Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 42 – Khúc Tiếu Ngạo từ đây bặt tiếng

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Ðây nhắc lại Lệnh Hồ Xung tuy bị kiếm thương trầm trọng nhưng được ngoài rịt “Thiên hương đoạn tục giao” và trong uống “Bạch Vân hùng đởm hoàn” là những thánh dược rất thần hiệu của phái Hằng Sơn nên rất mau lành. Hơn nữa Lệnh Hồ Xung đang thời niên tráng lực cường, nội công thâm hậu lại được ngủ bên bờ suối hai đêm một ngày, vết thương gã hoàn toàn bình phục. Suốt trong một ngày hai đêm, gã chỉ ăn dưa cho đỡ đói.

Lệnh Hồ Xung yêu cầu Nghi Lâm bắt cá bắn thỏ, nhưng nàng nhất định không chịu. Nàng bảo gã lần này mà thoát chết là hoàn toàn trông vào pháp lực của đức Bồ tát che chở. Vậy tốt hơn hết là ăn chay trường một năm để tỏ lòng tạ ơn đức Phật. Còn việc phá giới sát sinh quyết không nên phạm vào.

Lệnh Hồ Xung cười nàng có nghĩ viển vông, nhưng gã không thể nào miễn cưỡng nàng được cũng đành chịu thôi .

Trời đã gần tối, hai người ngồi tựa vách đá nhìn vào đám cỏ rậm thấy ánh lửa đom đóm lập lòe bay đi bay lại coi rất đẹp mắt.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Ngày trước vào mùa hè tiểu huynh có khi bắt đến hàng mấy ngàn đom đóm bỏ vào mấy chục chiếc túi bằng sa mỏng treo ở trong phòng, thật là thú vị.

Nghi Lâm nghe nói đến chuyện bắt đom đóm bỏ vào mấy chục túi sa, bất giác động tâm nghĩ thầm:

– Lệnh Hồ đại ca là người lãng mạn, chẳng thể làm chuyện tỷ mỷ khâu mấy chục chiếc túi sa được.

Nàng liền hỏi:

– Có phải Linh San sư muội bảo đại ca bắt đom đóm không?

Lệnh Hồ Xung cười đáp:

– Sư muội thật là thông minh, đoán trúng lắm! Sao sư muội lại biết Linh San sư muội bảo tiểu huynh bắt đom đóm?

Nghi Lâm cười đáp:

– Ðại ca đã nóng tính lại không phải là con nít thì khi nào lại nhẫn nại đi bắt hàng ngàn con đom đóm làm trò chơi được?

Nàng ngừng lại một chút rồi hỏi tiếp:

– Ðại ca treo những túi đom đóm trong phòng như thế nào?

Lệnh Hồ Xung cười đáp:

– Linh San sư muội treo những túi đó vào trong màn y rồi bảo: trong giường ánh sáng lấp loáng chẳng khác gì hàng ngàn hàng vạn vì sao, tưởng chừng như người đang ngủ trên mây. Lúc bừng mắt ra chung quanh mình toàn những sao là sao.

Nghi Lâm nói:

– Lệnh sư muội khéo chơi đó. Chỉ riêng đối với y là sư ca thật tình làm theo. Giả tỷ y bảo sư ca lên bắt sao trên trời chắc sư ca cũng chịu.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Việc bắt đom đóm cũng do việc muốn bắt những vì sao trên trời mà ra. Một hôm tiểu huynh cùng y đứng hóng mát, nhìn những chòm sao rực rỡ trên trời rồi đột nhiên y thở dài nói: “Chỉ một lúc nữa đã phải đi ngủ, thật là đáng tiếc! Tiểu muội muốn ngủ ngay ngoài trời. Chừng nửa đêm trở dậy được nhìn thấy những vì sao đầy trời nhìn mình mà mấp mấy thì vui thú biết chừng nào! Nhưng má má nhất định không cho”. Tiểu huynh liền bảo y: “Chúng ta đi bắt một ít đom đóm thả vào trong màn thì cũng chẳng khác gì những vì sao kia”…

Nghi Lâm nhẹ nhàng ngắt lời:

– Té ra đó là chủ ý của sư chủ .

