Tạm gác chuyện Nhạc Bất Quần lên đài rút kiếm chuẩn bị tỷ đấu với Tả Lãnh Thiền.
Nhắc lại Lệnh Hồ Xung bị thanh trường kiếm của Nhạc Linh San từ trên không rớt xuống xuyên vào bả vai chàng suốt từ sau lưng ra trước ngực. Thương thế dĩ nhiên cực kỳ trầm trọng.
Doanh Doanh trông thấy trong dạ bồn chồn như kẻ mất hồn, nàng không e dè đến chuyện dấu diếm hành tung của mình nữa liền nhảy xổ lại, rút thanh trường kiếm ở vai Lệnh Hồ Xung ra rồi ôm xốc chàng lên.
Quần nữ đệ tử phái Hằng Sơn xúm xít bu quanh lại.
Nghi Hòa lấy bình thuốc bột Hùng đởm hồi sanh tán dốc hết vào miệng Lệnh Hồ Xung.
Lúc này Doanh Doanh đã điểm những huyệt đạo xung quanh vết thương để cầm máu.
Nghi Thanh cùng Trịnh Ngạc lấy Thiên Hương đoạn tục giao rịt vào vết thương.
Hùng đởm hồi sanh tán và Thiên Hương đoạn tục giao là hai thứ trị thương thánh dược của phái Hằng Sơn mà cũng là vật chí bảo trong võ lâm. Trừ những người nào bị tử thương chết ngay mới đành chịu, bằng còn sống thì lấy hai thứ thuốc này cho uống và bôi vào vết thương là lập tức công hiệu như thần. Tìm ra được những dược vật này đã là chuyện khó mà chế thanh thuốc càng khó hơn nữa. Nhưng dù là những thánh dược giá trị không biết đến đâu mà kể nhưng khi đối với chưởng môn nhân bị trọng thương thì quần đệ tử khi nào còm dám tiếc nữa.
Lệnh Hồ Xung tuy bị thương trầm trọng nhưng thần trí vẫn tỉnh táo. Chàng ngó thấy những nỗi hốt hoảng lo âu, bồn chồn cuống quít của Doanh Doanh và bọn đệ tử phái Hằng Sơn không khỏi ngại ngùng và trong lòng rất lấy làm ân hận tự nghĩ:
– Vì ta muốn làm cho Nhạc sư muội được vui lòng một chút mà để Doanh Doanh cùng các đệ tử phái Hằng Sơn phải một phen bở vía, chân tay luống cuống thật là tội nghiệp.
Chàng liền gượng cười ngập ngừng nói:
– Không hiểu sao tại hạ sơ ý… để thanh kiếm đâm vào người. Nhưng.. không hề gì đâu… Các vị bất tất… phải quan tâm cho lắm.
Doanh Doanh vội gạt đi:
– Thôi! Lệnh Hồ chưởng môn cần tĩnh dưỡng, không nên nói nhiều.
Tuy nàng cố ý nói lớn tiếng cho ra giọng hán tử nhưng dù sao thanh âm của đàn bà con gái cũng nhẹ nhàng yếu ớt, kém vẻ hùng hồn.
Bọn đệ tử phái Hằng Sơn liếc mắt nhìn thấy đại hán mặt mũi đen thui râu đâm tua tủa mà giọng nói lại nhỏ nhẹ thì không khỏi lấy làm kỳ.
Lệnh Hồ Xung lại lắp bắp:
– Tại hạ… Tại hạ muốn… coi… diễn biến trên đài.
Nghi Thanh liền dạ một tiếng.
Ðoạn cô kéo hai vị sư muội đứng ở phía trước Lệnh Hồ Xung che khuất thị tuyến của chàng sang một bên.
Lúc Nhạc Linh San đang tỷ kiếm với Tả Lãnh Thiền. Nhạc Linh San thi triển mười ba chiêu số trong Tung Sơn kiếm pháp xong rồi Tả Lãnh Thiền dùng nội lực đánh gẫy kiếm của Nhạc Linh San chàng trông rõ hết.
Bây giờ Tả Lãnh Thiền cùng Nhạc Bất Quần lên Phong thiền đài để chuẩn bị cuộc tỷ đấu chàng cũng nhìn thấy lơ mơ.
