Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xơ Carrie

Chương XLI: Bãi công

Tác giả: Theodore Dreiser
Chọn tập

Nơi để tàu điện quá thiếu người, chỉ có ba người quản lý là thực sự hoạt động. Nhiều công nhân xanh xao quanh quẩn, những người đàn ông khả nghi, đói khát, trông cứ như bị các phương kế tuyệt vọng điều khiển. Họ cố tỏ ra sinh động và quyết tâm, nhưng một vẻ thiếu tự tin, buồn bã và ngượng ngập bao trùm nơi này.

Hurstwood vòng ra phía sau, qua nơi để xe và ra ngoài, vào một mảnh đất rộng rãi có rào bao quanh, nơi có nhiều đường ray và đường nhánh. Nửa tá xe nằm đó, các huấn luyện viên đang hướng dẫn, mỗi người có một học trò bên cần lái. Nhiều học trò nữa đang đợi bên một trong các cửa hậu của bãi.

Hurstwood lặng lẽ quan sát cảnh tượng và đợi. Những người cùng cảnh với ông liếc nhìn ông giây lát, tuy họ chẳng quan tâm đến ông nhiều hơn các xe điện. Tuy vậy, trông họ là một nhóm không đàng hoàng. Một, hai người nom rất gầy còm và đói khát. Rất ít người to khỏe. Vài người khác gầy giơ xương và tái xám, dường như họ đã bị mọi loại thời tiết khắc nghiệt hành hạ.

– Anh có xem báo nói họ sắp gọi quân đội đến đàn áp không? – Hurstwood nghe thấy một người trong bọn bình luận.

– Dào ôi, họ sẽ làm thế thôi, – người kia đáp lại. – Bao giờ chẳng thế.

– Anh nghĩ liệu chúng ta có gặp rắc rối nhiều không ? – Một người nữa Hurstwood không nhìn thấy, nói.

– Không nhiều lắm.

– Anh chàng Scotland lái chiếc cuối cùng kia kể đã bị họ ném cả cục than cháy dở vào tai.

Một tiếng cười khẽ, bồn chồn kèm theo câu này.

– Theo báo chí thì một trong những gã trên tuyến đại lộ Năm đã phải chịu một thời gian khốn khổ, – một giọng khác lè nhè. – Họ đập vỡ cửa xe và lôi anh ta ra phố, cảnh sát không kịp ngăn lại.

– Ừ, hôm nay có thêm nhiều cảnh sát nữa, – người khác nói thêm.

Hurstwood lắng nghe, không thấy có những lời bình luận sắc sảo. Những người nói chuyện dường như sợ ông. Những tiếng lắp bắp của họ đầy vẻ bồn chồn, họ nói để làm dịu đầu óc. Ông nhìn ra sân và đợi.

Có hai người quanh quẩn rất gần ông, nhưng ở phía đằng sau. Nom họ khá dễ gần, và ông lắng nghe xem họ nói gì.

– Anh là nhân viên đường sắt à? – Một người hỏi.

– Tôi ấy à? Không đâu. Tôi làm việc ở nhà máy giấy.

– Tôi có việc làm cho đến tháng Mười vừa rồi, – người kia đáp, với vẻ thông cảm.

Tiếp đến là những lời trao đổi quá khẽ nên không nghe được. Rồi câu chuyện lại to dần.

– Tôi không đổ lỗi cho những tên đồ tể ấy trong cuộc bãi công, – một người nói. – Họ có quyền làm thế, nhưng tôi phải có việc làm chứ.

– Tôi cũng thế, – người kia nói. – Nếu tôi có việc làm ở Newark, tôi sẽ không ở đây chầu chực cơ hội như thế này.

– Những ngày này thật khốn nạn, nhỉ ? – Người đó nói. – Người nghèo chẳng biết đi đâu về đâu. Thề có Chúa, anh có thể chết đói ngay trên đường phố mà chẳng có ai cứu giúp.

– Anh nói đúng, – người kia nói. – Tôi mất việc vì nhà máy đóng cửa. Họ hoạt động suốt mùa hè và dự trữ một đống tướng rồi đóng cửa.

Hurstwood hơi chú ý đến câu này. Dù sao, ông cũng thấy mình khá giả hơn hai người này. Ông thấy họ là những người dốt nát và tầm thường, những con cừu tội nghiệp trong tay người dắt.

– Những con người khốn khổ, tội nghiệp, – ông nghĩ, buột nói ra suy nghĩ và cảm giác của một giai đoạn thành đạt đã qua.

– Người tiếp theo, – một huấn luyện viên gọi.

– Anh đấy, – người đứng cạnh nói và chạm vào ông.

Ông bước ra và trèo lên sân ga. Huấn luyện viên cho rằng không cần lời mở đầu là đương nhiên.

– Ông nhìn tay cầm này, – ông ta nói, với tay lên cái ngắt điện buộc chặt vào mui xe. – Cái này để nối hay tắt dòng điện. Nếu ông muốn giữ cho xe chạy, ông quay tay cầm vào đây. Nếu ông muốn xe tiến lên, ông kéo nó vào đây. Nếu muốn ngắt điện, giữ nó ở giữa.

Hurstwood mỉm cười vì kiến thức sơ sài.

– Cái tay cầm này để điều chỉnh tốc độ. Kéo đến đây, – ông ta nói và giơ ngón tay chỉ, – ông đạt bốn dặm một giờ. Đây là tám dặm. Xoay hết vòng là mười bốn dặm một giờ.

