Nhạc Bất Quần nói tới đây, Phương Chứng đại sư hai tay chắp để trước ngực lên tiếng:
– Phước thay! Phước thay! Những lời của Nhạc tiên sinh thiệt là nhân từ phúc hậu! Giả tỷ bạn hữu võ lâm ai cũng nghĩ như Nhạc cư sĩ thì trong thiên hạ không còn những cuộc đổ máu tàn khốc nữa.
Nhạc Bất Quần khiêm nhượng đáp:
– Cái đó chẳng qua là đại sư quá khen mà thôi. Những ý kiến thô thiển tại hạ đưa ra dĩ nhiên những bậc cao tăng đắc đạo chùa Thiếu Lâm đã nghĩ tới từ lâu. Quý tự khác nào núi Thái Sơn, sao Bắc Ðẩu trong võ lâm chỉ cần kêu gọi một tiếng là hết thảy các bậc cao minh ở mọi môn phái cùng những nghĩa sỹ khắp thiên hạ đều hưởng ứng ngay. Lý luận như vậy thì võ lâm đã cấu tạo nên cơ sở vững vàng hàng trăm ngàn năm rồi. Thế mà cho tới nay trên chốn giang hồ những sự chia rẽ môn phái cùng những cuộc tranh chấp hoặc ra mặt hoặc ngấm ngầm vẫn còn tồn tại để gây ra bao nhiêu tang tóc, bao nhiêu đau khổ cho võ lâm là vì lẽ gì? Tại hạ đã suy nghĩ bao nhiêu năm trời mà chưa tìm ra được đáp án. Gần đây, tại hạ đột nhiên tỉnh ngộ nhìn thấy chỗ ngoắt nghéo bên trong.
Lão ngừng lại một chút rồi cất tiếng hỏi:
– Tại hạ nhận thấy vấn đề có liên quan đến vận mệnh toàn thể võ lâm, những không hiểu liệt vị có cho phép tại hạ trình bày re trước hội nghị chăng?
Quần hùng nhao nhao lên:
– Nhạc tiên sinh có kiến thức cao minh xin cứ nói ra. Bọn tại hạ thực sự muốn hiểu vì lẽ gì mà không tiêu diệt được những thành kiến chia rẽ trong các môn phái và những thù nghịch vô tận trong võ lâm.
Nhạc Bất Quần chờ mọi người yên lặng trở lại rồi chậm rãi nói:
– Sau nhiều năm khổ công suy nghĩ tại hạ phát giác ra được nguyên nhân trong vụ này. Sở dĩ bao nhiêu bậc tiền bối mưu cuộc hòa bình cho võ lâm mà không thành tựu chỉ vì không nghĩ tới sự khác biệt giữa hai chữ cấp bách và hòa hoãn mà thôi. Những người mưu sư bài trừ chia rẽ đã quá nhiệt tâm muốn thành tựu trong nhất thời mà không nghĩ tới rễ đã ăn sâu tất là khó nhổ.
Nhạc Bất Quần ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
– Trong võ lâm riêng về tông phái bang hội lớn đã đến mấy chục, nếu kể cả những tổ chức nhỏ phải tới hàng ngàn. Mỗi môn phái, mỗi tổ chức đều có truyền thống riêng biệt ít ra là từ mấy chục năm, nhiều là hàng trăm, ngàn năm. Vậy mà muốn xóa bỏ ngay tức khắc thì thật là một công cuộc khó khăn hơn cả tìm đường lên trời.
Tả Lãnh Thiền nghe Nhạc Bất Quần nói tới đây đã không nhịn được hỏi xen vào:
– Theo lý luận của Nhạc huynh như vậy thì không thể tiêu diệt được sự chia rẽ giữa các môn phái, chúng ta đành ôm mối thất vọng hay sao?
Nhạc Bất Quần lắc đầu đáp:
– Tại hạ chỉ nói đây là một công cuộc cực kỳ khó khăn chứ không phải là chẳng thể làm được. Tại hạ đã trình bày sự sai biệt về hành động cấp tốc và hòa hoãn khác nhau xa. Một công cuộc lớn lao và khó khăn như vậy mà muốn thành công trong một thời gian ngắn thì chẳng thế nào làm được. Dục tốc bất đạt chính là thế đó.