Hiện giờ Nhạc Bất Quần rút kiếm ra khỏi vỏ rồi xoay mình lại miệng tủm tỉm cười. Lão vẫn còn đứng cách xa Tả Lãnh Thiền chừng hai trượng.
Bầu không khí trong trường cực kỳ khẩn trương.
Quần hùng đều im lặng nín thở hồi hộp theo dõi biến diễn trên đài.
Trên đỉnh núi Tung Sơn có đến hàng mấy ngàn người tụ hội mà yên lặng như tờ.
Bỗng Lệnh Hồ Xung nghe văng vẳng có tiếng người tụng kinh rất nhỏ. Chàng lắng tai mới nghe rõ câu “Nam mô quan thế âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn”. Giọng tụng niệm đầy vẻ nhiệt thành với một tấm lòng ước vọng khôn tả.
Chàng nghe thanh âm biết rõ đây là tiếng tụng niệm của Nghi Lâm sư muội liền nhớ tới trước đây đã có lần nàng cầu nguyện cho chàng thoát nạn ở ngoài thành Hành Sơn. Bây giờ chàng gặp tai nạn, nàng lại nhất tâm tụng niệm cầu cho chàng tai qua nạn khỏi, khiến lòng chàng xúc động vô cùng.
Lệnh Hồ Xung tuy không ngoảnh mặt nhìn Nghi Lâm nhưng cặp mắt chứa chan tình cảm, bộ mặt nhu mỳ thanh nhã của nàng cũng hiện ra trước mắt.
Lúc này Lệnh Hồ Xung tựa nửa lưng bên trái vào tấm thân mềm mại ấp áp của Doanh Doanh tai chàng nghe tiếng tụng kinh của Nghi Lâm vọng tới lòng chàng chợt nổi ra bao nỗi ân tình, chàng nhủ:
– Chẳng những Doanh Doanh mà cả Nghi Lâm tiểu sư muội đều coi tính mạng ta còn quan trọng hơn cả tính mạng của hai người. Dù ta có tan xương nát thịt cũng không thể báo đền tấm tình tha thiết của hai nàng trong muôn một.
Tả Lãnh Thiền thấy Nhạc Bất Quần tay phải cầm thanh trường kiếm đưa lên ngang trước ngực, tay trái lão giữ kiếm quyết tựa hồ người cầm bút viết chữ, liền nhận được ngay chiêu này kêu bằng “Thi kiếm hội hữu” của phái Hoa Sơn.
Mỗi khi thầy trò phái Hoa Sơn hoặc bạn đồng đạo trong môn phái muốn cùng nhau ra chiêu tỷ đấu thì đầu tiên là phải trình bày chiêu thức này để tỏ ý: văn nhân kết bạn bằng câu văn bài phú, còn võ nhân kết bạn thì lấy việc nghiên cứu võ nghệ làm tôn chỉ.
Nhạc Bất Quần lúc này trình bày chiêu “Thi kiếm hội hữu” cũng không ngoài mục đính nói lên :cuộc tỷ kiếm này chỉ để phân thắng bại chứ không phải là cuộc chiến đấu một mất một còn gây ra vì chuyện thù oán chi hết.
Tả Lãnh Thiền cũng mỉm cười đáp:
– Nhạc huynh bất tất phải khách sáo.
Hắn nghĩ thầm trong bụng:
– Thằng cha này mang ngoại hiệu là Quân Tử kiếm. Nhưng ta coi bộ lão chỉ là một kẻ ngụy quân tử thì đúng hơn. Bề ngoài lão tỏ ra không hề có ý cừu địch với ta song biết đâu trong bụng hắn chẳng chứa đầy dao găm hại người một cách ngấm ngầm.
Rồi hắn tự nhủ:
– Nhạc Bất Quần tỏ thái độ nhũn nhặn đối với ta có lẽ một là vì lão khiếp nhược sợ ta ra đòn quá nặng đánh tử thương lão, hai là kẻ kiêu binh lão muốn ta coi thường, không quan tâm gì mấy rồi nhân lúc bất ngờ lão thừa cơ hạ sát thủ khiến ta không kịp đề phòng. Âu là ta phải cẩn thận mới được.
Tả Lãnh Thiền gạt tay trái qua một bên còn tay phải cầm thanh trường kiếm đưa từ mé tả sang mé hữu. Ðây là chiêu “Khai môn kiến sơn” của phái Tung Sơn.