Hurstwood yên lặng quan sát ông ta. Trước kia, ông đã thấy những người lái tàu điện làm việc. Ông biết họ vận hành ra sao và tin chắc mình có thể làm tốt, nếu tập luyện chút ít.

Huấn luyện viên giải thích thêm vài chi tiết, rồi nói:

– Bây giờ chúng ta cho nó chạy lùi.

Hurstwood đứng cạnh, lặng lẽ trong lúc xe chạy lùi vào trong bãi.

– Có điều là anh phải cẩn thận, vì nó sẽ khởi hành dễ dàng. Hãy để thời gian hoạt động nghiêm ngặt rồi mới bắt đầu thao tác khác. Một lỗi mà phần lớn đều mắc là lúc nào họ cũng muốn chạy hết tốc độ. Như thế là dở. Và cũng nguy hiểm nữa. Sẽ mài mòn động cơ. Anh không được làm như thế.

– Tôi hiểu, – Hurstwood nói.

Ông đợi và đợi mãi, trong lúc người đàn ông đó cứ nói.

– Giờ ông làm đi, – cuối cùng, ông ta nói.

Viên cựu quản lý đặt bàn tay lên cái đòn bẩy và ấn nhẹ như ông nghĩ. Nó hoạt động dễ dàng hơn ông hình dung nhiều, song kết quả là cái tàu điện thình lình lao về phía trước, quăng ông trở lại, đập vào cửa. Ông ngượng ngùng đứng thẳng dậy, trong lúc huấn luyện viên nhấn phanh kìm nó lại.

– Anh thiếu thận trọng quá, – ông ta chỉ nói thế.

Tuy nhiên, Hurstwood nhận thấy ông không làm chủ được việc điều khiển phanh và chỉnh tốc độ ngay lập tức như ông tưởng. Một hoặc hai lần, ông suýt bị bắn qua hàng rào đằng sau nếu không có bàn tay và lời dặn của người đồng hành. Ông ta khá kiên nhẫn với ông, nhưng không mỉm cười lần nào.

– Ông có thói quen làm việc bằng cả hai cánh tay cùng một lúc, – ông ta nói. – Cần phải rèn luyện một chút.

Đến một giờ trưa, Hurstwood vẫn đang tập trên tàu điện, và bắt đầu thấy đói. Tuyết bắt đầu rơi, và ông thấm rét. Ông mệt lử vì cứ phải chạy tới, lui trên đoạn đường ray.

Họ điều khiển xe đến chỗ cuối và cả hai xuống xe. Hurstwood vào bãi để xe rồi tìm một bậc tàu điện, ông rút bữa trưa bọc giấy báo ra. Không có nước và bánh mì đã khô, nhưng ông ăn ngấu nghiến. Một bữa ăn không hề kiểu cách. Ông nuốt và nhìn quanh, ngẫm nghĩ về sự nặng nhọc buồn tẻ và đơn giản của việc này. Đây là lúc khó chịu – vô cùng khó chịu – trong tất cả các giai đoạn. Không phải vì nó thảm thiết, mà vì khắc nghiệt. Nó sẽ khắc nghiệt với tất cả mọi người, ông nghĩ.

Ăn xong, ông đứng loanh quanh như lúc trước, đợi đến lượt.

Mục đích là tập buổi chiều, nhưng mất phần lớn thời gian chờ đợi.

Rồi buổi tối đến, cùng với cái đói và suy nghĩ chật vật qua đêm ra sao. Đã năm giờ rưỡi. Ông sắp phải ăn. Nếu ông cố về nhà, lại mất hai tiếng rưỡi rét mướt, vừa đi bộ vừa đi xe. Hơn nữa, ông đã được lệnh điểm danh vào bảy giờ sáng hôm sau, nếu về nhà ông buộc phải dậy vào một giờ kinh khủng và khó chịu. Ông chỉ còn một đôla rưỡi trong số tiền của Carrie, định trả tiền than hai tuần, trước khi ý nghĩ hiện giờ chợt đến với ông.

“Chắc quanh đây phải có chỗ nào đó, – ông nghĩ. – Không biết anh chàng Newark ở lại đâu?”

Cuối cùng, ông quyết hỏi. Có một thanh niên đứng gần cửa trong giá rét, đợi đến lượt. Về tuổi tác, cậu ta chỉ là thanh niên, nhưng thân hình gầy gò và cao nhằng vì thiếu thốn. Một cuộc sống khấm khá hơn đôi chút sẽ làm cậu thanh niên này mập mạp và bảnh bao.

– Họ sắp xếp việc này ra sao, nếu một người không có tiền? – Hurstwood dè dặt hỏi.

Cậu ta quay bộ mặt tinh nhanh và thận trọng về phía người hỏi.

– Ông định nói về chuyện ăn uống sao? – Cậu ta đáp.

– Phải, và ngủ nữa. Tôi không thể trở về New York tối nay.

– Ông đốc công sẽ thu xếp nếu ông hỏi ông ấy, tôi đoán thế. Ông ấy đã làm thế với tôi.

– Thế ư?

– Vâng. Tôi chỉ nói với ông ta là tôi chẳng có gì hết. Thế đấy, tôi không thể về nhà. Tôi sống ở tận Hoboken.

Hurstwood chỉ hắng giọng ra điều đã hiểu.