Nhạc Bất Quần thủng thẳng nói tiếp:
– Nay đã tìm được phương châm, nếu hết thảy những bạn võ lâm trong thiên hạ đều gắng sức hết lòng theo nguyên tắc đó chẳng sớm thì muộn tất phải thành công. Vấn đề thời gian khó mà tiên liệu được. Ít ra là năm bảy chục năm hay một trăm năm không chừng…
Tả Lãnh Thiền nóng ruột buông một tiếng thở dài ngắt lời:
– Theo lời Nhạc huynh nói phải năm bảy chục năm hay một trăm năm nữa thì e rằng công chưa thành mà bọn ta đây hầu hết đã biến thành nắm xương khô rồi.
Nhạc Bất Quần chậm rãi nói:
– Chúng ta thấy việc nên làm thì làm cho hết sức, biết đâu mà suy tính đến chuyện có đạt được mục đích hay không? Nếu chúng ta còn chưa toại nguyện thì cũng là những người trông cậy để cho con cháu những đời sau ăn trái. Như vậy chẳng phải là một công cuộc tốt đẹp để tiếng muôn đời ư? Hơn nữa công cuộc này tuy đòi hỏi năm bảy chục năm hoặc trăm năm không chừng, song chúng ta không thành công lớn thì năm bảy chục năm cũng được trông thấy một chút kết quả rồi.
Tả Lãnh Thiền lại hỏi:
– Nếu trong vòng năm bảy chục năm hoặc mười năm mà đã có kết quả dù chỉ là một kết quả nhỏ xíu đã hay lắm. Chúng ta chẳng dám mong gì hơn nữa. Có điều Nhạc huynh đã nghĩ tới chương trình cho chúng ta phải hành động cách nào chưa?
Nhạc Bất Quần tủm tỉm cười đáp:
– Trước hết tại hạ xin tuyên bố công cuộc dự định của Tả minh chủ đáng kể là một hành động rất tốt đẹp vì nó cấu tạo nên một căn bản để đồng đạo trên chốn giang hồ được hưởng phúc lớn. Thật tình mà nói thì trừ diệt những mối chia rẽ môn phái chẳng có cách nào tiến hành ngay được. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu bằng cuộc lựa chọn những môn phái địa thế gần nhau, võ công tương tự như nhau, hoặc có những mối giao hảo đồng tâm hiệp lực với nhau thì trong vòng mười năm có thể đi đến chỗ thành công được phần nào. Tỷ như việc hợp nhất Ngũ nhạc kiếm phái chúng ta thành Ngũ Nhạc phái là gây nên một tiền lệ. Công cuộc này là một thịnh sự đáng ghi trong lịch sử võ lâm và đáng được tuyên dương mãi mãi.
Nhạc Bất Quần vừa dứt lời đã nghe tiếng quần hùng la ó om sòm.
Những người có ý kiến phản kháng lấy làm khó chịu về thái độ Nhạc Bất Quần đã cùng phe Tả Lãnh Thiền.
Lệnh Hồ Xung càng giật mình kinh hãi nghĩ thầm:
– Ta cứ yên trí là sư phụ sẽ chống việc hợp phái để giữ cho phái Hoa Sơn còn tồn tại trong võ lâm. Ngờ đâu lão nhân gia đã đi đường lối trái ngược. Nhưng ta đã có lời hứa thì đành phải chịu chẳng thể tranh cãi được.
Chàng nóng ruột đưa mắt nhìn Phương Chứng đại sư và Xung Hư đạo trưởng thì chỉ thấy hai vị này lắc đầu, thở dài, lộ vẻ buồn thiu.
Tả Lãnh Thiền lại nói:
– Tình thật mà nói thì khi phái Tung Sơn tán thành việc hợp nhất Ngũ nhạc kiếm phái cũng chỉ nghĩ tới ý nghĩa đoàn kết thì mạnh chia rẽ yếu cho trong năm phái mà thôi. Nay nghe Nhạc tiên sinh trình bày lý lẽ, tại hạ chợt hiểu ra rằng việc hợp nhất năm phái này còn có ảnh hưởng trọng đại đối với tiền đồ lịch sử võ lâm, chứ chẳng phải lợi riêng cho Ngũ nhạc kiếm phái chúng ta mà thôi. Tả mỗ rất cám ơn Nhạc huynh đã cho một bài học rất đáng giá.
