Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 186 – Mười ba chiêu kiếm phái tung sơn

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Lần này hai người đối thủ mới trong khoảnh khắc đã qua lại mười mấy chiêu. Chẳng những Lệnh Hồ Xung đã đưa mình vào tình trạng trong lúc luyện kiếm ngày trước ở trên núi Hoa Sơn mà cả Nhạc Linh San cũng dần dần quên lãng đi là lúc này mình ở vào tình trạng một cô gái đã đi lấy chồng và hiện đang đứng trước mặt mấy ngàn giang hồ hảo hán động thủ ra chiêu để khoa trương danh dự cho phụ thân.

Trước mặt nàng chỉ còn thấy một chàng đại sư ca đầy vẻ phong lưu phóng đãng đang cùng mình rèn luyện môn kiếm pháp do hai người sáng tạo ra.

Lệnh Hồ Xung ngó thấy nét mặt nàng mỗi lúc một thêm hòa dịu, mắt nàng chiếu ra những tia sáng vui mừng. Hiển nhiên nàng đã quên nỗi đau khổ gây ra bởi cái tát tai của phụ thân.

Chàng nghĩ thầm trong bụng:

– Bữa nay ta thấy vẻ mặt sầu bi, dung nhan tiều tụy, nhưng bây giờ nàng đã vui tươi trở lại. Hỡi ơi! Ta chỉ mong môn Xung Linh kiếm pháp này có cả hàng ngàn hàng vạn chiêu số suốt đời không bao giờ sử được hết thì niềm vui của nàng sẽ kéo dài vô cùng tận.

Từ ngày chàng được nghe Nhạc Linh San hát những tiểu khúc về địa phương Phúc Kiến ở trên ngọn núi sám hối, mãi đến bây giờ chàng mới lại được tiểu sư muội tỏ vẻ hân hoan đối với chàng như trước, bất giác chàng cũng vui mừng khôn tả.

Hai bên lại chiết giải ngoài hai chục chiêu.

Thanh trường kiếm của Nhạc Linh San bỗng nhằm hớt vào đùi bên trái Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung liền phóng chân trái đá thanh kiếm của nàng.

Nhạc Linh San liền hạ thấp thanh kiếm xuống rồi tiện đà chém vào bàn chân chàng.

Lệnh Hồ Xung vội vung trường kiếm chém ngang lưng mé bên phải Nhạc Linh San.

Nhạc Linh San vội xoay mũi kiếm chênh chếch lên đỡ.

Choang một tiếng vang lên! Hai thanh kiếm đụng nhau và đều chấn động.

Hai người đồng thời phóng kiếm về phía trước nhằm đâm vào họng đối phương.

Cả hai cùng ra tay mau lẹ phi thường.

Mọi người thấy thế phóng quá lẹ đều cho là không còn cách nào cứu vãn được thảm cảnh cả hai bên cùng chết.

Quần hùng không nhịn được nữa bật tiếng la hoảng:

– Trời ơi!

Bỗng nghe một tiếng keng nhè nhẹ nổi lên. Hai đầu mũi kiếm dừng lại trên không thì những tia lửa bắn ra tung tóe. Hai thanh trường kiếm đều bị cong lại như hình cánh cung.

Tiếp theo hai người đẩy tay mạnh về phía trước để mượn đà lùi lại.

Biến diễn nay thật không ai nghĩ tới là vì đà kiếm đang đi nhanh như vậy mà hai kiếm lại đụng vào nhau một cách tuyệt hảo đến thế.

Quần hùng đã coi đến hàng ngàn hàng vạn lần tỷ kiếm cũng chưa từng gặp một lần như bữa nay.

Hai người cách cái chết chỉ chừng sợi tóc mà mũi kiếm ở trên không đâm trúng vào nhau thành ra vô sự, mọi người cho là một chuyện hữu hạn trên đời. Song thực ra hai người đã luyện đến hàng ngàn hàng vạn lần và đã thành thuộc lắm rồi.