– Họ có chỗ trên gác kia kìa. Tôi không biết loại việc này ra sao. Tôi đoán là khá khắc nghiệt. Trưa nay ông ấy cho tôi một phiếu ăn. Tôi biết là không nhiều.

Hurstwood mỉm cười, còn cậu trai cười to.

– Chẳng có gì buồn cười sao? – Cậu ta hỏi, mong một câu đáp lại vui vẻ.

– Không nhiều, – Hurstwood trả lời.

– Giờ tôi sẽ bàn bạc thẳng thắn với ông ấy, – cậu thanh niên nói. – Ông ấy có thể đi mất.

Hurstwood làm thế.

– Liệu ông có chỗ cho tôi nghỉ lại đây đêm nay được không? – Ông hỏi. – Nếu về New York, tôi e rằng…

– Trên gác có vài cái giường nhỏ, – người đó ngắt lời, – nếu ông muốn có một cái.

– Tôi sẽ dùng, – ông bằng lòng.

Ông muốn hỏi xin phiếu ăn, nhưng hình như thời điểm đúng lúc không bao giờ đến, và ông quyết định tối nay ông sẽ trả tiền vậy.

“Đến sáng mình sẽ hỏi”, ông nghĩ.

Ông ăn trong một nhà hàng rẻ tiền gần đó, rồi rét mướt và cô đơn, ông tìm căn gác xép nói trên. Công ty không có ý định chạy tàu điện sau khi màn đêm buông. Cảnh sát đã khuyên như thế.

Căn phòng dường như đã biến thành chỗ trọ cho công nhân làm đêm. Ở đây có chín cái giường nhỏ, hai ghế bành bằng gỗ, một hộp xà phòng và cái bếp lò nhỏ, bụng tròn, trong có ngọn lửa đang cháy bập bùng. Một người đã ở đó từ trước, cũng sớm sủa như ông. Người đó ngồi cạnh bếp lò và hơ tay cho ấm.

Hurstwood tiến đến gần và giơ bàn tay trên ngọn lửa. Ông chán ngán vẻ trơ trụi và thiếu thốn của mọi thứ liên quan tới cuộc mạo hiểm của ông, nhưng ông quyết giữ vững. Ông mong ước có thể ở đây một thời gian.

– Rét quá nhỉ? – Vị khách đến trước nói.

– Cũng khá.

Một lúc im lặng dài.

– Không nhiều chỗ để ngủ, ông nhỉ ? – Người đó nói.

– Còn hơn chẳng có gì, – Hurstwood đáp lại.

Lại im lặng.

– Tôi nghĩ là sẽ đi ngủ đây, – người đó nói.

Đứng dậy, ông ta đến một cái giường và duỗi người ra, chỉ tháo giày rồi kéo chăn và cái khăn quàng cũ bẩn thỉu đắp lên, cuốn như một cái bọc. Cảnh tượng ấy làm Hurstwood ghê tởm, nhưng ông không nấn ná lâu, mà nhìn đăm đăm vào bếp lò và nghĩ đến chuyện khác. Chẳng mấy chốc ông quyết định rút lui và chọn một cái giường, cũng tháo giày.

Trong lúc ông làm thế, cậu thanh niên đã khuyên ông đến đây bước vào và nhìn thấy Hurstwood, cậu ta cố tỏ ra thân tình.

– Còn hơn chẳng có gì, – cậu ta nhìn quanh và bình luận.

Hurstwood hiểu câu này không nhằm vào mình. Ông nghĩ nó thể hiện sự thỏa mãn cá nhân, và không cần trả lời. Cậu thanh niên ngỡ ông khó chịu, bèn huýt sáo khe khẽ. Nhìn thấy người kia đã ngủ, cậu thôi ngay và im lặng.

Hurstwood cố hết sức cho mọi thứ đỡ tệ, ông mặc nguyên quần áo và gạt tấm đắp bẩn thỉu khỏi đầu, nhưng cuối cùng ông lơ mơ ngủ vì mệt lử. Tấm đắp mỗi lúc một thoải mái hơn, mùi hôi mốc của nó bị quên hẳn, ông kéo nó lên tận cằm và ngủ thiếp đi.

Buổi sáng, ông tỉnh khỏi giấc mơ dễ chịu vì mấy người đàn ông cựa quậy trong căn phòng lạnh lẽo và ảm đạm. Trong mơ, ông trở lại Chicago, trong ngôi nhà đầy tiện nghi của ông. Jessica sửa soạn đi đâu đó, và ông đang nói chuyện với cô. Câu chuyện rõ ràng trong trí ông đến mức lúc này ông giật mình vì sự trái ngược của căn phòng. Ông ngóc đầu, và thực tại lạnh lùng, cay đắng khiến ông bị chấn động mạnh và tỉnh hẳn.

– Tôi nghĩ tốt hơn hết là tôi dậy thôi, – ông nói.

Trên sàn không có nước. Ông đi giày trong giá lạnh và đứng dậy, rùng mình vì người ông cứng nhắc. Quần áo ông ram ráp, tóc ông bết lại.

– Quỷ thật! – Ông lầu bầu lúc đội mũ.

Các bậc thang xuống dưới lại một phen bị khuấy động.

Ông tìm ra một vòi nước máy với một cái máng trước kia dùng cho ngựa, nhưng ở đây không có khăn mặt, mà khăn mùi soa của ông đã bẩn từ ngày hôm qua. Ông hài lòng lấy nước lạnh như đá dấp lên mắt. Sau đó, ông tìm thấy viên đốc công đã sẵn sàng.