Lệnh Hồ Xung tủm tỉm cười nói tiếp:

– Linh San sư muội liền bảo: “Ðom đóm ở trong màn bay qua bay lại đậu cả vào mặt thì chán chết. à phải rồi. Tiểu muội may một ít túi sa để đựng đom đóm là được”. Thế rồi y ngồi khâu túi, tiểu huynh bắt đom đóm. Cả hai người bận bịu suốt một ngày một đêm mới xong việc. Nhưng đáng tiếc là qua một đêm, đến đêm thứ hai, bao nhiêu đom đóm đều chết sạch.

Nghi Lâm chấn động tâm thần, run lên hỏi:

– Cà hàng ngàn hàng vạn con đom đóm đều chết hết ư? Thế thì anh em sư ca…

Lệnh Hồ Xung cả cười ngắt lời:

– Sư muội bảo chúng ta tàn nhẫn lắm phải không? Trời ơi! Sư muội là đệ tử nhà Phật, lương tâm mới đặc biệt khác người. Thực ra đom đóm chỉ sống được trong những ngày nắng ấm. Khi gặp trời lạnh là chúng chết cóng hết. Vậy chúng chết sớm mấy ngày có gì quan hệ?

Hồi lâu, Nghi Lâm nét mặt rầu rầu, nàng nói:

– Con người ta ở trên đời cũng thế mà thôi. Người chết sớm kẻ chết muộn, sớm muộn chung quy cũng là phải chết. Nhà Phật đã nói con người không ai tránh khỏi cái khổ não về sinh, lão, bệnh, tử. Còn thuyết luân hồi thì đâu phải là câu chuyện dễ dàng?

Lệnh Hồ Xung nói:

– Ðúng đó! Thế thì sư muội cần gì phải tâm niệm, không dám đơn sai những giới luật thanh quy? Sao phải kiêng sát sinh hoặc ăn trộm, ăn cắp. Nếu đức bồ tát việc gì cũng nhìn tới thì chật vật quá, làm thế nào được?

Nghi Lâm ngoảnh đầu đi không biết nói sao cho phải.

Giữa lúc ấy đầu núi mé tả, trên trời có một vì sao đổi ngôi lướt qua, vạch không gian một đường ánh sáng rất dài.

Nghi Lâm sực nhớ ra điều gì, nàng hỏi:

– Nghi Tĩnh tỷ tỷ đã nói: người nào mà thấy sao đổi ngôi, một mặt thắn nút giải áo, một mặt trong tâm có điều ước nguyện, hễ ánh sao chưa vụt tắt mà đã thắt nút giải áo xong thì tâm nguyện đó sẽ được như sở cầu. Ðại ca bảo có đúng thế không ?

Lệnh Hồ Xung cười đáp:

– Cái đó tiểu huynh cũng không biết. Bây giờ chúng ta hãy thử coi, nhưng chỉ sợ động tác của mình không mau lẹ đến thế được.

Gã nói xong đứng lên cởi giải áo ra nói:

– Sư muội chuẩn bị đi! Chỉ chậm một ly là không kịp đâu.

Nghi Lâm giơ giải áo lên ngơ ngẩn nhìn trời. Ðêm hà sao đổi ngôi rất nhiều. Trong khoảnh khắc lại có một vì xẹt qua không gian nhưng chỉ trong nháy mắt đã vụt tắt.

Nghi Lâm động ngón tay vì sao đã biến mất, nàng khẽ la một tiếng:

– Ái chà!

Rồi lại ngồi chờ.

Vì sao thứ hai xẹt từ Tây sang Ðông thành một đường rất dài.

Nghi Lâm động tác rất mau lẹ, thắt nút giải áo vừa xong.

Lệnh Hồ Xung cả mừng nói:

– Hay quá! Hay quá! Nhờ hoàng thiên trì hộ, nhất định sư muội sẽ được như nguyện.

Nghi Lâm thở dài nói:

– Tiểu muội chỉ chăm chú thắt nút, chứ trong lòng chưa kịp ước nguyện gì cả.

Lệnh Hồ Xung cười nói:

– Vậy bây giờ sư muội nghĩ trước đi, nhẩm thuộc lòng mấy lần, kẻo đến lúc thắt nút giải áo lại quên mất điều ước nguyện.

Nghi Lâm giơ giải áo lên tự hỏi:

– Ta biết ước nguyện gì đây? Ta biết ước nguyện gì đây?