Muốn sử chiêu kiếm pháp này thì phải hai người cùng sử và phải tính toán rất đúng phương vị cùng luồng lựa đạo lúc ra chiêu không sai một mảy may mới thành tựu được.

Chiêu kiếm này đối với người ngoài chẳng có phần nào mang lại kết quả để khắc địch chế thắng, nhưng đối với Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San thì nó lại là một trò chơi rất gian nan và thú vị.

Sau khi hai người luyện thành chiêu số rồi liền tiến thêm bước nữa cho mũi kiếm đụng vào nhau để tia lửa bắn ra tung tóe.

Hai người ở trên núi Hoa Sơn luyện thành chiêu số này rồi Nhạc Linh San đã hỏi Lệnh Hồ Xung:

– Chiêu số này tên là gì?

Khi đó Lệnh Hồ Xung đáp:

– Cái đó tùy sư muội muốn kêu nói bằng gì cũng được.

Nhạc Linh San liền cười hỏi:

– Tiểu muội chỉ nghĩ rằng hai thanh kiếm phóng ra thật lẹ không còn nghĩ gì đến tính mạng thì kêu bằng “Ðống quy ư tận” nên chăng?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Nếu đồng quy y tận thì ra giữa tiểu huynh và sư muội dường như có mối thù chẳng đội trời chung, chi bằng đặt cho nó cái tên “Nhi tử ngã hoạt”.

Nhạc Linh San bĩu môi nói:

– Tại sao tiểu muội lại chết cho đại sư ca sống? Ðại ca chết tiểu muội sống mới phải.

Lệnh Hồ Xung cãi:

– Tiểu huynh đã bảo là nhi tử ngã hoạt rồi mà.

Nhạc Linh San nói:

– Chúng ta hà tất phải loanh quanh giải thích mãi về hai chữ giữa ngươi với ta rồi vẫn chẳng đi tới đâu. Chiêu này chẳng đâm chết ai hết, hay là chết cả đôi, vậy kêu nó bằng “Ðồng sinh cộng tử” quách.

Lệnh Hồ Xung liền vỗ tay khen:

– Hay quá! Hay quá!

Nhưng Nhạc Linh San chợt nhớ ra bốn chữ “Ðồng sinh cộng tử” có thân mật thái quá, nàng liền buông kiếm cắm đầu chạy mất.

Quần hùng đứng bàng quang thấy hai người thoát chết trong lòng còn kinh hãi vô cùng ai nấy bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Họ ở vào tình trạng hoảng đến nỗi quên cả hoan hô.

Bữa trước ở trong chùa Thiếu Lâm, Nhạc Bất Quần động thủ cùng Lệnh Hồ Xung vì muốn khuyên can chàng trở về phái Hoa Sơn, lão sử mấy chiêu về Xung Linh kiếm pháp thật nhưng lúc lão rỗi công đâu mà luyện cái chiêu “đồng sinh công tử” vô dụng này làm chi?

Còn bọn Phương Chứng đại sư, Xung Hư, Tả Lãnh Thiền thấy chiêu này đều giật mình kinh hãi, nhất là Doanh Doanh trong lòng càng hồi hộp hơn. Sau thấy hai người lướt mình nhảy ra, trên môi còn lộ ra một nụ cười, nét mặt dường như bao phủ một làn gió xuân cực kỳ khoan khoái thì không khỏi lấy làm kỳ.

Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San lại chống kiếm tiến lên tiếp diễn cuộc tỷ đấu.

Hồi ở trên núi Hoa Sơn hai người sáng chế ra Xung Linh kiếm pháp vào giữa lúc tình sư huynh, sư muội cực kỳ đằm thắm lại cùng nhau hợp tâm đầu, vì thế mà những kiếm chiêu đó du dương khoan hòa nhiều hơn còn ý tứ sát phạt rất ít.