– Ông có bữa sáng không? – Câu hỏi thật thích hợp.

– Không, – Hurstwood trả lời.

– Vậy thì đi ăn đi, xe của ông chưa có sẵn đâu.

Hurstwood ngập ngừng.

– Ông có thể cho tôi một phiếu ăn được không? – Ông cố lắm mới hỏi được.

– Của ông đây, – viên đốc công nói và đưa cho ông một phiếu.

Ông ăn bữa điểm tâm nghèo nàn như bữa đêm trước, vài mẩu thịt rán và cốc cà phê loãng. Rồi ông trở lại.

– Đây, – viên đốc công nói, ra hiệu lúc ông bước vào. – Ông đưa cái xe này ra trong vài phút.

Hurstwood trèo lên nền bãi đỗ xe tối tăm và đợi tín hiệu. Ông bồn chồn và thấy việc này khiến ông nhẹ nhõm. Bất cứ cái gì cũng tốt hơn là nơi để xe.

Hôm nay là ngày đình công thứ tư, tình hình xem ra xấu hơn. Những người đình công theo lời khuyên của lãnh đạo vì báo chí, đã đấu tranh đủ hòa bình. Sự quá khích chưa có gì lớn. Tàu điện thì đã ngừng hoạt động, và họ tranh cãi. Vài nhóm người bị lôi kéo và đi theo không suy nghĩ, một số cửa sổ bị đập vỡ, một số người nhạo báng và la hét, nhưng không quá dăm, sáu trường hợp có người bị thương nặng. Những người lãnh đạo không nhận trách nhiệm vì hành vi của những người này.

Tuy vậy, tình trạng ăn không ngồi rồi, cảnh tượng công ty được cảnh sát ủng hộ đang thắng lợi chọc tức những người đình công. Họ thấy mỗi ngày càng thêm nhiều xe hoạt động, mỗi ngày càng thêm nhiều tuyên bố của lãnh đạo công ty rằng sự chống đối hiện nay của những người đình công đã bị phá vỡ. Sự việc này đã đẩy những suy nghĩ thất vọng vào đầu họ. Họ thấy nếu cứ đấu tranh hòa bình mãi, chẳng mấy nữa các công ty sẽ đưa toàn bộ số tàu điện vào hoạt động và yêu sách của họ sẽ bị quên lãng. Các biện pháp ôn hòa sẽ chẳng ích gì với các công ty.

Họ nổi cơn tam bành ngay lập tức, và trong vòng một tuần, bão tố và căng thẳng đã nổ ra. Nhiều xe bị đập vỡ, nhiều người bị tấn công, cảnh sát đàn áp, đường ray bị phá, nhiều tiếng súng nổ, cho đến lúc cuối cùng, những cuộc chiến đấu và phong trào quần chúng trở thành thường xuyên, quân đội phong tỏa thành phố.

Hurstwood chẳng biết gì về sự thay đổi của tình hình.

– Đưa xe của anh ra ngoài, – viên đốc công gọi và vẫy bàn tay mạnh mẽ về phía ông. Một người bán vé mặc đồng phục xanh nhảy lên ở đằng sau và rung chuông hai lần, ra hiệu khởi động. Hurstwood quay cần gạt và cho tàu điện chạy qua cổng, vào đường phố trước bãi để xe. Ở đây có hai cảnh sát lực lưỡng leo lên đứng cạnh ông, mỗi người một bên.

Nghe tiếng cổng ở gần cửa bãi để xe, hai tiếng chuông của người bán vé, Hurstwood mở cần gạt.

Hai cảnh sát điềm tĩnh quan sát họ.

– Sáng nay rét quá, – người bên trái nói, giọng Ailen trầm trầm.

– Hôm qua tôi đã nếm đủ rồi, – người kia nói. – Tôi không muốn làm mãi cái nghề này.

– Tôi cũng vậy.

Chẳng ai chú ý mảy may đến Hurstwood đang đứng đối mặt với gió rét khiến ông tê tái toàn thân và nghĩ đến các chỉ thị.

– Phải chạy cho đều đặn, – viên đốc công đã dặn. – Không dừng lại cho bất cứ ai có vẻ không giống hành khách. Dù làm gì, nhớ không dừng xe cho một đám đông.

Hai cảnh sát im lặng một lát.

– Người cuối cùng chắc tiêu hẳn rồi, – viên cảnh sát bên trái nói. – Tôi không nhìn thấy xe của anh ta đâu nữa.

– Có ai ở đằng ấy? – Viên cảnh sát thứ hai hỏi, lẽ tất nhiên là nói đến lực lượng bổ sung cho cảnh sát.

– Schaeffer và Ryan.

Lại một lúc im lặng, chiếc tàu điện chạy êm ru. Phần đường này không có nhiều nhà. Hurstwood cũng không nhìn thấy nhiều người. Ông thấy tình hình không đến nỗi khó chịu. Nếu không rét quá, ông nghĩ ông sẽ làm việc đủ ổn thỏa.

Một chỗ quành ông không ngờ tới bỗng xuất hiện trước mặt, kéo ông khỏi ý nghĩ này. Ông cắt dòng điện và kéo mạnh phanh, nhưng không tránh được chỗ rẽ ngoặt kịp thời. Nó lắc ông và làm ông cảm thấy vừa bị khiển trách nặng nề, nhưng ông cố nhịn.