Nàng đưa mắt ngó Lệnh Hồ Xung, bỗng hai má ửng đỏ, vội ngoảnh đầu nhìn ra chỗ khác.

Lúc này trên trời mấy vì sao đổi ngôi tiếp tục không ngớt.

Lệnh Hồ Xung kêu gọi luôn miệng:

– Lại một vì! úi chà! Vì sao này xẹt dài gớm. Sư muội đã thắt nút xong chưa? Lần này lại không kịp rồi.

Nghi Lâm ruột rối như mớ bòng bong. Trong thâm tâm nàng ngấm ngầm khát vọng một điều, nhưng nàng lại không dám nghĩ tới, chứ đừng nói đến chuyện cầu đảo hoàng thiên nữa. Lúc này lòng nàng sợ hãi khôn tả mà cũng vui mừng khôn xiết!

Lệnh Hồ Xung lại hỏi:

– Sư muội đã nghĩ xong tâm nguyện gì chưa? Một điều thôi đấy nhé, chứ nhiều thì không linh nghiệm đâu.

Nghi Lâm khẽ lẩm bẩm:

– Mình biết cầu nguyện điều chi? Mình biết cầu nguyện điều chi?

Nàng thấy một vì sao xẹt trên trời rồi cứ ngẩng đầu ngây người ra mà nhìn.

Lệnh Hồ Xung cười nói:

– Sư muội đừng nói để tiểu huynh đoán ra sư muội ước nguyện điều gì.

Nghi Lâm vội gạt đi:

– Không! Không! Lệnh Hồ đại ca đừng nói.

Lệnh Hồ Xung cười hỏi:

– Cái đó có quan hệ gì? Tiểu huynh đoán ba lần thử xem có trúng không?

Nghi Lâm liền đứng dậy nói:

– Sư ca mà còn nói thế thì tiểu muội đi đây!

Lệnh Hồ Xung cười ha hả đáp:

– Thế thì thôi. Tiểu huynh chả nói nữa. Tiểu huynh chắc trong lòng sư muội ước nguyện làm chức chưởng môn phái Hằng Sơn và như vậy cũng chẳng hề chi.

Nghi Lâm ngẩn người ra bụng bảo dạ:

– Té ra y đoán mình muốn làm chưởng môn phái Hằng Sơn. Nhưng mình chưa từng có ý nguyện đó .

Bất thình lình mấy tiếng tình tang từ đằng xa vọng lại dường như có tiếng người gảy đàn.

Lệnh Hồ Xung cùng Nghi Lâm ngơ ngác nhìn nhau ra vẻ kinh nghi tự hỏi:

– Ở chốn hoang sơn dã lĩnh này tại sao lại có người gảy đàn?

Tiếng đàn nghe rất thanh nhã. Lát sau lại có tiếng sáo nhu hòa nổi lên họa với tiếng đàn. Hai người còn nghe rõ là tiếng đàn “thất huyền cầm” âm diệu hòa bình trung chính, dóng đôi với tiếng tiêu thanh cao u nhã làm rung động lòng người. Tiếng đàn tiếng tiêu lại tựa hồ một bên vấn một bên đáp dần dần đi gần tới.

Lệnh Hồ Xung xích đến bên Nghi Lâm khẽ nói:

– Ðiệu nhạc này rất cổ quái e rằng có điều bất lợi cho chúng ta. Bất luận trường hợp nào, sư muội nhất định đừng lên tiếng.

Nghi Lâm gật đầu.

Tiếng đàn dần dần lên cao vòi vọi còn tiếng tiêu lại từ từ trầm xuống nhưng không dứt, tựa hồ như tiếng gió thoảng qua mà liên miên bất tuyệt khiến người nghe không khỏi bâng khuâng trong dạ.

Từ sau tảng đá núi ba bóng người xuất hiện. Lúc này vừng trăng bị núi che khuất, chỉ thấy hình ảnh lờ mờ chứ không rõ rệt. Trong ba người này thì hai cao một thấp. Hai người cao là đàn ông còn người thấp là đàn bà. Hai người đàn ông ngồi tựa vách núi, một người gảy đàn, một người thổi tiêu. Người đàn bà đứng bên người gảy đàn.

Lệnh Hồ Xung thụt đầu vào sau vách đá không dám thò ra nhìn nữa, sợ bị ba người kia phát giác. Nhưng gã nghe đàn sáo du dương có vẻ rất hài hòa thì bụng bảo dạ:

– Bên làn thác nước chảy ồ ồ, thế mà tiếng đàn, tiếng sáo du dương kia vẫn nghe rõ, dường như nội công hai người này không phải hạng tầm thường.

Tiếng đàn đột nhiên thét lên choang choảng ra chiều sát phạt. Một hai tiếng đàn tưởng như chọc vào màng tai khiến người nghe phải kinh tâm động phách, còn tiếng tiêu vẫn dịu dàng uyển chuyển. Một lát sau, tiắng đàn trở lại ôn hòa khi lên bổng khi xuống trầm. Ðột nhiên tiếng đàn tiếng tiêu biến đổi thình lình, tựa hồ bảy tám cây đàn cùng bảy tám ống tiêu tấu lên một lúc. Lệnh Hồ Xung kinh ngạc tự hỏi:

– Bây giờ sao lại nhiều người đến thế?

Gã thò đầu ra nhìn trộm thi bên vách đá vẫn chỉ có ba người. Té ra người gảy đàn và người thổi tiêu đã đến chỗ thần diệu ghê hồn. Một thành hai, hai thành bốn, bốn thành tám. Trong một nhạc khí mà phát ra nhiều âm thanh khác nhau.

Tiếng đàn tiếng tiêu tuy phức tạp nhưng thanh điệu lên bổng xuống trầm rất lọt tai.

Lệnh Hồ Xung lắng tai nghe đến nỗi mạch máu căng thẳng. Gã không nhịn được phải đứng lên. Sau một lúc nữa, tiếng đàn tiếng tiêu lại biến đổi thanh điệu. Cây “thất huyền cầm” chỉ dạo tình tang để giữ nhịp, có điều mỗi lúc một lên cao vòi vọi.

Lệnh Hồ Xung cảm thấy trong lòng chua xót. Gã ngoảnh đầu nhìn Nghi Lâm thì thấy nàng giọt châu tầm tã.

Ðột nhiên cung đàn rít lên một tiếng cấp bách. Dây đàn đứt mấy sợi rồi tiếng đàn ngừng bặt. Tiếng tiêu cũng chấm dứt. Bốn bề trở nên yên lặng như tờ. Trên trời vầng trăng tỏ lên cao chiếu bóng những cây rừng chi chít trên mặt đất.

Bỗng một người cất tiếng nói:

– Lưu hiền đệ! Bữa nay chúng ta mất mạng tại đây chẳng qua là số trời định thế. Nhưng ngu huynh không kịp ra tay sớm một chút để gia quyến cùng môn đồ hiền đệ đều bị tử nạn hết. Ngu huynh thấy chẵng yên tâm chút nào.

Một người khác nói:

– Chúng ta là bạn gan ruột. Hiền huynh sao còn nói thế?

Nghi Lâm nghe khẩu âm bọn này bất giác động tâm, ghé tai Lệnh Hồ Xung nói khẽ:

– Ðây là Lưu Chính Phong sư thúc.

Nguyên trong Lưu phủ xảy chuyện tày đình mà hai người không hay biết gì hết. Bây giờ đột nhiên Lưu Chính Phong xuất hiện ở nơi hoang dã này, lại một người nữa nói những gì bữa nay chúng ta mất mạng ở đây… gia quyến cùng môn đồ hiền đệ đều bị tử nạn… khiến hai người kinh ngạc vô cùng!

Bỗng nghe Lưu Chính Phong nói tiếp:

– Người đời ai là không chết? Ðược một người tri kỷ thì chết cũng hài lòng.

Người kia nói:

– Lưu hiền đệ! Ngu huynh nghe nhạc điệu của hiền đệ dường như còn điều gì ân hận. Phải chăng vì lệnh lang là Lư Cần lúc lâm nguy đã tỏ ra tham sống sợ chết để hổ cho thanh danh hiền đệ?

Lưu Chính Phong thở dài đáp:

– Khúc đại ca đoán trúng đó! Thằng nhỏ này ngày thường tiểu đệ quá cưng chiều, kém bề giáo huấn, bất ngờ làm cho gã trở nên một kẻ hèn nhát chẳng có khí tiết chi hết.

Người kia chính là Khúc Dương, trưởng lão Ma giáo. Lão nói:

– Có khí tiết cũng vậy mà chẳng khí tiết cũng thế thôi. Trăm năm sau đều xuống suối vàng, có gì khác nhau đâu? Ngu huynh đã nằm phục trên nóc nhà từ trước, đáng lý ra tay sớm hơn thì phải nhưng lại nghĩ rằng hiền đệ chẳng khi nào vì mình để tổn thương đến hòa khí giữa Ngũ nhạc kiếm phái, nên chần chờ không muốn động thủ vội. Dè đâu Ngũ nhạc minh chủ ở phái Tung Sơn lại ra tay tàn nhẫn đến thế .

Lưu Chính Phong lặng lẽ hồi lâu rồi thở dài nói:

– Bọn đó là người phàm tục thì hiểu thấu đến chỗ cao nhã về âm luật thế nào được? Họ lấy thường tình để đo bụng dạ chúng ta, tự nhiên họ cho là sự giao kết giữa hiền huynh và tiểu đệ có điều bất lợi cho Ngũ nhạc kiếm phái cùng anh hùng nghĩa hiệp thiên hạ. Hỡi ôi! Họ đã không hiểu thì trách họ cũng bằng thừa. Khúc đại ca! Phải chăng đại ca bị thương huyệt “Ðại Truy” làm cho tâm mạch bị chấn động?

Khúc Dương đáp:

– Chính thế! Ðại tung dương thủ của phái Tung Sơn quả nhiên lợi hại, không ngờ tiểu huynh giơ lưng ra hứng chịu một đòn mà nội lực bị tổn thương trầm trọng đồng thời làm đứt cả tâm mạch của hiền đệ. Giả tỷ ngu huynh biết trước hiền đệ không thoát được thì chẳng liệng ra một nắm “Hắc huyắt thần trâm” để bọn người vô tội bị thiệt mạng vô ích.

Lệnh Hồ Xung nghe tới bốn chữ “Hắc huyết thần trâm” bất giác chấn động tâm thần tự hỏi:

– Người này phải chăng là một tay cao thủ trong Ma giáo? Tại sao Lưu sư thúc lại kết giao với lão?

Lưu Chính Phong cười mát nói:

– Làm thiệt mạng người vô tội cố nhiên là điều bất hạnh. Nhưng có thế thì anh em mình mới còn được hợp tấu một khúc. Từ này trở đi trên đời không còn âm điệu cầm tiêu này nữa.

Khúc Dương thở dài nói:

– Ngày trước Kê Khang lúc bị hành hình còn tấu một khúc nhạc cuối cùng rồi từ đó khúc “Quảng lăng tán” không còn tồn tại ở thế gian nữa. Ha ha khúc “Quảng lăng tán” dù tinh diệu nhưng bì với khúc “Tiếu Ngạo giang hồ” của chúng ta thế nào được? Có điều tâm tình Kê Khang lúc ấy cũng như tâm tình tiểu huynh lúc này.

Lưu Chính Phong cười nói:

– Khúc đại ca vừa rồi tâm hồn sáng suốt, bây giờ sao còn thắc mắc? Ðêm nay chúng ta đã tấu khúc “Tiếu Ngạo giang hồ” đến chỗ lâm ly tận trí. Trên đời có khúc nhạc này mà chúng ta đã tấu nó đến độ chót. Tưởng người đời được đến thế thì còn điều chi phải ân hận nữa?

Khúc Dương vỗ tay nói:

– Hiền đệ nói phải lắm!

Lát sau lão buông tiếng thở dài.

Lưu Chính Phong hỏi:

– Sao đại ca lại thở dài? à phải rồi! Nhất định đại ca không quên được Phi Phi. Có phải thế không?

Quả nhiên Khúc Phi Yên lên tiếng:

– Gia gia! Gia gia cùng Lưu công tử từ từ dưỡng thương cho lành rồi chúng ta kéo đến phái Tung Sơn giết hết bọn ác ôn, không để sót một mống đặng rửa hờn cho Lưu bà bà cùng quyến thuộc.

Ðột nhiên sau tảng đá núi một tràng cười vọng lại.

Chọn tập
Bình luận