Nhạc Bất Quần lại khiêm nhượng:
– Tả minh chủ dạy quá lời! Tại hạ xin nói rõ thêm: Việc hợp nhất năm phái là hay nhưng nếu mục đích của nó chỉ để bàng trướng thế lực đặng tranh hùng với các môn phái khác gây thêm nhiều sóng gió cho võ lâm thì lại là một mối họa lớn trên giang hồ. Vậy việc hợp phái phải theo đường lối duy nhất là :”Giải quyết phân tranh” mới có lợi. Theo sự nhận xét của tại hạ thì một số đồng đạo lo rằng sau khi năm phái hợp nhất trở nên hùng mạnh sẽ là mối nguy cho các môn phái bé nhỏ song tại hạ thiết tưởng các vị bất tất phải quan tâm vì đây là bước đầu cho cuộc đại đoàn kết võ lâm.
Quần hùng nghe Nhạc Bất Quần nói tới đây một số lấy làm hoan hỷ còn một số lộ vẻ hoài nghi.
Tả Lãnh Thiền lại lên tiếng:
– Theo lời Nhạc huynh thì phái Hoa Sơn đã tán đồng một cách nhiệt liệt việc hợp nhất Ngũ nhạc phái, không còn nghi ngờ gì nữa.
Nhạc Bất Quần mỉm cười đáp:
– Chính là thế đó!
Lão đưa mắt nhìn Lệnh Hồ Xung nói tiếp:
– Lệnh Hồ chưởng môn trước kia đã là môn hạ phái Hoa Sơn. Giữa tại hạ và y có tình sư đệ hai chục năm trời. Mới đây vì trường hợp đặc biệt y rời khỏi tệ phái nhưng xem chừng lúc nào y cũng không quên mối tình thầy trò cũ kỹ và ngày đêm hy vọng được trở về môn phái với tại hạ. Vậy bữa nay nhân cuộc đại hội Ngũ nhạc phái tại hạ tuyên bố ưng thuận lòng mong mỏi của y. Bất luận lúc nào y trở lại môn trường phái Hoa Sơn cũng không gặp điều gì trở ngại.
Lão nói câu này với nụ cười trên môi khiến Lệnh Hồ Xung rạo rực trong lòng.
Ðồng thời chàng tỉnh ngộ nghĩ thầm:
– Té ra sư phụ đã có chủ trương hợp nhất năm phái từ trước. Vậy việc lão nhân gia ưng thuận cho ta trở lại môn trường không phải là trở về phái Hoa Sơn vì sau khi hợp nhất năm phái, phái Hoa Sơn không còn tên nữa. Trường hợp này cả sư phụ, sư nương và ta cùng ở chung trong Ngũ nhạc phái. Ðiều này thật là danh chính ngôn thuận.
Rồi chàng tự nhủ:
– Thâm ý của sư phụ ta là hợp nhất năm phái để giải quyết mọi việc phân tranh. Nếu đúng vậy thì công cuộc này rất tốt đẹp. Có điều ta chưa hiểu sự diễn tiến của Ngũ nhạc phái sau này sẽ theo chủ trương của sư phụ ta hay Tả Lãnh Thiền lại lái nó theo đường lối của hắn? Nhưng dù trường hợp này xảy ra thì hai phái Hoa Sơn, Hằng Sơn nhất định đồng tâm hợp lực với nhau. Ngoài ra phái Hành Sơn và một số môn đồ trung kiên của phái Thái Sơn cũng theo về với chúng ta. Nếu xẩy cuộc xung đột thì bên ta đem lực lượng của ba phái rưỡi chống lại phái Thái Sơn cùng một nửa phái Thái Sơn ly khai, bên ta vẫn nắm được ưu thế trong tay.
Lệnh Hồ Xung còn đang thầm nghĩ, bỗng nghe Tả Lãnh Thiền lớn tiếng chúc tụng:
– Bắt đầu từ hôm nay Nhạc tiên sinh và Lệnh Hồ chưởng môn nối lại tình xưa nghĩa cũ, hai thầy trò quý vị về cùng một phái. Thật là đáng khen! Thật là đáng mừng!
Tả Lãnh Thiền vừa dứt lời, trong bọn quần hùng có mấy trăm người đồng thanh vỗ tay hoan hô.