– Ông muốn tìm ra những người gây nên việc này chứ gì, – viên cảnh sát bên trái nói, nhún nhường.

– Đúng thế, – Hurstwood thẹn thùng đồng ý.

– Trên đoạn đường này có nhiều người lắm, – viên cảnh sát bên phải nói.

Vòng qua chỗ rẽ là đoạn đường có nhiều dân cư. Đằng trước có một, hai khách bộ hành xuất hiện trong tầm mắt. Một cậu bé xách cái xô thiếc đựng sữa ra khỏi cổng và giáng cho Hurstwood lời phỉ báng đầu tiên:

– Tên phá đình công! – Cậu ta gào tướng lên. – Đồ phá hoại!

Hurstwood nghe thấy, nhưng cố không bình luận dù với chính mình. Ông biết là sẽ bị như thế, có khi còn nhiều hơn thế.

Ở góc phố xa hơn, một người đàn ông đứng bên đường ray và ra hiệu cho tàu điện dừng lại.

– Đừng để ý đến, – một cảnh sát nói. – Hắn có ý đồ đấy.

Hurstwood tuân theo. Ông đã thấy sự sáng suốt ở ngay góc phố. Ngay lập tức người đó hiểu ông định phớt lờ, anh ta giơ nắm đấm.

– Thằng hèn trời đánh thánh vật kia! – Anh ta hét lên.

Một đám năm, sáu người đàn ông đứng ở góc phố nhao nhao chửi bới và nhạo báng theo chiếc xe đang tăng tốc.

Hurstwood cố không nhăn mặt. Sự việc thực tế đỡ tệ hại hơn ông tưởng.

Lúc chạy tiếp qua ba, bốn khu nhà nữa, trên đường ray có một đống gì đó.

– Bọn chúng hành sự ở đây rồi, được lắm, – một cảnh sát nói.

– Có lẽ chúng ta không đồng ý, – người kia nói.

Hurstwood cho xe chạy đến gần và dừng lại. Tuy nhiên, ông không dừng hẳn trước khi một đám đông tụ tập. Một phần là các lái xe và người bán vé cùng bạn bè và những người có cảm tình.

– Xuống xe nào, ông bạn, – một người trong bọn nói với giọng hòa hoãn. – Anh không muốn giật miếng bánh khỏi miệng người khác đấy chứ?

Hurstwood nắm lấy phanh và cần gạt, xanh xám mặt mày và hoang mang không biết làm gì.

– Lùi lại, – một cảnh sát quát và nhoài người trên chấn song bậc lên xuống. – Bây giờ thì giải tán khỏi đây. Hãy cho người này cơ hội làm việc.

– Nghe này ông bạn, – người lãnh đạo nói với Hurstwood và phớt lờ viên cảnh sát. – Tất cả chúng tôi đều là công nhân như ông vậy. Nếu ông là một lái xe chính quy và bị đối xử như chúng tôi phải chịu, ông sẽ không muốn bất cứ ai đến chiếm chỗ của mình, đúng không nào? Ông sẽ không muốn bất kỳ ai lôi ông ra khỏi cơ hội giành quyền lợi của mình chứ?

– Tách khỏi đây, – viên cảnh sát kia giục, thô bạo. – Ra khỏi chỗ này mau, – rồi anh ta nhảy xuống đám đông và bắt đầu xô đẩy. Ngay lập tức, người cảnh sát kia cũng nhảy xuống cạnh bạn.

– Lùi lại, – họ quát. – Ra khỏi nơi này ngay. Các người định làm gì hả? Ra khỏi đây, mau!

Giống hệt một đàn ong vỡ tổ.

– Đừng đẩy tôi, – một người bãi công nói, kiên quyết. – Tôi không làm gì hết.

– Ra khỏi chỗ này ngay! – Viên cảnh sát quát và vung dùi cui. – Tao sẽ quật một cái vào chỏm đầu mày bây giờ. Lùi lại!

– Đồ chết tiệt! – Một người bãi công khác quát, bị gạt sang đường khác, đồng thời thêm vài lời nguyền rủa tục tĩu.

Dùi cui của viên cảnh sát quật đánhrắcvào trán anh ta. Anh ta chớp mắt lia lịa vài lần, chân loạng choạng, giơ tay lên và lảo đảo lùi lại. Đáp lại, một quả đấm rất nhanh thụi vào cổ viên cảnh sát.

Tức điên lên, viên cảnh sát kia lao hết trái lại phải, dùi cui vung tới tấp, điên cuồng. Anh ta được đồng nghiệp giúp một cách thành thạo và trút những lời chửi rủa vụng về lên đám đông bực tức. Không có gì thiệt hại nghiêm trọng, nhờ những người đình công nhanh nhẹn thoát khỏi tầm với. Lúc này họ đứng trên lề đường và chế giễu.

– Người bán vé đâu rồi? – Một trong hai cảnh sát kêu to, đưa mắt nhìn người đó, ông ta đã lo lắng tiến tới đứng cạnh Hurstwood. Ông chằm chằm nhìn quang cảnh, sửng sốt hơn là sợ hãi.

– Sao ông không xuống đây và ném những hòn đá kia ra khỏi đường ray? – Viên cảnh sát hỏi. – Ông đứng đờ ra đấy làm gì? Ông muốn ở đây suốt ngày chắc? Xuống!