Lúc này hai người đối kiếm bất giác đều hồi tưởng đến tình trạng ngày trước tay kiếm đưa ra hời hợt khoan thai. Ðầu mày cuối mắt hai người dần dần lộ vẻ đắm đuối ôn nhu.

Ðột nhiên trong đám đông có tiếng cười bật lên.

Nhạc Linh San giật mình. Nàng nghe biết là tiếng cười của Lâm Bình Chi, trượng phu nàng thì không khỏi chột dạ nghĩ thầm:

– Ta đang tỷ đấu với đại sư ca ta thế này thì có điều gì không phải chăng?

Thanh trường kiếm của nàng đang đưa vòng từ dưới chênh chếch lên rồi phóng ra. Thế kiếm đã mau lẹ, lực đạo lại mạnh mẽ, tư thế cực kỳ mỹ diệu. Ðây là một chiêu thức thuộc “Ngọc nữ kiếm thập cửu thức” của phái Hoa Sơn.

Lệnh Hồ Xung cũng nghe rõ tiếng cười lạt của Lâm Bình Chi. Chàng thấy tiếng cười vừa dứt, Nhạc Linh San lập tức biến chiêu. Thế kiếm nàng phóng tới không còn nể nang gì nữa, khác hẳn vừa rồi nàng đã sử Xung Linh kiếm pháp đầy vẻ trìu mến.

Bỗng lòng chàng se lại, bao nhiêu chuyện cũ chỉ trong nháy mắt đã hiển hiện lên đầu óc chàng.

Chàng nhớ tới ngày bị sư phụ trách phạt phải lên ngọn Sám hối quay mặt vào vách để ăn năn tội lỗi. Hàng ngày chàng được tiểu sư muội đưa cơm nước lên một lần.

Một hôm trời mưa tuyết dữ, sư muội ở lại sơn động với chàng một đêm. Sau đó tiểu sư muội mắc bệnh rồi hai người cách mặt lâu ngày và cùng ôm mối tương tư đau khổ. Trong thời gian này không hiểu Lâm Bình Chi đã làm thế nào mà vành cạnh được tấm lòng ưa thích của nàng.

Từ đó trở đi hai người bị tấm màn ngăn cách, càng ngày càng thâm trọng.

Lệnh Hồ Xung nhớ tới hôm đó tiểu sư muội sau khi được sư nương truyền thụ cho môn “Ngọc nữ kiếm thập cửu thức”, nàng lại lên núi để cùng chàng qua chiêu tỷ thí. Lúc đó lòng chàng đau khổ nên ra tay không nhân nhượng chút nào.

Bao nhiêu ý niệm diễn ra trong đầu óc chàng chỉ một nháy mắt rồi lướt qua.

Giữa lúc ấy Nhạc Linh San hươi kiếm đánh tới.

Lệnh Hồ Xung đầu óc bối rối, vội vươn tay trái dùng ngón giữa bật đánh keng một tiếng trúng vào thanh trường kiếm của nàng.

Nhạc Linh San cầm chuôi kiếm không chắc, thanh trường kiếm tuột tay bay đi vọt thẳng lên trời.

Lệnh Hồ Xung thấy thế bất giác la thầm:

– Hỏng bét rồi!

Chàng thấy Nhạc Linh San lộ vẻ cay đắng và dường như cố ý cười gượng mà không ra tiếng.

Lệnh Hồ Xung nhớ lại ngày trước cũng một cái búng tay mà hất thanh Bích Hòa kiếm rất quý báu của nàng rớt xuống vực thẳm, vì thế mà hai người cay cú nhau. Không ngờ bữa nay việc xưa tái diễn.

Nhiều lúc trong lúc đêm khuya tĩnh mịch chàng nhớ lại mình đã búng văng thanh bảo kiếm của Nhạc Linh San thực ra là tại chàng đem lòng ghen tức với Lâm Bình Chi không dằn lòng được và chàng vẫn tự trách mình về ý nghĩ đê hèn này.

