Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 191 – Lâm Bình CHi tái chiến Dư Thương Hải

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Dư Thương Hải trỏ tay về phía cát bụi tung bay đường sau ngựa Lâm Bình Chi. Ðồng thời hắn vừa dậm chân vừa lớn tiếng thóa mạ. Nhưng Lâm Bình Chi và Nhạc Linh San đã đi xa rồi thì còn nghe thấy tiếng chửi rủa của hắn thế nào được.

Dư Thương Hải lửa giận đùng đùng không nơi phát tiết, hắn quay lại mắng bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn:

– Tụi ni cô thối tha chúng bay biết rõ gã họ Lâm sắp tới đây nên đến trước để mở đường cho gã. Giỏi lắm! Thằng tiểu súc sinh họ Lâm chạy trốn rồi. Tụi bay có lớn mật thì lại cùng ta quyết một trận tử chiến.

Trong bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn, Nghi Hòa tính tình cực kỳ nóng nẩy, nghe hắn thóa mạ không nhịn được liền rút thanh trường kiếm ra nói:

– Ðánh nhau thì đánh! Chẳng lẽ bọn ta lại sợ lão ư?

Kể về nhân số thì môn hạ phái Hằng Sơn hiện diện tại đây đông gấp mấy lần phái Thanh Thành ngoài ra lại có Bất Giới hòa thượng, Ðào Cốc lục tiên, Ðiền Bá Quang là những tay cao thủ nổi danh, nếu xẩy cuộc chiến đấu thì phái Thanh Thành quyết không địch nổi vì lực lượng mạnh yếu giữa hai bên đã quá rõ rệt.

Chẳng phải Dư Thương Hải không biết thế, nhưng lúc nóng giận như người điên nên tuy hắn trước nay vốn là người mưu mô già dặn, trù tính sâu sa nhưng hiện giờ không nén nổi giận mới buông lời thách đố một cách vô ý thức như vậy.

Lệnh Hồ Xung lên tiếng can ngăn:

– Nghi Hòa sư tỷ! Sư tỷ bất tất đối lời với lão làm chi.

Doanh Doanh ngấm ngầm vận nội công dùng phép truyền âm khẽ bảo Ðào Cốc lục tiên mấy câu.

Ðào Căn Tiên, Ðào Cán Tiên, Ðào Chi Tiên và Ðào Diệp Tiên bốn người đột nhiên vọt mình đi như bay ào ào tới chỗ nhà rạp có bốn con ngựa. Con ngựa này chính là của Dư Thương Hải. Bỗng nghe tiếng ngựa thét lên rùng rợn. Ðào Cốc tứ tiên đã chia nhau mỗi người nắm lấy một vó ngựa xé mạnh một cái. Một tiếng roạc kinh khủng vang lên. Con ngựa kia đã bị xé xác thành bốn mảnh. Ruột gan cùng máu tươi bắn ra tung tóe.

Con ngựa này thân hình cao lớn mà cũng bị Ðào Cốc tứ tiên tay không xé xác đủ tỏ tý lực của họ mãnh liệt hiếm có.

Quần đệ tử phái Thanh Thành chẳng ai là không kinh hãi thất sắc. Cả bọn môn đồ phái Hằng Sơn cũng bị một phen bở vía, trống ngực đánh hơn trống làng.

Doanh Doanh lên tiếng:

– Dư lão đạo! Giữa họ Lâm và lão có cừu hận với nhau thì mặc lão với gã. bọn ta chẳng viện trợ bên nào mà chỉ tự thủ bàng quang. Lão đừng có kéo bọn ta dính vào đó. Bằng lão muốn đánh nhau thì ta nói thật cho lão hay là bọn lão chẳng thể nào địch nổi. Tội gì mà nhọc sức vô ích?

Dư Thương Hải vội giận mất khôn. Sau khi lão buông lời thóa mạ quần đệ tử phái Hằng Sơn cũng biết là mình dại. Trong lòng lão cực kỳ xao xuyến khiếp sợ nên nghe Doanh Doanh nói vậy liền tra kiếm vào vỏ đánh cách một tiếng rồi dịu giọng:

– Chúng ta đã không liên quan gì với nhau thì ai đi đường nấy. Xin các vị lên đường trước đi.

Doanh Doanh nói:

– Chúng ta đi cùng với bọn lão.

Dư Thương Hải chau mày hỏi:

– Tại sao vậy?

Doanh Doanh đáp:

– Chẳng dấu gì lão kiếm pháp của nhà họ Lâm thần tốc quá chừng chúng ta muốn coi cho rõ.

Lệnh Hồ Xung chấn động tâm thần. Câu nói của Doanh Doanh đánh trúng vào tâm sự chàng. Kiếm thuật của Lâm Bình Chi thật là kỳ ảo khôn lường cả Ðộc Cô cửu kiếm cũng không tài nào phá giải được cần phải coi cho biết rõ.

Dư Thương Hải hỏi:

– Ngươi muốn coi kiếm pháp của thằng lỏi kia thì có liên quan gì đến ta?

Câu hỏi vừa ra khỏi miệng hắn biết ngay mình lỡ lời. Vì hắn hiểu rõ giữa Lâm Bình Chi với hắn có mối thù sâu tựa biển thì chẳng khi nào gã chỉ giết một tên đệ tử phái Thanh Thành rồi chịu dừng tay, nhất định gã còn tìm hắn để trả thù. Vậy bọn Hằng Sơn muốn đợi lại để coi Lâm Bình Chi sử kiếm ra sao tàn sát người phái Thanh Thành thế nào là chuyện thường.

Ðã là người học võ thì dĩ nhiên khi thấy một môn võ công có chỗ kỳ diệu đặc biệt là phải coi cho đến nơi mới đành tâm.

Bọn đồ đệ phái Hằng Sơn toàn là người sử kiếm đương nhiên chẳng chịu bỏ qua cơ hội tốt này. Có điều bọn họ nhận định toàn thể nhân vật phái Thanh Thành đã trở nên một đàn cừu đang chờ đợi lưỡi đao đồ tể để coi xem chặt mổ thế nào thì thật là khinh người thái quá, tưởng không còn cái nhục nào bằng.

Dư Thương Hải trong lòng căm hận không bút nào tả xiết hắn toan lên tiếng thóa mạ cho bõ tức. Nhưng lời nói mới ra đến cửa miệng hắn cố gắng nhẫn nại chỉ kịt mũi một tiếng rồi bụng bảo dạ:

– Thằng lỏi họ Lâm bất quá sử dụng quái chiêu đột ngột đánh lén một cách hèn hạ, cả hai lần ta không kịp trở tay chứ có chân bản lĩnh đáng kể gì đâu? Chà! Chúng bay đã nhận định như vậy thì rồi lão đạo khiến tụi bay mở mắt mà coi cho rõ kiếm pháp của đạo gia. Ta sẽ băm thằng tiểu súc sinh nát ra như tương.

Hắn nghĩ vậy rồi trở gót về quán ngồi.

Dư Thương Hải cầm hồ trà để rót nước vào chung, bỗng tiếng lách cách vang lên không ngớt vì tay mặt lão run bần bật, nắp bình tra rung động bật lên thành tiếng.

Vừa rồi Lâm Bình Chi rút kiếm ra khoa trước mặt hắn vẫn bình tĩnh như thường cứ đủng đỉnh bưng chung trà lên nhắp coi đại địch trước mặt không vào đâu. Thế mà lúc này lòng tự hỏi lòng:

– Tại sao tay ta lại phát run? Tại sao tay ta lại phát run?

Dư Thương Hải cố gắng vận khí cho bình tĩnh lại mà nắp hồ trà vẫn rung động bật lên tiếng lách cách không ngớt.

Bọn đệ tử phái Thanh Thành lại cho là trong lòng sư phụ căm tức quá không dằn lòng được nên tay phát run.

Thực tình mà nói thì trong thâm tâm Dư Thương Hải lúc này cũng biết là mình sợ hãi đến cùng cực hắn tự nghĩ:

– Giả tỷ nhát kiếm này của Lâm Bình Chi mà đâm vào mình thì chẳng thể nào chống đỡ được.

Lúc này Doanh Doanh đã cởi bỏ quần áo hán tử, mặc nữ trang vào.

Nàng ở trong đám nữ đệ tử phái Hằng Sơn chẳng ai nhìn ra có chỗ nào đặc biệt.

Doanh Doanh thường ngồi một mình trong cỗ xe lừa, xe nàng ngồi ở cách khá xa xe của Lệnh Hồ Xung.

Tuy mối tình luyến ái giữa Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung thiên hạ đều biết rõ song nàng vẫn không sao giải trừ được nỗi thẹn thò.

Bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn thay băng buộc thuốc cho Lệnh Hồ Xung nàng cũng không để mắt ngó tới.

Bọn Trịnh Ngạc, Tần Quyên là những cô nhỏ tuổi nhất biết rõ tâm ý của Doanh Doanh nên không ngớt báo cáo với nàng về tình trạng thương thế của Lệnh Hồ Xung.

Doanh Doanh mỗi khi nghe tin chàng chỉ khẽ gật đầu chứ không nói gì, nàng cũng không lộ vẻ quan tâm ra ngoài mặt.

Doanh Doanh thấy Dư Thương Hải vào quán ngồi uống trà nàng cũng trở về ngồi trong cỗ xe lừa của mình.

Dư Thương Hải nhắp cạn chung trà rồi vẫn chưa trấn tĩnh tâm thần. Hắn ra lệnh cho mấy tên đệ tử đem gã bị Lâm Bình Chi vừa đâm chết ra mai táng ở một khu hoang lương ngoài trấn ấp. Còn số đệ tử nữa cũng vào rạp nghỉ ngơi.

Dân cư trong trấn này đứng xa xa ngó thấy có đám đánh nhau chết người thì sợ bở vía vào nhà đóng cửa lại. Chẳng một ai dám ra dòm ngó nữa.

Lệnh Hồ Xung ngồi trong xe suy nghĩ về kiếm pháp của Lâm Bình Chi. Chàng nhận thấy chính kiếm chiêu cũng chẳng có gì đặc biệt mà chỉ kỳ dị ở chỗ gã ra tay quá mau lẹ quá đột ngột lại tuyệt không có dấu hiệu gì báo trước, bất giác chàng lẩm bẩm:

– Chiêu kiếm này của Lâm sư đệ tấn công bất luận là ai mặc dầu đối phương là tay cao thủ tuyệt đỉnh ta e rằng cũng khó lòng đỡ gạt được.

Bữa trước trên Hắc Mộc Nhai bọn chàng vây đánh Ðông Phương Bất Bại. Trong tay hắn chỉ cầm một mũi kim thêu mà bốn tay cao thủ cũng chẳng có cách nào chống đỡ được.

Bây giờ chàng nghĩ kỹ lại thì cái đó không phải là tại nội công Ðông Phương Bất Bại cao thâm đến chỗ kỳ tuyệt cũng không phải chiêu số của hắn cực kỳ ảo diệu mà chỉ vì hắn hành động nhanh như điện chớp. Những thế công thủ tiến thoái của hắn đều ra ngoài sự tiên liệu của mọi người.

Chàng đem so sánh thủ pháp của Lâm Bình Chi kiềm chế Dư Thương Hải ở cạnh Phong thiền đài vừa qua và chiêu kiếm của gã đâm một tên đệ tử phái Thanh Thành mới đây thì nhận thấy đường lối võ công giống hệt đường lối của Ðông Phương Bất Bại.

Chàng nghĩ lại chiêu thức mà Nhạc Bất Quần đã đâm đui cặp mắt Tả Lãnh Thiền thì hiển nhiên cũng một đường lối ấy.

Rồi chàng tự hỏi:

– Chẳng lẽ đây là Tịch tà kiếm phổ chăng?

Nghĩ tới đây Lệnh Hồ Xung bất giác khẽ la lên:

– Tịch Tà! Tịch Tà! Sao lại kêu bằng Tịch tà? Chính công phu này có vẻ rất bàng môn tả đạo thì còn Tịch tà thế nào được?

Ðoạn chàng tự nhủ:

– Muốn đối phó với môn kiếm pháp đó thì trên đời hiện nay e rằng chỉ có một mình Phong thái sư thúc tổ làm được mà thôi. Vậy sau khi ta khỏi thương thế phải lên núi Hoa Sơn để thỉnh giáo và yêu cầu lão nhân gia chỉ điểm cho cách phá giải mới được.

Rồi chàng lại lẩm bẩm:

– Võ công của Ðông Phương Bất Bại luyện theo trong Quỳ hoa bảo điển mà ra còn võ công của Nhạc sư phụ và Lâm sư đệ lại là Tịch tà kiếm pháp. Phải rồi! Bữa trước Phương Chứng đại sư bàn về sự tích hai môn công phu này đã nói là nó cùng một nguồn gốc mà ra. Nhưng… nhưng…

Lòng chàng sực nhớ tới điều gì, bất giác chàng ngồi nhổm dậy. Cử động của chàng làm chấn động cả đến cỗ xe lừa. Vết thương lại đau nhói lên. Chàng không nhịn được bật tiếng rên la.

Nghi Lâm đứng cạnh xe vội hỏi:

– Lệnh Hồ đại ca khát nước ư?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Không phải đâu! Tiểu sư muội ơi! Nhờ tiểu sư muội đi gọi Nhâm tiểu thư qua đây!

Nghi Lâm đáp:

– Xin vâng lời đại ca!

Lát sau Doanh Doanh theo Nghi Lâm sang xe Lệnh Hồ Xung.

Nàng lạnh lùng hỏi:

– Chuyện chi vậy?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Tiểu huynh chợt nhớ ra một điều muốn bàn với Doanh muội. Trước kia lệnh tôn nói là trong quý giáo có pho Quỳ hoa bảo điển để lại cho Ðông Phương Bất Bại. Khi ấy tiểu huynh nghĩ rằng võ công ghi trong Quỳ hoa bảo điển không thể bằng được môn thần công mà lệnh tôn tự luyện lấy. Vì thế nên lão nhân gia mới trao Quỳ hoa bảo điển cho Ðông Phương Bất Bại, nhưng…

Doanh Doanh ngắt lời:

– Nhưng hiểu nhiên công phu của gia gia tiểu muội về sau lại kém Ðông Phương Bất Bại có phải thế không?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Chính thế! Duyên vo vụ này khiến cho tiểu huynh sinh lòng ngờ vực không sao tìm ra được đáp án. Nên biết con người học võ khi gặp được một pho võ học kỳ thư thì chẳng bao giờ tự mình không học lại đưa cho kẻ khác. Dù là giữa tình phụ tử, phu thê, huynh đệ là những chỗ rất thân ái thì cũng cho luyện chung là cùng. Trường hợp mình bỏ không luyện để đưa cho người khác là một điều rất trái ngược.

Doanh Doanh đáp:

– Tiểu muội đã từng hỏi gia gia về vụ này thì lão nhân gia nói sở dĩ lão nhân gia không luyện võ công trong Quỳ hoa bảo điển là vì hai lý do…

Lệnh Hồ Xung ngắt lời:

– Là những lý do gì?

Doanh Doanh đáp:

– Gia gia bảo: võ công trong Quỳ hoa bảo điển không nên học vì luyện nó có hại rất nhiều. Còn lý do thứ hai thì gia gia bảo chính người cũng không ngờ sau khi luyện võ công trong Quỳ hoa bảo điển sự thành công lại ghê gớm đến thế!

Lệnh Hồ Xung la lên:

– Không thể học được! Không thể học được! Tại sao lại thế?

Doanh Doanh nghe Lệnh Hồ Xung hỏi vậy bất giác hai má ửng hồng. Chàng ngần ngừ một chút rồi đáp:

– Vì lẽ gì không luyện được Quỳ hoa bảo điển tiểu muội cũng không rõ.

Nàng ngừng lại một chút rồi tiếp:

– Kết quả cuộc đời của Ðông Phương Bất Bại có lấy chi làm tốt đẹp.

Lệnh Hồ Xung chỉ ậm ừ một tiếng chứ không nói gì. Nhưng trong lòng chàng ngấm ngầm cảm thấy dường như sư phụ đang đi vào con đường của Ðông Phương Bất Bại.

Lần này lão hạ được Tả Lãnh Thiền đoạt chức chưởng môn Ngũ nhạc phái chàng chẳng lấy chi làm hoan hỉ. Chàng chẳng ưa gì khi phải nghe những lời xu nịnh “thiên thu vạn tải”, “nhất thống giang hồ” khi ở Hắc Mộc Nhai. Chàng còn lo nó sẽ đến với Nhạc Bất Quần.

Doanh Doanh khẽ nói:

– Xung ca cần yên nghỉ dưỡng thương, đừng nghĩ những chuyện liên miên cho hao tổn tinh thần. Tiểu muội cũng về nghỉ đây.

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Ðược rồi!

Doanh Doanh vén bức rèm xe để bước xuống, ánh trăng tỏ chiếu vào mặt nàng khiến Lệnh Hồ Xung đột nhiên cảm thấy mình có điều khiếm khuyết với nàng.

Doanh Doanh từ từ trở gót bước đi.

Bỗng nàng lên tiếng:

– Gã Lâm sư đệ của Xung ca mặc quần áo hoa lòe loẹt quá!

Nàng dứt lời thì chân đã tiến về cỗ xe lừa của nàng.

Lệnh Hồ Xung nghe Doanh Doanh nói câu này hơi lấy làm kỳ tự hỏi:

– Nàng phê bình Lâm sư đệ ăn mặc lòe loạt là có ý gì? Lâm sư đệ là tân lang lấy được người vợ như tiểu sư muội, gã ăn mặc đẹp cũng chẳng có chi là lạ. Các cô này không mấy lưu tâm đến kiếm pháp của gã lại chú ý đến bộ quần áo, thật đáng tức cười và cũng là một điều thú vị.

Lệnh Hồ Xung nhắm mắt lại nhưng không ngủ được. Trong đầu óc chàng hình ảnh Lâm Bình Chi lại hiện ra lúc gã phóng kiếm đâm tới, kiếm quang lấp loáng. Còn gã mặc quần áo gì thì chàng không sao nhớ được.

Vào khoảng nửa đêm xa xa có tiếng ngựa vọng từ phía Tây vọng lại.

Lệnh Hồ Xung ngồi nhỏm dậy, vén rèm xe nhìn ra ngoài thấy bọn đệ tử phái Hằng Sơn cùng bao nhiêu người phái Thanh Thành đều tỉnh dậy cả rồi.

Bọn đệ tử phái Hằng Sơn thấy có động lập tức họp từng bọn bảy người kết thành kiếm trận. Họ nhận định phương vị rồi đứng yên không chuyển động. Ðây là phép “Tĩnh quan đãi biến” của Ðịnh Nhàn sư thái truyền cho từ bao năm trước còn ở lại.

Bọn môn hạ phái Thanh Thành ai nấy đều rút trường kiếm, kẻ xông ra đường, người đứng tựa vào tường, họ có vẻ hoang mang lộn xộn chứ không được bình tĩnh như đệ tử phái Hằng Sơn.

Trên đường lớn, một đôi nhân tuấn chạy săm săm tới nơi.

Dưới ánh trăng tỏ ai cũng nhìn rõ đây chính là vợ chồng Lâm Bình Chi.

Lâm Bình Chi quát lên:

– Dư Thương Hải! Trước kia lũ ngươi vì muốn đánh cắp Tịch tà kiếm phổ mà sát hại song thân ta. Vậy bây giờ ta sử từng chiêu một, ngươi chú ý mà coi cho rõ.

Gã tung mình nhảy xuống ngựa. Thanh trường kiếm vẫn cài trên lưng chứ không rút ra cầm tay bước lẹ về phía bọn người phái Thanh Thành.

Nay Lệnh Hồ Xung mới định thần nhìn kỹ thì thấy Lâm Bình Chi mặc bộ quần áo vàng lạt, ban đêm nó biến thành mầu bạch nguyệt. Tà áo cùng cửa tay đều thêu hoa mầu vàng thẫm lại viền bằng chỉ kim tuyến lưng thắt đai vàng. Lúc bước chân đi quần áo gã lấp loáng có ánh sáng quả nhiên coi rất rực rỡ.

Bất giác chàng lẩm bẩm:

– Lâm sư đệ là một gã bảnh trai. Nay làm chú rể mới dĩ nhiên phải khác trước rất nhiều. Cái đó chẳng có chi đáng trách.

Ðêm qua Lâm Bình Chi ở cạnh Phong thiền đài đã tay không túm được Dư Thương Hải. Bữa nay gã lại giữ nguyên điệu bộ này. Nhưng khi nào phái Thanh Thành còn để gã thi triển tuyệt chiêu như bữa trước?

Dư Thương Hải vừa quát một tiếng đã có bốn tên đệ tử chống kiếm tiến ra.

Hai tên chia nhau nhằm đâm vào hai bên tả hữu trước ngực Lâm Bình Chi. Còn hai tên cầm kiếm quét ngang từ tả sang hữu chém vào hai chân gã.

Ðào Hoa Tiên, Ðào Thực Tiên thấy vậy giật mình kinh hãi không nhịn được bất giác bật tiếng la.

Một người hô:

– Tiểu tử! Phải cẩn thận đấy!

Còn một người hô:

– Hãy coi chừng! Tiểu tử!

Lâm Bình Chi vươn tay ra rất mau lẹ gạt một cái.

Kế đó gã xoay tay phạt ngang vào hạ bàn hai tên đệ tử phái Thanh Thành, đồng thời gã dùng khuỷu tay huých mạnh một cái.

Bỗng nghe bốn tiếng rú vang lên. Bóng hai người té xuống.

Ðây là hai tên đã dùng trường kiếm đâm vào ngực Lâm Bình Chi nhưng chúng bị đối phương sô đẩy khiến cho trường kiếm xoay lại đâm vào bụng dưới chúng.

Lâm Bình Chi hô lớn:

– Tịch tà kiếm pháp! Chiêu thứ nhì và chiêu thứ ba, ngươi coi rồi chứ?

Ðoạn gã xoay mình nhảy phốc lên ngựa giục ngựa chạy đi.

Bọn người phái Thanh Thành chẳng còn hồn vía nào nữa.

Chúng đều đứng thộn mặt ra chứ không xông lên rượt theo truy kích.

Khi chúng nhìn đến hai tên đệ tử khác thì thấy thanh trường kiếm tên này đâm từ bụng dưới lên trên vào trước ngực tên kia. Cả hai tên đều tắt hơi mà tay vẫn nắm chặt chuôi kiếm. Vì thế nên hai tên giữ nhau vẫn đứng yên không ngã lăn ra.

Lâm Bình Chi dùng thủ pháp một bên đưa đi một bên đẩy lại. Lệnh Hồ Xung cũng trông thấy rõ ràng.

Chàng vừa bội phục, bất giác bật tiếng khen:

– Thật là tuyệt diệu! Ðây đúng là kiếm pháp chứ không phải phép cầm nã.

Dưới ánh trăng tỏ ai cũng nhìn rõ Dư Thương Hải con người thấp lùn đứng bên bốn xác chết ngơ ngẩn xuất thần.

Quần đệ tử phái Thanh Thành vây quanh người hắn nhưng cũng cách xa xa và không một ai dám lên tiếng.

Lệnh Hồ Xung ngồi trong xe nhìn ra thấy Dư Thương Hải vẫn đứng yên không nhúc nhích.

Bóng người hắn dần dần dài ra. Tình trạng này coi rất kỳ bí không bút nào tả xiết.

Một phần đệ tử phái Thanh Thành đã lảng ra chỗ khác, một phần ngồi phệt xuống còn Dư Thương Hải vẫn đứng trơ trơ như tượng gỗ.

Lệnh Hồ Xung đột nhiên nẩy lòng lân mẫn. Chàng thấy hắn là một vị tôn sư phái Thanh Thành mà bị người kiềm chế không còn ho he được chút nào, đành bó tay chờ chết, lòng chàng không khỏi băn khoăn nghĩ ngợi.

Sau chàng buồn ngủ quá rồi nhắm mắt ngủ đi lúc nào không biết.

Lệnh Hồ Xung đang giấc điệp mơ màng bỗng cảm thấy xe lừa chuyển động thì ra trời đã sáng rõ.

Mọi người đều bắt đầu cuộc hành trình.

Trên con đường lớn thẳng tắp, bọn thày trò phái Thanh Thành người cưỡi ngựa kẻ đi chân đang tiến về phía trước. Nhìn bóng sau lưng bọn này thì dường như họ có cảm giác thê lương khôn tả coi chẳng khác một bày trâu dê đang đi vào lò mổ.

Lệnh Hồ Xung bụng bảo dạ:

– Bọn người này đều biết rõ Lâm Bình Chi còn quay trở lại mà họ chẳng có cách nào chống đỡ được. Nếu phân tán đào tẩu mỗi người một phương thì phái Thanh Thành từ đây coi như bị hủy diệt. Chẳng lẽ Lâm Bình Chi tìm đến chùa Tùng Phong trên núi Thanh Thành cũng không có người ra tiếp đãi.

Vào khoảng giữa trưa đoàn người đi tới một thị trấn lớn.

Mọi người phái Thanh Thành vào tửu lâu ăn uống.

Môn hạ phái Hằng Sơn thì vào quán cơm đối diện.

Hai bên cách nhau đường phố nhưng cũng trông rõ bọn thầy trò phái Thanh Thành uống từng bát rượu lớn, ăn những miếng thịt to.

Bọn ni cô lẳng lặng không ai nói gì.

Mọi người đều hiểu rằng bọn kia mất mạng trong sớm tối nên ăn một bữa cho thỏa thích để rồi chịu chết.

Vào khoảng giờ mùi đoàn người đi tới bờ sông bỗng nghe tiếng vó ngựa dồn dập.

Vợ chồng Lâm Bình Chi lại ruổi ngựa tới nơi.

Nghi Hòa thổi lên một tiếng còi, quần đệ tử phái Hằng Sơn đều dừng lại.

Khi gần tới nơi Nhạc Linh San giật cương dừng ngựa lại trước nhưng Lâm Bình Chi vẫn tiếp tục tiến về phía trước.

Dư Thương Hải vẫy tay một cái, bọn đệ tử đều xoay mình theo bờ sông chạy về phía Nam.

Lâm Bình Chi buông trận cười ha hả la gọi:

– Lão lùn họ Dư kia! Ngươi chạy đâu cho thoát?

Gã thúc mạnh hai về vào bụng ngựa, con ngựa nhảy chồm lại.

Dư Thương Hải đột nhiên quay lại phóng kiếm ra. Kiếm quang vọt lên như cầu vồng nhằm đâm vào mặt Lâm Bình Chi.

Lâm Bình Chi không ngờ thế kiếm của đối phương lợi hại như vậy gã vội rút kiếm chống đỡ.

Dư Thương Hải mỗi chiêu một ráo riết hơn. Người hắn lúc nhẩy vọt lên, lúc nép mình xuống, coi lão lúc này không phải là một lão già sáu chục tuổi thân pháp hắn còn mau lẹ hơn cả hạng thiếu niên. Thanh trường kiếm trên tay hoàn toàn theo thế công.

Tám tên đệ tử phái Thanh Thành cũng múa tít trường kiếm bao vây phía trước và phía sau ngựa của Lâm Bình Chi nhưng chúng không nhằm chém xuống ngựa.

Lệnh Hồ Xung coi mấy chiêu đã hiểu rõ ý tứ của Dư Thương Hải.

Kiếm pháp của Lâm Bình Chi sở trường về biến hóa khôn lường nhanh như chớp giật nhưng lúc này gã ngồi trên lưng ngựa thì chỗ sở trường đó kém sút rất nhiều. Nếu gã muốn tấn công đột ngột thì phải nhoai người phía trước, chân quặp chặt lấy ngựa chứ không tiến thoái tự do được như bộ chiến. Ðồng thời trường hợp này khiến cho đối phương có thể phòng bị.

Tám tên đệ tử phái Thanh Thành kia kết thành kiếm võng bao vây xung quanh ngựa là có ý khiến Lâm Bình Chi không xuống ngựa được, cứ phải ngồi trên lưng ngựa để chiến đấu thì vị tất gã đã phải là đối thủ của Dư Thương Hải.

Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:

– Chưởng môn phái Thanh Thành quả nhiên không phải hạng tầm thường. Biện pháp này cực kỳ lợi hại.

Chàng ngưng thần theo dõi kiếm pháp của Lâm Bình Chi thì thấy biến ảo khôn lường, chiêu số rất kỳ diệu mà Dư Thương Hải vẫn chống chọi được.

Chàng coi mấy chiêu nữa rồi mục quang ngẫu nhiên nhìn ra phía Nhạc Linh San đứng ở đằng xa.

Ðột nhiên toàn thân chàng run lên và giật mình kinh hãi vì chàng thấy sáu tên đệ tử phái Thanh Thành đang bao vây và bức bách nàng phải từ từ lui ra bờ sông.

Giữa lúc ấy con ngựa của Nhạc Linh San trúng kiếm nơi bụng. Nó đau quá hí vang một tiếng đồng thời nhảy chồm lên hất nàng xuống.

Nhạc Linh San phải nghiêng mình để né tránh hai nhát kiếm đâm tới rồi mới đứng dậy được.

Nhưng sáu tên đệ tử phái Thanh Thành hết sức tấn công tưởng chừng như đánh liều mạng.

Sáu tên này là những tay hảo thủ ở phái Thanh Thành.

Nhạc Linh San tuy đã học được những chiêu Ngũ nhạc kiếm phái khắc trên vách đá hậu động núi sám hối nhưng về kiếm pháp phái Thanh Thành thì nàng lại chưa học qua. Nàng đã học được những kỳ chiêu của Ngũ nhạc kiếm phái, có thể dùng kiếm pháp phái Thái Sơn đối phó với những tay hảo thủ phái Thái Sơn. Cả kiếm pháp Hằng Sơn cũng thế. Nàng còn có thể nhân đối phương kinh hãi quá mà dùng uy thế trấn áp nhưng lấy những cái đó để đối phó với đệ tử phái Thanh Thành thì lại chẳng có hiệu quả gì.

Chọn tập
Bình luận
× sticky