Hurstwood thở nặng nhọc vì kích động và nhảy xuống cùng người bán vé đang bồn chồn, như thể chính ông bị gọi.

– Nhanh lên nào, – viên cảnh sát kia nói.

Trời rất lạnh, song những người cảnh sát này đang bừng bừng tức khí. Hurstwood làm việc cùng người bán vé, ném hết hòn đá này đến hòn đá khác, và nóng bừng lên vì công việc.

– Chúng mày là đồ phá hoại! – Đám đông gào to. – Là đồ hèn! Ăn cướp việc làm của người khác! Cướp đoạt của người nghèo, chúng mày là đồ kẻ cắp! Chúng tao sẽ tóm được bọn mày. Cứ đợi đấy.

Không phải một người nói. Nó đến từ chỗ này chỗ kia, kèm theo là những lời chửi rủa mỗi lúc một nhiều thêm.

– Cứ làm đi, bọn đê tiện, – một giọng hét lên. – Cứ làm cái việc bẩn thỉu ấy đi. Chúng mày là bọn hút máu hút mủ, dìm dân nghèo xuống!

– Rồi Chúa sẽ làm bọn mày chết đói, – một bà già Ailen mở tung cửa sổ gần đấy và thò đầu ra, quát. – Phải, chính mày, – bà nói thêm lúc bắt gặp cái nhìn của một trong hai viên cảnh sát. – Thằng chết tiệt, đồ giết người! Mày đập vào đầu con tao hả, đồ nhẫn tâm, con quỷ giết người kia!? Mày…

Nhưng viên cảnh sát lờ đi như điếc.

– Quỷ tha ma bắt mụ đi, mụ phù thủy già, – hắn khẽ lẩm bẩm lúc nhìn trừng trừng khắp đám người lơ thơ.

Lúc dọn xong đống đá, Hurstwood về chỗ giữa một dàn đồng thanh những tên gọi đầy ý nhục mạ. Cả hai viên cảnh sát đã lên cạnh ông và người bán vé vừa rung chuông thìchoang! choang!những hòn đá, tảng đá bay qua cửa sổ và cửa ra vào. Một hòn sượt sát đầu Hurstwood. Một hòn khác đập vỡ cửa sổ đằng sau.

– Gạt đòn bẩy hết cỡ, – một cảnh sát gào và vồ lấy tay cầm.

Hurstwood tuân theo và cái tàu điện lao đi, những hòn đá bay theo rào rào cùng một trận những lời nguyền rủa.

– Thằng ấy… đã đấm vào cổ tôi, – một cảnh sát nói. – Song tôi đã quật một cú trời giáng.

– Tôi nghĩ đáng ra phải để lại nhiều dấu vết trên người bọn chúng, – người kia nói.

– Tôi biết thằng cha cầm đầu đã gọi chúng ta là…, – người đầu tiên nói. – Tôi sẽ bắt hắn vì câu đó.

– Tôi nghĩ chắc là chúng ta sẽ làm thế khi đến đấy lần nữa, – người thứ hai nói.

Hurstwood ấm người và bị kích động, nhìn chằm chằm về phía trước. Đây là một trải nghiệm kinh dị với ông. Ông đã đọc những tin này, nhưng thực tế dường như là thứ hoàn toàn mới. Ông nghĩ mình không phải là kẻ nhát gan. Thực ra ông đã khổ sở vì việc này nhiều, hiện giờ hành động đã đánh thức trong ông một quyết tâm bình thản, chịu đựng đến cùng. Ông không nghĩ đến việc trở lại New York hoặc về nhà. Chuyến đi này dường như là một thứ ám ảnh.

Họ chạy một mạch vào trung tâm thương mại Brooklyn. Nhiều người nhìn chằm chằm vào cửa sổ vỡ toang của tàu điện và Hurstwood trong bộ thường phục. Thỉnh thoảng có những tiếng gọi “Đồ phá hoại” kèm những cái tên khác, nhưng không có đám đông tấn công xe. Ở khu thương mại cuối tuyến đường, một trong hai viên cảnh sát gọi điện về đồn báo cáo việc rắc rối xảy ra.

– Ở đó có một đám vẫn rình sẵn chúng tôi. Tốt hơn hết là cử người đến đó quét sạch chúng đi.

Chiếc tàu điện chạy về êm ả hơn – bị huýt còi, rình rập, lao tới nhưng không bị tấn công. Hurstwood thở phào khi nhìn thấy bãi để xe.

– Tốt, – ông tự nhận xét, – mình đã thoát khỏi chuyện đó an toàn.

Ông trả xe và tự cho phép mình lười nhác một lát, nhưng sau đó ông lại bị gọi. Lần này là một tốp cảnh sát lên xe. Tự tin hơn một chút, ông cho xe chạy theo những đường phố cũ và dù sao cũng cảm thấy đỡ sợ. Tuy nhiên, về mặt nào đó, ông rất khổ sở. Một ngày vào nghề với tuyết rơi lác đác và gió rít ù ù khiến tất cả dường như khó chịu đựng nổi vì tốc độ của chiếc xe. Quần áo của ông không định dùng cho loại công việc này. Ông rùng mình, dậm chân và đập đập cánh tay như đã nhìn thấy những người lái tàu điện làm trước kia, nhưng không nói gì. Sự mới mẻ và nguy hiểm của tình hình phần nào làm dịu sự phẫn nộ và cảnh khốn cùng buộc ông phải ở đây, nhưng không đủ ngăn ông khỏi cảm giác ác nghiệt và chua chát. Cuộc đời này khổ như chó, ông nghĩ. Nó là một thứ khó xơi mà phải đến.

