cô kia biết cách tạo dáng, – tối hôm sau, ông bầu nói. Ông ta bắt đầu thấy thích nói chuyện với Carrie. Nếu không phải là người đặt ra lệ không được dính dấp với các cô gái trong dàn đồng ca, ông ta đã quyết tiếp cận cô.

– Để cô ta là trưởng nhóm trắng, – ông gợi ý với tốp trưởng vũ balê.

Nhóm trắng gồm hai chục cô gái, tất cả ăn vận đó flanen trắng như tuyết, trang điểm bằng bạc và màu xanh da trời. Trưởng nhóm được trang điểm lộng lẫy nhất, tuy cùng màu nhưng được trau chuốt bằng những ngù vai và thắt lưng bằng bạc, một thanh gươm ngắn lủng lẳng bên sườn. Carrie rất hợp với bộ trang phục này, và sau khi xuất hiện vài ngày, cô tự hào với niềm vinh dự mới. Cô đặc biệt hài lòng thấy lương của cô hiện giờ là mười tám đôla thay vì mười hai.

Hurstwood không hay biết gì về việc này.

“Mình sẽ không cho anh ấy phần còn lại của số tiền, – Carrie nói. – Mình cho đủ rồi. Mình sẽ mua thứ gì đó để mặc”.

Là một vấn đề đơn giản, trong tháng thứ hai cô mua sắm cho mình, khinh suất như cô dám làm, coi thường hậu quả. Ngày trả tiền nhà đe dọa phức tạp hơn, và mở rộng thêm khoản mua chịu. Tuy nhiên, cô tự đặt mục tiêu sẽ làm việc tốt hơn.

Việc đầu tiên là cô mua một chiếc áo bờ lu nữ, và sau khi nghiên cứu kỹ càng, cô thấy số tiền của mình mới ít ỏi làm sao. Nếu mua, cô sẽ tiêu hết nhẵn tiền. Cô quên bẵng là nếu chỉ có một mình, cô cũng phải trả tiền phòng, tiền ăn, và chỉ hình dung mỗi xu của mười tám đôla để mua quần áo và những thứ cô thích.

Cuối cùng cô chọn một thứ, và không chỉ tiêu hết số tiền tăng ngoài mười hai đôla, cô còn tiêu lạm vào khoản đó. Cô biết mình sắp đi quá xa, nhưng cái thú mê thích áo quần lộng lẫy của đàn bà đã thắng thế. Ngày hôm sau, Hurstwood nói:

– Tuần này chúng ta nợ ông bán tạp phẩm năm đôla bốn mươi xu.

– Vậy ư? – Carrie nói, hơi cau mày.

Cô nhìn vào ví và lấy tiền.

– Em chỉ còn tám đôla hai mươi xu.

– Chúng ta nợ ông bán sữa sáu mươi xu, – Hurstwood nói thêm.

– Vâng, và cả người bán than nữa, – Carrie nói.

Hurstwood lặng thinh. Ông đã nhìn thấy những món đồ mới cô mua, cách cô phớt lờ bổn phận gia đình, cứ chiếu chiều là cô lẩn mất và về muộn. Ông cảm thấy cơ sự sắp xảy ra.

Đột nhiên cô nói:

– Em không biết, em không thể làm tất cả được. Em kiếm không đủ sống.

Đây là một thách thức thẳng thừng. Hurstwood phải hiểu điều đó. Ông cố giữ bình tĩnh.

– Anh không muốn em phải làm tất cả, – ông nói. – Anh chỉ muốn một chút đỡ đần cho đến khi anh tìm được việc làm.

– Ồ vâng, – Carrie nói. – Lúc nào cũng cái kiểu ấy. Nó chiếm nhiều hơn em có thể kiếm ra để trả mọi thứ. Em không hiểu rồi sẽ làm gì đây.

– Anh sẽ cố kiếm một việc gì đó, – ông kêu lên. – Em muốn anh làm gì đây?

– Anh không thể cố gắng vất vả đến thế, – Carrie nói. – Em đã kiếm được rồi.