Ðột nhiên Ðào Chi Tiên lớn tiếng:
– Việc này không được! Nhất định không xong rồi.
Ðào Căn Tiên hỏi:
– Sao lại không được?
Ðào Chi Tiên đáp:
– Nguyên chức chưởng môn phái Hằng Sơn đáng lý là về phần sáu anh em chúng ta mới phải. Có đúng thế không?
Ðào Cốc ngũ tiên đồng thanh:
– Kể ra đúng thế thật.
Ðào Chi Tiên liền hỏi tiếp:
– Sau đó chúng ta vì giữ lịch sự mà nhường lại cho Lệnh Hồ Xung phải vậy không? Nhưng chúng ta nhường cho y với điều kiện là phải trả thù cho ba vị sư thái Ðịnh Nhàn, Ðịnh Tĩnh và Ðịnh Dật phải không? Trường hợp mà Lệnh Hồ Xung không thể trả thù được cho ba vị sư thái thì y không xứng đáng giữ chức chưởng môn phái này nữa phải không?
Mỗi câu hỏi của Ðào Chi Tiên đều được bọn Ðào Căn Tiên đồng thanh trả lời :”Ðúng thế”.
Ðào Chi Tiên lại hỏi:
– Theo sự nhất xét của tiểu đệ thì kẻ có dã tâm ám hại ba vị sư thái lại là người ở ngay trong Ngũ nhạc kiếm phái mà người đó nếu không ở họ Tả tất ở họ Hữu, bằng không ở họ Tả họ Hữu thì tất là người họ Trung. Nay Lệnh Hồ Xung tự ý xóa bỏ phái Hằng Sơn để sát nhập vào Ngũ nhạc phái thì giữa y và kẻ thù của phái Hằng Sơn sư huynh, sư đệ đồng môn khi nào y còn trở mặt báo thù cho ba vị sư thái được? Ðây lại là mối huyết cừu của quần đệ tử phái Hằng Sơn thì chẳng thể nào bỏ đi được, phải không?
Ðào Cốc lục tiên đồng thanh hô lên:
– Phải lắm! Phải lắm!
Tả Lãnh Thiền thấy bọn Ðào Cốc lục tiên mạt sát mình ra mặt trước quần hào thì căm tức không bút nào tả xiết. Hắn lẩm bẩm:
– Mấy tên vô lại này có gan dám nhục mạ ta trước mặt quần hùng. Nếu còn để chúng sống thêm mấy giờ nữa chắc chúng còn tuôn ra nhiều điều hỗn xược càn rỡ.
Bỗng nghe Ðào Căn Tiên lớn tiếng hỏi:
– Lệnh Hồ Xung đã không trả được thù cho vị tiền chưởng môn phái Hằng Sơn là Ðịnh Nhàn sư thái thì còn để y làm chưởng môn nữa không? Y đã không phải là chưởng môn phái Hằng Sơn liệu y có đủ quyền để đưa ra quyết định về vận mệnh của bản phái không? Y đã không thể quyết định được công việc cho môn phái thì y còn tư cách gì để nói chuyện về việc cho phái Hằng Sơn gia nhập Ngũ nhạc phái?
Sáu anh em Ðào Căn Tiên đồng thanh đáp:
– Lệnh Hồ Xung phế bỏ việc trả thù cho tiền chưởng môn thì không còn tư cách gì để định đoạt hay nói chuyện về việc đưa phái Hằng Sơn gia nhập Ngũ nhạc phái. Không được! Trăm ngàn lần không được!
Ðào Thực Tiên nói:
– Bất cứ phái nào cũng chẳng thể một ngày không có chưởng môn. Nếu Lệnh Hồ Xung bị mất quyền chưởng môn phái Hằng Sơn thì phải tìm ngay một nhân vật xứng đáng khác thay thế. Phải vậy không? Vụ này hồi Ðịnh Nhàn sư thái còn sinh thời chắc đã lựa chọn người võ công cao cường, kiến thức xuất chúng rồi. Các vị huynh trưởng thử nghĩ lại coi! Tiểu đệ nói vậy có đúng không?
Năm anh em Ðào Căn Tiên nghe Ðào Thực Tiên nói vậy đều đồng thanh dõng dạc đáp:
– Lục đệ nói phải lắm!
