Lệnh Hồ Xung chuyển ý nghĩ rồi bụng bảo dạ:
– Hôm ở trong viện Quần Ngọc núi Hành Sơn, suýt nữa mất mạng về chưởng lực của Dư Thương Hải may nhờ Lâm sư đệ giàu lòng trượng nghĩa, chẳng kể gì đến sự yên nguy của bản thân mạnh dạn đứng ra nói mấy câu hùng dũng. Thực ra gã có ơn cứu mạng cho ta. Thế mà ta đem “Tùng Phong kiếm pháp” của phái Thanh Thành để đối phó với “Ngọc nữ kiếm thập cửu thức” của tiểu sư muội thì trong thâm tâm không khỏi có điều hiềm khích Lâm sư đệ và tỏ ra Tịch tà kiếm phổ nhà họ Lâm không đủ chống lại một đòn.
Hắn nghĩ thế không khỏi ngấm ngầm hổ thẹn, liền thở phào một cái nói:
– Lâm sư đệ tư chất thông minh, lại gắng công rèn luyện, nhất là mấy bữa nay gã được tiểu sư muội chỉ điểm kiếm pháp, chắc võ công gã tiến bộ dị thường. Ðáng tiếc là trong một năm tiểu huynh không hạ sơn được. Gã có ơn với tiểu huynh, tiểu huynh phải ráng giúp gã luyện kiếm mới phải.
Nhạc Linh San giương cặp lông mày xinh đẹp lên hỏi:
– Tiểu Lâm tử có ơn với đại sư ca ở chỗ nào? Tiểu muội chưa từng thấy gã nói tới.
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Dĩ nhiên chẳng khi nào gã lại kể ra.
Ðoạn hắn đem việc bữa trước thuật lại.
Nhạc Linh San chú ý nghe rồi nói:
– Thảo nào gia gia thường khen gã là người có khí độ hào hiệp. Té ra gã cứu đại sư ca khỏi chết về tay Tái Bắc minh đà. Tiểu muội thấy gã ngơ ngẩn như mán rừng, ai ngờ gã dám vì đại sư ca mà tuốt gươm viện trợ.
Nàng nói tới đất bất giác bật lên tiếng cười hích hích, nói tiếp:
– Tiểu Lâm tử không một chút bản lãnh đã giải cứu đại sư huynh phái Hoa Sơn lại ra tay giết đứa con cưng của chưởng môn phái Thanh Thành để giải cứu con gái chưởng môn phái Hoa Sơn nữa.
Nguyên hai vụ này cũng đủ nổi tiếng oanh liệt trong võ lâm một thời. Có điều chẳng ai ngờ là chàng đại hiệp giữa đường thấy chuyện bất bình quyết ra tay can thiệp đó võ công lại quá tầm thường, thế mới nực cười.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Võ công có thể luyện mà thành, còn chí khí hào hiệp là do ở trời sinh. Người ta phân loại nhân phẩm cao thấp là ở chỗ đó.
Nhạc Linh San mỉm cười nói:
– Tiểu muội lúc nghe gia gia cùng má má đề cập đến tiểu Lâm tử cũng nói thế đó. Ðại sư ca ơi!
Lại còn một điểm khí phách nữa tiểu Lâm tử cũng chẳng kém gì đại sư ca.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
– Còn khí phách gì nữa? Hay là tính ươn gàn?
Nhạc Linh San cười đáp:
– Ðó là khí ngạo. Cả hai người đều kiêu ngạo lắm.
Lục Ðại Hữu đột nhiên nói xen vào:
– Ðại sư ca làm thủ lãnh các sư huynh, sư muội có ngạo khí là phải. Còn gã họ Lâm là cái thá gì mà cũng lên mặt kiêu ngạo được với phái Hoa Sơn?
Giọng nói của gã đầy vẻ hằn học đối với Lâm Bình Chi.
Lệnh Hồ Xung không khỏi ngạc nhiên hỏi:
– Lục Hầu Nhi! Lâm sư đệ đắc tội với ngươi ở chỗ nào?
Lục Ðại Hữu hậm hực đáp:
– Gã chưa có chỗ nào đắc tội với tiểu đệ, nhưng hết thảy sư huynh, sư đệ không muốn nhìn đức tính của gã như vậy.