– Phải, anh biết, – ông nói, những từ khó nghe gần như chọc tức ông. – Em không cần thó ra những thành công với anh. Anh chỉ yêu cầu em giúp đỡ chút ít cho đến khi anh tìm được việc làm. Anh vẫn chưa gục ngã đâu. Anh sẽ đứng vững.

Ông cố nói năng điềm đạm, nhưng tiếng ông run run.

Cơn giận của Carrie tan ngay lập tức. Cô thấy xấu hổ.

– Tiền đây, – cô nói và trút ra bàn. – Thực sự là em không có đủ để trang trải hết mọi thứ. Song nếu họ có thể cho chịu đến thứ Bảy, em sẽ có thêm ít nữa.

– Em cứ giữ lấy, – Hurstwood nói, buồn bã. – Anh chỉ muốn có đủ để trả người bán tạp phẩm thôi.

Cô lấy lại tiền, và tiếp tục nấu ăn sớm cho kịp giờ. Hơi ra vẻ can đảm khiến cô cảm thấy nên cải thiện tình hình.

Một lúc sau, những ý nghĩ cũ trở lại với cả hai.

“Cô ấy kiếm được nhiều hơn cô ấy nói”, – Hurstwood nghĩ. – Cô ấy bảo chỉ được lĩnh mười hai đôla, nhưng thế thì không thể đủ để mua những thứ kia. Mình không cần. Cứ để Carrie giữ tiền của cô ấy. Trong những ngày này mình sẽ kiếm việc gì đấy. Rồi cô ấy có thể gặp phải chuyện phiền phức”.

Ông chỉ nói câu này trong lúc giận dữ, nhưng nó báo trước một khả năng hành động và thái độ đủ lạ lùng.

“Mình chẳng cần, – Carrie nghĩ. – Phải nói để anh ta phải đi ra ngoài mà làm gì đó. Không phải lúc để mình giúp anh ta”.

Dạo này, Carrie được giới thiệu với vài thanh niên bạn cô Osborne, tất cả đều thuộc loại mà miêu tả là vui tươi và hớn hở là đúng nhất. Có lần họ tạt vào đón cô Osborne dong xe đi chơi chiều. Lúc đó Carrie đang ở cùng cô ta.

– Đi với bọn mình đi, – Lola nói.

– Không, tôi không thể, – Carrie nói.

– Có chứ, cứ đi đi. Cô có phải làm gì đâu?

– Tôi phải có mặt ở nhà lúc năm giờ, – Carrie nói.

– Để làm gì?

– Ăn tối.

– Họ sẽ đưa chúng ta đi ăn tối mà, – Lola nói.

– Ồ không, – Carrie nói. – Tôi không đi được đâu. Tôi không thể.

– Cứ đi đi. Họ là những thanh niên dễ thương kinh khủng. Chúng tôi sẽ đưa cô về đúng giờ. Chúng ta chỉ dạo xe trong công viên Trung tâm thôi mà.

Carrie ngẫm nghĩ một lát, rồi cuối cùng đầu hàng.

– Thôi được, nhưng tôi phải về lúc bốn rưỡi đấy, – cô nói.

Câu đó chui vào tai bên này của Lola rồi ra tai bên kia.

Sau Drouet và Hurstwood, thái độ của cô với các chàng trai đượm chút hoài nghi, nhất là với loại thanh niên vui tươi và phù phiếm. Cô cảm thấy mình già giặn hơn họ ít nhiều. Một số lời ca tụng ngọt tai của họ dường như trở thành ngớ ngẩn. Thực ra cô còn trẻ, thể xác và tuổi trẻ vẫn lôi cuốn cô.

– Chúng ta sẽ về đúng giò, thưa tiểu thư Madenda, – một trong các anh chàng ấy nói và cúi đầu. – Cô đừng lo chúng tôi giữ cô quá giờ, được không nào?

– Tôi không biết nữa, – Carrie nói và mỉm cười.

Họ khởi hành, Carrie quan sát và thấy các chàng thanh niên này thốt ra những câu đùa ngốc nghếch và những lời châm chọc nhạt phèo, được coi là hài hước trong giới làm duyên. Carrie thấy cuộc diễu xe rất phô trương trong công viên rộng lớn, bắt đầu từ lối vào ở phố Năm mươi chín, lượn qua Bảo tàng nghệ thuật đến lối ra ở phố Một trăm, phố Mười và đại lộ Bảy. Lại một lần nữa, cái nhìn của cô tiếp thu thêm những biểu hiện giàu có – những bộ trang phục trau chuốt, những bộ yên cương thanh lịch, những con ngựa đầy khí thế, và hơn hết thảy là vẻ đẹp. Lại một lần nữa, tai họa của nghèo khổ khiến cô khó chịu, nhưng lúc này cô quên bẵng những phiền muộn riêng tư cũng như quên Hurstwood trong chừng mực nào đó. Ông đợi cho đến bốn, năm, thậm chí sáu giờ. Lúc cô xuống xe, trời đang ngã tối.

– Mình cho là cô ấy không về nhà, – ông nói, tàn nhẫn.

“Thế đấy, – ông nghĩ. – Bây giờ cô ta đang khởi đầu. Mình bị loại ra ngoài rồi”.

Mãi đến lúc hơn năm giờ, Carrie mới thực sự phát hiện ra sự chểnh mảng của mình, còn cỗ xe đã ở tít đại lộ Bảy, gần dòng sông Harlem.

– Mấy giờ rồi? – Cô hỏi. – Tôi phải về đây.

– Năm giờ mười lăm, – người đồng hành với cô nói và giơ chiếc đồng hồ tao nhã, mặt để trần ra xem.

– Trời đất ơi! – Carrie kêu lên. Rồi cô dựa lưng vào ghế và thở dài. – Thôi đừng tiếc rẻ con gà quạ tha nữa, – cô nói. – Quá muộn mất rồi.

– Đúng quá, – một thanh niên nói, cậu ta nhìn thấy cảnh một bữa tối thú vị, và cuộc trò chuyện sôi nổi như thể cuộc họp mặt sau buổi diễn. Cậu ta rất thích Carrie. – Giờ chúng ta sẽ xuôi xuống Delmonico và ăn tối ở đó, Orrin nhé?

– Chắc chắn rồi, – Orrin đáp, vui vẻ.

Carrie nghĩ đến Hurstwood. Trước kia, chưa bao giờ cô bỏ bữa tối mà không có lý do.

Họ quay xe về, và xuống ăn tối lúc sáu giờ mười lăm. Một lần nữa, tình cờ họ đến Sherry, hồi ức về nhà hàng này trở lại khiến Carrie đau đớn. Cô nhớ tới cô Vance và Ames không ghé thăm lần nào nữa sau cuộc tiếp đón của Hurstwood.

Tâm trí cô từng xao động vì người này. Một ảo ảnh mạnh mẽ và trong sạch. Anh ta thích những cuốn sách hay hơn sách cô đọc, những con người tốt hơn những người cô giao du. Những mô hình lý tưởng của anh ta cháy bỏng trong tim cô.

“Trở thành một nữ diễn viên cừ thật tuyệt vời”, câu ấy trở lại rõ ràng.

Còn cô thuộc loại diễn viên nào đây?

– Cô nghĩ gì thế, cô Madenda? – Người bạn đồng hành vui tính hỏi cô. – Để tôi thử đoán nhé.

– Ồ không, – Carrie nói. – Anh đừng thử.

Carrie gạt ý nghĩ đó và ăn. Cô phần nào quên và đang vui. Tuy vậy, khi bị gạ gẫm sau buổi diễn, cô đã lắc đầu.

– Không, tôi không thể, – cô nói. – Tôi đã có cuộc hẹn trước rồi.

– Bây giờ đi, cô Madenda, – anh chàng năn nỉ.

– Không, – Carrie nói. – Tôi không thể. Anh thật tốt bụng, nhưng xin anh thứ lỗi cho.

Trông cậu ta quá đỗi tiu nghỉu.

– Vui lên nào, ông bạn, – bạn cậu ta thì thầm. – Đằng nào chúng mình còn chạy loanh quanh. Cô ấy sẽ đổi ý thôi.

Chọn tập
Bình luận