Quần hùng nghe cuộc đối thoại giữa Ðào Cốc lục tiên đa số cho là bọn chúng tuy muốn phá rối cuộc thống nhất Ngũ nhạc kiếm phái do Tả Lãnh Thiền chủ trương nhưng cũng không khỏi phì cười. Nhất là những người không hưởng ứng cuộc hợp nhất liền nhân cơ hội này lên tiếng phụ họa, cất cao giọng đáp:
– Phải lắm! Phải lắm!
Lệnh Hồ Xung từ lúc thấy Nhạc Bất Quần tuyên bố tán đồng việc hợp phái thì trong dạ hoang mang vô cùng! Nhất là lúc chàng nghe bọn Ðào Cốc lục tiên nhắc tới việc báo thù cho ba vị sư thái phái Hằng Sơn thì lòng chàng se lại. Sau họ mạt sát cùng phản đối Tả Lãnh Thiền kịch liệt thì chàng lại nức lòng hởi dạ, tưởng chừng sáu anh em họ đã gỡ giúp chàng một vấn đề mà chàng không giải quyết được rồi bụng bảo dạ:
– Trước nay Ðào Cốc lục tiên ăn nói rông càn, ba hoa xích đế chẳng câu nào dính với câu nào. Nhưng bữa nay họ lý luận rất có ý tứ khiến người mới nghe thoạt tiên tưởng chừng như chuyện không đâu, song thực ra câu nào cũng đón trước rào sau rất kín đáo mà ý kiến thâm trầm, khiến đối phương dù bực tức đến đâu cũng không thể bắt bẻ được. Tình hình sáu lão bữa nay so với những ngày trước thật khác nhau một trời một vực. Phải chăng có cao nhân đứng sau lưng họ để giật dây?
Bỗng nghe Ðào Hoa Tiên lên tiếng:
– Sáu vị đại anh hùng võ công trác tuyệt, kiến thức siêu quần ở phái Hằng Sơn thì các vị dù là người ngốc cũng hiểu là ai rồi, có đúng thế không?
Hơn trăm người bật cười, kéo gân cổ lên đồng thanh đáp:
– Ðúng lắm!
Ðào Hoa Tiên hỏi tiếp:
– Công đạo ở trong lòng người mà ra. Còn phải trái xin nhường cho dư luận xét đoán. Sáu vị anh hùng là ai, xin quần hùng vạch mặt chỉ tên!
Số người phụ họa mỗi lúc một đông. Chừng hai trăm người cất tiếng đáp:
– Ðào Cốc lục tiên! Là Ðào Cốc lục tiên chứ còn ai vào đây?
Ðào Chi Tiên liền cho ra một tràng lý thuyết huênh hoang:
– Phải lắm! Chức chưởng môn của phái Hằng Sơn cả đệ tử bản phái lẫn quần hùng bên ngoài đều công nhận phải do sáu anh em tại hạ đảm nhận có lý đâu tại hạ lại thoái thác được? Bọn tại hạ quyết định giữ gìn đức cao vọng trọng, dốc lòng chịu đựng gian nan, chỉ những toan đạp núi lấp sông, lòng cũng rấp báo cừu tuyết hận. Quản chi việc dóng trống khua chuông, mở cửa rộng đón người hào kiệt…
Ðào Căn Tiên càng nói càng hăng, tuôn ra những câu thuộc lòng đầu Ngô mình Sở, khiến quần hùng ôm bụng cười.
Trái lại bọn Tung Sơn tức quá thét lên ầm ầm:
– Sáu con tườu kia! Ðây không phải là nơi các ngươi đến làm trò rối. Biết điều thì cút đi cho rảnh.
Ðào Chi Tiên lớn tiếng:
– Thế này thì lạ thật! Phái Tung Sơn các ngươi đã trăm phương ngàn kế mưu đồ cuộc hợp phái. Sáu vị đại anh hùng chúng ta ở phái Hằng Sơn vì nể mặt các ngươi mà đến đây tham dự hội nghị, sao các ngươi lại trở mặt xua đuổi anh hùng hào kiệt? Ðược lắm! Sáu vị đại anh hùng chúng ta đi rồi những tiểu nữ anh hùng, nữ hào kiệt cũng theo sau xuống núi. Việc hợp phái của các ngươi sẽ thành rối loạn xà ngầu, nát hơn cơm nếp, thử xem có thành tựu được không?
Lão quay lại nhìn phái Hằng Sơn lớn tiếng hô:
– Hỡi các vị bằng hữu, quần đệ tử phái Hằng Sơn! Chúng ta bỏ đi thôi! Ðể cho họ xoay sở việc hợp phái. Tả Lãnh Thiền muốn làm chưởng môn Tứ nhạc phái thì để mặc cho hắn làm. Họ đã không cần mình thì ở lại làm chi?
Bọn Nghi Hòa, Nghi Thanh cùng quần đệ tử phái Hằng Sơn trong lòng chứa đầy mối oán thù cùng Tả Lãnh Thiền bây giờ họ nghe thấy Ðào Chi Tiên hô lên liền lập tức hưởng ứng:
– Phải rồi! Chúng ta bỏ đi thôi!
Trước tình trạng này, Tả Lãnh Thiền rất đỗi hoang mang bụng bảo dạ:
– Nếu để phái Hằng Sơn bỏ đi thì Ngũ nhạc phái biến thành Tứ nhạc phái. Xưa nay thiên hạ chỉ biết có Ngũ nhạc mà để khuyết một phái thì còn ra thế nào? Dù ta có lên làm chưởng môn Tứ nhạc phái cũng chẳng vẻ vang gì mà còn thành một trò cười trong võ lâm.
Hắn nghĩ vậy liền cất giọng ôn hòa:
– Các vị bạn hữu phái Hằng Sơn! Dù các vị có điều gì bất như ý, chúng ta cứ thong thả dàn xếp cho đẹp đẽ. Các vị không nên nóng nảy như vậy mà vừa hỏng việc lớn vừa để quần hùng thiên hạ cười chúng ta là thiếu sự hòa nhã.
Ðào Căn Tiên được thế làm già:
– Những bọn nanh vuốt chó má, cùng những quân thủ hạ đê hèn coi người bằng nửa con mắt, dám hỗn xược xua đuổi sáu vị anh hùng chúng ta, nào phải chúng ta tự ý bỏ đi?
Tả Lãnh Thiền hừ một tiếng rồi quay sang cự nự Lệnh Hồ Xung:
– Lệnh Hồ chưởng môn! Những người võ học như ngô bối một lời nói coi nặng bằng non, Lệnh Hồ chưởng môn đã tuyên bố quyết theo ý chí của Nhạc tiên sinh, chẳng lẽ lời đó không đáng kể ư? Sao chưởng môn để cho bọn họ quấy phá?
Lệnh Hồ Xung đưa mắt ngó Nhạc Bất Quần thì thấy lão lộ vẻ quan tâm nhìn chàng gật đầu luôn mấy cái. Chàng quay lại nhìn Phương Chứng đại sư cùng Xung Hư đạo trưởng thì hai vị này lại lắc đầu quầy quậy.
Lệnh Hồ Xung còn đang ngần ngừ bỗng Nhạc Bất Quần lên tiếng:
– Xung nhi! Giữa ta và ngươi có nghĩa thầy trò mà tình đồng phụ tử. Sư nương đối với ngươi cũng một lòng tha thiết. Chẳng lẽ ngươi lại không muốn đoàn tụ vui vẻ như ngày trước ư?
Lệnh Hồ Xung nghe lão nói trong lòng xúc động, nước mắt chan hòa liền lên tiếng đáp:
– Thưa sư phụ cùng sư nương! Thủy chung đệ tử chỉ mong muốn như vậy. Nay sư phụ đã tán thành việc hợp phái, có lý đâu đệ tử dám trái ý.
Chàng ngừng lại một chút rồi tiếp:
– Nhưng đệ tử đã lập lời trọng thệ là sau khi lãnh chức chưởng môn quyết tâm báo thù cho ba vị sư thái đã bị kẻ dã tâm đem lòng ám hại…
Nhạc Bất Quần thấy bọn Ðào Cốc lục tiên nêu vấn đề trả oán cho ba vị sư thái phái Hằng Sơn để lung lạc quần đệ tử phái này chống đối việc hợp phái. Bây giờ lão lại nghe Lệnh Hồ Xung tỏ vẻ ngần ngừ cũng không ngoài vấn đề đó, liền dõng dạc đáp:
– Ba vị sư thái Ðịnh Tĩnh, Ðịnh Nhàn và Ðịnh Dật phái Hằng Sơn là những bậc đức cao vọng trọng bị thảm tử vì có kẻ manh tâm ám toán là một mối đau thương chung cho đồng đạo võ lâm. Sau khi năm phái hợp nhất rồi thì công việc phái Hằng Sơn hay phái nào trong Ngũ nhạc kiếm phái Nhạc mỗ cũng phải gánh phần trách nhiệm. Về việc rửa hận cho ba vị sư thái, trước hết chúng ta phải tìm ra hung thủ. Một khi trong tay đã nắm đủ được bằng chứng sát nhân thì với lực lượng Ngũ nhạc phái cùng hiệp lực của bạn đồng đạo, chúng ta thừa sức băm nát phạm nhân ra như tương, mặc dầu hắn đã luyện thành tấm thân xương đồng da sắt. Xung nhi ngươi bất tất phải quá đa tâm về vụ này. Nếu hung thủ là một người trong Ngũ nhạc phái chúng ta thì bất luận ở địa vị tôn cao đến bực nào hanh oai danh lừng lẫy võ lâm cũng quyết không dung thứ.
Lão nói câu này bằng một giọng nghiêm trang nhưng lời lẽ đầy vẻ hùng hồn khí khái, chẳng chút e dè úy kỵ, khiến cho quần nữ đệ tử phái Hằng Sơn hởi lòng hởi dạ bật tiếng hoan hô vang dội.
Nghi Hòa cất cao giọng hưởng ứng:
– Những lời đanh thép của Nhạc sư bá quả là hợp tình hợp lý. Nếu sư bá chịu đứng ra chủ trương đại cuộc trả được mối huyết cừu cho ba vị sư trưởng phái Hằng Sơn thì bọn sư điệt xin ghi lòng tạc dạ đại đức.
Nhạc Bất Quần khẳng khái đáp:
– Nhạc mỗ xin sẵn sàng lãnh trách nhiệm về vụ này. Nếu trong vòng ba năm Nhạc mỗ không trả xong mối thù cho ba vị sư thái phái Hằng Sơn thì cam chịu những điều xỉ vả của các bạn đồng đạo võ lâm như một kẻ tiểu nhân đê hèn không giữ tín nghĩa.
Lão vừa dứt lời quần đệ tử phái Hằng Sơn nổi lên một tràng pháo tay xen lẫn với tiếng reo hò như sấm dậy. Người ngoài cũng gật đầu vỗ tay ra chiều cổ vũ.
Chỉ có Lệnh Hồ Xung vẫn còn thắc mắc lo âu bụng bảo dạ:
– Ta cũng quyết tâm trả oán cho ba vị sư thái, nhưng nếu hạn định thời gian thì thật không dám cả quyết. Tình thực mà nói thì số đông nghi ngờ Tả Lãnh Thiền đã chủ mưu vụ này, song chưa ai nắm được chứng cớ rõ rệt. Dù có kiềm chế được hắn bắt phải cung xưng thì đã dễ gì ép buộc hắn chịu thừa nhận? Không hiểu sao sư phụ lại cả quyết như vậy?
Chàng như người chợt hiểu tự nhủ:
– À phải rồi! Chắc lão nhân gia đã biết rõ ai là hung thủ và nắm đủ bằng chứng trong tay. Như vậy thì chỉ trong vòng ba năm dĩ nhiên lão nhân gia có thể giải quyết xong vụ này.
Nhạc Bất Quần đã tán đồng việc hợp phái, dĩ nhiên chẳng khi nào chàng có ý phản kháng mà chàng chỉ lo quần đệ tử phái Hằng Sơn chống đối. Bây giờ chàng thấy họ đồng thanh hoan hô Nhạc Bất Quần thì trong lòng khoan khoái, liền lớn tiếng hỏi:
– Hay lắm! Sư phụ tại hạ đã nói: chỉ cần tìm ra kẻ ám hại ba vị sư thái phái Hằng Sơn là ai dù là người trong Ngũ nhạc phái có địa vị tôn cao đến đâu cũng quyết không dung thứ. Tả minh chủ có tán đồng điểm đó chăng?
Tả Lãnh Thiền thản nhiên đáp:
– Ðiều đó rất hợp công nghĩa. Dĩ nhiên Tả mỗ tán đồng.
Lệnh Hồ Xung cất cao giọng phân bua:
– Các vị anh hùng thiên hạ hiện diện tại đây bữa nay hắn đã nghe rõ chỉ cần tìm đủ chứng cớ ai là thủ phạm ám toán 3 vị sư thái phái Hằng Sơn bất luận người đó có đích thân hạ thủ hay mượn tay kẻ khác mặc dù hắn là bậc tôn trưởng trong môn phái hay tiền bối võ lâm ai cũng có quyền giết hắn để trả thù cho người đã quá cố.
Phân nửa quần hùng đã cố ý đồng tình.
Tả Lãnh Thiền chờ mọi người yên lại rồi dõng dạc tuyên bố:
– Hiện nay các vị chưởng môn phái Thái Sơn ở Ðông nhạc, phái Hành Sơn ở Nam nhạc, phái Hoa Sơn ở tây nhạc, phái Hằng Sơn ở bắc nhạc và phái Tung Sơn ở trung nhạc đều tán thành việc hợp nhất năm kiếm phái thành Ngũ nhạc phái vậy danh từ “Ngũ nhạc kiếm phái” từ đây không còn tồn tại trong võ lâm nữa. Quần đệ tử trong năm phái ta biến thành môn đồ Ngũ nhạc phái.
Dứt lời hắn giơ cao tay trái lên ra hiệu.
Bốn mặt sườn núi liền nổ vang những tràng pháo đinh tai nhức óc, vang động cả góc trời hồi lâu không ngớt. Ngoài những tiếng pháo “đẹt đẹt đùng” rền như sấm nổ, thỉnh thoảng điểm những cây pháo bông vọt lên lưng trời.
Bọn Tung Sơn tổ chức việc vui mừng ngày khai sơn lập phái Ngũ nhạc thật là linh đình rầm rộ.
Quần hùng đưa mắt nhìn nhau, vẻ mặt tươi cười, ai cũng nghĩ bụng:
– Tả Lãnh Thiền đã chuẩn bị rất tỉ mỉ, nhất định cho công cuộc hợp phái phải thành tựu. Vạn nhất mà việc không xong thì trên đỉnh Tung Sơn này bữa nay tất xảy cuộc máu chảy thành sông, thây phơi đầy núi.
Hồi lâu tiếng pháo thưa dần rồi im lại.
Nhiều hào kiệt giang hồ lục tục tiến lại chúc mừng Tả Lãnh Thiền. Bọn này hoặc do phái Tung Sơn mời đến để trợ lực, hoặc thấy Tả Lãnh Thiền thành công mà sợ thế hắn nên có ý vành cạnh để cầu an.
Tả Lãnh Thiền miệng không ngớt đưa ra những lời khiêm tốn, hòa nhã. Nét mặt lạnh như tiền thường ngày của hắn thỉnh thoảng lại điểm một nụ cười.
Bỗng nghe Ðào Căn Tiên lên tiếng:
– Có hiểu thời vụ mới là tay tuấn kiệt! Bọn lão phu lúc nãy sở dĩ chưa hưởng ứng cuộc hợp phái vì không thấy ai nghĩ tới việc trả thù cho ba vị sư thái phái Hằng Sơn là những bậc anh hùng đã bị ám hại. Hiện giờ vụ đó đã có người lãnh trách nhiệm và toàn thể quần hào không ai có ý phản kháng nữa vậy bọn Ðào mỗ cũng thuận theo lẽ trời không còn điều chi dị nghị.
Tả Lãnh Thiền bụng bảo dạ:
– Từ lúc sáu quái vật này lên núi, bây giờ mới thấy hắn thốt ra được một câu nói của con người.
Ðào Căn Tiên lại hỏi:
– Việc hợp phái như vậy là cáo thành. Còn chức chưởng môn tân Ngũ nhạc phái sẽ do ai đảm nhiệm? Giả tỷ bọn Ðào mỗ được số đông quần hùng đề cử thì dĩ nhiên là phải đứng ra gánh vác, chẳng khi nào trốn tránh trách nhiệm cho uổng tiếng anh hùng.
Quần hùng nghe lão nói vậy lại cười ồ cả lên.