Ngờ đâu bữa nay chàng vừa nghe đến tiếng Lâm Bình Chi cười lạt lại thấy Nhạc Linh San biến đổi thái độ nên bệnh cũ của chàng lại phát ra.

Ngày trước ở trên núi sám hối chàng đã dùng một ngón tay búng trúng trường kiếm của Nhạc Linh San hất văng đi thì hiện giờ nội lực chàng so với ngày trước còn cao thâm hơn không biết đến đâu mà kể nên thanh trường kiếm bắn vọt lên trời cao tít chưa rớt xuống ngay. Chàng tự trách mình:

– Bản tâm ta muốn chịu thua về tay tiểu sư muội để gạt nàng hoan hỉ, thế mà bây giơ lại búng thanh trường kiếm ở trong tay nàng hất văng đi thì có khác gì ta cố ý làm cho nàng phải mất mặt trước quần hùng thiên hạ. Chẳng lẽ ta lại có thủ đoạt đê hèn đến thế ư? Và để đền đáp mối tình nghĩa của tiểu sư muội đối với ta?

Chàng ngước mắt trông lên thấy thanh trường kiếm đang từ trên không rớt xuống. Chàng lạng người một cái la lên:

– Hằng Sơn kiếm pháp tuyệt diệu.

Chàng làm như người cố sức né tránh mà thực ra chàng đã đưa mình vào để đón lấy mũi kiếm.

Bỗng một tiếng “chát” vang lên. Thanh trường kiếm xuyên trúng bả vai Lệnh Hồ Xung.

Chàng oại mình đi một cái. Thanh trường kiếm cắm người chàng xuống đất như đóng đinh.

Biến cố xảy ra một cách quá đột ngột khiến quần hùng bật tiếng la hoảng rồi đứng thộn mặt ra.

Nhạc Linh San kinh hãi la thất thanh:

– Ðại sư ca! Ðại sư ca!…

Bỗng thấy một hán tử râu quặp chạy lại rút thanh trường kiếm ôm Lệnh Hồ Xung lên.

Vết thương trên vai Lệnh Hồ Xung máu tươi phun ra như suối.

Hán tử kia ôm chàng lui sang một bên thì đã mười mấy cô nữ đệ tử phái Hằng Sơn bu quanh lại thi nhau rịt thương bôi thuốc.

Nhạc Linh San không hiểu Lệnh Hồ Xung sống chết thế nào toan chạy lại thì đột nhiên kiếm quang chuyển động. Hai thanh trường kiếm vung ra chẹn đường.

Bỗng nghe tiếng một ni cô quát lớn:

– Con đàn bà tâm địa lang sói này.

Nhạc Linh San ngẩn người ra lùi lại một bước. Trong lúc hoang mang nàng không biết làm thế nào cho phải. Bỗng nghe Nhạc Bất Quần nổi lên một tràng cười lớn rồi dõng dạc nói:

– San nhi! Ngươi đã dùng kiếm pháp ba phái Thái Sơn, Hành Sơn, và Hằng Sơn đả bại ba vị chưởng môn những phái đó thật đáng kể là một việc hiếm có.

Chiêu tối hậu của Nhạc Linh San nàng để trường kiếm tuột khỏi tay, bắn tung lên là một điều mà quần hùng đã trông rõ do ngón tay của Lệnh Hồ Xung búng hất ra. Nhưng Lệnh Hồ Xung bị thanh trường kiếm của nàng đâm thành ra trọng thương cũng là sự thực không chối cãi được. Còn chiêu này có phải là kiếm pháp của phái Hằng Sơn hay không thì chẳng thấy một ai nói ra.

Kỳ thực hai người lúc tỷ đấu Xung Linh kiếm pháp, người ngoài đứng coi đã chẳng biết đâu mà mò. Ðến chiêu sau cùng biến cố xảy ra bất ngờ nên mọi người liền bị kết quả đột ngột làm cho chấn động tâm thần, không nghĩ đến chiêu thức có phải là kiếm pháp phái Hằng Sơn hay không nữa.

Khi nghe Nhạc Bất Quần ca ngợi con gái đã dùng kiếm pháp của ba phái để đả bại ba vị chưởng môn, số đông đều cho là chiêu “Trường không lạc kiếm” đó nhất định là của phái Hằng Sơn.

Kể ra cũng có người trong lòng hồ nghi vì thấy mấy chiêu thức sau kiếm ý khác hẳn với kiếm pháp của phái Hằng Sơn nhưng cũng không bày tỏ được gốc ngọn thành ra không dám công nhiên đưa ý kiến phản đối Nhạc Bất Quần.

Nhạc Linh San cúi xuống lượm kiếm ở dưới đất lên, thấy kiếm còn dính máu đỏ tươi thì trống ngực đánh thình thình.

Nàng tự hỏi:

– Không hiểu tính mạng chàng ra sao? ta chỉ mong sao cho chàng không đến nỗi uổng mạng, rồi ta sẽ… ta sẽ… “Ta sẽ làm sao?” Nàng không dám nghĩ nữa.

Mọi người thấy sắc mặt lợt lạt, người nàng lảo đảo cơ hồ đứng không vững đều cho là một cô gái mảnh dẻ đả bại ba vị chưởng môn, hao tổn nội lực rất nhiều nên bây giờ nàng không chống nổi cũng là sự thường chẳng lấy chi làm lạ.

Bỗng nghe thanh âm oang oang cất lên:

– Nhạc tiên sinh ở phái Hoa Sơn đã nghiên cứu tinh thâm kiếm pháp của bản phái. Ngoài ra kiếm pháp những phái Thái Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn chẳng những tiên sinh thông hiểu mà còn đi đến chỗ kỳ tuyệt nữa. Ðó là điều hiếm có, thật khiến cho người ta phải ca ngợi. Vậy chức chưởng môn Ngũ nhạc phái nếu không được tiên sinh đảm nhiệm tưởng khắp thiên hạ khó lòng kiếm ra nhân vật thứ hai.

Người nói câu này mái tóc bạc phơ chính là bang chúa Cái Bang.

Cái Bang là một bang hội rất lớn, tiềm tàng lực lượng hùng mạnh vô cùng mà Cái Bang chúa tuyên bố như vậy thì người ngoài còn xì xầm dám nghị gì nữa?

Bỗng một thanh âm lạnh lẽo nổi lên:

– Nhạc cô nương tinh thông kiếm pháp ba phái Thái Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn thật là một điều đáng quý hiếm thấy trên đời. Nếu cô lại dùng kiếm pháp phái Tung Sơn để đánh bại được thanh trường kiếm trong tay tại hạ thì toàn thể phái Tung Sơn rất vui lòng tôn Nhạc tiên sinh lên làm chưởng môn Ngũ nhạc phái.

Người nói câu này chính là Tả Lãnh Thiền.

Hắn vừa nói câu này vừa tiến vào giữa trường đấu. Tay trái hắn ấn vào vỏ kiếm.

Bỗng nghe đánh soạt một tiếng. Thanh trường kiếm ở trong vỏ bay vọt lên. ánh thanh quang lấp loáng. Thanh trường kiếm đang bay lên, Tả Lãnh Thiền vươn tay mặt ra nắm lấy đốc kiếm. Thủ pháp rất ngoạn mục.

Hắn ấn tay trái vào vỏ kiếm mà dùng nội lực đẩy thanh trường kiếm lên được thì nội công thâm hậu đến trình độ hiếm có mà cũng ít khi nghe thấy ở đời. Quần đệ tử phái Tung Sơn cố nhiên lớn tiếng hoan hô. Quần hùng các phái cũng nổi tiếng như sấm dậy.

Nhạc Linh San cất giọng run run nói:

– Ðiệt nữ… điệt nữ chỉ sử mười ba chiêu… nếu trong mười ba chiêu mà không thắng được Tả sư bá…

Tả Lãnh Thiền trong lòng tức giận vô cùng, mắng thầm:

– Con nhãi này dám công nhiên đấu kiếm với ta đã là to gan lớn mật mà thị còn dám hạn định trong mười ba chiêu thì thật coi Tả mỗ không ra cái gì.

Hắn xẵng giọng hỏi:

– Nếu trong vòng mười ba chiêu mà ngươi không lấy được cái đầu trên cổ Tả mỗ thì ngươi tính sao?

Nhạc Linh San đáp:

– Ðiệt nữ… điệt nữ đâu có phải là đối thủ của Tả sư bá? Ðiệt nữ bất quá chỉ học được có mười ba chiêu kiếm pháp của phái Tung Sơn. Mười ba chiêu này do gia gia điệt nữ thân hành truyền thụ. Bây giờ điệt nữ muốn đem ra để ấn chứng Tả sư bá mà thôi.

Tả Lãnh Thiền hắng dặng một tiếng chưa kịp trả lời thì Nhạc Linh San lại nói tiếp:

– Theo lời gia phụ thì mười ba chiêu kiếm pháp phái Tung Sơn này tuy là những chiêu số rất cao minh, nhưng tiểu nữ e rằng mới ra một chiêu đã bị Tả sư bá hất tung trường kiếm đi rồi, muốn ra chiêu thứ hai cũng khó lắm thay.

Tả Lãnh Thiền lại hừ một tiếng chứ không nói gì.

Lúc Nhạc Linh San bắt đầu lên tiếng, giọng nói run run, không hiểu vì nàng sau khi chiến đấu không đủ khí lực hay vì đứng đối diện với một nhân vật lừng danh võ lâm mà lòng nàng đâm ra khiếp đảm. Nhưng lúc này thanh âm nàng dần dần bình tĩnh lại.

Nàng nói tiếp:

– Gia phụ còn bảo: Tả sư bá là tay cao thủ đệ nhất phái Tung Sơn, đó là một điều đúng cả trăm phần trăm không còn nghi ngờ gì nữa nhưng vị tất Tả sư bá là tay cao thủ đệ nhất trong Ngũ nhạc kiếm phái. Dù Tả sư bá võ công cao cường đến đâu, điệt nữ cũng nghĩ rằng chưa chắc sư bá đã tinh thông được hết kiếm pháp cả năm phái.

Nàng ngừng lại một chút rồi tiếp:

– Gia phụ lại bảo điệt nữ: “Hai chữ tinh thông há phải chuyện dễ dàng như ta đây bất quá mới biết được một chút ngoài vỏ mà thôi. Nếu ngươi không tin thì rồi đây đem mấy môn sở học mèo què mới luyện được về kiếm pháp của phái Tung Sơn ra mà đón đỡ với nhân vật lừng danh thiên hạ về kiếm pháp phái Tung Sơn là Tả sư bá, nếu ngươi chỉ đỡ được mười ba chiêu là ta đã đủ khen ngươi là đứa con gái ngoan rồi”.

Tả Lãnh Thiền thấy Nhạc Linh San bây giờ ăn nói có lễ độ tuy đã bớt giận nhưng vẫn chưa nguôi.

Hắn cười lạt nói:

– Nếu trong vòng mười ba chiêu mà ngươi đánh bại được Tả mỗ thì chắc Nhạc tiên sinh lại càng cưng hơn nữa.

Nhạc Linh San nói:

– Kiếm pháp của Tả sư bá đã đến trình độ xuất quỷ nhập thần xứng đáng là một bậc kỳ tài của phái Tung Sơn và là một ngôi sao sáng trong võ lâm. Còn tiểu điệt nữ trong mấy năm gần đây mới được gia phụ truyền cho hơn chục chiêu kiếm pháp của phái Tung Sơn thì khi nào dám mơ tưởng hão huyền như vậy? Có điều gia phụ bbo tiểu điệt nữ ráng mà đón đỡ lấy mười ba chiêu của Tả sư bá thì điệt nữ mong muốn đi xa hơn thế là đón tiếp mười ba chiêu mà mình đã học được. Hy vọng của điệt nữ chỉ có vậy còn chưa chắc đã được như nguyện. Dám đâu nghĩ đến chuyện đả bại Tả sư bá.

Tả Lãnh Thiền lẩm bẩm:

– Tả mỗ mà để cho mi đỡ nổi mười ba chiêu cũng đủ mất mặt với thiên hạ rồi.

Nghĩ vậy hắn dùng ba ngón tay trái cầm đầu mũi kiếm giơ lên rồi buông lỏng tay mặt ra. Thanh trường kiếm liền bật chuôi ra phía trước. Chuôi kiếm rung động không ngớt.

Tả Lãnh Thiền cất tiếng giục:

– Tiến chiêu đi!

Tả Lãnh Thiền đưa ra thủ pháp tuyệt xảo này khiến quần hùng có vẻ xôn xao. Vì tay trái xử kiếm không thuận tiện, thế mà đây hắn lại dùng ba ngón tay trái cầm đầu mũi kiếm, đưa chuôi ra để đối địch mới thật là kỳ. Bản lãnh này so với kiểm đấu tay không chống lại binh khí hãy còn khó khăn hơn nhiều.

Nên biết lấy đầu ngón tay cầm mũi kiếm thì trong khi giao đấu, thanh kiếm chỉ bị chấn động một chút cũng đủ làm cho mấy ngón tay cầm mũi kiếm bị thương rồi thì còn chiến đấu thế nào được.

Tả Lãnh Thiền phô trương thủ pháp này cố nhiên để tỏ ra khinh khi Nhạc Linh San là đứa con nít. Ðồng thời đây cũng là một cách để tiết bớt nỗi tức giận đầy ruột. Ngoài ra hắn còn có dụng ý dùng môn thần công kỳ lạ này để trấn áp quần hùng và giữ oai danh lẫm liệt.

Nhạc Linh San thấy cách cầm kiếm của Tả Lãnh Thiền như vậy, quả nhiên trong lòng có ý khiếp sợ, nàng tự hỏi:

– Ðây là môn võ công gì? Sao gia gia lại chưa dạy mình?

Thật ra oai danh của Tả Lãnh Thiền khét tiếng thiên hạ đã làm cho cô gái nhỏ tuổi vào hàng hậu bối nẩy lòng lo ngại.

Nhưng rồi nàng tự nhủ:

– Việc đã xảy ra đến thế này dù mình lo sợ cũng chẳng ích gì!

Nhạc Linh San tâm tính bối rối mà mắt vẫn đưa nhìn về phía bọn đệ tử phái Hằng Sơn vì nàng vẫn lo ngay ngáy về tính mạng của Lệnh Hồ Xung.

Lúc này quần đệ tử phái Hằng Sơn đang xúi xít bu quanh Lệnh Hồ Xung nhưng không ai bật tiếng khóc.

Nhạc Linh San hiểu ngay dù chàng có bị trọng thương cũng chưa nguy đến tính mạng, nên nàng cũng yên tâm được phần nào.

Nhạc Linh San cũng cầm thẳng thanh trường kiếm giơ cao quá đỉnh đầu, cúi khom lưng xuống.

Ðây là chiêu “Vạn Nhạc Triều Tôn”, một chiêu kiếm chính tông của phái Tung Sơn để tỏ ý cung kính đối với người mình sắp giao thủ.

Quần đệ tử phái Tung Sơn thấy thế reo hò tỏ vẻ thỏa mãn.

Nguyên bọn đệ tử môn hạ phái Tung Sơn mỗi khi qua chiêu với bậc trưởng bối trong bản phái trước tiên phải thi triển chiêu thức này để tỏ ý kiến:

– Vãn bối không dám đối thủ với lão tiền bối, chỉ xin lão tiền bối chỉ giáo cho mà thôi.

Tả Lãnh Thiền cũng vừa lòng khẽ tự nhủ:

– Té ra con nhãi này cũng biết kính lễ bắt đầu bằng chiêu Vạn Nhạc Triều Tôn. Thị đã khôn ngoan như vậy âu là ta cũng vì thể lệ của bản phái mà không đối xử cạn tầu ráo máng với thị.

Nhạc Linh San trình bày chiêu “Vạn Nhạc Triều Tôn” rồi, đột nhiên kiếm quang lóe ra thành một luồng cầu vồng trắng bạc nhằm đâm vào Tả Lãnh Thiền.

Ðây cũng là một chiêu rất cao minh gồm những phần tinh túy của kiếm pháp Tung Sơn.

Dù Tả Lãnh Thiền đã không hiểu hết các chiêu số về kiếm pháp phái Tung Sơn như “Nội Bát lộ”, “Ngoại Cửu lộ”, Trương Ðoản thập lộ” và các lộ song đơn kiếm mà vẫn chưa từng thấy qua chiêu thức này nên hắn không khỏi chấn động tâm thần, tự hỏi:

– Chiêu thức này là chiêu số gì? Cả 17 đường trong kiếm pháp tuyệt diệu của phái Tung Sơn hiện nay tựa hồ không có chiêu thức nào sánh kịp mới thật là kỳ.

Tả Lãnh Thiền chẳng những là tôn sư của phái Tung Sơn, hắn còn là một tay đại gia võ học đương thời mà nay được thấy một chiêu thức kỳ tuyệt của bản phái dĩ nhiên hắn phải cố coi cho rõ.

Hắn thấy thế kiếm của Nhạc Linh San đâm tới nội lực chẳng lấy chi làm hùng mạnh thì lẩm bẩm:

– Kiểu này ta cứ để cho lưỡi kiếm đâm tới còn cách chừng bẩy tám tấc sẽ vung tay ra búng cũng đủ làm cho trường kiếm của đối phương phải bay đi, chẳng có chi đáng ngại.

Thế rồi hắn đứng yên để xem chiêu này còn có biến hóa gì quái lạ không.

Thế kiếm của Nhạc Linh San đâm tới ngực Tả Lãnh Thiền còn cách chừng một thước, bỗng nàng rụt trở lại rồi nghiêng mình xoay vòng thanh kiếm nhằm đâm vào vai bên trái hắn.

Kiếm chiêu này tựa hồ như “Thiên Cổ nhân long” trong kiếm pháp phái Tung Sơn. Nhưng chiêu “Thiên Cổ nhân long” có vẻ thanh thoát hơn mà kém về đường cổ kính. Nó lại hao hao giống chiêu “Ðiệp Thúy thù thanh” song chiêu “Ðiệp Thúy thù thanh” còn kém mau lẹ và hào hùng hơn. Nó lại hệt chiêu “Ngọc Tĩnh Thiên Tri” nhưng không oai nghiêm bằng.

Một cô gái trẻ tuổi như Nhạc Linh San mà sử dụng chiêu này càng thêm vẻ đoan trang diễm lệ.

Cặp mắt Tả Lãnh Thiền tinh nhuệ vô cùng. Hắn lại suốt đời rèn luyện kiếm pháp phái Tung Sơn thì đối với những chỗ tinh túy, tuyệt diệu của các kiếm chiêu dù cho là ngoắt nghéo phức tạp đến đâu hắn cũng chỉ trông qua là thuộc. Bây giờ hắn thấy Nhạc Linh San cho ra chiêu thức cao minh này hàm chứa nhiều chỗ sở trường của mấy chiêu kiếm tuyệt diệu trong Tung Sơn kiếm pháp. Hơn nữa dường như nó còn có thể bổ túc cho những chỗ sơ hở về tuyệt chiêu nên hắn vừa kinh dị vừa mừng rỡ như bắt được bửu bối từ trên trời rớt xuống, bàn tay hắn không khỏi nóng bỏng.

Chọn tập
Bình luận
× sticky