Ý nghĩ duy nhất khiến ông mạnh mẽ lên là lời bóng gió đầy lăng mạ của Carrie. Ông chưa gục ngã đến mức phải chấp nhận tất cả như thế, ông nghĩ. Ông có thể làm việc gì đó – thậm chí cả việc này – trong một thời gian. Rồi tình hình sẽ tốt hơn. Ông sẽ dành dụm được chút ít.

Trong lúc ông ngẫm nghĩ, một thanh niên ném một nắm bùn trúng cánh tay ông. Nó làm ông đau điếng và phát cáu hơn bất cứ lúc nào từ sáng tới giờ.

– Thằng ranh con vô lại! – Ông càu nhàu.

– Ông có bị thương không? – Một cảnh sát hỏi.

– Không.

Ở một góc phố, nơi chiếc tàu điện phải chạy chậm lại để rẽ, một người vốn là lái tàu điện đứng trên hè gọi to:

– Ông không ra ngoài để làm một con người ư, ông bạn? Hãy nhớ rằng chúng tôi đang đấu tranh đòi tiền lương đúng mức, thế thôi. Chúng tôi còn phải nuôi gia đình. – Người đó có vẻ ôn hòa nhất.

Hurstwood giả vờ không nhìn thấy ông ta. Ông nhìn thẳng về phía trước và kéo rộng cần gạt. Trong giọng nói ấy có thứ gì đó rất cuốn hút.

Họ chạy xe suốt buổi sáng và kéo đến chiều. Ông đã lái ba chuyến như thế. Bữa trưa ông không được ở lại vì công việc, và giá rét làm ông kiệt sức. Mỗi lần đến cuối chuyến, ông dừng lại cho đỡ rét, nhưng ông rên rỉ vì khổ sở. Một trong những người coi bãi thương hại, cho ông mượn chiếc mũ lưỡi trai dày và một đôi găng tay da cừu, và ông quá đỗi cảm kích.

Trong chuyến thứ hai của buổi chiều, ông mới chạy được nửa đường thì vấp phải một đám đông chặn xe lại bằng cây cột điện cũ.

– Dẹp thứ ấy khỏi đường ray, – một cảnh sát quát.

– Úi chà chà! – Đám đông gào to. – Mày xéo đi thì có.

Hai cảnh sát nhảy xuống và Hurstwood định theo.

– Ông ở lại đó, – một người gọi to. – Phải có người cho xe chạy đi chứ.

Giữa một mớ hỗn độn những tiếng nói khác nhau, Hurstwood nghe thấy một tiếng nói gần bên ông:

– Xuống đi ông bạn và hãy là một con người. Đừng chống lại người nghèo. Hãy để việc đó cho các công ty.

Ông thấy chính là người đã gọi ông ở góc phố. Lúc này, ông giả vờ không nghe thấy, y như trước.

– Xuống đi, – người đó nhắc lại, ôn tồn. – Ông đừng chống lại người nghèo. Đừng chống lại. – Đó là người lái tàu bình tĩnh và khôn ngoan nhất.

Một cảnh sát thứ ba từ đâu đó đến nhập bọn với hai người kia và một người nữa chạy đi gọi điện xin thêm cảnh sát. Hurstwood trân trân đứng nhìn, kiên quyết nhưng không khỏi sợ hãi.

Một người đàn ông túm lấy áo khoác của ông.

– Xuống khỏi cái này, – ông ta kêu to, giật mạnh Hurstwood và cố kéo ông qua rào chắn.

– Buông ra, – Hurstwood nói, cáu kỉnh.

– Tao sẽ cho mày biết, mày là đồ phá hoại! – Một thanh niên Ailen kêu to và nhảy phắt lên xe, lao vào táng Hurstwood. – Ông chúi đầu xuống và nhận một đòn vào vai thay vì vào quai hàm.

– Ra khỏi đây, – một cảnh sát hấp tấp đến giải cứu, quát to và lẽ tất nhiên, kèm những câu chửi rủa thường lệ.

Hurstwood hồi lại, tái mét và run rẩy. Lúc này, ông thấy tình hình trở nên nghiêm trọng. Dân chúng nhìn lên và cười nhạo ông. Một cô gái nhăn mặt giễu cợt.

Ông bắt đầu nao núng khi một xe chở tù nhân xuất hiện và nhiều cảnh sát đổ xuống. Lúc này đường ray được dọn sạch nhanh chóng và cuộc giải thoát rất hiệu quả.

– Cho tàu chạy, nhanh lên, – một cảnh sát nói và ông lại xuất phát.

Đến đoạn cuối, cách bãi để xe độ một, hai dặm, một đám đông chặn chuyến về của đoàn tàu điện. Đây là một khu nom quá ư nghèo khổ. Ông muốn chạy qua thật nhanh, nhưng đường ray đã bị chặn. Ông nhìn thấy nhiều người đang khuân thứ gì đó lên đường ray, lúc chỉ còn cách độ dăm, sáu khối nhà.

– Lại bọn chúng kìa! – Một cảnh sát kêu lên.