Nhạc Linh San hỏi:
– Lục sư ca làm sao thế? Vì lẽ gì sư ca hằn học với tiểu Lâm tử? Gã là sư đệ, mình làm sư ca phải bao bọc cho gã mới phải chứ?
Lục Ðại Hữu lắp bắp:
– Gã… gã… gã….
Hắn nói luôn ba tiếng gã rồi không nói được nữa.
Nhạc Linh San lại hỏi:
– Lục sư ca có chuyện gì mà ấp úng mãi không nói ra?
Lục Ðại Hữu đáp:
– Chỉ mong Lục Hầu nhi này mắt quáng coi lầm sự việc.
Nhạc Linh San đỏ mặt lên rồi không hỏi nữa. Nàng quay sang nói chuyện gẫu với Lệnh Hồ Xung.
Lục Ðại Hữu lại đòi về.
Nhạc Linh San liền cùng gã xuống núi.
Lệnh Hồ Xung đứng trên sườn núi bần thần nhìn bóng sau lưng hai người cho đến lúc họ rẽ vào khúc quanh. Ðột nhiên sau góc núi có tiếng ca hát của Nhạc Linh San vang lên.
Lệnh Hồ Xung kề cận với nàng từ thuở nhỏ cho đến khi khôn lớn, đã nhiều lần nghe nàng hát, nhưng khúc này thì hắn chưa nghe qua bao giờ.
Nhạc Linh San trước kia thường hát những tiểu khúc Thiểm Tây. Tiếng cuối cùng câu hát kéo thật dài, ở trong khe núi càng dài lê thê. Khúc hát bữa nay lại tựa hồ như châu rơi nước bắn chữ nào cũng tròn trĩnh dứt khoát.
Lệnh Hồ Xung chú ý lắng tai nghe thì phảng phất mấy câu “Chị em lên núi hái trà…”. Nhiều tiếng nàng phát âm rất cổ quái. Mười phần có đến tám chín chỉ nghe thấy âm mà không rõ nghĩa.
Hắn lẩm bẩm:
– Không hiểu tiểu sư muội học khúc tân ca này từ bao giờ mà nghe hay gớm. Lần sau nàng lên núi, mình phải bảo nàng hát cho nghe từ đầu mới được.
Bỗng hắn cảm thấy đau nhói tựa hồ như trước ngực bị đánh một trùy nặng. Ðột nhiên hắn tỉnh ngộ tự nói một mình:
– Ðây là giọng sơn ca ở tỉnh Phúc Kiến. Chắc là Lâm sư đệ dạy nàng rồi.
Ðêm hôm ấy trong lòng Lệnh Hồ Xung lại nhộn nhạo như sóng cồn, hắn không tài nào ngủ được.
Bên tai hắn giọng hát nhẹ nhàng mau lẹ của Nhạc Linh San vẫn còn văng vẳng. Tiếng hát sơn ca khó bề hiểu rõ.
Mấy lần hắn tự than trách:
– Lệnh Hồ Xung hỡi Lệnh Hồ Xung! Trước kia ngươi tiêu dao tự tại không biết chừng nào mà bây giờ ngươi để cho một khúc hát làm bận lòng không sao thoát ra được ư? Ngươi là nam tử hán, là đại trượng phu cũng uổng mà thôi.
Dù hắn tự biết mình chẳng nên thế mà tiếng hát của Nhạc Linh San tựa hồ quanh quẩn bên tai không ngớt.
Lệnh Hồ Xung trong lòng đau khổ, hắn cầm trường kiếm chém bừa đâm ẩu vào vách đá. Hắn cảm thấy luồng nội lực từ huyệt đan điều bùng lên. Hắn vung kiếm phóng về phía trước. Tư thế này giống hệt Nhạc phu nhân ra chiêu “Vô song vô đối Ninh thị nhất kiếm”.
Bỗng một tiếng “kịch” vang lên! Thanh kiếm ngập vào vách đá.
Lệnh Hồ Xung giật mình kinh hãi. Gã tự lượng dù trong mấy tháng nay công lực có tăng tiến nhanh đến mấy đi nữa cũng quyết không thể đâm một nhát kiếm ngập sâu vào vách đá đến tận chuôi được. Nội lực tinh thần thâm hậu đến bực nào mà vận ra mũi kiếm để đâm vào đá như vào cây khô bao giờ? Ðến ngay nội lực của sư phụ cùng sư nương vị tất đã đến thế được.
Hắn ngơ ngẩn một chút giựt mạnh thanh kiếm ra. Lập tức hắn cảm giác được vánh đá này chỉ có một lần rất mỏng chừng ba tấc là đến quãng không. Nguyên mặt bên kia vách đá trống rỗng.
Lệnh Hồ Xung nổi tính hiếu kỳ lại cầm kiếm đâm nhát nữa.
“Chát” một tiếng, thanh kiếm bị gãy liền. Nguyên lần này hắn vận kình không đủ, vách đá dày ba tấc cũng không xuyên qua được.
Hắn cất tiếng chửi bâng quơ vài câu rồi ra ngoài thạch động bê một khối đá lớn bằng cái đấu đoạn vận toàn lực gieo vào vách đá. Những mảnh đá vụn rớt xuống ào ào.
Ðồng thời hắn nghe khối đá gieo vào vách bật lên tiếng “uỳnh” và bên kia vách đá văng vẳng có tiếng vang. Hiển nhiên phía sau là một khoảng không khá rộng.
Lệnh Hồ Xung lại vận nội lực liệng mạnh lần nữa.
Một tiếng “sầm” vang lên. Khối đá xuyên qua vách thạch động xuống bên kia. Tiếng lọc cọc vẫn vang lên không ngớt do khối đá rớt xuống phát ra còn vang lên một lúc. Nguyên mặt sau vách đá này thoai thoải dốc xuống.
Lệnh Hồ Xung trong lòng thắc mắc không yên. Hắn phát hiện sau vách đá còn có thạch động.
Mới trong chớp mắt, bao nhiều phiền não trong lòng đều mất hết. Hắn lại lượm đá liệng thêm mấy
lần. Rồi đầu hắn có thể chui qua lỗ vách để nhìn vào.
Lệnh Hồ Xung tiếp tục phá cho lỗ hổng rộng thêm. Hắn bật lửa đốt đuốc chui vào thì thấy bên trong là một cửa hầm chật hẹp. Hắn cúi đầu nhìn xuống rồi toàn thân toát mồ hôi lạnh ngắt vì thấy bên mình có bộ xương khô nằm phục tại đó.
Lệnh Hồ Xung chẳng khi nào ngờ tới bên kia vách đá lại có bộ xương khô này. Hắn rán định thần tự hỏi:
– Phải chăng đây là ngôi mộ của tiền nhân? Nhưng sao bộ xương này lại không nằm thẳng thắn mà phủ phục thế này? Như vậy cửa hầm nhỏ hẹp này quyết không phải là mồ mả.
Hắn cúi xuống nhìn bộ xương thấy y phục đã nát hết. Bên bộ xương còn bỏ hai chiếc búa lớn.
Dưới ánh đuốc sáng rực, hắn cầm một chiếc búa nhấc lên, cảm thấy rất trầm trọng, có tới ngoài bốn chục cân. Tiện tay hắn cầm búa chém vào vách đá bên mình.
“Sầm” một tiếng! Một khối đá lớn lập tức rớt xuống.
Lệnh Hồ Xung ngẩn người ra ngẫm nghĩ:
– Cái búa này sắc bén như vậy tất không phải vật tầm thường. Nhất định nó là binh khí của một vị tiền bối võ lâm.
Lệnh Hồ Xung lại nhìn vào chỗ vách đá vừa chặt thì thấy nhẵn thín tựa hồ dao cắt đậu hũ. Hắn ngó kỹ hai bên vách đá thấy có nhiều nhát búa chém vào hãy còn dấu vết, bất giác hắn ngẩn người ra ngẫm nghĩ rồi giơ đuốc lên đi xuống. Quả nhiên vách đá chỗ nào cũng còn vết tích búa đẽo.
Hắn ngấm ngầm kinh hãi bụng bảo dạ:
– Té ra đường hầm đây do người này dùng lưỡi búa sắc bén chém đá để mở đường. Phải rồi! Không hiểu vì lẽ gì y bị cầm tù vào trong lòng núi rồi dùng búa phá núi mở đường để tính bề tháo thân, nhưng không đủ sức. Y rời khỏi động mới được mấy tất đã kiệt lực mà chết. Than ôi số phận con người là thế này đây.
Lệnh Hồ Xung đi một lúc nữa vẫn chưa tới đầu đường hầm liền nghĩ bụng:
– Người này phá núi mở đường như vậy thì nghị lực kiên quyết võ công cao cường nghìn xưa hiếm có.
Bất giác hắn sinh lòng bội phục.
Lệnh Hồ Xung đi thêm mấy bước lại thấy dưới đất có hai bộ xương nữa. Một bộ ngồi dựa vào vách đá, còn một bộ như nằm khoèo.
Lệnh Hồ Xung lẩm bẩm:
– Té ra không phải chỉ có một người bị cầm tù ở đây.
Ðoạn hắn tự hỏi:
– Chỗ này là trọng địa của núi Hoa Sơn ta, người ngoài d gì mà đến đây được? Chẳng lẽ những bộ xương này đều là những bậc tiền bối bản phái phạm pháp bị cầm tù rồi chết chăng?
Lệnh Hồ Xung đi thêm mấy trượng nữa. Ðột nhiên hắn thấy mé tả có ánh sáng lọt vào. Hắn liền thuận chiều đường hầm đi về mé tả.
Bỗng trước mắt hiện ra một thạch động rất lớn có thể chứa được cả ngàn người. Góc trên mé hữu thạch động có một lỗ hổng rất lớn rộng đến hơn trượng.
Ánh sáng ban ngày xuyên qua lỗ hổng này chiếu vào trong. Lúc này trời mới bình minh, ánh dương quang chưa có mây mà đã soi rõ mọi vật trong thạch động.
Trong thạch động còn có tới bảy bộ hài cốt hoặc ngồi hoặc nằm, bên người nào cũng có binh khí.
Cạnh năm bộ xương này có đặt trường kiếm còn hai bộ bên hai bộ kia là hai thứ binh khí rất lạ.
Một thứ giống như lưỡi tầm sét còn một thứ là thanh đao hai lưỡi có ba răng nhọn hoắt như răng chó sói.
Lệnh Hồ Xung lẩm bẩm:
– Những người sử dụng hai món binh khí kỳ lạ ở đây và hai cây búa ngoài kia quyết nhiên không phải đệ tử bản môn. Còn năm vị sử trường kiếm này chắc là những bậc tiền bối của bản môn.
Lệnh Hồ Xung cúi xuống lượm một thanh kiếm lên, thấy nó ngắn hơn kiếm thường mà lưỡi lại lớn gấp đôi. Thanh kiếm cầm vào tay rất trầm trọng. Lệnh Hồ Xung bụng bảo dạ:
– Phái Thái Sơn thường dùng thanh kiếm này. Vậy đây chắc là một vị tiền bối phái Thái Sơn.
Lệnh Hồ Xung lại xem đến thanh trường kiếm kia thì một thanh nhẹ và mềm. Ðó là loại khí giới của phái Hằng Sơn. Một thanh lượn thành đường cong. Ðó là một trong ba thứ kiếm mà phái Hành Sơn thường sử dụng. Kế đến một thanh kiếm mũi nhọn và sắc bén phi thường, Lệnh Hồ Xung nhận ra đây là thứ binh khí mà vị tiền bối nào đó ưa dùng hẳn người phái Tung Sơn. Thanh kiếm thứ tư bề dài và trọng lượng đúng là thứ kiếm thường dùng của bản phái.
Lệnh Hồ Xung càng nghĩ càng lấy làm kỳ tự hỏi:
– Năm vị tiền bối đây đều là Ngũ nhạc kiếm phái mà sao đều chết ở chốn này? Chẳng lẽ các vị cùng tranh đâu với năm địch nhân bên ngoài rồi cả hai bên cùng chết cả hết ư?
Lệnh Hồ Xung soi đuốc lên cả bốn bức vách động thì thấy bức vách mé tả có khắc 16 chữ:
Ngũ nhạc kiếm phái,
Toàn bọn hạ lưu
Tỷ thí không được
Liền ám hại người.
Mỗi hàng bốn chữ, cả thảy bốn hàng. Chữ nào cũng khắc sâu vào vách đá bằng lưỡi kiếm cực kỳ sắc, chiều sâu vào đến ba tấc.
Mười sáu chữ này coi rất hùng hồn, tựa hồ bạt kiếm giương cung.
Ngoài 16 chữ lớn, ở bên cạnh còn vô số chữ nhỏ như: “Ty bỉ vô lại”, “Thực là đáng hổ”, hay là “Ðê hèn”, “Khiếp nhược”. Khắp cả toàn là những câu thóa mạ.
Lệnh Hồ Xung coi xong tức giận vô cùng, bụng bảo dạ:
– Té ra những người này bị Ngũ nhạc kiếm phái ta bắt vào cầm tù ở đây. Họ phẫn uất quá mà không có chỗ phát tiết liền viết chữ lên vách đá để thóa mạ. Hành động này mới đúng là hành động ty bỉ vô lại.
Lệnh Hồ Xung lại tự hỏi không hiểu bọn này là người thế nào? Họ đã cừu địch với Ngũ Nhạc kiếm phái dĩ nhiên chẳng phải hảo nhân. Nhưng tại sao năm vị tiền bối Ngũ nhạc kiếm phái ta lại cùng chết với bọn họ tại chốn này?
Hắn lại giơ đuốc lên coi thì thấy trên vách đá còn có một hàng chữ: “Phạm Tùng, Triệu Hạt phá kiếm pháp phái Hằng Sơn ở đây”.
Bên hàng chữ này lại có vô số hình người. Cứ hai người vào một tổ. Một người sử kiếm một người sử búa. Chỉ đếm sơ qua cũng rõ ít nhất đến sau bảy trăm hình người. Hiển nhiên người sử búa đang phá kiếm pháp người sử kiếm.
Lệnh Hồ Xung trống ngực đánh thình thình tự hỏi:
– Chẳng hiểu có đồ hình nào phá giải được kiếm pháp của phái Hoa Sơn ta không?
Quả nhiên hắn nhìn thấy bên những hình người kia có một hàng chữ rất rõ: “Trương Thừa Vân, Trương Thừa Phong tận phá Hoa Sơn kiếm pháp”.
Hắn vừa đọc xong đã đùng đùng nổi giận, lên tiếng thóa mạ:
– Loài chuột nhắt vô sỉ! Các ngươi thật là cuồng vọng, lớn mật. Hoa Sơn kiếm pháp tinh vi ảo diệu, khắp trong thiên hạ, người chống đỡ được còn chẳng mấy, ai mà lớn mật dám hạ đến chữ “phá” bao giờ? Ðây chúng còn dám hạ đến chữ “tận phá” thì thật là hỗn xược.
Hắn xoay tay lại lượm thanh kiếm trầm trọng của phái Thái Sơn lên vận toàn lực vào để bạt hàng chữ kia đi.
Những tiếng choang choảng vang lên. Tia lửa bắn ra tung tóe, thì chỉ thấy chữ “tận” bị sạt mất một góc.
Lệnh Hồ Xung phát giác ra đá núi này cứng rắn phi thường. Muốn xóa bỏ những đồ hình cùng chữ khắc trên vách đá tuy có lợi khí trong tay, nhưng vạt đi không phải dễ dàng.
Lệnh Hồ Xung lại ngưng thần nhìn vào đồ hình bên hàng chữ thì người sử kiếm tuy chỉ phơn phớt mấy nét thô sơ, song cũng có thể nhìn ra đây chính là chiêu “Hữu phụng lại nghi” của bản môn.
Kiếm thế như nhảy múa cực kỳ linh động. Chiêu này đang chiết giải với một người tay cầm một thứ khí giới thẳng tuột, chẳng hiểu nó đại diện chi thương bổng hay cho thương mâu. Chỉ biết đầu thứ binh khí này nhằm vào mũi kiếm đối phương mà tư thế rất vụng về.
Lệnh Hồ Xung bất giác bật lên tiếng cười khành khạch tự nhủ:
– Chiêu “Hữu phụng lai nghi” của bản môn ẩn dấu ba tuyệt chiêu nữa, há để cho chiêu thức vụng về kia phá giải được ư?