Hắn thi triển chiêu này đầu tiên là có ý thúc giục đối phương đã đánh thì đánh luôn đừng giả bộ giả dạng nữa. Ðồng thời chiêu thức này lại ngụ ý mạt sát Nhạc Bất Quần chỉ là hạng ngụy quân tử.
Nhạc Bất Quần làm gì không hiểu thâm ý của Tả Lãnh Thiền, lão hít mạnh một hơi chân khí phóng thẳng thanh trường kiếm về phía trước, nhưng mũi kiếm mới phóng ra nửa vời bỗng đưa ngược lên trên. Ðó là chiêu “Thanh sơn ẩn ẩn” của phái Hoa Sơn. Ðường kiếm chợt ẩn chợt hiện, biến ảo khôn lường.
Tả Lãnh Thiền liền xoay kiếm bổ từ trên xuống. Khí thế mãnh liệt vô cùng.
Một số đông trong đám quần hùng bật tiếng la:
– Ô hay!
Nguyên trong Tung Sơn kiếm pháp không có chiêu này. Tả Lãnh Thiền đã sử dụng bằng trường kiếm một chiêu thức trong quyền cước.
Chiêu này là “Ðộc Phách Hoa Sơn”, một chiêu rất thông thường trong môn quyền cước. Ai đã học võ thuật đều nhận ra ngay.
Từ mấy trăm năm nay, Ngũ nhạc kiếm phái đã có mối giao tình mật thiết và ai nấy đều biết rõ phái Tung Sơn không có chiêu này. Còn những người biết chiêu “Ðộc Phách Hoa Sơn” cũng nên tránh cái danh hiệu Hoa Sơn chứ không dùng đến, hoặc muốn sử dụng cũng biến đổi một chút để giữ mối cảm tình với nhau.
Hiện giờ Tả Lãnh Thiền cố ý mượn chiêu quyền cước mà lại thi triển bằng thế kiếm để tấn công Nhạc Bất Quần thì hiển nhiên hắn có ý khinh người ra mặt để chọc giận đối phương.
Nên biết những tay cao thủ trong khi giao đấu với nhau cần nhất phải bình tĩnh sáng suốt. Bên nào nổi nóng hay hoang mang là rất dễ đi vào đường thất bại.
Quần hào dĩ nhiên đều hiểu chỗ dụng tâm của Tả Lãnh Thiền.
Kiếm pháp phái Tung Sơn sở trường ở chỗ khí thế mãnh liệt, chiêu “Ðộc Phách Hoa Sơn” tuy là một chiêu thức thông thường chẳng có chi kỳ lạ nhưng nó từ trên bổ xuống đánh “sầm” một tiếng tưởng chừng trời long núi bể. Thế là nó phát huy được chỗ sở trường của Tung Sơn kiếm pháp.
Nhạc Bất Quần nghiêng mình tránh khỏi, đồng thời lão thi triển chiêu “Cố Bách Sâm Sâm”, phóng kiếm đâm xéo tới để phản kích.
Tả Lãnh Thiền thấy kiếm pháp của Nhạc Bất Quần rất nghiêm cẩn kín đáo không mong tranh thắng mà chỉ cầu giữ cho khỏi thất bại. Ðó là chiến lược trường kỳ giao đấu. Ðồng thời hai môn “Khai môn kiến sơn” và “Ðôc phách Hoa Sơn” của hắn đánh ra không làm được cho đối phương nổi giận, vẫn giữ nguyên thái độ lạnh lùng bình tĩnh thì biết rằng Nhạc Bất Quần không phải tay vừa liền bụng bảo dạ:
– Thằng cha này quả là tay ghê gớm. Nếu ta còn khinh thường thì e rằng thất bại về tay lão mất.
Nghĩ vậy hắn không dám thi triển những chiêu thức tầm bậy nữa. Hắn vung thanh trường kiếm đưa từ bên trái qua bên phải chém ngang một phát.
Ðây là chiêu Thiên Ngoại Ngọc Long, một chiêu thức chính tông của phái Tung Sơn kiếm pháp.
Quần đệ tử phái Tung Sơn đều được qua chiêu “Thiên Ngoại Ngọc Long” nhưng không một ai sử dụng được một cách hùng hồn mãnh liệt tựa ngựa chạy rồng bay.
Bỗng thấy thanh trường kiếm của Tả Lãnh Thiền vọt ra một luồng kiếm quang lướt trên không gian chỗ căng chỗ thẳng tựa hồ một sinh vật bay ra.
Những người đứng bàng quang không khỏi ngơ ngẩn xuất thần, số đông bật lên những tiếng hoan hô vang dội.
Quần hùng đến tham dự hội nghị phần nhiều là tân khách hoặc người phái khác từ khi lên núi Tung Sơn thấy quần đệ tử phái này lúc thì khua chuông đánh trống, lúc lại đốt pháo om sòm để tâng bốc Tả Lãnh Thiền. Nhất là cử động cùng lời nói của hắn được bọn chúng phụ họa một cách rất khả ố nên mọi người có ý tức mình.
Nhưng lần này bọn đệ tử Tung Sơn vỗ tay hoan hô mọi người cho là đích đáng hợp với ý nghĩ của mình. Chính họ cũng lên tiếng khen ngợi trầm trồ.
Bằng một cây kiếm chết mà Tả Lãnh Thiền thi triển chiêu Thiên Ngoại Ngọc Long đã biến hóa một vật vô tri thành con thần long hay con linh xà cực kỳ linh động nên ai cũng bội phục.
Những tay cao thủ nổi tiếng ở các phái Thái Sơn, Hành Sơn trước nay vẫn có ý không phục Tả Lãnh Thiền nhưng bây giờ thấy hắn sử chiêu Thiên Ngoại Ngọc Long cũng phải tự nhủ:
– May mà người tỷ đấu với Tả Lãnh Thiền ở trên Phong thiền đài là Nhạc Bất Quần chứ không phải ta. Giả tỷ ta gặp hắn trong chiêu này thì thật khó bề chống đỡ.
Tả Lãnh Thiền và Nhạc Bất Quần tỷ đấu trên đài mỗi lúc một hào hứng. Cả hai người đều thi triển hết tài năng cùng những chỗ kỳ diệu trong kiếm pháp của bản phái để chống chọi.
Kiếm pháp phái Tung Sơn hùng hồn như thiên binh vạn mã chạy ầm ầm. Những chiêu thức sử dụng tựa hồ bằng gươm trường đao lớn, cát bụi mịt trời.
Kiếm pháp phái Hoa Sơn trái lại không sở trường ở chỗ hùng hồn mãnh liệt. Nó tuyệt diệu ở chỗ ung dung nhẹ nhàng như chim én bay lượn trên cành liễu giữa ngày xuân. Trường kiếm bay lượn dọc ngang nhẹ nhàng và lả lướt coi rất ngoạn mục.
Tuy nhiên Nhạc Bất Quần dần dần đi vào chỗ kém thế, còn Tả Lãnh Thiền mỗi lúc một chiếm được thượng phong. Trong mười chiêu có đến tám Nhạc Bất Quần phải giữ thế. Dường như lão hết sức né tránh chứ không đối chiêu trực tiếp để ráng kéo dài cuộc đấu. Hiển nhiên lão không thể đường đường chính chính đấu như bão táp với Tả Lãnh Thiền được nữa.
Từ khi mưu đồ cuộc hợp phái, Tả Lãnh Thiền đã tìm cách thu nạp những tay hảo thủ phái Hoa Sơn như bọn Thành Bất Ưu để phá rối. Mục đích của hắn một là khiến cho phái Hoa Sơn phải yếu đi. Hai là để nhận xét cho biết rõ võ công Nhạc Bất Quần đã đến trình độ nào?
Tả Lãnh Thiền đã hiểu rất nhiều về Nhạc Bất Quần. Ðó là kế hoạch “Biết mình biết người, đánh đây được đấy”.
Phen này hắn tỷ kiếm với Nhạc Bất Quần, ngay từ lúc chưa lên đài hắn đã nắm chắc phần thắng trong tay.
Tả Lãnh Thiền và Nhạc Bất Quần là những bậc tôn sư về võ học một khi họ cùng nhau tỷ kiếm quả nhiên không thể lấy định lý thông thường mà phán đoán sự được thua được.
Tả Lãnh Thiền đã thi triển hết mười bảy đường Tung Sơn kiếm pháp để toan đè bẹp đối phương. Còn Nhạc Bất Quần sử dụng kiếm pháp có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng kiếm pháp phái Hoa Sơn cũng có chỗ sở trường của nó là chiêu thức kỳ ảo, biến hóa phức tạp.
Sau khi hai bên tỷ đấu gần trăm hiệp mà vẫn chưa phân được thắng thua. Tuy Tả Lãnh Thiền có vẻ chiếm được thượng phong những vẫn phải kéo dài cuộc đấu không sao hạ được Nhạc Bất Quần.
Hai bên lại đấu ngoài hai mươi chiêu nữa, đột nhiên Tả Lãnh Thiền rung thanh trường kiếm bên tay mặt phóng tới đồng thời tay trái phát ra một chưởng. Thế chưởng này chụp lấy cả ba mươi sáu yếu huyệt ở thượng bàn đối phương. Nó còn nguy hiểm ở chỗ nếu đối phương tính đường tránh chưởng thì lập tức bị chiêu kiếm đả thương.
Sắc mặt Nhạc Bất Quần bỗng tím bầm lại. Ðó là lão phát huy công phu Tử hà thần công. Ðồng thời lão cũng vung tay trái đánh ra một chưởng để nghinh địch. Hai chưởng đụng nhau bật lên tiếng sầm rùng rợn.
Nhạc Bất Quần lướt mình ra ngoài còn Tả Lãnh Thiền vẫn đứng nguyên một chỗ.
Bỗng Nhạc Bất Quần lớn tiếng hỏi:
– Ðây là cuộc tỷ kiếm sao Tả huynh lại phóng chưởng? Chưởng pháp này có đúng là võ công của phái Tung Sơn không?
Lệnh Hồ Xung thấy hai người đối chưởng bất giác bật tiếng la:
– Úi chao!
Lòng chàng rất xao xuyến, lo thay cho sư phụ vì chàng biết rõ Âm hàn chưởng của Tả Lãnh Thiền cực kỳ khủng khiếp. Cả những tay nội lực phi thường như bọn Nhậm Ngã Hành mà sau khi bị trúng chưởng Âm hàn của Tả Lãnh Thiền còn bị thương cực kỳ nguy hiểm, thậm chí bốn người biến thành những cây tuyết, huống chi nội lực Nhạc Bất Quần dù sao chàng cũng tin rằng còn kém họ Nhậm. Chàng đinh ninh lão chỉ tiếp mấy chưởng nữa là bị rét cóng, không tài nào chịu nổi.
Lệnh Hồ Xung còn đang ngẫm nghĩ, bỗng nghe Tả Lãnh Thiền cười khẩy đáp:
– Nó là chưởng pháp do Tả mỗ sáng chế ra để sau này truyền thụ cho những phần tử ưu tú của Ngũ nhạc phái.
Nhạc Bất Quần cũng cười nói:
– À ra thế đấy! Nếu vậy tiểu đệ cần lãnh giáo thêm mấy chưởng nữa.
Tả Lãnh Thiền nghiến răng nói:
– Vậy càng hay!
Rồi bụng bảo dạ:
– Môn Tử hà thần công của phái Hoa Sơn quả nhiên không phải tầm thường! Thằng cha này tiếp Hàn băng thần chưởng của ta mà vẫn giữ được giọng nói bình tĩnh. Ta phải cho lão nếm thêm mấy chưởng xem lão có rét run không hay còn chịu đựng được?
Hắn liền vung trường kiếm đâm tới tấp vào Nhạc Bất Quần.
Nhạc Bất Quần múa tít trường kiếm đón đỡ. Hai bên vừa qua lại mấy chiêu kiếm nữa, lại nghe đánh sầm một tiếng. Hai chưởng đụng nhau.
Lần này Nhạc Bất Quần không bị lướt ra, lão còn lượn thanh trường kiếm thành đường cánh cung phạt ngang vào lưng Tả Lãnh Thiền.
Tả Lãnh Thiền dựng đứng thanh trường kiếm lên đón đỡ. Ðồng thời hắn vận nội lực vào tay trái phóng chưởng đáng xuống lưng Nhạc Bất Quần. Chưởng từ trên cao dáng xuống nên chưởng lực càng mạnh.
Nhạc Bất Quần xoay chưởng bên trái đỡ lấy đánh binh một tiếng. Ðỡ xong phát chưởng thứ ba. Nhạc Bất Quần bỗng lún thấp người xuống nhảy vọt ra ngoài.
Tả Lãnh Thiền đột nhiên lớn tiếng thóa mạ:
– Ðồ gian tặc! Quân mặt dầy! Sao không biết thẹn?
Tiếng la hét của hắn đầy vẻ phẫn nộ.
Mọi người thấy Nhạc Bất Quần hiển nhiên bị kém thế. Lúc lão nhẩy ra ngoài vòng chiến, chân bước hãy còn loạng choạng cơ hồ đứng không vững mà sao Tả Lãnh Thiền lại tỏ vẻ phẫn nộ cả tiếng thóa mạ như vậy? Quần hùng khônng sao hiểu được nguyên nhân.
Nguyên sau khi đối chưởng lần thứ ba, Tả Lãnh Thiền cảm thấy gan bàn tay bên trái nhức nhối khác thường. Lúc Nhạc Bất Quần nhẩy ra, hắn mới quay lại nhìn thì chưởng tâm bị thủng một lỗ nhỏ, có máu rướm ra. Hắn vừa kinh hãi vừa tức giận vì biết trong bàn tay Nhạc Bất Quần có dấu ngầm độc châm vết thủng lại rỉ máu đen thì tất mũi kim có thuốc độc. Hắn không ngờ Nhạc Bất Quần mang biệt hiệu “Quân Tử kiếm” mà lại hành động đê hèn.
Tả Lãnh Thiền hít mạnh một hơi chân khí rồi điểm huyệt để ngăn chặn máu độc khỏi chảy vào thân thể. Hắn tự nhủ:
– Tả Lãnh Thiền này là hạng người nào mà sợ mũi kim độc nhỏ mọn này? Có điều ta cần phải hạ lão cho mau không để trùng trình được nữa.
Hắn liền múa tít thanh trường kiếm tấn công đối phương ào ạt như gió táp mưa sa. Nhạc Bất Quần cũng vung trường kiếm phản kích bằng những chiêu thức mãnh liệt và hung dữ hơn trước nhiều.
Lúc này bóng dương đã xế về phía Tây, cảnh sắc mơ màng huyền ảo.
Hai người tỷ kiếm trên Phong thiền đài đi vào chỗ chiến đấu một mất một còn chứ không phải cuộc chứng nghiệm võ công cao thấp nữa. Ðó là một điều rõ rệt ai cũng nhận thấy.
Bây giờ Phương Chứng đại sư mới thở dài lên tiếng:
– Thiện tai! Thiện tai! Vì sao hắn lại thì đột nhiên biến thành hung dữ thế này?
Hai người lại đấu thêm mấy chục chiêu, Tả Lãnh Thiền thấy kiếm pháp của đối thủ vẫn nghiêm cẩn khó tìm được chỗ sơ hở đánh vào thì trong lòng nóng nẩy vô cùng. Hắn liền vận nội lực đến độ chót để quyết thắng còn Nhạc Bất Quần thì dường như chiêu thức có vẻ lúng túng đỡ gạt không kịp.
Ðột nhiên họ Nhạc cũng biết đổi thế kiếm. Lưỡi kiếm chợt hươi ra chợt thụt về, chiêu thức kỳ cục biến ảo không biết đến đâu mà lần.
Quần hùng thấy vậy rất đỗi ngạc nhiên. Có người khẽ hỏi:
– Kiếm pháp này là kiếm pháp gì vậy?
Những người nghe câu hỏi chỉ lắc đầu lia lịa, không biết là kiếm pháp gì mà trả lời.
Tả Lãnh Thiền bụng bảo dạ:
– Ta đã liệu trước đến lúc tối hậu thế nào lão cũng phải sử dụng đến môn pháp bảo này. Nhưng ta đã chuẩn bị rồi. Tịch tà kiếm pháp của lão đối với kẻ khác thì được chứ với Tả mỗ thì chẳng qua là múa rìu qua mắt thợ, đánh trống qua cửa nhà sấm mà thôi. Hết trò này ta sẽ cho lão biết tay.
Lệnh Hồ Xung ngồi tựa vào Doanh Doanh để theo dõi cuộc tỷ đấu trên Phong thiền đài, bỗng thấy Nhạc Bất Quần thi triển một thứ kiếm pháp vừa bay bướm vừa lạ mắt khác hẳn với kiếm pháp của phái Hoa Sơn thì trong lòng rất lấy làm kỳ.
Chỉ trong khoảnh khắc chàng lại thấy Tả Lãnh Thiền cũng phải thay đổi kiếm chiêu và sử dụng một thứ kiếm pháp giống sư phụ chàng như hệt, tưởng chừng hai người cùng xuất thân ở trong một môn phái.
Sau khi hai bên qua lại mấy chiêu nữa, chàng liền nhớ tới một bữa trước đây khi Tả Lãnh Thiền giao đấu với Nhậm Ngã Hành ở chùa Thiếu Lâm, hắn đã từng lấy chưởng làm kiếm và phóng ra những chiêu thức kỳ lạ. Lúc đó Hướng Vân Thiên bật tiếng la hoảng:”Tịch tà kiếm pháp”. Chàng biết ngay Tả, Nhạc hai người đương đấu “Tịch tà kiếm pháp” nhưng không khỏi ngạc nhiên tự hỏi:
– Chẳng lẽ hai tay danh thủ cùng rèn luyện môn kiếm pháp này ư?
Diễn biết bất ngờ ở trước mắt khiến tâm thần Lệnh Hồ Xung cực kỳ bối rối chàng tự nhủ:
– Té ra ta bị trục xuất khỏi môn trường phái Hoa Sơn tuy danh là vì có mối tình tha thiết với Doanh Doanh cùng giao kết với bọn người Ma giáo nhưng thực ra còn một nguyên nhân khác quan trọng hơn là vì sư phụ nghi ngờ cho ta nuốt chửng mất Tịch tà kiếm phổ mà ra. Bây giờ ta trông thấy rõ ràng hai người cùng sử dụng một thứ kiếm pháp. Ðường lối tiến thoái, công thủ giống nhau như đúc. Hai người phối hợp thành tấm lưới dầy đặc, không một chút sơ hở, khác nào là đôi sư huynh, sư đệ đồng môn đang nghiên cứu rèn luyện môn Tịch tà kiếm pháp.
Rồi chàng tự hỏi:
– Phải chăng sư phụ ta mới tìm được kiếm phổ và luyện thành cách đây chưa lâu? Nhưng tại sao Tả Lãnh Thiền cũng có kiếm phổ để mà luyện tập? Thôi phải rồi! Tả Lãnh Thiền lấy cắp kiếm phổ từ trước rồi sau sư phụ ta tìm cách đoạt lại được. Nếu vậy thì hỏng bét! Họ Tả rèn luyện từ trước tất nhiên tinh thâm hơn nhiều mà sư phụ ta luyện sau nhất định kém thế.
Quả nhiên diễn biến trên Phong thiền đài đã xẩy ra đúng như ý nghĩ của chàng. Tả Lãnh Thiền tấn công mỗi lúc một hung dữ còn Nhạc Bất Quần cứ phải lùi dần.
Nên biết Lệnh Hồ Xung có cặp mắt quan sát rất tinh tế những khía cạnh sơ hở về võ công người khác. Chàng đã nhận ra những chỗ sơ hở của sư phụ mỗi lúc một nhiều. Nhạc Bất Quần hiện đang lâm vào tình thế nguy ngập khiến lòng chàng cực kỳ xao xuyến.
Quần hùng theo dõi cuộc đấu thấy hai người thi triển một môn kiếm pháp kỳ lạ chưa từng có cũng đều lấy làm kinh ngạc.
Lúc này Tả Lãnh Thiền có vẻ nắm chắc phần thắng, bọn đệ tử phái Tung Sơn lập tức nổi tiếng reo hò trợ oai.
Tả Lãnh Thiền hy vọng chỉ trong giây lát là được đối phương thì trong lòng khấp khởi mừng thầm. Hắn phấn khởi tinh thần tấn công thật ráo riết.
Còn Nhạc Bất Quần đã lâm vào tình trạng chỉ còn thế thủ chứ không tấn công được nữa. Thủ kình của lão đã bạc nhược liền bị Tả Lãnh Thiền vung kiếm móc mạnh một cái. Tay kiếm Nhạc Bất Quần nắm không chắc, thanh kiếm bị tuột ra bay thẳng lên không.
Bọn đệ tử phái Tung Sơn lại hô vang như sấm dậy.
Trên Phong thiên đài lại xẩy diễn biến bất ngờ:
Nhạc Bất Quần tay không lún người xuống rồi nhảy vọt lên.
Ðồng thời lão thi triển những chiêu thủ pháp: cầm, nã, điểm, phóng tấn công một cách dữ dội vào họ Tả.
Thân hình lão ẩn hiện như ma quỷ lúc quanh lại đằng sau, lúc vòng ra phía trước, chợt mé tả, chợt qua bên hữu. Thủ pháp biến ảo kỳ dị không bút nào tả xiết.
Tả Lãnh Thiền giật mình kinh hãi la hoảng:
– Này!… Này…
Hắn vung kiếm lên đỡ những chiêu công kích của đối phương. Trong khi đó thanh kiếm của Nhạc Bất Quần từ trên không rớt xuống cắm ở trên đài mà không ai để ý.
Doanh Doanh bỗng hô lớn:
– Ðông Phương Bất Bại! Ðông Phương Bất Bại!…
Lệnh Hồ Xung cũng đã nhận ra Nhạc Bất Quần đang thi triển võ công của Ðông Phương Bất Bại đã dùng mũi kim thêu để đối chọi với bốn người ở Hắc Mộc Nhai bữa trước.
Tuy chàng bị trọng thương nhưng vì cảm xúc quá mạnh, quên cả đau dớn, tự mình đứng phắt dậy.
Bỗng một cánh tay mềm mại nhỏ bé đưa ra đỡ dưới nách chàng mà chàng cũng không hay biết. Cả cặp mắt dịu dàng ngó thẳng vào mặt chàng, chàng cũng chẳng nhìn thấy.
Lúc này trên đỉnh núi Tung Sơn mấy ngàn người đều chăm chú theo dõi cuộc tỷ võ trên Phong thiền đài. Chỉ có cặp mắt của Nghi Lâm là thủy chung vẫn dán chặt vào Lệnh Hồ Xung ngoài ra nàng chẳng quan tâm đến chuyện chi hết.
Bất thình lình Tả Lãnh Thiền rú lên một tiếng thê thảm rất dài.
Còn Nhạc Bất Quần lại nhẩy vọt ra ngoài vòng chiến đứng ở góc Tây Nam cách chừng một thước. Thân hình lão lảo đảo không vững cơ hồ muốn té.
Tả Lãnh Thiền múa tít thanh trường kiếm mỗi lúc một mau lẹ. Chiêu này chưa dứt đã phóng tiếp chiêu kia. Hiện giờ hắn hoàn toàn thi triển kiếm pháp phái Tung Sơn để vây bọc lấy những yếu huyệt trong người. Những chiêu kiếm pháp của hắn vừa tuyệt xảo vừa mãnh liệt. Chiêu nào kiếm phong cũng rít lên veo véo, khiến quần hùng đều phải trầm trồ khen ngợi.
Tuy nhiên nếu để ý nhìn kỹ thì họ Tả chí múa kiếm một mình chứ không phải để tấn công Nhạc Bất Quần. Tình trạng này khiến cho mọi người đều lấy làm kinh dị, chẳng hiểu ra sao.
Ai nấy tự hỏi:
– Tại sao lúc này những kiếm chiêu của Tả Lãnh Thiền toàn là thế thủ? Tại sao hắn không tiếp tục tấn công Nhạc Bất Quần?
Ðúng thế! Tả Lãnh Thiền múa kiếm coi rất linh hoạt như một người đang tự luyện kiếm pháp, tuyệt không có chiêu nào là để đối phó với đại địch.
Ðột nhiên Tả Lãnh Thiền vung kiếm phóng thẳng ra, nhưng tới nửa vời liền ngừng lại không đâm tới mà cũng không thu về. Hắn nghiêng đầu nghẹo cổ tựa hồ đang chú ý lắng tai nghe thanh âm kỳ lạ này đã phát ra.
Giữa lúc ấy nhiều người có cặp mắt sắc bén nhìn thấy ở hai khóe mắt Tả Lãnh Thiền có hai đường giây máu rất nhỏ chẩy qua bên má xuống thẳng dưới cằm.
Trong đám đông bỗng có tiếng hô:
– Y bị đui mắt rồi.