– Lần này tôi sẽ cho chúng biết tay, – người thứ hai nói, hết kiên nhẫn. Hurstwood thấy nôn nao khi chiếc xe tù xuất hiện. Giống lúc trước, đám đông bắt đầu huýt còi, nhưng lúc này tàu đã đến khá gần, họ ném đủ thứ. Một, hai cửa sổ bị vỡ và Hurstwood bị trúng một hòn đá.

Hai cảnh sát chạy tới đám đông, nhưng họ đáp lại bằng cách chạy tới tàu điện. Một phụ nữ trong số đó – chính là cô gái vừa nhăn mặt – cầm một cây gậy xù xì. Cô ta quá ư phẫn nộ và quật Hurstwood đang chạy lắt léo. Ngay sau đó, bạn đồng hành của cô, được cổ vũ đúng lúc, nhảy lên tàu và kéo Hurstwood xuống. Ông không có thời gian để nói hoặc kêu cứu trước khi ngã.

– Buông tôi ra, – ông nói lúc ngã nghiêng.

– Mày là đồ khờ, – ông nghe thấy tiếng ai đó nói. Những cú đá và đấm tới tấp như mưa lên ông. Ông như bị ngạt thở. Rồi hai người kéo lê ông xuống, còn ông cố vùng vẫy để thoát.

– Đứng dậy, – có tiếng nói. – Ông ổn rồi. Đứng dậy.

Ông được buông ra và hồi lại. Lúc này ông nhận ra hai cảnh sát. Ông cảm thấy chóng mặt vì kiệt sức. Cằm ông ươn ướt. Ông đưa bàn tay lên và cảm thấy, rồi mới nhìn. Nó đỏ lòe.

– Chúng chém tôi, – ông nói ngớ ngẩn và lục tìm khăn mùi soa.

– Thôi thôi, – một cảnh sát nói. – Chỉ là một vết xước thôi.

Lúc này, các giác quan của ông dần sáng sủa và ông nhìn quanh. Ông đang đứng trong một cửa hàng nhỏ, nơi họ bỏ ông lại được một lúc. Lúc đứng lau cằm, ông có thể nhìn thấy bên ngoài là đoàn tàu điện và đám đông kích động. Ở đó có một xe chở tù, và cái nữa.

Ông bước tới và nhìn ra ngoài. Đó là xe cứu thương, đỗ quay lưng lại.

Ông thấy cảnh sát chất gì đó lên và tiến hành cuộc bắt giữ.

– Bây giờ thì đi nào, nếu ông muốn nhận tàu điện của ông, – một cảnh sát nói lúc mở cửa và nhìn vào trong.

Ông đi ra, cảm thấy mình khá thiếu tự tin. Ông lạnh giá và sợ hãi.

– Người bán vé đâu? – Ông hỏi.

– Ồ, hiện giờ ông ấy không ở đây, – viên cảnh sát nói.

Hurstwood đến chỗ tàu điện và lo lắng trèo lên. Lúc ông vừa lên đó có tiếng súng nổ. Một cái gì đó khiến vai ông đau nhức.

– Ai bắn đấy? – Ông nghe thấy một cảnh sát kêu to. – Lạy Chúa! Ai làm thế này? – Cả hai để ông lại, chạy tuốt đến một tòa nhà. Ông dừng một lát rồi xuống tàu.

– Trời ơi! – Hurstwood nói yếu ớt. – Chuyện này thật quá sức tôi.

Ông bồn chồn đi tới góc phố và vội vã xuôi xuống một phố ngang.

– Ái chà! – Ông nói và thở dốc.

Đi được nửa khối nhà, một cô gái nhỏ nhắn chăm chú nhìn ông.

– Ông trốn là khôn đấy, – cô ta gọi.

Ông trở về nhà trong cơn bão tuyết mù mịt, đến bến phà lúc chạng vạng tối. Các ngăn đầy ắp những người sung túc, họ tò mò ngắm nghía ông. Đầu óc ông vẫn còn quay cuồng đến mức ông cảm thấy lộn xộn. Mọi điều kỳ diệu của những ngọn đèn nhấp nháy trên sông trong cơn bão tuyết chẳng là gì. Ông bền bỉ lê bước cho tới lúc về đến nhà. Ông bước vào và thấy căn phòng thật ấm áp. Carrie đã đi rồi. Vài tờ báo buổi chiều nằm trên bàn, nơi cô để chúng lại. Ông châm ngọn đèn khí rồi ngồi xuống. Rồi ông đứng dậy, cởi áo kiểm tra vai. Nó chỉ bị xây xước. Ông rửa tay và mặt, rồi như vẫn đang mải suy nghĩ, ông chải tóc. Sau đó, ông tìm thứ gì để ăn và khi cơn đói đã qua, ông ngồi xuống chiếc ghế bập bênh thoải mái. Nó là sự thư giãn tuyệt vời.

Ông chống tay lên cằm và trong giây phút, quên bẵng báo chí.

– Ờ, – lát sau ông nói, bản tính của ông đã hồi phục, – ở đằng ấy là một trò chơi khá thô bạo.

Lúc xoay người, ông nhìn thấy những tờ báo. Khẽ thở dài, ông cầm tờWorldlên.

“Cuộc đình công lan khắp Brooklyn”, ông đọc, “Bạo loạn bùng nổ khắp nơi trong thành phố”.

Ông chỉnh tờ báo cho thoải mái rồi đọc tiếp. Đây là bài ông đọc say sưa nhất.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky